Sinh học 9 bài 31: Công nghệ tế bào
Lý thuyết Sinh học lớp 9 bài 31: Công nghệ tế bào
Lý thuyết Sinh học lớp 9 bài 31: Công nghệ tế bào được VnDoc sưu tầm và đăng tải, tổng hợp các câu hỏi lí thuyết trong chương trình giảng dạy môn Sinh học lớp 9. Tài liệu giúp các em nắm vững kiến thức được học về Công nghệ tế bào, từ đó vận dụng làm bài tập liên quan hiệu quả. Sau đây mời các bạn tham khảo chi tiết.
A. Giải Sinh học 9 bài 31
- Giải bài tập trang 91 SGK Sinh 9: Công nghệ tế bào
- Giải bài tập VBT Sinh học lớp 9 bài 31: Công nghệ tế bào
B. Lý thuyết Sinh học 9 bài 31
I. KHÁI NIỆM
- Công nghệ tế bào là ngành kỹ thuật về quy trình ứng dụng phương pháp nuôi cấy tế vào hoặc mô để tạo ra cơ quan hoặc cơ thể hoàn chỉnh.
- Gồm 2 công đoạn:
+ Tách tế bào hoặc mô từ cơ thể rồi mang nuôi cấy ở môi trường dinh dưỡng để tạo mô sẹo
+ Dùng hóoc - môn sinh trưởng kích thích mô sẹo phân hóa thành cơ quan hoặc cơ thể hoàn chỉnh.
II. ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ TẾ BÀO
- Công nghệ tế bào được sử dụng khá rộng rãi trong nhân giống vô tính ở cây trồng và trong tạo giống cây trồng.
- Ở vật nuôi, công nghệ tế bào đã thu được một số kết quả bước đầu.
1. Nhân giống vô tính trong ống nghiệm (vi nhân giống) ở cây trồng
- Qui trình nhân giống vô tính trong ống nghiệm ở cây trồng:
Tách mô phân sinh (từ đỉnh sinh trưởng hoặc từ các tế bào lá non) → Nuôi cấy trên môi trường dinh dưỡng đặc trong ống nghiệm để tạo ra các mô sẹo → Dùng hoocmôn sinh trưởng phù hợp để kích thích mô sẹo thành cây con hoàn chỉnh → Trồng các cây con trong vườn ươm có mái che để cây con thích nghi dần với điều kiện tự nhiên → Sau đó, đem cây con mang ra ngoài đồng ruộng trồng đại trà.
- Ưu điểm:
+ Tăng nhanh số lượng cây trồng
+ Rút ngắn thời gian tạo ra cây con mới
+ Bảo tồn và nhân nhanh một số nguồn gen thực vật quý hiếm
- Thành tựu: nhân giống ở cây khoai tây, phong lan, mía, dứa…
*Lưu ý: Không sử dụng các tế bào đã qua phân hóa hoặc đã già vì khi tiến hành nuôi cấy chúng phải trải qua khâu phản phân hóa (có khả năng phân bào và tái sinh thành cây hoàn chỉnh) tốn thời gian, hóa chất và kinh phí.
Trong trường hợp cần thiết, người ta mới sử dụng tế bào đã phân hóa để duy trì các nguồn gen quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng.
2. Ứng dụng nuôi cấy tế bào và mô trong chọn giống cây trồng
- Sử dụng công nghệ nuôi cấy tế bào và mô phát hiện và chọn lọc dòng tế bào xoma biến dị (tập hợp các tế bào được hình thành từ 1 tế bào xoma ban đầu qua nhiều lần nguyên phân).
Ví dụ:
+ Từ tế bào phôi của giống lúa CR203: chọn dòng tế bào chịu nóng và khô hạn, cho năng suất cao.
+ Dùng phương pháp nuôi cấy tế bào tạo ra giống lúa DR2 có năng suất và độ thuần chủng cao, chịu nóng và khô hạn tốt.
3. Nhân bản vô tính ở động vật
- Khái niệm: Nhân bản vô tính ở động vật là phương pháp nhân giống bằng cách chuyển nhân của một tế bào sinh dưỡng vào 1 tế bào trứng đã lấy mất nhân rồi kích thích phát triển thành phôi → cơ thể mới. Cơ thể mới này chứa bộ NST của cơ thể mẹ cho nhân.
- Trên thế giới, đã nhân bản vô tính thành công đối với cừu (cừu đôli), bò và 1 số động vật khác.
- Ở Việt Nam, nhân bản vô tính thành công trên cá trạch.
- Ý nghĩa: Tạo cơ quan nội tạng của động vật đã được chuyển gen người để chủ động cung cấp cơ quan thay thế cho các bệnh nhân bị hỏng cơ quan tương ứng.
C. Trắc nghiệm Sinh học 9 bài 31
Câu 1: Công nghệ tế bào là
A. Kích thích sự sinh trưởng của tế bào trong cơ thể sống.
B. Dùng hoocmon điều khiển sự sinh sản của cơ thể.
C. Nuôi cấy tế bào và mô trong môi trường dinh dưỡng nhân tạo để tạo ra những mô, cơ quan hoặc cơ thể hoàn chỉnh.
D. Dùng hoá chất để kìm hãm sự nguyên phân của tế bào.
Đáp án: C
Câu 2: Tạo giống cây trồng bằng công nghệ tế bào không gồm phương pháp
A. Nuôi cấy hạt phấn, lai xôma
B. Cấy truyền phôi
C. Chuyển gen từ vi khuẩn
D. Nuôi cấy tế bào thực vật Invitro tạo mô sẹo
Đáp án: B
Câu 3: Kỹ thuật nào dưới đây là ứng dụng công nghệ tế bào trong tạo giống mới ở thực vật?
A. Nuôi cấy hạt phấn.
B. Phối hợp hai hoặc nhiều phôi tạo thành thể khảm.
C. Phối hợp vật liệu di truyền của nhiều loài trong một phôi.
D. Tái tổ hợp thông tin di truyền của những loài khác xa nhau trong thang phân loại.
Đáp án: A
Câu 4: Đặc điểm không phải của cá thể tạo ra do nhân bản vô tính là:
A. Mang các đặc điểm giống hệt cá thể mẹ đã mang thai và sinh ra nó
B. Thường có tuổi thọ ngắn hơn so với các cá thể cùng loài sinh ra bằng phương pháp tự nhiên
C. Được sinh ra từ một tế bào xôma, không cần có sự tham gia của nhân tế bào sinh dục
D. Có kiểu gen giống hệt cá thể cho nhân
Đáp án: A
Câu 5: Cừu Doly được tạo nên từ nhân bản vô tính mang đặc điểm giống với
A. Cừu cho nhân
B. Cừu cho trứng
C. Cừu cho nhân và cho trứng
D. Cừu mẹ
Đáp án: A
Câu 6: Kĩ thuật nào dưới đây là ứng dụng của công nghệ tế bào trong tạo giống mới ở thực vật?
A. Nuôi cấy hạt phấn
B. Nuôi cấy mô tế bào
C. Cấy truyền phôi
D. Nhân bản vô tính
Đáp án: A
Câu 7: Bảng dưới đây cho ta biết 1 số thông tin về tạo giống bằng công nghệ tế bào
Cột A | Cột B |
1. Nuôi cấy hạt phấn | a) Tạo nên quần thể cây trồng đồng nhất về kiểu gen |
2. Lấy tế bào sinh dưỡng | b) Cần phải loại bỏ thành tế bào trước khi đem lai |
3. Nuôi cấy mô tế bào | c) Cần xử lí chất consixin gây lưỡng bội hóa tạo cây lưỡng bội |
4. Cấy truyền phôi | d) Kĩ thuật chia cắt phôi động vật thành nhiều phôi |
Trong các phương án dưới đây, phương án nào có tổ hợp ghép đôi đúng?
A. 1-a, 2-b, 3-c, 4-d
B. 1-c, 2-b, 3-a, 4-d
C. 1-c, 2-a, 3-c, 4-d
D. 1-b, 2-a, 3-c, 4-d
Đáp án: B
Câu 8: Trong công nghệ tế bào thực vật, phương pháp nào có sử dụng hóa chất consixin?
A. Nuối cấy mô tế bào và lai tế bào sinh dưỡng
B. Nuôi cấy mô tế bào và nuôi cấy hạt phấn
C. Nuôi cấy hạt phấn và lai tế bào sinh dưỡng
D. Nuôi cấy mô tế bào
Đáp án: C
Câu 9: Khi nói về tạo giống bằng công nghệ tế bào, có bao nhiêu phát biểu sau đây đúng?
- Để nhân các giống lan quý, các nhà nghiên cứu cây cảnh đã áp dụng phương pháp nuôi cấy tế bào, mô thực vật.
- Khi nuôi cấy hạt phấn hay noãn chưa thụ tinh trong môi trường nhân tạo có thể mọc thành các dòng tế bào đơn bội.
- Consixin là hóa chất có hiệu quả rất cao trong việc gây đột biến đa bội.
- Trong lai tế bào, người ta nuôi cấy 2 dòng tế bào sinh dục khác loài.
A. 4
B. 3
C. 2
D. 1
Đáp án: B
Câu 10: Khi nói về công nghệ tế bào, phát biểu nào sau đây đúng?
A. Nuôi cấy và lưỡng bội hóa hạt phấn có thể tạo ra đời con có kiểu hình khác cây mẹ.
B. Lai 2 tế bào trần cùng loại tạo ra thể song nhị bộ.
C. Nuôi cấy mô tế bào để tạo ra quần thể cây trồng có kiểu gen đa dạng.
D. Cấy truyền phôi ở động vật chỉ cần sử dụng 1 cá thể cái để nuôi phôi.
Đáp án: C
............................
Ngoài tài liệu trên, mời các bạn tham khảo thêm Sinh học lớp 9, Giải Vở BT Sinh Học 9, Chuyên đề Sinh học 9, Giải bài tập Sinh học 9, Tài liệu học tập lớp 9 được cập nhật liên tục trên VnDoc.