Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đường lối của Đảng trong lãnh đạo cách mạng miền Nam và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 – 1975)

Đường lối của Đảng trong lãnh đạo cách mạng miền Nam và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 – 1975) được VnDoc sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức môn học một cách tốt hơn để có thể học và hoàn thành bài thi môn học một cách hiệu quả.

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.

Bài: Đường lối của Đảng trong lãnh đạo cách mạng miền Nam và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 – 1975)

Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết (tháng 7-1954), cách mạng Việt Nam có những thuận lợi mới nhưng cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Yêu cầu bức thiết đặt ra cho Đảng ta là phải hoạch định được đường lối cách mạng đúng đắn, vừa phù hợp với tình hình trong nước, vừa phù hợp xu thế của thời đại.

Đường lối cách mạng Việt Nam ở miền Nam (1954 –1964)

Vào giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 7-1954) đã xác định: đế quốc Mỹ là kẻ thủ chính của nhân dân thế giới và hiện đang trở thành kẻ thù chính trực tiếp của nhân dân Đông Dương. Như vậy, Đảng ta đã sớm xác định được: kẻ thù của cách mạng Việt Nam. Tiếp đó, tháng 9-1954,

Bộ Chính trị ra Nghị quyết về tình hình mới, nhiệm vụ mới và chính sách mới của Đảng. Nghị quyết đã chỉ ra những đặc điểm chủ yếu của tình hình trong lúc cách mạng Việt Nam bước vào một giai đoạn mới là: từ chiến tranh chuyển sang hòa bình; nước nhà tạm chia làm hai miền; từ nông thôn chuyển vào thành thị ; từ phân tán chuyển đến tập trung.

Tại Hội nghị lần thứ bảy (tháng 3-1955) và lần thứ tám (tháng 8-1955) Trung ương Đảng nhận định: muốn chống đế quốc Mỹ và tay sai, củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ, điều cốt lõi là phải ra sức củng cố miền Bắc, đồng thời giữ vững và đẩy mạnh cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam.

Đặc biệt, tháng 12-1957, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 13, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: ta đang đồng thời tiến hành hai chiến lược cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Nhiệm vụ củng cố miền Bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội có tính chất quyết định cho toàn bộ thắng lợi cách mạng trong giai đoạn mới. Lực lượng cách mạng ở miền Nam được duy trì và phát triển là nhân tố trực tiếp quyết định thắng lợi của cuộc đấu tranh cách mạng của miền Nam.

Từ năm 1954 đến năm 1959, Mỹ – Diệm trắng trợn vi phạm Hiệp định Gionevơ tiến hành tổng tuyển cử riêng rẽ khủng bố, đàn áp dã man phong trào yêu nước của nhân dân miền Nam. Tình hình đó đặt cách mạng miền Nam vào tình trạng hết sức cấp bách. Chính vì vậy, tháng 1-1959, Ban Chấp hành Trung ương đã triệu tập Hội nghị lần thứ 15 khóa II. Hội nghị họp nhiều đợt, ra Nghị quyết về nhiệm vụ cách mạng ở miền Nam. Những nội dung cơ bản của Nghị quyết gồm:

– Hội nghị xác định cách mạng Việt Nam lúc này có hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Hai nhiệm vụ chiến lược đó tuy có tính chất khác nhau, nhưng có quan hệ hữu cơ với nhau, song song tiến hành.

– Nghị quyết chỉ rõ nhiệm vụ cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là: “giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc và phong kiến, thực hiện độc lập dân tộc và người cày có ruộng, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập và giàu mạnh”‘.

– Phương hướng phát triển của cách mạng miền Nam: “ngoài con đường cách mạng, nhân dân miền Nam không có con đường nào khác”, cho nên con đường phát triển cơ bản của cách mạng miền Nam là “khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân… đó là lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân”‘.

– Hội nghị dự kiến: “cuộc khởi nghĩa của nhân dân miền Nam cũng có khả năng chuyển thành cuộc đấu tranh vũ trang trường kỳ. Trong tình hình đó, cuộc đấu tranh sẽ chuyển sang một cục diện mới: đó là chiến tranh trường kỳ giữa ta và địch, và thắng lợi cuối cùng nhất định về ta”.

– Nghị quyết chỉ rõ ở miền Nam cần có Mặt trận dân tộc thống nhất riêng cho phù hợp với tính chất và nhiệm vụ của cách mạng.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 có ý nghĩa lịch sử to lớn, không những đã mở đường cho cách mạng miền Nam tiến lên, mà còn thể hiện rõ bản lĩnh độc lập, tự chủ, sáng tạo của Đảng ta trong những năm tháng khó khăn của cách mạng. Có thể nói, đến Hội nghị 15, đường lối cách mạng ở miền Nam đã được hoạch định một cách căn bản. Sau đó, đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (từ ngày 5 đến ngày 10-9-1960), Đảng ta đã khẳng định những nội dung căn bản đó. Đại hội đã bổ sung và hoàn chỉnh đường lối chiến lược chung của cách mạng Việt Nam. Trong đó, Đại hội đã vạch ra nhiệm vụ chung, nhiệm vụ chiến lược, mục tiền chiến lược của cách mạng, đồng thời nêu bật mối quan hệ giữa hai chiến lược cách mạng ở hai miền.

Đường lối của Đảng về kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1965 – 1975)

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta ở miền Nam đã tập trung sức lực làm thất bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ. Chiến thắng Ấp Bắc (Cai Lậy – Mỹ Tho) đầu tháng 1-1963 mở đầu cao trào diệt quân ngụy. Chiến thắng Bình Giã (Bà Rịa) từ ngày 1-12-1964 đến ngày 3-1-1965, chiến thắng An Lão (Bình Định), chiến thắng Ba Gia (Quảng Ngãi) ngày 25-5-1965, chiến thắng Đồng Xoài từ ngày 11-5 đến ngày 22-7-1965 đã làm thất bại hoàn toàn chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ.

Sau thất bại trong chiến lược “chiến tranh đặc biệt” năm 1965, đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân đội viễn chinh Mỹ và quân đội của các nước phụ thuộc Mỹ vào miền Nam Việt Nam nhằm tiến hành chiến lược “chiến tranh cục bộ”, đồng thời phát động chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc.

Trước tình hình đó, trong năm 1965, Trung ương Đảng đã tiến hành hai Hội nghị: Hội nghị Trung ương lần thứ 11 (tháng 3-1965) và Hội nghị Trung ương lần thứ 12 (tháng 12-1965).

Hai Hội nghị đã phân tích toàn diện sâu sắc chiến lược mới của Mỹ:

+ Tính chất cơ bản của cuộc chiến tranh của Mỹ ở miền Nam vẫn là chiến tranh xâm lược thực dân mới. Mỹ tuy có tăng về lực lượng quân sự nhưng lại có nhiều chỗ yếu cơ bản, nhất là về chính trị.

+ Về phía ta, từ một nửa nước có chiến tranh thành cả nước có chiến tranh với mức độ và hình thức khác nhau. Cuộc chiến đấu gay go, quyết liệt nhưng ta đã vững mạnh hơn hẳn trước, đã có chuẩn bị về tư tưởng và tổ chức.

Từ đó, Đảng rút ra kết luận:

Một là, so sánh lực lượng giữa ta và địch căn bản không thay đổi. Vì thế, ta cần giữ vững và phát huy chiến lược tiến công.

Hai là, tiếp tục tiến công và phản công, kết hợp đấu tranh quân sự và chính trị nhưng đấu tranh quân sự ngày càng có tác dụng quyết định trực tiếp.

Ba là, chủ trương đẩy mạnh hơn nữa hoạt động đối ngoại và đấu tranh ngoại giao, tăng cường tiếp xúc cả công khai và bí mật với nhiều nước trên thế giới, làm rõ chính nghĩa và thiện chí của ta.

Hội nghị Trung ương lần thứ 11 và 12 là sự phát triển rất quan trọng của đường lối kháng chiến chống Mỹ cứu nước trong tình thế phải trực tiếp đánh đội quân viễn chinh xâm lược Mỹ. Ở đây, ngoài quyết tâm đánh Mỹ thể hiện bản lĩnh vững vàng của Đảng, còn thể hiện sự phát triển kinh nghiệm khoa học, nghệ thuật lãnh đạo chiến tranh cách mạng của Đảng được kế thừa từ các thời kỳ trước.

Với đường lối đúng đắn của Đảng, quân và dân ta trên cả nước đã kết thành một khối. Ở miền Nam, đã giành thắng lợi to lớn trong mùa khô 1965 – 1966, 1966 – 1967 và cuộc tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đã làm thất bại chiến lược “chiến tranh cục bộ” của Mỹ, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán ở Pari từ ngày 13-5-1968 và từ ngày 1-11-1968 Mỹ buộc phải chấm dứt ném bom miền Bắc.

Sang năm 1969, đế quốc Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh” với âm mưu cực kỳ tàn bạo và thâm độc. Trong những năm 1969, 1970, cách mạng miền Nam gặp nhiều khó khăn và tổn thất. Nhưng ý chí và quyết tâm chiến thắng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân không hề suy giảm. Tháng 2- 1971, địch mở cuộc hành quân “Lam Sơn 719”. Quân ta thắng lớn trong Chiến dịch Đường 9 – Nam Lào. Chiến thắng này chứng minh quân ngụy Sài Gòn không thể đương đầu được với quân giải phóng, nhất là lực lượng quân chủ lực của miền Bắc. Cuộc tiến công Xuân – Hè 1972 trên toàn chiến trường miền Nam thể hiện ý chí và sức mạnh của quân và dân ta. Để đối phó, Mỹ buộc phải “Mỹ hóa” trở lại cuộc chiến tranh bằng cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai đối với miền Bắc bắt đầu từ ngày 6-4-1972 và đỉnh cao nhất là cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 vào Hà Nội, Hải Phòng 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972. Thất bại trong trận “Điện Biên Phủ trên không” ở Hà Nội, Hải Phòng, Mỹ phải trở lại Hội nghị đàm phán và ký kết Hiệp định Pari (27-1-1973) chấm dứt sự có mặt của quân viễn chinh Mỹ ở Việt Nam.

Sau khi Hiệp định Pari được ký kết, quân Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam (29-3-1973) nhưng đế quốc Mỹ vẫn ra sức viện trợ cho chính quyền Sài Gòn, tiếp tục thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu được Mỹ trợ giúp đã lấn chiếm, ngoan cố tiến hành chiến tranh, vi phạm những điều khoản của Hiệp định Pari. Tình hình đó cho thấy con đường phát triển của cách mạng ở miền Nam vẫn phải là tiến hành chiến tranh cách mạng đánh bại ngụy quân, ngụy quyền để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Để thúc đẩy sự phát triển của cách mạng miền Nam trong giai đoạn mới, Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương khóa III có tầm quan trọng đặc biệt. Hội nghị đợi I từ ngày 19-6 đến ngày 6-7-1973 và đợt II từ ngày 1-10 đến ngày 4-10-1973 với những nội dung chủ yếu sau:

Hội nghị đã tổng kết 18 năm chiến đấu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và đề ra nhiệm vụ của cách mạng miền Nam trong giai đoạn mới. Đó là sự tổng kết có giá trị sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn, làm cơ sở cho những quyết sách trong giai đoạn mới.

– Hội nghị nhận định đế quốc Mỹ vẫn thực hiện “học thuyết Níchxơn”, áp đặt chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam, chia cắt lâu dài đất nước ta, từ đó khẳng định dù tình hình phát triển như thế nào, con đường cách mạng miền Nam vẫn là con đường bạo lực. Vì vậy, phải nắm vững thời cơ giữ vững thế chiến lược tiến công và chỉ đạo linh hoạt để đưa cách mạng tiến lên.

– Hội nghị Trung ương lần thứ 21 cũng dự kiến hai khả năng phát triển của cách mạng miền Nam, tuy nhiên Trung ương Đảng cũng cho rằng: Dù tình hình phát triển theo khả năng nào, con đường tiến lên giành thắng lợi của cách mạng miền Nam chỉ có thể là con đường bạo lực diễn ra dưới hình thức này hay hình thức khác. Ta phải sẵn sàng đối phó chắc thắng với khả năng xấu nhất là địch gây lại chiến tranh. Đồng thời, Nghị quyết Trung ương lần thứ 21 cũng đề ra những biện pháp cơ bản để thúc đẩy cách mạng miền Nam phát triển và bảo đảm cho thắng lợi hoàn toàn.

Từ Nghị quyết Trung ương 15 (1959) đến Nghị quyết Trung ương 21 (1973) là sự phát triển đường lối cách mạng của Đảng ở miền Nam và cho thấy quy luật phát triển tất yếu của cách mạng miền Nam là con đường bạo lực, là chiến tranh cách mạng. Đường lối đó được hoạch định và phát triển trên cơ sở tư duy biện chứng từ thực tiễn của cuộc chiến tranh cách mạng trong thế kỷ XX chống chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mỹ.

Với một đường lối cách mạng đúng đắn, chủ động, sáng tạo, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cách mạng miền Nam đă từng bước chuyển từ thế giữ gìn lực lượng sang thế liên tục tiến công địch và giành được nhiều thắng lợi to lớn. Trải qua quá trình đấu tranh chống lại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ từ việc làm thất bại hình thức điển hình của chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ ở miền Nam (1954-1960), đến làm phá sản chiến lược “chiến tranh đặc biệt” (1961 – 1965), chiến lược ”chiến tranh cục bộ” (1965-1968) và chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” (1960 – 1975) của đế quốc Mỹ, buộc đế quốc Mỹ phải ký kết Hiệp định Pari (27-1-1973), công nhận những quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam. Cách mạng miền Nam đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác mà đỉnh cao là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Cuộc tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 bắt đầu bằng chiến dịch Tây Nguyên đánh vào Buôn Ma Thuột lúc 1 giờ 35 phút ngày 10-3-1975. Trước tình hình thắng lớn ở Tây Nguyên, cuộc họp Bộ Chính trị ngày 18-3-1975 đã quyết định giải phóng miền Nam trong năm 1975.

Phối hợp với chiến trường Tây Nguyên, ngày 21-3-1975, chiến dịch Huế – Đà Nẵng đã bắt đầu. Ngày 26-3, ta giải phóng Huế, ngày 29-3, giải phóng Đà Nẵng. Trên đà thắng lợi của mặt trận Tây Nguyên và Huế – Đà Nẵng, ngày 25-3-1975, Bộ Chính trị họp và chủ trương: tập trung nhanh nhất lực lượng binh khí kỹ thuật và vật chất, giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa.

Sau khi làm tan rã quân đoàn I và II, giải phóng hoàn toàn quân khu I và II, ngày 1-4-1975, Bộ Chính trị quyết định: giải phóng miền Nam trong tháng 4-1975.

Sau khi tạo thế và lực, ngày 26-4-1975, Chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn – Gia Định bắt đầu. Vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, lá cờ cách mạng đã tung bay trên nóc Phủ Tổng thống ngụy (Dinh Độc lập). Toàn bộ lực lượng quân sự và bộ máy chính quyền địch ở quân khu III, quân đoàn III bị tiêu diệt. Ngày 2-5-1975, cuộc chiến đấu để giải phóng các vùng đất còn lại và các đảo ngoài biển đều thắng lợi, chế độ ngụy quyền sụp đổ hoàn toàn. Sau 117 năm bị đô hộ, đất nước Việt Nam sạch bóng quân xâm lược, Nam Bắc liền một dải.

Thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thành quả vĩ đại nhất của sự nghiệp giải phóng dân tộc do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Thắng lợi đó đã kết thúc vẻ vang 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị kéo dài hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân, đế quốc trên đất nước ta, hoàn thành về cơ bản cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trên cả nước, bảo vệ và phát triển những thành tựu của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, hoàn thành thống nhất đất nước. Thắng lợi đó đã mở ra một thời kỳ mới cho dân tộc Việt Nam: đất nước độc lập, thống nhất và tiến lên chủ nghĩa xã hội, chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu, xây dựng đất nước giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, góp phần làm tăng thêm sức mạnh và thế tiến công cách mạng trên thế giới, động viên, cổ vũ hàng trăm triệu người đang đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (tháng 12-1976) đã nhận định: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”.

-----------------------

Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Đường lối của Đảng trong lãnh đạo cách mạng miền Nam và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 – 1975) về nội dung, đăc điểm của đường lối của Đảng trong cách mạng miền Nam và kháng chiến chống Mỹ cứu nước...

Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn Đường lối của Đảng trong lãnh đạo cách mạng miền Nam và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 – 1975). Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm nhiều tài liệu Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học khác để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Cao đẳng - Đại học

    Xem thêm