Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Địa lý trường THPT Sông Lô, Vĩnh Phúc (Lần 2)

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Địa lý

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Địa lý trường THPT Sông Lô, Vĩnh Phúc (Lần 2) có đáp án đi kèm, là tài liệu ôn tập môn Địa hữu ích dành cho các bạn học sinh chuẩn bị bước vào kì thi THPT Quốc gia 2016, mời các bạn tham khảo.

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Địa lý trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội (Lần 1)

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Địa lý lần 2 năm 2016 trường THPT Yên Lạc, Vĩnh Phúc

TRƯỜNG THPT SÔNG LÔ

(Đề thi có 01 trang)

ĐỀ KTCL ÔN THI THPT QUỐC GIA LẦN 2 NĂM 2016

Môn: Địa lí

Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian phát đề

Câu 1. (3,0 điểm)

a. Nêu biểu hiện của thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa qua thành phần địa hình ở nước ta.

b. Trình bày hoạt động của gió mùa Đông Bắc ở nước ta. Hoạt động của gió mùa đã dẫn tới sự phân chia mùa khí hậu khác nhau giữa các khu vực như thế nào?

Câu 2. (2,0 điểm)

a. Phân tích ảnh hưởng của quá trình đô thị hoá ở nước ta đối với phát triển kinh tế - xã hội.

b. Vì sao ở nước ta lại phổ biến hình thức khu công nghiệp tập trung?

Câu 3. (2,0 điểm)

Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học:

a. Nêu những tiềm năng về tự nhiên để phát triển ngành công nghiệp điện lực ở nước ta.

b. Giải thích sự tập trung dân cư đông đúc tại khu vực dọc sông Tiền, sông Hậu ở đồng bằng sông Cửu Long.

Câu 4. (3,0 điểm)

Cho bảng số liệu sau:

Diện tích và sản lượng lúa cả năm của nước ta thời kì 1990 – 2010

Năm

1990

1995

1997

1998

2000

2010

Diện tích

(nghìn ha)

6042,8

6765,6

7099,7

7362,7

7666,3

7489,4

Sản lượng

(nghìn tấn)

19225,1

24963,7

27523,9

29145,5

32529,5

40005,6

(Nguồn: http://www.gso.gov.vn)

a. Vẽ biểu đồ thích hợp nhất thể hiện diện tích và sản lượng lúa của nước ta thời kì 1990 – 2010.

b. Dựa vào biểu đồ và bảng số liệu trên, hãy nhận xét và giải thích tình hình sản xuất lúa ở nước ta.

Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Địa lý

Câu 1. (3,0 điểm)

a. 1,5 điểm

Nêu biểu hiện của thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa qua thành phần địa hình ở nước ta.

  • Xâm thực mạnh ở miền đồi núi:
    • Bề mặt địa hình bị cắt xẻ, đất bị xói mòn, rửa trôi, nhiều nơi trơ sỏi đá. (0,25đ)
    • Đất trượt, đá lở, hình thành địa hình cacxtơ với các hang động, suối cạn, thung khô. (0,25đ)
    • Các vùng thềm phù sa cổ bị chia cắt thành các đồi thấp xen thung lũng rộng. (0,25đ)
  • Bồi tụ nhanh ở đồng bằng hạ lưu sông:
    • Là hệ quả của quá trình xâm thực, bào mòn mạnh bề mặt địa hình ở miền đồi núi.(0,25đ)
    • Rìa phía đông nam đồng nam đồng bằng châu thổ sông Hồng à phía tây nam đồng bằng châu thổ sông Cửu Long hàng năm lấn ra biển từ vài chục đến gần trăm mét. (0,25đ)
  • Quá trình xâm thực – bồi tụ là quá trình chính trong sự hình thành và biến đổi địa hình Việt Nam hiện tại. (0,25đ)

b. 1,5 điểm

Trình bày hoạt động của gió mùa mùa đông ở nước ta. Hoạt động của gió mùa đã dẫn tới sự phân chia mùa khí hậu khác nhau giữa các khu vực như thế nào?

  • Trình bày hoạt động của gió mùa Đông Bắc ở nước ta.
    • Thời gian hoạt động: từ tháng XI đến tháng IV năm sau. (0,25đ)
    • Phạm vi hoạt động: miền Bắc (từ dãy Bạch Mã trở ra Bắc). (0,25đ)
    • Hướng gió: do tác động của khối khí lạnh phương Bắc di chuyển theo hướng đông bắc nên có hướng đông bắc.(0,25đ)
    • Tính chất: Tạo nên một mùa đông lạnh ở miền Bắc: nửa đầu mùa đông thời tiết lạnh khô, nửa sau mùa đông thời tiết lạnh ẩm, có mưa phùn. (0,25đ)
  • Hoạt động của gió mùa đã dẫn tới sự phân chia mùa khí hậu khác nhau giữa các khu vực:
    • Miền Bắc: phân chia thành mùa đông lạnh, ít mưa và mùa hạ nóng ẩm, mưa nhiều. (0,25đ)
    • Miền Nam: có 2 mùa, mùa mưa và mùa khô rõ rệt.
    • Giữa Tây Nguyên và đồng bằng ven biển Trung Trung Bộ có sự đối lập về mùa mưa và mùa khô. (0,25đ)

Câu 2. (2,0 điểm)

a. 1,5 điểm

Phân tích ảnh hưởng của quá trình đô thị hoá ở nước ta đối với phát triển kinh tế - xã hội.

  • Tích cực:
    • Đô thị hoá ảnh hưởng mạnh mẽ đến quá trình chuyến dịch cơ cấu kinh tế của nước ta.(0,25đ)
    • Đô thị có ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương, các vùng trong nước. Năm 2005, khu vực đô thị đóng góp 70,4% GDP cả nước, 84% GDP công nghiệp, 87% GDP dịch vụ, 80% ngân sách Nhà nước. (0,25đ)
    • Đô thị là thị trường có sức mua lớn, nơi tập trung đông lao động có trình độ chuyên môn, có cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, thu hút vốn đầu tư lớn, tạo động lực phát triển kinh tế. (0,25đ)
    • Tạo nhiều việc làm và thu nhập cho người lao động. (0,25đ)
  • Tiêu cực:
    • Các vấn đề ô nhiễm môi trường, trật tự xã hội, việc làm, nhà ở... cần phải có kế hoạch khắc phục. (0,5đ)

b. 0,5 điểm

Ở nước ta phổ biến hình thức khu công nghiệp tập trung vì khu công nghiệp có vai trò rất quan trọng:

  • Góp phần thực hiện thành công công nghiệp hoá – hiện đại hoá đất nước, thu hút vốn đầu tư, công nghệ... nước ngoài.(0,25đ)
  • Tạo ra nhiều sản phẩm vừa để tiêu dùng trong nước, vừa xuất khẩu, tạo việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống, hình thành đô thi mới...(0,25đ)

Câu 3. (2,0 điểm)

a. 1,5 điểm

Nêu những tiềm năng về tự nhiên để phát triển ngành công nghiệp điện lực ở nước ta.

  • Việc sản xuất điện của nước ta hiện nay chủ yếu dựa vào cơ sở các tài nguyên: than, dầu khí, nguồn thuỷ năng. (0,25đ)
  • Than: Than Antraxit tập trung ở khu vực Quảng Ninh, trữ lượng hơn 3 tỉ tấn, cho nhiệt lượng 7000 – 8000 calo/kg. Ngoài ra còn có than bùn, than nâu, than mỡ. (0,25đ)
  • Dầu khí: tập trung ở các bể trầm tích chứa dầu ngoài thềm lục địa, trữ lượng vài tỉ tấn dầu và hàng trăm tỉ m3 khí. Hai bể trầm tích có triển vọng nhất về trữ lượng và khả năng khai thác là bể Cửu Long và bể Nam Côn Sơn. (0,25đ)
  • Thuỷ năng: Tiềm năng rất lớn, về lí thuyết, công suất có thể đạt khoảng 30 triệu kw với sản lượng 260-270 tỉ kwh. Tiềm năng thuỷ điện tập trung chủ yếu ở hệ thống sông Hồng (37%), hệ thống sông Đồng Nai (19%). (0,5đ)
  • Các nguồn năng lượng khác: sức gió, năng lượng mặt trời, thuỷ triều, địa nhiệt... rất dồi dào. (0,25đ)

b. 0,5 điểm

Giải thích sự tập trung dân cư đông đúc tại khu vực dọc sông Tiền, sông Hậu ở đồng bằng sông Cửu Long.

  • Có điều kiện tự nhiên thuân lợi, đặc biệt đất phù sa màu mỡ thuận lợi cho trồng lúa thâm canh. (0,25đ)
  • Giao thông thuận lợi, kinh tế phát triển, có nhiều thành phố, thị xã, thị trấn và các trung tâm công nghiệp. (0,25đ)

Câu 4. (3,0 điểm)

a. 1,5 điểm

Vẽ biểu đồ thể hiện diện tích và sản lượng lúa của nước ta thời kì 1990 – 2010.

  • Biểu đồ thích hợp nhất: biểu đồ kết hợp (cột và đường).
  • Yêu cầu:
    • Vẽ chính xác, khoa học, sạch, đẹp.
    • Ghi đầy đủ đơn vị trên các trục.
    • Có chú giải, tên biểu đồ...
    • (Nếu thiếu mỗi yếu tố trừ 0,25 điểm)

b. 1,5 điểm

Nhận xét và giải thích.

  • Nhận xét:
    • Giai đoạn 1990 – 2010, diện tích và sản lượng lúa ở nước ta đều tăng: (0,25đ)
      • Diện tích lúa tăng 1446,6 nghìn ha (tăng gấp 1,24 lần) nhưng không ổn định. Giai đoạn 1990 – 2000, diện tích lúa tăng, giai đoạn 2000 – 2010 giảm (dẫn chứng). (0,25đ)
      • Sản lượng lúa tăng 20780,5 nghìn tấn (tăng gấp 2,08 lần). (0,25đ)
    • So với diện tích, sản lượng lúa có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn. (0,25đ)
  • Giải thích:
    • Diện tích và sản lượng lúa tăng là do nước ta có điều kiện tự nhiên thuân lợi để phát triển, thực hiện chương trình khai hoang, cải tạo đất, mở rộng diện tích trồng lúa, thâm canh, tăng vụ, chính sách khuyến nông (khoán 10, luật ruộng đất mới), đầu tư cơ sở vật chất – kĩ thuật, sử dụng các giống mới có năng suất cao, nhu cầu về lúa gạo ở trong nước (do dân số đông) và xuất khẩu lớn... (0,25đ)
    • Giai đoạn 2000 – 2010, diện tích giảm do chuyển đổi diện tích sang trồng các loại cây khác, xây dựng công nghiệp, đô thị... (0,25đ)
Đánh giá bài viết
1 236
Sắp xếp theo

    Môn Địa lý khối C

    Xem thêm