Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Những đặc sắc của nghệ thuật tương phản và tăng cấp trong truyện ngắn “Sống chết mặc bay” của Phạm Duy Tốn

Văn mẫu lớp 7: Những đặc sắc của nghệ thuật tương phản và tăng cấp trong truyện ngắn “Sống chết mặc bay” của Phạm Duy Tốn dưới đây được VnDoc.com tổng hợp và sưu tầm gồm các bài văn mẫu lớp 7 hay cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra môn Ngữ văn 7 sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

Phân tích nghệ thuật trong truyện ngắn “Sống chết mặc bay”

Có những tác phẩm “nhàn nhạt”, đọc xong là người đọc có thể dễ dàng lãng quên. Lại có những tác phẩm ta thấy hấp dẫn từ câu đầu đến câu cuối, khép lại trang sách rồi mà vẫn còn lưu luyến, còn day dứt mãi với những vấn đề tác phẩm gợi mở….

Truyện ngắn Sống chết mặc bay của Phạm Duy Tốn là tác phẩm vừa có sức hấp dẫn, vừa ám ảnh người đọc như thế. Tác phẩm ngắn gọn, hàm súc, “ít lời nhiều ý”, chứa đựng giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc. Làm nên thành công của truyện ngắn này, bên cạnh nghệ thuật xây dựng nhân vật, ngôn ngữ và giọng điệu trần thuật, chính là thủ pháp nghệ thuật tương phản và tăng cấp. Hai thủ pháp này được nhà văn sử dụng, khai thác đến tối đa nhằm phơi bày bức tranh hiện thực và thể hiện cảm quan nhân đạo của mình, đồng thời mang lại dáng vẻ hiện đại, độc đáo cho truyện ngắn này.

Trước hết, có thể nhận thấy nghệ thuật tương phản bao trùm toàn bộ truyện ngắn. Tương phản thể hiện ở nhiều cấp độ, từ các chi tiết, hình ảnh cho đến tình huống, nhân vật trong tác phẩm… Vậy thế nào là tương phản?

Phép tương phản (còn gọi là đối lập) trong nghệ thuật là việc tạo ra những hành động, những cảnh tượng, những tính cách trái ngược nhau để làm nổi bật một ý tưởng bộ phận trong tác phẩm hoặc tư tưởng chính của tác phẩm.

Trong truyện ngắn Sống chết mặc bay, nhà văn dựng lên hai cảnh tương phản lớn nhất, rõ rệt nhất, đó là cảnh những người dân đang ra sức hộ để trong trạng thái nguy kịch và cảnh quan phụ mẫu đang cùng nha lại ngồi chơi bài trong đình.

Thứ nhất là sự tương phản về không gian: một bên là ngoài trời mưa tầm tã, nước sông càng ngày càng lên cao; một bên là không gian “trong đình, đèn thắp sáng trưng, nha lại lính tráng, kẻ hầu người hạ đi lại rộn ràng”, phục vụ cho các quan ngồi chơi bài. Và xung quanh chỗ quan ngôi là đầy đủ những đồ vật quý giá, tiện nghi khác cũng để phục vụ cho cuộc chơi của quan phủ như “bát yến hấp đường phèn để trong khay khảm”, là “trầu vàng, cau đậu, rễ tía”. đựng trong ngăn bạc của trái đồi mồi, là “ống thuốc bạc, đồng hồ vàng, đeo chuỗi ngà, ống vôi chạm…”. Có thể nói là một không gian mưa lạnh nước tràn nguy kịch, khốn khổ, một không gian thì ấm cúng, linh đình, phú quý, xa hoa.

sống chết mặc bayThứ hai là sự tương phản về không khí: ngoài đê thì “mưa gió ầm ầm”, tiếng người ồn ào, xao xác, rồi đủ mọi âm thanh chiêng trống thúc người hộ đê, “tiếng gà, chó, trâu bò kêu vang tứ phía”; trong đình thì “tĩnh mịch, nghiêm trang, trừ quan phụ mẫu ra, không ai dám to tiếng”. Không khí trong đình sao mà hòa nhã, êm dịu; quan lại, lính tráng ngồi quanh quan phủ đều tỏ ra tôn nghiêm, sùng kính “như thần như thánh”. Tưởng chừng như những âm thanh náo động và tình cảnh hộ đê muôn trùng nguy cấp ngoài kia ở một thế giới biệt lập, tách xa hẳn chốn đình trung, nơi quan phủ ngồi chơi bài với chánh tổng và nha lại.

Đặc biệt, tác giả khắc họa chi tiết sự tương phản về thái độ, hành động của hai đối tượng người dân và quan phủ: trong khi người dân lo sợ, “rối rít”, huy động mọi sức người sức của để giữ đê thì quan phủ và bọn sai nha lại ung dung, điềm tĩnh ngồi chơi bài đến cuối cùng. Đây là cảnh hộ đế của người dân quê: “Hàng trăm nghìn con người, từ chiều đến giờ, hết sức giữ gìn, kẻ thì thuổng, người thì cuốc, kẻ đội đất, kẻ vác tre, nào đắp, nào cừ, bì bõm dưới bùn lầy ngập quá khuỷu chân, người nào người nấy lướt thướt như chuột lột”. Còn đây là dáng điệu, cử chỉ của quan phụ mẫu trên đường thi hành công vụ hộ đề: ngài “uy nghi chễm chệ ngồi” trên sập, “tay trái dừa gối xếp, chân phải duỗi thẳng ra, để cho tên người nhà quỳ ở dưới đất mà gãi. Một tên lính lệ đứng bên, cầm cái quạt lông, chốc chốc sẽ phẩy. Tên nữa đứng khoanh tay, chực hầu điếu đón”, Quan cũng không cần nói nhiều lời, chỉ cần đưa ra những lời phán đầy quyền uy: “Điếu, mày!” hay “Thì bốc đi chứ!”. Dường như, người dân quê lo sợ, cuống quýt, điêu đứng bao nhiêu vì họa vỡ đê thì quan phủ lại ung dung, điềm tĩnh, nhàn nhã bấy nhiêu trong cái thú chơi bài, chờ ù.

Mức độ tương phản được đẩy lên đến đỉnh cao, đầy kịch tính chính là ở tình huống cuối truyện:

“Vừa lúc đó, tiếng người kêu rầm rĩ, càng nghe càng lớn… Ai nấy trong đình đều nôn nao sợ hãi… Một người nhà quê mình mẩy lấm láp, quần áo ướt đầm, tất tả chạy xông vào thở không ra lời:

– Bẩm… quan lớn… đê vỡ mất rồi! | Quan lớn đỏ mặt tía tai, quay ra quát rằng:

– Để vỡ rồi! … Để vỡ rồi, thời ông cách cổ chúng mày, thời ông bỏ tù chúng mày! Có biết không?… Lính đâu? Sao bay dám để cho nó chạy xồng xộc vào đây như vậy? Không còn phép tắc gì nữa à?………………..

– Đuổi cổ nó ra!”.

Và phớt lờ thái độ run sợ, hoảng hốt của người dân quê cũng như sự nôn nao, xôn xao của nha lại trong đình, quan lớn lại quay vào, tiếp tục cuộc chơi, để rồi cuối cùng, khi ngài chờ được con bài của mình để ù to thì ngài reo lên sung sướng, quên cả nỗi giận dữ vừa rồi. Sự tương phản về thái độ và hành động của hai lực lượng này thể hiện sâu sắc bản chất của nhân vật: đó là bản chất hiền lành, yếu đuối và tình cảnh khốn cùng của người dân lao động do thiên tai và sự vô trách nhiệm của kẻ cầm quyền và bản chất nhẫn tâm, bất nhân của một bộ phận quan lại phong kiến đương thời. Kết hợp với phép tương phản là phép tăng cấp.

Trong nghệ thuật văn chương, phép tăng cấp là một thủ pháp mà tác giả lần lượt đưa thêm chi tiết vào và chi tiết sau phải cao hơn chi tiết trước, qua đó làm rõ bản chất của sự việc, hiện tượng mà tác giả muốn nói đến.

Truyện ngắn Sống chết mặc bay có thể chia làm bốn cảnh nhỏ, mỗi cảnh khắc họa sâu sự tương phản giữa người dân và quan phủ, đồng thời càng ngày càng tăng cao mức độ kịch tính. Sự tăng cấp được miêu tả ở hai đối tượng: một mặt là mức độ căng thẳng, nguy hiểm của người dân quê (trời càng ngày càng mưa to, nước càng ngày càng dâng cao, những âm thanh nhốn nháo và cầu cứu càng lớn, nguy cơ để vỡ và sự mệt mỏi, yếu thế của người dân càng tăng); ở mặt kia là mức độ đam mê bài bạc và thái độ điềm nhiên, lạnh lùng của quan phủ cũng càng ngày càng rõ nét, càng được khắc sâu.

Ở cảnh thứ nhất, tác giả mở ra bức tranh khái quát về hoàn cảnh của người dân hộ đê và quan phủ. Trong khi muôn dân đang quần quật dưới trời mưa tầm tã, đối diện với nước sông cứ cuồn cuộn bốc lên và những âm thanh “tiếng trống đánh liên thanh, ốc thổi vô hồi, tiếng người xao xác gọi nhau thì trong đình, không khí “tĩnh mịch, nghiêm trang”, nha lệ lính tráng, kẻ hầu người hạ quây xung quanh phục vụ cho cuộc chơi tổ tôm của quan phủ.

Đến cảnh thứ hai, đó là khi quan đang chờ bài ù. “Ngài xơi bát yến vừa xong, ngồi khểnh vuốt râu, rung đùi, mắt đang mải trông đĩa nọc” thì bỗng “ngoài xa có tiếng kêu vang trời dậy đất”. Tiếng kêu khiến “mọi người đều giật nảy mình”, duy chỉ có quan “vẫn điềm nhiên, chỉ lăm le chực người ta bốc trúng quân mình chờ mà hạ”. Dường như mọi sự quan tâm của ngài dồn vào lá bài mà ngài chờ để ù to. Rồi khi có người nhắc quan: “dễ có khi đê vỡ” thì quan “cau mặt, gắt: “mặc kệ” và tiếp tục quay sang giục thầy đề bốc bài. Như vậy ở đây, nguy cơ vỡ đê đã hiện hình, như treo lơ lửng trước mắt, còn mức độ thản nhiên và ham mê bài bạc của quan phủ cũng tăng lên.

Đến cảnh thứ ba thì mức độ căng thẳng, kịch tính đã được “đốt nóng” và đẩy đến đỉnh điểm. “Tiếng người kêu rầm rĩ, càng nghe càng lớn. Lại có tiếng ào ào như thác chảy xiết, rồi lại có tiếng gà, chó, trâu, bò kêu vang tứ phía”. Sự nháo nhác kinh sợ thậm chí đã lay động cả không khí trong đình, khiến “ai nấy ở trong đình đều nôn nao sợ hãi”. Để rồi khi có một người dân quê “mình mẩy lấm láp,…, ướt đầm”

chạy vào báo tin đê vỡ thì sợi dây căng thẳng dường như bị kéo căng và vụt đứt cùng với lời quát mắng giận dữ của quan phủ với kẻ dám mạo phạm kia. Chưa hết! Sự điềm tĩnh, thản nhiên đến lạnh lùng và tàn nhẫn của ngài còn thể hiện ở hành động quan quay vào, giục thầy đề chơi tiếp. Nghĩa là trong suốt cuộc chơi đó, quan phụ mẫu của chúng ta chưa bao giờ xao lãng mục tiêu là chờ con bài để ù lớn, mặc cho “trời long đất lở” đến thế nào. Quả là những quân bài đó có “ma lực” đối với quan hơn bất kì thứ nào khác.

Và kết thúc tác phẩm là cảnh trong khi quan hạ bài, ù to, ngài vỗ đùi reo mừng sung sướng thì ngoài kia, nước ngập lênh láng, cuốn trôi nhà cửa, lúa má, người dân lênh đênh, khốn khổ. Mức độ khốn khổ của người dân được đẩy lên đến đỉnh cao, thảm thương hơn bao giờ hết, và bản chất “lòng lang dạ thú” của quan phụ mẫu cũng được phơi bày sắc nét hơn hết. Không chỉ còn dừng lại ở sự đam mê bài bạc thông thường nữa mà đến kết truyện, tác giả đã vạch trần tính chất tàn ác, bất nhân của quan phủ.

Như vậy, với việc sử dụng kết hợp tối đa và đắc địa hai thủ pháp tương phản và tăng cấp, Sống chết mặc bay của Phạm Duy Tốn đã đạt đến giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc. Tác phẩm đã phơi bày bức tranh hiện thực đời sống ở hai mảng đối lập: cuộc sống khốn quẫn của người dân lao động nhỏ bé và cuộc sống xa hoa của quan phủ; đồng thời tố cáo gay gắt bản chất bất nhân, “lòng lang dạ thú” của quan phụ mẫu…

Giá trị nhân đạo thắm thiết của tác phẩm thể hiện ở niềm thương xót không giấu giếm của người trần thuật đối với tình cảnh của những người dân lầm than, cơ cực và thái độ phẫn nộ đối với tên quan phủ bạc ác, nhẫn tâm.

Ngoài ra, hai thủ pháp này còn tạo hiệu quả nghệ thuật cao cho truyện ngắn. Đó là kết quả của quá trình học tập, tiếp thu những hình thức, thủ pháp nghệ thuật của truyện ngắn hiện đại phương Tây thế kỉ XX. Tác phẩm tạo sự hấp dẫn, lôi cuốn người đọc từ mở đầu đến kết thúc nhờ kịch tính gay gắt, căng thẳng.

Có thể nói, Sống chết mặc bay của Phạm Duy Tốn xứng đáng là một trong những truyện ngắn hiện thực tiêu biểu, xuất sắc của văn học Việt Nam những năm 20 của thế kỉ XX. Tác phẩm cũng thể hiện được tài năng nghệ thuật và cảm quan nhân đạo sâu sắc của nhà văn.

Trên đây VnDoc đã tổng hợp các bài văn mẫu Những đặc sắc của nghệ thuật tương phản và tăng cấp trong truyện ngắn “Sống chết mặc bay” của Phạm Duy Tốn cho các bạn tham khảo ý tưởng khi viết bài. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 7 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 7 và biết cách soạn bài lớp 7 các bài Tác giả - tác phẩm ngữ văn 7 trong sách Văn tập 1 và tập 2. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo.

Các bài liên quan đến tác phẩm:

Chia sẻ, đánh giá bài viết
9
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Văn mẫu lớp 7 Cánh diều

    Xem thêm