Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề đọc hiểu Ngữ văn ôn thi THPT Quốc Gia số 27

Đề đọc hiểu Ngữ văn ôn thi THPT Quốc Gia

VnDoc mời bạn đọc tham khảo Đề đọc hiểu Ngữ văn ôn thi THPT Quốc Gia số 27. Tài liệu gồm 3 câu hỏi bài tập kèm theo đáp án sẽ giúp các bạn học sinh học tốt Ngữ văn 12 một cách đơn giản hơn. Mời các bạn học sinh tham khảo.

Đề bài

Đọc đoạn thơ trên và thực hiện các yêu cầu sau:

Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa

Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa…

Chiều nay con chạy về thăm Bác

Ướt lạnh vườn rau, mấy gốc dừa!

Con lại lần theo lối sỏi quen

Đến bên thang gác, đứng nhìn lên

Chuông ôi chuông nhỏ còn reo nữa?

Phòng lặng, rèm buông, tắt ánh đèn!

Bác đã đi rồi sao, Bác ơi!

Mùa thu đang đẹp, nắng xanh trời

Miền Nam đang thắng, mơ ngày hội

Rước Bác vào thăm thấy Bác cười!

Trái bưởi kia vàng ngọt với ai

Thơm cho ai nữa, hỡi hoa nhài!

Còn đâu bóng Bác đi hôm sớm

Quanh mặt hồ in mây trắng bay…

(Bác ơi - Tố Hữu, ngữ văn 12 Tập 1, NXB Giáo dục VN trang 167 - 168)

Câu a. Xác định những phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn thơ.

Câu b. Cảm xúc của tác giả trong đoạn thơ trên là gì? Cảm xúc đó được bộc lộ như thế nào?

Câu c. Giữa khung cảnh bên ngoài và lòng người có điểm gì tương phản với nhau. Sự tương phản ấy có tác dụng gì trong việc biểu đạt cảm xúc của nhà thơ?

Lời giải chi tiết

Câu a.

Các phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn thơ: tự sự, miêu tả, biểu cảm.

Câu b.

- Cảm xúc của tác giả trong đoạn thơ trên: Nỗi đau xót lớn lao và niềm tiếc thương vô hạn của nhà thơ trước sự kiện Bác Hồ qua đời.

- Nỗi đau ấy được diễn tả bằng những từ ngữ, hình ảnh thơ xúc động:

+ Khi nghe tin Bác mất, Tố Hữu đã tìm về ngôi nhà sàn thân yêu của Bác. Nhà thơ không đi nổi mà phải “lần” từng bước vì quá bàng hoàng, đau đớn, không thể tin là Bác đã mất.

+ Trước sự ra đi của Bác, không gian, thiên nhiên như hòa điệu với tâm trạng của con người: “Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa”. Mọi sự vật xung quanh cũng trở nên hoang vắng như mất hết linh hồn: vườn rau, gốc dừa ướt lạnh, gian phòng lặng yên, chuông không reo, rèm không cuốn, đèn không sáng. Không còn bóng dáng của Người dạo bước bên hồ vào mỗi sớm mai. Vì thế trái bưởi vàng kia, bông hoa nhài kia còn biết ngọt, biết tỏa mùi thơm cho ai nữa. Tất cả đều chìm lắng trong nỗi đau mất mát khôn tả.

+ Nỗi đau này quá lớn khiến nhà thơ không thể tin đó là sự thật nên thảng thốt tự hỏi: Bác đã đi rồi sao, Bác ơi!

Câu c.

Giữa khung cảnh bên ngoài và lòng người có sự tương phản với nhau: Lòng người thì đau đớn xót xa, còn ở ngoài kia đang là những ngày mùa thu tươi đẹp, bầu trời trong xanh, ánh nắng lung linh chiếu rọi. Miền Nam tràn ngập niềm vui, niềm hy vọng vì những chiến thắng lớn. Nhân dân miền Nam đang mơ đến ngày mở hội toàn thắng để được đón Bác vào thăm, để được nhìn thấy nụ cười rạng rỡ của Người. Sự tương phản giữa khung cảnh bên ngoài và lòng người gợi bao nỗi day dứt về tính chất phi lí không thể chấp nhận được của sự mất mát. Cuộc đời càng đẹp đẽ, hấp dẫn thì sự ra đi của Bác càng gợi bao nỗi đau xót nhức nhối tâm can.

-----------------------

Để có kết quả cao hơn trong học tập, VnDoc xin giới thiệu tới các bạn học sinh tài liệu Thi thpt Quốc gia môn Văn, Thi thpt Quốc gia môn Lịch sử, Thi thpt Quốc gia môn Địa lý mà VnDoc tổng hợp và đăng tải.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Đề đọc hiểu môn Ngữ Văn

    Xem thêm