Giải bài tập Ngữ văn lớp 11: Một số thể loại văn học: thơ, truyện
Giải bài tập Ngữ văn lớp 11
VnDoc.com xin giới thiệu tới bạn đọc tài liệu: Giải bài tập Ngữ văn lớp 11: Một số thể loại văn học: thơ, truyện, với nội dung đã được VnDoc.com cập nhật chi tiết sẽ là nguồn thông tin hữu ích dành cho các bạn học sinh học tốt Ngữ văn 11. Mời thầy cô cùng các bạn học sinh tham khảo.
Giải bài tập Ngữ văn lớp 11: Phong cách ngôn ngữ báo chí
Giải bài tập Ngữ văn lớp 11: Vi hành
Giải bài tập Ngữ văn lớp 11: Tinh thần thể dục
Lời giải hay bài tập Ngữ văn lớp 11: Một số thể loại văn học: thơ, truyện
Gợi ý
1. Quan niệm chung về loại thể văn học
Trong việc xác định loại thể văn học, trước hết các nhà nghiên cứu chú ý tới các loại rồi trên cơ sở các loại, đi sâu vào cấp độ tồn tại nhỏ hơn, phân biệt ra các thể. Quan điểm về phân loại rất khác nhau. Nguyễn Lương Ngọc nói đến bốn loại lớn: thơ, tiểu thuyết, kịch và một số loại văn xuôi khác (tuỳ bút, tạp văn,...). Hà Minh Đức gọi tên các loại thơ trữ tình, các thể kí văn học, tiểu thuyết, kịch,... Lê Ngọc Trà cho rằng có ba loại: truyện, thơ và kịch,... Nhưng nhìn chung, theo quan niệm đã có từ thời A-ri-xtốt, phần lớn các nhà nghiên cứu cho rằng văn học có ba loại lớn: tự sự (hay kể chuyện, sử thi, trong tiếng Hi Lạp cổ, sử thi [“épos”] có nghĩa là lời nói, lời kể), trữ tình (khái niệm tạo nên tên một nhạc cụ thời cổ Hi Lạp là lura mà người ta dùng để đệm khi ca hát), kịch (“drama” - trong tiếng cổ Hi Lạp có nghĩa là hành động).
Cần chú ý tới đặc trưng của từng loại. Tự sự là kể chuyện, trình bày sự việc, sự vật một cách cụ thể, chi tiết, tập trung miêu tả thế giới bên ngoài. Trữ tình là bộc lộ tình cảm, thể hiện tâm hồn con , đặc biệt là đời sống nội tâm của chính tác giả. Kịch hướng tới xung đột; diễn biến cuộc sống khách quan và tâm trạng con người dồn nén những mâu thuẫn, thể hiện qua lời thoại và hành động của các nhân vật.
Trong mỗi loại có nhiều thể, có khi trong một thể lại có những thể (kiểu, dạng) nhỏ hơn. Ví dụ, trong loại tự sự có các thể: truyện, kí,...; trong thể kí lại có các thể: phóng sự, kí sự, bút kí, hồi kí,... Ngoài ra, có một số thể loại tồn tại độc lập, thật khó xếp vào một trong ba loại trên đây, chẳng hạn, văn nghị luận. Trong phạm vi các thể loại văn học thường học ở trường phổ thông, bốn thể loại phổ biến là: thơ, truyện, kịch và nghị luận.
2. Về thơ
Có thể xem thơ là dạng tiêu biểu nhất, dạng gốc của văn chương. Không phải ngẫu nhiên mà người ta dùng khái niệm thi ca (poésie) để chỉ chung văn chương, dùng khái niệm thi pháp và thi pháp học (poétiquel) để chỉ nghệ thuật văn chương và lí luận nghệ thuật văn chương nói chung. Nếu văn học nghệ thuật là “quy luật riêng của tình cảm” thì điều đó biểu hiện đặc biệt tập trung trong thơ. Nhiều ý kiến nêu rõ bản chất của thơ: phản ánh cuộc sống, giàu liên tưởng và tưởng tượng (thơ là thế giới của những giấc mơ); có chất trí tuệ, chất triết lí,... nhưng tính chất trữ tình mới là cái quan trọng nhất, kì diệu nhất của thơ. Trong bài Tràng giang, Huy Cận có miêu tả dòng tràng giang giữa đất trời, nhưng cái mà người đọc cảm nhận thấm thía trong thẳm sâu câu chữ là dòng tràng giang của tâm hồn nhà thơ với mênh mang nỗi sầu nhân thế, nỗi buồn cô đơn, tình yêu thiết tha với con người, với đất nước quê hương. Người Trung Quốc xưa nhận xét: “Thơ hay như người con gái đẹp, cái để làm quen là nhan sắc, nhưng cái để sống với nhau lâu dài là đức hạnh; chữ nghĩa là nhan sắc của thơ, tấm lòng mới là đức hạnh của thơ”. Hêghen khẳng định: “Thơ bắt đầu từ cái ngày mà con người cảm thấy cần phải tự biểu hiện lòng mình”. Ngô Thì Nhậm khuyên: “Hãy xúc động hồn thơ cho ngọn bút có thần”.
Nhịp điệu làm tăng thêm tính chất trữ tình của thơ. Chế Lan Viên viết: “Thơ đi giữa ý và nhạc”. Xuân Diệu nói: “Tôi muốn sáp nhập thơ ca vào lĩnh vực của âm nhạc”. Trong 3 câu đầu bài Tràng giang, nhịp 2/2/3 như những lớp sóng xô đẩy, gối lên nhau, đuỗi theo nhau về phía chân trời xa và nỗi buồn của nhà thơ theo đó mà trải rộng mênh mang. Tiết điệu (cách ngắt nhịp), thanh điệu (bằng, trắc), vần điệu (sự lặp lại âm nào đó) là những yếu tố chính tạo nên nhịp điệu của thơ. Mai-a-cốp-xki cho rằng: “Nhịp điệu là năng lượng cơ bản của câu thơ”.
- Diễn giải những yêu cầu về đọc thơ. Việc tìm hiểu văn bản thơ thường được thực hiện theo ba bước: tìm hiểu xuất xứ, cảm nhận ý thơ; lí giải, đánh giá.
+ Tìm hiểu xuất xứ là để thấy được cội nguồn của tứ thơ, hiểu thêm nội dung bài thơ và ý nghĩa của nó. Trong xuất xứ, cái quan trọng nhất là hoàn cảnh sáng tác cụ thể của bài thơ. Phần Tiểu dần bài Đây thôn Vĩ Dạ, đặc biệt là chi tiết về tình yêu của nhà thơ với một cô gái vốn quê Vĩ Dạ, đã giúp người đọc hiểu rõ hơn những tình ý thể hiện trong bài thơ.
+ Cảm nhận ý thơ là khám phá nội dung và hình thức của bài thơ. Ý thơ có thể là cảm xúc, suy nghĩ, tâm trạng, những sự việc, cảnh vật,... có thể là sự biểu hiện, sự vận động của hình ảnh thơ, hình tượng thơ, “cái tôi” trữ tình, nhân vật trữ tình,... Các ý thơ đều bắt đầu từ tứ thơ, đó là một ý chính, một ý lớn bao quát toàn bài thơ, làm điểm tựa cho sự vận động của cả bài thơ (hình ảnh cái áo bị bỏ quên trên cành sen là tứ thơ của bài ca dao Tát nước đầu đình). Thơ ca là thế giới của cảm xúc, của mơ mộng và tưởng tượng, của ngôn từ cô đọng, hàm súc, giàu hình ảnh và nhạc điệu cho nên phải đồng cảm với nhà thơ, dùng liên tưởng và tưởng tượng, phân tích khả năng biểu hiện của từng từ ngữ, chi tiết, vần điệu,... mới nhận ra tứ thơ, cảm nhận được các ý thơ. Có thể phân tích bài ca dao Tát nước đầu đình theo hướng gợi mở đó để làm rõ yêu cầu này về đọc thơ.
+ Lí giải, đánh giá là phát hiện ra ý nghĩa tư tưởng và giá trị nghệ thuật của bài thơ. Ở đây cần một tư duy khái quát, một sự cảm thụ mang tính chất tổng hợp, nâng cao. Từ tất cả những yếu tố cụ thể trong bài thơ (tứ thơ, ý thơ, lời thơ, câu thơ,...) cần phải có một cái nhìn chung, xuyên suốt để thấy được: Bài thơ nói lên cái gì nhắn gởi điều gì, có ý nghĩa như thế nào với cuộc sống và con người, hình thức biểu hiện có nét gì sáng tạo, mới mẻ, độc đáo? Ví dụ, qua bài thơ Chiều tối (Mộ), người đọc thấy được một vẻ đẹp của tâm hồn Hồ Chí Minh: dù hoàn cảnh khắc nghiệt đến đâu vẫn luôn hướng về sự sống và ánh sáng, đồng thời cảm nhận được bút pháp tả cảnh ngụ tình vừa cổ điển vừa hiện đại của bài thơ.
Thơ tiêu biểu cho loại trữ tình. Thơ thể hiện cảm xúc, suy nghĩ, tâm trạng con người bằng ngôn ngữ cô động, gợi cảm, giàu hình ảnh và nhạc điệu.
3. Về truyện
Truyện là loại văn tự sự, kể chuyện, trình bày sự việc. So sánh với thơ ca in đậm dấu ấn chủ quan thì truyện mang tính khách quan nhiều hơn. Dù nó tái hiện những diễn biến của đời sống hay thể hiện những gì diễn ra trong tâm hồn con người thì tất cả những cái đó đều là những đối tượng để phân tích, nhận biết, chúng tồn tại bên ngoài tác giả, chúng không phải là sự tự thể hiện cuộc đời và bộ mặt tinh thần của tác giả. Truyện khác với chuyện: chuyện là sự việc diễn ra một cách tự nhiên trong đời sống, còn truyện là sự việc được tổ chức một cách nghệ thuật trong văn học. Ở đây cần chú ý người kể chuyện có thể ở ngôi thứ nhất (người kể xưng tôi như trong Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê) hoặc ở ngôi thứ ba (người kể hàm ẩn như trong truyện Chí Phèo của Nam Cao). Thơ ca thường thể hiện “cái tôi” tác giả; trong kịch thường chỉ có các nhân vật với nhau; còn trong truyện, đằng sau các nhân vật, sự kiện, hoàn cảnh,... luôn có mặt người kể chuyện với vai trò dẫn dắt, miêu tả, phân tích, bình luận, làm sáng tỏ những gì cần thiết để người đọc cảm nhận rõ ràng, sâu sắc và đầy đủ nội dung của tác phẩm.
Truyện phản ánh diễn biến đời sống qua cốt truyện. Đó là một chuỗi các tình tiết, sự kiện, biến cố được tổ chức, sắp xếp một cách hợp lí, lôgíc nhằm phục vụ cho ý đồ tư tưởng nghệ thuật của tác giả. Trong cốt truyện, trình tự các tình tiết, sự kiện có thể bị đảo ngược so với trình tự đời sống (mở đầu truyện Chí Phèo là tình tiết Chí Phèo vừa đi vừa chửi, sau đó mới là tình tiết Chí Phèo được sinh ra và được anh đi thả ống lươn bắt gặp trong cái lò gạch bỏ hoang); một số tình tiết, sự kiện có thể được huyền thoại hoá (sự kiện Tấm sống lại trong truyện Tấm Cám; sự kiện Cao Lỗ làm nỏ thần trong Truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thuỷ ).
Trong diễn biến cốt truyện, các nhân vật hình thành, hoạt động, quan hệ, tác động qua lại lẫn nhau, bộc lộ đặc điểm, tính cách của mình. Do ít bị hạn chế về dung lượng văn bản, trong truyện, nhân vật thường được miêu tả một cách chi tiết, tỉ mỉ, sinh động trên mọi khía cạnh, sắc thái và có mối quan hệ chặt chẽ với hoàn cảnh, với môi trường xung quanh (truyện Thánh Gióng: những chi tiết về cuộc đời Thánh Gióng, sức mạnh kì diệu của Thánh Gióng được tạo nên bởi sự chung tay góp sức của dân làng Phù Đổng). Diễn biến cốt truyện và sự hoạt động của các nhân vật trong truyện không bị hạn chế về không gian và thời gian. Truyện có thể kể về những khoảnh khắc của đời người, lại có thể kể về các sự kiện xảy ra trong bao thế hệ, có thể đưa người đọc trở về quá khứ hoà mình vào hiện tại, hoặc mơ mộng với tương lai, có thể đi sâu vào tâm trạng con người, nhưng cảnh đời cụ thể hay tái hiện những bức tranh đời sống toàn cảnh rộng lớn. Cần chốt lại những đặc trưng cơ bản của truyện: tính khách quan trong sự phản ánh; cốt truyện được tổ chức một cách nghệ thuật; nhân vật được miêu tả chi tiết, sống động, gắn với hoàn cảnh; phạm Ui miêu tả không bị hạn chế về không gian Uà thời gian; ngôn ngữ linh hoạt, gần với ngôn ngữ đời sống.
- Diễn giải yêu cầu về đọc truyện. Việc tìm hiểu văn bản truyện thường được thực hiện theo 4 bước: tìm hiểu xuất xứ, phân tích cốt truyện, phân tích nhân vật; xác định giá trị tư tưởng nghệ thuật.
+ Tìm hiểu bối cảnh xã hội, hoàn cảnh sáng tác là để thấy được tính lịch sử cụ thể của diễn biến đời sống được miêu tả trong truyện, từ đó hiểu thêm ý nghĩa của truyện. Ngay cả những truyện đậm đặc yếu tố tưởng tượng, hư cấu, phóng đại vẫn ít nhiều mang bóng dáng thời đại mà tác giả đang sống. Tìm hiểu bối cảnh xã hội thời Vũ Trọng Phụng viết Số đỏ (1936) mới thấy rõ ý nghĩa thời sự, tính chiến đấu mạnh mẽ của bức biếm hoạ có một không hai về xã hội “thượng lưu” thành thị đồi bại, nhố nhăng mà tác giả đã vẽ lên bằng thủ pháp cường điệu, nghệ thuật trào phúng đặc sắc
+ Phân tích cốt truyện với các bước diễn biến: mở đầu, vận động, kết thúc - đó là quá trình đời sống cụ thể tạo nên nội dung của truyện. Theo các bước đó và chú ý tới các tình tiết, sự kiện chính, hãy tóm tắt truyện. Cần hỏi HS: Cốt truyện (hoặc tình tiết, sự kiện, biến cố) như thế nói lên điều gì về hiện thực được phản ánh và đã góp phần khắc hoạ bản chất, tính cách các nhân vật ra sao? Cốt truyện có hấp dẫn, sinh động, có ý nghĩa thực sự sâu sắc không còn phụ thuộc vào nghệ thuật tự sự: cho HS xác định người kể chuyện (tác giả hay một nhân vật nào đó, nêu điểm nhìn trần thuật (nhìn từ bên trong, từ nội tâm hay từ bên ngoài); nhận xét cách sắp xếp (kết cấu) các tình tiết, sự kiện, khám phá các thủ pháp kể chuyện, miêu tả (dẫn dắt trực tiếp hay gián tiếp, dùng đặc tả hay gợi tả...); cảm nhận giọng điệu lời văn (khách quan, trữ tình, châm biếm,...).
+ Phân tích nhân vật theo diễn biến cốt truyện, tức là theo các tình tiết, sự kiện, biến cố đang diễn ra. Ngoại hình nhân vật được miêu tả như thế nào, có nói lên điều gì về bản chất của nhân vật không? Hành động, nội tâm, ngôn ngữ nhân vật biểu hiện như thế nào trong sự kiện được miêu tả? (Lấy ví dụ trong Truyện Kiều: đoạn tả tài sắc chị em Thuý Kiều, đoạn kể về tâm trạng, hành động, lời nói của Kiều trong cảnh bán mình chuộc cha). Chú ý phân tích mối quan hệ giữa nhân vật này với nhân vật khác, giữa nhân vật với hoàn cảnh xung quanh (quan hệ giữa Thuý Kiều với Thuý Vân, với Kim Trọng, Thúc Sinh, Từ Hải,...; khung cảnh lầu Ngưng Bích càng làm Kiều thêm thấm thía nỗi cô đơn, trống vắng). Cần làm rõ nghệ thuật xây dựng nhân vật: sử dụng chi tiết có tiêu biểu không, có hợp lôgic không, có giá trị như thế nào? (Chi tiết ngọn đèn dầu gánh phở bác Siêu trong truyện Hai đứa trẻ, cái chấm lửa “nhỏ và vàng lơ lửng đi trong đêm tối, mất đi, rồi lại hiện ra..” gợi liên tưởng đến một kiếp người nhỏ nhoi, leo lét); tạo tình huống để khám phá bản chất của nhân vật (tình huống gặp gỡ trong Chữ người tử tù có tác dụng phát hiện nhân cách của cả Huấn Cao và quản ngục); cách thức miêu tả ngoại hình, hành động, biểu hiện nội tâm (Nam Cao để Chí Phèo độc thoại nội tâm: “Tỉnh dậy hắn thấy hắn già mà vẫn còn cô độc. Buồn thay cho đời !”...).
+ Xác định giá trị tư tưởng nghệ thuật của truyện từ sự hoạt động, tính cách và ý nghĩa cuộc đời các nhân vật được miêu tả. Nhà văn thường sáng tạo nhân vật để phát hiện những vấn đề của đời sống, gửi gắm tư tương, tình cảm và quan niệm của mình về cuộc đời. Qua nhân vật Thuý Kiều, Nguyễn Du nêu lên vấn đề quyền sống của con người; Thuý Kiều là hiện thân cho bao nỗi khổ đau, oan trái, tủi nhục của kiếp người, là tiếng khóc của Nguyễn Du cho thân phận con người. Truyện Kiều là “tiếng kêu đứt ruột” đòi quyền sống cho con người.
Truyện tiêu biểu cho loại tự sự, thường có cốt truyện, đi sâu vào những mảnh đời cụ thể và cả những diễn biến sâu xa trong trong tầm hồn con người. Các em cần đọc lại phần gợi ý ở phần trên để trả lời câu 1, 2 và 3.
Luyện tập
1. Một số nét đặc sắc trong nghệ thuật biểu hiện của bài Câu cá mùa thu: Nghệ thuật tả cảnh: chọn điểm nhìn (từ ao thu tới tầng mây rồi trở lại ao thu - trung tâm của sự miêu tả là ao thu); đặc tả cận cảnh những gì quan sát được trên mặt ao mà gợi được cái thần thái của mùa thu nơi làng quê (se lạnh, trong trẻo và đặc biệt yên tĩnh); mở rộng không gian với chiều cao đến vô tận của trời thu; dùng cái động (tiếng cá đớp dưới chân bèo) để gợi cái tĩnh mịch, êm đềm của làng quê...
- Nghệ thuật tả tình: bút pháp tả cảnh ngụ tình (qua cảnh thu thấy sự quan sát tinh tế, tình yêu kín đáo mà thiết tha của nhà thơ với thiên nhiên, với quê hương đất nước).
- Sử dụng ngôn ngữ: ngôn ngữ giàu hình ảnh, màu sắc (sóng hơi gợn tí, mây lơ lửng, lá khẽ đưa, nước trong veo, trời xanh ngắt); cách gieo vần eo trong từ cuối của nhiều dòng thơ gợi tả được khung cảnh tĩnh lặng, vắng vẻ, đồng thời lại gợi được cảm giác êm ả, nhẹ nhàng về cảnh mùa thu thân thuộc nơi thôn quê dân dã.
2. Nhận xét về cốt truyện, nhân vật, lời kể trong truyện Hai đứa trẻ:
- Cốt truyện: Hai đứa trẻ có cốt truyện đơn giản, các sự kiện rất ít (chỉ có một sự kiện đáng kể là việc Liên và An đón đợi đoàn tàu đi qua trong đêm khuya). Nội dung tác phẩm chủ yếu được kết cấu theo những diễn biến tâm hồn của hai đứa trẻ, nhất là qua tâm hồn cô bé Liên. Có thể coi Hai đứa trẻ là truyện tâm tình, không có cốt truyện đặc biệt.
- Nhân vật: Trong khung cảnh một buổi chiều tàn, một phiên chợ tàn, hiện lên những kiếp người tàn tạ, quẩn quanh. Những người kiếm sống ban ngày với phiên chợ gồm: những người đi chợ, mấy đứa trẻ bới rác, chị em Liên. Những người kiếm sống ban đêm quanh góc chợ và sân ga xép gồm: mẹ con chị Tí, bà cụ Thi, bác Siêu bán phở, gia đình bác xẩm. Thấp thoáng sau những người ấy còn thấy một bà lão móm, một người cha mất việc,... những kiếp người tàn tạ khác. Những nhân vật ấy nhất là Liên và An được khắc hoạ chủ yếu ở chiều sâu nội tâm với những biến thái tinh vi của nỗi buồn và niềm khát khao một cuộc sống đổi thay.
-Lời kể: Lúc thì ở bên ngoài (“Tiếng trống thu không trên cái chòi của huyện nhỏ”...); lúc lại nhập vào nhân vật (“Liên thấy lòng buồn man mác”...). Gắn với loại truyện tâm tình, lời kể có giọng điệu rất riêng biệt, độc đáo, đó là lối kể chuyện thủ thỉ như tâm sự với người đọc. Đấy là một nét đặc sắc góp phần tạo nên phong cách nghệ thuật Thạch Lam.
--------------------------------
Trên đây VnDoc.com đã giới thiệu tới các bạn học sinh tài liệu: Giải bài tập Ngữ văn lớp 11: Một số thể loại văn học: thơ, truyện, để giúp các bạn học tốt hơn môn Ngữ văn 11. Cùng chủ đề này, VnDoc.com mời các bạn tham khảo bài soạn văn mẫu bài Một số thể loại văn học: thơ, truyện mà VnDoc.com đã sưu tầm, tổng hợp.