Lý thuyết Địa lý 11 Kết nối tri thức bài 30
Lý thuyết Địa lí lớp 11 bài 30: Vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên, dân cư và xã hội Cộng hòa Nam Phi được VnDoc sưu tầm và tổng hợp các câu hỏi lí thuyết và trắc nghiệm có đáp án đi kèm nằm trong chương trình giảng dạy môn Địa lý lớp 11 sách Kết nối tri thức.
Bài: Vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên, dân cư và xã hội Cộng hòa Nam Phi
A. Lý thuyết Địa lí 11 bài 30
I. Vị trí địa lí
♦ Đặc điểm
- Phạm vi lãnh thổ:
+ Diện tích khoảng 1.2 triệu km2.
+ Lãnh thổ phần đất liền trải dài theo chiều vĩ tuyến từ khoảng vĩ độ 22°N đến gần vĩ độ 35°N và theo chiều kinh tuyến từ khoảng kinh độ 17°Đ đến kinh độ 33°Đ.
- Vị trí địa lí:
+ Nằm hoàn toàn ở bán cầu Nam, là vùng đất cuối cùng ở phía nam châu Phi;
+ Có chung biên giới với 6 quốc gia là Na-mi-bi-a, Bốt-xoa-na, Dim-ba-bu-ê, Mô-dăm-bích, E-xoa-ti-ni, Lê-xô-thô và tiếp giáp hai đại dương là: Tây Dương và Ấn Độ Dương.
+ Án ngữ con đường biển quan trọng giữa Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương.
♦ Ảnh hưởng: Vị trí địa lí của Cộng hòa Nam Phi tạo thuận lợi để phát triển kinh tế biển, giao lưu kinh tế - xã hội với các nước trên thế giới.
II. Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên
1. Địa hình và đất
♦ Phần lớn lãnh thổ Cộng hòa Nam Phi có địa hình cao nguyên với độ cao trung bình khoảng 2 000 m. Địa hình có thể chia thành ba khu vực chính:
- Khu vực nội địa:
+ Địa hình cao nguyên tương đối bằng phẳng với nhiều bậc địa hình.
+ Đất ở khu vực này chủ yếu là đất xám hoang mạc và bán hoang mạc, đất xa van, khô cằn, ít dinh dưỡng, không thuận lợi cho trồng trọt, một phần nhỏ diện tích có thể phát triển đồng cỏ để chăn nuôi gia súc.
- Khu vực ven biển và thung lũng các sông:
+ Địa hình đồng bằng.
+ Đất màu mỡ thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp và cư trú.
- Dãy Đrê-ken-béc:
+ Dài hơn 1.000 km, hình thành ranh giới ngăn cách giữa các cao nguyên rộng lớn trong nội địa với các đồng bằng và vùng thấp ven Ấn Độ Dương.
+ Địa hình núi chia cắt gây khó khăn cho giao thông và kết nối thị trường trong nước.
2. Khí hậu
♦ Đặc điểm:
- Nằm trong các đới khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt;
- Có sự phân hóa giữa phía bắc với phía nam, giữa ven biển phía tây và ven biển phía đông, giữa vùng ven biển với vùng nội địa.
+ Vùng nội địa và duyên hải phía tây có khí hậu nhiệt đới lục địa khô hạn, lượng mưa ít, cảnh quan chủ yếu là hoang mạc, xa van, cây bụi,… chỉ phù hợp để phát triển chăn nuôi gia súc.
+ Vùng duyên hải đông nam có khí hậu nhiệt đới ẩm, lượng mưa hàng năm khá cao, thuận lợi trong các loại cây công nghiệp và cây ăn quả.
+ Vùng ven biển phía nam có khí hậu cận nhiệt địa trung hải, thuận lợi trong các loại cây ăn quả cận nhiệt như nho, cam, chanh….
♦ Ảnh hưởng:
- Tạo điều kiện cho Cộng hòa Nam Phi có cơ cấu cây trồng, vật nuôi đa dạng, đặc biệt là các loại cây trồng nhiệt đới, cận nhiệt có giá trị xuất khẩu.
- Khí hậu tương đối khô hạn, chỉ khoảng 1/3 diện tích lãnh thổ có đủ lượng mưa cho hoạt động trồng trọt. Vì vậy, Cộng hòa Nam Phi đã phải đầu tư xây dựng nhiều công trình thuỷ lợi nhằm cung cấp nước cho sản xuất và phục vụ sinh hoạt của người dân.
3. Sông, hồ
- Sông:
+ Có nhiều sông nhưng sông thường ngắn, dốc. Một số sông lớn ở Cộng hòa nam Phi là: O-ran-giơ và Lim-pô-pô,…
+ Các công thường bắt nguồn từ vùng cao nguyên nội địa và dãy Đrê-ken-béc, chảy ra Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương.
+ Sông có nguồn cung cấp nước chủ yếu là nước mưa nên mùa lũ trùng mùa mưa.
+ Một số sông có giá trị thuỷ điện và cung cấp nước cho công nghiệp khai thác khoáng sản, canh tác nông tuy nhiên ít có giá trị về giao thông.
- Hồ: có ít hồ tự nhiên, chủ yếu là hồ nhân tạo phục vụ mục đích tưới tiêu, thuỷ điện.
4. Sinh vật
- Xavan là hệ sinh thái điển hình ở Cộng hòa Nam Phi, chiếm 34,3% diện tích đất nước.
- Cộng hòa Nam Phi có hệ động vật rất phong phú, đa dạng, với nhiều loài đặc hữu như: sư tử, báo, voi, tê giác, hươu cao cổ, ngựa vằn, hà mã,... Đây là nơi cung cấp nguồn gen và các nguyên liệu có giá trị cho sản xuất và đời sống của người dân.
- Sự đa dạng và độc đáo về tài nguyên sinh vật là một trong những đặc điểm hấp dẫn, thu hút khách du lịch tới Cộng hòa Nam Phi.
5. Khoáng sản
- Tài nguyên khoáng sản phong phú, các loại khoáng sản có trữ lượng lớn là kim loại, khoáng sản năng lượng, tập trung ở vùng cao nguyên trong nội địa.
- Tài nguyên khoáng sản có ý nghĩa then chốt thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp khai khoáng và các ngành công nghiệp liên quan, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm và đem lại nguồn thu ngoại tệ cho đất nước.
6. Biển
- Vùng biển Cộng hòa Nam Phi có tài nguyên sinh vật biển phong phú do có nhiều dòng biển chảy qua, đặc biệt là vùng biển phía tây nam là nơi có trữ lượng thuỷ sản lớn nhất, nhiều loài có giá trị cao, tạo điều kiện cho ngành khai thác thuỷ sản phát triển.
- Vùng biển Cộng hòa Nam Phi còn thuận lợi để phát triển giao thông vận tải biển (một số cảng nước sâu như: Kếp-tao, Po Ê-li-da-bét) và du lịch.
III. Dân cư và xã hội
1. Dân cư
♦ Đặc điểm
- Quy mô dân số: là một trong sáu quốc gia đông dân nhất châu Phi. Năm 2020, dân số Cộng hòa Nam Phi đạt 59.3 triệu người.
- Tỉ lệ tăng tự nhiên của dân số: còn khá cao nhưng đang có xu hướng giảm, từ 1,6% năm 2010 xuống còn 1,2% năm 2020.
- Thành phần dân cư, chủng tộc:
+ Là một trong những quốc gia có Thành phần dân cư, chủng tộc đa dạng, phức tạp nhất thế giới;
+ Cư dân chủ yếu là người gốc Phi (chiếm 80,9%), ngoài ra còn có người gốc Âu, người nhập cư gốc Á và người lai giữa các chủng tộc.
- Cơ cấu dân số:
+ Số dân nữ nhiều hơn nam. Năm 2020, tỉ lệ nữ chiếm 50,7% tổng số dân.
+ Cơ cấu dân số trẻ, nhóm tuổi từ 15 đến 64 tuổi có xu hướng tăng lên.
- Mật độ dân số:
+ Mật độ dân số thấp (49 người/km2, năm 2020).
+ Dân cư phân bố rất không đều: tập trung tại vùng đông bắc, các vùng duyên hải phía đông và phía nam; vùng hoang mạc và bán hoang mạc trong nội địa dân cư thưa thớt.
- Vấn đề đô thị hóa:
+ Tỉ lệ dân thành thị khá cao. Năm 2020, 67,4% dân cư sống ở các đô thị.
+ Tốc độ đô thị hoá của Cộng hòa Nam Phi vào loại nhanh nhất thế giới. Nhiều đô thị hình thành từ việc thu hút lao động đến làm việc ở các khu mỏ.
+ Có nhiều đô thị đông dân và hiện đại như: Kếp-tao, Đuốc-ban, Giô-han-ne-xbua,…
♦ Ảnh hưởng:
- Dân số đông, gia tăng nhanh tạo nên thị trường tiêu thụ lớn và nguồn lao động dồi dào cho đất nước.
- Cơ cấu dân số trẻ cung cấp nguồn lao động dồi dào cho đất nước, song cũng là thách thức đối với vấn đề giải quyết việc làm.
- Trình độ đô thị hoá thấp, dẫn đến nhiều vấn đề về kinh tế, xã hội, môi trường.
2. Xã hội
- Cộng hòa Nam Phi là đất nước có nền văn hóa hết sức đặc sắc, vừa đậm nét truyền thống của châu Phi, vừa có sự giao thoa với văn hóa châu Âu, châu Á cùng sự phong phú về ẩm thực, ngôn ngữ, tôn giáo và các lễ hội, tạo thành đặc điểm thu hút khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới.
- Người dân Cộng hòa Nam Phi có trình độ kĩ thuật cao và kinh nghiệm sản xuất phong phú, đặc biệt trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, góp phần khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.
- Chất lượng cuộc sống của dân cư Cộng hòa Nam Phi ngày càng được nâng cao.
- Một số vấn đề xã hội đang tồn tại ở Cộng hòa Nam Phi cần giải quyết là: dịch bệnh (nhất là HIV/AIDS), tỉ lệ thất nghiệp cao, khoảng cách giàu nghèo lớn, tuổi thọ trung bình thấp, tạo nên sức ép lớn đối với việc thực hiện các mục tiêu về an sinh, xã hội.
B. Trắc nghiệm Địa lí 11 bài 30
Câu 1. Nhận định nào sau đây đúng với dải đồng bằng ven biển của Cộng hòa Nam Phi?
A. Diện tích nhỏ, đất phù sa màu mỡ.
B. Nằm ở phía tây nam và đông bắc.
C. Chạy dài dọc ven biển phía tây bắc.
D. Chủ yếu là đất phèn, mặn và chua.
Hướng dẫn giải
Chọn A
Đồng bằng ven biển của Cộng hòa Nam Phi nằm ở tây nam và đông nam, nhỏ hẹp, chạy dài theo bờ của hai đại dương. Nơi đây có đất phù sa sông thuận lợi cho trồng các cây hàng năm (lúa mì, ngô, lạc,...).
Câu 2. Ở ven biển của Cộng hòa Nam Phi có dãy núi nào sau đây?
A. Đrê-ken-béc.
B. Kép.
C. Ca-la-ha-ri.
D. At-lát.
Hướng dẫn giải
Chọn A
Phía đông nam cao nguyên trung tâm của Cộng hòa Nam Phi là một gờ núi dạng vòng cung, nơi đây có dãy núi Đrê-ken-béc kéo dài khoảng hơn 1000km với một số đỉnh núi cao trên 3000m, trong đó cao nhất là đỉnh Na-giê-xút (3408m) và nhiều hẻm vực.
Câu 3. Ngọn núi nào sau đây cao nhất ở Cộng hòa Nam Phi?
A. Núi Bàn.
B. Na-giê-xút.
C. Mou-tan.
D. Đông Kếp.
Hướng dẫn giải
Chọn B
Phía đông nam cao nguyên trung tâm của Cộng hòa Nam Phi là một gờ núi dạng vòng cung, nơi đây có dãy núi Đrê-ken-béc kéo dài khoảng hơn 1000km với một số đỉnh núi cao trên 3000m, trong đó cao nhất là đỉnh Na-giê-xút (3408m - Núi cao nhất ở CH Nam Phi) và nhiều hẻm vực.
Câu 4. Dãy núi Đrê-ken-béc ở Cộng hòa Nam Phi kéo dài khoảng hơn
A. 1200km.
B. 1100km.
C. 1000km.
D. 1300km.
Hướng dẫn giải
Chọn C
Dãy núi Đrê-ken-béc ở Cộng hòa Nam Phi kéo dài khoảng hơn 1000km với một số đỉnh núi cao trên 3000m, trong đó cao nhất là đỉnh Na-giê-xút (3408m) và nhiều hẻm vực.
Câu 5. Nhận định nào sau đây đúng với dãy núi Đrê-ken-béc ở Cộng hòa Nam Phi?
A. Gồm các dải núi thấp chạy song song.
B. Nằm ở tận cùng phía nam đất nước.
C. Đất đai ở các thung lũng khá màu mỡ.
D. Có một số đỉnh núi cao trên 3000m.
Hướng dẫn giải
Chọn D
Dãy núi Đrê-ken-béc ở Cộng hòa Nam Phi kéo dài khoảng hơn 1000km với một số đỉnh núi cao trên 3000m, trong đó cao nhất là đỉnh Na-giê-xút (3408m) và nhiều hẻm vực. Một số nơi có địa hình thấp hơn có thể xây dựng được các tuyến giao thông đường bộ qua các dãy núi.
Câu 6. Nhận định nào sau đây đúng với dãy núi Kếp ở Cộng hòa Nam Phi?
A. Gồm các dải núi thấp chạy song song.
B. Nằm ở tận cùng phía tây bắc đất nước.
C. Đất ở các thung lũng khá nghèo nàn.
D. Nhiều đỉnh núi ở đây cao trên 3000m.
Hướng dẫn giải
Chọn A
Dãy núi Kếp nằm ở tận cùng phía nam đất nước, gồm các dải núi thấp chạy song song, phân cách nhau bằng các thung lũng. Các thung lũng giữa núi này có đất đai khá màu mỡ, thuận lợi cho trồng cây ăn quả (nho, cam, chanh,...).
Câu 7. Cộng hòa Nam Phi nằm trong các đới khí hậu nào sau đây?
A. Xích đạo và nhiệt đới.
B. Nhiệt đới và cận nhiệt.
C. Cận nhiệt và ôn đới.
D. Cận xích đạo và ôn đới.
Hướng dẫn giải
Chọn B
Cộng hòa Nam Phi nằm trong các đới khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt, nhưng có sự phân hóa giữa phía bắc với phía nam, giữa ven biển phía tây và ven biển phía đông, giữa vùng ven biển với vùng nội địa.
Câu 8. Nhận định nào sau đây đúng với khí hậu vùng nội địa và duyên hải phía tây của Cộng hòa Nam Phi?
A. Khô hạn, lượng mưa ít.
B. Nóng ẩm, mưa khá cao.
C. Mưa lớn, nhiệt độ cao.
D. Khắc nghiệt, không mưa.
Hướng dẫn giải
Chọn A
Vùng nội địa và duyên hải phía tây ở Cộng hòa Nam Phi có khí hậu nhiệt đới lục địa khô hạn, lượng mưa ít, cảnh quan chủ yếu là hoang mạc, xa van, cây bụi chỉ phù hợp để phát triển chăn nuôi gia súc.
Câu 9. Nhận định nào sau đây đúng với khí hậu vùng duyên hải đông nam của Cộng hòa Nam Phi?
A. Khô hạn, lượng mưa ít.
B. Nóng ẩm, mưa khá cao.
C. Mưa lớn, nhiệt độ cao.
D. Khắc nghiệt, không mưa.
Hướng dẫn giải
Chọn B
Vùng duyên hải đông nam ở Cộng hòa Nam Phi có khí hậu nhiệt đới ẩm, lượng mưa hằng năm khá cao, thuận lợi trồng các loại cây công nghiệp như mía, chè, cọ dầu và cây ăn quả (chuối, dứa,...).
Câu 10. Vùng ven biển phía nam ở Cộng hòa Nam Phi có khí hậu
A. cận nhiệt địa trung hải.
B. nhiệt đới lục địa.
C. nhiệt đới ẩm gió mùa.
D. ôn đới hải dương.
Hướng dẫn giải
Chọn A
Vùng ven biển phía nam ở Cộng hòa Nam Phi có khí hậu cận nhiệt địa trung hải, thuận lợi trồng các loại cây ăn quả cận nhiệt như nho, cam, chanh.
Câu 11. Ở phía nam của Cộng hòa Nam Phi phát triển mạnh những cây trồng nào sau đây?
A. Cam, dừa, chuối.
B. Chuối, dứa, mận.
C. Nho, cam, chanh.
D. Chanh, mận, táo.
Hướng dẫn giải
Chọn C
Vùng ven biển phía nam ở Cộng hòa Nam Phi có khí hậu cận nhiệt địa trung hải, thuận lợi trồng các loại cây ăn quả cận nhiệt như nho, cam, chanh.
Câu 12. Vùng duyên hải đông nam ở Cộng hòa Nam Phi thích hợp phát triển các cây công nghiệp nào sau đây?
A. Mía, chè, cọ dầu.
B. Cao su, thuốc lá.
C. Điều, chè, cao su.
D. Cà phê, tiêu, chè.
Hướng dẫn giải
Chọn A
Vùng duyên hải đông nam ở Cộng hòa Nam Phi có khí hậu nhiệt đới ẩm, lượng mưa hằng năm khá cao, thuận lợi trồng các loại cây công nghiệp như mía, chè, cọ dầu và cây ăn quả (chuối, dứa,...).
Câu 13. Tỉ lệ gia tăng dân số của Cộng hòa Nam Phi là
A. khá cao nhưng đang giảm.
B. giảm nhanh đang mức âm.
C. cao nhất ở lục địa châu Phi.
D. khá thấp nhưng đang tăng.
Hướng dẫn giải
Chọn A
Tỉ lệ tăng tự nhiên của dân số còn khá cao nhưng đang có xu hướng giảm, từ 1,6% năm 2010 xuống còn 1,2% năm 2020.
Câu 14. Cộng hòa Nam Phi có mật độ dân số thuộc loại
A. cao.
B. rất cao.
C. thấp.
D. rất thấp.
Hướng dẫn giải
Chọn C
Cộng hòa Nam Phi có mật độ dân số thấp (49 người/km2 năm 2020). Dân cư phân bố rất không đều, tập trung tại vùng đông bắc, các vùng duyên hải phía đông và phía nam là những nơi có tài nguyên khoáng sản phong phú, điều kiện tự nhiên thuận lợi. Vùng hoang mạc và bán hoang mạc trong nội địa dân cư thưa thớt.
Câu 15. Dân cư ở Cộng hòa Nam Phi tập trung chủ yếu ở vùng
A. đông bắc, đông và nam.
B. đông bắc, tây và tây bắc.
C. đông nam, tây và đông.
D. tây bắc, đông bắc và tây.
Hướng dẫn giải
Chọn A
Cộng hòa Nam Phi có mật độ dân số thấp (49 người/km2 năm 2020). Dân cư phân bố rất không đều, tập trung tại vùng đông bắc, các vùng duyên hải phía đông và phía nam là những nơi có tài nguyên khoáng sản phong phú, điều kiện tự nhiên thuận lợi. Vùng hoang mạc và bán hoang mạc trong nội địa dân cư thưa thớt.
>>> Bài tiếp theo: Lý thuyết Địa lý 11 Kết nối tri thức bài 31
Như vậy VnDoc đã giới thiệu các bạn tài liệu Lý thuyết Địa lý lớp 11 bài 30: Vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên, dân cư và xã hội Cộng hòa Nam Phi. Mời các bạn tham khảo thêm tài liệu: Trắc nghiệm Địa lý 11, Địa lý 11 Cánh Diều, Địa lí 11 Chân trời sáng tạo, Tài liệu học tập lớp 11.