Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Giải bài tập Ngữ văn lớp 11: Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc

Giải bài tập Ngữ văn lớp 11

Để học tốt Ngữ văn lớp 11, VnDoc.com mời các bạn học sinh tham khảo tài liệu: Giải bài tập Ngữ văn lớp 11: Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, với nội dung đã được VnDoc.com cập nhật một cách chi tiết sẽ giúp các bạn học sinh có kết quả cao hơn trong học tập. Mời thầy cô cùng các bạn học sinh tham khảo.

Lời giải hay bài tập Ngữ văn lớp 11: Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc

I. PHẦN MỘT: TÁC GIẢ

1. Nêu những nét chính về cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu. Anh (chị) cảm nhận sâu sắc điều gì qua cuộc đời nhà thơ?

Gợi ý trả lời

Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 1888) tự là Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ, Hối Trai, tục gọi là Đồ Chiểu, sinh tại quê mẹ - làng Tân Thới, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định (nay là Thành phố Hồ Chí Minh), xuất thân trong gia đình nhà nho, cha là Nguyễn Đình Huy quê ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ông là lá cờ đầu của văn thơ yêu nước chống thực dân Pháp khi chúng mới bắt đầu xâm lược nước ta. Văn thơ ông hừng hực tinh thần yêu nước và khí thế chiến đấu chống Pháp và bè lũ tay sai, có ảnh hưởng sâu rộng trong nhân dân.

Tác phẩm chính: Dương Từ Hà Mậu, Lục Vân Tiên, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Ngư tiều vấn đáp y thuật, ... Cuộc đời của Nguyễn Đình Chiểu là một trấm gương trong sáng, cao đẹp về nhân cách, nghị lực và ý chí, về lòng yêu nước, thương dân và thái độ kiên trung, bất khuất trước kẻ thù. Thơ văn ông là một bài ca đạo đức, nhân nghĩa, là tiếng nói yêu nước cất lên từ cuộc chiến đấu chống quân xâm lược, là thành tựu nghệ thuật xuất sắc mang đậm sắc thái Nam Bộ.

2. Tìm hiểu giá trị thơ văn Nguyễn Đình Chiểu:

- Dựa vào những đoạn trích đã học về Truyện Lục Vân Tiên (ở lớp 9 và lớp 11), hãy cho biết lí tưởng đạo đức của Nguyễn Đình Chiểu được xây dựng chủ yếu trên cơ sở tình cảm nào.

- Nội dung trữ tình yêu nước trong thơ văn Nguyễn Đình Chiểu? Tác động tích cực của những sáng tác thơ văn ấy đối với cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp đương thời ?

- Theo anh (chị), sắc thái Nam Bộ độc đáo của thơ văn Nguyễn Đình Chiểu biểu hiện ở những điểm nào? Gợi ý trả lời

- Lí tưởng đạo đức, nhân nghĩa: Nguyễn Đình Chiểu là một nhà nho, cho nên lí tưởng đạo đức, nhân nghĩa của ông không thể không mang tinh thần Nho giáo. Nhưng ông cũng là một trí thức nhân dân, suốt đời sống ở nơi thôn xóm, giữa những người “dân ấp, dân lân” tâm hồn thuần hậu, chất phác. Họ cũng có cách hiểu dân dã của mình về nhân nghĩa: nhân là tình thương yêu con người, sẵn sàng cưu mang con người trong cơn hoạn nạn, nghĩa là những quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người trong xã hội, tình cha con, nghĩa vợ chồng, tình bạn bè, tinh thần hiệp nghĩa sẵng sàng cứu khốn phò nguy. Nguyễn Đình Chiểu thấm nhuần sâu sắc điều đó. Những nhân vật lí tưởng trong Truyện Lục Vân Tiên hầu hết là những người sinh trưởng nơi thôn ấp nghèo khó (những chàng nho sinh hàn vi như Vân Tiên, Tử Trực, Hớn Minh, những ông Ngư, ong Tiều, ông Quán, chú Tiểu đồng, lão bà dệt vải.”), tâm hồn ngay thẳng, không màng danh, không tham phú quý, sẵn sàng ra tay cứu giúp người bị nạn.

- Lòng yêu nước thương dân: Nguyễn Đình Chiểu sáng tác thơ văn yêu nước ở thời kì đầu chống thực dân Pháp của nhân dân ta. Đây là thời kì lịch sử mà cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đã gọi là “ khổ nhục nhưng vĩ đại” của dân tộc ta. Đất nước mất dần vào tay giặc, các phong trào chống Pháp lần lượt thất bại, người yêu nước thế hệ này nối tiếp thế hệ khác đã ngã xuống nơi chiến trường. Nhưng “súng giặc đất rền, lòng dân trời tỏ”: thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu làm sáng rõ chân lí đó. Ông khóc than cho Tổ quốc gặp buổi thương đau: “Khóc là khóc nước nhà cơn bấn loạn, hôm mai vắng chúa, thua buồn nhiều nỗi khúc nhôi, than là than bờ cõi lúc qua phân, ngày tháng trông vua, ngơ ngẩn một phường trẻ dại” (Văn tế Trương Định). Ông căm uất chửi thẳng vào mắt kẻ thù: “Tấc đất ngọn rau ơn chúa, tài bồi cho nước nhà ta, bát cơm manh áo ở đời, mắc mớ chi ông cha nó” (Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc). Ông hết lòng ca ngợi những sĩ phu như Trương Định, Phan Tòng đã một lòng vì nước, vì dân: “Viên đạn nghịch thần treo trước mặt - Lưỡi gươm định khái nắm trong tay” (Thơ điếu Phan Tòng). Ông dựng bức tượng đài bất tử về những người dân ấp dân lân: “Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc, linh hồn theo giúp cơ binh” (Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc). Ngay cả lúc bờ cõi đã chia đất khác, Nguyễn Đình Chiểu vẫn nuôi giữ niềm tin vào ngày mai: “Một trận mưa nhuần rửa núi sông” (Xúc cảnh), vẫn kiên trì một thái độ bất khuất trước kẻ thù: “Sự đời thà khuất đôi tròng thị - Lòng đạo xin tròn một tấm gương” (Ngư Tiều y thuật vấn đáp). Với nội dung đó có thể nói thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu đã đáp ứng xuất sắc những yêu cầu của cuộc sống và chiến đấu đương thời, có tác dụng động viên, khích lệ không nhỏ tinh thần và ý chí cứu nước của nhân dân.

- Sắc thái độc đáo của Nam Bộ độc đáo trong thơ văn Nguyễn Đình Chiểu. Các nhân vật như Vân Tiên, ông Ngư, Hớn Minh... họ đều mộc mạc, chất phác nhưng nặng nghĩa, nặng tình. Họ sống vô tư, phóng khoáng, ít bị ràng buộc bởi những phép tắc, lễ nghi và sẵng sàng xả thân vì nghĩa. Họ nóng nảy, bộc trực nhưng lại rất đằm thắm, ân tình. Đó là những nét riêng trong vẻ đẹp của người Viêt Nam.

3*. Với những kiến thức đã học về Nguyễn Trãi và Nguyễn Đình Chiểu, anh (chị) cảm nhận được điều gì gần gũi về tư tưởng nhân nghĩa giữa hai nhà thơ này ? Hãy trình bày ý kiến của mình.

Gợi ý trả lời

Nguyễn Trãi nhân nghĩa đã hướng tới người dân. Ông kêu gọi người cầm quyền nhân nghĩa với dân, thời chiến thì lấy nhân nghĩa để thắng quân giặc bạo ngược, thời bình thì đưa nhân nghĩa vào chính sự, xây dựng nền chính trị nhân chính, khoan thư sức dân. Đến Nguyễn Đình Chiểu, ông đặc biệt đề cao chữ nghĩa, biểu dương những truyền thống đạo đức tốt đẹp giữa con người với con người, quan tâm sâu sắc đến quyền lợi và nguyện vọng của nhân dân, đặc biệt là cư dân vùng đất mới Nam Kì, vốn rất xem trọng mối liên hệ gắn kết giữa con người với con người trên cơ sở chữ nghĩa truyền thống.

LUYỆN TẬP

Căn cứ vào những kiến thức đã học về Nguyễn Đình Chiểu và các tác phẩm của ông, anh (chị) suy nghĩ như thế nào về nhận định của nhà thơ Xuân Diệu: "Cái ưu ái đối với người lao động, sự kính mến họ là một đặc điểm của tâm hồn Đồ Chiểu”?

Gợi ý trả lời

Có thể giải bài tập theo những gợi ý sau:

a) Giải thích câu nói của nhà thơ Xuân Diệu. (Chú ý làm rõ “cái ưu ái”, “sự kính mến” đối với người lao động).

b) Chứng minh nhận định đó qua cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu và những tác phẩm đã học (Truyện Lục Vân Tiên, Chạy giặc, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc):

- Những yếu tố nào trong cuộc đời đã góp phần hình thành nét đẹp tâm hồn đó ở Nguyễn Đình Chiểu?

- Nhân vật người lao động đã chiếm lĩnh tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu như thế nào? (Họ là những ai trong Truyện Lục Vân Tiên và thơ văn yêu nước? Nguyễn Đình Chiểu đã đề cao những phẩm chất nhân cách gì của họ? Họ đã có những đóng góp tích cực cho cuộc đời như thế nào?)

- Lập trường nhân dân, tấm lòng yêu thương, cảm thông, chăm lo đến quyền lợi nhân dân đã chi phối nguồn cảm xúc của Nguyễn Đình Chiểu như thế nào? (Chú ý phân tích Lẽ ghét thương, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc).

- Cái nhìn mới mẻ của Nguyễn Đình Chiểu về người nông dân - nghĩa sĩ biểu hiện qua bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc?

c) Kết luận: Đánh giá chung về sức sống lâu bền của thơ văn Nguyễn Đình Chiểu

2. PHẦN HAI: TÁC PHẨM

1. Đọc Tiểu dẫn, nắm những nét cơ bản về thể văn tế. Tìm bố cục của bài văn tế này.

Gợi ý trả lời

Vận dụng những hiểu biết về thể văn tế đã nói ở trên để tìm bố cục của bài này và ý nghĩa từng đoạn.

Đoạn 1 - Lung khởi (câu l, 2): khái quát bối cảnh bão táp của thời đại và khẳng định ý nghĩa cái chết bất tử của người nông dân - nghĩa sĩ.

Đoạn 2 - Thích thực (từ câu 3 đến câu 15): tái hiện chân thực hình ảnh người nông dân - nghĩa sĩ, từ cuộc đời lao động vất vả, tủi cực đến giây phút vươn mình trở thành dũng sĩ, đánh giặc và lập chiến công.

Đoạn 3 - Ai vãn (từ câu 16 đến câu 28): bày tỏ lòng tiếc thương, sự cảm phục của tác giả và của nhân dân đối với người nghĩa sĩ.

Đoạn 4 - Kết (hai câu cuối): ca ngợi linh hồn bất tử của các nghĩa sĩ.

2. Hình ảnh người nông dân nghĩa sĩ được tái hiện trong bài văn tế như thế nào ? (Chú ý phân tích qua cả quá trình: hình ảnh họ trong cuộc sống bình thường, những biến chuyển khi quân giặc xâm phạm tấc đất ngọn rau, bát cơm manh áo vẻ đẹp hào hùng của đội quân áo vải trong trận nghĩa đánh Tây).

Theo anh (chị), đoạn văn miêu tả này đạt giá trị nghệ thuật cao ở những điểm nào (về nghệ thuật xây dựng nhân vật, nghệ thuật ngôn ngữ, bút pháp trữ tình,...)?

Gợi ý trả lời

Đoạn 1

Có hai ý lớn: khung cảnh bão táp của thời đại, phản ánh biến cố chính trị lớn lao chi phối toàn bộ thời cuộc là sự đụng độ giữa thế lực xâm lăng tàn bạo của thực dân Pháp và ý chí kiên cường bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta (chú ý những từ chỉ các yếu tố không gian to lớn như đất, tròn và những động từ gợi sự khuếch tán âm thanh và ánh sáng như rền, tỏ); ý nghĩa bất tử của cái chết vì nghĩa lớn. Tất cả hợp thành một bệ đỡ hoành tráng cho bức tượng đài sẽ được dựng ở đoạn sau thành một chỉnh thể có tầm vóc to lớn, bài văn tế trở nên đậm chất sử thi.

Đoạn 2

+ Tái hiện hình ảnh người nông dân trước “trận nghĩa đánh Tây”. Các em đọc để tìm hiểu và phân tích các chi tiết diễn tả cái nhìn chân thực và chan chứa niềm cảm thông đối với cuộc đời lam lũ, tủi cực của người nông dân (câu 3, chú ý từ ngữ gợi cảm cui cút) và dụng ý nghệ thuật của tác giả khi nhấn mạnh vào đặc điểm họ hoàn toàn xa lạ với công việc binh đao (câu 4, 5), nhằm tạo sự đối lập để tôn cao tầm vóc người anh hùng ở đoạn sau.

+ Bước chuyển biến khi quân giặc xâm phạm đất đai, bờ cõi của cha ông: Các em đọc tiếp từ câu 6 đến câu 9, tìm những chi tiết miêu tả lần lượt những bước chuyển biến về tình cảm - lòng căm thù giặc (câu 6, 7), về nhận thức - ý thức trách nhiệm đối với sự nghiệp cứu nước (câu 8, chú ý giải thích nghĩa câu, cuối cùng là hành động tự nguyện “mến nghĩa làm quân chiêu mộ” và ý chí quyết tâm tiêu diệt giặc của người nông dân - nghĩa sĩ (câu 9, lưu ý những cụm từ có sắc thái biểu cảm mạnh: nào đợi, chẳng thèm, ra sức đoạn kình, ra tay bộ hổ). Những bước chuyển biến được miêu tả chân thực, sinh động, hợp lí, gần gũi với cách suy nghĩ và lời ăn tiếng nói của người nông dân. (Ví dụ: “Trông tin quan như trời hạn trông mưa,... ghét thói mọi như nhà nông ghét cỏ”).

+ Vẻ đẹp hào hùng của đội quân áo vải trong “trận nghĩa đánh Tây” (từ câu 10 đến câu 15). Có hai ý các em cần khai thác:

* Hình ảnh của đội quân áo vải được khắc hoạ hoàn toàn bằng bút pháp hiện thực, không theo tính ước lệ của văn thơ trung đại, không bị chi phối bởi kiểu sáng tác lí tưởng hoá (các em dẫn chứng từ các câu 10, 11, 12). Đáng chú ý là những chi tiết chân thực đều được chọn lọc tinh tế, nên đậm đặc chất sống, mang tính khái quát, đặc trưng cao (ví dụ: manh áo vải, ngọn tầm bông, rơm con cúi, lưỡi dao phay gắn bó đến không thể tách rời trong cuộc sống những người nông dân thuở ấy). Do thế, bức tượng đài ánh lên một vẻ đẹp mộc mạc, giản dị mà không kém “chất” anh hùng bởi tấm lòng mến nghĩa, bởi tư thế hiên ngang, coi thường mọi khó khăn, thiếu thốn: nào đợi tập rèn, không chờ bày bố, nào đợi mang..., chi nài sắm... (Có thể so sánh với vẻ phi thường của người anh hùng Từ Hải trong Truyện Kiều: “Râu hùm, hàm én, mày ngài - Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao” và hình ảnh rạng ngời oai phong của Lục Vân Tiên khi cầm quân đánh giặc ngoại xâm: “Vân Tiên đầu đội kim khôi - Tay cầm siêu bạc, mình ngồi ngựa ô”).

* Hình tượng những người anh hùng được khắc nổi trên nền một trận công đồn đầy khí thế tiến công. Các em đọc lại những câu 13, 14, 15, tìm những chi tiết miêu tả trận đánh, nhận xét về những biện pháp nghệ thuật: Hệ thống từ ngữ: dùng rất nhiều từ chỉ hành động mạnh (đánh, đốt, chém, đạp, xô, hè, ó,...), dứt khoát (đốt xong, chém đặng, trối kệ), nhiều khẩu ngữ nông thôn và từ ngữ mang tính địa phương Nam Bộ (nhà dạy đạo, như chẳng có, thằng Tây, hè, ó, trối kệ,...). Phép đối: đối từ ngữ (trống kì / trống giục, lướt tới / xông Uào; đạn nhỏ / đạn to; đâm ngang / chém ngược; hè trước / ó sau,...); đối ý (ta: manh áo vải, ngọn tầm Uông/địch: đạn nhỏ, đạn to, tàu sắt, tàu đồng; vũ khí thô sơ; rơm con cúi, lưởi dao phay / chiến thắng lớn: đốt xong nhà dạy đạo, chém rớt đầu quan hai; đối thanh bằng - trắc (kia/ nọ, kì/giục, tới/Uào, nhỏ / to, ngang / ngược, trutóc / sau,...).

Hiệu quả nghệ thuật: tạo nhịp điệu đoạn văn nhanh, mạnh, dứt khoát, sôi nổi góp phần tái hiện một trận công đồn của nghĩa quân Cần Giuộc rất khẩn trương, quyết liệt, sôi động và đầy hào hứng.

Trên cái nền trận đánh đó là hình ảnh những người nông dân nghĩa sĩ coi giặc cũng như không, liều mình như chẳng có, trối kệ tàu sắt, tàu đồng súng nổ, nào sợ... đạn nhỏ đạn to... Khí thế của họ là khí thế đạp lên đầu thù xốc tới, không quản ngại bất kì sự gian khổ, hi sinh nào, rất tự tin và đầy ý chí quyết thắng. Hình ảnh đó oai phong, lẫm liệt như hình tượng các dũng sĩ trong những thiên anh hùng ca thuở xưa, nhưng lại gần gũi, sống động, tưởng như họ vừa “Rũ bùn đứng dậy sáng loà” (Nguyễn Đình Thi).

Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu là tiếng khóc bi tráng cho một thời kì lịch sử đau thương nhưng vĩ đại của dân tộc, là bức tượng đài bất tử về những người nông dân nghĩa sĩ Cần Giuộc đã dũng cảm chiến đấu hi sinh vì Tổ quốc. Bài văn cũng là một thành tựu xuất sắc về nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật, kết hợp nhuần nhuyễn chất trữ tình và tính hiện thực; ngôn ngữ bình dị, trong sáng, sinh động.

3. Tiếng khóc bi tráng của tác giả xuất phát từ nhiều nguồn cảm xúc. Theo anh (chị), đó là những cảm xúc gì? Vì sao tiếng khóc đau thương này lại không hề bi luỵ?

Gợi ý trả lời

Đoạn Ai vãn của bài văn tế. Ở đoạn này, các tình cảm đan cài vào nhau, nên chọn phương pháp khai thác theo hình tượng. Đây là đoạn văn bộc lộ trực tiếp tình cảm, cảm xúc của tác giả và của nhân dân đương thời đối với người nghĩa sĩ, cho nên tính trữ tình bao trùm, nhưng xen kẽ vào đó vẫn có những yếu tố hiện thực, có giá trị làm tăng độ sâu nặng của cảm xúc.

Trước hết, các em cần đọc và tìm hiểu những nguồn cảm xúc cộng hưởng trong tiếng khóc thương của tác giả, các em cần tìm và phân tích qua những chi tiết nghệ thuật của đoạn văn:

- Nỗi xót thương đối với người nghĩa sĩ: Ở đây có nỗi tiếc hận của người phải hi sinh khi sự nghiệp còn đang dang dở, chí nguyện chưa thành (câu 16, 24), nỗi xót xa của những gia đình mất người thân, tổn thất không thể bù đắp đối với những người mẹ già, vợ trẻ (câu 25), nỗi căm hờn những kẻ đã gây nên nghịch cảnh éo le (câu 21) hoà chung với tiếng khóc uất ức, nghẹn ngào trước tình cảnh đau thương của đất nước, của dân tộc (câu 27). Nhiều niềm cảm thương cộng lại thành nỗi đau sâu nặng (“Nước mắt anh hùng lau chẳng ráo”), không chỉ ở trong lòng người mà dường như còn bao trùm khắp cỏ cây, sông núi, sông Cần Giuộc, chợ Trường Bình, chùa Tông Thạnh, Bến Nghé, Đồng Nai, tất cả đều nhuốm màu tang tóc, bi thương.

- Niềm cảm phục và tự hào đối với những người dân thường đã dám đứng lên bảo vệ từng “tấc đất ngọn rau”, “bát cơm manh áo” của mình chống lại kẻ thù hung hãn (câu 19, 20), đã lấy cái chết để làm rạng ngời một chân lí cao đẹp của thời đại: thà chết vinh còn hơn sống nhục (câu 22, 23).

- Biểu dương công trạng của người nông dân - nghĩa sĩ, đời đời được nhân dân ngưỡng mộ, Tổ quốc ghi công (câu 26, 28). Sau khi đã phân tích qua cả đoạn văn, các em nên chốt lại:

Tiếng khóc không chỉ thể hiện tình cảm riêng tư mà tác giả đã thay mặt nhân dân cả nước khóc thương và biểu dương công trạng người nghĩa sĩ.

Tiếng khóc không chỉ hướng về cái chết mà còn hướng về cuộc sống đau thương, khổ nhục của cả dân tộc trước làn sóng xâm lăng của thực dân. Nó không chỉ gợi nỗi đau thương mà cao hơn nữa, còn khích lệ lòng căm thù giặc và ý chí tiếp nối sự nghiệp dang dở của những người nghĩa sĩ.

Các em có thể tìm hiểu thêm đoạn Ai vãn trong Văn tế nghĩa sĩ trận vong Lục tỉnh (của Nguyễn Đình Chiểu, ra đời khi cả Nam Kì đã mất vào tay giặc) để thấy tiếng khóc trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc tuy rất bi thiết, nhưng không đượm màu tang tóc, thê lương kéo dài như bài kia chính là nhờ nó còn bao hàm nhiều nguồn cảm xúc khác (đặc biệt là niềm cảm phục tự hào) và sự khẳng định của tác giả về ý nghĩa bất tử của cái chết vì nước, vì dân mà muôn đời con cháu tôn thờ (câu 26, 28,30).

Chi tiết không thể bỏ sót là khi viết Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, ngòi bút Nguyễn Đình Chiểu còn đang được tiếp sức bởi khí thế ngút trời của phong trào chống xâm lược những ngày đầu, khi nhân dân đang nhất tề nổi dậy khắp nơi.

4. Sức gợi cảm mạnh mẽ của bài văn tế chủ yếu là do những yếu tố nào ? Hãy phân tích một số câu tiêu biểu.

Gợi ý trả lời

Câu hỏi có tính chất tổng kết về mặt nghệ thuật:

- Những yếu tố làm nên sức gợi cảm mạnh mẽ của bài văn tế: cảm xúc chân thành, sâu nặng, mãnh liệt (câu 3, 25), giọng văn bi tráng, thống thiết (câu 22, 23, 24), hình ảnh sống động (câu 13, 14, 15).

- Nghệ thuật ngôn ngữ: giản dị, dân dã nhưng được chọn lọc tinh tế, có sức biểu cảm lớn và giá trị thẩm mĩ cao (cui cút; tấc đất ngọn rau, bát cơm manh áo; chia rượu lạt, gặm bánh mì, mẹ già ngồi khóc trẻ, vợ yếu chạy tìm chồng,...), nhiều biện pháp tu từ được sử dụng thành công (câu 14, 15).

- Giọng điệu thay đổi theo dòng cảm xúc: đoạn 2 sôi nổi, hào hứng như reo vui cùng chiến thắng của nghĩa quân, đoạn 3 chuyển sang trầm lắng, thống thiết, có lúc như nức nở, xót xa (câu 24, 25), có lúc như tiếng kêu thương ai oán (câu 27); đoạn 4 trang nghiêm như một lời khấn nguyện thiêng liêng.

LUYỆN TẬP

1. Đọc diễn cảm bài văn tế.

2. Nói về quan niệm sống của ông cha ta thời kì đầu kháng chiến chống Pháp, Giáo sư Trần Văn Giàu đã viết: "Cái sống được cha ông ta quan niệm là không thể tách rời với hai chữ nhục, vinh. Mà nhục hay vinh là sự đánh giá theo thái độ chính trị đối với cuộc xâm lược của Tây: đánh Tây là vinh, theo Tây là nhục. Anh (chị) hãy viết một đoạn văn phân tích những câu trong bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc thể hiện đầy đủ, sâu sắc triết lí nhân sinh đó.

Gợi ý trả lời

Bài tập này yêu cầu: Hiểu nhận định của Giáo sư Trần Văn Giàu, biết vận dụng để tìm và phân tích những câu văn hay, thể hiện đầy đủ triết lí nhân sinh đó trong bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc.

a) Giải thích nhận định của Giáo sư Trần Văn Giàu. (Lưu ý: bối cảnh lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp những năm cuối thế kỉ XIX; mối tương quan giữa sự sống - chết của cá nhân với lẽ nhục - vinh; quan niệm về lẽ nhục - vinh ở thời đại đó).

b) Tìm và phân tích những câu mà anh (chị) cho là hay và thể hiện đầy đủ, sâu sắc quan niệm sống đó.

------------------------------------

Trên đây, VnDoc.com đã giới thiệu tới các bạn học sinh tài liệu: Giải bài tập Ngữ văn lớp 11: Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, điển cố, để giúp các bạn học tốt hơn môn Ngữ văn 11. Cùng chủ đề này, VnDoc.com mời các bạn tham khảo bài soạn văn mẫu bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, điển cố mà VnDoc.com đã sưu tầm, tổng hợp.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Giải bài tập Ngữ văn 11

    Xem thêm