Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Lý thuyết Địa lý 11 Kết nối tri thức bài 9

Chúng tôi xin giới thiệu bài Lý thuyết Địa lí lớp 11 bài 9: Liên minh Châu Âu một liên kết kinh tế khu vực lớn được VnDoc sưu tầm và tổng hợp các câu hỏi lí thuyết và trắc nghiệm có đáp án đi kèm nằm trong chương trình giảng dạy môn Địa lý lớp 11 sách Kết nối tri thức.

A. Lý thuyết Địa lí 11 bài 9

I. Quy mô, mục tiêu và thể chế hoạt động của EU

1. Quy mô

- Năm 1957, Cộng đồng kinh tế châu Âu được thành lập với 6 quốc gia thành viên.

- Năm 1967, tổ chức này hợp nhất với Cộng đồng Than và Thép châu Âu và Cộng đồng Nguyên tử châu Âu thành Cộng đồng châu Âu (tiền thân của EU).

- Ngày 1/11/1993, Hiệp ước Ma-xtrích có hiệu lực, là cột mốc đánh dấu sự thành lập chính thức của EU.

=> Nhìn chung, trải qua quá trình phát triển lâu dài, quy mô của EU ngày càng mở rộng cả về số thành viên, diện tích, số dân và GDP. Năm 2021, EU có 27 quốc gia thành viên, chiếm 17,8% GDP toàn thế giới.

2. Mục tiêu của EU

- Mục tiêu của EU khi thành lập được thể hiện qua Hiệp ước Ma-xtrích (1993): EU xây dựng và phát triển liên minh kinh tế và tiền tệ với một đơn vị tiền tệ chung; liên minh chính trị với chính sách đối ngoại, an ninh chung và hợp tác về tư pháp, nội vụ.

=> Với ba trụ cột về kinh tế, chính trị và tư pháp, Hiệp ước hướng đến xây dựng EU thành khu vực tự do và liên kết chặt chẽ.

- Để phù hợp với quá trình hợp tác, phát triển và mở rộng thành viên, EU đã điều chỉnh các mục tiêu của mình, thể hiện ở Hiệp ước Li-xbon (2009). Mục tiêu chung hiện nay của EU là xây dựng một khu vực dân chủ hơn, hiệu quả hơn và có khả năng giải quyết tốt hơn các vấn đề toàn cầu.

3. Thể chế hoạt động của EU

- Theo Hiệp ước Ma-xtrích, bốn cơ quan thể chế của EU là: Hội đồng châu Âu, Nghị viện châu Âu, Uỷ ban Liên minh châu Âu (nay là Ủy ban châu Âu) và Hội đồng Bộ trưởng EU (nay là Hội đồng Liên minh châu Âu).

- Từ sau Hiệp ước Li-xbon, quyền lực của các cơ quan thể chế được tăng cường nhằm ra quyết định và điều hành hoạt động của EU:

+ Hội đồng châu Âu là cơ quan quyền lực cao nhất của EU, gồm 27 nguyên thủ các nước thành viên. Hội đồng thường họp 4 lần trong năm, giải quyết các vấn đề quan trọng nhất, như: quyết định đường lối chính trị của EU; trao đổi về thể chế, hiến pháp, chính sách kinh tế, tiền tệ; đặt ra đường lối an ninh và đối ngoại chung. Tuy nhiên, Hội đồng không phải là cơ quan thông qua các dự thảo luật của EU.

+ Nghị viện châu Âu là cơ quan làm luật của EU, đại diện cho công dân EU. Nhiệm vụ của Nghị viện là lập pháp, giám sát và tài chính.

+ Ủy ban châu Âu là cơ quan điều hành, đại diện cho lợi ích chung của EU. Ủy ban gồm Chủ tịch, Ủy viên và các ban chức năng. Ủy ban có nhiệm vụ đề xuất, giám sát thực hiện các dự luật và quản lí ngân sách, vừa hòa giải tranh chấp trong nội bộ vừa đại diện cho EU trong đối ngoại, đàm phán quốc tế.

+ Hội đồng Liên minh châu Âu là cơ quan làm luật của EU, đại diện cho các chính phủ và là nơi các bộ trưởng EU họp để thảo luận về các dự thảo luật. Hội đồng Liên minh có 250 tiểu ban và nhóm công tác phụ trách 10 lĩnh vực khác nhau: kinh tế, tài chính, an ninh....

- Trải qua quá trình liên kết, quyền lực của EU ngày càng được tăng cường.

+ Các nước thành viên có hiến pháp riêng nhưng phải phù hợp với hiến pháp của EU.

+ EU có thể giao dịch với tư cách là một quốc gia với các quốc gia khác.

=> Như vậy, thể chế của EU ngày càng hoàn thiện theo hướng gắn kết chặt chẽ hơn. Các mục tiêu toàn diện và thể chế minh bạch, dân chủ làm cho EU ngày càng đoàn kết, thịnh vượng và nâng cao vị thế trên thế giới.

II. Vị thế của EU trong nền kinh tế thế giới

1. Quy mô nền kinh tế

- Năm 2021, GDP của EU chiếm 17,8% GDP toàn cầu và lớn thứ ba trên thế giới (sau Hoa Kỳ và Trung Quốc). GDP/người đạt mức cao (38 234 USD), gấp 3.1 lần mức trung bình toàn thế giới.

- Ba nền kinh tế lớn nhất EU là Cộng hòa Liên bang Đức, Pháp, I-ta-li-a cũng là những cường quốc kinh tế trên thế giới và thuộc nhóm các quốc gia có nền kinh tế phát triển nhất thế giới (G7).

2. Một số lĩnh vực dịch vụ

- Thương mại:

+ EU là một trung tâm thương mại lớn trên thế giới. EU hội nhập sâu rộng vào thị trường toàn cầu và trở thành đối tác thương mại hàng đầu của 80 quốc gia.

+ Các hoạt động thương mại của EU tác động đến thị trường toàn cầu là xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ, mua sắm công và quyền sở hữu trí tuệ.

+ Năm 2021, trị giá xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của EU cao nhất thế giới, chiếm 31,0% trị giá toàn cầu.

- Đầu tư nước ngoài:

+ EU có giá trị đầu tư ra nước ngoài cao thứ hai trên thế giới (sau Hoa Kỳ, năm 2021).

+ Đầu tư của EU tập trung nhiều vào các lĩnh vực dịch vụ, khai thác dầu khí và chế tạo, do đó ảnh hưởng lớn đến việc hiện đại hoá, chuyển đổi năng lượng và chuỗi giá trị toàn cầu.

+ Nguồn vốn Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của EU cao nhất thế giới (19,0 tỉ USD, năm 2021), hỗ trợ phát triển bền vững ở các khu vực nghèo hơn trên thế giới.

+ EU góp phần cải thiện môi trường đầu tư ở các nước theo hướng bình đẳng, minh bạch và thuận lợi hơn.

- Tài chính ngân hàng:

+ Hoạt động tài chính của EU tác động đến các quy định, sự minh bạch, dịch vụ và công nghệ tài chính của thế giới.

+ Sức mạnh tài chính của EU thể hiện ở các lĩnh vực: ngân hàng, bảo hiểm và thị trường vốn.

+ Các thành phố Phrăng-phuốc (Cộng hòa Liên bang Đức), Pa-ri (Pháp), Am-xtéc-đam (Hà Lan) là những trung tâm tài chính lớn của EU và thế giới.

3. Một số lĩnh vực sản xuất

- Một số ngành sản xuất của EU có vị trí cao trên thế giới và dẫn đầu xu hướng hiện đại hoá là: chế tạo máy, hoá chất, hàng không - vũ trụ, sản xuất hàng tiêu dùng....

- Một số sản phẩm công nghiệp của EU chiếm thị phần xuất khẩu lớn trên thế giới năm 2021 là: dược phẩm (62,9%), máy bay (69,3%), ô tô (49,7%), máy công cụ (55,1%),...

III. Một số biểu hiện của hợp tác và liên kết trong EU

1. Thiết lập một EU tự do, an ninh và công lí

♦ Tự do:

- Bốn quyền tự do của EU là: tự do di chuyển, tự do lưu thông dịch vụ, tự do lưu thông hàng hóa và tự do lưu thông tiền vốn. Công dân EU có quyền tự do sinh sống. làm việc và được đảm bảo an toàn ở bất kì đầu trong EU.

- Trên cơ sở bốn quyền tự do, EU xây dựng thị trường chung.

+ Vận hành theo nguyên tắc hợp tác chặt chẽ, cạnh tranh bình đẳng và thủ tục minh bạch, hợp lí.

+ Thúc đẩy chuyên môn hoá, tạo việc làm, giảm bớt rào cản thương mại và cải thiện kinh doanh.

An ninh:

- EU có chính sách quốc phòng và an ninh chung nhằm bảo vệ hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực.

- Các hoạt động hợp tác về an ninh chung phòng chống tội phạm, khủng bố, nhập cư bất hợp pháp và dịch bệnh được tăng cường.

Công lí: EU thiết lập các thủ tục chung giúp thực thi công lí nhanh chóng, bình đẳng và đảm bảo rằng các phán quyết ở quốc gia này có thể áp dụng được ở quốc gia khác.

2. Hình thành một liên minh kinh tế và tiền tệ với đồng tiền chung Ơ-rô

- Liên minh kinh tế và tiền tệ:

+ Đây là mức độ cao nhất trong hợp tác khu vực.

+ Các quốc gia thành viên liên minh thống nhất thực hiện một chính sách kinh tế chung, một hệ thống tiền tệ chung và chính sách tiền tệ chung. Do đó thương mại của EU được tăng cường, lao động và hàng hóa di chuyển dễ dàng hơn, giá cả minh bạch và cạnh tranh công bằng hơn.

- Đồng Ơ-rô:

+ Trên thế giới, đồng tiền chung có thể bảo vệ nền kinh tế và hệ thống tài chính của EU khỏi những khủng hoảng, giảm sự phụ thuộc vào các loại tiền tệ khác và thuận tiện cho sản xuất, kinh doanh. Trong khu vực, đồng Ơ-rô thúc đẩy đầu tư xuyên biên giới, ổn định tài chính và giúp các quốc gia hỗ trợ lẫn nhau.

+ Tuy nhiên, đồng tiền chung vẫn tiềm ẩn những rủi ro gây khó khăn cho nền kinh tế một số nước.

3. Hợp tác chuyển đổi kĩ thuật số và phát triển bền vững

- Chuyển đổi kĩ thuật số:

+ EU cùng hợp tác để tiếp cận và điều tiết thị trường toàn cầu, thiết lập tiêu chuẩn công nghệ và truy cập, kiểm soát dữ liệu.

+ Những lĩnh vực hợp tác công nghệ của EU là trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây, thiết bị di động và công nghệ lượng tử.

- Phát triển bền vững:

+ Các nước EU thống nhất thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xanh.

+ Các hoạt động tập trung vào: xây dựng nền kinh tế tăng trưởng cân bằng, hướng tới tiến bộ xã hội, bảo vệ môi trường. khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và thúc đẩy tiến bộ khoa học - công nghệ.

- Hiện nay, EU đang phải đối mặt với sự cạnh tranh của các trung tâm kinh tế khác, sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các thành viên,... Tuy nhiên, sức mạnh tổng hợp của các quốc gia và chiến lược phát triển bền vững đã định hình vị thế đặc biệt của EU trong nền kinh tế thế giới.

B. Trắc nghiệm Địa lí 11 bài 9

Câu 1. Năm 2021, Liên minh châu Âu có tất cả bao nhiêu thành viên?

A. 26.

B. 27.

C. 28.

D. 25.

Hướng dẫn giải

Chọn B

Năm 2021, EU có 27 quốc gia thành viên, chiếm khoảng 5,8% số dân và đóng góp 17,8% GDP toàn thế giới.

Câu 2. Cộng đồng Kinh tế châu Âu được viết tắt theo tên tiếng anh là

A. EC.

B. EEC.

C. EU.

D. WB.

Hướng dẫn giải

Chọn B

Năm 1957 cộng đồng kinh tế châu Âu (European Economic Community) với 6 quốc gia thành viên, tên viết tắt là EEC.

Câu 3. Quốc gia nào sau đây nằm giữa châu Âu nhưng hiện nay chưa gia nhập Liên minh châu Âu?

A. Thụy Sĩ.

B. Ai-len.

C. Hà Lan.

D. Na Uy.

Hướng dẫn giải

Chọn A

Thụy Sỹ, tên đầy đủ là Liên bang Thụy Sỹ, là một nước cộng hòa liên bang tại châu Âu. Quốc gia này gồm có 26 bang, và thành phố Bern là nơi đặt trụ sở nhà đương cục liên bang. Thụy Sĩ, một đất nước hòa bình, giàu có, nằm ở giữa trung tâm của châu Âu, nhưng hiện nay chưa gia nhập EU là Thụy Sĩ.

Câu 4. Quốc gia nào sau đây không tham gia thành lập nên Cộng đồng Than Thép châu Âu?

A. Anh.

B. Pháp.

C. Bỉ.

D. Đức.

Hướng dẫn giải

Chọn A

Năm 1951, thành lập cộng đồng Than và Thép châu Âu. Gồm các nước: Pháp, Đức, Ý, Bỉ, Hà Lan và Lúc-xăm-bua.

Câu 5. Hiệp ước nào sau đây được kí kết, đổi tên Cộng đồng châu Âu thành Liên minh châu Âu?

A. Thái Bình Dương.

B. Ma-xtrích.

C. Măng-sơ.

D. Ma-xơ Rai-nơ.

Hướng dẫn giải

Chọn B

Năm 1993, với Hiệp ước Ma-xtrích, Cộng đồng châu Âu đổi tên thành Liên minh châu Âu (EU). Tính đến năm 2021, EU có 27 quốc gia thành viên, chiếm 3,1% diện tích và 5,7% dân số thế giới.

Câu 6. Cộng đồng châu Âu đổi tên thành Liên minh châu Âu vào năm nào sau đây?

A. 1957.

B. 1958.

C. 1967.

D. 1993.

Hướng dẫn giải

Chọn D

Năm 1967, Cộng đồng châu Âu (EC) được thành lập trên cơ sở hợp nhất ba tổ chức (Cộng đồng Than và thép châu Âu, Cộng đồng Kinh tế châu Âu và Cộng đồng nguyên tử châu Âu). Với hiệp ước Ma-xtrich, năm 1993 Cộng đồng châu Âu đổi tên thành Liên minh châu Âu.

Câu 7. Tiền thân của Liên minh châu Âu ra đời vào năm nào sau đây?

A. 1951.

B. 1957.

C. 1958.

D. 1967.

Hướng dẫn giải

Chọn B

Năm 1951 Cộng đồng than và thép châu Âu được thành lập; năm 1957 Cộng đồng kinh tế châu Âu (tiền thân của Liên minh châu Âu) được thành lập; năm 1958 Cộng đồng nguyên tử châu Âu được thành lập và năm 1967 Cộng đồng châu Âu (EC) được thành lập.

Câu 8. Liên minh châu Âu được thành lập không nhằm mục đích nào sau đây?

A. Lưu thông hàng hóa.

B. Lưu thông con người.

C. Lưu thông vũ khí hạt nhân.

D. Lưu thông tiền vốn.

Hướng dẫn giải

Chọn C

Mục đích của EU là xây dựng và phát triển một khu vực mà ở đó, hàng hóa, dịch vụ, con người, tiền vốn được tự do lưu thông giữa các nước thành viên.

Câu 9. Kinh tế của Liên minh châu Âu phụ thuộc nhiều vào

A. các nước phát triển.

B. các nước đang phát triển.

C. hoạt động xuất - nhập khẩu.

D. ngành kinh tế mũi nhọn.

Hướng dẫn giải

Chọn C

Kinh tế EU phụ thuộc nhiều vào hoạt động xuất nhập khẩu, các nước thuộc EU đã dỡ bỏ hàng rào thuế quan trong buôn bán với nhau và có chung một mức thuế trong quan hệ thương mại với các nước ngoài EU. Hiện nay, EU đang dẫn đầu thế giới về thương mại.

Câu 10. Lĩnh vực nào sau đây không phải là mục đích của Liên minh châu Âu?

A. Kinh tế.

B. Luật pháp.

C. Nội vụ.

D. Chính trị.

Hướng dẫn giải

Chọn D

Lĩnh vực chính trị không phải là mục đích của EU.

Câu 11. Liên minh châu Âu được thành lập nhằm mục đích nào sau đây?

A. Hàng hóa, vũ khí, con người, tiền tệ được tự do lưu thông giữa các nước thành viên.

B. Hàng hóa, dịch vụ, vũ khí và tiền tệ được tự do lưu thông giữa các nước thành viên.

C. Hàng hóa, dịch vụ, con người, vũ khí được tự do lưu thông giữa các nước thành viên.

D. Hàng hóa, dịch vụ, con người, tiền tệ được tự do lưu thông giữa các nước thành viên.

Hướng dẫn giải

Chọn D

Mục tiêu của EU theo Hiệp ước Ma-xtrích là xây dựng, phát triển một khu vực mà ở đó, hàng hóa, dịch vụ, con người, tiền tệ được tự do lưu thông giữa các nước thành viên: tăng cường hợp tác, liên kết về kinh tế, luật pháp, an ninh và đối ngoại nhằm thúc đẩy sự thống nhất châu Âu và góp phần vào việc duy trì hòa bình và an ninh thế giới.

Câu 12. Các quốc gia nào sau đây thành lập Cộng đồng Than Thép châu Âu?

A. Pháp, Đức, I-ta-li-a, Bỉ, Hà Lan, Lúc-xăm-bua.

B. Anh, Đức, Thụy Điển, Bỉ, Hà Lan, Lúc-xăm-bua.

C. Pháp, Ba Lan, I-ta-li-a, Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch.

D. Tây Ban Nha, Đức, I-ta-li-a, Bỉ, Áo, Lúc- xăm-bua.

Hướng dẫn giải

Chọn A

Năm 1951, thành lập cộng đồng Than và Thép châu Âu. Gồm các quốc gia: Pháp, CHLB Đức, Ý, Bỉ, Hà Lan và Lúc-xăm-bua.

Câu 13. Năm 1967, Cộng đồng châu Âu được thành lập trên cơ sở hợp nhất của những tổ chức nào sau đây?

A. Cộng đồng Than Thép châu Âu, Cộng đồng nguyên tử châu Âu và Cộng đồng kinh tế châu Âu.

B. Cộng đồng Than Thép châu Âu, Liên minh châu Âu và Cộng đồng kinh tế châu Âu.

C. Liên minh châu Âu, Cộng đồng Nguyên tử châu Âu và Cộng đồng Than Thép châu Âu.

D. Liên minh châu Âu, Cộng đồng Nguyên tử châu Âu và Cộng đồng Kinh tế châu Âu.

Hướng dẫn giải

Chọn A

Năm 1951, Pháp, Cộng hòa Liên bang Đức, I-ta-li-a, Bỉ, Hà Lan, Lúc-xăm-bua đã thành lập Cộng đồng Than Thép châu Âu; sau đó thành lập Cộng đồng Kinh tế châu Âu vào năm 1957 và Cộng đồng Nguyên tử châu Âu vào năm 1958. Năm 1967, Cộng đồng châu Âu được thành lập trên cơ sở hợp nhất ba tổ chức trên.

Câu 14. Trở ngại lớn nhất đối với việc phát triển của Liên minh châu Âu là sự khác biệt về

A. chính trị, xã hội.

B. trình độ văn hóa.

C. ngôn ngữ, tôn giáo.

D. trình độ phát triển.

Hướng dẫn giải

Chọn D

Gây trở ngại lớn nhất cho việc phát triển của EU là sự khác biệt về trình độ phát triển của các nước trong khu vực Liên minh châu Âu (sự chênh lệch này diễn ra giữa các nước Đông - Tây - Nam - Bắc Âu).

Câu 15. Khu vực kinh tế nào dẫn đầu thế giới về thương mại hiện nay?

A. APEC.

B. NAFTA.

C. EU.

D. ASEAN.

Hướng dẫn giải

Chọn C

EU là nhà xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ lớn nhất thế giới. EU đã kí kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) và các hiệp định khác có thành phần thương mại với nhiều nước.

>>> Bài tiếp theo: Lý thuyết Địa lý 11 Kết nối tri thức bài 10

Như vậy VnDoc đã giới thiệu các bạn tài liệu Lý thuyết Địa lý lớp 11 bài 9: Liên minh Châu Âu một liên kết kinh tế khu vực lớn. Mời các bạn tham khảo thêm tài liệu: Trắc nghiệm Địa lý 11, Địa lý 11 Cánh Diều, Địa lí 11 Chân trời sáng tạo, Tài liệu học tập lớp 11.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO/PROPLUS tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
3 Bình luận
Sắp xếp theo
  • Chàng phi công
    Chàng phi công

    😘😘😘😘😘😘

    Thích Phản hồi 11:55 26/08
    • Nguyễnn Hiềnn
      Nguyễnn Hiềnn

      🤝🤝🤝🤝🤝🤝🤝

      Thích Phản hồi 11:55 26/08
      • Su kem
        Su kem

        😄😄😄😄😄😄😄😄

        Thích Phản hồi 11:55 26/08
        🖼️

        Gợi ý cho bạn

        Xem thêm
        🖼️

        Địa lý 11 Kết nối tri thức

        Xem thêm