Lý thuyết Ngữ văn 10 bài: Ôn tập học kì 1 CTST
Chúng tôi xin giới thiệu bài Lý thuyết Ngữ văn lớp 10 bài: Ôn tập học kì 1 được VnDoc sưu tầm và tổng hợp lí thuyết và bài tập có đáp án đi kèm nằm trong chương trình giảng dạy môn Ngữ văn lớp 10 sách chân trời sáng tạo. Mời quý thầy cô cùng các bạn tham khảo tài liệu dưới đây.
Bài: Ôn tập học kì 1
1. Ôn lại kiến thức về văn bản đọc hiểu
- Thần Trụ trời: Văn bản lý giải cái nhìn của con người cổ đại về hiện tượng thế giới được hình thành, được sắp đặt trật tự như bây giờ. Đồng thời thể hiện sự tôn kính và thiêng liêng của con người đối với văn hóa tâm linh, niềm tin vào tín ngưỡng, trời đất
- Prô-mê-tê và loài người: Truyện giúp người đọc hình dung sự hình thành con người và thế giới muôn loài. Từ đó, ca ngợi công lao to lớn của hai vị thần Prô-mê-tê và Ê-pi-mê-tê đã cho mỗi loại có những đặc ân, “vũ khí” riêng và giúp cuộc sống trở nên tươi sáng và phong phú hơn
- Đi san mặt đất: Văn bản cho thấy công lao to lớn của con người trong việc cải tạo thiên nhiên và khát vọng chinh phục thiên nhiên của người xưa. Qua đó thể hiện tình cảm yêu mến, ngợi ca của tác giả đối với công ơn của thế hệ cha anh đi trước.
- Cuộc tu bổ lại các giống vật: Truyện đã giải thích quá trình tu bổ lại các giống vật, bù đắp những phần cơ thể còn thiếu để chúng có hình dạng giống ngày nay.
- Đăm Săn chiến thắng Mtao Mxây: Văn bản ca ngợi chiến thắng vẻ vang của người anh hùng Đăm Săn, trọng danh dự, gắn bó với hạnh phúc gia đình và thiết tha với cuộc sống bình yên, phồn vinh của thị tộc – đó là những tình cảm cao nhất thôi thúc Đăm Săn chiến đấu và chiến thắng kẻ thù.
- Gặp Ka-ríp và Xi-la - Hô-me-rơ: Văn bản cho thấy tinh thần tỉnh táo, dũng cảm và mưu trí của Ô-đi-xê và những người anh hùng là bạn của ông trên hành trình đi qua. Thể hiện tấm lòng ca ngợi, trân trọng và đồng cảm với những người anh hùng. Đồng thời khuyên con người phải biết vượt qua những cám dỗ, thử thách trong cuộc sống để thành công.
- Ngôi nhà truyền thống của người Ê-đê: Văn bản giúp người đọc hình dung được ngôi nhà của người dân tộc Êđê với những hình ảnh chân thực, sinh động, cho người đọc những cảm nhận chính xác nhất về ngôi nhà. Đồng thời thể hiện được nét truyền thống về văn hóa và tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Ê-đê qua những hình ảnh được chạm khắc trên ngôi nhà.
- Đăm Săn đi chinh phục nữ thần Mặt Trời: Văn bản xoay quanh cuộc đi chinh phục nữ thần Mặt Trời phải trải qua biết bao gian nan, khó khăn, thử thách, qua đó ca ngợi hình ảnh người anh hùng sử thi hiện thân cho sức mạnh và trí tuệ.
- Hương Sơn phong cảnh - Chu Mạnh Trinh: Tác phẩm thể hiện tình yêu quê hương, đất nước hòa quyện với tâm linh, hướng con người tới niềm tự hào về đất nước.
- Thơ duyên - Xuân Diệu: Qua việc miêu tả thiên nhiên để bộc lộ tình yêu lứa đôi, tình yêu với cuộc sống, với con người, và sự giao hòa, hòa hợp tuyệt diệu giữa thiên nhiên và con người.
- Lời má năm xưa - Trần Bảo Định: Văn bản nói về lòng yêu thương loài vật của con người. Đây cũng là bài học mà người mẹ muốn dạy cho nhân vật chính.
- Nắng đã hanh rồi - Vũ Quần Phương: Bài thơ miêu tả khung cảnh thiên nhiên mùa đông ở trước sân nhà, trên những mái tranh và khung cảnh thiên nhiên mùa đông ở trên núi.
- Tranh Đông Hồ - Nét tinh hoa của văn hóa dân gian Việt Nam: Tác phẩm ca ngợi vẻ đẹp văn hóa truyền thống tranh Đông Hồ của dân tộc. Đồng thời, phát huy tinh thần yêu mến, trân trọng tìm hiểu về các tinh hoa văn hóa truyền thống của dân tộc.
- Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang khánh thành phòng truyền thống; Thêm một bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Nhật: Cả hai văn bản đều thể hiện giá trị của những sản phẩm văn hóa của dân tộc và bộc lộ niềm tự hào, trân trọng ngợi ca của tác giả với những tinh hoa văn hóa ấy.
- Lí ngựa ô ở hai vùng đất - Phạm Ngọc Cảnh: Văn bản nói về giai điệu lí ngựa ô tuy thân thuộc mà khác nhau giữa hai vùng đất. Mỗi câu lí lại chứa đựng những tâm tư, tình cảm khác nhau.
- Chợ nổi - nét văn hóa sông nước miền Tây: Văn bản cung cấp cho người đọc những thông tin về chợ nổi - một hình thức buôn bán độc đáo mới lạ thú vị của người miền Tây, đồng thời thể hiện vai trò quan trọng của chợ nổi trong việc lưu giữ, bảo tồn và phát huy văn hóa miền Tây.
- Thị Mầu lên chùa: Đoạn trích thể hiện thành công hình ảnh Thị Mầu với tính cách lẳng lơ, buông thả, cho thấy đặc trưng của nhân vật này qua lời nói, cử chỉ và hành động đối với tiểu Kính Tâm. Qua đó cho thấy niềm cảm thông, thương cảm với thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ và ngợi ca trân trọng những phẩm chất tốt đẹp của họ.
- Huyện Trìa xử án: Văn bản phơi bày bộ mặt xấu xa thối nát mục rữa của những kẻ quan lại, chức dịch tham ô, nhũng nhiễu dân chúng và đam mê tửu sắc, những góc khuất đen tối, xấu xa của xã hội với những mặt trái, những điều tiêu cực còn tồn tại chốn cửa quan - nơi mà người ta tìm đến để đòi lại công bằng. Qua đó bộc lộ niềm cảm thông, thương xót cho thân phận của những người dân thấp cổ bé họng.
- Đàn ghi-ta phím lõm trong dàn nhạc cải lương: Văn bản cung cấp cho người đọc những thông tin về đàn ghi ta phím lõm lịch sử ra đời, quá trình du nhập và Việt Nam, âm điệu với nhiều sắc thái. Đồng thời khẳng định tầm quan trọng của đàn ghi-ta phím lõm trong dàn nhạc và sự đón nhận của dàn nhạc cải lương đối với đàn ghi-ta phím lõm.
- Xã trưởng - Mẹ Đốp: Văn bản cho thấy sự phê phán đối với những tầng lớp chức dịch như xã trưởng nhưng lại có tính trêu ghẹo, đùa cợt người khác, ham sắc và khinh người, tự cao và không có đạo đức. Đồng thời, thể hiện xã hội cổ hủ, lạc hậu xưa với những giáo điều, quy định khắt khe qua hình phạt gõ mõ đối với Thị Màu.
- Huyện Trìa, Đề Hầu, Thầy Nghêu mắc lỡm Thị Hến: Văn bản đem đến một tình huống gây cười khi cả ba kẻ mê sắc đều tụ hội ở nhà Thị Hến và được một phen bẽ mặt, xấu hổ, nhục nhã. Đồng thời, phê phán, châm biếm và mỉa mai những kẻ mê sắc, xử kiện không công bằng, bị cái đẹp làm mờ mắt, cuối cùng lại bẽ mặt dưới tay một ả góa.
2. Ôn lại kiến thức về tiếng Việt
- Các phép liên kết về nội dung:
+ Liên kết chủ đề: Các đoạn văn phải phục vụ chủ đề chung của văn bản, các câu trong đoạn cũng phải nói về chủ đề chung của đoạn văn.
+ Liên kết lôgic: Các đoạn văn và các câu văn phải được sắp xếp theo một trình tự hợp lí.
- Các phép liên kết về hình thức:
+ Phép lặp : Từ ngữ của câu trước (đoạn trước) lặp lại ở câu sau (đoạn sau).
+ Phép đồng nghĩa, trái nghĩa, liên tưởng: Là các từ ngữ ở các câu có các từ đồng nghĩa, trái nghĩa, hay cùng trường nghĩa.
+ Phép nối: Dùng các quan hệ từ để nối các câu lại tạo nên sự liên kết. Các quan hệ từ thường được sử dụng: nhưng, qua đó, đồng thời, bên cạnh đó, trước đó, sau đó, thế là, trái lại, thậm chí, cuối cùng,…
+ Phép thế: Thay thế các từ ngữ đứng trước bằng đại từ hay từ ngữ có nghĩa tương đương.
- Tỉnh lược:
+ Tỉnh lược là biện pháp lược bỏ một hoặc một số thành phần nào đó của một phát ngôn nhằm tránh lặp lại chúng trong phát ngôn khác. Yếu tố tỉnh lược có thể là bất cứ thành phần nào đó của phát ngôn.
+ Chính nhờ sự lược bỏ này mà các phát ngôn có quan hệ chặt chẽ với nhau.
+ Tránh lặp từ vựng và lặp nghĩa (không dùng yếu tố đồng nghĩa hay đại từ).
- So sánh:
+ So sánh là đối chiếu sự vật, sự việc, hiện tượng này với sự vật, sự việc, hiện tượng khác có nét tương đồng để tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.
+ Tác dụng: giúp tạo ra những hình ảnh cụ thể, sinh động, giúp người nghe dễ hình dung về sự vật, sự việc được miêu tả.
- Nói quá:
+ Nói quá là biện pháp tu từ phóng đại mức độ, quy mô, tính chất của sự vật, hiện tượng được miêu tả. Nói quá còn có tên gọi khác là khoa trương, ngoa dụ, thậm xưng, phóng đại, cường điệu.
+ Tác dụng: giúp nhấn mạnh ý, gây ấn tượng, tăng sức biểu cảm cho bài văn.
- Lỗi dùng từ
+ Lỗi lặp từ
+ Lỗi dùng từ không đúng hình thức ngữ âm
+ Lỗi dùng từ không đúng nghĩa
+ Lỗi dùng từ không phù hợp với khả năng kết hợp
+ Lỗi dùng từ không phù hợp với kiểu văn bản
- Phương tiện phi ngôn ngữ trong văn bản:
+ Phương tiện phi ngôn ngữ trong văn bản là các số liệu, đường nối, biểu đồ, sơ đồ hoặc hình ảnh. Thông qua đó người viết diễn đạt nội dung thông tin mà mình muốn truyền đạt đến người đọc một cách sinh động, hệ thống và trực quan hơn.
+ Các biểu đồ, sơ đồ giúp các thông tin trong văn bản trở nên cụ thể, trực quan, đồng thời cho thấy mối quan hệ logic giữa các thông tin
+ Có rất nhiều dạng biểu đồ, sơ đồ: biểu đồ tròn thể hiện vòng tuần hoàn của các sự vật, hiện tượng, sơ đồ Venn dùng để so sánh, biểu đồ thời gian dùng để biểu đạt sự phát triển; sơ đồ cây thể hiện hệ thống cấp bậc của thông tin;...
3. Bài tập minh họa
Bài tập 1: Cảm nhận của anh/ chị về cái duyên trong bài Thơ duyên - Xuân Diệu, SGK Ngữ văn 10 tập 1 Chân Trời Sáng Tạo.
Hướng dẫn giải:
- Đọc lại bài Thơ duyên - Xuân Diệu, SGK Ngữ văn 10 tập 1 Chân Trời Sáng Tạo
- Dựa vào nội dung bài học để cảm nhận về cái duyên trong bài thơ
- Có thể tham khảo một số bài văn mẫu trên sách báo hoặc internet
Lời giải chi tiết:
Trong phong trào thơ mới ta không những được thoát lên tiên với Thế Lữ, điên cuồng với Hàn Mạc Tử, phiêu lưu với trường tình của Lưu Trọng Lư mà ta còn được say đắm trong thơ Xuân Diệu nữa. Nhà thơ ấy yêu đời đến cuống quýt cuồng nhiệt, chính vì thế mà những tác phẩm thơ của ông thường mang đến tình yêu, mùa xuân và tuổi trẻ. Đặc biệt trong những bài thơ ấy ta ấn tượng với bài thơ duyên. Ấn tượng đến nỗi mà càng đọc càng thấy cái hay và cái đẹp của bài thơ.
Không giống với bài thơ đây mùa thu tới mà với bài thơ thu này người ta chỉ cảm nhận được cái nhẹ nhàng dịu dàng của thu chứ không hề mang một nỗi buồn phảng phất nào cả. Cái hay cái đẹp có thể cũng thể hiện rất rõ trong chính nhan đề của tác phẩm. Duyên kia chứ không phải là tình. Nhà thơ không nói là thơ tình mà lại là duyên. Duyên là cái để hai người gặp nhau yêu nhau thương nhau. Duyên là sự ngẫu nhiên mà dẫn đến sự gắn bó trong tình cảm. Thơ duyên chứ không phải thơ tình bởi nhà thơ không đơn thuần nói về tình yêu đôi lứa mà cái duyên ở đây còn mang nghĩa rộng hơn. Đó là cái duyên của thiên nhiên với thiên nhiên. Của thiên nhiên với con người, duyên của con người với con người. Trong bài thơ này cảm hứng của tác giả có thể là bắt nguồn từ tình yêu nhưng nó chỉ là điểm nhìn để từ đó phát hiện ra bao mối tơ duyên hòa hợp, phát hiện ra thế giới của hòa điệu và giao cảm. Đó là sự hòa điệu của thiên nhiên và sự hòa điệu của con người.
Cái hay và cái đẹp trong bài thơ được thể hiện trước hết ở khổ thơ thứ nhất. Trong khổ thơ này ta cảm nhận được cảnh mùa thu tươi tắn:
“Chiều mộng hòa thơ trên nhánh duyên.
Cây me ríu rít cặp chim chuyền
Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá,
Thu đến nơi nơi động tiếng huyền.”
Cái hay, cái đẹp chính là cái duyên của thiên nhiên ở đây. Buổi chiều ấy hòa thơ trên những nhánh cây duyên kia. Phải chăng xuất phát từ điểm nhìn của tình yêu đôi lứa cho nên thiên nhiên nơi đây cũng mang một cái duyên nào đó. Chắc phải là duyên tình. Chính những nét ấy đã làm nên cái thơ mộng trữ tình của thiên nhiên cảnh vật nơi đây. Cây me thì ríu rít những cặp chim chuyền cành. Đến chim kia cũng có đôi có cặp. Và hình như nhà thơ đang cảm thấy những con chim ấy chính là kết quả của chữ duyên kia. Chính duyên số đã đưa chúng lại gần nhau hơn và làm đẹp hơn cái duyên của thiên nhiên mùa thu ấy. màu trời kia như ai đổ lên những màu xanh ngọc qua muôn lá. Mùa thu đến nơi nơi trong tiếng huyền. Mỗi mùa có một tiếng tiêng, nếu mùa xuân thì thầm hoa lá, nếu màu hạ tưng bừng với những âm thanh rộn rã của tiếng ve, nếu mùa đông có tiếng gió rít lạnh lẽo thì mùa thu chọn cho mình âm thanh của tiếng lá rơi xào xạc huyền ảo êm tai. Đó phải chăng là tiếng nhạc, tiếng đàn du dương như ru người ta vào những mộng mị. Chính những điều đó là cảnh đẹp của thiên nhiên, còn cái hay lại chính là cái duyên của trời đất.
Như vậy ngay chính trong khổ thơ đầu thì cái đẹp cái hay của thơ duyên, của duyên thiên nhiên đã hiện ra trước mắt chúng ta. Cái màu sắc, âm thanh, hình ảnh của mùa thu ấy êm đềm dịu ngọt quá khiến cho những chúng ta như được bước vào một cõi tiên thơ mộng. Nhưng vô cùng ngạc nhiên rằng chính cái tiên cảnh ấy lại là những cái quá đỗi thân quen nơi trần gian này. Và chính qua sự cảm nhận rất thơ cua Xuân Diệu thì điều đó trở nên thật tuyệt vời. Đồng thời qua đây ta cũng không cảm thấy cái buồn của mùa thu ta chỉ thấy cái hay cái đẹp của nó mà thôi.
Nếu như khổ hai thiên nhiên như cây, gió, cặp chim chuyên hòa hợp với nhau làm nên cái duyên của đất trời thì đến khổ thơ thứ hai này cảnh như xui khiến con người “bạn” và “ta” để ý đến nhau:
“Con đường nho nhỏ, gió xiêu xiêu,
Lả lả cành hoang nắng trở chiều.
Buổi ấy lòng ta nghe ý bạn.
Lần đầu rung động nỗi thương yêu”
Con đường hiện lên với dáng hình nho nhỏ, gió chiều thì xiêu xiêu. Cái gió ấy không phải là gió thoang thoảng nhẹ nhàng hay phấp phới mà lá cái gió xiêu xiêu. Từ láy ấy như thể hiện được cái đặc biệt của cơn gió mùa thu. Cái sự se lạnh của nó khiến cho con người ta cảm thấy nhẹ nhàng thanh thoát hết cả tâm hồn. Cành cây nào đó lả lả nắng thì trở chiều. Từng câu thơ của Xuân Diệu như thể hiện được hết cái hay cái đẹp của thiên nhiên con người. Không những thế cái hay cái đẹp còn được thể hiện trong chính những câu thơ của Xuân Diệu. Chính cái không gian cảnh vật tuyệt vời ấy đã làm nền cho “ta” để ý đến “bạn” và bỗng nỗi rung động bỗng lại ùa vào những yêu thương. Cái hay cái đẹp của thiên nhiên cũng như tình cảm con người ấy đã khiến cho nhà phê bình Hoài Thanh phải cất lên những nhận lời nhận xét. Chính vì lời nhận xét ấy thì có nhiều người đã cho rằng: Nếu thơ duyên không dành được một chốc trong sách giáo khoa, nếu thơ duyên không được ngòi bút tài hoa của Hoài Thanh bình luận chắc ít ai ngó ngàng đến thi phẩm của Xuân Diệu. Tuy nhiên thì sự thật thì có thêm lời bình của Hoài Thanh người ta thêm yêu nó hơn mà thôi. Ở đây ta có thể hiểu rằng con đường nhỏ kia chính là con đường của tình yêu, con đường ấy như đang say cơn gió kia mà chúi đầu vào nũng nịu. Cành hoang thì cũng như có tình ý gì với nắng chiều mà lả lơi tình tứ.
Và khi đến với khổ thơ tiếp theo chúng ta như cảm nhận được một tình yêu đôi lứa có những chàng trai cô gái ấy:
“Em bước điềm nhiên không vướng chân,
Anh đi lững thững chẳng theo gần,
Vô tâm – nhưng giữa bài thơ dịu,
Anh với em như một cặp vần.”
Trước sự giao hòa của thiên của con người thì lại xuất hiện hình ảnh anh và em nhưng lạ ở chỗ lại có khoảng cách bước xa nhau. Tất cả mọi sự vật của mùa thu hiện lên thật gần gũi thế nhưng sao ở đây lại có khoảng cách. Em thi bước điềm nhiên, đó là trạng thái nhẹ nhàng, không một chút bận lòng nào. Còn nhân vật anh thì lại đi lững thững thơ thẩn. Như kiểu cả hai người đi mà chẳng để ý người còn lại. Mặc dù bề ngoài họ vô tâm thế nhưng cái duyên không nằm ở khoảng cách ấy. Bởi họ đang đi trong một khu vườn tình ái vì thế cho nên họ giống như những cặp vần đứng sát lại gần nhau. Thiên nhiên giống như một khúc nhạc đệm làm nên bản tình ca đắm say cho con người. Chính vì thế mà những người trẻ tuổi thương yêu nhau từ cái vô tâm cho đến cái hữu tình. Nói là một cặp vần nhưng chúng ta như biết được rằng đó chính là một cặp tình nhân yêu đương. Đó chẳng phải là cái hay cái đẹp hay sao?
Hình ảnh thiên nhiên đẹp lại hiện lên những cánh cò, áng mây, loài chim nào đó:
“Mây biếc về đâu bay gấp gấp,
Con cò trên ruộng cánh phân vân,
Chim nghe trời rộng dang thêm cánh,
Hoa lạnh chiều thưa sương xuống dần.”
Thiên nhiên màu thu không còn buồn thiu nhẹ nhàng mà nó trở nên gấp gáp. Dường như Xuân Diệu lúc nào cũng gấp gáp vì thế cho nên mùa thu vốn nhẹ nhàng mà cũng phải gấp gáp theo nhà thơ. Mây bay đi gấp gáp, con cò trên đồng ruộng ấy thì phân vân. Cò như được nhân hóa, nó phân vân điều gì?. Chim trên khoảng không ấy dang rộng đôi cánh mà bay. Hoa thì lạnh chiều thưa sương bắt đầu xuống. Qua những hình ảnh ấy ta dường như cảm nhận được buổi chiều thu đang dần chuyển sang tối. Những thiên nhiên cảnh vật như được nhân hóa có tâm trạng, biết phân vân, gấp gáp bay đi.
Đến với khổ thơ cuối cùng thì con người lại hiện lên với những tình cảm tốt đẹp:
“Ai hay tuy lặng bước thu êm,
Tuy chẳng băng nhân gạ tỏ niềm
Trông thấy chiều hôm ngơ ngẩn vậy
Lòng anh thôi đã cưới lòng em.”
Bước thu êm là sự cảm nhận tinh tế của cảnh thu và tình thu. Nó tuy tĩnh lặng nhưng lại không có sức cảm hóa vạn vật xung quanh. Cái êm ấy làm cho tình cứ đến mà không cần phải gạ gẫm gì. Chiều hôm ấy ngẩn ngơ trong cảnh đẹp hay chính là lòng người đang ngẩn ngơ. Phải chẳng cảnh và con người đang xúc động và đang một thoáng mộng tưởng mơ hồ xa xôi. Đặc biệt là câu thơ cuối rất hay bởi ở đây có sự “cưới lòng”. Cái này chưa ai từng nghe thấy thế mà ở đây Xuân Diệu lại nói như thế. Hai chữ ấy như thể hiện được cái đính hôn tình cảm bí mật không cho người kia biết. Trong lòng thì đã thích nhưng mặt ngoài vẫn còn e thẹn.
Như vậy qua bài thơ ta không chỉ thấy cái hay cái đẹp trong những câu từ ngôn chữ hay nghệ thuật thơ ca của Xuân Diệu mà ta còn cảm nhận được cái cảnh và cái tình trong đó. Cảnh thu vốn rất buồn thế nhưng ở đây thì lại không hề buồn. Nó cứ mang cái sự nhẹ nhàng dịu ngọt ấy đến cho mỗi người cảm nhận. Và tình cảm con người cũng như được phát triển trong chính cảnh thu ấy.
Bài tập 2: Viết một đoạn văn ngắn chủ đề 20/11 có sử dụng ít nhất hai biện pháp nói quá. Gạch chân dưới những biện pháp tu từ đó.
Hướng dẫn giải:
- Xác định đối tượng, chủ đề: đoạn văn ngắn chủ đề 20/11
- Lên ý tưởng và viết đoạn văn
- Gạch chân dưới các biện pháp tu từ nói quá được sử dụng trong đoạn văn
Lời giải chi tiết:
Ngày 20-11 năm nào cũng thế, nhà trường dành riêng một buổi để tổ chức kỉ niệm ngày nhà giáo Việt Nam. Chúng em háo hức chuẩn bị các tiết mục văn nghệ thật đặc sắc để chúc mừng và thay lời cảm ơn đến các thầy cô đã dạy dỗ chúng em ở dưới mái trường này. Thế là ngày kỉ niệm cũng tới. Năm nay, trường em tổ chức rất hoành tráng. Từ khâu chuẩn bị sân khấu, loa đài và các tiết mục văn nghệ cũng được đầu tư rất công phu. Trên sân trường lúc này rất nhộn nhịp. Tiếng nói cười của các bạn học sinh, một số bạn trên tay cầm bông hoa và những món quà nho nhỏ dành cho thầy cô của mình. Cuối cùng, buổi lễ kỉ niệm cũng bắt đầu. Sau các nghi thức chào cờ và bài diễn văn của thầy hiệu trưởng là đến các tiết mục văn nghệ của các lớp. Thật bất ngờ! Các bạn nữ hóa trang thành các cô giáo bản làng duyên dáng như các nghệ sĩ múa thực thụ. Một lớp khác với tiết mục văn nghệ nhảy dân vũ đã khuấy động bầu không khí trở lên náo nhiệt....Ngoài ra, còn rất nhiều tiết mục hay và hấp dẫn. Buổi diễn văn nghệ năm nay như một chương trình âm nhạc hoành tráng. Đó cũng là công sức tập luyện của các bạn học sinh để có một buổi kỉ niệm 20-11 thật ý nghĩa như vậy.
------------------------------
Như vậy, VnDoc.com đã gửi tới các bạn Lý thuyết Ngữ văn 10 bài: Ôn tập học kì 1 CTST. Ngoài ra, các em học sinh có thể tham khảo môn Hóa 10 Chân trời sáng tạo, Lý 10 Chân trời sáng tạo và Toán 10 Chân trời sáng tạo tập 1, Sinh 10 Chân trời sáng tạo đầy đủ khác.