Hợp đồng mua bán hàng hóa
Chúng tôi xin giới thiệu bài Hợp đồng mua bán hàng hóa được VnDoc sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức môn học một cách tốt hơn để có thể học và hoàn thành bài thi môn học một cách hiệu quả.
Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.
Bài: Hợp đồng mua bán hàng hóa
Mua bán hàng hóa là hoạt động thương mại, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và nhận thanh toán; bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán, nhận hàng và quyền sở hữu hàng hóa theo thỏa thuận.
Hợp đồng mua bán hàng hóa là một loại hợp đồng kinh tế, do đó, trước hết, nó phải tuân thủ quy định của pháp luật về hợp đồng kinh tế. Luật Thương mại được Quốc hội khoá XI thông qua tại kỳ họp thứ 7 ngày 14/06/2005 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2006 (thay thế cho Luật Thương mại ngày 10/05/1997 và có hiệu lực từ ngày 01/01/1998) cũng quy định một số chế tài liên quan đến hợp đồng mua bán hàng hóa.
Hợp đồng mua bán hàng hóa là sự thỏa thuận bằng văn bản có tính chất pháp lý được hình thành trên cơ sở một cách bình đẳng, tự nguyện giữa các chủ thể nhằm xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt một quan hệ trao đổi hàng hóa.
Hợp đồng mua bán hàng hóa được thực hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Đối với các loại hợp đồng mua bán hàng hóa mà pháp luật quy định phải được lập thành văn bản thì phải tuân theo các quy định đó; điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu (thông tin được tạo ra, gửi đi, nhận và lưu giữ bằng phương tiện điện tử) và các hình thức khác theo quy định của pháp luật được coi là các hình thức có giá trị tương đương văn bản.
Hợp đồng mua bán hàng hóa có các nội dung chủ yếu sau: Tên hàng, số lượng, quy cách, chất lượng, giá cả, phương thức thanh toán, địa điểm và thời gian giao nhận hàng. Ngoài các nội dung chủ yếu trên, các bên có thể thỏa thuận các nội dung khác trong hợp đồng.
Tên và chủng loại hàng hóa giao dịch mua bán
“Tên hàng” là điều khoản quan trọng bậc nhất trong việc xác định đối tượng hợp đồng. Nếu điều khoản này không rõ ràng thì người ta không thể xác định chính xác loại hàng hóa muốn bán hoặc muốn mua. Vì thế, tên hàng phải được diễn tả sao cho không thể tạo ra sự hiểu lầm được, như:
- Tên thông thường của hàng hóa được ghi kèm với tên thương mại và tên khoa học của nó, phương pháp này được dùng trong buôn bán hóa chất, cây giống, con giống.
- Tên hàng được ghi kèm với địa danh sản xuất ra hàng hóa đó. Phương pháp này được dùng trong mua bán những hàng thổ sản, đặc sản.
- Tên hàng được ghi kèm với tên nhà sản xuất ra hàng hóa đó. Phương pháp này được dùng nhiều trong mua bán những sản phẩm nổi tiếng của một nhà sản xuất nhất định.
- Tên hàng được ghi kèm với quy cách chính hoặc tính năng chủ yếu của hàng hóa đó, ví dụ như: Xe vận tải 25 tấn hoặc phim ảnh 34 mm,…
- Tên hàng được ghi kèm với công dụng của hàng hóa đó, ví dụ như: giấy in báo, kem trị mụn…
- Tên hàng được ghi kèm với số hiệu hạng mục của danh mục hàng hóa thống nhất đã được ban hành. Ví dụ: Mô tơ điện, số hạng mục 100.101.
Giao dịch về chất lượng hàng hóa mua bán
Chất lượng hàng hóa rất phức tạp. Trong nhiều trường hợp phải dùng máy móc, thiết bị hiện đại mới xác định được. Phương pháp xác định chất lượng rất có ý nghĩa trong giao dịch đàm phán để xác định chất lượng hàng hóa. Người ta thường sử dụng các phương pháp sau đây để giao dịch đàm phán về chất lượng:
- Chất lượng theo mẫu. Theo phương pháp này chất lượng hàng hóa được xác định căn cứ vào chất lượng của một số ít hàng hóa gọi là mẫu hàng do người bán đưa ra và người mua thỏa thuận.
- Chất lượng theo tiêu chuẩn quy định. Khi giao dịch đàm phán lấy thước đo chất lượng theo các quy định của Nhà nước hoặc quốc tế.
- Chất lượng dựa theo nhãn hiệu hàng hóa. Ví dụ chè “ Thanh Hương” khác chất lượng với chè “Hồng Đào”.
Giao dịch về số lượng hàng hóa mua bán
Nhằm nói lên mặt “lượng” của hàng hóa được giao dịch, điều khoản này bao gồm các vấn đề về đơn vị tính số lượng hoặc trọng lượng của hàng hóa, phương pháp quy định số lượng và phương pháp xác định trọng lượng.
Trước hết, phải xác định rõ đơn vị tính số lượng. Nhiều khi do không thỏa thuận chính xác đơn vị đo sẽ dẫn tới sự hiểu lầm. Do tập quán địa phương nhiều đơn vị đo lường cùng một tên gọi nhưng lại có nội dung khác.
Thứ hai, phương pháp quy định số lượng. Trong thực tiễn buôn bán, người ta có thể quy định số lượng hàng hóa giao dịch bằng hai cách:
Một là, bên bán và bên mua quy định cụ thể số lượng hàng hóa giao dịch. Đó là một số lượng khẳng định dứt khoát. Khi thực hiện hợp đồng, các bên không được phép giao nhận theo số lượng khác với số lượng đó. Phương pháp này thường được dùng với những hàng hóa được tính bằng cái, chiếc.
Hai là, bên bán và bên mua quy định một cách phỏng chừng về số lượng hàng hóa giao dịch. Khi thực hiện hợp đồng, các bên có thể giao nhận theo một số lượng cao hoặc thấp hơn số quy định trong hợp đồng. Khoảng chênh lệch đó gọi là dung sai về số lượng. Điều khoản của đơn chào hàng hoặc hợp đồng quy định dung sai về số lượng gọi là điều khoản phỏng chừng.
Điều khoản số lượng phỏng chừng có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc mua bán những mặt hàng có khối lượng lớn như ngũ cốc, than, quặng, dầu mỏ v.v… Đó là do việc sản xuất những hàng có quy mô lớn, do việc cân đo hàng hóa khó đảm bảo tính chính xác tuyệt đối và còn là do khó khăn trong việc tìm phương tiện chuyên chở phù hợp hoàn toàn với khối lượng hàng. Cho nên, đối với những mặt hàng này, việc quy định dung sai về số lượng cho phép sẽ tránh được những khó khăn trong khi thực hiện hợp đồng.
Trong nhiều trường hợp, người ta còn thỏa thuận quy định giá hàng của khoản dùng sai về số lượng, sao cho một trong hai bên không thể lợi dụng sự biến động của giá cả thị trường để làm lợi cho mình.
Ngoài việc quy định dung sai về số lượng, người ta còn quan tâm đến địa điểm xác định số lượng và trọng lượng: Nếu lấy trọng lượng được xác định ở nơi gửi hàng làm cơ sở để xét tình hình người bán chấp hành hợp đồng, hoặc để thanh toán tiền hàng thì những rủi ro xảy ra với hàng hóa trong quá trình chuyên chở do người mua phải chịu. Nếu việc thanh toán tiền hàng tiến hành trên cơ sở trọng lượng được xác định nơi hàng đến, hai bên phải căn cứ vào kết quả kiểm tra chất lượng hàng ở nơi đến. Kết quả này được ghi trong một chứng từ do một tổ chức được các bên thỏa thuận chỉ định tiến hành kiểm tra và lập nên.
Ba là, phương pháp xác định trọng lượng.
Để xác định trọng lượng hàng hóa mua bán, người ta thường dùng những phương pháp sau đây:
- Trọng lượng cả bì. Đó là trọng lượng hàng hóa cùng với trọng lượng của các loại bao bì hàng đó. Những mặt hàng được mua bán theo trọng lượng cả bì không phải là ít. Những cuộn giấy làm báo, các loại đậu tạp… khi mua bán, người ta thường tính trọng lượng cả bì.
- Trọng lượng tịnh. Đó là trọng lượng thực tế của bản thân hàng hóa. Nó bằng trọng lượng cả bì trừ đi trọng lượng của vật liệu bao bì.
Bao bì
Trong điều khoản về bao bì, các bên giao dịch thường phải thỏa thuận với nhau những vấn đề về yêu cầu chất lượng bao bì, phương thức cung cấp bao bì và giá cả của bao bì.
Để quy định chất lượng của bao bì, người ta có thể dùng một trong hai phương pháp sau đây
Quy định chất lượng bao bì phải phù hợp với một phương thức vận tải nào đó, ví dụ: “bao bì thích hợp với vận chuyển đường sắt”, “bao bì đường biển”…Sở dĩ người ta có thể thỏa thuận chung chung như vậy mà vẫn hiểu được vì trong buôn bán quốc tế đã hình thành một số tập quán về các loại bao bì này. Theo tập quán đó, bao bì đường biển thường có hình dạng là hình hộp, ít khi là những hình khác, có độ bền khá đủ để chịu đựng sức ép của các loại hàng hóa khác xếp trong cùng hầm tàu trong khi chuyên chở, có những kích thước là số nguyên của đơn vị đo lường. Trong chuyên chở hàng hóa đường biển, ít khi người ta đóng chung những mặt hàng có suất cước khác nhau vào chung một kiện hàng, bởi vì trong trường hợp như vậy, các hãng tàu có quyền áp dụng một suất cước cao nhất trong số các suất cước của hàng hóa đóng gói chung đó để tính cước cho cả kiện hàng.
Trong chuyên chở đường sắt, bao bì cũng cần khá chắc chắn, bởi vì hàng hóa có thể qua nhiều khâu sang toa, dịch chuyển. Đồng thời bao bì đường sắt cũng cần có kích thước phù hợp với quy định của các cơ quan đường sắt, nơi hàng đi qua. Những hàng hóa có bao bì quá dài và có trọng lượng quá nặng thường gặp khó khăn trong khi đăng ký xin toa cũng như khi bốc dỡ.
Bao bì thích hợp với việc vận chuyển máy bay phải là bao bì nhẹ, có kích thước phù hợp với quy định của công ty hàng không. Có như vậy mới giảm được cước chi phí chuyên chở, bởi vì suất cước máy bay cao hơn nhiều so với suất cước cho các phương thức chuyên chở khác. Ngoài ra, để tránh nguy hiểm cho hàng hóa và công cụ vận tải, người ta thường tránh dùng những vật liệu dễ bốc cháy trong việc chế tạo bao bì.
Điểm lại các tập quán có liên quan đến bao bì, chúng ta thấy rằng các quy định chung về chất lượng bao bì vẫn có thể gây nên sự không thống nhất trong việc giải thích yêu cầu đối với bao bì. Ví dụ, mỗi bên giao dịch có thể hiểu một cách khác nhau về khái niệm “khá chắc chắn”, hoặc “kích thước phù hợp”…
Nói chung, việc cung cấp bao bì được thực hiện bằng một trong ba cách dưới đây, tùy theo sự thỏa thuận của các bên giao dịch.
Một là, bên bán cung cấp bao bì đồng thời với việc giao cho bên mua. Đây là phương thức thông thường nhất, phổ biến nhất.
Hai là, bên bán ứng trước bao bì để đóng gói hàng hóa, nhưng sau khi nhận hàng bên mua phải trả lại bao bì. Nói cách khác, bên bán chỉ bán hàng hóa, còn bao bì được giữ lại để tiếp tục sử dụng. Phương thức này chỉ dùng đối với những loại bao bì có giá trị cao hơn giá trị hàng hóa.
Ba là, bên bán yêu cầu bên mua gửi bao bì đến trước để đóng gói, sau đó mới giao hàng. Trường hợp này chỉ xảy ra khi nào bao bì quả thực khan hiếm và khi thị trường thuộc về người bán.
Giao dịch về giá cả hàng hóa
Trong giao dịch thương mại, giá cả là một nội dung quan trọng. Giá cả mua bán phải là giá cả thị trường. Hai bên giao dịch với nhau phải thống nhất về mức giá, phương thức xác định mức giá, cơ sở của giá cả và việc giảm giá. Trong giao dịch thương mại, bên bán thách giá và bên mua trả giá. Nguyên tắc đặt giá và trả giá trong giao dịch tuân thủ phương châm: “Ai đặt giá cao và giữ giá thường bán được giá cao”, “Ai trả giá thấp thường mua được giá rẻ”, “Ai nhượng bộ quá lớn sẽ bị thua thiệt”. Cho nên thách giá phải cao và nhượng bộ phải từ từ.
Giao dịch về thời hạn và địa điểm giao hàng
Nội dung cơ bản của thỏa thuận giao hàng là xác định thời hạn và địa điểm giao hàng, xác định phương thức giao hàng và việc thông báo giao hàng.
Thời hạn giao hàng là thời hạn mà người bán phải hoàn thành nghĩa vụ giao hàng. Nếu các bên giao dịch không có thỏa thuận nào khác, thời hạn này cũng là lúc di chuyển những rủi ro và tổn thất về hàng hóa từ người bán sang người mua.
Việc lựa chọn địa điểm giao hàng có liên quan chặt chẽ đến phương thức chuyên chở hàng hóa và điều kiện cơ sở giao hàng. Quy định chặt chẽ cơ sở giao hàng để tránh những trục trặc trong giao hàng, tốn chi phí, mất mát.
Thực tiễn giao dịch về mua bán hàng hóa làm nảy sinh ra nhiều phương thức giao hàng.
Người ta có thể quy định việc giao nhận được tiến hành ở một nơi nào đó là giao nhận sơ bộ hoặc giao nhận cuối cùng. Việc giao nhận sơ bộ thường được tiến hành ở ngay địa điểm sản xuất hàng hóa hoặc ở nơi gửi hàng. Việc giao nhận sơ bộ thường có mục đích là bước đầu xem xét hàng hóa, xác định sự phù hợp về số lượng và chất lượng hàng so với quy định trong hợp đồng. Trong khi giao nhận sơ bộ, người mua có quyền đòi khắc phục khuyết điểm hàng hóa trước khi giao hàng. Việc giao nhận cuối cùng có mục đích xác nhận việc người bán hoàn thành nghĩa vụ giao hàng về các mặt số lượng, chất lượng hàng, thời hạn giao hàng. Qua đó, hai bên thừa nhận các kết quả kiểm tra hàng hóa đã lấy được ở nơi giao nhận cuối cùng.
Người ta có thể quy định việc giao nhận về số lượng được tiến hành ở một điạ điểm nào đó là việc giao nhận về số lượng hoặc việc giao nhận về chất lượng.
Giao nhận về số lượng là xác định số lượng thực tế của hàng được giao bằng các phương pháp cân, đo, đếm. Việc giao nhận về số lượng ở đâu được tiến hành là tùy theo điều khoản quy định trong hợp đồng. Ví dụ: Nếu hợp đồng quy định “trọng lượng bốc hàng” thì địa điểm xác định trọng lượng là cảng gửi hàng, thời gian xác định là khi giao hàng.
Giao nhận về chất lượng là việc kiểm tra hàng hóa về tính năng, công dụng, hiệu suất, kích thước, hình dáng và các chỉ tiêu khác của hàng hóa đó để xác định sự phù hợp giữa chúng với quy định của hợp đồng. Việc giao nhận này, tùy theo sự thỏa thuận của các bên, có thể được tiến hành bằng phương pháp cảm quan hoặc phương pháp phân tích lý tính, hóa tính, cơ học… Cũng theo sự thỏa thuận đó, việc giao nhận này có thể được tiến hành trên toàn bộ hàng hóa hoặc chỉ trên cơ sở kiểm tra điển hình. Địa điểm tiến hành việc giao nhận này cũng phụ thuộc vào giao nhận của hợp đồng, chẳng hạn như vào các điều khoản “phẩm chất dỡ hàng”.
Thanh toán và kết thúc giao dịch
Hai bên phải thống nhất với nhau về phương thức thanh toán. Bàn bạc thống nhất về điều kiện và thời gian thanh toán. Trách nhiệm và quyền lợi hai bên trong thanh toán phải rõ ràng. Hai bên cùng thỏa thuận loại tiền trong giao dịch mua bán.
Quy định với nhau về thời hạn kết thúc giao dịch, chuẩn bị cho lần giao dịch mới. Hợp đồng mua bán hàng hóa được coi là đã ký kết kể từ thời điểm các bên có mặt ký vào hợp đồng. Trong trường hợp các bên không cùng có mặt để ký hợp đồng, hợp đồng mua bán hàng hóa được coi là đã ký kết kể từ thời điểm bên chào hàng nhận được thông báo chấp nhận toàn bộ các điều kiện đã ghi trong đơn chào hàng trong thời hạn trách nhiệm của người chào hàng. Từ thời điểm hợp đồng mua bán hàng hóa được ký kết, mọi thư từ giao dịch và đàm phán trước đó về hợp đồng đều hết hiệu lực, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Người bán phải giao hàng, chứng từ theo thỏa thuận trong hợp đồng về số lượng, chất lượng, cách thức đóng gói, bảo quản và các quy định khác trong hợp đồng, phải giao hàng đúng thời điểm giao hàng (nếu giao hàng trước thời điểm đã thỏa thuận thì bên mua có quyền nhận hoặc không nhận hàng). Phải bảo đảm hàng hóa được giao và việc chuyển giao hàng hóa là hợp pháp cũng như phải bảo đảm quyền sở hữu của bên mua đối với hàng hóa đã bán không bị tranh chấp bởi bên thứ ba, chịu trách nhiệm trong trường hợp có tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa đã bán. Sau thời điểm chuyển quyền sở hữu, người bán không được có bất kỳ hành vi nào phương hại tới quyền sở hữu hàng hóa của người mua.
Trường hợp hàng hóa mua bán có bảo hành thì bên bán phải chịu trách nhiệm bảo hành hàng hóa đó theo nội dung và thời hạn đã thỏa thuận, phải thực hiện nghĩa vụ bảo hành trong thời gian ngắn nhất mà hoàn cảnh thực tế cho phép và chịu các chi phí về việc bảo hành, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Trường hợp hàng hóa được giao cho người vận chuyển nhưng không được xác định rõ bằng ký mã hiệu trên hàng hóa, chứng từ vận chuyển hoặc cách thức khác thì bên bán phải thông báo cho bên mua về việc đã giao hàng cho người vận chuyển và phải xác định rõ tên và cách thức nhận biết hàng hóa được vận chuyển.
Trường hợp bên bán có nghĩa vụ thu xếp chuyên chở hàng hóa thì bên bán phải ký kết các hợp đồng cần thiết để việc chuyên chở được thực hiện tới đích bằng các phương tiện chuyên chở thích hợp với hoàn cảnh cụ thể và theo các điều kiện thông thường đối với phương thức chuyên chở đó.
Trường hợp bên bán không có nghĩa vụ mua bảo hiểm cho hàng hóa trong quá trình vận chuyển, nếu bên mua có yêu cầu thì bên bán phải cung cấp cho bên mua những thông tin cần thiết liên quan đến hàng hóa và việc vận chuyển hàng hóa để tạo điều kiện cho bên mua mua bảo hiểm cho hàng hóa đó.
Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, nếu hợp đồng chỉ quy định thời hạn giao hàng và không xác định thời điểm giao hàng cụ thể mà bên bán giao hàng trước khi hết thời hạn giao hàng và giao thiếu hàng hoặc giao hàng không phù hợp với hợp đồng thì bên bán vẫn có thể giao phần hàng còn thiếu hoặc thay thế hàng hóa cho phù hợp với hợp đồng hoặc khắc phục sự không phù hợp của hàng hóa trong thời hạn còn lại. Nếu thực hiện việc khắc phục này mà gây bất lợi hoặc làm phát sinh chi phí bất hợp lý cho bên mua thì bên mua có quyền yêu cầu bên bán khắc phục bất lợi hoặc chịu chi phí đó. Trường hợp bên bán giao thừa hàng thì bên mua có quyền từ chối hoặc chấp nhận số hàng thừa đó (nếu chấp nhận số hàng thừa thì phải thanh toán theo giá thỏa thuận trong hợp đồng nếu các bên không có thỏa thuận khác).
Trường hợp các bên có thỏa thuận để bên mua hoặc đại diện của bên mua tiến hành kiểm tra hàng hóa trước khi giao hàng thì bên bán phải bảo đảm cho bên mua hoặc đại diện của bên mua có điều kiện tiến hành việc kiểm tra. Bên mua hoặc đại diện của bên mua phải kiểm tra hàng hóa trong một thời gian ngắn nhất mà hoàn cảnh thực tế cho phép; trường hợp hợp đồng có quy định về việc vận chuyển hàng hóa thì việc kiểm tra hàng hóa có thể được hoãn lại cho tới khi hàng hóa được chuyển tới địa điểm đến. Nếu bên mua hoặc đại diện của bên mua không thực hiện việc kiểm tra hàng hóa trước khi giao hàng theo thỏa thuận thì bên bán có quyền giao hàng theo hợp đồng. Bên bán không phải chịu trách nhiệm về những khiếm khuyết của hàng hóa mà bên mua hoặc đại diện bên mua đã biết hoặc phải biết nhưng không thông báo cho bên bán trong thời hạn hợp lý sau khi kiểm tra hàng hóa. Bên bán phải chịu trách nhiệm về những khiếm khuyết của hàng hóa mà bên mua hoặc đại diện bên mua đã kiểm tra, nếu các khiếm khuyết của hàng hóa không thể phát hiện được trong quá trình kiểm tra bằng biện pháp thông thường và bên bán đã biết hoặc phải biết về các khiếm khuyết đó nhưng không thông báo cho bên mua.
Bên mua có quyền từ chối nhận hàng nếu hàng hóa không phù hợp với hợp đồng, thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Không phù hợp với mục đích sử dụng thông thường của các hàng hóa cùng chủng loại.
- Không phù hợp với bất kỳ mục đích cụ thể nào mà bên mua đã cho bên bán biết hoặc bên bán phải biết vào thời điểm giao kết hợp đồng.
- Không bảo đảm chất lượng như chất lượng của mẫu hàng hóa mà bên bán đã giao cho bên mua.
- Không được bảo quản, đóng gói theo cách thức thông thường đối với loại hàng hóa đó hoặc không theo cách thức thích hợp để bảo quản hàng hóa trong trường hợp không có cách thức bảo quản thông thường.
Bên bán không chịu trách nhiệm về bất kỳ khiếm khuyết nào của hàng hóa không phù hợp với hợp đồng nếu vào thời điểm giao kết hợp đồng bên mua đã biết hoặc phải biết về những khiếm khuyết đó. Trong thời hạn khiếu nại, bên bán phải chịu trách nhiệm về bất kỳ khiếm khuyết nào của hàng hóa đã có trước thời điểm chuyển rủi ro cho bên mua, kể cả trường hợp khiếm khuyết đó được phát hiện sau thời điểm chuyển rủi ro. Bên bán phải chịu trách nhiệm về khiếm khuyết của hàng hóa phát sinh sau thời điểm chuyển rủi ro nếu khiếm khuyết đó do bên bán vi phạm hợp đồng.
Bên mua có nghĩa vụ thanh toán tiền mua hàng và nhận hàng theo thỏa thuận, phải tuân thủ phương thức thanh toán, thực hiện việc thanh toán theo trình tự, thủ tục đã thỏa thuận và theo quy định của pháp luật. Bên mua vẫn phải thanh toán tiền mua hàng trong trường hợp hàng hóa mất mát hư hỏng sau thời điểm rủi ro được chuyển từ bên bán sang bên mua, trừ trường hợp mất mát, hư hỏng do lỗi của bên bán gây ra.
Bên mua có quyền ngừng thanh toán tiền mua hàng nếu:
- Có bằng chứng về việc bên bán lừa dối thì có quyền tạm ngừng việc thanh toán.
- Có bằng chứng về việc hàng hóa đang là đối tượng bị tranh chấp thì có quyền tạm ngừng thanh toán cho đến khi việc tranh chấp đã được giải quyết.
- Có bằng chứng về việc bên bán đã giao hàng không phù hợp với hợp đồng thì có quyền tạm ngừng thanh toán cho đến khi bên bán đã khắc phục sự không phù hợp đó; nếu bằng chứng do bên mua đưa ra không xác thực, gây thiệt hại cho bên bán thì bên mua phải bồi thường thiệt hại đó và chịu các chế tài khác theo quy định.
Trường hợp không có thỏa thuận về giá hàng hóa, không có thỏa thuận về phương pháp xác định giá và cũng không có bất kỳ chỉ dẫn nào khác về giá thì giá của hàng hóa được xác định theo giá của loại hàng hóa đó trong các điều kiện tương tự về phương thức giao hàng, thời điểm mua bán hàng hóa, thị trường địa lý, phương thức thanh toán và các điều kiện khác có ảnh hưởng đến giá. Nếu giá được xác định theo trọng lượng của hàng hóa thì trọng lượng đó là trọng lượng tịnh.
Trường hợp không có thỏa thuận về địa điểm thanh toán cụ thể thì bên mua phải thanh toán cho bên bán tại một trong các địa điểm sau đây:
- Địa điểm kinh doanh của bên bán được xác định vào thời điểm giao kết hợp đồng, nếu không có địa điểm kinh doanh thì tại nơi cư trú của bên bán.
- Địa điểm giao hàng hoặc giao chứng từ, nếu việc thanh toán được tiến hành đồng thời với việc giao hàng hoặc giao chứng từ.
Bên mua phải thanh toán cho bên bán vào thời điểm bên bán giao hàng hoặc giao chứng từ liên quan đến hàng hóa; không có nghĩa vụ thanh toán cho đến khi có thể kiểm tra xong hàng hóa trong trường hợp có thỏa thuận kiểm tra khi giao nhận.
Bên mua có nghĩa vụ nhận hàng theo thỏa thuận và thực hiện những công việc hợp lý để giúp bên bán giao hàng. Nếu bên bán có nghĩa vụ giao hàng cho bên mua tại một địa điểm nhất định thì rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hóa được chuyển cho bên mua khi hàng hóa đã được giao cho bên mua hoặc người được bên mua uỷ quyền đã nhận hàng tại địa điểm đó, kể cả trong trường hợp bên bán được uỷ quyền giữ lại các chứng từ xác lập quyền sở hữu đối với hàng hóa. Nếu hợp đồng có quy định về việc vận chuyển hàng hóa và bên bán không có nghĩa vụ giao hàng tại một địa điểm nhất định thì rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hóa được chuyển cho bên mua khi hàng hóa đã được giao cho người vận chuyển đầu tiên. Nếu hàng hóa đang được người nhận hàng để giao nắm giữ mà không phải là người vận chuyển thì rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hóa được chuyển cho bên mua thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Khi bên mua nhận được chứng từ sở hữu hàng hóa.
- Khi người nhận hàng để giao xác nhận quyền chiếm hữu hàng hóa của bên mua.
Nếu đối tượng của hợp đồng là hàng hóa đang trên đường vận chuyển thì rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hóa được chuyển cho bên mua kể từ thời điểm giao kết hợp đồng. Trong các trường hợp khác thì rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hóa được chuyển cho bên mua, kể từ thời điểm hàng hóa thuộc quyền định đoạt của bên mua và bên mua vi phạm hợp đồng do không nhận hàng; rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hóa không được chuyển cho bên mua, nếu hàng hóa không được xác định rõ ràng bằng ký mã hiệu, chứng từ vận tải, không được thông báo cho bên mua hoặc không được xác định bằng bất kỳ cách thức nào khác. Quyền sở hữu được chuyển giao từ bên bán sang bên mua kể từ thời điểm hàng hóa được chuyển giao.
---------------------------------------
Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Hợp đồng mua bán hàng hóa về sự thỏa thuận bằng văn bản có tính chất pháp lý được hình thành trên cơ sở một cách bình đẳng, tự nguyện giữa các chủ thể nhằm xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt một quan hệ trao đổi hàng hóa..
Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn Hợp đồng mua bán hàng hóa. Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm nhiều tài liệu Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học khác để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.