Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Hướng dẫn cảm thụ văn học lớp 3 bài Nhà bố ở

Cảm thụ văn học bài Nhà bố ở - Tiếng Việt lớp 3

Cảm thụ văn học lớp 3 bài Nhà bố ở là tài liệu tham khảo giúp các em học sinh có thêm nhiều vốn từ phong phú để cảm nhận tốt về bài đọc, hiểu được nội dung chính của bài văn. Tài liệu này sẽ giúp các em rèn luyện thêm kỹ năng viết văn và cách hoàn thành những bài văn cảm thụ hoàn chỉnh.

Cảm thụ văn học lớp 3 bài Nhà bố ở

Nhà bố ở

Nghỉ hè, Páo đi thăm bố

Ngọn núi ở lại cùng mây

Mặt trời theo về thành phố

Tiếng suối nhoà dần sau cây.

Con đường sao mà rộng thế

Sông sâu chẳng lội được qua

Người, xe đi như gió thổi

Ngước lên mới thấy mái nhà.

Nhà cao sừng sững như núi

Mấy trăm cửa sổ gió reo

Đường lên đi vào trong ruột

Quanh co như Páo leo đèo.

Bố ở tầng năm chót vót

Gió như đỉnh núi bản ta

Sớm chiều xuống lên thang gác

Nhớ sao đèo dốc quê nhà…

(Nguyễn Thái Vận)

Cách đọc

Đọc với giọng ngạc nhiên, ngỡ ngàng, thể hiện được tâm trạng của bạn nhỏ lần đầu tiên về thăm bố ở thành phố. Ngắt nhịp đúng theo dấu câu, nghỉ hơi giữa các dòng, các khổ thơ. Đọc đúng ngữ điệu: khổ 1 giọng kể thong thả, chậm rãi theo bước chân của Páo; khổ 2, 3 ngạc nhiên, háo hức; khổ cuối đọc với giọng tha thiết, nhớ thương quê nhà.

Gợi ý cảm thụ

Nguyễn Thái Vận đã từng tình nguyện lên dạy học ở vùng núi Cao Bằng. Thầy giáo – nhà thơ đã nếm trải những ngày gian khổ, khó khăn nhưng đầy tình cảm thân thiết, gắn bó với người dân miền núi, đặc biệt là các em nhỏ con em đồng bào các dân tộc ở Cao Bằng như em Páo trong bài thơ.

Bạn Páo sống ở miền núi lần đầu tiên về thành phố thăm bố. Bố sống ở một phòng tận tầng năm. Páo nhìn thành phố bằng con mắt của người miền núi, luôn so sánh cảnh, vật ở thành phố với cảnh, vật quê mình.

Khổ 1: Giới thiệu sự việc Páo về thành phố thăm bố

Mở đầu bài thơ là một tín hiệu thời gian thông qua sự việc Páo được “nghỉ hè”, được đi thăm bố. Cả khổ thơ là một cuộc chia tay đầy lưu luyến của Páo với núi rừng. Qua cách miêu tả của nhà thơ, ngọn núi – mây – mặt trời – suối – cây dường như đều là những người bạn rất thân thiết của Páo. Tất cả đều ở lại, chỉ có mặt trời là theo Páo cùng về thành phố với bố thôi. Biện pháp nhân hoá cho thấy phần nào tình cảm gắn bó, yêu mến núi rừng quê hương của bạn Páo. Chúng ta có cảm giác như được cùng Páo xuống núi, cùng vừa đi vừa tạm biệt núi rừng thân yêu. Bản làng, mây trời lùi lại phía sau bước chân Páo và tiếng suối cũng cứ “nhoà dần sau cây”…

Khổ 2, 3: Tâm trạng, suy nghĩ của Páo khi về thành phố

Páo thấy cái gì cũng vô cùng lạ lẫm : đường quá rộng, sông quá sâu (không lội qua được như suối), người xe lướt qua nhanh như gió thổi, mái nhà quá cao, có hàng trăm cửa sổ. Hai khổ thơ có đến ba hình ảnh so sánh:

– Người, xe đi như gió thổi

– Nhà cao sừng sững như núi

– Đường lên đi vào trong ruột

Quanh co như Páo leo đèo.

Điều đó cho thấy, trong suy nghĩ của Páo luôn có những so sánh đối chiếu giữa thành phố với rừng núi quê hương em. Ở khổ cuối cũng vậy, Páo say sưa miêu tả nhà bố ở trong sự đối sánh với quê nhà.

Khổ 4: Nhà bố ở

Khổ cuối bài thơ, nhà thơ mới miêu tả cụ thể về nhà bố ở: nhà cao giống như trái núi, bố ở tầng năm gió lộng, gió cũng giống như gió trên đỉnh núi; lên xuống thang gác như leo đèo khiến em thấy nhớ đèo dốc quê nhà. Bố Páo về dưới xuôi công tác, Páo chỉ đợi đến nghỉ hè mới được đi thăm bố. Nhưng dù cho thành phố có làm em ngỡ ngàng, ngạc nhiên đến bao nhiêu, có đẹp đẽ, hiện đại đến bao nhiêu cũng không thể nào thay thế được hình ảnh quê hương luôn ở trong tâm trí em. Páo yêu núi rừng, làng bản, yêu tiếng suối trong, yêu từng con đèo, con dốc mà hằng ngày em vẫn đi qua.

Bài thơ cho ta thấy một cách nhìn, cách cảm nhận của một em nhỏ người dân tộc thiểu số về sự khác biệt giữa cuộc sống ở thành phố với cuộc sống ở vùng núi cao phía bắc. Nhưng trên hết là tình yêu quê hương đất nước thiết tha của em nhỏ người dân tộc có tâm hồn trong sáng, đẹp đẽ. Qua bài thơ, ta cũng thấy được tấm lòng nhân hậu của nhà thơ với con trẻ, ông luôn nâng niu, trân trọng những nét đẹp trong tâm hồn các em. Biện pháp so sánh, nhân hoá được sử dụng nhiều trong bài đã tạo nên sự phong phú, sống động, biểu cảm của hình ảnh, làm cho bài thơ giàu sức gợi, giàu liên tưởng, tưởng tượng. Cách diễn đạt của nhà thơ thể hiện được cách nói chân thực, giàu hình ảnh của người miền núi.

Nếu các em từng được lên vùng núi phía bắc, các em sẽ thấy những hình ảnh trong bài thơ này thật đẹp, nên thơ, các em cũng sẽ hiểu tại sao bạn Páo lại yêu và nhớ quê nhà da diết đến thế khi bạn về chơi thăm thành phố.

Ngoài tài liệu môn Tiếng Việt lớp 3 trên, các em học sinh có thể tham khảo thêm các dạng Đề thi học kì 1 lớp 3Đề thi học kì 2 lớp 3 mới nhất được cập nhật.

Đánh giá bài viết
1 154
Sắp xếp theo

    Tiếng Việt lớp 3 Chương trình mới

    Xem thêm