Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Nghệ thuật trào phúng sắc sảo của Nguyễn Ái Quốc qua truyện ngắn “Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu”

Văn mẫu lớp 7: Nghệ thuật trào phúng sắc sảo của Nguyễn Ái Quốc qua truyện ngắn “Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu” dưới đây được VnDoc.com tổng hợp và sưu tầm gồm các bài văn mẫu lớp 7 hay cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra môn Ngữ văn 7 sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

Phân tích nghệ thuật trong tác phẩm “Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu”

Văn học Việt Nam những năm đầu thế kỉ XX có sự chuyển hướng, từ nền văn học trung đại tồn tại trong xã hội phong kiến sang nền văn học hiện đại hình thành trong xã hội thực dân nửa phong kiến. Nhưng tính đến những năm hai mươi của thế kỉ XX, số lượng những tác phẩm văn xuôi (truyện ngắn, tiểu thuyết, ký…) vẫn chưa nhiều và chưa có những tác phẩm đạt chất lượng nghệ thuật cao.

Trong bối cảnh đó, tập Truyện và kí Nguyễn Ái Quốc được viết ở Pháp từ năm 1922 đến 1925 được đánh giá là một tập truyện kí xuất sắc, mang đậm dấu ấn phong cách truyện ngắn châu Âu hiện đại. Xuất phát từ nhiệt huyết yêu nước và cách mạng của tác giả, tập Truyện kí này còn thể hiện một tài năng nghệ thuật hiện đại và sắc sảo của nhà văn.

Trong số các truyện ngắn nằm trong tập truyện kí này, người đọc không thể quên truyện ngắn có cái tên khá lạ: Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu, Truyện được viết vào năm 1925 để hưởng ứng phong trào của nhân dân trong nước đòi chính quyền thực dân Pháp thả người anh hùng Phan Bội Châu làm nên sức hấp dẫn của truyện ngắn này, một phần lớn, chính là ở nghệ thuật trào phúng sắc sảo.

Vậy thế nào là trào phúng?

Trào phúng là một thủ pháp nghệ thuật sử dụng các tình huống, các chi tiết mang tính đối lập, mâu thuẫn với nhau để tạo nên tiếng cười. Tiếng cười trào phúng thường hướng vào những đối tượng có “thói hư tật xấu” hoặc thể hiện sự tương phản giữa bản chất bên trong và hiện tượng bên ngoài.

Do đó, trong truyện ngắn Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu, đối tượng mà tác giả chĩa mũi nhọn trào phúng vào đó chính là Toàn quyền Va-ren. Tuy nhiên, sự lố bịch, hài hước của Va-ren chỉ bị lột trần khi đặt trong thế đối sánh với nhân vật ở thế đối lập: người tù cách mạng Phan Bội Châu.

Trước hết, tiếng cười trào phúng được tạo nên từ bức chân dung đối lập giữa Phan Bội Châu và Va-ren, đặc biệt là ở “màn hài kịch” diễn ra ngay trong chốn xà lim, nơi giam giữ Phan Bội Châu.

những trò lốVề tư cách, Va-ren là Toàn quyền Đông Dương nhưng để lên được. chức vụ đó, hắn đã sẵn sàng “phản bội giai cấp vô sản Pháp”, đã chấp nhận trở thành một “tên chính khách đã bị đồng bọn đuổi ra khỏi tập đoàn, kẻ đã ruồng bỏ quá khứ, ruồng bỏ lòng tin, ruồng bỏ giai cấp mình”. Ngay cả lời hứa “nửa chính thức” của Va-ren về việc “chăm sóc cụ Phan Bội Châu”cũng chỉ là một chiêu bài lừa mị công luận của hắn nhằm yên vị trong chiếc ghế Toàn quyền Đông Dương. Vậy nên trong suốt bốn tuần khi Va-ren đi từ Mác-xây sang Sài Gòn thì người anh hùng dân tộc của chúng ta vẫn bị giam trong tù, trái với lời hứa hão huyền về nền độc lập, tự do, dân chủ của Va-ren.

Đối lập với tư cách phản động của Va-ren là hình ảnh Phan Bội Châu – “con người đã hy sinh cả gia đình và của cải để xa lánh khỏi thấy mặt bọn cướp nước mình, sống xa lìa quê hương, luôn luôn bị lũ này săn đuổi, bị chúng nhử vào muôn nghìn cạm bẫy, bị chúng kết án tử hình vắng mặt và giờ đây đang bị, vẫn chúng, đeo gông lên vai đày đọa trong nhà giam, ngày đêm bị bóng dáng của máy chém như một bóng ma ám kề bên cổ”; một “bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập, được hai mươi triệu con người trong vòng nô lệ tôn sùng”.

Hai con người ở hai bên chiến tuyến đối lập nhau đã chạm trán ở trong xà lim Hỏa Lò. Xét về địa vị xã hội, nếu như Va-ren là Toàn quyền Đông Dương, là kẻ có quyền quyết định sinh mạng của người khác thì Phan Bội Châu là tử tù, bị Pháp giam cầm, đang chờ ngày xét xử…

Xét về hành động và ngôn ngữ, trong cuộc gặp mặt này, hầu như chỉ có một nhân vật là biểu lộ cử chỉ, hoạt động cũng như hành động nói năng, diễn thuyết. Mở đầu cuộc gặp là câu nói “ngọt ngào” của Va-ren: “Tôi mang tự do đến cho ông đây”. Trong khi tuyên bố như vậy thì Va-ren “tay phải giơ ra bắt tay Phan Bội Châu, còn tay trái thì nâng cái gông to kệch đang siết chặt Phan Bội Châu trong nhà tù ảm đạm”. Quả là một bức biếm họa sâu sắc! Sự đối lập giữa lời nói và hành động của Va-ren là một bằng chứng sinh động thể hiện bản chất xảo trá của hắn..

Tiếp sau đó là một loạt những lý lẽ mà Va-ren đưa ra để thuyết phục, dụ dỗ Phan Bội Châu bắt tay cộng tác với người Pháp. Từ việc yêu cầu, đề nghị, đến những lời vuốt ve, ca tụng “cuộc đời đầy hy sinh” và “ý tưởng hào hiệp” của cụ Phan, cho đến những hứa hẹn mang lại lợi ích cá nhân và dân tộc và những dẫn chứng về những kẻ phản bội quá khứ, phản bội tổ chức, trong đó có hắn…, tự Va-ren đã lột trần bản chất gian trá, phản động của hắn. Tác giả đưa vào trong ngôn ngữ Va-ren những câu cảm thán thống thiết cùng những lời ca ngợi Tổ quốc hùng hồn:

“… Than ôi, không đâu, ông ạ! Vả lại, trời ơi! Tại sao chúng ta lại cứ cố chấp cãi lộn nhau mãi thế này, trong lúc ông và tôi, tay nắm chặt tay, chúng ta có thể làm được biết bao công việc tốt đẹp cho xứ Đông Dương này? Chúng ta có thể cùng nhau làm cho nước ông trở thành một quốc gia tân tiến lớn, một xứ tự trị, một nước Pháp ở châu Á!”

Hay:

“Nền dân chủ của chúng tôi, nhờ Chúa! Rất là tốt! Thật thế, nền dân chủ hào hùng của nước Pháp, mà hôm nay tôi được vinh dự thay mặt giữa các ông, khoan dung với những người, như tôi, đã đoạn tuyệt với những lầm lạc của tuổi trẻ”.

Ở đây, tác giả không dùng lối đánh trực diện mà sử dụng nghệ thuật “gậy ông đập lưng ông”, để cho nhân vật tự lột mặt nạ đạo đức giả của mình. Thực tế mà thực dân Pháp và Toàn quyền Đông Dương đã làm với người dân nước Việt là chứng cứ sống động nhất về chế độ phi dân chủ, phi nhân đạo mà chúng áp đặt lên đất nước ta. Và như thế, trong lời tuyến bố hênh hoang, sáo rỗng của Va-ren, chúng ta có thể nhận ra ẩn ý nghệ thuật của nhà văn. Đối tượng mà tác giả hướng tới để châm biếm còn sâu xa hơn, đó chính là “nước Mẹ Đại Pháp”, là chính quyền thực dân Pháp phản động ở Đông Dương mà lời nói và hành động hoàn toàn trái ngược. Có thể nói, nghệ thuật trào phúng của tác giả thật “cao tay” và sắc bén!

Đứng trước vẻ hùng hồn và những lời dụ dỗ, thuyết phục của Varen, thái độ của Phan Bội Châu như thế nào? Đó là thái độ “im lìm, dửng dưng” trong suốt buổi gặp gỡ khiến cho Va-ren “sửng sốt cả người”. Tác giả đưa ra lời bình về sự im lặng của cụ Phan: “không phải vì một bên nói tiếng Nam, một bên nổi tiếng Tây: đã có một viên quan ở đấy làm thông ngôn cơ mà. Nhưng cứ xét binh tình thì đó chỉ là vì (Phan) Bội Châu không hiểu Va-ren cũng như Va-ren không hiểu (Phan) Bội Châu”. Như vậy, sự không hiểu nhau giữa cụ Phan và Varen không phải do bất đồng ngôn ngữ mà là do hai con người ở hai lực lượng, hai tính cách đối lập nhau, không tìm được tiếng nói chung. Thái độ im lặng của cụ Phan không gì khác chính là thể hiện thái khinh bỉ, không thể giao tiếp được với con người đê hèn như Va-ren.

Đoạn kết và phần tái bút của truyện ngắn chính là một sáng tạo độc đáo của Nguyễn Ái Quốc, là một hình thức trào phúng hiện đại và sắc sảo của nhà văn. Trong đoạn kết truyện, nhà văn đưa ra lời quả quyết của anh lính dõng An Nam về nụ “cười ruồi” của cụ Phan khi nghe Va-ren nói. Cử chỉ đó một lần nữa càng thể hiện khí phách và tư thế hiên ngang, lẫm liệt của cụ Phan trước kẻ thù. Nụ cười ấy đã biến Va-ren thành một tên hề lố bịch trên sân khấu hài kịch do hắn dựng nên. Đồng thời, cũng có thể coi đây cũng là nụ cười mỉa mai, châm biếm kín đáo, sâu sắc của tác giả đối với Va-ren.

Chưa dừng ở đó, trong lời tái bút (như một sự viết thêm), một nhân chứng khác quả quyết về hành động Phan Bội Châu “nhổ vào mặt Va-ren”, và tác giả bình luận: “cái đó thì cũng có thể”. Có thể coi đây là một cú đánh mạnh, trực tiếp vào Va-ren của nhà văn- nhà nghệ thuật trào phúng Nguyễn Ái Quốc.

Như vậy, có thể khẳng định, nghệ thuật trào phúng là một trong những thủ pháp làm nên sức hấp dẫn và thành công của tác phẩm Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu của Nguyễn Ái Quốc. Nhờ nghệ thuật trào phúng sắc sảo, tác phẩm đã khắc họa được hai nhân vật có tính cách đại diện cho hai lực lượng xã hội hoàn toàn đối lập nhau ở nước ta thời Pháp thuộc: Va-ren gian trá, lố bịch, đại diện cho thực dân Pháp phản động ở Đông Dương; Phan Bội Châu kiên cường, bất khuất, tiêu biểu cho khí phách dân tộc Việt Nam. Thủ pháp trào phúng này cũng đã mang đến tiếng cười vừa hóm hỉnh, sắc sảo, vừa thâm thúy và sâu cay cho tác phẩm. Tiếng cười ấy một mặt là sự tiếp nối tiếng cười trào phúng trong văn học truyền thống Việt Nam (từ truyện cười dân gian đến Nguyễn Khuyến, Tú Xương….), mặt khác là sự tiếp thu ảnh hưởng của văn học hiện đại phương Tây (tiếng cười “humour”- tiếng cười trí tuệ thâm thúy, hóm hỉnh).

Với truyện ngắn này, tác giả Nguyễn Ái Quốc không chỉ thể hiện tấm lòng yêu nước sâu kín mà còn thể hiện tài năng nghệ thuật tài hoa, sắc sảo của mình. Truyện ngắn này xứng đáng là một trong những tác phẩm tiêu biểu đặt nền móng cho xu hướng hiện đại hóa văn học Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỉ XX.

Trên đây VnDoc đã tổng hợp các bài văn mẫu Nghệ thuật trào phúng sắc sảo của Nguyễn Ái Quốc qua truyện ngắn “Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu”cho các bạn tham khảo ý tưởng khi viết bài. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 7 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 7 và biết cách soạn bài lớp 7 các bài Tác giả - tác phẩm ngữ văn 7 trong sách Văn tập 1 và tập 2. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo.

Các bài liên quan đến tác phẩm:

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO/PROPLUS tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Văn mẫu lớp 7 Cánh diều

    Xem thêm