Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Các trò chơi ôn bài cũ cho học sinh Tiểu học thú vị

Các trò chơi ôn bài cũ cho học sinh Tiểu học thú vị, hấp dẫn học áp dụng cho mỗi giờ học để giúp học sinh cảm thấy phấn khích và có tinh thần mỗi khi đến lớp. Mặt khác, trò chơi cũng có thể giúp học sinh ôn bài cũ rất hiệu quả nếu như giáo viên biết cách áp dụng một cách thích hợp. Mời các thầy cô tham khảo.

1. Trò chơi Ong đi tìm nhụy (trò chơi ôn bài cũ môn toán)

Các trò chơi ôn bài cũ cho học sinh tiểu học

Mục đích:

Rèn tính tập thể cho học sinh.

Giúp cho học sinh thuộc các bảng nhân, chia một cách dễ dàng.

Chuẩn bị:

  • 2 bông hoa 5 cánh, mỗi bông một màu, trên mỗi cánh hoa ghi các số (kết quả của phép chia hoặc phép nhân mà giáo viên đã chuẩn bị sẵn), mặt sau gắn nam châm.
  • 10 chú Ong trên mình ghi các phép tính, mặt sau có gắn nam châm.

Cách chơi:

  • Giáo viên chọn 2 đội, mỗi đội gồm 4 em.
  • Giáo viên chia bảng làm 2 phần, gắn mỗi bên bảng một bông hoa và 5 chú Ong, ở bên dưới không theo trật tự.
  • Sau đó, giáo viên hãy giải thích luật chơi cho các em hiểu rằng: cô có 2 bông hoa trên những cánh hoa là các kết quả của phép tính, còn những chú Ong thì chở các phép tính đi tìm kết quả của mình. Và nhiệm vụ của các học sinh là giúp các chú ong tìm đúng kết quả của phép tính.
  • 2 đội xếp thành hàng và sau khi nghe hiệu lệnh "bắt đầu" thì lần lượt từng bạn lên nối các phép tính với các số thích hợp. Bạn thứ nhất nối xong phép tính đầu tiên, trao phấn cho bạn thứ 2 lên nối, cứ làm tiếp tục như vậy cho đến khi nối hết các phép tính. Trong vòng 1 phút, đội nào nối đúng và nhanh hơn thì sẽ là đội chiến thắng.

Lưu ý: Sau khi chơi xong, giáo viên chấm và hỏi thêm một số câu hỏi sau để khắc sâu bài học.

2. Trò chơi: Nghe đọc đoạn đoán tên bài (trò chơi ôn bài cũ trong môn tiếng Việt)

Mục đích:

  • Rèn kĩ năng đọc đúng, rõ ràng một đoạn văn trong bài đã học
  • Luyện kĩ năng nghe hiểu và nhớ tên các bài tập đọc đã học.

Chuẩn bị: Giáo viên yêu cầu học sinh ôn lại các bài tập đọc đã học ở môn Tiếng Việt nhằm phục vụ cho các tiết ôn tập.

Cách tiến hành:

  • Giáo viên sắp xếp học sinh và chia thành 2 nhóm tham gia chơi, ngồi đối diện nhau, cử nhóm trưởng điều hành chung cả nhóm, bốc thăm để chọn nhóm đọc trước.
  • Nhóm bốc được chọn đọc trước được mở sách giáo khoa để chọn đoạn đọc (trong một số bài tập đọc đã nêu ra), nhóm còn lại nghe để đoán tên bài tập đọc đã học. Sau khi đã đoán xong thì nhóm 2 lại thực hiện đọc đoạn văn đã chọn và nhóm 1 lại đoán tên bài tập đọc đã học, mỗi nhóm được thực hiện 3 lần đoán tên bài và đọc.
  • 2 nhóm tham gia chơi đều được tính điểm để so sánh khi trò chơi kết thúc, giáo viên sẽ chọn nhóm nào được nhiều điểm hơn nhóm đó sẽ thắng cuộc.

Lưu ý: khi đoán tên bài cả hai nhóm đều không được mở SGK, nhóm 2 có thể lấy nội dung của bài tập đọc mà nhóm 1 đọc nhưng cần chọn đoạn văn khác trong bài, đoạn văn nên ngắn gọn không quá dài.

3. Trò chơi: Thi thả thơ

Các trò chơi ôn bài cũ cho học sinh tiểu học

Mục đích: Củng cố kiến thức hoặc thi đọc thuộc lòng thơ.

Chuẩn bị: Giáo viên viết vào các phiếu câu thơ đầu (hoặc giữa) của mỗi khổ thơ, hoặc 2 – 3 từ đầu của mỗi câu thơ trong các bài thơ cần học thuộc lòng.

Cách tiến hành:

Mỗi lượt chơi bao gồm 2 nhóm A và B có số người bằng số phiếu. Mỗi nhóm sẽ chọn ra một bạn làm nhóm trưởng để điều hành việc “thả thơ” của nhóm mình. Hai nhóm “Oẳn tù tì” để giành quyền thả thơ trước, giả sử nhóm A là nhóm thả thơ.

Mỗi học sinh trong nhóm chuẩn bị trong tay cầm một tờ phiếu (giữ kín), khi nghe hiệu lệnh “bắt đầu” từ phía giáo viên, nhóm A (nhóm thả thơ) cử một người đưa ra một tờ phiếu cho một bạn ở nhóm B. Bạn nhận phiếu phải đọc thuộc cả khổ thơ (hoặc cả câu thơ) có câu (từ) ghi trên phiếu; khi đọc đúng sẽ được tính 10 điểm. Học sinh thả phiếu. Giáo viên tính tổng số điểm của nhóm thuộc thơ.

Đổi nhóm “thả thơ” lúc này thì nhóm B và chơi tương tự như trên, sau đó giáo viên tính tổng số điểm của nhóm B.

Kết thúc trò chơi giáo viên nhận xét, tuyên dương tặng hoa điểm 10 cho nhóm nào thắng cuộc.

Lưu ý:

Chỉ được “thả” từng phiếu và “thả” cho mỗi bạn ở nhóm đối diện một lần.

Người nhận được phiếu phải tự nghĩ và đọc thuộc, những bạn khác trong nhóm không được nhắc bài bạn.

4. Trò chơi: Ô chữ kỳ diệu

Mục đích: Củng cố kiến thức cho các bài đã học ở một số môn như: khoa học, sức khỏe, đạo đức,.... Đồng thời rèn luyện sự nhanh nhạy trong tư duy và tăng tính phấn khởi trong học tập.

Cách tiến hành:

  • Giáo viên đưa ra một ô chữ gồm có 15 ô chữ hàng ngang và một ô chữ hàng dọc (cái này có thể thay đổi tùy giáo viên). Mỗi ô chữ hàng ngang là một nội dung kiến thức đã học và kèm theo lời gợi ý.
  • Mỗi nhóm tham gia chơi phải phất cờ để giành được quyền trả lời.
  • Nhóm nào trả lời nhanh và đúng thì sẽ ghi được 10 điểm.
  • Nhóm nào trả lời sai thì nhường quyền trả lời cho nhóm khác.
  • Nhóm nào tìm được từ hàng dọc ghi được 20 điểm.
  • Trò chơi sẽ kết thúc khi ô chữ hàng dọc được đoán ra.
  • Nhóm nào ghi được nhiều điểm nhất thì là nhóm thắng cuộc.
  • Giáo viên tổng kết điểm và khen ngợi hoặc có phần quà dành cho nhóm thắng cuộc.

5. Trò chơi: Xem ai nhớ nhất

Các trò chơi ôn bài cũ cho học sinh tiểu học

Mục đích: Giáo viên có thể vận dụng vào các bài ôn tập củng cố kiến thức đã học ở phân môn Luyện từ và câu.

  • Củng cố, khắc sâu kiến thức về tác dụng của dấu phẩy.
  • Rèn luyện khả năng tập trung, chú ý.
  • Rèn luyện các kĩ năng tư duy bậc cao như: phân tích- tổng hợp.

Chuẩn bị:

Bộ bìa gồm 3 thẻ ghi các chữ A, B, C (mỗi thẻ tương ứng với 1 màu) tương ứng với các tác dụng của dấu phẩy:

A: Ngăn cách các bộ phận cùng chức vụ trong câu.

B: Ngăn cách trạng ngữ với chủ ngữ và vị ngữ.

C: Ngăn cách các vế câu trong câu ghép.

Một số thẻ từ ghi các câu học sinh cần phân tích

Cách chơi:

  • Giáo viên chia học sinh thành các đội chơi theo dãy bàn và phát cho mỗi học sinh một bộ thẻ chữ.
  • Khi giáo viên đọc và dán một thẻ ghi câu cần phân tích tác dụng của dấu phẩy lên bảng thì học sinh phải chọn một thẻ chữ tương ứng để giơ lên.
  • Sau mỗi một lượt chơi, giáo viên hoặc 1 học sinh được cử làm trọng tài sẽ đếm số người trả lời đúng ở mỗi đội.
  • Sau khi trò chơi kết thúc, giáo viên sẽ thống kê số học sinh làm đúng ở các lượt chơi. Đội thắng cuộc sẽ là đội có số người trả lời đúng nhiều nhất, đội đó thắng cuộc.

6. Trò chơi xì điện (trò chơi ôn bài cũ trong môn Toán)

Mục đích: Giúp học sinh thuộc nhân, chia trong bảng (đối tượng áp dụng cho học sinh lớp 3)

Thời gian chơi: 7 – 10 phút.

Luật chơi:

  • Giáo viên hãy chia lớp thành 2 đội để thi đua.
  • Giáo viên sẽ “châm ngòi” đầu tiên và đọc một phép tính chẳng hạn 5 x 9 rồi chỉ vào một em thuộc một trong 2 đội, em đó phải bật ngay ra kết quả.
  • Nếu kết quả đúng thì em đó có quyền “xì điện” một bạn thuộc đội đối phương. Em sẽ đọc bất kì phép tính nào, chẳng hạn như 50: 10 và chỉ vào một bạn (ở bên kia) bạn đó lập tức phải có ngay kết quả là 5, rồi lại “xì điện” trả lại đội ban đầu.
  • Cứ như vậy, giáo viên cùng 2 thư ký ghi kết quả của mỗi đội. Hết thời gian chơi đội nào có nhiều bạn đọc kết quả đúng thì sẽ là đội chiến thắng.
  • Lưu ý: Khi được quyền trả lời mà lúng túng không đọc ra ngay kết quả thì mất quyền trả lời và “xì điện”, giáo viên sẽ lại chỉ định một bạn khác bắt đầu.

7. Trò chơi “Sai ở đâu? Sửa thế nào?” (trò chơi ôn bài cũ môn toán)

Mục đích: Giúp các em ôn luyện những kiến thức đã được học một cách tốt nhất, đặc biệt là trong toán giải.

Chuẩn bị: Giáo viên hãy chuẩn bị sẵn một số bài Toán có lời giải sai ở một vài bước trên bảng phụ (nên bố trí chỗ sai là những sai lầm mà học sinh thường mắc phải khi làm kiểu bài này).

Cách chơi:

  • Giáo viên đưa các bài toán có lời giải như đã nói ở trên lên bảng chính (tùy vào lúc thích hợp của tiết học)
  • Các đội chơi sẽ thảo luận trong vài phút phút để truy tìm ra chỗ sai của bài giải, đồng thời đưa ra phương án sửa sai.
  • Đội tìm ra và có phương án sửa sai nhanh nhất sẽ trình bày đáp án, nếu chưa đúng thì các đội sau có quyền xin trả lời, khi nào lời giải đã đúng thì khi đó trò chơi sẽ dừng lại.
  • Giáo viên yêu cầu những đội có câu trả lời đúng chỉ ra nguyên nhân sai lầm để từ đó nhấn mạnh nhằm giúp cả lớp rút kinh nghiệm.
  • Đội chiến thắng là đội tìm ra nhanh nhất những chỗ sai, chỉ ra nguyên nhân sai và sửa lại cho đúng.

8. Trò chơi khởi động đầu tiết học: Ai nhanh hơn

Mục đích:

  • Ôn tập lại kiến thức đã học đồng thời giới thiệu bài mới.
  • Luyện phản ứng nhanh, khả năng quan sát, nhận xét, đánh giá chính xác, tiết kiệm thời gian.
  • Rèn tính tự giác, thi đua giữa học sinh.

Chuẩn bị:

  • Giáo viên: chuẩn bị hệ thống câu hỏi và đáp án.
  • Học sinh: thẻ đúng , sai.

Cách tổ chức:

Chia lớp làm 4 đội chơi tương ứng với 4 tổ , cử 4 tổ trưởng làm trọng tài và theo dõi chéo, 1 thư ký ghi kết quả.

Thời gian: 4 phút

Luật chơi: Giáo viên lần lượt giới thiệu từng câu hỏi, yêu cầu để giáo viên đọc từng câu hỏi hoàn chỉnh thì học sinh mới được sử dụng thẻ (đúng hoặc sai) để trả lời. Em nào vi phạm luật là loại kết quả. Sau khi học sinh trả lời câu hỏi, giáo viên đưa đáp án cho câu hỏi luôn để các em đối chiếu kết quả.

Cách tính điểm: mỗi câu trả lời đúng được tính 10 điểm/học sinh, trả lời sai trừ 5 điểm/học sinh. Tổng điểm mỗi đội được ghi lên bảng luôn sau mỗi câu trả lời.

Câu hỏi có thể liên quan đến bài học trước đó, nhằm ôn lại bài cũ trước khi vào bài mới.

9. Trò chơi khởi động đầu tiết học: Ai làm đúng?

Mục đích: Rèn luyện khả năng tập trung tư tưởng, tinh thần tập thể, phản xạ nhanh nhạy cho các em.

Cách chơi: Quản trò quy định một nhóm đóng giả gà con. Nhóm khác đóng giả gà mái, nhóm khác nữa đóng giả gà trống. Khi được đọc đến tên mình cùng động tác chỉ huy tay của quản trò, lập tức nhóm phải phát ra tiếng kêu của gà. Ví dụ: Gà con kêu chíp chíp…Gà mái kêu cục ..tác…Gà trống kêu ò…ó…o…

Quản trò chỉ tay vào nhóm nào mà nhóm đó không đọc được hoặc đọc chậm, đọc sai quy định thì phạm luật.

Chú ý: Để xem nhóm nào phản xạ tốt nhất, quản trò vừa làm động tác chỉ vào nhóm đó nhưng lại gọi trên nhóm khác, các em sẽ dễ bị nhầm. Ai làm sai sẽ bị phạt.

Các trò chơi ôn bài cũ cho học sinh Tiểu học thú vị giúp các thầy cô có thêm nhiều mẹo dạy học hay và hiệu quả, chuẩn bị cho các tiết học trên lớp đạt kết quả cao.

10. Trò chơi: Ai nhiều điểm nhất

Mục đích: Tăng kỹ năng tính nhẩm cho học sinh nhanh hơn và tìm được lỗi sai

Chuẩn bị:

  • 2 cây chậu cảnh có đánh số 1, 2
  • Một số bông hoa bằng giấy màu cứng, mặt trước màu trắng ghi các phép tính
  • Phấn màu
  • Đồng hồ theo dõi thời gian
  • Chọn 3 học sinh khá nhất lớp làm giám khảo và thư ký

Cách chơi:

Chia lớp làm 2 đội, khi nghe hiệu lệnh “bắt đầu” lần lượt từng đội cử người lên bốc hoa trên bàn giáo viên, người chơi có nhiệm vụ làm nhanh phép tính ghi trên bông hoa, sau đó cài bông hoa lên cây của đội mình.

Người này làm xong cài hoa lên cây thì lại đến lượt người khác. Cứ như vậy cho đến hết 2 phút.

Sau khi giáo viên hô hết giờ thì 2 đội mỗi đội cử 1 đại diện lên đọc lần lượt từng phép tính trên cây của mình đồng thời giơ cho cả lớp xem bông hoa đó.

Giám khảo đánh giá và thư ký ghi lại kết quả.

Lưu ý: Phép tính phải liên quan đến các bài tập trước đó

11. Trò chơi rèn từ môn Tiếng Anh

Mục đích: Kiểm tra nhanh mức độ hiểu từ mới của học sinh qua các bài học hiệu quả giúp trau dồi vốn từ mới nhanh chóng.

Chuẩn bị: Ít nhất có hai người chơi và nếu cần có một cuốn từ điển. Trên lớp giáo viên có thể chia lớp thành hai nhóm và chính giáo viên hoặc một học sinh làm trọng tài.

Cách chơi:

Giáo viên chia lớp thành các nhóm theo từng tổ khác nhauLấy một từ tiếng Anh bất kì (việc này giáo viên có thể làm), ví dụ: yesterday. Dùng các con chữ tạo nên từ đó, cụ thể ở đây là: y, e, s, t, e, r, d, a, y để tạo ra những từ khác, ai tạo được nhiều từ hơn là thắng cuộc. Trong ví dụ trên ta có thể tạo được các từ như: yes, trader, year, steady – state, …

Học sinh phải cố gắng nhớ lại tất cả các từ trong đầu mình, vừa giúp đỡ quên từ lại có thể học thêm được từ mới trong số các từ mà người bạn chơi tạo ra.

Giáo viên suy nghĩ và tìm những từ có các chữ cái có thể thành lập được các từ khác nằm trong nội dung học sinh đã học hoặc để kiểm tra vốn từ của học sinh.

Nhóm chiến thắng sẽ là nhóm có số lượng từ nối tiếp liên tục nhiều nhất.

Tham khảo các mẹo dạy học hiệu quả cho các thầy cô giáo

Chia sẻ, đánh giá bài viết
20
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Mẹo dạy học hay

    Xem thêm