Giải bài tập Ngữ văn lớp 11: Bài ca ngắn đi trên bãi cát
Giải bài tập Ngữ văn lớp 11
Để có kết quả cao trong học tập, các bạn học sinh cần có cách học tập riêng dành cho mình và kết hợp tham khảo các tài liệu để nắm chắc kiến thức môn Ngữ văn, hiểu được nhu cầu của các bạn học sinh, VnDoc.com luôn cập nhật những thông tin hữu ích để giúp các bạn học tốt Ngữ văn lớp 11. Mời thầy cô cùng các bạn học sinh tham khảo tài liệu: Giải bài tập Ngữ văn lớp 11: Bài ca ngắn đi trên bãi cát.
Giải bài tập Ngữ văn lớp 11: Thực hành về thành ngữ, điển cố
Giải bài tập Ngữ văn lớp 11: Bài ca phong cảnh Hương Sơn
Giải bài tập Ngữ văn lớp 11: Chạy giặc
Giải bài tập Ngữ văn lớp 11: Lẽ ghét thương
Giải bài tập Ngữ văn lớp 11: Luyện tập thao tác lập luận phân tích
Lời giải hay bài tập Ngữ văn lớp 11: Bài ca ngắn đi trên bãi cát
1. Phân tích ý nghĩa tượng trưng của các yếu tố tả thực hình ảnh người đi trên bãi cát.
Gợi ý trả lời
Trước hết, là những yếu tố tả thực bãi cát, đúng hơn là tả thực cảnh đi trên bãi cát:
Bãi cát, bãi cát dài!
Mỗi bước lại như lùi.
Mặt trời đã lặn đi chưa nghỉ,
Khách bộ hành nước mắt tuôn rơi!
Đi trên cát, chân bị lún dưới cát, ta có cảm giác như lùi lại. Nói chung đi trên cát khó khăn, mỏi mệt hơn đi trên đường đất bình thường. Đi trên cát đã khó, xét về không gian thì đường xa, xung quanh lại bị vây bởi núi, biển, xét về thời gian thì mặt trời đã lặn mà vẫn tất tả đi (bình thường, lúc ấy, con người đều tìm chốn nghỉ ngơi). Tuy nhiên, nhà thơ không bao giờ dừng lại ở việc tả thực. Hình tượng thơ luôn mang ý nghĩa khái quát cao. Đó chính là biểu tượng của bãi cát và người đi trên bãi cát. Bãi cát dài ở đây chính là con đường đầy khó khăn mà con người phải vượt qua để đi đến danh lợi (nhà nho xưa coi danh lợi là việc làm quan); nhưng người đi trên bãi cát (người đời) vẫn tất tả dấn bước vì cái mồi danh lợi, cái bả công danh đã lôi kéo con người, làm cho con người mê muội. Từ con đường thực đi trên cát mà nhiều lần từng đi qua vào kinh ứng thi, Cao Bá Quát đã sáng tạo thành con đường đến với danh lợi một cách mê muội của con người trong bài thơ này. Con đường thực đi trên cát đã thành con đường chạy theo danh lợi trong bài ca.
2. Hãy giải thích nội dung và chỉ ra sự liên kết ý nghĩa của sáu câu thơ: "Không học được tiên ông phép ngủ
- Trèo non, lội suối, giận khôn vơi!
- Xưa nay, phường danh lợi
- Tất tả trên đường đời. Đầu gió hơi men thơm quán rượu
- Người say vô số, tỉnh bao người?". (Chú ý: Danh lợi có sức cám dỗ như thế nào?)
Gợi ý trả lời
Nhận thức về con đường danh lợi của Cao bá Quát đuợc nói lên sâu sắc qua sáu câu thơ:
Không học được tiên ông phép ngủ,
Trèo non, lội suối, giận không nguôi.
Xưa nay phường danh lợi,
Bôn tẩu trên đường đời.
Gió thoảng hơi men trong quán rượu,
Say cả, hỏi tỉnh được mấy người?
Trước hết, là nỗi chán nản của tác giả vì tự mình phải hành hạ thân xác của mình trên đường theo đuổi công danh (hai câu đầu). “Không học được tiên ông phép ngủ” đã đành, lại còn “trèo non / lội suối / giận không nguôi”. (Đăng sơn / thiệp thủy / oán hà cùng). Nhịp điệu câu thơ đã nói rõ ý chán nản đó. Cuộc mưu cầu danh lợi có thể hình dung như quán rượu: số người say vô số, người tỉnh táo rất hiếm. Một nỗi buồn, băn khoăn, chán nản ẩn chứa sau những hình ảnh thơ chọn lọc rất nghệ thuật đó.
3. Tâm trạng của lữ khách khi đi trên bãi cát là gì ? Hãy cho biết tầm tư tưởng của Cao Bá Quát thể hiện qua tâm trạng đó.
Gợi ý trả lời
Nhìn dòng đời ngược xuôi, mải mê trên con đường danh lợi, tác giả quay về với chính mình. Tỉnh táo, trăn trở, ông nêu lên câu hỏi như thúc giục bản thân tìm tòi con đường khác cho những người trí thức: Hình ảnh bãi cát dài xuất hiện và câu hỏi “Tính sao đây?” vang lên đầy ám ảnh. Tính cái gì, tính như thế nào là câu hỏi mà câu trả lời còn bỏ ngỏ “Sao mình anh còn trơ trên bãi cát này?”. Câu thơ khép lại bài thơ vang lên day dứt, thiết tha, không chỉ là câu hỏi mà còn như một mệnh lệnh cho bản thân mình: phải thoát ra khỏi bãi cát danh lợi đầy nhọc nhằn, đầy chông gai mà không đem lại một điều gì có ích cho mình. Tầm tư tưởng cao rộng của Cao Bá Quát chính là ở chỗ đã nhận thấy rõ tính chất vô nghĩa của lối học khoa cử, của con đường công danh theo lối cũ. Tuy chưa thể tìm ra một con đường đi nào khác, song ông thấy không thể đi mãi trên bãi cát danh lợi đó.
4. Phân tích ý nghĩa của nhịp điệu bài thơ đối với việc diễn tả cảm xúc và suy tư của nhân vật trữ tình.
Gợi ý trả lời
Điểm độc đáo của bài thơ là nhịp điệu mang tính hình tượng rất rõ. Những câu thơ năm chữ với nhịp 2 / 3 mô phỏng những bước đi khó nhọc trên bãi cát. Những lúc dừng lại suy nghĩ, câu thơ kéo dài ra với số lượng chữ lớn hơn nhưng nhịp thơ cũng biến hóa.
Nghệ thuật sử dụng điệp ngữ trong bài thơ mang tính sáng tạo cao. Từ trường sa láy đi láy lại tạo sự ám ảnh về bãi cát mênh mông, vô tận. Để thể hiện sự bế tắc, hình ảnh núi Bắc, núi Nam láy lại gây cảm tưởng núi bao vây trùng điệp quanh người đi đường. Nhịp điệu của bài thơ này được tạo nên chủ yếu nhờ sự thay đổi độ dài của các câu thơ cũng như sự khác nhau trong cách ngắt nhịp của mỗi câu, đem lại khả năng diễn đạt phong phú. Có từng cặp đối xứng với số lượng chữ không đều nhau: 5 chữ, 7 chữ, 8 chữ. Cách ngắt nhịp có thể là 2/3 (trường sa/phục trường Sa), là 3/5 (Quân bất học/tiên gia mĩ thụy ông), là 4/3 (phong tiền tửu điếm/hữu mĩ tửu).
Câu cuối cùng không có cặp đối, như một câu hỏi buông ra đầy ám ảnh.
Nhịp điệu diễn đạt sự gập ghềnh, trúc trắc của những bước đi trên bãi cát dài, tượng trưng cho con đường công danh đáng chán ghét.
Luyện tập
Qua bài thơ này, anh (chị) hãy thử lí giải vì sao Cao Bá Quát đã khởi nghĩa chống nhà Nguyễn.
Gợi ý trả lời
Có thể liên hệ khái niệm “danh lợi” ở đây với việc đi học, thi, ra làm quan vì trong thơ, Cao Bá Quát nhiều lần viết về việc học hành, khoa cử như là con đường tìm kiếm danh lợi. Ví dụ: “Dư sinh phù danh ngộ, -Thập niên trệ văn mặc” (Đời ta lầm lỡ vì cái danh hờ, -Hàng chục năm chìm đắm trong bút mực) (bài Đắc gia thư, thị nhật tác); “Vị luyến minh thì học tố quan
-Nhất danh lạo đào vị năng nhàn” (Vì lưu luyến thời sáng sủa nên học làm quan, - Một chút danh mà lận đận mãi chưa thể nhàn được) (bài Đình thí hậu trình chư hữu). Trong nhiều bài thơ, ông cũng đã tỏ ra chán ghét việc học và thi văn chương để tìm kiếm công danh, danh lợi.
Ví dụ:
Tự tòng phiếm hải lịch Ba Sơn,
Thuỷ giác lục hợp hà mang mang!
Thướng tích văn chương đẳng nhi hí!
Thế gian thuỳ thị chân nam tử?
Uổng cá bình sinh độc thư sử.
(Từ khi vượt bể qua đất Ba Sơn,
Mới cảm thấy vũ trụ là bao la!
Chuyện văn chương trước đây thực là trò trẻ con!
Trong thế giới này có ai thật là bậc tài trai,
Mà lại phí cả một đời đọc mấy pho sách cũ).
Cao Bá Quát đã thấy phải làm được việc gì lớn lao hơn có ích cho đời hơn. Đó là lí do dẫn ông đến với cuộc khởi nghĩa chống lại nhà Nguyễn.
----------------------------
Trên đây VnDoc.com đã giới thiệu tới các bạn học sinh tài liệu: Giải bài tập Ngữ văn lớp 11: Bài ca ngắn đi trên bãi cát, để giúp các bạn học tốt hơn môn Ngữ văn 11. Cùng chủ đề này, VnDoc.com mời các bạn tham khảo bài soạn văn mẫu Bài ca ngắn đi trên bãi cát và bài văn mẫu phân tích Bài ca ngắn đi trên bãi cát mà VnDoc.com đã sưu tầm, tổng hợp.