Soạn bài Bài thơ số 28

Soạn bài lớp 11: Bài thơ số 28 là tài liệu tham khảo hay, nhằm giúp các bạn học sinh lớp 11 nắm được nội dung và nghệ thuật của bài thơ số 28 của R.Tago. Mời các bạn tham khảo.

Bài thơ số 28 - R.Tago

1. Soạn bài Bài thơ số 28 mẫu 1

1.1. Giới thiệu chung

1. Tác giả

  • R.Tago (1861 – 1941): Là một nhà thơ, nhà văn, đồng thời là một nhà văn hóa lớn, có nhiều đóng góp cho dân tộc Ấn Độ và nhân loại.
  • Ông để lại một gia tài khổng lồ các tác phẩm thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau mà ở lĩnh vực nào cũng xuất sắc.
  • Năm 1913, Tagore trở thành người châu Á đầu tiên được trao giải Nobel về văn học với tập Thơ Dâng.

2. Tập thơ Người làm vườn

  • Là một trong những tập thơ nổi tiếng của Tago, gồm 85 bài thơ được viết bằng tiếng Bengal, sau tự dịch sang tiếng Anh, xuất bản năm 1941.
  • Tập thơ tiêu biểu cho phong cách giàu chất trữ tình, chất triết lý của Tago, được dịch ra nhiều thứ tiếng.

3. Bài thơ số 28

  • Các bài thơ trong tập Người làm vườn không có tên mà chỉ được đánh số.
  • Bài thơ số 28 là bài thơ nổi tiếng trong tập thơ Người làm vườn, có mặt trong nhiều tuyển tập thơ tình thế giới.

1.2. Đọc hiểu văn bản

1. Bố cục

  • Chia bố cục
    • Phần 1 (từ đầu đến...không biết gì tất cả về anh): Khát vọng hòa hợp trong tình yêu.
    • Phần 2 (tiếp đến...em có biết gì về biên giới của nó đâu): Khát vọng dâng hiến trong tình yêu.
    • Phần 3 (Còn lại đến hết): Sự vô cùng của cuộc đời – trái tim – tình yêu.
  • Cuối mỗi phần đều có câu chuyển ý (Em chẳng thể biết tất cả về anh).

2. Tìm hiểu chi tiết văn bản

a. Khát vọng hòa hợp trong tình yêu

  • Đôi mắt: Cửa sổ tâm hồn, chứa đựng suy tư của con người. Với Tago, đôi mắt còn là ngọn nguồn của tình yêu.
  • Diễn giải thêm: (Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn, là điều khiến người ta nhớ nhung khi xa cách: "Những đêm dài hành quân nung nấu/ Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu". Với Shakespear: "Ánh mắt là ngôn ngữ chân thành nhất của tình yêu". Với tư cách là một triết gia, Tagore luôn tìm hiểu, khám phá bản chất của tình yêu . Ông luôn băn khoăn, tự hỏi: "Tình yêu bắt đầu từ đâu". Và trong Bài thơ số 16, nhà thơ đã khẳng định: Tình yêu bắt đầu từ đôi mắt. "Tay nắm chặt tay, mắt dừng lâu trong mắt/Câu chuyện của lòng ta bắt đầu như vậy đó/ Ấy là đêm tháng ba trăng tỏ/ Hương Kena dịu dàng tỏa khắp không trung". Cũng chính vì có quan niệm tình yêu bắt đầu từ "đôi mắt", nên nhà thơ đã dùng "đôi mắt" để phân tích tâm linh, để miêu tả thế giới nội tâm của con người.)
  • Đôi mắt: Băn khoăn, buồn, muốn nhìn sâu vào tâm tưởng của anh. => Đôi mắt rụt rè, chất chứa suy tư khao khát khám phá thế giới tâm hồn bí ẩn của người yêu. Đó là tâm trạng chung của những người đang yêu.
  • Hình ảnh so sánh tượng trưng:
    • Mắt em – trăng: Thế giới nội tâm phong phú, trong sáng.
    • Tâm tưởng của anh – biển cả: Thế giới bí ẩn, bao la.
    • => Trăng và biển là biểu tượng thiên nhiên sóng đôi, thể hiện khát khao hòa chung tâm tưởng của đôi tình nhân được đẩy lên đỉnh điểm. Hình ảnh so sánh trong sáng, diễm lệ, tiêu biểu cho quan niệm về con người của Tago và Ấn Độ
  • Hành động của chàng trai:
    • Chàng trai: Cuộc đời trần trụi dưới mắt em, không giấu một điều gì, (bare, nothing hidden, nothing held back). Khẳng định ước muốn tha thiết muốn hòa hợp.
    • Nghịch lý: Cô gái lại "không biết gì tất cả về anh".
    • => Cả hai cùng nỗ lực vươn tới nhau nhưng hiểu biết viên mãn về nhau có thể vẫn bất khả. Ta rút ra được triết lý tình yêu: Tình yêu luôn là sự khao khát hòa nhập và khám phá tâm hồn nhau bởi tình yêu luôn là một bí ẩn.

b. Khát vọng dâng hiến trong tình yêu

  • Cấu trúc giả định: Nếu A chỉ là B.
  • Hai câu thơ đầu khổ 2:
    • Đời anh chỉ là viên ngọc.
    • Đời anh chỉ là đóa hoa.
    • => Hiện thực hóa cuộc đời (trừu tượng) thành những sự vật cụ thể, tượng trưng cho sự quý giá (ngọc) và thanh cao (hoa). Cuộc đời của thi nhân ngầm chứa sự quý giá và thanh cao ấy.
  • Sự hi sinh của chàng trai:
    • Nếu cuộc đời là viên ngọc: Nguyện "đập vỡ", "xâu thành chuỗi quàng vào cổ em".
    • Nếu cuộc đời là đóa hoa: "hái nó đặt lên mái tóc em".
    • => Kết hợp với những động từ mạnh: "đập" (break), "hái" (pluck) nhằm nhấn mạnh khát vọng tận hiến nồng nhiệt của chàng trai.
  • Sự phủ định: Nhưng A (không là B) lại là C (đời anh không là ngọc, là hoa mà là trái tim không biên giới)
  • Cách ví von tình tứ: Em là nữ hoàng của vương quốc đó => Tiếng nói của anh chàng si tình, nguyên dâng hiến trái tim vô biên cho người mình yêu.
  • => Nghịch lý: Xuất phát từ mong muốn tìm hiểu cuộc đời người mình yêu của cô gái, chàng trai đã không ngần ngại phơi bày cho cô thấy; nhưng càng muốn phơi bày bao nhiêu thì cô gái lại càng như rơi vào mê trận vô biên của trái tim và tình yêu. Càng tìm hiểu, tình yêu càng mông lung, khó nắm bắt.

c. Sự vô cùng của cuộc đời – trái tim – tình yêu

  • Lặp lại cấu trúc giả định sóng đôi nhau:
    • Trái tim (cụ thể) – phút giây lạc thú (trừu tượng) – nở ra thành nụ cười nhẹ nhõm.
    • Trái tim (cụ thể) – khổ đau (trừu tượng) – tan thành lệ trong, phản chiếu nỗi niềm u ẩn.
    • => Hai trạng thái tâm lý trái ngược nhau: Niềm vui và nỗi buồn, từ đó thể hiện khát khao phơi trải cho người mình yêu thấu suốt trái tim được dề dàng hơn.
  • Cấu trúc phủ định: Nhưng A không là B mà lại là C. => Lặp cấu trúc phủ định kết hợp sử dụng tính từ trái nghĩa vui sướng – khổ đau, đòi hỏi (mong muốn) – giàu sang (sở hữu) cùng với tính từ chỉ sự vô hạn về không gian thời gian (vô biên, trường cửu). Nhằm tô đậm đặc điểm của trái tim tình yêu: Trái tim tình yêu không hề đơn giản, nó là sự tổng hòa của những tâm trạng phức tạp, thậm chí là đối nghịch nhau. Tất cả những điều đó đều tồn tại không phải chỉ trong phút giây chốc lát mà là mãi mãi.
  • Nhà thơ đúc kết triết lý về tình yêu ở hai câu thơ cuối:
    • Đoạn 1: Xuất phát từ đôi mắt băn khoăn buồn của cô gái, chàng trai đã phơi bày toàn bộ cuộc đời mình trước mắt cô => Mối quan hệ: Cô gái – cuộc đời chàng trai là hai khách thể cùng tồn tại.
    • Đoạn 2: Cô gái – nữ hoàng của vương quốc trái tim chàng trai => Mối quan hệ: Sở hữu.
    • Đoạn 3: Trái tim anh ở gần em như chính đời em vậy => Mối quan hệ: Gần như đồng nhất.
  • Thế nhưng ở cả ba khổ nhà thơ đều kết luận: Dù thế nào cô gái cũng không hề biết trọn, biết hết về cuộc đời – trái tim – tình yêu của chàng trai. => Đúc kết triết lý mối quan hệ cuộc đời – trái tim – tình yêu
  • Logic lý trí trong thơ: Cuộc đời khai sinh ra tình yêu nhưng chính tình yêu mới làm cuộc đời thăng hoa, mới biến điều hữu hạn thành vô hạn, biến điều bình dị hóa phi thường.

1.3. Tổng kết

1. Nội dung

Bài thơ số 28 đòi hỏi con người hướng về một tình yêu hòa hợp về mặt tâm hồn. Tình yêu không bao giờ có giới hạn. Muốn có hạnh phúc trong tình yêu, muốn có tình yêu trọn vẹn chỉ có một cách là luôn khám phá cái bí ẩn, cái sâu xa của tình yêu.

2. Nghệ thuật

  • Tago đã vận dụng bút pháp hướng nội, thực hiện lối cấu trúc theo tầng bậc: từ thấp lên cao hoặc ngược lại từ ngoài vào trong.
  • Nghệ thuật miêu tả thế giới nội tâm: Dùng hình ảnh "đôi mắt"
  • Thủ pháp so sánh, tượng trưng, ẩn dụ.
  • Chất suy tư triết lý: Các từ được lặp đi lặp lại: "if" (nếu), "only"(chỉ), "but"(nhưng) giả định rồi khẳng định, nhiều câu tưởng như nghịch lý mà lại rất có lý (câu 3, 4, 5 hoặc 2 câu cuối).
  • Giọng điệu vừa bóng bẩy, trữ tình nhưng đồng thời cũng đầy chất triết.

2. Soạn bài Bài thơ số 28 mẫu 2

2.1. Hướng dẫn

Câu 1 (trang 62 SGK Ngữ văn 11 tập 2)

- Hình tượng so sánh trong câu mở đầu:

Đôi mắt băn khoăn của em buồn

Đôi mắt em như muốn nhìn vào tâm tưởng của anh

Như trăng kia muốn vào sâu biển cả

=> Thể hiện khao khát muốn thấu hiểu, muốn khám phá, muốn hòa hợp về tâm hồn trong tình yêu.

Câu 2 (trang 62 SGK Ngữ văn 12 tập 2)

- Lối cấu trúc đưa ra giả định (nếu A là B) rồi phủ định (nhưng A lại là C) để đi đến kết luận được sử dụng trùng điệp:

+ Nhằm phản ánh quy luật và bản chất phức tạp, bí ẩn, vô cùng của tình yêu.

+ Chỉ ra những cặp phạm trù đối lập, mâu thuẫn tồn tại vĩnh cửu trong tình yêu khiến tình yêu vừa hấp dẫn, vừa sâu sắc vô cùng.

- Sự tương đồng và khác biệt giữa các biểu tượng:

+ Viên ngọc, đóa hoa - trái tim: đều quý giá, thanh cao, tươi đẹp nhưng nếu viên ngọc, đóa hoa giản đơn, bé nhỏ, hạn hẹp, dễ nhận biết, dễ đong đếm thì trái tim lại phong phú, phức tạp, vô cùng vô tận, “nào ai biết chiều sâu và bến bờ của nó”

=> Mâu thuẫn trong tình yêu: anh đã dành trọn trái tim và nguyện dâng hiến cuộc đời cho em, em đã là “nữ hoàng” sở hữu trái tim anh nhưng em không bao giờ khám phá được hết xứ sở ấy.

+ Lạc thú, khổ đau – tình yêu: Lạc thú, khổ đau chỉ là một trong vô vàn những cung bậc dễ thấy trong tình yêu

=> Mâu thuẫn trong tình yêu: tình yêu luôn chứa đựng nhiều cung bậc phong phú, nhiều khi đối lập nhau và em khó lòng có thể tìm thấy giới hạn hay đong đếm được nó.

=> Từ những tương đồng, khác biệt của các biểu tượng trên, Ta-go muốn đưa ra triết lí về cuộc đời và trái tim:

- Cuộc đời và trái tim đều không có bến bờ, vô cùng phức tạp, phong phú, bí ẩn và cùng lúc chứa đựng nhiều mâu thuẫn mà con người khó có thể thấu suốt, lí giải hay chiếm lĩnh. Điều đó càng khiến con người bị hấp dẫn và khao khát kiếm tìm.

- Điều quý giá nhất của cuộc đời là trái tim, điều quý giá nhất trong trái tim là tình yêu. Tình yêu là sự dâng hiến và mãi mãi kiếm tìm.

Câu 3 (trang 62 SGK Ngữ văn 11 tập 2)

Những câu nói nghịch lí trong bài thơ:

- Anh không giấu em một điều gì

Chính vì thế mà em không biết gì tất cả về anh

- Em là nữ hoàng của vương quốc đó

Ấy thế mà em có biết gì biên giới của nó đâu

- Trái tim anh cũng ở gần em như chính đời em vậy

Nhưng chẳng bao giờ em biết trọn nó đâu

=> Nhấn mạnh những mâu thuẫn nghịch lí tồn tại trong tình yêu, đó là thuộc tính bí ẩn của tình yêu. Chính thuộc tính ấy khiến con người luôn say mê kiếm tìm và khao khát khám phá, chiếm lĩnh.

2.2. Bố cục

Bố cục: 3 phần

- Phần 1 (từ đầu đến “biết gì tất cả về anh“): Tình yêu là sự hiểu biết trong tâm hồn

- Phần 2 (tiếp đến "biên giới của nó đâu“): Tình yêu là sự hiến dâng và đón nhận

- Phần 3 (còn lại): Những nghịch lí diễn tả sự đa dạng của tình yêu

2.3. Nội dung chính

Bài thơ số 28 hướng về một tình yêu trường cửu, vô biên. Tình yêu không bao giờ có giới hạn. Muốn có hạnh phúc trong tình yêu, muốn có một tình yêu trọn vẹn thì con người phải biết khám phá, hòa hợp và tin yêu.

Trên đây VnDoc.com vừa giới thiệu tới các bạn Soạn bài Bài thơ số 28, mong rằng qua bài viết này các bạn có thể học tập tốt hơn môn Ngữ văn lớp 11. Mời các bạn cùng tham khảo thêm các môn Toán 11, tiếng Anh 11, đề thi học kì 1 lớp 11, đề thi học kì 2 lớp 11...

Mời bạn đọc cùng tham gia nhóm Tài liệu học tập lớp 11 để có thêm tài liệu học tập nhé

Đánh giá bài viết
1 1.402
Sắp xếp theo

    Soạn bài lớp 11

    Xem thêm