Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Giải thích và chứng minh "Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ"

Văn mẫu lớp 8: Giải thích và chứng minh "Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ" được VnDoc sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các em học sinh và phụ huynh tham khảo các bài Ngữ văn 8 nhằm củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

Giải thích câu "Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ" mẫu 1

Lao động là vốn quý nhất của con người. Nhờ có lao động mà con người ngày càng có cuộc sống sung túc, ấm no. Nhằm nói lên thái độ đối với lao động, ông cha ta có câu:

Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ.

Bằng lối nói ẩn dụ, người xưa dùng hai từ "bàn tay" để nói đến con người. "Tay làm hàm nhai" chỉ những người chăm chỉ làm việc, lao động thì sẽ có cái để ăn, được ấm no, đầy đủ. "Tay quai" là tay không làm việc, chỉ những người biếng nhác. "Tay quai miệng trễ tức những người lười biếng, không chịu làm việc thì sẽ chẳng có cái để ăn, sẽ đói khát, thiếu thốn.

Qua lối nói rất giàu hình ảnh, ông cha muốn nhắc nhở chúng ta rằng: muốn có cuộc sống ấm no, đầy đủ thì phải chăm làm việc, lao động, không quản ngày đêm, khó nhọc. Bằng không, nếu lười biếng, không chịu lao động sẽ khổ suốt đời, sẽ đói rách, túng thiếu. Câu tục ngữ trên là một chân lý cuộc sống. Ai muốn ăn no, mặc ấm thì phải lao động. Lao động không những tạo ra của cải vật chất cho con người mà lao động còn giúp con người thông minh, sáng tạo hơn. Nhờ có lao động mà xã hội ngày càng phát triển, con người ngày càng văn minh hiện đại. Lao động trước tiên là để nuôi sống bản thân, giúp đỡ cho gia đình. Tục ngữ có câu:

Có làm thì mới có ăn

Không dưng ai dễ đem phần tới cho.

Thói lười biếng, né tránh công việc không những làm con người nghèo đói, thiếu thốn mà còn tạo thêm gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Ông cha ta từ ngày xưa đã biết lao động cần cù, chăm chỉ để có miếng cơm, manh áo. Lao động đã giúp họ có cuộc sống ấm no, bền lâu. Dù trời nắng hay mưa, sớm tối, họ luôn lao động cật lực trên ruộng đồng. Đến mùa thu hoạch, họ hạnh phúc đón đợi thành quả lao động của mình:

Công lnh chẳng quản bao lâu

Ngày nay nước bạc, ngày sau cơm vàng.

Không chỉ người nông dân mới vất vả lao động, một nắng hai sương trên cánh đồng, mà bất kỳ ai hiểu được giá trị của lao động, sự cần thiết của lao động đối với cuộc sống đều hết mình làm việc. Từ những thợ thủ công cần mẫn, khéo léo tạo ra những sản phẩm đẹp mắt. Từ những kĩ sư chế tạo máy móc đến các bác sĩ, giáo sư, nhà khoa học…tất cả đều trong guồng làm việc hối hả để đóng góp vào sự phát triển chung của cộng đồng, xã hội.

Trong khi hàng triệu con người đang lao động cật lực, thì trong xã hội bao giờ cũng có những kẻ chây lười, biếng nhác. Họ có sức khỏe nhưng không chịu lao động, họ thích sống bám, sống dựa vào người khác. Họ là những kẻ thích "ngồi mát ăn bát vàng", sống hưởng thụ trên sức lao động của kẻ khác. Đây là những kẻ đáng bị lên án.

Câu tục ngữ trên là một nhận định đúng đắn về thái độ đối với lao động. Hiểu được giá trị mà lao động mang lại, mỗi thành viên trong gia đình, mỗi cá nhân ngoài xã hội phải ra sức chăm chỉ làm việc để có cuộc sống ấm no; đồng thời qua lao động rèn luyện nhân cách, phẩm chất đạo đức.

Giải thích câu "Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ" mẫu 2

“Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ”, câu tục ngữ ấy đã thể hiện quan niệm đúng đắn của người dân lao động về mối quan hệ giữa lao động và hưởng thụ thành quả lao động. Nó cũng khuyên người ta phải chăm chỉ lao động hơn và phê phán thói lười biếng lại thích hưởng thụ.

“Tay làm”, “tay quai” nghĩa là thế nào? Xét theo nghĩa đen, “tay” là bộ phận cơ thể rất quan trọng giúp con người làm việc. Hình ảnh “tay” ở đây tượng trưng cho con người. “Tay làm” là chỉ con người làm việc chăm chỉ. “Tay quai” có nghĩa đen là chỉ hình ảnh người tay chống nạnh như hình cái quai lọ, quai chén; có nghĩa bóng là chỉ hình ảnh người lười biếng, không chịu làm việc.

Thế còn “hàm nhai” và “miệng trễ”? “Hàm” và “miệng” là bộ phận cơ thể giúp con người ăn uống. Nghĩa đen của “hàm nhai” là chỉ động tác ăn, nghĩa bóng của nó lại chỉ sự hưởng thụ, cuộc sống có hưởng thụ. “Miệng trễ”, nghĩa đen chỉ miệng xệ xuống, trễ xuống, hở ra, không có gì cho vào mồm mà ăn; nghĩa bóng chỉ cuộc sống không có gì để hưởng thụ. Như vậy, ý nghĩa của câu tục ngữ là lời khuyên răn đối với con người: muốn có cái ăn thì phải lao động chứ không thể trông chờ vào người khác. Kẻ lười lao động tất sẽ có cuộc sống thiếu thốn, khổ sở. Đây cũng chính là một quan niệm đúng đắn về nguyên tắc công bằng và hợp lý trong việc phân phối của cải vật chất trong xã hội: có làm thì có hưởng, không làm không hưởng, làm ít hưởng ít, làm nhiều hưởng nhiều.

Câu tục ngữ đã thể hiện khát vọng từ ngàn đời nay của người dân lao động về một xã hội công bằng. Trong xã hội ấy phải có sự công bằng trước hết về phân phối thành quả lao động: có làm có hưởng, không làm không hưởng. Tất nhiên ta không áp dụng nguyên tắc này đối với các đối tượng được ưu tiên trợ cấp xã hội như các cụ già, các em nhỏ, người tàn tật… Trong xã hội xưa, xã hội người bóc lột người, có ông chủ và kẻ làm thuê, có kẻ giàu và người nghèo thì vẫn thường xảy ra tình trạng “người ăn không hết, kẻ lần chẳng ra”, có kẻ “ngồi mát ăn bát vàng” lại có người làm việc vất vả vẫn chẳng đủ miếng ăn. Đó là một xã hội bất công, người làm việc nhiều, vất vả thì không được hưởng thụ hay hưởng thụ ít, kẻ làm ít hoặc ngồi không được hưởng thụ nhiều. Ở xã hội ta hiện nay, xét về bản chất là một xã hội công bằng vì nó tuân theo nguyên tắc phân phối bình đẳng: làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít. Nhưng vẫn còn những cảnh ngang trái: có nhiều kẻ không làm mà vẫn hưởng. Đó là bọn ăn bám, bọn lợi dụng chức quyền để đục khoét, tham ô tài sản của Nhà nước và nhân dân. Bọn chúng đi ngược lại sự công bằng xã hội, cần phải nghiêm trị trước pháp luật.

“Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ” là một quan niệm hết sức tiến bộ, mang tính lý tưởng về quan hệ giữa lao động và hưởng thụ trong một xã hội công bằng. Hiện nay Đảng và Nhà nước cùng nhân dân ta đang kiên trì phấn đấu cho một xã hội tốt đẹp thì nguyên tắc: có làm có hưởng, không làm không hưởng, chính là một động lực to lớn để khuyến khích sản xuất tăng năng suất lao động; đồng thời để giáo dục, cảnh tỉnh những kẻ ăn bám, những kẻ đục khoét, tham ô… biết được giá trị của lao động mà quay trở về con đường làm ăn lương thiện.

Câu tục ngữ đã nêu lên một nguyên tắc hưởng thụ đúng đắn. Nó là kinh nghiệm sống, là bài học, là lời khuyên bổ ích cho mọi người. Câu nói ấy đã thể hiện rõ quan điểm thái độ của chúng ta trong cống hiến và hưởng thụ. Hiện nay nó đang trở thành động lực và phát huy tác dụng trong xã hội của chúng ta, xã hội phấn đấu vì một nền công bằng, dân chủ và văn minh.

Giải thích câu "Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ" mẫu 3

Tục ngữ là kho tàng kinh nghiệm quý báu về nhiều mặt của nhân dân ta. Trong tục ngữ, nhân dân ta đã nêu lên nhiều kinh nghiệm quý về lao động. Về thái độ đối với lao động, tục ngữ khuyên nhủ chúng ta:

“Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ”

Và cũng đồng thời với mục đích phê phán thì tục ngữ cũng có câu:

“Giàu đâu những kẻ ngủ trưa,

Sang đâu những kẻ say sưa tối ngày”

Chúng ta cùng nhau tìm hiểu hai câu tục ngữ trên để biết lời nhắn nhủ gì cho chúng ta.

Khi đọc hai câu tục ngữ, ta có thể thấy được sự trái ngược giữa hai câu tục ngữ. Câu đầu khuyên mọi người phải biết chăm chỉ làm việc. “Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ”. Tay giúp con người làm việc. Hình ảnh bàn tay ở đây tượng trưng cho con người. Tay làm là hình ảnh con người chăm chỉ, tay quai là hình ảnh con người lười biếng, không chịu làm việc. Hàm và miệng giúp con người ăn uống. Hình ảnh hàm và miệng ở đây tượng trưng cho cuộc sống của con người. nếu con người chăm chỉ làm việc thì mới có cái để ăn “Có làm thì mới có ăn, không dưng ai dễ đem phần đến cho”. Nói rộng ra hơn người có chăm làm thì cuộc sống mới được đảm bảo. kẻ lười biếng thì chẳng có thể làm được gì cả, chẳng có cái gì để ăn, miệng cứ trễ xuống. Nói rộng ra là kẻ lười biếng sẽ sống thiếu thốn khổ sở.

Câu tục ngữ muốn khuyên mọi người cần phải chăm chỉ lao động để có cuộc sống sung túc đầy đủ và muốn phê phán những kẻ có thái độ lười biếng, ăn không ngồi. Và ở câu tục ngữ sau phê phán thái độ lười biếng trong lao động. Câu tục ngữ phê phán thói lười biếng cũng bằng cách nêu ra hậu quả của thái độ đó. Ngủ trưa ở đây không phải ngủ vào buổi trưa mà là ngủ dậy muộn để trốn tránh công việc. Và Say sưa rượu chè bê bết thì không mong gì giàu sang.

Kết hợp 2 câu tục ngữ, chúng ta thấy những kẻ lười biếng thì ngay miếng ăn hằng ngày cũng không có, sự giàu sang càng là một điều viển vông. Bằng sự phê phán đó, hai câu tục ngữ trên góp phần khẳng định sự cần thiết phải chăm chỉ lao động.

Thực vậy, người nông dân làm ruộng mà lười, cỏ sẽ lẫn lúa. Lúa không có phân, không đủ phân, không được chăm bón sẽ gầy yếu, đẻ ít nhánh cho ít hạt, năng suất sẽ không cao khi được chăm sóc kĩ, khi được bón đầy đủ phân. Hay người công nhân làm thợ mà lười, sản phẩm sẽ ít, lương thấp lại không được thưởng, cuộc sống sẽ khó khăn. Và không phải chỉ có người nông dân hay công nhân mà bất cứ kẻ nào, làm nghề gì mà lười thì cũng chịu hậu quả là thu nhập thấp, đời sống khó khăn.

Thái độ lao động biểu hiện đạo đức của con người. Chăm chỉ lao động, cần cù làm việc là phẩm chất tốt của con người tốt. Các thói quen lười biếng như ngủ muộn, làm muộn, về sớm, ham rượu chè mà không chăm chỉ làm việc… là tính xấu, cần phê phán. Câu tục ngữ trên khuyên nhủ mọi người phải có thái độ đúng đắn với lao động và lao động chăm chỉ mới có được đời sống ấm no, hạnh phúc.

Trên đây VnDoc đã tổng hợp các bài văn mẫu Giải thích và chứng minh "Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ" cho các bạn tham khảo ý tưởng khi viết bài. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 8 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 8 và biết cách soạn bài lớp 8 các Tác giả - tác phẩm Ngữ văn 8 trong sách Văn tập 1 và tập 2. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
2
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Văn mẫu lớp 8 Sách mới

    Xem thêm