Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Có ý kiến cho rằng: Cuộc đời và số phận người phụ nữ luôn là "tiếng kêu đau đớn" của các nhà văn Trung đại. Em hãy làm sáng tỏ ý kiến trên

Văn mẫu lớp 9: Có ý kiến cho rằng: Cuộc đời và số phận người phụ nữ luôn là "tiếng kêu đau đớn" của các nhà văn Trung đại. Em hãy làm sáng tỏ ý kiến trên dưới đây được VnDoc.com tổng hợp và sưu tầm gồm các bài văn mẫu lớp 9 hay cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra môn Ngữ văn 9 sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

1. Trình bày suy nghĩ của em về: Cuộc đời và số phận người phụ nữ luôn là "tiếng kêu đau đớn" của các nhà văn Trung đại mẫu 1

Vũ trụ có nhiều kì quan nhưng kì quan tuyệt phẩm, huyền bí nhất có lẽ là phụ nữ. Trong xã hội ngày nay, vai trò và hình ảnh của người phụ nữ được tôn vinh hơn hẳn những thời kỳ lịch sử trước, những thời kì nước ta đang đắm chìm trong đêm đen loạn lạc của chế độ phong kiến. Thương thay, số phận của người phụ nữ phong kiến thật chua xót bất hạnh. Bằng sự đồng cảm và cảm thông ấy các nhà thơ nhà văn cùng thời đã tạc vào lịch sử văn học Việt Nam hình ảnh người phụ nữ phong kiến, đại diện cho cái đẹp hoàn mỹ. Đó là hai tác phẩm tiêu biểu Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ và Truyện Kiều của Nguyễn Du. Mặc dù hai nàng Kiều, Vũ Nương tài sắc vẹn toàn nhưng cuộc đời hai nàng lại chất chứa những trang buồn đầy nước mắt, bi kịch.

"Chuyện người con gái Nam Xương" xoay quanh về cuộc đời và số phận bi thảm của Vũ Nương - người con gái nhan sắc, đức hạnh. Nàng lấy chồng là Trương Sinh, con nhà hào phú nhưng ít học, có tính đa nghi và hay ghen. Cuộc sống gia đình đang êm ấm thì Trương Sinh phải đầu quân đi lính. Chàng đi đầy tuần, Vũ Nương sinh con trai, hết lòng nuôi dạy con, chăm sóc, lo ma chay cho mẹ già chu đáo và thủy chung đợi chồng. Đêm đêm, nàng thường trỏ bóng mình trên vách và nói với con đó là cha của bé. Giặc tan, Trương Sinh trở về, tin lời con nhỏ, nghi ngờ vợ thất tiết, nhục mạ, đánh đuổi nàng đi. Phẫn uất, Vũ Nương nhảy xuống sông Hoàng Giang tự vẫn. Sau một thời gian, chàng Trương Sinh mới biết được nỗi oan của vợ và lập đàn giải oan cho nàng. Vũ Nương hiện về giữa bến Hoàng Giang lúc ẩn, lúc hiện rồi biến mất.

phụ nữ thời xưaTruyện Kiều nói về nàng Kiều là người con gái đầu lòng trong một gia đình trung lưu lương thiện, sống cùng cha mẹ và hai em, là người tài sắc vẹn toàn. Trong buổi du xuân Kiều gặp Kim Trọng 2 người nảy sinh tình cảm, hai người tự do đính ước với nhau. Kim Trọng về quê chịu tang chú. Gia đình Kiều bị mắc oan, Kiều phải bán mình chuộc cha. Kiều bị bọn buôn người là Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh lừa gạt đẩy vào lầu xanh. Nàng được Thúc Sinh cứu vớt nhưng lại bị vợ cả là Hoạn Thư ghen tuông đầy đọa. Kiều đến nương nhờ cửa phật, sư Giác Duyên gửi nàng cho Bạc Bà vô tình đẩy nàng vào lầu xanh lần hai. Ở đây Kiều gặp Từ Hải, Từ Hải lấy Kiều giúp Kiều báo ân báo oán. Từ Hải bị Hồ Tôn Hiến hãm hại, Kiều bị ép gả cho viên thổ quan. Kiều đau đớn tủi nhục, Kiều trẫm mình ở sông Tiền Đường và được sư Giác Duyên cứu lần hai Kiều nương nhờ cửa phật. Sau khi chịu tang chú xong chàng Kim trở lại tìm Kiều thì mới biết gia đình Kiều bị tai biến và nàng phải bán mình chuộc cha. Kim Trọng kết hôn với Thúy Vân nhưng chẳng nguôi được mối tình say đắm chàng đi tìm Kiều. Nhờ gặp sư Giác Duyên Kim Kiều gặp nhau gia đình đoàn tụ.

Nguyễn Du có viết:

"Đau đớn thay phận đàn bà

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung".

Đó là những lời xót xa của Nguyễn Du khi viết về cuộc sống của những người phụ nữ trong xã hội mà ông đang sống. Dường như ông thấu hiểu sự đau khổ và bất lực của những người phụ nữ trong xã thời phong kiến, cái xã hội thối nát, đầy rẫy những sự bất công và trọng nam khinh nữ. Tất cả những người phụ nữ ở thời đại đó đều thùy mị, đảm đang nhưng chỉ vì những thế lực phong kiến, những cách nghĩ ngu muội mà cuộc đời họ đã chịu nhiều khổ cực. Mỗi người họ đều có một cuộc đời riêng, một nỗi đau khổ riêng, nhưng họ đều có đặc điểm chung là "bạc mệnh". Ta có thể thấy điều đó qua nhân vật Vũ Nương trong "Chuyện người con gái Nam Xương" của Nguyễn Dữ và Thúy Kiều trong "Truyện Kiều" của Nguyễn Du

Người phụ nữ trong thời phong kiến xưa xuất hiện trong văn học thường là những người phụ nữ xinh đẹp. Từ vẻ đẹp ngoại hình cho đến tính cách. Đều là đẹp nhưng mỗi người lại mang một vẻ đẹp khác nhau, mỗi thân phận có một đặc điểm ngoại hình riêng biệt. Ở Vũ Nương, nàng "thùy mị, nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp". Khi lấy Trương Sinh, biết chàng có tính hay ghen nên nàng "cũng giữ gìn khuôn phép, chưa từng lúc nào để vợ chồng xảy ra thất hòa". Nàng luôn một lòng, một dạ quý chồng thương con nên khi chàng Trương đi lính, nàng "không mong được đeo ấn phong hầu, chỉ cần ngày về được mang theo hai chữ bình yên". Có thể thấy, nàng là người con gái hiền lành, chất phác, cưới chàng Trương, nàng không hề mong danh lợi hay vinh hoa, phú quý mà chỉ vì một mong ước rất bình thường mà người phụ nữ nào cũng muốn "thú vui nghi gia, nghi thất". Khi chàng Trương đi lính, Vũ Nương một mình nuôi con, hết lòng chăm lo cho mẹ chồng như mẹ đẻ của mình. Lúc mẹ chồng bị bệnh, nàng đã hết mực chăm sóc, rồi khi bà mất, nàng làm ma chay, tế lễ chu đáo, nuôi con khôn lớn chờ đợi ngày Trương Sinh trở về.

Đó là những nét đẹp về ngoại hình và cả trong tâm hồn của người phụ nữ xưa. Và đặc biệt phải kể đến cả Thúy kiều, một người con gái tài sắc vẹn toàn. Khi cha bị nghi oan, không có tiền để cứu cha, nàng đã bán mình chuộc cha dù đã có lời thề non hẹn biển với Kim Trọng. Từ đó, nàng đã không biết bao nhiêu lần rơi vào tay của những tên bán người như Tú Bà, Sở Khanh, Mã Giám Sinh...lừa gạt. Ở nơi đất khách quê người, bị đẩy vào những chốn lầu xanh, nàng vẫn lo nghĩ cho Kim Trọng, cho cha mẹ mình hơn cả bản thân. Nàng nhớ đến Kim Trọng, nhớ đến những ngày tháng cùng chàng nguyện ước. Nàng lo không biết ai sẽ chăm lo cho cha mẹ, ai sẽ quạt cho cha mẹ mỗi khi hạ đến, ai sẽ ủ chăn cho cha mẹ mỗi khi sang thu. Một tâm hồn thủy chung và cao thượng. Họ, những người phụ nữ phong kiến đều là những con người đẹp người đẹp nết. Họ một lòng chung thủy, hiếu thảo với cha mẹ, luôn hết lòng chăm sóc gia đình thật tốt và chu đáo.

Những người phụ nữ đẹp là thế, tâm hồn thanh cao là vậy, nhưng đáng tiếc thay họ lại sống trong một xã hội phong kiến thối nát với bộ máy quan lại mục rỗng, chế độ trọng nam khinh nữ vùi dập số phận họ. Càng xinh đẹp họ lại càng đau khổ, lại càng phải chịu nhiều sự chèn ép, bất công. Như một quy luật khắc nghiệt của thời bấy giờ, hồng nhan thì bạc phận. Với Vũ Nương, sau khi chồng về, tưởng rằng gia đình sẽ sum vầy trong hạnh phúc nhưng không ngờ số phận bạc bẽo đã xảy ra với nàng. Trương Sinh đi lính trở về và đứa con của chàng lúc đó đã biết nói. Tin lời của 1 đứa trẻ ngây ngô mà Trương Sinh đã đem lòng nghi oan cho Vũ Nương. Chàng bảo thủ, khăng khăng, nhiếc mắng và đánh đuổi Vũ Nương 1 cách thậm tệ.

Bỏ ngoài tai những lời khuyên ngăn của dân làng, không thèm nghe những lời giải thích của Vũ Nương, Trương sinh với cái tính ích kỉ, sự ghen tuông quá đỗi đã đẩy Vũ Nương đến ngõ cụt. Nàng phải lấy cái chết để giữ trong trắng cho bản thân mình. Nhưng cái chết đó không hề làm lương tâm Trương Sinh day dứt. Thật quá bất công. Cái chết của nàng không chỉ tố cáo tính cách của chàng Trương, mà còn tố cáo cả xã hội phong kiến thời bấy giờ. Với chế độ nam quyền thối nát, độc đoán, nó đã làm cho phụ nữ lúc bấy giờ phải chịu rất nhiều những oan trái, tủi nhục không đáng có. Chỉ vì cái xã hội trọng nam khinh nữ, cái xã hội người phụ nữ luôn ở mức thấp hèn mà nàng đã phải ôm nỗi đau không được giải oan mà tự vẫn.

Không những Vũ Nương mà còn có rất nhiều người phụ nữ phải chịu những đau đớn đó. "Phận đàn bà" trong xã hội ấy là "đau đớn", là "bạc mệnh", là tủi nhục không kể xiết. Như là Vương Thúy Kiều trong "Truyện Kiều" - tiếng kêu thương thống thiết, ai oán, não nùng của đại thi hào dân tộc "Nguyễn Du". Số phận của nàng còn lênh đênh hơn Vũ Nương rất nhiều. Lần này, dưới chế độ đồng tiền hôi tanh đen bạc. Nó đã tạo ra 15 năm đau đớn phiêu bạt của nàng Kiều xinh đẹp. Chỉ vì tiền mà bọn sai nha đã gây nên cảnh tan tác, chia lìa của gia đình Kiều. Để có tiền cứu cha và em trai của mình, nàng đã quyết định bán thân cho Mã Giám Sinh – một tên gian ác buôn thịt bán người. Và Kiều bỗng trở thành một món hàng để cho hắn cân đong, đo đếm, cò kè, ngã giá...

Và từ tay Mã Giám Sinh đểu cáng thì Kiều đã rơi vào tay Tú Bà, mụ chủ nổi tiếng của thanh lâu. Là một người con gái xinh đẹp, tài năng, và đã sinh trưởng trong một gia đình trung lưu, lương thiện gia giáo, dòng dõi cao quý, nên Thúy Kiều không thể chấp nhận trở thành gái lầu xanh. Nàng cay đắng chịu đựng những trận đòn tàn khốc của Tú Bà, nàng đã đi tìm cái chết nhưng không được vì bị Tú bà bắt gặp. Tú Bà đã bày muốn thuê Sở Khanh lừa nàng, buộc nàng trở thành một cô gái lầu xanh thực thụ. Thế là nàng đau đớn, cay đắng cam chịu số phận dấn thân vào cuộc sống ô nhục. Đau đớn thay! Từ một cô gái trong trắng, đức hạnh, nàng đã trở thành một món đồ chơi thú vị cho bọn khách chơi. Số phận trái ngang của Kiều không chỉ dừng lại ở đây mà số phận của nàng còn lênh đênh, bèo dạt, mây trôi và lưu lạc 15 năm trời, đã chịu bao nhiêu tai họa giáng xuống đầu

Vũ Nương và Thúy Kiều thật đáng thương! Họ dường như đại diện cho tầng lớp phụ nữ ngày xưa. Họ không được hưởng bất cứ một thứ quyền lợi, không được hưởng một chút tự do. Thật bất công! Những hủ tục phong kiến thối nát đã tạo nên khổ đau cho người phụ nữ. Số phận của họ không thoát khỏi nanh vuốt của xã hội vô lý đó. Nhưng tất cả những vẻ đẹp từ hình thức đến tâm hồn của họ thì luôn luôn đáng ca ngợi, đáng trân trọng và nâng niu.

Trong xã hội phong kiến xưa, quyền sống còn của con người mà nhất là quyền sống của người phụ nữ như là chỉ mảnh treo chuông, không có gì đảm bảo để tồn tại. Cuộc sống của họ cũng có thể được ví như "chim trong lồng, cá trong chậu". Họ không thể làm chủ được bản thân, làm chủ được cuộc sống của chính bản thân mình dẫu cho họ chỉ khát khao một điều giản đơn ấy thôi. Tại sao lại như thế? Khi cái mơ ước, niềm mong mỏi của những người phụ nữ quá đỗi tầm thường, bình dị: "làm chủ được cuộc sống, có một gia đình hạnh phúc" nhưng chẳng thể nào thực hiện được. Vâng, xin thưa rằng đó chính là tạo hóa trớ trêu mà thôi, thích đùa giỡn với số phận người phụ nữ.

2. Trình bày suy nghĩ của em về: Cuộc đời và số phận người phụ nữ luôn là "tiếng kêu đau đớn" của các nhà văn Trung đại mẫu 2

Từ xưa đến nay, người phụ nữ trong xã hội phong kiến luôn chiếm một vị trí trung tâm và là đối tượng chính trong văn học Việt Nam, thể hiện cảm quan hiện thực và khuynh hướng tư tưởng có màu sắc nhân văn. Nhận xét về số phận người phụ nữ, Nguyễn Du đã xót xa: “Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”. Ta có thể dễ dàng làm rõ nhận xét trên chỉ bằng hai ví dụ điển hình: nàng Vũ Nương trong tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương và nàng Thuý Kiều trong Truyện Kiều. Những biến động vô lường của cuộc sống con người là hình tượng “phận đàn bà bạc mệnh” bị vùi dập dưới sự tàn bạo của chế độ phong kiến.

Người phụ nữ Việt Nam muôn đời nay được ca ngợi bởi vẻ đẹp dịu dàng, kín đáo và tâm hồn đôn hậu bao dung. Cả hai nàng Vũ Nương và Thuý Kiều đều là mẫu mực của người phụ nữ đẹp người đẹp nết, thông minh tháo vát, sắt son, hiếu thảo. Thế nhưng trong xã hội phong kiến thời kỳ suy sụp, thối nát, cái đẹp thường đi liền với nỗi bất hạnh và những tai hoạ khôn lường. Nàng Vũ Nương có một nét đẹp vẹn toàn, hài hoà giữa vẻ đẹp ngoại hình và tâm hồn. Xinh đẹp, tiết hạnh như vậy nhưng nàng có một cuộc hôn nhân không được lựa chọn: Trương Sinh vốn là con nhà giàu nhưng không có học, “xin với mẹ trăng lạng vàng” lấy nàng làm vợ.

Chàng vốn tính tình đa nghi nóng nảy, nàng lại càng giữ gìn khuôn phép để gia đình luôn yên ấm, hạnh phúc. Nhưng chiến tranh xảy ra, Trương Sinh bị bắt lính. Nàng ở nhà sinh con, chăm sóc chu đáo mẹ già luôn đau ốm và quán xuyến mọi việc. Mẹ chồng mất, nàng lo cho bà mồ yên mả đẹp như chính mẹ đẻ mình, rồi một mình nuôi dạy con thơ. Những tưởng tấm lòng ấy sẽ được đền bù thỏa đáng, nhưng không, khi Trương Sinh trở về thì đứa con tên Đản không nhận chàng là cha nó mà nói về người cha khác “đêm nào cũng đến”. Trương Sinh không hiểu rõ câu chuyện nhưng tính đa nghi đã khiến chàng trở nên mù quáng. Chàng nghĩ rằng vợ mình đã làm một việc mà không một ai có thể tha thứ: tội ngoại tình, mà không ngờ “người cha” kia chỉ là chiếc bóng, mỗi khi ngồi buồn Vũ Nương thường chỉ lên và nói là cha bé Đản. Trương Sinh ruồng rẫy, đánh đuổi Vũ Nương đi, không thèm nghe những lời thanh minh của nàng. Bị chồng hiểu lầm, bị hàm oan tức tưởi, cuộc đời nàng rơi vào bế tắc: nếu sống thì phải mang tiếng phản chồng đầy ô nhục. Bởi vậy, dẫu còn khao khát, vấn vương hạnh phúc nơi trần thế, nàng đành chấp nhận cái chết trầm mình xuống lòng Hoàng Giang, để chứng minh phẩm tiết. Cái chết oan khuất đó quả là đáng thương, kết thúc kiếp đời ngắn ngủi của người con gái thuỷ chung; và còn là lời lên án tính tình của Trương Sinh.

Truyện không phải không hé mở các khả năng tránh tấn thảm kịch bi thương của Vũ Nương nhưng Trương Sinh đã đánh mất hết cơ hội tận dụng các khả năng đó. Lời nói của bé Đản cũng có ít nhiều vô lý, vả lại Trương Sinh ko nói ra rằng do ai mà chàng cho rằng Vũ Nương ngoại tình. Thêm vào đó, hàng xóm đã phân trần cho Vũ Nương. Nhưng tất cả là do cơn tức giận hồ đồ, sự chủ quan và đa nghi của Trương Sinh, cộng thêm nỗi đau vừa mất mẹ. Nó đã lấn át mọi thứ có thể thanh minh cho Vũ Nương. Chàng quả là phũ phàng, đem uy lực nam nhi để giải quyết mọi chuyện, khư khư cho rằng mình đúng không thèm nghe bất cứ ai. Câu chuyện của Vũ Nương đã vượt ra khỏi khuôn khổ gia đình, mang tính xã hội khi chế độ nam quyền đã đè nặng lên vai người phụ nữ, không cho họ quyền được sống với chính mình, bị lệ thuộc vào nam giới. Người con gái đức hạnh, giỏi giang như Vũ Nương chết vì một chuyện không đâu. Nàng cho đến chết vẫn chẳng biết được nguyên nhân vì sao mình chết, đến chết vẫn ôm nỗi oan. Những lời nói của nàng nào có ai tin, như vậy chỉ còn một cách chứng minh là tự vẫn. Nàng tự vẫn nhưng cũng là do Trương Sinh gián tiếp bức tử, và nguyên nhân sâu xa hơn nữa là do xã hội bất công, đầy ngang trái.

Chế độ trọng nam khinh nữ đã thấm sâu vào máu huyết của người đàn ông. Đằng sau cái chết, đằng sau nỗi đau đớn mà “phận đàn bà” luôn phải gánh chịu, đằng sau sự khinh rẻ của mọi người với Vũ Nương ta còn có thể thấy hình ảnh của người người phụ nữ khác. Thân phận nhỏ nhoi, bèo bọt của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến là vậy. Họ luôn là kẻ bị động, hứng chịu những oan khiên, cay đắng. Số phận bất hạnh của Vũ Nương gợi đến bao phong ba bão táp đã đi qua cuộc đời của những Đạm Tiên, Thuý Kiều, Tiểu Thanh, người chinh phụ… Đặc biệt là nàng Thuý Kiều. Nàng xinh đẹp như bậc quốc sắc, thông minh, thạo cầm, kỳ, thi, hoạ,… có thể coi là hoàn hảo. Nhưng bi kịch thảm thương lại đến với nàng ngay ở tuổi mười tám đôi mươi, giữa gia đình hạnh phúc; ép buộc nàng từ bỏ mối tình đầu đẹp đẽ với Kim Trọng đang độ khao khát và sôi nổi nhất. Vì để làm trọn chữ hiếu, nàng đã từ một tiểu thư quyền quý rơi vào chốn lầu xanh.

Những kẻ buôn thịt bán người vô nhân đạo như Tú Bà và Mã Giám Sinh đã làm vẩn đục đóa hoa vốn tinh khiết, đã bao lần hành hạ cho đóa hoa ấy tan nát rã rời. Được Thúc Sinh cứu giúp, nàng những tưởng cuộc đời phong trần thế là hết nhưng ai ngờ một chuyện không may khác lại xảy ra với nàng. Vợ cả của Thúc Sinh- Hoạn Thư là người cực kì gian ngoan, xảo trá và có tính ghen tuông ghê gớm. Với âm mưu thâm độc của Hoạn Thư, Thuý Kiều bị chà đạp cả về thể xác lẫn tinh thần. Nàng nhảy sông tự tử, vừa được sư Giác Duyên cứu thì đã lại rơi vào tay Bạc Bà cũng là “phường buôn thịt bán người”. Sau đó, trời đã xót thương cho Thuý Kiều, đem Từ Hải đến với nàng. Đó là một anh hùng đội trời đạp đất, tung hoành khắp nơi, đã cảm phục tấm lòng son sắt và đức hạnh mà cưới nàng về từ chốn lầu xanh.

Từ Hải hết lòng thương quý, trân trọng nàng, giúp nàng báo ân báo oán. Không ngờ Từ Hải bị hại chết chết mà chính nàng là nguyên nhân gián tiếp do khuyên Từ Hải ra hàng, và để rồi mắc lừa quan tổng đốc Đại thần Hồ Tôn Hiến. Đau đớn, hổ thẹn, ân hận biết bao khi lỡ lầm gây ra cái chết uất ức cho Từ Hải, nàng đã khóc cạn nước mắt và liền đó nhảy sông tự tử. Nhưng cuối cùng, sau khi được sư Giác Duyên cứu giúp lần nữa, Thuý Kiều đã gặp lại Kim Trọng- người mà trong suốt mười lăm năm lưu lạc nàng không bao giờ quên- hình bóng của mối tình đầu thắm thiết. Tuy nhiên đó vẫn chưa phải là cái kết cho bi kịch của Thuý Kiều, bởi vì tấm thân nàng đã không còn trong trắng, tai tiếng về số phận “thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần” chắc chắn vẫn là một làn sóng dư luận hành hạ nàng suốt cuộc đời về sau.

Dường như về cuối truyện đã vắng bóng nàng Thuý Kiều tế nhị, dịu dàng đằm thắm ngày xưa, bởi bóng đen của quá khứ đã đè nặng lên hiện tại đời nàng khiến tâm trạng nàng trở nên nặng nề tủi nhục. Cuộc đời nàng thật đầy phong ba, bão táp, bao phen bị xã hội phong kiến đầy rẫy gian dối, lừa lọc đạp xuống bùn lầy. Xã hội phong kiến ấy gồm những thế lực nào? Đó chính là bọn quan lại, sai nha bỉ ổi, dâm ô, tráo trở, một bên là những kẻ đã vì ăn hối lộ của thằng bán tơ mà vu oan cho Vương Ông, và đòi “có ba trăm lạng việc này mới xong”, một bên là Hồ Tôn Hiến nổi tài lật lọng.

Đó chính là bọn buôn người Tú Bà, Mã Giám Sinh, Sở Khanh Bạc Bà, chuyên nghề kiếm ăn ở miền nguyệt hoa, đã hai lần đưa Kiều vào lầu xanh- chốn bụi trần đầy rẫy nỗi ê chề nhục nhã, “ong qua bướm lại” xấu xa, coi nàng như một món đồ quý hái ra tiền. Đó chính là Hoạn Thư, Hoạn Bà- hai con người nham hiểm nanh nọc, ỷ thế danh gia, sẵn sàng làm những chuyện vô lương tâm nhất, chôn vùi danh dự... Kiều vào tận cùng nỗi đau đớn, ê chề để thỏa mãn cơn ghen. Nhìn chung, cuộc đời sóng gió đáng thương của nàng là do nhiều người gây ra, nhưng chủ yếu vẫn là chế độ phong kiến hủ tục, coi phụ nữ như một món hàng kiếm lợi, như một dụng cụ mua vui. Khi đã rơi vào tay một kẻ nhẫn tâm thì ngay lập tức, họ bị tước đi quyền con người, gián tiếp bị gán cho cái tên “vật sở hữu”. Cuộc đời long đong của Kiều đã nói lên tiếng nói khát vọng cho một xã hội bình đẳng, hạnh phúc.

Như vậy, chế độ phong kiến với nhiều tục lệ, quy định cổ hủ, khắt khe đè nặng lên cuộc đời “phận má hồng”. Người phụ nữ dưới chế độ Nam quyền độc đoán ấy phải chịu nhiều thiệt thòi, đau đớn: Người con gái Nam Xương- Vũ Nương không thể giãi bày nỗi oan khiên nên phải trầm mình, nàng Kiều phải bán mình, phải mười lăm năm đoạn trường lưu lạc. Cho dù cuối cùng, Vũ Nương đã được “sống lại” ở thế giới tâm linh, Kiều đã vui vầy bên Kim Trọng; nhưng Vũ Nương vẫn không thể nào có được hạnh phúc như một phụ nữ bình thường, vui vẻ bên chồng con, và vĩnh viễn Kiều không thể nào tìm lại được tình yêu sôi nổi thiết tha mười lăm năm về trước, vẫn phải chịu tai tiếng ê chề.

Như vậy, cả hai tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương và Truyện Kiều đã cho thấy rằng hiện thực tàn nhẫn của xã hội cũ sẽ còn đeo đuổi số phận của con người mãi mãi. Hoàn cảnh bi kịch đã chấm dứt nhưng tâm lý bi kịch vẫn tồn tại. Và chỉ qua hai tác phẩm trên, chúng ta có thể nhận thấy rõ xã hội phong kiến tàn ác ra sao, nhẫn tâm thế nào, bằng chứng là cuộc đời long đong của Vũ Nương và Thuý Kiều, và ta càng căm phẫn trước những thế lực phong kiến đen tối, hủ lậu chà đạp lên quyền hưởng hạnh phúc, quyền được sống của con người.

Trên đây VnDoc đã tổng hợp các bài văn mẫu Có ý kiến cho rằng: Cuộc đời và số phận người phụ nữ luôn là "tiếng kêu đau đớn" của các nhà văn Trung đại. Em hãy làm sáng tỏ ý kiến trên cho các bạn tham khảo ý tưởng khi viết bài. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 9 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 9 và biết cách soạn bài lớp 9 các bài trong sách Văn tập 1 và tập 2. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo.

Các bài liên quan đến tác phẩm:

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO/PROPLUS tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Soạn Văn 9 Sách mới

    Xem thêm