Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Khái niệm và vị trí của gia đình

Chúng tôi xin giới thiệu bài Khái niệm và vị trí của gia đình được VnDoc sưu tầm và tổng hợp nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức lý thuyết môn Chủ nghĩa xã hội khoa học để hoàn thành học phần của mình một cách hiệu quả.

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.

Bài: Khái niệm và vị trí của gia đình

Khái niệm gia đình

Gia đình là một cộng đồng người đặc biệt, có vai trò quyết định đến sự tồn tại và phát triển của xã hội. C.Mác và Ph.Ăngghen, khi đề cập đến gia đình đã cho rằng: “Quan hệ thứ ba tham dự ngay từ đầu vào quá trình phát triển lịch sử: hàng ngày tái tạo ra đời sống của bản thân mình, con người bắt đầu tạo ra những người khác, sinh sôi, nảy nở - đó là quan hệ giữa chồng và vợ, cha mẹ và con cái, đó là gia đình”. Cơ sở hình thành gia đình là hai mối quan hệ cơ bản, quan hệ hôn nhân (vợ và chồng) và quan hệ huyết thống (cha mẹ và con cái…). Những mối quan hệ này tồn tại trong sự gắn bó, liên kết, ràng buộc và phụ thuộc lẫn nhau, bởi nghĩa vụ, quyền lợi và trách nhiệm của mỗi người, được quy định bằng pháp lý hoặc đạo lý.

Quan hệ hôn nhân là cơ sở, nền tảng hình thành nên các mối quan hệ khác trong gia đình, là cơ sở pháp lý cho sự tồn tại của mỗi gia đình. Quan hệ huyết thống là quan hệ giữa những người cùng một dòng máu, nảy sinh từ quan hệ hôn nhân. Đây là mối quan hệ tự nhiên, là yếu tố mạnh mẽ nhất gắn kết các thành viên trong gia đình với nhau.

Trong gia đình, ngoài hai mối quan hệ cơ bản là quan hệ giữa vợ và chồng, quan hệ giữa cha mẹ với con cái, còn có các mối quan hệ khác, quan hệ giữa ông bà với cháu chắt, giữa anh chị em với nhau, giữa cô, dì, chú bác với cháu v.v.. Ngày nay, ở Việt Nam cũng như trên thế giới còn thừa nhận quan hệ cha mẹ nuôi (người đỡ đầu) với con nuôi (được công nhận bằng thủ tục pháp lý) trong quan hệ gia đình. Dù hình thành từ hình thức nào, trong gia đình tất yếu nảy sinh quan hệ nuôi dưỡng, đó là sự quan tâm chăm sóc nuôi dưỡng giữa các thành viên trong gia đình cả về vật chất và tinh thần. Nó vừa là trách nhiệm, nghĩa vụ, vừa là một quyền lợi thiêng liêng giữa các thành viên trong gia đình. Trong xã hội hiện đại, hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc của gia đình được xã hội quan tâm chia sẻ, xong không thể thay thế hoàn toàn sự chăm sóc, nuôi dưỡng của gia đình.

Các quan hệ này có mối liên hệ chặt chẽ với nhau và biến đổi, phát triển phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế và thể chế chính trị-xã hội

Như vậy, gia đình là một hình thức cộng đồng xã hội đặc biệt, được hình thành, duy trì và củng cố chủ yếu dựa trên cơ sở hôn nhân, quan hệ huyết thống và quan hệ nuôi dưỡng, cùng với những quy định về quyền và nghĩa vụ của các thành viên trong gia đình.

Vị trí của gia đình trong xã hội

Gia đình là tế bào của xã hội

Gia đình có vai trò quyết định đối với sự tồn tại, vận động và phát triển của xã hội. Ph.Ăngghen đã chỉ rõ: “Theo quan điểm duy vật thì nhân tố quyết định trong lịch sử, quy cho đến cùng, là sản xuất và tái sản xuất ra đời sống trực tiếp. Nhưng bản thân sự sản xuất đó lại có hai loại. Một mặt là sản xuất ra tư liệu sinh hoạt: thực phẩm, quần áo, nhà ở và những công cụ cần thiết để sản xuất ra những thứ đó; mặt khác là sự sản xuất ra bản thân con người, là sự truyền nòi giống. Những trật tự xã hội, trong đó những con người của một thời đại lịch sử nhất định và của một nước nhất định đang sống, là do hai loại sản xuất quyết định: một mặt là do trình độ phát triển của lao động và mặt khác là do trình độ phát triển của gia đình”.

Với việc sản xuất ra tư liệu tiêu dùng, tư liệu sản xuất, tái sản xuất ra con người, gia đình như một tế bào tự nhiên, là một đơn vị cơ sở để tạo nên cơ thể - xã hội. Không có gia đình để tái tạo ra con người thì xã hội không thể tồn tại và phát triển được. Vì vậy, muốn có một xã hội phát triển lành mạnh thì phải quan tâm xây dựng tế bào gia đình tốt, như chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “… nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội chính là gia đình”.

Tuy nhiên, mức độ tác động của gia đình đối với xã hội lại phụ thuộc vào bản chất của từng chế độ xã hội, vào đường lối, chính sách của giai cấp cầm quyền, và phụ thuộc vào chính bản thân mô hình, kết cấu, đặc điểm của mỗi hình thức gia đình trong lịch sử. Vì vậy, trong mỗi giai đoạn của lịch sử, tác động của gia đình đối với xã hội không hoàn toàn giống nhau. Trong các xã hội dựa trên cơ sở của chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất, sự bất bình đẳng trong quan hệ xã hội và quan hệ gia đình đã hạn chế rất lớn đến sự tác động của gia đình đối với xã hội. Chỉ khi con người được yên ấm, hòa thuận trong gia đình, thì mới có thể yên tâm lao động, sáng tạo và đóng góp sức mình cho xã hội và ngược lại. Chính vì vậy, quan tâm xây dựng quan hệ xã hội, quan hệ gia đình bình đẳng, hạnh phúc là vấn đề hết sức quan trọng trong cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Gia đình là tổ ấm, mang lại các giá trị hạnh phúc, sự hài hòa trong đời sống cá nhân của mỗi thành viên

Từ khi còn nằm trong bụng mẹ, đến lúc lọt lòng và suốt cả cuộc đời, mỗi cá nhân đều gắn bó chặt chẽ với gia đình. Gia đình là môi trường tốt nhất để mỗi cá nhân được yêu thương, nuôi dưỡng, chăm sóc, trưởng thành, phát triển. Sự yên ổn, hạnh phúc của mỗi gia đình là tiền đề, điều kiện quan trọng cho sự hình thành, phát triển nhân cách, thể lực, trí lực để trở thành công dân tốt cho xã hội. Chỉ trong môi trường yên ấm của gia đình, cá nhân mới cảm thấy bình yên, hạnh phúc, có động lực để phấn đấu trở thành con người xã hội tốt.

Gia đình là cầu nối giữa cá nhân với xã hội

Gia đình là cộng đồng xã hội đầu tiên mà mỗi cá nhân sinh sống, có ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành và phát triển nhân cách của từng người. Chỉ trong gia đình, mới thể hiện được quan hệ tình cảm thiêng liêng, sâu đậm giữa vợ và chồng, cha mẹ và con cái, anh chị em với nhau mà không cộng đồng nào có được và có thể thay thế.

Tuy nhiên, mỗi cá nhân lại không thể chỉ sống trong quan hệ tình cảm gia đình, mà còn có nhu cầu quan hệ xã hội, quan hệ với những người khác, ngoài các thành viên trong gia đình. Mỗi cá nhân không chỉ là thành viên của gia đình mà còn là thành viên của xã hội. Quan hệ giữa các thành viên trong gia đình đồng thời cũng là quan hệ giữa các thành viên của xã hội. Không có cá nhân bên ngoài gia đình, cũng không thể có cá nhân bên ngoài xã hội. Gia đình là cộng đồng xã hội đầu tiên đáp ứng nhu cầu quan hệ xã hội của mỗi cá nhân. Gia đình cũng chính là môi trường đầu tiên mà mỗi cá nhân học được và thực hiện quan hệ xã hội.

Ngược lại, gia đình cũng là một trong những cộng đồng để xã hội tác động đến cá nhân. Nhiều thông tin, hiện tượng của xã hội thông qua lăng kính gia đình mà tác động tích cực hoặc tiêu cực đến sự phát triển của mỗi cá nhân về tư tưởng, đạo đức, lối sống, nhân cách v.v.. Xã hội nhận thức đầy đủ và toàn diện hơn về mỗi cá nhân khi xem xét họ trong các quan hệ xã hội và quan hệ với gia đình. Có những vấn đề quản lý xã hội phải thông qua hoạt động của gia đình để tác động đến cá nhân. Nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi cá nhân được thực hiện với sự hợp tác của các thành viên trong gia đình. Chính vì vậy, ở bất cứ xã hội nào, giai cấp cầm quyền muốn quản lý xã hội theo yêu cầu của mình, cũng đều coi trọng việc xây dựng và củng cố gia đình. Vậy nên, đặc điểm của gia đình ở mỗi chế độ xã hội có khác nhau. Trong xã hội phong kiến, để củng cố, duy trì chế độ bóc lột, với quan hệ gia trưởng, độc đoán, chuyên quyền đã có những quy định rất khắt khe đối với phụ nữ, đòi hỏi người phụ nữ phải tuyệt đối trung thành với người chồng, người cha - những người đàn ông trong gia đình. Trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, để xây dựng một xã hội thật sự bình đẳng, con người được giải phóng, giai cấp công nhân chủ trương bảo vệ chế độ hôn nhân một vợ một chồng, thực hiện sự bình đẳng trong gia đình, giải phóng phụ nữ. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”. Vì vậy, quan hệ gia đình trong chủ nghĩa xã hội có đặc điểm khác về chất so với các chế độ xã hội trước đó.

---------------------------------------

Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Khái niệm và vị trí của gia đình về nền tảng hình thành nên các mối quan hệ khác trong gia đình, là cơ sở pháp lý cho sự tồn tại của mỗi gia đình..

Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn lý thuyết bài Khái niệm và vị trí của gia đình. Các bạn có thể tham khảo thêm một số tài liệu thuộc các chuyên ngành khác trong Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Cao đẳng - Đại học

    Xem thêm