Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Giáo án nếp sống thanh lịch văn minh lớp 7 - Bài 2: Giao tiếp, ứng xử trong gia đình (Tiết 2)

Giáo án nếp sống thanh lịch văn minh lớp 7 - Bài 2

Giáo án nếp sống thanh lịch văn minh lớp 7 - Bài 2: Giao tiếp, ứng xử trong gia đình (Tiết 2) được VnDoc.com sưu tầm và đăng tải. Chúng tôi hi vọng, thông qua bộ giáo án điện tử lớp 7 này các thầy cô sẽ giúp học sinh của mình tiếp thu kiến thức tốt hơn. Mời quý thầy cô cùng tải tài liệu về và tham khảo.

Bài 2 - Tiết 4: GIAO TIẾP, ỨNG XỬ TRONG GIA ĐÌNH

I. MỤC TIÊU CẦN ĐẠT

Giúp HS:

  • Nắm được những nét cơ bản về tổ chức gia đình của người Hà Nội (các thế hệ trong một gia đình, quan hệ họ hàng); những mối quan hệ trong gia đình.
  • Rèn luyện kĩ năng, hành vi giao tiếp ứng xử thanh lịch, văn minh đối với các mối quan hệ trong gia đình nói riêng và đối với dòng họ nói chung, có hướng điều chỉnh và có ý thức thực hiện hành vi ở mức độ đúng, dần dần nâng lên mức độ hành vi đẹp. Từ đó, xây dựng, hình thành thói quen và lối sống đẹp.
  • Luôn có ý thức rèn luyện cách giao tiếp, ứng xử thanh lịch, văn minh trong gia đình.

II. PHƯƠNG TIỆN DẠY HỌC

Tư liệu, bài viết, mẩu chuyện, băng hình, tranh ảnh… tham khảo về người Hà Nội

III. TIẾN TRÌNH TỔ CHỨC CÁC HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC

1. Ổn định tổ chức: Kiểm tra sĩ số và vệ sinh lớp học.

2. Kiểm tra bài cũ: (Kiểm tra sự chuẩn bị của HS)

3. Bài mới: Hoạt động 1: Giới thiệu bài mới

Hoạt động của thầy và trò

Hoạt động 2: Hướng dẫn HS các hành vi giao tiếp, ứng xử thanh lịch, văn minh trong gia đình.

Giao tiếp, ứng xử đối với ông bà

Tục ngữ có câu:

Uống nước nhớ nguồn.

hay Ăn quả nhớ kẻ trồng cây

(?) Với ông bà, chúng ta phải có thái độ và tình cảm ntn?

Con cháu phải tôn kính và hiếu thảo đối với ông bà. Tuổi tác cuả ông bà và con cháu cách nhau khá xa, vì vậy, thường nảy sinh các “mâu thuẫn” thế hệ. Vì trong xã hội hiện đại, người già thường rất hay rơi vào tình trạng cô đơn, sống xa lạ ngay giữa con cháu, gia đình mình. Hơn nữa, tuổi già thường hay “trái tính, trái nết”, nhiều khi gây ra sự hiểu lầm, khó chịu cho con cháu. Chính vì thế, cần phải quan sát, lắng nghe và học cách thấu hiểu đối với ông bà, từ đó có cách ứng xử phù hợp với tình cảm và đạo lý truyền thống

Hãy lập một bảng thống kê tìm hiều về tâm lý, lối sống, sở thích của ông bà mình. Sau đó, thảo luận và tìm ra những tình huống mà em thường gặp, từ đó, tìm ra những hành vi giao tiếp, ứng xử khéo léo, tế nhị với ông bà của mình?

(?) Theo em, vấn đề nào là vấn đề nổi cộm, rất hay xảy ra mâu thuẫn giữa ông bà và con cháu trong gia đình? Em hãy đề xuất những hành vi ứng xử tế nhị, khéo léo để xoa dịu những mâu thuẫn ấy?

Ông bà thích truyền thống, hay nói về cái đã qua:

- Khi ông bà kể những chuyện cũ (có thể đã nghe nhiều lần), hãy chú ý lắng nghe bằng một thái độ vui vẻ, đừng cau có hoặc nói những câu sỗ sàng: “Có mỗi chuyện ấy mà ông bà cứ nói mãi”. Như thế, sẽ làm ông bà không vui.

- Bởi ông bà tuổi đã cao nên tiếp thu cái mới thường chậm chạp. Ngược lại, các cháu thích cái mới, nên tiếp thu cái mới nhanh. Vì thế, ông bà có gì chưa hiểu, hãy nhẹ nhàng giải thích để ông bà hiểu. Tránh cáu gắt, to tiếng dễ làm ông bà tủi thân.

Ông bà thích yên tĩnh, thường hay đau yếu:

- Đừng ồn ào, mở nhạc, hát hò, nói cười ầm ĩ làm ông bà không hài lòng. Khi ông bà nằm nghỉ, hãy đi lại nhẹ nhàng, tránh tiếng động vì người già rất dễ thức giấc.

- Hãy vui lòng nhường ti-vi khi ông bà đang xem chương trình yêu thích.

Ông bà thích sống có nền nếp, ngăn nắp, rất trân trọng những kỉ vật cũ:- Không nên để ông bà nhắc nhở vì lối sống lộn xộn, bừa bãi.

- Không được nghịch vào những đồ vật cũ, kỉ vật cũ của ông bà khi ông bà chưa cho phép.

- Khi nói chuyện với ông bà phải thưa gửi lễ phép. Khi nhận quà từ ông bà phải đón nhận bằng hai tay, nhớ nói lời cảm ơn.

- Hãy nhớ tới ngày sinh nhật của ông bà và tặng ông bà những món quà mình tự làm.

- Cần thường xuyên thăm hỏi, động viên ông bà. Chăm sóc chu đáo, tận tình khi ông bà bị ốm: xúc cho ông bà ăn, lấy nước cho ông bà uống, kể chuyện cho ông bà nghe, đấm lưng, dìu ông bà khi ông bà muốn đi chơi... Không lẩn tránh, cáu gắt, miệt thị...khi ông bà đau yếu.

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

+ Giao bài tập thực hiện hành vi. Ví dụ:

Em hãy tự làm một món quà thật ý nghĩa kèm theo những lời nói yêu thương, chân thành nhất dành tặng bố hoặc mẹ, làm bố mẹ bất ngờ. Sau đó, em hãy ghi lại cảm xúc của mình trước phản ứng của bố mẹ khi nhận được món quà.

Thông qua bài tập này, HS sẽ nhận thức được ý nghĩa của những hành vi đẹp

(?)Với cha mẹ, ta phải cư xử như thế nào?

Yêu thương, kính trọng cha mẹ, học cách làm bố mẹ vui lòng:

- Nói năng, thưa gửi lễ phép, đúng mực. Lắng nghe, vâng lời khi cha mẹ dạy bảo.

- Chăm chỉ, cố gắng trong học tập để đạt được kết quả cao.

- Giúp đỡ bố mẹ những công việc hàng ngày: dọn dẹp nhà cửa, cơm nước, trông em...

- Không vòi vĩnh, đua đòi, yêu cầu bố mẹ đáp ứng những nhu cầu không phù hợp với lứa tuổi và hoàn cảnh gia đình.

- Có thái độ tôn trọng, lịch sự, lễ phép khi khách của bố mẹ đến nhà. Nếu bố mẹ không có nhà, hãy lắng nghe ý kiến của khách và thưa lại chính xác với bố mẹ.

Học cách quan tâm và chia sẻ cùng bố mẹ:

- Thường xuyên kể chuyện ở lớp cho bố mẹ vào buổi tối, giờ ăn cơm, hoặc lúc cả nhà quây quần vui vẻ.

-Sinh nhật của bố hoặc của mẹ, đừng quên chúc mừng và tặng bố mẹ những món quà nho nhỏ. Ví dụ như một tấm thiếp tự làm, một điểm mười, một bông hoa cắm vào lọ để ở bàn làm việc của bố mẹ kèm theo lời chúc, nấu một món ăn ngon để bố mẹ thưởng thức, dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, gọn gàng...

- Vào những ngày đặc biệt của bố mẹ, hãy bộc lộ tình yêu của mình với bố mẹ theo cách riêng.

- Khi bố mẹ trách mắng, hãy kiềm chế và tự đặt mình vào địa vị của bố mẹ để giữ thái độ lễ phép. Không được hỗn láo, cãi lại bố mẹ. Đợi bố mẹ nguôi giận, hãy đến gần và tâm sự vì sao mình lại làm như vậy. Nếu mình sai, hãy mạnh dạn xin lỗi và hứa sẽ sửa chữa lỗi lầm của mình.

- Khi bố mẹ có chuyện buồn, gặp khó khăn trong công việc, nếu có thể, hãy tâm sự cùng bố mẹ. Dù không giúp được gì, nhưng cũng là cách làm bố mẹ vơi đi nỗi buồn hoặc có thêm động lực vượt qua khó khăn trong cuộc sống.

Anh em như thể chân tay

Rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần.

Hãy bộc lộ những suy nghĩ của mình về mâu thuẫn hay gặp phải với chính anh chị em của mình để các bạn cùng tháo gỡ.

Là anh chị em trong một nhà, chúng ta cần phải:

Yêu thương, đùm bọc, nhường nhịn lẫn nhau.

- Khi nói chuyện với anh chị cần lễ phép, đúng mực. Khi nói chuyện với các em cần nhẹ nhàng, không cáu gắt, nặng lời, quát nạt.

- Là anh chị lớn trong nhà cần giúp đỡ bố mẹ bằng cách chăm sóc cho các em như: tắm rửa, thay quần áo, dọn đồ chơi cho em....

- Hãy chia sẻ đồ ăn ngon, đồ chơi đẹp với các anh chị em trong gia đình. Chia sẻ sẽ làm ta vui vẻ và hạnh phúc hơn. Cùng nhau tổ chức sinh nhật cho mỗi anh chị em theo những cách riêng khi có điều kiện.

Tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ:

- Là anh chị, khi em sai phải nhẹ nhàng chỉ bảo cho em những lỗi sai để em nhận ra tự sửa và tránh. Không được cậy lớn, quát nạt hoặc gây gổ đánh em.

- Hướng dẫn em cách để đồ chơi gọn gàng, ngăn nắp. Dạy cho em cách làm hoặc chơi những trò chơi bổ ích. Không rủ em chơi những trò chơi nguy hiểm, hoặc đùa nghịch dại dột. Chỉ bảo, hướng dẫn cho em những bài tập khó. Dạy cho em những cách học hay để em học tập tiến bộ.

- Đối với anh chị lớn cần tôn trọng, không được nghịch vào đồ của anh chị khi chưa có sự đồng ý. Không được gọi anh chị hoặc em của mình bằng những biệt hiệu xấu, hoặc lôi tật xấu của mỗi người ra để chọc ghẹo, trêu đùa.

- Không được tự tiện lấy quần, áo, mũ, tất...của anh chị em ra dùng khi chưa có sự cho phép. Khi anh chị em có chuyện buồn, hãy tâm sự, lắng nghe và chia sẻ để tình anh em thêm thắm thiết.

Mỗi gia đình Hà Nội thường nằm trong sự gắn bó khăng khít của các mối quan hệ họ hàng, dòng họ. Dòng họ nào cũng có truyền thống lâu đời. Cái đặc sắc của Hà Nội là mỗi dòng họ đều duy trì cho mình một truyền thống nhất định như: truyền thống hiếu học, truyền thống nghề nghiệp, truyền thống gia giáo hoà thuận...Vì thế, con cháu của mỗi gia đình đều ý thức rất rõ về cội nguồn dòng họ của mình.

?Em hiểu như thế nào về truyền thống dũng họ?

Các gia đình thường họp nhau ở nhà thờ tổ, thăm ngôi mộ tổ, thắp một nén nhang khi giỗ chạp, khi tết đến xuân về, kể cho nhau nghe chuyện các cụ đời trước để khuyên răn con cháu học tập và rèn luyện kế nghiệp xưa không để hổ danh dòng họ.

Họ lập tộc phả, gia phả ghi chép lại lai lịch phát triển của dòng tộc, của chi họ, của gia đình để mọi nhành biết lẫn nhau, tránh chuyện thị phi, dèm pha, công kích, tranh chấp để xảy ra chuyện đánh nhau vỡ đầu mới nhận họ.

Họ khuyến học, khuyến tài, lập quĩ khen thưởng, cấp học bổng cho con cháu có điều kiện học hành đến nơi đến chốn. Những tấm gương người tốt, việc tốt đều được nêu gương, ghi chép lại trong sổ vàng lưu tại nhà thờ họ. Người cao tuổi, vợ chồng già song toàn, con cái làm ăn phương trưởng được họ mừng thọ, tặng danh hiệu phúc - lộc - thọ. Họ còn là trung tâm để đùm bọc, cứu giúp nhau với tinh thần một giọt máu đào hơn ao nước lã, chị ngã em nâng, lá lành đùm lá rách....

Ý thức được vai trò, trách nhiệm của bản thân trong gia đình nói riêng và trong dòng họ của mình nói chung để làm gì?

Chúng ta cần phải làm gì?

- Học tập và rèn luyện để xứng danh với tổ tông, với truyền thống của dòng họ.

- Thường xuyên thăm hỏi mọi người trong họ. Nếu ở xa, mỗi năm nên về thăm nhà thờ tổ, thăm mộ tổ để luôn nhớ tới nguồn gốc của mình, và biết được truyền thống của dòng họ mình.

- Tham gia vào các hoạt động chung do dòng họ phát động.

Nội dung bài học

II. GIAO TIẾP, ỨNG XỬ THANH LỊCH, VĂN MINH TRONG GIA ĐÌNH

1. Giao tiếp, ứng xử trong gia đình

a. Giao tiếp, ứng xử đối với ông bà

- Con cháu phải tôn kính và hiếu thảo đối với ông bà.

- Quan sát, lắng nghe và học cách thấu hiểu đối với ông bà, từ đó có cách ứng xử phù hợp với tình cảm và đạo lý truyền thống.

- Hãy chú ý lắng nghe ông bà nói về cái đã qua bằng thái độ vui vẻ

- Khi ông bà chưa hiểu ,hãy nhẹ nhàng giải thích, tránh cáu gắt, to tiếng

- Đừng ồn ào, khi ông bà nằm nghỉ, hãy đi lại nhẹ nhàng vì người già rất dễ thức giấc.

- Không nên để ông bà nhắc nhở vì lối sống lộn xộn, bừa bãi.

- Khi nói chuyện với ông bà phải thưa gửi lễ phép. Khi nhận quà từ ông bà phải đón nhận bằng hai tay, nhớ nói lời cảm ơn.

- Hãy nhớ tới ngày sinh nhật của ông bà và tặng ông bà những món quà mình tự làm.

- Cần thường xuyên thăm hỏi, động viên ông bà, chăm sóc chu đáo, tận tình khi ông bà bị ốm .

b. Giao tiếp ứng xử với cha mẹ

Với cha mẹ, ta phải:

Yêu thương, kính trọng cha mẹ, học cách làm bố mẹ vui lòng.

+ Lễ phép, vâng lời

+ Chăm chỉ, cố gắng trong học tập

+ Giúp đỡ bố mẹ công việc hàng ngày

+ Tôn trọng, lịch sự với khách của bố mẹ

- Học cách quan tâm và chia sẻ cùng bố mẹ.

+ Chia sẻ, kể chuyện ở lớp, ở trường.

+ Quan tâm đến sinh nhật của bố hoặc mẹ, bộc lộ tình yêu của mình với bố mẹ theo cách riêng.

+ Học cách kìm chế, khéo léo trong ứng xử khi bố mẹ giận dữ.

+ Học cách tâm sự...

c. Giao tiếp ứng xử đối với anh chị em

- Yêu thương, đùm bọc, nhường nhịn lẫn nhau.

+ Nói năng nhẹ nhàng,đúng mực.

+ Chăm sóc, giúp đỡ nhau.

- Tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ:

+ Nhẹ nhàng chỉ bảo giúp nhau sửa chữa khuyết điểm.

+ Tôn trọng những điều riêng tư của nhau

Tâm sự, lắng nghe, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn.

2. Giao tiếp, ứng xử đối với dòng họ:

Dòng họ nào cũng có truyền thống lâu đời. Cái đặc sắc của Hà Nội là mỗi dòng họ đều duy trì cho mình một truyền thống nhất định như: truyền thống hiếu học, truyền thống nghề nghiệp, truyền thống gia giáo hoà thuận..., con cháu của mỗi gia đình đều ý thức rất rõ về cội nguồn dòng họ của mình.

a. Truyền thống dòng họ:

+ Các gia đình thường họp nhau ở nhà thờ tổ, thăm ngôi mộ tổ, thắp nhang khi giỗ chạp, khi Tết đến xuân về, kể cho nhau nghe chuyện các cụ đời trước để khuyên răn con cháu học tập và rèn luyện kế nghiệp xưa để rạng danh dòng họ.

+ Họ khuyến học, khuyến tài, lập quĩ khen thưởng, cấp học bổng cho con cháu có điều kiện học hành .

b. Cách giao tiếp ứng xử:

- Ý thức được vai trò, trách nhiệm của bản thân trong gia đình và trong dòng họ của mình để có thái độ đúng mực với những người trong dòng họ.

- Học tập và rèn luyện để xứng danh với tổ tông, với truyền thống của dòng họ.

-Thường xuyên thăm hỏi mọi người trong họ. Nếu ở xa, mỗi năm nên về thăm nhà thờ tổ, thăm mộ tổ để luôn nhớ tới nguồn gốc của mình, và biết được truyền thống của dòng họ mình.

- Tham gia vào các hoạt động chung do dòng họ phát động.

* Củng cố bài học:

  • Giáo viên gọi một số học sinh đứng tại chỗ hoặc lên trước lớp và tóm tắt những ý chính của toàn bài, có thể dùng thêm từ riêng để cho hợp với khả năng của từng học sinh.
  • Học sinh khác trong lớp đóng góp ý kiến bổ sung. Giáo viên nhận xét và khen ngợi.

* Hướng dẫn các hoạt động tiếp theo

  • Chuẩn bị bài 3.
  • Sưu tầm tranh ảnh về cách giao tiếp, ứng xử trong nhà trường.
Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Giáo án lớp 7

    Xem thêm