Thuyết minh truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao
Văn mẫu lớp 8: Thuyết minh truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao bao gồm dàn ý và các bài văn mẫu hay cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.
Thuyết minh tác phẩm Lão Hạc
Dàn ý thuyết minh truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao
Dàn ý thuyết minh truyện ngắn Lão Hạc mẫu 1
I. Mở bài
- Giới thiệu về truyện ngắn Lão Hạc: “Lão Hạc” là một truyện ngắn nổi tiếng của Nam Cao. Tác phẩm nói về số phận cực khổ và tủi nhục của con người nghèo khổ thời xưa. Qua tác phẩm ta có thể thấy biết được số phận của các nhân vật xưa.
II. Thân bài
1. Giới thiệu tác phẩm
- Lão Hạc vì quá túng thiếu nên đã bán con chó của mình.
- Dù túng thiếu đến bao nhiêu Lão Hạc cũng không chịu bán mảnh vườn mà ăn khoai ăn sắn để sống qua ngày.
- Sau đó, lão đã nhờ ông giáo giữ và ăn bả chó để tự tử.
2. Bố cục của truyện
- Phần 1: Từ đầu đến “ông giáo ạ”: Giới thiệu sự việc và cuộc sống Lão hạc.
- Phần 2: Tiếp đến “Binh Tư hiểu”: Sự việc bán chó và tình cảm của ông dành cho con chó của Lão Hạc.
- Phần 3: Còn lại: Kết thúc sự việc, Lão Hạc chết đi nhưng vẫn cố gắng giữ mảnh vườn cho con.
3. Ý nghĩa truyện ngắn “Lão Hạc”
- Tố cáo sự tàn ác, sự đối xử với người dân của chế độ thực dân và phong kiến.
- Ca ngợi sự vượt lên, chịu khó, và chịu thương cần cù của người dân thời xưa.
III. Kết bài
- Đây là câu chuyện lột tả thân phận thật sự của người dân thời xưa.
- Chúng ta có thể thấy được cuộc sống chân thực của xã hội xưa.
Khái quát truyện ngắn Lão Hạc
Về nội dung.
Tác phẩm lão Hạc của nhà văn Nam Cao là truyện ngắn đặc sắc được coi là truyện ngắn hiện thực trong trào lưu hiện thực phê phán của thời kì 1930 – 1945.
Đây là truyện ngắn chứa chan tình người lay động đến cõi thâm sâu của tâm hồn khi tác giả kể về cuộc đời cô đơn, bất hạnh của Lão Hạc.
Nhân vật lão Hạc đã để lại trong lòng ta bao nỗi ám ảnh và suy nghĩ về số phận người nông dân nghèo trong xã hội Việt Nam cũ.
Qua việc miêu tả cái chết, tác giả đã làm sáng tỏ hơn bao giờ hết nhân cách của lão Hạc. Lão Hạc thà chết chứ không thèm ngửa tay ăn xin, thà chết chứ không muốn để phiền lụy đến hàng xóm, thà chết chứ nhất định không chịu ăn tiêu vào tài sản của con (ba sào vườn của mẹ nó để lại cho nó).
Thông qua số phận đau khổ, nghèo khó của một nông dân, tác giả đã vẽ lại một cách chân thực số phận thê thảm của người nông dân trước CMT8, đồng thời ca ngợi những phẩm chất cao đẹp của họ trong những giây phút khốn cùng nhất.
- Nỗi khốn cùng của lão Hạc:
+ Nghèo đến mức không lo đủ tiền cưới vợ cho con khiến con phẫn chí bỏ đi kiếm tiền. Người con lão Hạc chi được nhắc đến chứ không xuất hiện trực diện. Song sự «thấp thoáng» của nhân vật này cũng đủ cho ta hình dung về một số phận: nghèo đến mức không cưới được vợ. Phẫn chí ra đi, nhưng nơi đến lại là đồn điền cao su: «Ngày đi thì có, còn ngày về thì khó lòng nói trước được là có hay không». Cao su đi dễ khó về!
+ Vắng con, lão Hạc chỉ còn «cậu Vàng» để đỡ cô đơn. Nhưng cậu Vàng làm lão «tốn kém» quá. Lão đành phải bán cậu Vàng đi.
+ Thu vén được chút tiền hoa lợi vườn nhà để dành cho con, nào ngờ qua một trận ốm, tiền lão Hạc dành dụm, chắt chiu hết sạch. Lão trở về với «số không» lúc đầu.
+ Không làm ra tiền, lại rơi vào tình cảnh « tiêu một xu cũng là tiêu vào tiền của cháu », lão Hạc quyết định chỉ ăn khoai lang, hết khoai ăn củ chuối, rồi ăn sung luộc, rau má, củ ráy… Nghĩa là vớ được thứ gì lão dùng thứ ấy.
+ Quyết định cuối cùng: tự tử. Sự khốn quẫn đã đến mức cao độ, không còn đường nào khác, lão Hạc đành chọn cái chết đau đớn và thê thảm.
- Vẻ đẹp nhân cách của lão Hạc.
+ Lão nhân hậu ngay cả đối với con chó. Vắng con, cậu Vàng đã giúp lão bớt cô đơn. Vui buồn của cậu Vàng cũng là vui buồn của lão. Lão yêu con. Vợ mất sớm, lão dồn tình thương nuôi con khôn lớn. Lão giữ mảnh vườn cũng vì con. Lão tìm đến cái chết cũng vì con (khi chết lão vẫn còn tiền). Đây thực sự là một hi sinh vô cùng to lớn.
+ Có một vẻ ngoài lẩm cẩm, gàn dở và cô độc, nhưng thực chất, lão Hạc có một nhân cách cao đẹp.
Là một người tự trọng, lão chuẩn bị tiền cho cái chết của mình. Lão không muốn phiền lụy đến ai.
- Về nghệ thuật :
+ Nam Cao tập trung khai thác thế giới bên trong của lão Hạc, chỉ ra được những giằng xé, những day dứt, những chua xót, hối hận… của một nông dân chất phác, nhân hậu.
+ Nghệ thuật phân tích tâm lí nhân vật già dặn, bút pháp linh hoạt, xen kẽ một cách kể chuyện tỉnh táo, chân thực và màu sắc trữ tình, đồng thời, tăng hàm lượng triết lí về nhân tình, thế thái qua những suy nghĩ của « tôi ».
+ Câu chuyện được kể ở ngôi thứ nhất nên bảo đảm tính khách quan. Ngôn ngữ mang tính cá thể hóa cao. Các chi tiết nhìn qua có vẻ lỏng lẻo song khi thực tế hết sức chặt chẽ.
Thuyết minh tác phẩm Lão Hạc mẫu 1
Nam Cao (1917 - 1951) là một nhà văn hiện thực lớn của Việt Nam, một trong những nhà nhân đạo chủ nghĩa tiêu biểu nhất thế kỷ XX. Sáng tác của ông đã vượt qua được những thử thách khắc nghiệt của thời gian. Thời gian càng lùi xa, tác phẩm của Nam Cao càng bộc lộ ý nghĩa hiện thực sâu sắc, tư tưởng nhân đạo cao cả và vẻ đẹp nghệ thuật điêu luyện, độc đáo.
Ông có nhiều đóng góp quan trọng đối với việc hoàn thiện truyện ngắn và tiểu thuyết Việt Nam ở nửa đầu thế kỷ XX. “Lão Hạc” là một trong những tác phẩm thành công nhất của Nam Cao. Tác phẩm “Lão Hạc” ra mắt bạn đọc năm 1943. Câu chuyện kể về số phận của người nông dân Việt Nam trong bối cảnh đe dọa của nạn đói và cuộc sống cùng túng đã để lại xúc động sâu sắc trong lòng độc giả. Đặc biệt, tác giả đã diễn tả tập trung vào tâm trạng nhân vật chính là lão Hạc - xoay quanh việc bán chó đã giúp ta hiểu thêm tấm lòng của một người cha đáng thương, một con người có nhân cách đáng quý và một sự thực phũ phàng lên những cuộc đời lương thiện.
Qua những tình tiết diễn biến của truyện ngắn, số phận đau khổ đến cùng cực của người nông dân trước cách mạng hiện lên với những gì chân thực nhất, đẫm nước mắt nhất. Cuộc đời lão Hạc là một chuỗi những khổ đau: vợ mất sớm, ở vậy nuôi con, con trai thất tình bỏ đi làm công nhân đồn điền cao su bỏ lại mình lão thui thủi ra vào. Một trận ốm rút hết chút sức tàn của lão, tiền dành dụm bấy lâu tiêu hết, thiên tai mùa màng thất bát, thất nghiệp, lão Hạc lâm vào đường cùng không lối thoát.
Mỗi ngày trôi đi là một ngày lão sống trong dằn vặt đau khổ. Lão khổ vì lão bất lực trước cuộc sống, lão bất lực vì không lo nổi một đám cưới cho con khiến con lão phải bỏ đi, và giờ đây lão bất lực vì không thể lo nổi cho chính bản thân mình. Hình ảnh lão Hạc là hình ảnh tiêu biểu của những người nông dân Việt Nam trong đêm đen mịt mùng. Cuộc sống của họ được dựng nên bằng những lời kể rất thật của Nam Cao, ông viết văn mà thực như cuộc đời.
Mỗi người nông dân đều thấy bóng dáng mình thấp thoáng trong những tác phẩm của nhà văn: ở hiền mà chẳng gặp lành, nghèo đói, túng quẫn, đau khổ nhưng lương thiện. Nam Cao - với giọng văn rất riêng, với phong cách độc đáo của mình đã thể hiện tình yêu thương vô bờ, niềm cảm thông sâu sắc và hết lòng ca ngợi, trân trọng những phẩm chất tuyệt vời của người nông dân Việt Nam trước cách mạng.
Dường như những đức tính tốt đẹp ấy hội tụ đầy đủ trong nhân vật lão Hạc. Trước hết, lão là một người cha mẫu mực, trọn đời sống vì con, chăm lo cho con, yêu thương con trai một cách tha thiết. Sau khi không lo nổi đám cưới cho con để nó quẫn chí phải bỏ đi, lão Hạc luôn sống trong dằn vặt đau khổ. Lão ngày đêm trăn trở vì con, tính toán lo toan cho cuộc sống của con khi nó trở về dù chẳng biết là đến khi nào.
Tình yêu lão Hạc dành cho con chính là những cung bậc cao đẹp nhất, tuyệt vời nhất của tình phụ tử thiêng liêng. Tình yêu con được lão Hạc truyền cả vào tình yêu con chó Vàng mà con lão để lại. Dù nó chỉ là một con chó nhưng lão đối với nó như con người, ăn chung, ngủ cùng, tâm sự như những người bạn. Dường như cao trào của câu chuyện chính là đoạn Nam Cao miêu tả sự đau khổ tột cùng của lão Hạc khi phải bán con chó.
Lão yêu nó là thế, thương nó là thế mà phải bán nó đi. Còn gì đau khổ hơn khi phải bán đi người bạn của mình. Nhưng lão Hạc làm thế, tất cả cũng chỉ vì lo cho tương lai của đứa con ở xa. Bán con Vàng xong lão lại ân hận. Cái lương thiện, sự nhân hậu của một con người cả đời không làm điều ác khiến lão Hạc chua xót, dày vò bởi nỡ lừa bán một con chó. Lão coi nó như con, như bạn mà lại nỡ bán nó đi.
Điều ấy khiến lão bị dằn vặt đau khổ cho tới lúc chết. Cuộc đời của một lão bần nông khiến lão Hạc chẳng có lấy một ngày no đủ. Nhưng phẩm chất lương thiện tốt đẹp của một con người chân chính khiến lão dù nghèo nhưng chưa bao giờ trộm cắp của ai, dù thiếu thốn nhưng chưa ngửa tay xin ai cái gì. Cũng chỉ vì yêu thương con, lo lắng cho tương lai của nó và bảo vệ đến cùng bản tính lương thiện của mình, lão Hạc đã đi đến quyết định đau đớn nhất cuộc đời: lão tự tử bằng bả chuột.
Chắc hẳn ai đã từng một lần đọc “Lão Hạc” thì không thể cầm lòng được trước cái chết đau đớn, khốc liệt của lão. Nhưng lão chết mà vẫn còn lo lắng sắp đặt cho cái chết của mình, lão bình tĩnh lo hậu sự để không phiền đến bà con xóm giềng. Lão chấp nhận chết để bảo toàn số tiền cho con, chết để giữ lại lương thiện, chết trong đau đớn nhưng trong sạch.
Mỗi lời văn của Nam Cao là một lời ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của người nông dân. Ông yêu mến họ, thương cảm họ và trân trọng họ. Những người nông dân phải sống cuộc sống tăm tối khổ đau trước cách mạng nhưng vẫn giữ trọn những gì trong sáng nhất, cao cả nhất, đẹp đẽ nhất của những con người lương thiện. Thành công của truyện ngắn “Lão Hạc” không chỉ dừng lại ở nội dung hiện thực phê phán hết sức tiêu biểu và sinh động mà còn thành công bởi giá trị nghệ thuật đặc sắc.
Đọc tác phẩm của Nam Cao, ta thấy như đang được nghe kể những câu chuyện có thật trong cuộc đời bởi cách kể chuyện, dẫn dắt chuyện rất tự nhiên. Lời văn của Nam Cao mộc mạc, chân thành dường như tự bản thân nó đã thế, chẳng cần trau chuốt cầu kỳ. Điều đó khiến độc giả càng hiểu hơn, càng cảm thông và yêu thương hơn những người nông dân Việt Nam nghèo khó, đau khổ nhưng cao đẹp tuyệt vời.
Có lẽ, văn chương Nam Cao chính là cuộc đời, là tiếng lòng của mỗi con người. Văn chương và cuộc đời dường như không còn ranh giới, khoảng cách. Nam Cao là nhà văn có biệt tài đi sâu miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật mà khó có nhà văn nào sánh được. Dưới ngòi bút Nam Cao, từng chi tiết nhỏ nhất, sâu kín nhất của nhân vật cũng được thể hiện một cách chân thực.
Lão Hạc, sau khi bán con Vàng đã ân hận, đau khổ khôn nguôi. Lão cố giấu đấy, nhưng càng giấu càng lộ, bởi lão đau khổ quá rồi. “Lão cố làm ra vẻ vui vẻ. Nhưng trông lão cười như mếu và đôi mắt lão ầng ậng nước. Mặt lão đột nhiên co rúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít. Lão hu hu khóc...”. Khuôn mặt lão Hạc hiện ra với những cung bậc tình cảm đau đớn nhất, ân hận đến tột cùng.
Ngòi bút miêu tả của nhà văn đã thực sự thành công trong đoạn văn này. Những chi tiết nhỏ nhất trên khuôn mặt nhân vật được Nam Cao “vẽ” nên bằng ngôn từ biểu cảm. Có lẽ chính tình yêu thương con người thiết tha đã giúp Nam Cao có những cảm nhận tinh tế, miêu tả sắc nét đến như vậy.
Không những thế, nhà văn tài ba Nam Cao còn đọc được cả những băn khoăn trăn trở của lão Hạc, những lo toan tính toán vun vén cho con trai ngày nó trở về thể hiện tấm lòng của một người cha đáng kính. Dưới ngòi bút miêu tả của Nam Cao, lão Hạc trở thành một hình mẫu người nông dân Việt Nam điển hình: nghèo đói nhưng lương thiện, đau khổ nhưng cao đẹp, lo toan cho gia đình cả đến khi nhắm mắt xuôi tay.
Những dòng cuối cùng của truyện ngắn “Lão Hạc” kết thúc, độc giả vẫn thấy day dứt khôn nguôi. Ta không chỉ thương cảm cho số phận những người nông dân khốn cùng, không chỉ cảm thông, chia sẻ cùng nỗi đau, sự vất vả của họ mà còn thêm trân trọng họ bởi những đức tính cao đẹp và lương thiện.
Đó chính là thành công lớn nhất của nhà văn khi ông tìm được sự đồng cảm của độc giả với những nhân vật của mình. Với sự quan sát tỉ mỉ thực tế cuộc sống, với cảm nhận tinh tế về số phận con người và nhất là với tấm lòng yêu thương trân trọng con người đến thiết tha sâu nặng, Nam Cao đã viết nên những tác phẩm bất hủ đến muôn đời.
Thuyết minh tác phẩm Lão Hạc mẫu 2
Tác phẩm Lão Hạc của nhà văn Nam Cao ra mắt bạn đọc năm 1943. Câu chuyện về số phận thê thảm của người nông dân Việt Nam trong bối cảnh đe doạ của nạn đói và cuộc sống cùng túng đã để lại xúc động sâu xa trong lòng độc giả. Đặc biệt, tác giả đã diễn tả tập trung vào tâm trạng nhân vật chính Lão Hạc xoay quanh việc bán chó đã giúp ta hiểu thêm tấm lòng của một người cha đáng thương, một con người có nhân cách đáng quý và một sự thực phũ phàng phủ đè lên những cuộc đời của những con người lương thiện.
Con chó cậu Vàng như cách gọi của lão là hình ảnh kỷ niệm duy nhất của đứa con. Hơn thế, cậu Vàng còn là nguồn an ủi của một ông lão cô đơn. Lão cho cậu ăn trong bát, chia sẻ thức ăn, chăm sóc, trò chuyện với cậu như với một con người. Bởi thế, cái ý định “có lẽ tôi bán con chó đấy” của lão bao lần chần chừ không thực hiện được. Nhưng rồi, cuối cùng cậu Vàng cũng đã được bán đi với giá năm đồng bạc.
Cậu Vàng bị bán đi; Có lẽ đó là quyết định khó khăn nhất đời của lão. Năm đồng bạc Đông Dương kể ra là một món tiền to, nhất là giữa buổi đói deo đói dắt. Nhưng lão bán cậu không phải vì tiền, bởi “gạo thì cứ kém mãi đi” mà một ngày lo “ba hào gạo” thì lão không đủ sức. Cậu Vàng trở thành gánh nặng, nhưng bán cậu rồi lão lại đau khổ dày vò chính mình trong tâm trạng nặng trĩu.
Khoảnh khắc “lão cố làm ra vui vẻ” cũng không giấu được khuôn mặt “cười như mếu và đôi mắt lão ầng ậng nước”. Nỗi đau đớn cố kìm nén của lão Hạc như cắt nghĩa cho việc làm bất đắc dĩ, khiến ông giáo là người được báo tin cũng không tránh khỏi cảm giác ái ngại cho lão. Ông giáo hiểu được tâm trạng của một con người phải bán đi con vật bầu bạn trung thành của mình. Cảm giác ân hận theo đuổi dày vò lão tạo nên đột biến trên gương mặt: “Mặt lão đột nhiên co rúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít. Lão hu hu khóc…”. Những suy nghĩ của một ông lão suốt đời sống lương thiện có thể làm người đọc phải chảy nước mắt theo: “Thì ra tôi già bằng này tuổi đầu rồi còn đánh lừa một con chó”. Bản chất của một con người lương thiện, tính cách của một người nông dân nghèo khổ mà nhân hậu, tình nghĩa, trung thực và giàu lòng vị tha được bộc lộ đầy đủ trong đoạn văn đầy nước mắt này. Nhưng không chỉ có vậy, lão Hạc còn trải qua những cảm giác chua chát tủi cực của một kiếp người, ý thức về thân phận của một ông lão nghèo khổ, cô đơn cũng từ liên tưởng giữa kiếp người, kiếp chó: “Kiếp con chó là kiếp khổ thì ta hoá kiếp cho nó để nó làm kiếp người, may ra có sung sướng hơn một chút… kiếp người như kiếp tôi chẳng hạn”. Suy cho cùng, việc bán chó cũng xuất phát từ tấm lòng của một người cha thương con và luôn lo lắng cho hạnh phúc, tương lai của con. Tấm lòng ấy đáng được trân trọng! Hiện thực thật nghiệt ngã đã dứt đứa con ra khỏi vòng tay của lão, cái đói cái nghèo lại tiếp tục cướp đi của lão người bạn cậu Vàng. Bản thân lão như bị dứt đi từng mảng sự sống sau những biến cố, dù cho cố “cười gượng” một cách khó khăn nhưng lão dường như đã nhìn thấy trước cái chết của chính mình. Những lời gửi gắm và món tiền trao cho ông giáo giữ hộ sau lúc bán chó có ngờ đâu cũng là những lời trăng trối. Kết cục số phận của lão Hạc là cái chết được báo trước nhưng vẫn khiến mọi người bất ngờ, thương cảm. Quyết định dữ dội tìm đến cái chết bằng bả chó là giải pháp duy nhất đối với lão Hạc, để lão đứng vững trên bờ lương thiện trước vực sâu tha hoá. Kết thúc bi kịch cũng là thật sự chấm dứt những dằn vặt riêng tư của lão Hạc, nhưng để lại bao suy ngẫm về số phận những con người nghèo khổ lương thiện trong xã hội cũ.
Thuyết minh tác phẩm Lão Hạc mẫu 3
Nam Cao được biết đến như một nhà văn hiện thực xuất sắc giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Những tác phẩm của ông phản ánh vô cùng chân thực, sinh động về cuộc sống lúc bấy giờ của con người. Nam Cao gắn liền tên tuổi của mình với những tác phẩm ghi dấu ấn đậm nét trong tâm hồn người đọc như Chí Phèo, Đời thừa, Sống mòn... Và không thể không nhắc đến lão Hạc, một trong những tác phẩm hay viết về đề tài người nông dân trước cách mạng tháng Tám.
Truyện ngắn lão Hạc được đăng báo vào năm 1943, là nội dung một bài học trong chương trình Ngữ Văn 8. Truyện ngắn kể về câu chuyện một nhân vật có tên lão Hạc, có hoàn cảnh rất đáng thương: Vợ lão mất sớm, lão phải sống một mình trong cảnh gà trống nuôi con. Thế nhưng vì mưu sinh, vì cái đói nghèo bủa vây mà con trai cũng bỏ lão mà đi kiếm sống ở đồn điền cao su. Lão Hạc lại sống cuộc sống buồn tủi, cô đơn và chỉ biết làm bạn với cậu Vàng. Niềm vui duy nhất ấy của lão cũng không được trọn vẹn khi lão phải bán đi người bạn thân thiết nhất vì hoàn cảnh. Lão đau đớn, ân hận và vô cùng day dứt vì điều này. Lão cố gắng dành dụm tiền bán mảnh vườn để dành cho con trai và lo chu toàn cho mình sau khi chết vì không muốn làm phiền, liên lụy đến mọi người xung quanh. Lão tìm đến cái chết như một sự giải thoát cho bản thân mình, cho số phận nghiệt ngã của mình. Cả cuộc đời lão Hạc là một chuỗi những bi kịch. Và đến cuối cùng, lão vẫn phải chịu bi kịch là cái chết đau thương, cay đắng.
Với câu chuyện thấm đượm tinh thần nhân đạo, Nam Cao đã vô cùng thành công khi khắc họa chân dung nhân vật lão Hạc, một người nông dân giàu tình cảm. Điều này được thể hiện rõ qua sự gắn bó, đau xót, tiếc thương của lão khi phải bán đi cậu Vàng. Bên cạnh đó, lão còn là một người cha yêu thương con hết mực, luôn nghĩ cho con và dành dụm cho con. Lão cũng là người có lòng tự trọng. Dù sống trong hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn nhưng không có những suy nghĩ, việc làm trái với lương tâm và cũng không muốn ảnh hưởng, phiền hà đến bất cứ ai.
Bên cạnh thành công về nội dung, truyện ngắn còn gây ấn tượng với người đọc bởi nghệ thuật tác giả sử dụng vô cùng đặc sắc. Đầu tiên phải kể đến nghệ thuật xây dựng và khắc họa nhân vật vô cùng tiêu biểu, đậm nét. Lấy hình ảnh một con người để nói đến một bộ phận người. Ngôi kể của câu chuyện cũng vô cùng khách quan, tạo nên sự hấp dẫn của câu chuyện. Đó còn là nghệ thuật miêu tả chân dung đặc sắc qua những điểm nhấn chi tiết tạo nên giá trị của chi tiết nghệ thuật. Sự kết hợp giữa phương thức tự sự và trữ tình cũng tạo nên sự đa chiều của câu chuyện. Lúc là giọng văn tự sự mẫu mực, lúc lại khiến người đọc rưng rưng xúc động với những xúc cảm do tác giả thể hiện.
Truyện ngắn lão Hạc xứng đáng là một tác phẩm hay, một tác phẩm đẹp cả về nội dung lẫn nghệ thuật. Đây xứng đáng là một tác phẩm xuất hiện trong tủ sách của mỗi người, bởi nó chứa đựng những giá trị vĩnh viễn, luôn đúng với thời gian. Lão Hạc cùng với nhà văn Nam Cao vẫn luôn in đậm trong tâm trí của người đọc mọi thế hệ.
Thuyết minh tác phẩm Lão Hạc mẫu 4
Trong nền văn xuôi hiện đại nước ta, Nam Cao là nhà văn có tài năng xuất sắc và một phong cách độc đáo. Ngòi bút của Nam Cao vừa tỉnh táo, sắc lạnh, vừa nặng trĩu suy nghĩ và đằm thắm yêu thương. Văn Nam Cao hết sức chân thực, ông coi sự thực là trên hết, không gì ngăn được nhà văn đến với sự thực, vừa thấm đượm ý vị triết lí và trữ tình.
Ông có sở trường diễn tả, phân tích tâm lí con người. Ngôn ngữ trong tác phẩm của ông sống động, uyển chuyển, tinh tế, rất gần với lời ăn tiếng nói của quần chúng. Với một tài năng lớn và giàu sức sáng tạo, Nam Cao đã góp phần quan trọng vào việc cách tân nền văn xuôi Việt Nam theo hướng hiện đại hóa.
Tác phẩm Nam Cao để lại chủ yếu là truyện ngắn, trong số những truyện ngắn viết về người nông dân, thì “Lão Hạc” là một truyện ngắn xuất sắc và tiêu biểu.
Truyện ngắn “Lão Hạc” được đăng báo lần đầu năm 1943, truyện kể về nhân vật chính – lão Hạc, một lão nông dân nghèo khổ, có phẩm chất trong sạch, vợ lão Hạc mất sớm, để lại lão và cậu con trai, trong nhà tài sản duy nhất của hai cha con lão là một mảnh vườn và “cậu vàng” – con chó do con trai lão mua. Do không đủ tiền cưới vợ, con trai lão chán nản mà làm đơn xin đi mộ phu đồn điền cao su, để lão ở nhà một mình với cậu vàng.
Lão Hạc hết sức thương con, lão chăm vườn, làm ăn dành dụm để khi con trai lão về thì cưới vợ cho nó. Thế nhưng, sau một trận ốm nặng, bao nhiêu tiền dành dụm cũng hết, sức khỏe lão ngày một yếu đi, vườn không có gì để bán, lão Hạc trở nên đói kém hơn, phải lo từng bữa ăn. Lão ăn năn day dứt khi quyết định bán cậu vàng, người bạn thân thiết của lão
Lão gửi số tiền và mảnh vườn cho ông giáo và xin bả chó của Binh Tư để kết thúc cuộc sống túng quẫn của mình. Lão chết một cách đau đớn, nhưng cái chết làm sáng ngời phẩm chất trong sạch của lão Hạc.
Thông qua số phận và cái chết của lão Hạc, Nam Cao đã thể hiện một thái độ trân trọng và cái nhìn nhân đạo đối với lão Hạc nói riêng và người nông dân nói chung, những con người nghèo khổ nhưng sống trong sạch, thà chết chứ không chịu mang tiếng nhục, làm những điều trái với lương tâm cao cả của mình.
Nam Cao cũng đã nêu lên một triết lí nhân sinh rằng: con người chỉ xứng đáng với danh nghĩa con người khi biết trân trọng và chia sẻ, nâng niu những điều đáng quý, đáng thương ở con người.
Đồng cảm với những số phận đáng thương, Nam Cao đã lên tiếng thông qua tác phẩm là tiếng nói lên án xã hội đương thời thối nát, bất công, không cho những con người có nhân cách cao đẹp như lão được sống.Tác phẩm “Lão Hạc” cũng mang một giá trị nghệ thuật sâu sắc, thể hiện được phong cách độc đáo của nhà văn Nam Cao.
Diễn biến của câu chuyện được kể bằng nhân vật tôi, nhờ cách kể này câu chuyện trở nên gần gũi, chân thực với một hệ thống ngôn ngữ mộc mạc, dễ hiểu, giàu tính triết lí.
Trong tác phẩm có nhiều giọng điệu, kết hợp nhuần nhuyễn giữa hiện thực và trữ tình. Đặc biệt, bút pháp khắc họa nhân vật tài tình của Nam Cao cũng được bộc lộ rõ rệt với ngôn ngữ sinh động, ấn tượng, giàu tính tạo hình và sức gợi cảm.
Có thể nói “Lão Hạc” là một truyện ngắn hết sức thành công của Nam Cao. Nhà văn vừa thể hiện được tấm lòng nhân đạo của mình, đồng thời đánh bật được nét phong cách nghệ thuật độc đáo hiếm có của ông.
Thuyết minh tác phẩm Lão Hạc mẫu 5
Nam Cao – nhà văn và cũng là những người bạn luôn thấu hiểu, đồng cảm với nỗi lòng của người nông dân trước Cách mạng tháng Tám. Khi nhận xét về hình ảnh người nông dân trên trang văn của ông, có nhà nhận định đã đưa ra ý kiến: Truyện của Nam Cao thể hiện một tư tưởng chung là nỗi băn khoăn đến đau đớn trước thực trạng con người bị hủy hoại về nhân phẩm do cuộc sống đói nghèo đẩy tới. Nhân vật Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên đã thể hiện một nhân cách cao đẹp, dù hoàn cảnh sống khốn cùng nhưng vẫn giữ cho mình những phẩm giá đáng quý.
Nam Cao sinh ra ở một làng quê nghèo vùng đồng bằng Bắc Bộ và cuộc sống của ông gặp nhiều khốn khó, dòng đời lận đận. Vì vậy, những chất liệu và hình ảnh thực đã đi vào trang văn của ông chân thực và sống động. Hình ảnh người nông dân nghèo khổ bị vùi dập, dồn đến bước đường cùng đã hằn sâu trong tâm trí nhà văn.
Cùng với các tác phẩm Chí Phèo, Một bữa no… Lão Hạc là một truyện ngắn xuất sắc của Nam Cao khi viết về đề tài này và được đăng báo lần đầu năm 1943. Truyện ngắn được giới thiệu trong chương trình sách Ngữ Văn 8 tập 1, với độ dài gần tám trang giấy nhưng đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc về một người cha, người nông dân với những phẩm chất cao quý.
Lão Hạc là truyện kể về cuộc đời của người nông dân sống ở làng quê nghèo khó. Lão có một đứa con trai, một mảnh vườn và một con chó mà lão rất yêu quý với tên gọi cậu Vàng. Đứa con trai của lão vì hoàn cảnh nghèo khổ mà không lấy được vợ, phẫn uất nên anh ta bỏ đi đồn điền cao su, bỏ lại người cha cô đơn với cậu Vàng.
Sau một trận ốm thập tử nhất sinh, lão Hạc không còn đủ sức đi làm thuê làm mướn, rồi trận bão đã phá sạch sành sanh hoa màu trong mảnh vườn. Cuộc sống ngày càng khó khăn, lão kiếm được gì ăn nấy và không nhận sự giúp đỡ của bất kì ai. Và khi không còn kiếm được gì ăn, lão cũng không muốn bán mảnh vườn nên lão phải bán cậu Vàng cho người ta giết thịt và quyết định ấy đã khiến lão đau khổ, day dứt, buồn bã.
Lão mang hết tài sản của mình gửi cho ông giáo giữ hộ. Một hôm nọ, lão xin Binh Tư bả chó và nói là để đánh bả một con chó làm thịt. Ông giáo nghe được câu chuyện đó đã rất buồn rồi bỗng dưng nghe tin lão Hạc chết. Một cái chết đau đớn và dữ dội, lão đã dùng bả chó để kết thúc cuộc đời mình. Cả làng không ai hiểu vì sao, chỉ có ông giáo và Binh Tư hiểu.
Dù với dung lượng khá ngắn và cốt truyện đơn giản nhưng truyện đã rất thành công khi khắc họa hình ảnh người nông dân trước Cách mạng. Lão Hạc trước hết là một người cha mẫu mực, yêu thương con hết lòng. Vợ mất sớm, một mình lão gà trống nuôi con trưởng thành.Khi đứa con không thể cưới vợ vì không có tiền và phẫn uất bỏ đi làm ăn.
Người cha như lão Hạc ở hoàn cảnh đó không khỏi đau đớn, day dứt khi không làm tròn trách nhiệm của mình. Vì thế mà ngày đêm lão mong ngóng đứa con trai trở về. Lão thường tâm sự với cậu Vàng như nói về bố của trẻ. Được đồng nào từ hoa màu của mảnh vườn, lão chắt chiu dành cả cho con. Tấm lòng của người cha nghèo khổ thật đáng trân quý biết bao.
Không chỉ vậy, lão Hạc còn là người có lòng tự trọng và nhân cách cao đẹp. Dù rơi vào hoàn cảnh nghèo khó, không còn gì ăn và sức lực cạn kiệt nhưng lão quyết từ chối sự giúp đỡ của những những người láng giềng. Còn chút tiền tiết kiệm được, lão gửi cả ông giáo để sau này lão chết sẽ lo ma chay cho lão, khỏi phiền hà hàng xóm.
Cũng chính bởi lòng tự trọng gần như hách dịch ấy, đã khiến lão tìm đến cái chết như sự giải thoát. Quyết định bán cậu Vàng có lẽ là quyết định khó khăn và đau đớn nhất của lão. “Lão cười như mếu và đôi mắt lão ầng ậc nước”, “mặt lão co rúm lại”, “những vết nhăn xô lại với nhau”… những chi tiết miêu tả tâm trạng lão Hạc sau khi bán cậu Vàng thật xúc động. Lão coi con chó như họ hàng, như con cháu vậy mà lão lỡ lừa bán nó.
Một nhân cách cả đời sống trung thực, chẳng biết làm hại ai như lão đau khổ, day dứt về việc mình đã làm. Lão đã chọn cái chết để kết thúc cuộc đời mình bằng một liều bả chó mà lão xin của Binh Tư. Cái chết của lão khiến người đọc day dứt, thương xót và cũng đầy suy ngẫm.
Lão hoàn toàn có thể lựa chọn cho mình một cách ra đi nhẹ nhàng, thanh thản hơn thay vì cái chết dữ dội, đau đớn ấy. Phải chăng lão muốn tự trừng phạt mình sau khi lão lừa bán cậu Vàng. Cái chết là cách để lão giữ lại vẹn nguyên tấm lòng trong sạch của mình trong bước đường cùng của số phận.
Nét đặc sắc nhất về nghệ thuật của tác phẩm là tài năng miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế và sâu sắc của nhà văn Nam Cao. Ngòi bút của ông đã đã thể hiện được những nỗi lòng, tâm tư sâu kín của nhân vật một cách chân thật. Truyện có giá trị nhân đạo sâu sắc, nâng niu những phẩm giá cao đẹp của con người dù trong hoàn cảnh tăm tối nhất.
Bên cạnh đó, truyện đã lên án xã hội thực dân nửa phong kiến, đẩy những người nông dân lương thiện đến tận cùng của nghèo đói, những giá trị tốt đẹp của con người dần bị chôn vùi. Hơn nửa thế kỉ trôi qua nhưng truyện ngắn Lão Hạc vẫn mãi trường tồn với thời gian bởi những giá trị của nó để lại.
Truyện cũng cho chúng ta những bài học về cách xây dựng tình huống truyện, nghệ thuật khắc họa tâm lí nhân vật tuyệt sắc của nhà văn Nam Cao. Vì thế, tác phẩm Lão Hạc trở thành một trong những truyện ngắn tiêu biểu của giai đoạn văn học trước Cách mạng được lựa chọn đưa vào chương trình sách giáo khoa để học sinh nghiền ngẫm và rút ra những lẽ sống cho riêng mình.
--------------------------
Trên đây VnDoc đã tổng hợp các bài văn mẫu Thuyết minh truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao cho các bạn tham khảo ý tưởng khi viết bài. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 8 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 8 và biết cách soạn bài lớp 8 các bài trong sách Văn tập 1 và tập 2. Đồng thời các dạng đề thi học kì 1 lớp 8, đề thi học kì 2 lớp 8 mới nhất cũng sẽ được chúng tôi cập nhật. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo.
Các bài liên quan đến tác phẩm: