Lý thuyết Ngữ văn 10 bài: Ôn tập bài 6 CTST
Lý thuyết Ngữ văn lớp 10 bài: Ôn tập bài 6 được chúng tôi sưu tầm và tổng hợp lí thuyết và bài tập có đáp án đi kèm nằm trong chương trình giảng dạy môn Ngữ văn lớp 10 sách chân trời sáng tạo. Mời quý thầy cô cùng các bạn tham khảo tài liệu dưới đây.
Bài: Ôn tập bài 6
1. Ôn tập kiến thức các văn bản đã học
* Tình cảm, cảm xúc trong thơ
- Là những rung động nội tâm, những cảm nhận của nhà thơ về cuộc sống. Tình cảm, cảm xúc trong thơ đánh thức những rung động tinh tế trong trái tim người đọc.
* Cảm hứng chủ đạo trong thơ
- Cảm hứng là trạng thái tâm lí dạt dào cảm xúc và sự lôi cuốn, thôi thúc mãnh liệt đối với con người khi tiếp xúc với một hiện tượng, sự vật hay thực hiện một công việc, một hành động nào đó. Cảm hứng chủ đạo trong thơ là trạng thái tình cảm mãnh liệt, say đắm xuyên suốt tác phẩm thơ, tác động đến cảm xúc của những người tiếp nhận tác phẩm. Một tác phẩm thơ có thể có nhiều cảm hứng, nhưng chỉ có một cảm hứng chủ đạo vì đó là cảm hứng chính, bao trùm tác phẩm.
2. Ôn tập cách viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm trữ tình
2.1. Kiểu bài
Phân tích, đánh giá một tác phẩm trữ tình là kiểu bài nghị luận văn học dùng lí lẽ, bằng chứng để làm rõ ý nghĩa, giá trị của chủ đề và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm trữ tình ấy.
2.2. Các yêu cầu
Ngoài những yêu cầu về nội dung và kĩ năng nghị luận văn học nói chung, khi thực hiện bài nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm trữ tình (thơ/văn xuôi trữ tình), cần nêu và phân tích thỏa đáng những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật theo đặc trưng thể loại của tác phẩm và tác dụng của chúng.
+ Với các tác phẩm thơ trữ tình, cần tập trung phân tích, đánh giá các yếu tố như dạng thức xuất hiện của chủ thể trữ tình, cách gieo vần, ngắt nhịp, ngắt dòng,chia đoạn.
+ Với các tác phẩm văn xuôi trữ tình như tùy bút, tản văn, cần tập trung phân tích, đánh giá cách thể hiện tình cảm, cảm xúc của chủ thể trữ tình qua mạch suy tư, cảm xúc; cách sử dụng từ ngữ; hình ảnh; biện pháp tu từ nhằm thể hiện suy tư, cảm xúc ấy,...
- Bố cục bài viết gồm 3 phần:
+ Mở bài: giới thiệu tác phẩm, tác giả; nêu nhận xét khái quát về nội dung, nghệ thuật của tác phẩm.
+ Thân bài: lần lượt phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về nghệ thuật của tác phẩm.
+ Kết bài: khẳng định lại giá trị của chủ đề và những nét đặc sắc về nghệ thuật của tác phẩm; nêu tác động của tác phẩm đối với bản thân hoặc cảm nghĩ về tác phẩm.
2.3. Cách làm
Bước 1: Chuẩn bị viết
Xác định đề tài
+ Với đề bài này bạn sẽ chọn phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về nghệ thuật của một bài thơ trữ tình hay một tác phẩm văn xuôi trữ tình (tùy bút, tản văn,...)?
+ Phạm vi yêu cầu của đề bài như thế nào?
Lưu ý: đề bài không yêu cầu phân tích, đánh giá mọi mặt của tác phẩm văn học mà chỉ giới hạn ở một số nét đặc sắc về chủ đề và nghệ thuật của tác phẩm.
Xác định mục đích viết và người đọc
+ Bạn viết bài này nhằm mục đích gì?
+ Người đọc của bạn có thể là ai?
Thu thập tư liệu
- Để viết được bài văn đáp ứng yêu cầu của đề bài, hãy tìm đọc các bài viết, ý kiến liên quan đến tác phẩm đã chọn và tự hỏi:
+ Sẽ chọn tác phẩm văn học nào để viết?
+ Tìm tác phẩm đó ở đâu?
+ Có những tác phẩm nào cùng đề tài với tác phẩm đã chọn
Bạn có thể tìm và chọn một tác phẩm đã học trong sách giáo khoa hoặc một tác phẩm bất kì mà bạn yêu thích và muốn phân tích, đánh giá về tác phẩm đó.
Bước 2: Tìm ý và lập dàn ý
Tìm ý
+ Đọc kĩ tác phẩm văn học đã chọn để hiểu được chủ đề tác phẩm.
+ Tùy thể loại cụ thể của tác phẩm trữ tình mà nêu và trả lời các câu hỏi tìm ý.
Chẳng hạn:
- Khi tìm ý cho việc phân tích, đánh giá nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm trữ tình, cần trả lời các câu hỏi: Trong tác phẩm, cách sử dụng các yếu tố hình thức nào sau đây có thể xem là đặc sắc: chủ thể trữ tình, cách gieo vần, ngắt nhịp, ngắt dòng, chia đoạn, từ ngữ, hình ảnh,...? Cách sử dụng các yếu tố đó có tác dụng thế nào trong việc thể hiện chủ đề của tác phẩm?,...
- Khi tìm ý cho việc phân tích, đánh giá chủ đề của tác phẩm trữ tình, cần trả lời các câu hỏi: Chủ đề của tác phẩm này là gì? Chủ đề đó có gì sâu sắc, mới mẻ? Chủ đề đó bao gồm các khía cạnh nào?,...
+ Đọc một vài tác phẩm cùng đề tài để hiểu tác phẩm đã chọn có những nét đặc sắc gì về chủ đề, các biện pháp nghệ thuật và ghi lại thông tin (tham khảo bảng sau):
TT | Tên tác phẩm | Chủ đề | Các biện pháp nghệ thuật tiêu biểu |
... | Tác phẩm A | ... | ... |
... | Tác phẩm B | .... | ... |
... | ... | ... | ... |
+ Chọn những nét đặc sắc nhất của tác phẩm và liệt kê các ý bằng một vài cụm từ.
Lập dàn ý
- Sắp xếp các ý đã tìm thành một dàn ý. Phần thân bài cần:
+ Lần lượt chi tiết hóa từng luận điểm.
+ Thân bài gồm ít nhất hai luận điểm. Một luận điểm phân tích, đánh giá về chủ đề. Một luận điểm phân tích, đánh giá: nét đặc sắc về nghệ thuật và tác dụng của chúng (gắn với đặc trưng thể loại) trong việc thể hiện chủ đề của tác phẩm.
Bước 3: Viết bài:
- Bố cục bài viết gồm 3 phần:
+ Mở bài: giới thiệu tác phẩm, tác giả; nêu nhận xét khái quát về nội dung, nghệ thuật của tác phẩm.
+ Thân bài: lần lượt phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về nghệ thuật của tác phẩm.
+ Kết bài: khẳng định lại giá trị của chủ đề và những nét đặc sắc về nghệ thuật của tác phẩm; nêu tác động của tác phẩm đối với bản thân hoặc cảm nghĩ về tác phẩm.
Bước 4: Xem lại và chỉnh sửa
- Sau khi viết xong, em đọc lại bài viết và tự đánh giá.
3. Bài tập minh họa
Bài tập: Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá tác phẩm Tây Tiến - Quang Dũng, SGK Ngữ văn 10 tập 2 Chân Trời Sáng Tạo.
Hướng dẫn giải:
- Xác định rõ vấn đề sẽ viết: nghị luận phân tích, đánh giá tác phẩm Tây Tiến - Quang Dũng, SGK Ngữ văn 10 tập 2 Chân Trời Sáng Tạo
- Tìm ý và lập dàn ý rõ ràng
+ Mở bài: giới thiệu tác phẩm Tây Tiến , tác giả Quang Dũng
+ Thân bài: lần lượt phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về nghệ thuật của tác phẩm Tây Tiến - Quang Dũng
+ Kết bài: khẳng định lại giá trị của chủ đề và những nét đặc sắc về nghệ thuật của tác phẩm; nêu tác động của tác phẩm đối với bản thân hoặc cảm nghĩ về tác phẩm.
- Viết bài.
Lời giải chi tiết:
Quang Dũng là một nhà thơ đa tài trong nhiều lĩnh vực như sáng tác thơ, vẽ tranh, viết văn. Những tác phẩm của ông thể hiện tâm hồn của con người hào hoa, lãng mạn, đầy trữ tình. Tây Tiến là tác phẩm tiêu biểu thể hiện cho phong cách sáng tác thơ ca của ông với hình ảnh người lính hào hoa nhưng không kém phần lãng mạn. Tây Tiến được sáng tác vào thời kì đấu tranh ác liệt của dân ta năm 1948 và được in trong tập Hoa dọc chiến hào. Bài thơ miêu tả vẻ đẹp thiên nhiên Tây Tiến và ngợi ca người chiến sĩ với tinh thần anh dũng, bi tráng.
Mở đầu bài thơ là vẻ đẹp của thiên nhiên Tây Tiến với một tiếng gọi từ hiện tại về đến quá khứ rất thân thương:
"Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi,
Mường Lát hoa về trong đêm hơi."
Thán từ "ơi" được ngân dài tha thiết với thanh bằng gợi sự dịu êm. Nhớ chơi vơi chính là nỗi nhớ không thể định hình mà lại bâng khuâng bao trùm cả không gian, thời gian. Hai câu đầu của bài thơ tác giả nhớ lại về những gì thân thuộc trong trí nhớ về Tây Tiến. Một hành trình gian khó, nhọc nhằn, khó khăn hiện ra. Vùng núi Tây Bắc với nhiều địa danh nổi tiếng: Sông Mã, Sài Khao, Mường Lát, Mường Hịch, Pha Luông, Mai Châu gợi lên những miền rừng núi hùng vĩ đầy hoang sơ. Nhà thơ ngắt nhịp 3/4 tạo nên sự phân định rạch ròi hai hướng lên xuống trên con đường hành quân Tây Tiến. Những từ ghép, từ láy giàu được sử dụng để đặc tả sự gian nan.
"Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm,
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời."
Khi chinh phục được tưởng chừng như con người đang bồng bềnh đứng giữa biển mây. Độ cao bầu trời chỉ còn trong tầm mũi súng. Độ rộng rãi thoáng đạt của không gian ùa tới. Ý thơ của Quang Dũng không chỉ tả cảnh mà còn tả ý chí tâm hồn của người lính. Người lính Tây Tiến không bị chìm đi trước thiên nhiên khắc nghiệt mà lại như trỗi dậy đầy thử thách.
"Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống,
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi."
Chinh phục được đỉnh núi rồi ta lại phát hiện về độ cao “heo hút cồn mây súng ngửi trời”. Cồn mây cho thấy mây núi chồng chất dựng lên thành cồn thành dốc, dốc núi cao đến mức con đường lẫn vào mây khiến con đường hành quân càng cheo leo, phức tạp. Ngửi trời là cách nói vui đùa của người lính qua đó nhà thơ cho thấy tâm hồn trẻ trung không sợ khó khăn, vất vả của người lính. Giữa mạch thơ với cái dữ dội của thiên nhiên là một ánh nhìn bay bổng: "Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi", đây là một phép liên tưởng thú vị. Giữa núi rừng trùng điệp, ngôi nhà ấm áp hiện lên làm xao xuyến lòng người xa quê.
Giữa phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ ấy là sự hy sinh anh dũng của người lính Tây Tiến:
"Anh bạn dãi dầu không bước nữa,
Gục lên súng mũ bỏ quên đời!
Chiều chiều oai linh thác gầm thét,
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người."
Núi rừng Tây Tiến đầy thử thách khiến chúng ta nghe thấy rõ ràng hơi thở nặng nhọc của người lính trên mỗi chặng hành quân. Họ là những gương mặt dãi dầu sương gió rồi cuối cùng “gục lên súng mà bỏ quên đời”. Từ láy “dãi dầu” diễn tả tất cả sự vất vả của các anh lính trên chặng đường chiến đấu. Người lính không thể tiếp tục bước đi cùng đồng đội. Bên cạnh đó Quang Dũng còn tả về sự ngang tàng, anh dũng của những người chiến sĩ không sợ quân thù.
"Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói,
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi."
Kết thúc hành trình gian khổ là hình ảnh cuộc sống thanh bình, êm đềm. Làn khói lam và mùi hương nếp xôi quyến rũ gợi về một cuộc sống yên bình đáng mơ ước. Mai Châu bỗng trở nên thân thuộc biết bao nhờ câu thơ và cách diễn đạt nỗi nhớ không thể của Quang Dũng: nhớ ôi Tây Tiến...
Tây Tiến thơ mộng, trữ tình dưới ngòi bút Quang Dũng:
"Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa,
Kìa em xiêm áo tự bao giờ.
Khèn lên man điệu nàng e ấp,
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ."
Buổi liên hoan văn nghệ thật vui vẻ với ánh sáng rực rỡ của đêm hội đuốc hoa và bừng lên tỏa sáng trong cái nhìn ngạc nhiên của người chiến sĩ. Man điệu bí ẩn, say đắm, ngọt ngào làm mê hoặc lòng người. Vẻ đẹp của cô gái mềm mại, e ấp bên cạnh tiếng khèn rộn ràng. Người lính Tây Tiến chiêm ngưỡng say đắm vẻ đẹp của đêm văn nghệ với tâm hồn trẻ trung, vui vẻ.
"Người đi Châu Mộc chiều sương ấy,
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ?
Có nhớ dáng người trên độc mộc,
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa?"
Nhà thơ đang hướng cảm xúc của mình về miền tây sông nước. Dòng người mềm mại, duyên dáng băng băng trên độc mộc thể hiện sự lãng mạn trong hồn thơ Quang Dũng và vẽ được cái hư ảo của hoài niệm, sự tinh tế của tình cảm.
"Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc,
Quân xanh màu lá dữ oai hùm."
Đoàn binh Tây Tiến xuất hiện với tư thế oai phong "dữ oai hùm”. Tuy nhiên sự thật là người lính đang phải hứng chịu những trận sốt rét khủng khiếp trong hoàn cảnh thiếu thốn thuốc men, vật chất. Đoàn quân ấy đang phải đối mặt với bao khó khăn, gian nguy, thiếu thốn.
"Mắt trừng gửi mộng qua biên giới,
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm."
Giữa khung cảnh khắc nghiệt, người lính vẫn giữ tâm hồn lãng mạn đã mơ về hình ảnh yêu kiều của người con gái Hà Nội. Giấc mơ về Hà Nội yên bình vô cùng bay bổng lãng mạn và cũng là động lực tinh thần cho đoàn quân Tây Tiến.
Khát vọng chiến thắng, sự hy sinh anh dũng của người lính Tây Tiến được thể hiện qua câu thơ:
"Rải rác biên cương mồ viễn xứ,
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh.
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành."
Khát vọng của họ là được ra đi và xả thân. Đó cũng là lý tưởng cao cả nhất trong cuộc hành trình gian khổ của người chiến sĩ. “Áo bào thay chiếu anh về đất” chỉ sự hy sinh cao cả của người lính. Con sông Mã gắn với tiếng gầm thể hiện cái chết oai hùng mang tầm sử thi.
"Tây Tiến người đi không hẹn ước,
Đường lên thăm thẳm một chia phôi.
Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy,
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi."
Bài thơ kết thúc đầy xúc cảm. Đường lên Tây Tiến, đường đến với chiến thắng quả thật rất gian nan, thăm thẳm, xa cách và chẳng có một lời hứa hẹn chắc chắn nào. Nhưng với tinh thần, ý chí chiến đấu của người lính chắc chắn sẽ đập tan quân thù. Tây Tiến sẽ mãi là bài thơ lưu trữ những ký ức đẹp đẽ của dân tộc, của một thời chiến đấu để đạt được cuộc sống ấm no, hạnh phúc như ngày hôm nay.
------------------------------
Như vậy, VnDoc.com đã gửi tới các bạn Lý thuyết Ngữ văn 10 bài: Ôn tập bài 6 CTST. Ngoài ra, các em học sinh có thể tham khảo môn Hóa 10 Chân trời sáng tạo, Lý 10 Chân trời sáng tạo và Toán 10 Chân trời sáng tạo tập 1, Sinh 10 Chân trời sáng tạo đầy đủ khác.