Phân tích khổ thơ 4, 5 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải

Phân tích khổ thơ 4, 5 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải được VnDoc sưu tầm và đăng tải. Tài liệu bao gồm dàn ý và bài văn mẫu phân tích khổ thơ 4, 5 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ. Hy vọng đây là tài liệu hữu ích giúp các em học sinh có thêm nhiều ý tưởng hoàn thành bài văn của mình.

Dàn ý Phân tích khổ thơ 4, 5 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải

Mở bài

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm:

+ Thanh Hải là một nhà thơ hiện đại, trưởng thành qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.

+ Mùa xuân nho nhỏ là tác phẩm được viết vào những ngày cuối đời của ông, thể hiện khát vọng được hiến dâng cho đời.

- Khái quát khổ 4 5

+ Hai khổ thơ thể hiện ước vọng được hòa nhập vào cộng đồng, được hiến dâng cho cuộc đời, cho mùa xuân chung của dân tộc.

Thân bài

Dàn ý phân tích khổ 4 và 5 bài thơ mùa xuân nho nhỏ

Khái quát bài thơ

- Hoàn cảnh sáng tác: tác giả sáng tác bài thơ Mùa xuân nho nhỏ khi đang nằm trên giường bệnh. Lúc này, đất nước đã được thống nhất và đang bước vào giai đoạn xây dựng cuộc sống mới nhưng vẫn còn nhiều khó khăn.

- Nội dung cả bài: bài thơ là tiếng lòng, là những lời tâm sự và là mong ước được dâng hiến một mùa xuân nho nhỏ của tác giả cho mùa xuân của đất nước.

Phân tích khổ 4

- Nội dung chính của khổ 4: khát vọng được hòa nhập, được mang đến niềm vui cho đời:

Ta làm con chim hót,

Ta làm một cành hoa.

Ta nhập vào hoà ca,

Một nốt trầm xao xuyến

- Khổ thơ sử dụng phép điệp từ với từ “ta làm” cùng nhịp thơ nhanh, dồn dập => Thể hiện khát vọng mãnh liệt được cống hiến của thi nhân.

+ Làm con chim hót: góp tiếng hót, âm thanh tươi mới, hân hoan cho đời.

+ Làm một cành hoa: góp hương thơm, sắc thắm cho đời, điểm tô cho cuộc sống.

=> Đó là những ước mơ vô cùng nhỏ bé, đơn sơ, tô điểm cho mùa xuân của đất nước.

+ Một nốt trầm: một âm trầm, không ồn ào, không nổi bật, không cao điệu, chỉ âm thầm lặng lẽ nhập vào khúc ca đón mừng xuân về của nhân dân.

- Tác giả sử dụng đại từ “ta” chính là muốn nói đây không phải chỉ là tâm niệm riêng của ông, mà nó còn là khát vọng chung của một dân tộc.

=> Kết luận: Khổ thơ 4 đã thể hiện rõ nét khát vọng được nhập vào cuộc đời, được cống hiến một phần tốt đẹp, dù nhỏ bé, của mình cho cuộc đời chung, nguyện vì sự phồn vinh của dân tộc mà hi sinh mình. Đây chính là tâm niệm cao đẹp, đáng quý của một nhà cách mạng, một nhà thơ đã sống trọn nhịp thở với đất nước, với quê hương.

Phân tích khổ 5

- Nội dung chính của khổ 5: ước nguyện được cống hiến chân thành, tha thiết, không kể tuổi tác:

Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc.

- “Mùa xuân nho nhỏ” là một hình ảnh ẩn dụ cho cuộc đời của mỗi con người, thể hiện cho mỗi một sự cống hiến thầm lặng => Tác giả muốn được góp một phần công sức nhỏ bé của mình để điểm tô cho mùa xuân vĩ đại của đất nước.

- Tác giả đã sử dụng các từ láy “lặng lẽ”, “nho nhỏ”, đây là một cách nói khiêm tốn và chân thành của nhân cách sống cao đẹp khi luôn muốn góp vào lợi ích chung của dân tộc.

=> Tác giả có một cách sống thật đẹp, đó là một lẽ sống cống hiến khiêm tốn, lặng lẽ, âm thầm, không mong cầu được tôn vinh.

- Điệp ngữ “dù là” thể hiện thái độ tự tin, cứng cỏi trước mọi khó khăn của cuộc đời.

- “Tuổi hai mươi”, “khi tóc bạc”: sự cống hiến âm thầm bất kể tuổi tác, bất kể thời gian, bất kể khi còn hăng hái hay đã sắp cạn sức lực, vẫn muốn đóng góp mọi thứ của mình cho sự nghiệp chung.

=> Đây chính là lợi tự nhủ bản thân phải kiên trì, phải quật cường dẫu cho thời gian có thể cướp đi sức trẻ của con người, để có thể mãi là một mùa xuân nho nhỏ trong mùa xuân lớn của quê hương.

=> Tác giả đã vượt lên cả bệnh tật, tuổi già bằng một niềm yêu đời tha thiết, mãnh liệt để luôn hướng mình đến lối sống có ích cho đời. Đó là một ý thức cao đẹp, ý thức trách nhiệm với quê hương, đất nước, là một khát vọng sống mãnh liệt để mãi được cống hiến, là một ý thức bất diệt trong tâm hồn của tác giả.

Kết bài

- Khái quát lại nội dung khổ 4 5 trong bài thơ và nêu cảm nhận của bản thân

Bài văn mẫu Phân tích khổ thơ 4, 5 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải

Thanh Hải là một nhà cách mạng, một nhà thơ đã dành cả cuộc đời của mình cho cuộc chiến tranh giành lại độc lập của dân tộc. Ngay cả những ngày tháng cuối cùng của đời mình, ông vẫn nuôi một khát khao mãnh liệt được hòa mình vào cuộc đời, được trở thành một mùa xuân nhỏ điểm tô sắc màu vào mùa xuân vĩ đại của đất nước. Tâm niệm cao đẹp ấy của ông được thể hiện rõ nét qua khổ 4, 5 của tác phẩm “Mùa xuân nho nhỏ” - tác phẩm như một khúc ca rộn rã cuối cùng mà Thanh Hải để lại cho cuộc đời.

Nếu như ở những khổ thơ trước đó, Thanh Hải đã dùng tất cả tình cảm yêu mến của mình để dệt nên những hình ảnh thơ dạt dào cảm xúc về mùa xuân, thì đến khổ thứ 4, tác giả đã chuyển mạch thơ một cách tự nhiên để bày tỏ những suy ngẫm và tâm niệm rất riêng về lẽ sống, về giá trị cuộc đời mỗi người:

“Ta làm con chim hót

Ta làm một cành hoa

Ta nhập vào hoà ca

Một nốt trầm xao xuyến”.

Đoạn thơ như một khúc ca mang giai điệu ngọt ngào đến cho người đọc. Điệp từ “ta làm” được sử dụng như một cách bày tỏ ước nguyện chân thành của thi nhân. Nhà thơ muốn trở thành một con chim nhỏ để cất tiếng hót mua vui cho đời, muốn làm một cành hoa để điểm tô sắc thắm cho mùa xuân của đất mẹ. Những hình ảnh trên đều là những hình ảnh đẹp của thiên nhiên, của cuộc sống.

Nếu như ở những đoạn thơ trước, hình ảnh bông hoa, tiếng chim đã hiện hữu trong cảm xúc của thi nhân về mùa xuân thiên nhiên tươi đẹp, thì giờ đây, nó được sử dụng để thể hiện lẽ sống cao đẹp của một con người nhỏ bé. Mong muốn sống có ích, mong muốn được góp một phần tinh túy của mình vào mùa xuân của đất nước chính là tâm niệm lớn nhất của nhà thơ, nhà cách mạng này!

Cái “tôi” của thi nhân trong những phần đầu của bài thơ đã chuyển thành cái “ta” chung. Đây chính là cách nhà thơ khẳng định không chỉ riêng mình, mà còn rất nhiều những con người đang thầm lặng cống hiến sức mình cho mùa xuân chung đều có những lẽ sống cao đẹp như thế.

Với hình ảnh “nốt trầm” và cách lặp từ “một”, ta có thể thấy những ước nguyện của tác giả thật chân thành và tha thiết. Không ồn ào, không cao giọng, cũng chẳng nổi bật, ông chỉ muốn làm một nốt trầm xao xuyến để góp vào cùng bản hòa ca chung của nhân dân. Đó chính là tâm niệm được đem một phần nhỏ bé của mình để góp vào công cuộc đổi mới của đất nước. Thật cao đẹp và khiêm tốn cho một tâm hồn mang lẽ sống đáng quý!

Đoạn thơ cuối cùng chính là ước nguyện được cống hiến không kể tuổi tác hay bệnh tật:

“Một mùa xuân nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc”

“Mùa xuân nho nhỏ” là một ẩn dụ đầy sáng tạo thể hiện cho một khát vọng sống cao đẹp. Mỗi người, mỗi sự cống hiến đều được ví như một mùa xuân nho nhỏ hòa mình vào mùa xuân chung của đất trời, của Tổ Quốc. Chỉ một màu sắc đẹp, chỉ một vẻ tinh túy riêng của mỗi người đã có thể giúp cho mùa xuân của đất nước thêm phần sắc thắm và rạng rỡ.

Đó cũng chính là ước nguyện nhỏ bé của nhà thơ, ước nguyện được làm việc, được hi sinh và cống hiến một cách thầm lặng cho quê hương đất nước bất chấp cả thử thách của thời gian, tuổi tác:

“Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc”

Hai câu cuối của khổ 5 mang một âm điệu rắn rỏi cùng điệp từ “dù là” đã góp phần khẳng định sự tự tin trước mọi khó khăn, trở ngại của đời người. Tuổi trẻ cống hiến hy sinh, về già cũng có thể tiếp tục âm thầm góp sức nhỏ vào công cuộc chung. Ý thức trách nhiệm đối với cuộc đời, với quê hương đất nước, khát vọng được cống hiến dường như đã trở thành một lẽ sống đi theo tác giả cả một đời thầm lặng.

Đây nào phải ước nguyện của riêng nhà thơ, mà nó còn là một lời kêu gọi mọi người cùng nhau chung tay xây dựng một cuộc sống mới tốt đẹp hơn trên một đất nước yên bình trong tương lai. Cái tâm nguyện cao đẹp này, dường như ta cũng đã từng bắt gặp nó trong những vần thơ của Tố Hữu:

“Nếu là con chim, chiếc lá

Thì chim phải hót, chiếc lá phải xanh

Lẽ nào vay mà không có trả

Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”

Nào chỉ có Tố Hữu, ta cũng có thể tìm thấy sự hi sinh thầm lặng, cống hiến tài năng, sức trẻ cho cuộc đời trong nhiều tác phẩm văn học khác. Đó là nhân vật anh thanh niên trong Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long, đó là những ý thơ đẹp của của Nguyễn Sĩ Đại trong thi phẩm Lá xanh, đó là những người không tên không tuổi đang ngày đêm làm việc vì trách nhiệm với Tổ quốc mà ta chẳng thể nào biết. Họ chính là những “mùa xuân nho nhỏ” đang góp sức mình vào công cuộc chung, vào mùa xuân vĩ đại của dân tộc.

---------------------------

Trên đây VnDoc đã giới thiệu tới các bạn học sinh bài Phân tích khổ thơ 4, 5 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải, giúp các bạn học sinh có thêm nhiều tài liệu tham khảo, chuẩn bị tốt cho bài kiểm tra văn sắp tới.

Ngoài Phân tích khổ thơ 4, 5 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải, các bạn học sinh còn có thể tham khảo các đề thi học kì 1 lớp 9, đề thi học kì 2 lớp 9 các môn Toán, Văn, Anh, Lý, Địa, Sinh mà chúng tôi đã sưu tầm và chọn lọc. Chúc các bạn ôn thi tốt.

Đánh giá bài viết
18 3.258
Sắp xếp theo

    Văn mẫu lớp 9

    Xem thêm