Đề thi khảo sát năng lực giáo viên THCS môn Ngữ văn Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc năm học 2015 - 2016
Đề thi khảo sát năng lực giáo viên THCS môn Ngữ văn
Việc trực tiếp giải đề thi của những năm học trước sẽ giúp thầy cô làm quen với cấu trúc đề thi, nâng cao kĩ năng giải đề và ôn tập kiến thức. Từ đó, dự đoán xu hướng đề thi để có định hướng ôn tập rõ ràng và xây dựng lộ trình học hiệu quả. Mời quý thầy cô cùng tham khảo: Đề thi khảo sát năng lực giáo viên THCS môn Ngữ văn Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc năm học 2015 - 2016
Đề thi Giáo viên dạy giỏi môn Ngữ văn phần thi năng lực tỉnh Vĩnh Phúc năm 2015 - 2016
Đề thi giáo viên dạy giỏi môn Toán cấp THCS phòng GD&ĐT Thái Hòa, Nghệ An năm 2015 - 2016
SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC | KHẢO SÁT NĂNG LỰC GIÁO VIÊN NĂM HỌC 2015 - 2016 MÔN NGỮ VĂN; CẤP THCS Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian giao đề |
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu từ Câu 1 đến Câu 4:
"Tôi yêu truyện cổ nước tôi
Vừa nhân hậu lại tuyệt vời sâu xa
Thương người rồi mới thương ta
Yêu nhau dù mấy cách xa cũng tìm
Ở hiền thì lại gặp hiền
Người ngay thì được phật, tiên độ trì.
Mang theo truyện cổ tôi đi
Nghe trong cuộc sống thầm thì tiếng xưa
Vàng cơn nắng, trắng cơn mưa
Con sông chảy có rặng dừa nghiêng soi"
(Trích Truyện cổ nước mình, Lâm Thị Mỹ Dạ - SGK Tiếng Việt 4, tập một, NXB GDVN, 2014).
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ trên là gì? (0,25 điểm)
Câu 2. Hai câu thơ: "Vàng cơn nắng, trắng cơn mưa/Con sông chảy có rặng dừa nghiêng soi" sử dụng những biện pháp tu từ nào? (0,25 điểm)
Câu 3. Đồng chí hiểu như thế nào về nghĩa của các từ "nghe", "tiếng xưa" trong câu thơ: "Nghe trong cuộc sống thầm thì tiếng xưa"? (0,5 điểm)
Câu 4. Đồng chí có suy nghĩ gì về quan niệm sống "Ở hiền thì lại gặp hiền" mà nhân dân ta gửi gắm trong truyện cổ? (Trả lời trong khoảng 5 - 7 dòng). (0,5 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu từ Câu 5 đến Câu 8:
"(1) Cái mạnh của con người Việt Nam không chỉ chúng ta nhận biết mà cả thế giới đều thừa nhận là sự thông minh, nhạy bén với cái mới. (2) Bản chất trời phú ấy rất có ích trong xã hội ngày mai mà sự sáng tạo là một yêu cầu hàng đầu. (3) Nhưng bên cạnh cái mạnh đó cũng tồn tại không ít cái yếu. (4) Ấy là những lỗ hổng về kiến thức cơ bản do thiên hướng chạy theo những môn học "thời thượng", nhất là khả năng thực hành và sáng tạo bị hạn chế do lối học chay, học vẹt nặng nề. (5) Không nhanh chóng lấp những lỗ hổng này thì thật khó bề phát huy trí thông minh vốn có và không thể thích ứng với nền kinh tế mới chứa đựng đầy tri thức cơ bản và biến đổi không ngừng".
(Trích Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới, Vũ Khoan, SGK Ngữ văn 9, tập hai, NXB GDVN, 2013)
Câu 5. Đặt nhan đề cho đoạn trích trên. (0,25 điểm)
Câu 6. Phân tích cấu tạo ngữ pháp của câu (2). (0,25 điểm)
Câu 7. Câu (1), (2), (3) được liên kết với nhau bằng những phép liên kết nào? (0,5 điểm)
Câu 8. Theo đồng chí, cần phải làm gì để khắc phục "lối học chay, học vẹt"? (Trả lời trong khoảng 5 - 7 dòng). (0,5 điểm)
II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1. (3,0 điểm)
Một lời động viên chân thành dành cho những người đang trong cơn khủng hoảng có thể mang đến sức mạnh bất ngờ khiến họ vượt qua tất cả khó khăn, nghịch cảnh. Ngược lại, một lời tiêu cực có thể giết chết họ.
Viết một bài văn ngắn trình bày suy nghĩ của đồng chí về ý kiến trên.
Câu 2. (4,0 điểm)
Hình ảnh người lính trong kháng chiến chống Pháp qua bài thơ Đồng chí của Chính Hữu.
------------- HẾT -------------
Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.
Đáp án đề thi khảo sát năng lực giáo viên THCS môn Ngữ văn
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ: biểu cảm
Câu 2. Những biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong hai câu thơ:
- Đảo trật tự cú pháp: Vàng cơn nắng, trắng cơn mưa.
- Nhân hóa: rặng dừa nghiêng soi.
Câu 3
- Nghĩa của từ "nghe": không chỉ là nhận thấy bằng thính giác mà còn là cảm nhận, thấu hiểu bằng cả trái tim và trí tuệ.
- Nghĩa của từ "tiếng xưa": là tiếng nói của quá khứ, thông điệp của cha ông gửi gắm trong truyện cổ.
Câu 4. Suy nghĩ về quan niệm sống "Ở hiền thì lại gặp hiền":
- Quan niệm này thể hiện niềm tin, mơ ước của nhân dân về sự công bằng.
- Quan niệm sống giàu tính nhân văn, hướng thiện: khuyên con người hãy sống nhân ái, tốt đẹp để nhận được hạnh phúc theo luật nhân - quả.
Câu 5. Đặt tiêu đề cho đoạn văn:
Thí sinh có thể đặt tiêu đề theo nhiều cách khác nhau, nhưng tiêu đề phải nêu bật được chủ đề của đoạn trích: Cái mạnh và cái yếu của con người Việt Nam.
Câu 6. Phân tích cấu tạo ngữ pháp:
- CN: Bản chất trời phú ấy.
- VN: rất có ích trong xã hội ngày mai mà sự sáng tạo là một yêu cầu hàng đầu.
Câu 7. Câu (1), (2), (3) được liên kết với nhau bằng các phép liên kết:
- Phép thế: Bản chất trời phú ấy (Câu 2), cái mạnh đó (Câu 3) thay thế cho các cụm từ: sự thông minh, nhạy bén với cái mới (Câu 1).
- Phép nối: Nhưng (nối Câu 3 với Câu 2).
- Phép trái nghĩa: cái mạnh (Câu 1) - cái yếu (Câu 3).
- Phép lặp: cái mạnh - (Câu 1), (Câu 3)
Câu 8. Thí sinh có thể bày tỏ suy nghĩ theo nhiều cách khác nhau, sau đây là một số gợi ý:
- Kết hợp lí thuyết với thực hành, tăng cường trải nghiệm thực tiễn.
- Cần hiểu được bản chất của vấn đề chứ không chỉ học thuộc lòng một cách máy móc.
II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1. (3,0 điểm)
A. Yêu cầu về kĩ năng:
- Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội về một tư tưởng đạo lý, vận dụng tốt các thao tác lập luận để giải quyết vấn đề một cách thuyết phục.
- Bài viết có bố cục mạch lạc; hệ thống luận điểm, luận cứ rõ ràng; dẫn chứng tiêu biểu, xác đáng; hành văn trong sáng, giàu cảm xúc; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
B. Yêu cầu về kiến thức:
Đây là đề mở, có thể có những quan điểm khác nhau nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức, lẽ phải. Dưới đây là những định hướng cơ bản:
1, Giải thích:
- "Lời động viên chân thành": là những lời cổ vũ, khích lệ xuất phát từ những tình cảm nhân ái, yêu thương thực sự.
- "Lời tiêu cực": là những lời rèm pha, chỉ trích, nhận xét, đánh giá xuất phát từ sự ác ý, ích kỉ; hoặc lời nói thể hiện cái nhìn bi quan, tuyệt vọng khiến người khác mất niềm tin.
=> Như vậy, câu nói vừa khẳng định vai trò, ý nghĩa quan trọng của sự động viên, chia sẻ, đồng thời chỉ ra hậu quả nghiêm trọng của những lời nói tiêu cực đối với cuộc sống của mỗi con người.
2, Bàn luận, chứng minh:
a, Một lời động viên chân thành dành cho những người đang trong cơn khủng hoảng có thể mang đến sức mạnh bất ngờ khiến họ có thể vượt qua tất cả khó khăn, nghịch cảnh
- Lời động viên chân thành có thể giúp cho những người đang trong cơn khủng hoảng cảm thấy:
- Được sẻ chia, an ủi, có điểm tựa về tinh thần để vượt qua những khó khăn, bất hạnh.
- Được tiếp thêm ý chí, niềm tin, mang đến cái nhìn lạc quan, hi vọng để có thể nỗ lực gặt hái những thành công.
- Sự động viên, chia sẻ thể hiện lối sống nhân ái, bồi đắp những vẻ đẹp nhân văn, cao thượng trong tâm hồn mỗi người.
b, Một lời tiêu cực có thể giết chết họ
- Những lời nhận xét, đánh giá tiêu cực có thể:
- Đẩy người khác vào sự bi quan về hoàn cảnh thực tại, dẫn đến chán nản, không còn động lực cố gắng.
- Khiến người bị đánh giá có cảm giác tự ti, bị cô lập, xa lánh; có thể đẩy họ đến sự tuyệt vọng.
- Những lời nhận xét đánh giá tiêu cực thể hiện lối sống ích kỉ, hẹp hòi hoặc cái nhìn bi quan, phiến diện.
* Lưu ý: Mỗi luận điểm cần kết hợp với dẫn chứng, lí lẽ để làm sáng tỏ.
3. Mở rộng, nâng cao, liên hệ bản thân
- Phê phán lối sống ích kỉ, thờ ơ, vô cảm với những bất hạnh của đồng loại; phê phán những sự động viên, chia sẻ "không chân thành" mà xuất phát từ mục đích vụ lợi.
- Để có thể vượt qua khủng hoảng, bản thân mỗi người cần chủ động, không nên chỉ trông chờ vào những lời động viên từ người khác; những lời nói tiêu cực không phải lúc cũng có thể "giết chết" một con người, bởi đối với những người có bản lĩnh nó lại trở thành động lực.
Câu 2. (4,0 điểm)
A. Yêu cầu về kĩ năng: Hiểu đề, biết cách làm bài văn nghị luận văn học. Biết phân tích dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề. Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ. Hành văn trôi chảy. Văn viết có cảm xúc. Không mắc các lỗi diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp, chính tả.
B. Yêu cầu về kiến thức: Cần làm sáng tỏ được những ý cơ bản sau:
1. Giới thiệu chung: Thí sinh có thể nêu khái quát về đề tài người lính, về tác giả tác phẩm theo nhiều cách khác nhau, sau đây là một số gợi ý tham khảo:
a. Đề tài
- Trong văn học Việt Nam giai đoạn 1945 - 1975, đề tài người lính chiếm một vị trí quan trọng.
- Hình tượng người lính trong kháng chiến chống Pháp vừa mang những nét đẹp truyền thống vừa đậm dấu ấn thời đại.
b. Giới thiệu về tác giả Chính Hữu và bài thơ Đồng chí
- Chính Hữu là nhà thơ trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ. Thơ ông chủ yếu viết về đề tài người lính và chiến tranh, cảm xúc dồn nén, ngôn ngữ, hình ảnh giản dị, chọn lọc, hàm súc.
- Bài thơ Đồng chí là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất viết về người lính cách mạng thời kì kháng chiến chống Pháp, thể hiện những tình cảm thiết tha, sâu sắc của tác giả với những người đồng chí, đồng đội của mình.
2. Phân tích, chứng minh: Làm rõ những bình diện của "hình ảnh người lính trong kháng chiến chống Pháp qua bài thơ Đồng chí"
a. Xuất thân từ những miền quê nghèo, lam lũ, vất vả.
Họ là những người lính vốn xuất thân từ nông dân. Những vùng quê của họ khác nhau nhưng đều chung sự nghèo khó và lam lũ: nước mặn đồng chua, đất cày lên sỏi đá. Chung hoàn cảnh, chung giai cấp là cơ sở để hình thành tình đồng chí giữa chiến trường.
b. Tình đồng chí, đồng đội thắm thiết.
- Những người lính vốn "chẳng hẹn quen nhau" nhưng chung lí tưởng, chung mục đích chiến đấu đã tạo nên sự gắn kết bền vững "súng bên súng, đầu sát bên đầu".
- Những người lính cùng sẻ chia những khó khăn thiếu thốn, những gian khổ hy sinh: "Áo anh rách vai"/"quần tôi có vài mảnh vá"/"Miệng cười buốt giá, chân không giày"/"Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi". Tình đồng chí trở nên bền chặt trong sự đồng cam cộng khổ: "Thương nhau tay nắm lấy bàn tay"/ "Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ"...
- Những người lính cảm thông sâu sắc những tâm tư, nỗi lòng của nhau. Họ gắn bó với nhau như "tri kỉ", thấu hiểu cả những nỗi niềm sâu xa, thầm kín của đồng đội: "Ruộng nương anh gửi bạn thân cày"/"Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính"....
c. Ý chí, quyết tâm sắt đá vượt qua mọi khó khăn gian khổ; dũng cảm, kiên cường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
- Nặng lòng với quê nhà, nhưng người lính vẫn quyết tâm gác lại "tình riêng" để lên đường chiến đấu vì Tổ quốc: "Gian nhà không mặc kệ gió lung lay"...
- Những người lính luôn sát cánh bên nhau vượt qua mọi khó khăn gian khổ, chủ động đối mặt với kẻ thù để bảo vệ hòa bình, độc lập cho dân tộc: "Đêm nay rừng hoang sương muối/Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới"...
d. Tâm hồn lãng mạn, yêu hòa bình tha thiết.
Hình ảnh "Đầu súng trăng treo" kết hợp chất hiện thực và cảm hứng lãng mạn, tô đậm vẻ đẹp tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, yêu hòa bình tha thiết của người lính...
3. Đánh giá, tổng kết
- Với những thành công về mặt nghệ thuật: ngôn ngữ giản dị, hình ảnh vừa giàu chất hiện thực vừa lãng mạn, gợi nhiều liên tưởng, Chính Hữu đã khắc họa đậm nét bức chân dung người lính trong kháng chiến chống Pháp: mộc mạc, chân thành mà kiên cường, dũng cảm, sẵn sàng "quyết tử cho tổ quốc quyết sinh".
- Bài thơ đã góp phần hoàn chỉnh bức tượng đài về người lính trong cuộc kháng chiến chống Pháp.