10 Biện pháp rèn chữ viết cho học sinh Tiểu Học hiệu quả
Nếu bạn là một giáo viên và muốn khắc phục được vấn đề viết chữ xấu của học sinh thì hãy cùng VnDoc tìm hiểu về những biện pháp rèn chữ viết cho học sinh tiểu học hiệu quả nhất thông qua bài viết sau nhé!
Biện pháp rèn chữ hiệu quả cho học sinh
- 1. Cho học sinh nắm bắt được các khái niệm cơ bản
- 2. Điều kiện về tư thế ngồi viết
- 3. Hướng dẫn cách cầm bút đúng
- 4. Rèn viết đúng trọng tâm từng nhóm chữ
- 5. Giáo viên viết mẫu
- 6. Hướng dẫn học sinh luyện viết
- 7. Chấm, chữa bài cho học sinh
- 8. Củng cố bài
- 9. Kết hợp với phụ huynh học sinh và thường xuyên tổ chức tốt các phong trào thi đua.
- 10. Điều kiện để rèn chữ đúng, đẹp cho học sinh
1. Cho học sinh nắm bắt được các khái niệm cơ bản
Tuy là đơn giản, thế nhưng đây là một điều mà giáo viên cần phải quan tâm trước khi rèn chữ viết cho học sinh. Đầu tiên, giáo viên cần dạy cho học sinh một số khái niệm về dòng kẻ (đường kẻ) tương ứng với bao nhiêu ô li? Đặt bút ở đường kẻ nào? Dừng bút ở đường kẻ nào? Hay chữ cái đó có mấy nét? Tên gọi của các nét là gì? Vị trí của dấu phụ, dấu thanh đặt ở đâu mới hợp lý? Cách nối nét như thế nào mới là đúng?… Để từ đó giúp học sinh hình thành những biểu tượng về hình dáng, độ cao, sự cân đối cũng như tính thẩm mỹ của chữ viết. Cho học sinh nắm bắt được các khái niệm
2. Điều kiện về tư thế ngồi viết
Một tư thế ngồi đúng chuẩn không chỉ giúp điều chỉnh về vóc dáng, hình thành thói quen tập trung hơn mà còn là một yếu tố quan trọng không thể thiếu trong quá trình rèn chữ viết cho học sinh. Và đúng là như vậy, một tư thế ngồi thật thoải mái, không gò bó, hai tay đặt đúng điểm tựa quy định sẽ giúp ta điều khiển được cây bút theo sự chỉ huy của não. Mặt khác, bàn ghế cũng phải vừa tầm với học sinh vì ngồi quá cao thì đầu phải cúi gằm xuống hay ngồi quá thấp thì đầu phải nhìn lên, điều này hoàn toàn không tốt. Tuyệt đối không quỳ, nằm, ngồi viết tùy tiện. Nói chung, một tư thế ngồi đúng cách nhất khi tập viết được mô tả như sau:
- Ngồi ngay ngắn, lưng thẳng, không tỳ ngực vào cạnh bàn, đầu hơi cúi, mắt cách vở từ 25 – 30cm, không được nhìn quá gần vở vì thiếu ánh sáng sẽ rất dễ dẫn đến cận thị .
- Cánh tay trái đặt trên mặt bàn bên trái lề vở, bàn tay trái tỳ vào mép vở, giữ vở không bị xê dịch khi viết.
- Cánh tay phải cùng ở trên mặt bàn; khi viết bàn tay và cánh tay phải có thể dịch chuyển từ trái sang phải và từ phải sang trái một cách dễ dàng.
3. Hướng dẫn cách cầm bút đúng
Để viết được nét chữ đẹp thì cách cầm bút chuẩn xác cũng là điều hết sức quan trọng. Bởi lẽ, đối với những tư thế tay cầm bút không đúng sẽ dẫn đến một số tật sau này rất khó chữa chẳng hạn như: căng cứng, mỏi cơ gân bàn tay, viết nhanh mỏi tay, ra nhiều mồ hôi tay, không thể viết lâu được. Vậy phải cầm bút như thế nào mới là đúng cách? Đó chính là:
- Cầm bút bằng 3 ngón tay của bàn tay phải: ngón trỏ, ngón cái và ngón giữa.
- Đầu ngón trỏ đặt trên thân bút, đầu ngón cái thì giữ bên trái thân bút, còn đầu ngón giữa tựa vào bên phải thân bút.
- Khi viết 3 ngón tay này giữ bút, điều khiển bút dịch chuyển.
Ngoài ra cũng cần sự phối hợp của cổ tay, cánh tay, khuỷu tay trong quá trình viết.
Tiếp theo, giáo viên có thể tiến hành dạy cho học sinh các thao tác viết chữ từ đơn giản cho đến phức tạp, dạy cho học sinh kỹ năng viết các nét, cách lia bút cùng cách nối nét. Đồng thời giúp học sinh xác định được khoảng cách, vị trí cỡ chữ trên vở kẻ ô li để từ đó hình thành kỹ năng viết đúng mẫu, rõ ràng và tiến tới là viết đẹp, viết nhanh.
4. Rèn viết đúng trọng tâm từng nhóm chữ
Không có việc gì là dễ dàng ngay từ lúc đầu cả và đối với việc luyện chữ cũng thế, nếu giáo viên cùng một lúc đòi hỏi học sinh viết đúng và đẹp ngay tất cả các loại chữ là điều rất khó thực hiện. Vậy nên, giáo viên có thể phân loại chữ viết thành các nhóm chữ có cấu tạo gần giống nhau về chữ viết, mỗi tuần rèn một nhóm nhất định, rèn viết đúng, viết đẹp nhóm này thì mới chuyển sang rèn nhóm chữ khác, nhằm giúp học sinh rèn thật tỉ mỉ và chi tiết từng nhóm chữ. Thường thì, những giáo viên giàu kinh nghiệm hay căn cứ vào đặc điểm cấu tạo nét và mối quan hệ về cách viết các chữ cái để chia nhóm chữ và xác định chữ trọng tâm đại diện cho mỗi nhóm chữ học sinh hay sai chỗ nào, học sinh gặp khó khăn gì khi viết các chữ ở nhóm đó với mục đích giúp học sinh viết đúng kĩ thuật ngay từ đầu.
Nhóm 1: Gồm các chữ là m, n, i, u, ư, v, r, t
- Lỗi hay mắc phải: viết chưa đúng nét nối giữa các nét, nét móc thường bị đổ nghiêng, khi hất lên thường choãi chân ra nên không đúng.
- Biện pháp khắc phục: Trọng tâm rèn luyện là các nét móc: móc ngược, móc xuôi, móc hai đầu sao cho thật đúng, thật ngay ngắn trước khi ghép các nét tạo thành chữ.
Nhóm 2: Gồm các chữ: l, b, h, k, y
- Lỗi hay mắc phải: viết sai điểm giao nhau của nét và chữ viết còn cong vẹo.
- Biện pháp khắc phục: Giáo viên cho học sinh xác định rõ ràng điểm giao nhau của nét khuyết bằng 1 dấu chấm nhỏ, rồi rèn cho học sinh thói quen luôn đưa bút từ điểm bắt đầu qua đúng chấm sau đó mới đưa bút lên tiếp thì mới viết đúng. Bên cạnh đó, giáo viên cũng cần rèn cho học sinh biết viết nét sổ thật đúng, thật thẳng ở ngay các bài nét chữ cơ bản khi nào thành thạo thì mới tiến hành viết nét khuyết nhằm đạt mục tiêu viết được nhóm chữ số 2 này thật thẳng và thật ngay ngắn.
Nhóm 3: Gồm các chữ: o, ô, ơ, ă, â
- Lỗi hay mắc phải: Ở nhóm này, học sinh hay viết sai từ chữ O như chiều ngang quá rộng hoặc quá hẹp, nét chữ không đều đầu to đầu bé.
- Biện pháp khắc phục: Đầu tiên, giáo viên cần dạy học sinh viết đúng chữ O để làm cơ sở cho viết đúng các chữ khác trong nhóm.
5. Giáo viên viết mẫu
Việc viết mẫu của giáo viên luôn được xem là phương tiện quan trọng để dạy học sinh viết đúng, đẹp, cũng như giúp học sinh nắm bắt được quy trình viết từng nét của từng chữ cái.
Chính vì thế, giáo viên phải viết chậm, đúng theo quy tắc viết chữ, nhằm tạo điều kiện để học sinh nhìn thấy tay của giáo viên viết từng nét chữ. Đồng thời vừa giảng giải, vừa phân tích cho học sinh như: phải đưa bút như thế nào cho chuẩn xác? Thứ tự các nét viết ra sao?
Giáo viên cũng cần chú ý phân tích cả cách viết dấu phụ và dấu thanh. Mặt khác, việc trình bày bảng cũng là một yếu tố mà giáo viên cần quan tâm vì đó là con đường ngắn nhất giúp học sinh noi theo những gì giáo viên hướng dẫn. Tóm lại, việc khổ công rèn luyện viết đúng, viết đẹp, viết rõ ràng và ngay ngắn chính là tiêu chí mà mọi giáo viên đều phải đặt ra và thực hiện bằng được trong từng giờ học, trong từng cách trình bày bảng sao cho khoa học và thật đẹp mắt.
6. Hướng dẫn học sinh luyện viết
Luyện viết trên không:
- Đây được xem là bước giúp học sinh rèn luyện đôi tay cũng như rèn luyện quy trình viết các nét để học sinh không bị ngỡ ngàng khi viết. Giáo viên cũng có thể cho học sinh tì đầu ngón tay trên mặt bàn để hình thành dần kỹ năng viết các nét sao cho thật đều đặn. Bước này có thể lặp lại từ 2 cho đến 3 lần.
Luyện viết trên bảng con, bảng lớp
- Giáo viên cho một số em luyện viết trên bảng lớp, còn cả lớp thì viết bảng con chữ cái và cụm từ mà giáo viên yêu cầu hoặc giáo viên cũng có thể chọn cho học sinh viết những chữ khó viết mà học sinh hay viết sai.
- Khi nhận xét chữ viết của học sinh, giáo viên cần cho học sinh quan sát lại chữ mẫu. Ngoài ra, giáo viên có thể gợi ý để học sinh tự nhận xét chữ viết của mình và của bạn, biết tự chữa lại những chỗ đã viết sai.
- Giáo viên chữa lỗi sai chung bằng cách viết lại chữ đúng ngay bên cạnh chữ viết của học sinh, tránh viết đè lên chữ viết sai của học sinh, vì như thế học sinh sẽ rất khó nhận ra chỗ sai của mình để chữa lại cho đúng.
Luyện viết bài vào vở
- Giáo viên cần đặt ra yêu cầu học sinh viết phải chữ gì? Từ gì? Câu gì? Cỡ chữ như thế nào? Viết mấy dòng?
- Trước khi cho học sinh viết bài, giáo viên cũng nên hướng dẫn lại tư thế ngồi viết, cách cầm bút sao cho đúng. Đồng thời, nhắc nhở học sinh trước khi viết: đặt bút ngay điểm bắt đầu viết, viết chữ đúng nét, đúng độ cao của các nét, các chữ, khoảng cách giữa các chữ, các cụm từ.
- Học sinh thực hành viết bài vào vở. Giáo viên tiến hành theo dõi, uốn nắn cho một số em có chữ viết còn xấu. Mặt khác, giáo viên cũng có thể cầm tay hướng dẫn cho học sinh viết 1 đến 2 chữ đầu tiên để các em quen dần.
7. Chấm, chữa bài cho học sinh
- Kiểm tra, đánh giá, sữa chữa cũng là cách mà giáo viên có thể giúp đỡ các học sinh thân yêu của mình trong việc rèn chữ viết.
- Tại lớp, giáo viên có thể chấm điểm từ 5 – 7 bài, kết hợp chấm điểm những học sinh có chữ viết xấu và những học sinh rèn viết chữ đẹp. Những bài viết của các học sinh còn lại thì giáo viên thu về nhà chấm để kịp thời chữa cách viết của học sinh ở tiết học sau.
- Giáo viên nên chữa những lỗi học sinh sai phổ biến, hướng dẫn thật kỹ cách viết của chữ cái đó để học sinh khắc sâu cách viết thêm một lần nữa.
- Cho cả lớp xem bài viết đẹp. Kịp thời động viên, khích lệ những học sinh có chữ viết tiến bộ.
- Tuyên dương những học sinh có bài viết đẹp nhằm khuyến khích tinh thần các em.
- Giáo viên chia lớp thành 4 nhóm nhỏ, cho học sinh thi đua giữa các nhóm, nhóm nào có nhiều bài viết đẹp, nhóm đó nhận sẽ được cờ thi đua. Chắc chắn điều này sẽ làm các em rất phấn khích và cố gắng viết đẹp hơn nữa (đây là yếu tố tác động vào tâm lý vô cùng hiệu quả, rất hay được các giáo viên ở một số trường sử dụng)
- Hàng tháng, giáo viên chấm điểm vở sạch, chữ đẹp cho từng học sinh sơ kết thi đua.
8. Củng cố bài
Đối với bất cứ một môn học nào cũng vậy, việc củng cố bài vở luôn là cách giúp các em học sinh nhớ lâu và thực hiện một cách tốt hơn. Vậy nên, luyện chữ đẹp cũng cần củng cố. Giáo viên có thể củng cố theo một số hình thức sau: Giáo viên yêu cầu học sinh viết lại những chữ cái đã viết ở trên bảng lớp.
- Cho học sinh thi viết chữ cái giữa các nhóm trong lớp với nhau.
- Hoặc có thể dùng các nét rời rồi cho học sinh thi ghép các nét chữ với nhau để tạo thành chữ cái đã được học.
- Phối hợp viết chữ với những môn học khác.
9. Kết hợp với phụ huynh học sinh và thường xuyên tổ chức tốt các phong trào thi đua.
Không chỉ rèn luyện ở trường, tập viết ở nhà cũng chính là mấu chốt của thành công. Bởi lẽ, học sinh tiểu học có một đặc điểm mà ai cũng dễ dàng nhận ra đó chính là nhanh quên, vì vậy việc rèn luyện viết chữ đúng, đẹp cần được làm thường xuyên, liên tục ở mọi nơi mọi lúc và luyện tại nhà là hợp lý nhất. Chính vì vậy, giáo viên cần trao đổi với phụ huynh về cách thức thực hiện sao cho đúng cách nhất từ chuẩn bị những đồ dùng tập viết cần thiết, tư thế, cách cầm bút chuẩn xác,... Mặt khác, giáo viên cũng có thể bồi dưỡng lòng say mê và quyết tâm rèn chữ viết cho học sinh thông qua những phong trào thi đua theo tuần, theo chủ điểm và kết hợp với hội cha mẹ học sinh khen thưởng kịp thời để giúp các em hưng phấn hơn trong việc rèn chữ viết.
10. Điều kiện để rèn chữ đúng, đẹp cho học sinh
Rèn kĩ năng viết đúng, đẹp cho học sinh là một quá trình lâu dài, phức tạp và đòi hỏi sự nỗ lực cố gắng của cả giáo viên và học sinh. Đặc biệt là kĩ năng viết chữ đẹp. Đây là một kĩ năng không phải tự nhiên mà có, đòi hỏi sự chăm lo rèn luyện thường xuyên của giáo viên cho các em, phải dạy cho các em một cách có định hướng và có kế hoạch.
Giáo viên phải biết kết hợp dạy tốt các môn học khác như tập đọc, chính tả để khắc phục các đối tượng học sinh viết chậm sai do đọc yếu và sai quy tắc chính tả. Đặc biệt giáo viên không nên xem nhẹ việc rèn đọc hoặc bỏ qua việc rèn phát âm chuẩn cho học sinh. Không nên xem nhẹ môn học nào bởi vì các môn học đều có liên quan bổ sung cho nhau.
Đồ dùng học tập phải đầy đủ như giấy, vở, bút, bảng con, phấn, thước... đạt tiêu chuẩn quy định. Hiện nay học sinh lựa chọn đủ các loại bút để viết. Những loại bút mực hay bút chấm mực như ngày xưa đối với các em vô cùng xa lạ. Chính vì vậy chữ của các em đã mất đi dáng vẻ mềm mại, chân phương so với trước đây. Các em cũng chỉ viết được một kiểu chữ nét đều, không viết được kiểu chữ có nét thanh, nét đậm. Khắc phục hạn chế này nên thống nhất sử dụng một loại mực, một loại bút viết (viết ngòi luyện chữ nét thanh đậm) loại viết này có giá trị sử dụng lâu dài. Sử dụng vở có chất lượng cao, không bị nhoè khi viết. Chính yếu tố này là yếu tố quyết định không nhỏ thành công của việc luyện viết chữ đẹp.
Học sinh viết chậm viết sai hàng ngày ngoài viết bài ở trên lớp giáo viên cần khuyến khích học sinh luyện đọc luyện viết ở nhà. Quy định mỗi ngày học sinh phải luyện viết một bài. Thời gian đầu nên cho học sinh viết thơ bốn chữ hoặc năm chữ với số lượng ít sau nâng dần lên viết thơ lục bát, đoạn văn. Sau mỗi bài viết giáo viên phải chấm chữa bài, trực tiếp chỉ chỗ sai cho học sinh từ cách trình bày đến điểm đặt bút và dùng bút của các con chữ. Đối với học sinh viết chữ đẹp giáo viên cần hướng dẫn học sinh cách cầm bút, lia bút, rê bút để có được chữ viết đẹp có nét thanh nét đậm. Ngoài luyện chữ viết theo mẫu giáo viên cần sưu tầm thêm các mẫu chữ đẹp sáng tạo cho học sinh tham khảo và hướng dẫn học sinh luyện viết khơi nguồn cảm hứng yêu thích luyện viết chữ đẹp cho các em. Xây dựng nguồn lực để tham gia các hội thi viết chữ đẹp cấp trường, huyện, tỉnh.
Mời các bạn tham khảo thêm:
- Các kỹ năng tự bảo vệ bản thân mà học sinh Tiểu Học cần có
- Kinh Nghiệm Dạy Bé Học Những Phép Cộng Có Nhớ
Trên đây là Top 10 Biện pháp rèn chữ viết cho học sinh tiểu học hiệu quả nhất. Hi vọng qua bài viết này bạn đọc có thêm tài liệu hữu ích nhé. Mời các bạn cùng tham khảo thêm các mẹo dạy học hay khác dành cho giáo viên tiểu học.