Mẹo giúp học sinh phân biệt ẩn dụ, hoán dụ
Mẹo giúp học sinh phân biệt ẩn dụ, hoán dụ lớp 6 giúp các em học sinh nắm rõ cách phân biệt 2 biện pháp tu từ trong chương trình Ngữ Văn lớp 6, chuẩn bị cho các bài thi bài kiểm tra trong năm học. Mời các em học sinh tham khảo chi tiết.
Phân biệt ẩn dụ, hoán dụ
Thế nào là ẩn dụ và hoán dụ lớp 6?
Ẩn dụ: là việc gọi tên sự vật này bằng tên sự vật khác dựa trên mối quan hệ tương đồng (giống nhau) giữa chúng. Ẩn dụ gồm bốn loại: ẩn dụ hình thức, ẩn dụ phẩm chất, ẩn dụ cách thức và ẩn dụ chuyển đổi cảm giác.
Ví dụ: “Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông” [Truyện Kiều – Nguyễn Du]
Ở đây hoa lựu màu đỏ như lửa, bởi vậy lửa (A) được dùng làm ẩn dụ chỉ hoa lựu (B)
Hoán dụ: là việc gọi tên sự vật này bằng tên sự vật khác dựa trên mối quan hệ tương cận (gần gũi) giữa chúng. Hoán dụ được chia thành bốn loại: lấy một bộ phận thay thế cho toàn thể; lấy vật chứa thay cho vật bị chứa; lấy dấu hiệu để thay cho vật mang dấu hiệu; lấy cái cụ thể thay thế cho cái trừu tượng.
Ví dụ: “Đầu xanh có tội tình gì
Má hồng đến quá nửa thì chưa thôi”
Đầu xanh: là bộ phận cơ thể người (gần kề với người) , được lấy làm hoán dụ chỉ người còn trẻ (ví dụ tương tự: đầu bạc- người già)
Má hồng: chỉ người con gái đẹp
Điểm chung khiến học sinh dễ nhầm lẫn giữa ẩn dụ và hoán dụ
Học sinh thường nhầm lẫn giữa ẩn dụ và hoán dụ vì chúng đều là biện pháp tu từ giúp sự diễn đạt thêm sinh động, tăng sự gợi cảm gợi hình và được tạo ra bằng việc thay đổi tên gọi của sự vật này bằng tên gọi của sự vật khác.
Để giúp học sinh dễ hiểu hơn, hệ thống lại bằng mô hình sơ đồ như sau:
Sự vật được gọi tên là A bị ẩn đi và thay thế thành tên khác là B trong văn bản qua thao tác liên tưởng, so sánh. Muốn xác định đâu là A, B học sinh cần dựa vào văn cảnh, văn cảnh, tức là dựa vào câu thơ, câu văn mà hình ảnh đó xuất hiện.
Mẹo phân biệt ẩn dụ và hoán dụ trong câu văn, câu thơ
Mối liên hệ giữa hai sự vật chính là yếu tố quyết định để phân biệt biện pháp tu từ đó là ẩn dụ hay hoán dụ.. Nếu hai sự vật có mối quan hệ tương đồng, có sự giống nhau thì ta có biện pháp tu từ ẩn dụ. Mặt khác, nếu mối quan hệ giữa chúng là tương cận, có sự gần gũi nhau thì ta có biện pháp tu từ hoán dụ.
Khi xử lí dạng bài tập về biện pháp tu từ ẩn dụ và hoán dụ, học sinh cần làm theo hai bước:
– Bước 1: Từ yếu tố đã cho trong văn bản, học sinh cần tìm ra yếu tố bị ẩn đi hay tên gọi ban đầu của nó dựa vào văn cảnh và ngữ cảnh.
– Bước 2: Xét mối quan hệ giữa hai yếu tố để khẳng định đó là ẩn dụ hay hoán dụ.
Để dễ dàng phân biệt ẩn dụ và hoán dụ, thầy Hùng mách cho các bạn một mẹo rất đơn giản: “Bản chất của ẩn dụ đó là phép so sánh ngầm. Vậy khi ta đã khôi phục được hai hình ảnh A và B, ta thử đặt 1 từ so sánh giữa chúng, nếu hợp lý thì rõ ràng mối quan hệ giữa A và B là mối quan hệ tương đồng. Ta khẳng định đó là ẩn dụ. Còn ngược lại nếu ta thêm từ so sánh vào giữa A và B mà câu này không có nghĩa, không hợp lý thì ra nói đây là biện pháp tu từ hoán dụ.”
Phân tích ví dụ, tìm biện pháp tu từ trong hai câu thơ:
“Tay ta tay búa tay cày
Tay gươm, tay bút dựng xây nước mình.”
Trước hết cần xác định được hình ảnh, từ ngữ đã được thay thế trước. Ta dễ dàng nhận thấy các dấu hiệu “tay búa, tay cày, tay gươm, tay bút” là những từ đã bị thay đổi tên gọi.
Bước 1: Khôi phục lại từ đã bị ẩn đi.
Chúng ta có thể dễ dàng liên tưởng hình ảnh tay búa là người cầm búa, tay cày là người cầm cày, tay gươm là người cầm gươm, còn tay bút sẽ là người cầm bút.
Bước 2: Thử mối quan hệ giữa 2 bên A,B
Khi thêm từ so sánh “Tay búa như người cầm búa” không hợp lý. Tay búa không thể giống như người cầm búa được, bởi một cái là một bộ phận còn kia là cả một con người, mối quan hệ này không thể là mối quan hệ tương đồng. Vậy đây không phải là biện pháp tu từ ẩn dụ mà phải là phép tu từ hoán dụ.
Video phân biệt hoán dụ, ẩn dụ Ngữ văn lớp 6
Qua những chia sẻ bổ ích trên, hi vọng các bạn học sinh sẽ thành thạo trong việc nhận ra bản chất của ẩn dụ, hoán dụ và áp dụng thành thạo vào các dạng bài tập liên quan, biết sử dụng câu từ, cách diễn đạt cho chính xác khi viết bài tập làm văn lớp 6.