Giải bài tập Ngữ văn lớp 11: Câu cá mùa thu
Giải bài tập Ngữ văn lớp 11
Tài liệu: Giải bài tập Ngữ văn lớp 11: Câu cá mùa thu đã được VnDoc.com tổng hợp và đăng tải để phục vụ các bạn học sinh học hiệu quả hơn môn Ngữ văn, với những gợi ý hay để giúp các bạn học sinh trả lời câu hỏi bài tập chính xác nhất. VnDoc.com mời các bạn học sinh và thầy cô tham khảo.
Giải bài tập Ngữ văn lớp 11: Khóc Dương Khuê
Giải bài tập Ngữ văn lớp 11: Thương vợ
Giải bài tập Ngữ văn lớp 11: Thao tác lập luận phân tích
Giải bài tập Ngữ văn lớp 11: Phân tích đề, lập dàn ý bài văn nghị luận
Lời giải hay bài tập Ngữ văn lớp 11: Câu cá mùa thu
1. Điểm nhìn cảnh thu của tác giả có gì đặc sắc? Từ điểm nhìn ấy, nhà thơ đã bao quát cảnh thu như thế nào?
Gợi ý trả lời
Điểm nhìn cảnh mùa thu trong bài Thu điếu của tác giả có những điểm đặc sắc. Nếu ở Vịnh mùa thu, cảnh thu được đón nhận từ cao xa tới gần rồi từ gần đến cao xa thì ở Câu cá mùa thu, cảnh thu được đón nhận từ gần đến cao xa rồi từ cao xa trở lại gần: từ chiếc thuyền câu nhìn ra mặt ao, nhìn lên bầu trời, nhìn tới ngõ trúc rồi lại trở về với ao thu, với thuyền câu. Từ một khung ao hẹp, không gian mùa thu, cảnh sắc mùa thu mở ra nhiều hướng thật sinh động.
2. Những từ ngữ, hình ảnh nào gợi lên được nét riêng của cảnh sắc mùa thu? Hãy cho biết đó là cảnh thu ở miền quê nào.
Gợi ý trả lời
Những từ ngữ, hình ảnh được tác giả gợi lên một nét riêng của ảnh sắc mùa thu. Đây là cảnh thu ở đồng bằng Bắc Bộ, ở vùng chiêm trũng Bình Lục - Hà Nam. Bài thơ vừa mang nét riêng của quê hương nhà thơ, lại rất điển hình cho cảnh thu của làng cảnh Viêt Nam.
+ Cảnh trong Câu cá mùa thu là “điển hình hơn cả cho mùa thu của làng cảnh Việt Nam” (Xuân Diệu). Không khí mùa thu được gợi lên từ sự dịu nhẹ, nguyên sơ của cảnh vật (màu sắc: nước trong veo, sóng biếc, trời xanh ngắt; đường nét, chuyển động: sóng “hơi gợn tí”, lá vàng “khẽ đưa vèo”, tầng mây “lơ lửng”; hoà sắc tạo hình: “Cái thú vị của bài Thu điếu ở các điệu xanh: xanh ao, xanh bờ, xanh sóng, xanh tre, xanh trời, xanh bèo, có một màu vàng đâm ngang của chiếc lá thu rơi”; ao thu nhỏ, chiếc thuyền câu theo đó cũng bé tẻo teo và dáng người cũng như thu lại). Nét riêng của làng quê Bắc Bộ, cái hồn dân dã được gợi lên từ khung ao hẹp, từ cánh bèo, từ ngõ trúc quanh co.
+ Cảnh trong Câu cá mùa thu là cảnh đẹp nhưng tĩnh lặng và đượm buồn. Không gian trong Câu cá mùa thu là một không gian tĩnh, vắng người, vắng tiếng: “Ngõ trúc quanh co khách vắng teo”. Các chuyển động rất nhẹ, rất khẽ không đủ tạo âm thanh: sóng hơi gợn, mây lơ lửng, lá khẽ đưa. Tiếng cá đớp mồi càng làm tăng sự yên ắng, tĩnh mịch của cảnh vật. Về câu thơ cuối này, có hai cách hiểu: “đâu có cá” (từ đâu mang tính chất phủ định), hoặc hiểu là “cá đớp mồi đâu đó” (từ đâu mang tính chất khẳng định). Có lẽ nên hiểu theo cách thứ hai để thấy được nghệ thuật lấy động nói tĩnh - một thủ pháp quen thuộc của thơ cổ phương Đông. Cái tĩnh bao trùm lại được gợi lên từ cái động rất nhỏ là tiếng cá đớp mồi.
3. Anh (chị) có nhận xét gì về không gian trong Câu cá mùa thu qua các chuyển động, màu sắc, hình ảnh, âm thanh? Không gian trong Câu cá mùa thu góp phần diễn tả tâm trạng như thế nào?
Gợi ý trả lời
Cảnh thu trong Thu điếu là cảnh đẹp nhưng tĩnh lặng và đượm buồn. Đó là một không gian tĩnh, vắng người, vắng tiếng: “Ngõ trúc quanh co khách vắng teo”. Bảy câu thơ đầu dường như không có tiếng động, các chuyển động ở đây đều rất nhẹ, rất khẽ, không đủ tạo âm thanh: sóng chỉ hơi gợn, mây lơ lửng, lá khẽ đưa. Đến câu thơ cuối cùng mới có tiếng động khẽ:
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.
Cái tiếng động duy nhất ấy - tiếng cá đớp mồi - chỉ càng làm tăng thêm sự yên ắng, tĩnh mịch của cảnh vật. Cái tĩnh bao trùm được gợi lên từ một cái “động” rất nhỏ. Đây là nghệ thuật lấy động để nói tĩnh, một thủ pháp quen thuộc của thơ cổ phương Đông. Chỉ có điều nhà thơ đã vận động nó một cách thật tự nhiên bằng một hình ảnh quen thuộc ở làng quê mang đậm sắc thái dân gian - dân tộc.
Qua cảnh thu ta thấy tình thu của thi nhân, bức tranh tâm trạng của con người được bộc lộ kín đáo mà sâu sắc qua bức tranh thiên nhiên. Qua những hình ảnh quen thuộc nhà thơ đã đem đến cho người đọc những vẻ đẹp dân dã thật đáng quý mà có khi ta không để ý đến. Không có một tâm hồn thanh cao và một một tình yêu quê hương tha thiết thì không thể viết nên bài thơ hay về một cái ao làng như thế. Nguyễn Khuyến có một tâm hồn gắn bó tha thiết với thiên nhiên đất nước, một tấm lòng yêu nước thầm kín nhưng không kém phần sâu sắc.
4. Cách gieo vần trong bài thơ có gì đặc biệt? Cách gieo vần ấy gợi cho ta cảnh giác gì về cảnh thu và tình thu?
Gợi ý trả lời
Bài thơ được gieo vần “eo” là một tử vận, rất khó làm, nhưng dưới ngòi bút tài hoa của nghệ sĩ, nó được hiện lên trong những chữ thơ thật có hồn: trong veo, tèo teo, đưa vèo, vắng teo, chân bèo. Điều là những từ thuần Việt, có giá trị gợi hình, gợi cảm cao. Vần “eo” còn góp phần diễn tả một không gian thu nhỏ, khép kín, phù hợp với tâm trạng đầy uẩn khúc cá nhân. Vần “eo” cũng tạo nên nét riêng độc đáo của bài thơ thu này.
5. Qua Câu cá mùa thu, anh (chị) có cảm nhận như thế nào về tấm lòng của nhà thơ Nguyễn Khuyến đối với thiên nhiên, đất nước? Gợi ý trả lời Qua bài Câu cá mùa thu ta thấy được vẻ đẹp điển hình cho mùa thu làng cảnh Việt Nam. Cảnh đẹp nhưng phảng phất buồn, vừa phản ánh tình yêu thiên nhiên đất nước, vừa cho thấy tâm sự thời thế của tác giả. Ngôn ngữ trong Câu cá mùa thu giản dị, trong sáng đến kì lạ, có khả năng diễn đạt những biểu hiện rất tinh tế của sự vật, những uẩn khúc thầm kín rất khó giãi bày của tâm trạng. Trong tác phẩm, vần eo góp phần diễn tả một không gian vắng lặng, thu nhỏ dần, phù hợp với tâm trạng đầy uẩn khúc cá nhân.
-----------------------------------
Trên đây VnDoc.com đã giới thiệu tới các bạn học sinh tài liệu: Giải bài tập Ngữ văn lớp 11: Câu cá mùa thu, để giúp các bạn học tốt Ngữ văn 11. Cùng chủ đề này, VnDoc.com mời các bạn tham khảo bài soạn văn mẫu bài Câu cá mùa thu và bài văn mẫu phân tích bài Câu cá mùa thu mà VnDoc.com đã sưu tầm, tổng hợp.