Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Khung pháp lý về TMĐT của Việt Nam

Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài Khung pháp lý về TMĐT của Việt Nam được VnDoc sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức môn học một cách tốt hơn để có thể học và hoàn thành bài thi môn học một cách hiệu quả.

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.

1. Luật công nghệ thông tin

Cùng với Luật Giao dịch điện tử, Luật Công nghệ thông tin đã thiết lập nền tảng pháp lý cơ bản cho việc đẩy mạnh giao dịch điện tử nói chung và thương mại điện tử nói riêng.

Luật Công nghệ thông tin được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29/6/2006 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2007. Luật CNTT gồm 6 chương, 79 điều. Chương (Ứng dụng công nghệ thông tin) và Chương IV (Biện pháp bảo đảm ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin) của Luật này bao gồm nhiều quy định liên quan trực tiếp đến ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thương mại, hoạt động của các cơ quan nhà nước và trong một số lĩnh vực khác của đời sống xã hội.

Luật Công nghệ thông tin ra đời đã tạo hành lang pháp lý cơ bản để điều chỉnh các hoạt động ứng dụng và phát triển CNTT, tạo điều kiện thuận lợi để từng bước phát triển kinh tế tri thức, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh. Mặt khác, việc ban hành Luật CNTT nhằm tạo sự đồng bộ với các quy định trong các đạo luật có liên quan đồng thời tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp, đáp ứng yêu cầu hội nhập, thực hiện các cam kết quốc tế với ASEAN, APEC, WTO…

2. Luật giao dịch điện tử

Luật Giao dịch điện tử đã chính thức đặt nền tảng đầu tiên cho việc thiết lập một hệ thống văn bản pháp quy toàn diện về giao dịch điện tử tại Việt Nam. Sau khi Luật được ban hành, trong hai năm 2006 và 2007 hàng loạt văn bản dưới luật đã ra đời nhằm điều chỉnh chi tiết việc triển khai giao dịch điện tử trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Cùng một số văn bản được ban hành từ năm 2005 trở về trước, những văn bản ra đời trong 2 năm gần đây đã tạo nên một khung pháp lý tương đối toàn diện cho giao dịch điện tử nói chung và thương mại điện tử nói riêng tại Việt Nam, đặc biệt là 4 Chỉ thị hướng dẫn Luật Giao dịch điện tử và 3 Chỉ thị hướng dẫn Luật Công nghệ thông tin. Nếu trước năm 2005, phần lớn văn bản được ban hành chỉ liên quan đến những vấn đề kỹ thuật công nghệ thông tin, thì các văn bản ban hành sau Luật Giao dịch điện tử đã mở rộng diện điều chỉnh đến những ứng dụng cụ thể như thương mại, hải quan, tài chính, hành chính nhà nước, v.v... Đây là những ứng dụng nền tảng của xã hội và là tiền đề cho việc triển khai các quy trình thương mại điện tử hoàn chỉnh ở cấp độ doanh nghiệp trong thời gian tới.

Ngoài tác động trực tiếp đưa đến sự ra đời các văn bản hướng dẫn cho những vấn đề cụ thể trong triển khai ứng dụng giao dịch điện tử, tác động sâu xa hơn của Luật Giao dịch điện tử là đã đưa khái niệm “thông điệp dữ liệu” và “chứng từ điện tử” vào những bộ luật cơ bản của hệ thống pháp luật hiện hành. Bộ luật Dân sự sửa đổi và Luật Thương mại sửa đổi, được biên soạn song song với Luật Giao dịch điện tử, đều bổ sung quy định thừa nhận giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu trong các giao dịch dân sự và thương mại.

3. Nghị định số 57/2006/NĐ-CP về thương mại điện tử

Nghị định về Thương mại điện tử là Nghị định đầu tiên hướng dẫn Luật Giao dịch điện tử, được ban hành vào ngày 9/6/2006. Với việc thừa nhận chứng từ điện tử có giá trị pháp lý tương đương chứng từ truyền thống trong mọi hoạt động thương mại từ chào hàng, chấp nhận chào hàng, giao kết hợp đồng cho đến thực hiện hợp đồng, Nghị định này đã tạo hành làng pháp lý để các doanh nghiệp yên tâm tiến hành giao dịch thương mại điện tử, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia, đồng thời cũng là căn cứ pháp lý để xét xử khi có tranh chấp liên quan đến hoạt động thương mại điện tử.

Trong năm 2007 các cơ quan quản lý nhà nước đã tiến hành soạn thảo hai thông tư hướng dẫn Nghị định Thương mại điện tử. Đó là Thông tư của Bộ Công Thương về giao kết hợp đồng trên website thương mại điện tử và Thông tư liên tịch Bộ Công Thương – Bộ Y tế hướng dẫn việc bán thuốc qua các phương tiện điện tử. Đến cuối năm 2007, hai thông tư này đã cơ bản hoàn thành về mặt nội dung và được đưa ra xin ý kiến rộng rãi của doanh nghiệp trước khi chính thức ban hành.

Thông tư hướng dẫn Nghị định số 57/2006/NĐ-CP về Thương mại điện tử về giao kết hợp đồng trên website thương mại điện tử được xây dựng trong bối cảnh số lượng website thương mại điện tử đang gia tăng nhanh chóng tại Việt Nam. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật hiện vẫn chưa điều chỉnh về quy tắc giao dịch cũng như mô hình hoạt động của các website thương mại điện tử. Mọi giao dịch được tiến hành một cách tự phát và không có cơ sở pháp lý để giải quyết những tranh chấp phát sinh. Vì vậy, Thông tư được xây dựng nhằm thiết lập những nguyên tắc và chuẩn mực chung cho các website thương mại điện tử, nâng cao tính minh bạch của môi trường giao dịch, đồng thời giúp bảo vệ và cân bằng lợi ích của các bên tham gia.

Nội dung chính của Thông tư gồm những quy định về quy trình giao kết hợp đồng trên website thương mại điện tử, thời điểm giao kết và giá trị pháp lý của hợp đồng giao kết bằng chức năng đặt hàng trực tuyến; nguyên tắc chung và những quy định cụ thể về cung cấp thông tin liên quan đến các điều khoản hợp đồng. Thông tư cũng quy định chi tiết các cơ chế bảo vệ quyền lợi khách hàng trên website thương mại điện tử như cơ chế rà soát và xác nhận điều khoản hợp đồng, thủ tục chấm dứt hợp đồng, giải quyết tranh chấp và nghĩa vụ bảo vệ thông tin cá nhân của khách hàng trên website thương mại điện tử.

Văn bản thứ hai hướng dẫn Nghị định số 57/2006/NĐ-CP về Thương mại điện tử được xây dựng trong năm 2007 là Thông tư liên tịch Bộ Công Thương – Bộ Y tế hướng dẫn việc bán buôn thuốc qua các phương tiện điện tử. Thuốc là mặt hàng thích hợp cho mua bán trực tuyến vì có giá trị cao, khối lượng nhỏ. Việc bán thuốc và công khai giá thuốc trên mạng Internet sẽ giúp người dân cũng như doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các nguồn thuốc khác nhau, góp phần bình ổn giá thuốc trên thị trường. Mặt khác, thuốc chữa bệnh là mặt hàng kinh doanh đặc biệt, trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng con người nên cũng cần có những quy định riêng, tránh việc lợi dụng bán thuốc qua mạng để có hành vi gian lận, lừa dối khách hàng. Cho tới nay đã có một số doanh nghiệp đầu tư thiết lập website bán thuốc qua mạng. Tuy nhiên, do chưa có cơ sở pháp lý để điều chỉnh hoạt động bán thuốc qua mạng nên những doanh nghiệp này mặc dù đã thiết lập website vẫn chưa thể tiến hành kinh doanh trong thực tế.

Nghị định 79/2006/NĐ-CP ngày 9/8/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Dược cũng đã đề cập đến việc bán thuốc qua mạng. Khoản 4c Điều 43 của Nghị định quy định rõ: “Bộ Thương mại phối hợp với Bộ Y tế xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền và triển khai thực hiện các quy định pháp luật về thương mại điện tử trong lĩnh vực kinh doanh thuốc”.

4. Nghị định số 26/2007/NĐ-CP về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số

Nghị định số 26/2007/NĐ-CP được ban hành ngày 15/2/2007. Nghị định này quy định về chữ ký số và các nội dung cần thiết liên quan đến sử dụng chữ ký số, bao gồm chứng thư số và việc quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số. Đây là những quy định nền tảng để thiết lập một cơ chế đảm bảo an ninh an toàn cũng như độ tin cậy của các giao dịch điện tử, thúc đẩy thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ hơn.

5. Nghị định số 27/2007/NĐ-CP về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính

Ngày 23/2/2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 27/2007/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính. Nghị định này ra đời nhằm đảm bảo các điều kiện cần thiết để hình thành và phát triển một môi trường giao dịch điện tử an toàn, hiệu quả, giúp Chính phủ quản lý được giao dịch điện tử trong hoạt động nghiệp vụ tài chính, giảm thiểu hậu quả xấu phát sinh trong giao dịch điện tử như trốn thuế, gian lận khi lập hóa đơn chứng từ, v.v…, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình cải cách của ngành tài chính trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin.

Nghị định gồm 25 điều chia thành 5 chương và điều chỉnh hai nội dung chính sau:

- Chứng từ điện tử (Chương 2): quy định giá trị pháp lý của chứng từ điện tử; việc ký, mã hóa, chuyển đổi, hủy, tiêu hủy, niêm phong, tạm giữ hoặc tịch thu chứng từ điện tử; việc sử dụng hệ thống thông tin tự động để gửi, nhận, và xử lý chứng từ điện tử.

- Giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính (Chương 3): quy định về trách nhiệm, quyền hạn của tổ chức, cá nhân khi tham gia giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính; tổ chức cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng; dịch vụ chứng thực chữ ký số trong hoạt động tài chính; bảo đảm môi trường thực hiện giao dịch điện tử trong ngành tài chính và giữa tổ chức, cá nhân với ngành tài chính; quản lý nhà nước về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính.

6. Nghị định số 35/2007/NĐ-CP về giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng

Ngân hàng là một trong những lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin sớm nhất ở Việt Nam. Giao dịch điện tử đã được triển khai trong hoạt động nghiệp vụ ngân hàng từ cuối những năm 1990. Quyết định 196/TTg ngày 1/4/1997 và Quyết định 44/2002/TTg ngày 21/3/2002 của Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng chứng từ điện tử và chữ ký điện tử trong nghiệp vụ kế toán và thanh toán ngân hàng có thể coi là những văn bản pháp lý đầu tiên liên quan đến giao dịch điện tử tại Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ với sự ra đời của Nghị định về Giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng, khung pháp lý cho lĩnh vực này mới cơ bản được hoàn thành, đặt nền móng cho quá trình mở rộng triển khai giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng và phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử, hỗ trợ hiệu quả các giải pháp thanh toán cho thương mại điện tử tại Việt Nam.

Nghị định số 35/2007/NĐ-CP ngày 8/3/2007 về Giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng là Nghị định thứ ba liên tiếp được ban hành trong năm 2007 nhằm hướng dẫn Luật Giao dịch điện tử. Nghị định này tập trung hướng dẫn việc áp dụng Luật Giao dịch điện tử cho các hoạt động ngân hàng cụ thể, bảo đảm những điều kiện cần thiết về môi trường pháp lý để củng cố, phát triển các giao dịch điện tử an toàn và hiệu quả đối với hệ thống ngân hàng.

Nghị định gồm 5 chương, 29 điều, với hai nội dung điều chỉnh chính như sau:

- Giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng (Chương 2): xác định phạm vi các giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng; quy định về điều kiện giao dịch điện tử; quy định các loại chữ ký điện tử sử dụng trong hoạt động ngân hàng và tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử.

- Chứng từ điện tử trong hoạt động ngân hàng (Chương 3): hướng dẫn bổ sung, làm rõ những quy định về nội dung, tính hợp pháp, hợp lệ, định dạng của chứng từ điện tử; nguyên tắc lập, kiểm soát, xử lý, sử dụng, chuyển đổi, lưu trữ, bảo quản chứng từ điện tử trong giao dịch điện tử ngân hàng; việc ký và giá trị của chữ ký điện tử trên chứng từ điện tử.

---------------------------------------

Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Khung pháp lý về TMĐT của Việt Nam về đặc điểm của luật giao dịch điện tử, giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng, giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính, chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số, luật công nghệ thông tin...

Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn Khung pháp lý về TMĐT của Việt Nam. Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm nhiều tài liệu Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học khác để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Cao đẳng - Đại học

    Xem thêm