Lý thuyết Ngữ văn 10 bài: Ôn tập học kì 2 CTST
Lý thuyết Ngữ văn lớp 10 bài: Ôn tập học kì 2 được VnDoc sưu tầm và tổng hợp lí thuyết và bài tập có đáp án đi kèm nằm trong chương trình giảng dạy môn Ngữ văn lớp 10 sách chân trời sáng tạo. Mời quý thầy cô cùng các bạn tham khảo tài liệu dưới đây.
Bài: Ôn tập học kì 2
1. Ôn lại kiến thức về văn bản đọc hiểu
- Chiếc lá đầu tiên - Hoàng Nhuận Cầm: Văn bản tái hiện kí ức của tác giả về những kỉ niệm tuổi học trò bên trường cũ, lớp học năm xưa, bạn bè, những trò nghịch ngợm...và cả tình yêu đầu tiên của mình. Tình cảm ấy thật trong sáng, là nỗi bâng khuâng nhớ tiếc, là gắn bó thiết tha vừa ấm áp ngọt ngào, vừa chân thật hồn nhiên.
- Tây Tiến - Quang Dũng: Bài thơ tái hiện lại một thời kì kháng chiến anh hùng. Hình ảnh người lính Tây Tiến bi tráng, lãng mạn trên nền thiên nhiên miền Tây vừa dữ dội, hiểm nguy, vừa thơ mộng, trữ tình.
- Dưới bóng hoàng lan - Thạch Lam: Đoạn trích Dưới bóng hoàng lan thông qua câu chuyện của nhân vật Thanh nhân một lần trở về nhà, thăm bà, gặp lại những người anh luôn yêu thương, tôn trọng. Qua đó thể hiện nỗi nhớ quê hương gợi ra từ cảnh vật bình dị, thân quen và tình cảm gia đình bà cháu thiết tha luôn đau đáu trong lòng nhân vật.
- Nắng mới - Lưu Trọng Lư: Bài thơ là nỗi nhớ của chủ thể trữ tình đối với người mẹ của mình. Qua đó thể hiện giá trị đạo đức truyền thống uống nước nhớ nguồn, hiếu thuận của người Việt Nam.
- Bình Ngô đại cáo - Nguyễn Trãi: Đại cáo bình Ngô là bản tuyên ngôn độc lập, qua đó vạch tội ác của kẻ thù xâm lược, ca ngợi thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.
- Thư lại dụ Vương Thông - Nguyễn Trãi: Bức thư thể hiện niềm tin tất thắng và tinh thần yêu chuộng hòa bình của tác giả, cũng là của nhân dân ta. Qua đó giúp người đọc thấy rõ phẩm chất và tài năng của tác giả.
- Bảo kính cảnh giới - bài 43 - Nguyễn Trãi: Bài thơ Bảo kính cảnh giới - bài 43 thể hiện vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên mùa hè nơi làng quê thanh bình. Đồng thời, qua đó thể hiện tình yêu thiên nhiên và cuộc sống, tấm lòng yêu thương dân tha thiết của tác giả.
- Dục Thúy sơn - Nguyễn Trãi: Bài thơ Dục Thúy sơn đã nói về khung cảnh núi Dục Thúy, một vẻ đẹp hùng vĩ và nó không chỉ để lại cho người đọc những cảm xúc sâu sắc về khung cảnh ấy mà người đọc còn cảm nhận được một tâm hồn yêu thiên nhiên, yêu đất nước của Nguyễn Trãi.
- Nguyễn Trãi - nhà ngoại giao, nhà hiền triết, nhà thơ: Văn bản khẳng định những giá trị trong các tác phẩm của Nguyễn Trãi và tầm vóc của tác giả trong văn học.
- Đất rừng phương Nam - Đoàn Giỏi: Văn bản miêu tả lại quá trình lấy mật ong của người dân rừng U Minh. Qua đó ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên đất trời rừng U Minh.
- Giang - Bảo Ninh: Văn bản tái hiện cuộc gặp gỡ đầy bất ngờ nhưng rất tình cảm giữa các nhân vật Giang, bố của Giang và nhân vật "tôi", đằng sau nó ẩn chứa đầy ắp tình thương, tình người của đồng bào trong những ngày kháng chiến trường kì, gian khổ nhưng huy hoàng.
- Xuân về - Nguyễn Bính: Bài thơ là bức tranh xuân với hình ảnh thiếu nữ má hồng, mắt trong, duyên dáng đi hội chùa làng. Cảnh xuân, tình xuân được nhà thơ nói đến rất bình dị, mộc mạc, rất thân thuộc.
- Buổi học cuối cùng - An-phông-xơ Đô-đê: Qua câu chuyện buổi học cuối cùng bằng tiếng Pháp ở vùng An-dát bị quân Phổ chiếm đóng, Phrăng hiện lên là một chú bé hiếu động, thông minh, nhạy cảm, có tình yêu chân thành với người thầy, yêu nước sâu sắc.
- Hịch tướng sĩ - Trần Quốc Tuấn: Tác phẩm phản ánh tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí quyết tâm đánh giặc cứu nước của Trần Quốc Tuấn và dân tộc.
- Nam quốc sơn hà - bài thơ Thần khẳng định chân lí độc lập của đất nước - Nguyễn Hữu Sơn: Tác phẩm đưa ra những ý kiến, cảm nhận của tác giả về bài thơ Nam quốc sơn Hà. Qua đó, khẳng định lại tài năng của Lý Thường Kiệt.
- Đất nước - Nguyễn Đình Thi: Bài thơ mở ra một không gian đất nước rộng lớn, tươi đẹp, nên thơ. Qua đó, tác giả bộc lộ tình yêu quê hương đất nước nồng nàn, lòng tự hào về một đất nước quật cường vươn lên từ bom đạn.
- Tôi có một giấc mơ - Mác-tin Lu-thơ Kinh: Văn bản viết ra nhằm mục đích khẳng định quyền bình đẳng của người da đen. Đây là lời kêu gọi sự đấu tranh giành quyền bình đẳng cho người da đen.
2. Ôn lại kiến thức về tiếng Việt
- Trật tự từ:
+ Trật tự từ có ý nghĩa rất quan trọng trong câu tiếng Việt.
+ Trong một câu có thể có nhiều cách sắp xếp trật tự từ. Mỗi cách đem lại hiệu quả diễn đạt riêng.
+ Việc sắp xếp sai trật tự các thành phần trong câu có thể làm cho câu mơ hồ về nghĩa, sai lô-gíc hoặc không diễn đạt đúng nội dung mà người viết muốn thể hiện.
- Lỗi dùng từ Hán Việt
+ Dùng từ không đúng hình thức ngữ âm.
+ Dùng từ ngữ không đúng nghĩa.
+ Dùng từ không phù hợp với khả năng kết hợp.
+ Dùng từ không phù hợp với phong cách
- Biện pháp tu từ chêm xen:
+ Chêm xen là biện pháp chêm vào câu một từ, một cụm từ, một câu, thậm chí một chuỗi câu để bổ sung thông tin cần thiết hay bộc lộ cảm xúc.
+ Thành phần chêm xen thường đứng sau dấu phẩy, dấu gạch ngang hoặc được đặt trong ngoặc đơn.
- Biện pháp tu từ liệt kê:
+ Liệt kê là biện pháp sắp xếp nối tiếp các từ, các cụm từ cùng loại.
+ Nhằm diễn tả những khía cạnh khác nhau của thực tế, của tư tưởng, tình cảm đồng thời tạo ấn tượng mạnh về hình ảnh và cảm xúc cho người đọc.
- Lỗi về liên kết câu:
+ Lỗi không tách đoạn.
+ Lỗi tách đoạn tùy tiện.
3. Bài tập minh họa
Bài tập 1: Cảm nhận của anh/ chị về hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến - Quang Dũng, SGK Ngữ văn 10 tập 2 Chân Trời Sáng Tạo.
Hướng dẫn giải:
- Đọc lại bài thơ Tây Tiến - Quang Dũng, SGK Ngữ văn 10 tập 2 Chân Trời Sáng Tạo
- Dựa vào nội dung bài học để cảm nhận về hình tượng người lính trong bài thơ
- Có thể tham khảo một số bài văn mẫu trên sách báo hoặc internet
- Cần đảm bảo các ý chính sau:
+ Hình ảnh người lính Tây Tiến hiện lên trong trang thơ trước tiên là sự hào hoa lãng mạn
+ Hình ảnh người lính Tây Tiến với vẻ đẹp bi tráng, hào hùng
+ Người lính ân tình trong tình quân dân và đồng đội
+ ...
Lời giải chi tiết:
Quang Dũng đã dựng bức tượng đài về người lính vô danh trong khổ thơ thứ ba của bài thơ Tây Tiến. Ta có thể xem khổ thơ thứ ba này là những nét bút cuối cùng hoàn thiện bức tượng đài về chân dung người lính Tây Tiến hào hùng, hào hoa. Chân dung người lính hiện lên ở khổ thơ thứ 3 có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa vẻ đẹp tâm hồn, lý tưởng chiến đấu và phẩm chất hy sinh anh dũng. Có thể nói cả bài thơ là một tượng đài đầy màu sắc bi tráng về một đoàn quân trên một nền cảnh khác thường.
Chân dung đoàn binh Tây Tiến được chạm khắc bằng nét bút vừa hiện thực vừa lãng mạn. Các chi tiết như lấy từ đời sống hiện thực và khúc xạ qua tâm hồn thơ Quang Dũng để rồi sau đó hiện lên trên trang thơ đầy sức hấp dẫn. Dọc theo hành trình, vẻ đẹp hào hùng kiêu dũng cứ lấp lánh dần lên, đến khi người lính Tây Tiến đối mặt với dịch bệnh, đối mặt với cái chết thì nó thật chói người, nét nào cũng sắc sảo lạ lùng và đầy lãng mạn:
"Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm"
Chữ dùng của Quang Dũng ở đây thật lạ. Nếu mở đầu đoạn thơ tác giả dùng từ “Đoàn quân” thì ở đây tác giả dùng “Đoàn binh”. Cũng đoàn quân ấy thôi nhưng khi dùng “Đoàn binh” thì gợi hình ảnh đoàn chiến binh có vũ khí, có khí thế xung trận át đi vẻ ốm yếu của bệnh tật. Ba chữ “không mọc tóc” là đảo thế bị động thành chủ động. Không còn đoàn quân bị sốt rét rừng lâm tiều tuỵ đi rụng hết cả tóc. Giọng điệu của câu thơ cứ y như là họ cố tình không mọc tóc vậy. Nghe ngang tàng kiêu bạc và thấy rõ sự bốc tếu rất lính tráng.
Các chi tiết “không mọc tóc, quân xanh màu lá” diễn tả cái gian khổ khác thường của cuộc đời người lính trên một địa bàn hoạt động đặc biệt. Di chứng của những trận sốt rét rừng triền miên là “tóc không mọc” da xanh tái. Nhưng đối lập với ngoại hình tiều tụy ấy là sức mạnh phi thường từ bên trong phát ra từ tư thế “dữ oai hùm”. Với nghệ thuật tương phản chỉ hai dòng thơ Quang Dũng làm nổi bật vẻ khác thường của đoàn quân Tây Tiến. Họ hiện lên như hình ảnh tráng sĩ trượng phu một thuở qua hai câu tiếp:
"Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm"
“Mắt trừng” biểu thị sự dồn nén căm uất đến cao độ như có khả năng thiêu đốt quân thù qua ánh sáng của đôi mắt. Hình ảnh thơ làm nổi bật ý chí của đoàn binh Tây Tiến. ở đây người lính Tây Tiến được đề cập đến với tất cả thực trạng mệt mỏi, vất vả qua các từ “không mọc tóc”, “quân xanh màu lá”. Chính từ thực trạng này mà chân dung người lính sinh động chân thực. Thế nhưng vượt lên trên khó khăn thiếu thốn, tâm hồn người lính vẫn cất cánh “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”. Câu thơ ánh lên vẻ đẹp tâm hồn của người lính Tây Tiến. Ban ngày “Mắt trừng gửi mộng” giấc mộng chinh phu hướng về phía trận mạc nhưng khi bom đạn yên rồi giấc mộng ấy lại hướng về phía sau cũng là hướng về phía trước, phía tương lai hẹn ước. Một ngày về trong chiến thắng để nối lại giấc mơ xưa. ý chí thì mãnh liệt, tình cảm thì say đắm. Hai nét đẹp hài hòa trong tính cách của những chàng trai Tây Tiến.
Quang Dũng đã dùng hình ảnh đối lập: một bên là nấm mồ, một bên là ý chí của những người chiến binh:
"Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành"
“Mồ viễn xứ” là những nấm mồ ở những nơi xa vắng hoang lạnh. Những nấm mồ rải rác trên đường hành quân, nhưng không thể cản được ý chí quyết ra đi của người lính. Câu thơ sau chính là câu trả lời dứt khoát của những con người đứng cao hơn cái chết:
"Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh"
Chính tình yêu quê hương đất nước sâu nặng đã giúp người lính coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Khi cần họ sẵn sàng hy sinh cho nghĩa lớn một cách thanh thản bình yên như giấc ngủ quên. Câu thơ vang lên như một lời thề đúng là cái chết của bậc trượng phu:
“Áo bào thay chiếu anh về đất”
Nếu như người tráng sĩ phong kiến thuở trước coi da ngựa bọc thây là lí tưởng thì anh bộ đội cụ Hồ ngày nay chiến đấu hi sinh vì Tổ quốc một cách tự nhiên thầm lặng. Hình ảnh “áo bào” làm tăng không khí cổ kính trang trọng cho cái chết của người lính. Hai chữ “áo bào” lấy từ văn học cổ tái tạo vẻ đẹp của một tráng sĩ và nó làm mờ đi thực tại thiếu thốn gian khổ ở chiến trường. Nó cũng gợi được hào khí của chí trai “thời loạn sẵn sàng chết giữa sa trường lấy da ngựa bọc thây. Chữ “về” nói được thái độ nhẹ nhõm, ngạo nghễ của người tráng sĩ đi vào cái chết “Anh về đất” là hình ảnh đầy sức mạnh ngợi ca.
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ thiêng liêng, người lính Tây Tiến trở về trong niềm chở che của đất mẹ quê hương, của đồng đội. Trở về với nơi đã sinh dưỡng ra mình. Trước những cái chết cao cả ở địa bàn xa xôi hẻo lánh sông Mã là nhân vật chứng kiến và tiễn đưa.
Mở đầu bài thơ ta gặp ngay hình ảnh sông Mã, con sông ấy gắn liền với lịch sử đoàn quân Tây Tiến. Sông Mã chứng kiến mọi gian khổ, mọi chiến công và giờ đây lại chứng kiến sự hy sinh của người lính. Đoạn thơ kết thúc bằng khúc ca bi tráng của sông Mã.
“Sông Mã gầm lên khúc độc hành”
Dòng sông Mã là chứng nhân của một thời kỳ hào hùng, chứng kiến cái chết của người tráng sĩ, nó gầm lên khúc độc hành bi phẫn, làm rung động cả một chốn hoang sơ. Câu thơ có cái không khí chiến trận của bản anh hùng ca thời cổ. Câu thơ đề cập đến mất mát đau thương mà vẫn hùng tráng.
Bốn câu kết:
"Tây Tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi"
Bốn câu thơ kết thúc được viết như những dòng chữ ghi vào mộ chí. Những dòng sông ấy cũng chính là lời thề của các chiến sĩ vệ quốc quân.
“Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy”
“Mùa xuân” có thể được dùng nhiều nghĩa: thời điểm thành lập đoàn quân Tây Tiến (mùa xuân 1947), mùa xuân của đất nước, mùa xuân (tuổi thanh xuân) của đời các chiến sĩ.
Hình ảnh “Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi”, “chẳng về xuôi” bỏ mình trên đường hành quân “Hồn về Sầm Nứa”: chí nguyện của các chiến sĩ là sang nước bạn hợp đồng tác chiến với quân tình nguyện Lào chống thực dân Pháp, thực hiện lý tưởng đến cùng. Bởi vậy dù đã ngã xuống trên đường hành quân hồn (tinh thần của các anh) vẫn đi cùng với đồng đội, vẫn sống trong lòng đồng đội: Vang vọng âm hưởng văn tế của Nguyễn Đình Chiểu: “Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc”.
Bài tập 2: Viết đoạn văn ngắn có sử dụng phép liệt kê. Chỉ ra những biện pháp tu từ đó.
Hướng dẫn giải:
- Xác định đối tượng, chủ đề định viết
- Lên ý tưởng và viết đoạn văn
- Chỉ ra các biện pháp tu từ liệt kê được sử dụng
Lời giải chi tiết:
Đoạn văn mẫu 1
Trong bốn mùa xuân, hạ, thu và đông; mùa xuân là mùa đẹp nhất trong năm. Em thích nhất là được ngắm nhìn buổi sáng của mùa xuân trên quê hương của em. Không khí buổi sáng vô cùng trong lành và mát mẻ. Khi ông mặt trời dậy thật sớm để đánh thức mọi người sau một đêm dài. những cô cậu nắng tinh nghịch cũng thức giấc, chạy nhảy tung tăng dưới mặt đất. Những hạt sương đọng trên lá cây cũng dần tan biến. Làn gió khẽ lướt qua khiến những cành lá rung rinh. Đặc biệt nhất là bầu trời buổi sáng sớm, thật trong lành biết bao. Chị gió tung tăng nô đùa khắp nơi. Cô mấy thì dạo chơi quanh những ngọn núi phía xa. Vài chú chim nhỏ cất tiếng hót đón chào ngày mới. Bầu không khí trong lành khiến con người cảm thấy dễ chịu. Buổi sáng mùa xuân mới tuyệt vời làm sao!
Phép liệt kê: Trong bốn mùa xuân, hạ, thu và đông; mùa xuân là mùa đẹp nhất trong năm.
Đoạn văn mẫu 2
Nói dối là một hành động không tốt gây ra nhiều hậu quả xấu cho con người. Có thể hiểu đơn giản, nói dối là hành vi cố tình cung cấp thông tin sai với sự thật về vấn đề nào đó để đạt được mục đích mà họ mong muốn - thường là không chính đáng. Có hai khía cạnh của nói dối: lời nói dối với mục đích xấu và lời nói dối với mục đích tốt. Những lời nói dối với mục đích xấu xa thường mang tính vụ lợi cho bản thân người nói. Trong cuộc sống hiện đại, dường như nói dối đã trở thành một căn bệnh phổ biến: Những đứa trẻ nói dối cha mẹ để đi chơi game; Học trò nói dối thầy cô để trốn tiết; Chồng nói dối vợ để đi nhậu với bạn bè… Đó đều là những lời nói dối đem đến những hậu quả xấu. Những lời nói dối sẽ khiến cho những người xung quanh không còn tin tưởng vào chúng ta. Mỗi người cần nhận thức được rằng: “Một lần bất tín, vạn lần bất tin”. Bởi vậy mà chúng ta hãy luôn coi trọng sự thật, tránh xa hành vi nói dối.
Phép liệt kê: Trong cuộc sống hiện đại, dường như nói dối đã trở thành một căn bệnh phổ biến: Những đứa trẻ nói dối cha mẹ để đi chơi game; Học trò nói dối thầy cô để trốn tiết; Chồng nói dối vợ để đi nhậu với bạn bè…
Đoạn văn mẫu 3
Trường học là nơi lưu giữ những kỉ niệm đẹp đẽ của tuổi học trò. Ngôi trường cấp hai của em được xây dựng cách đây không lâu nên vẫn còn rất mới. Ngôi trường nằm tại mặt đường quốc lộ của xã với một diện tích khá rộng rãi. Trường được bảo vệ bởi một bức tường hình vuông kiên cố. Trên những bức tường gần cổng trường còn được trang trí nhiều bức tranh rất đẹp vẽ bằng sơn. Bên trong ngôi trường, các dãy nhà được sơn màu vàng như màu của ánh nắng. Mỗi dãy nhà đều có bốn tầng, mỗi tầng có bốn phòng học. Điểm chung của các phòng là đều có bảng đen, bàn ghế, điều hòa… Nhưng ở mỗi phòng học lại được trang trí khang nhau. Sân trường là nơi rộng rãi nhất. Toàn bộ sân được đổ bê tông phẳng lì. Các bồn cây trong sân được sắp xếp thẳng hàng. Cây cối xanh tốt khiến cho sân trường luôn mát mẻ. Khu vực dãy nhà hiệu bộ là nơi làm việc của các cán bộ, thầy cô trong trường. Phía trước dãy nhà này còn có khu vực sân khấu để tổ chức các buổi lễ trong năm học hay lễ chào cờ hàng tuần. Phía bên trái của công trường là khu vực để xe của giáo viên và học sinh. Còn đằng sau dãy nhà hiệu bộ là một khoảng đất rất rộng đang được xây dựng để trở thành sân bóng. Dưới mái trường này, em đã trải qua thật nhiều kỉ niệm đẹp đẽ bên thầy cô, bạn bè. Em yêu ngôi trường của mình biết bao nhiêu.
Phép liệt kê: Điểm chung của các phòng là đều có bảng đen, bàn ghế, điều hòa…
Đoạn văn mẫu 4
Việc hút thuốc lá gây nguy hại cho sức khỏe của con người. Thành phần chính của thuốc lá là ni-cô-tin. Đó là một hoạt chất có tính gây nghiện cao. Người hút thuốc lá thường xuyên dần trở thành một thói quen, khó có thể từ bỏ được. Điều đó sẽ gây ra những nguy cơ đối với người hút thuốc lá, cũng như những người xung quanh khi họ hít phải khói thuốc lá. Khói thuốc lá có nhiều chất độc thấm vào cơ thể. Những lông rung của những tế bào niêm mạc ở ở vòm họng, phế quản, nang phổi bị chất hắc ín trong khói thuốc lá làm tê liệt, gây ra ho hen, sau nhiều năm có thể gây viêm phế quản; chất hắc ín thấm vào tế bào gây ra ung thư. Ngoài ra, các chất ô-xít các-bon bám chặt vào máu, hồng cầu không có chúng tiếp cận với ô-xi. Đặc biệt là chất Ni-cô-tin trong khói thuốc lá làm cho các động mạch co thắt lại, gây ra các bệnh huyết áp cao, tắc động mạch, nhồi máu cơ tim. Bên cạnh đó, những người xung quanh cũng bị nhiễm độc, viêm phế quản, ung thư, gây nguy hiểm cho phụ nữ đang mang thai, ảnh hưởng đến thai nhi… Bởi vậy mà toàn nhân loại phải chung tay nói không với thuốc lá.
Phép liệt kê: Đặc biệt là chất Ni-cô-tin trong khói thuốc lá làm cho các động mạch co thắt lại, gây ra các bệnh huyết áp cao, tắc động mạch, nhồi máu cơ tim.
Sau khi viết xong, em đọc lại bài viết và tự đánh giá.
------------------------------
Như vậy, VnDoc.com đã gửi tới các bạn Lý thuyết Ngữ văn 10 bài: Ôn tập học kì 2 CTST. Ngoài ra, các em học sinh có thể tham khảo môn Hóa 10 Chân trời sáng tạo, Lý 10 Chân trời sáng tạo và Toán 10 Chân trời sáng tạo tập 1, Sinh 10 Chân trời sáng tạo đầy đủ khác.