Top 6 bài văn kể lại sự việc liên quan đến một nhân vật hoặc sự kiện lịch sử

Viết bài văn kể lại sự việc liên quan đến một nhân vật hoặc sự kiện lịch sử bao gồm Dàn ý và các bài văn mẫu hay lớp 7 cho các em tham khảo, có thêm nhiều thông tin và sự hiểu biết về các nhân vật và sự kiện lịch sử để hoàn thành bài văn lớp 7 học kì 1. Sau đây mời các bạn tham khảo chi tiết. 

Đề bài: Các em đã học và đọc nhiều câu chuyện lịch sử, hãy viết bài văn kể lại sự việc liên quan đến một nhân vật hoặc sự kiện lịch sử mà em yêu thích.

Xem thêm: Soạn bài Viết bài văn kể về một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử

1. Dàn ý Kể lại sự việc có thật liên quan đến một nhân vật hoặc sự kiện lịch sử

1. Mở bài:

– Giới thiệu sự việc có liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử.

2. Thân bài:

– Kể diễn biến của sự việc.

– Nêu ý nghĩa của sự việc.

3. Kết bài:

– Nêu suy nghĩ và ấn tượng của người viết về sự việc.

2. Bài văn mẫu Kể lại sự việc có thật liên quan đến một nhân vật lịch sử

Kể lại sự việc liên quan đến một nhân vật lịch sử mẫu 1 - Lý Công Uẩn

Lý Công Uẩn người làng cổ Pháp thuộc Đông Ngạn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Hiện nay ở làng Đình Bảng vẫn còn có lăng và đền thờ các vua nhà Lý.

Tục truyền rằng Công uẩn không có cha; mẹ là Phạm Thị đi chơi chùa Tiên Sơn (làng Tiên Sơn, phủ Từ Sơn) , đêm về nằm mộng thấy "đi lại" với thần nhân, rồi có thai đẻ ra đứa con trai. Lên ba tuổi, đứa bé càng khôi ngô tuấn tú; gia đình đem cho nhà sư ở chùa cổ Pháp tên là Lý Khánh Văn làm con nuôi. Lý Công uẩn được học hành chữ Nho, kinh Phật và võ nghệ từ nhỏ, lớn lên dưới mái chùa, trở thành một tài trai văn võ siêu quần.

Ngoài 20 tuổi, Lý Công uẩn đã làm võ tướng dưới triều vua Lê Đại Hành, từng lập công to trong trận Chi Lăng (981) đại phá quân Tống xâm lược, chém đầu tướng giặc Hầu Nhân Bảo. Về sau, ông giữ chức Tả thân vệ Điện tiền Chỉ huy sứ, nắm trong tay toàn bộ binh quyền. Đức trọng tài cao, ông được quần thần và tướng sĩ rất kính phục. Năm 1005, Lê Đại Hành băng hà. Ngôi vua được truyền cho Lê Long Việt. Chỉ 3 ngày sau, Lê Long Đĩnh giết anh, giành lấy ngai vàng. Lê Long Đĩnh là một tên vua vô cùng bạo ngược khác nào Kiệt, Trụ ngày xưa. Hắn hoang dâm vô độ, nên mắc bệnh không ngồi được; đến buổi chầu thì cứ nằm mà thị triều, cho nên tục gọi là Vua Ngọa Triều. Cuối năm 1009, Lê Ngọa Triều chết. Năm đó, Lý Công uẩn đã 35 tuổi. Bấy giờ lòng người đã oán giận nhà Tiền Lê lắm rồi; quân thần và tầng lớp tăng lữ suy tôn ông lên ngôi báu, mở đầu triều đại nhà Lý (1010- 1225).

Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế vào đầu xuân 1010, tức là vua Lý Thái Tổ nhà Lý. Nhà vua trị vì được 19 năm, thọ 55 tuổi, băng hà năm 1028.

Kể lại sự việc liên quan đến một nhân vật lịch sử mẫu 2 - Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Cuộc đời của người là một tấm gương sáng ngời cho mỗi người dân Việt Nam noi theo. Và những câu chuyện về Người cũng luôn để lại bài học giá trị cho chúng ta.

Truyện kể rằng trong những năm tháng sống ở Việt Bắc, mỗi lần đi công tác, Bác đều có hai đồng chí đi cùng. Sợ Bác mệt, hai đồng chí đã bày tỏ ý muốn mang ba lô giúp Bác. Nhưng Bác không đồng ý. Bác nói:

– Đi đường rừng, leo núi ai mà chẳng mệt, tập trung đồ vật cho một người mang đi thì người đó càng chóng mệt. Cứ phân đều ra cho cả ba người.

Hai đồng chí đành làm theo lời Bác, đem chia vật dụng vào ba chiếc ba lô. Bác hỏi lại:

– Các chú đã chia đều rồi chứ?

Hai đồng chí trả lời:

– Thưa Bác, rồi ạ!

Sau đó, cả ba cùng lên đường. Qua một chặng, lúc nghỉ, Bác đến chỗ các đồng chí và xách chiếc ba lô lên. Bác hỏi:

– Tại sao ba lô của các chú nặng mà của Bác lại nhẹ?

Bác liền mở ra xem thì thấy bên trong ba lô của mình chỉ có chăn màn.

Bác tỏ ra không hài lòng, rồi nói:

– Chỉ có lao động thật sự mới đem lại hạnh phúc cho con người.

Sau đó, Bác lại yêu cầu hai đồng chí chia đều vật dụng vào ba chiếc ba lô mới chịu tiếp tục lên đường.

Câu chuyện nhỏ nhưng để lại bài học lớn. Có thể thấy, Bác là một người yêu lao động. Bác suốt đời làm việc, suốt ngày làm việc, từ những việc lớn như cứu nước đến việc nhỏ như trồng cây trong vườn. Việc gì có thể tự làm, Bác đều tự mình hoàn thành. Cách sống của Bác giúp cho mỗi người nhận ra giá trị của lao động, cũng như có ý thức tự giác học tập và làm việc hơn.

Quả thật, những câu chuyện về cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh thật ý nghĩa. Từ đó, chúng ta luôn nhận ra được nhiều bài học bổ ích cho bản thân.

Kể lại sự việc liên quan đến một nhân vật lịch sử mẫu 3 - Trần Quốc Tuấn 

Khi Trần Quốc Tuấn còn nhỏ, thân phụ ông với vua Trần Thái Tông, vốn là hai anh em trở nên bất hòa. Năm 1251, trước khi qua đời, Trần Liễu trăng trối với con trai rằng: "Con hãy vì cha mà lấy thiên hạ. Nếu không, nơi chín suối, cha không thể nhắm mắt!". Trần Quốc Tuấn tuy gật đầu, nhưng ông không cho đó là điều phải mà luôn tìm mọi cách xóa bỏ mọi hiềm khích trong hoàng tộc.

Cuối năm 1284, giặc Nguyên - Mông sắp kéo đại binh sang xâm lược nước ta, Trần Quốc Tuấn được vua Trần Nhân Tông cử làm Tiết chế thống lĩnh. Từ Vạn Kiếp, Vương kéo quân mã về Thăng Long để cùng Triều đình bàn kế chống giặc.

Một hôm, Trần Quốc Tuấn mời Thái sư Thượng tướng quân Trần Quang Khải xuống chiếc thuyền đóng tại Đông Bộ Đầu để đàm đạo. Trần Quốc Tuấn đã dùng nước thơm tắm cho Trần Quang Khải. Vừa dội nước thơm lên người Thái sư, vị Tiết chế Quốc công nói:

Thật hạnh ngộ, tôi được tắm hầu Thái sư.

Diễm phúc biết bao, tôi được Quốc công tắm cho.

Từ đó, mối tị hiềm giữa hai người được xóa bỏ hẳn.

Lúc bấy giờ thế giặc mạnh lắm, ta nên "đánh" hay nên "hòa"? Trần Quốc Tuấn đã xin Thái Thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông mời các bô lão cao tuổi nhất, danh vọng nhất về Thăng Long để bàn kế giữ nước. Tại điện Diên Hồng tiếng hô "Quyết chiến! Quyết chiến!" của các bô lão rung chuyển Kinh thành.

Trần Quốc Tuấn viết "Hịch tướng sĩ" và "Binh thư yếu lược". Tướng sĩ hăm hở luyện tập cung tên, giáo mác, chiến mã. Hàng vạn hùng binh thích vào cánh tay hai chữ "Sát Thát".. Mùa hè năm 1285, 50 vạn quân xâm lược Nguyên - Mông bị đánh tơi tả. Toa Đô bị quân ta chém đầu. Thoát Hoan phải chui vào ống đồng tránh mũi tên tẩm thuốc độc mới thoát chết!

Viết bài văn kể lại sự việc liên quan đến một nhân vật lịch sử mẫu 4

Vào năm 1946, anh trai của Bác Hồ là cụ Nguyễn Sinh Khiêm đã từ Nghệ An ra Hà Nội để thăm Bác. Ban đầu, cụ Nguyễn Sinh Khiêm đibộ từ Nam Đàn ra ga Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu quãng đường chừng 70 cây số. Lúc cụ lấy vé, ai cũng tưởng cụ là Bác Hồ cải trang để vi hành. Lúc đó các cán bộ ở huyện Quỳnh Lưu cũng tưởng như vậy và cảm thấy xúc động.

Ra đến ga Hàng Cỏ, vừa bước qua khỏi cổng ga thì đồng bào ở đây lại nhanh chóng vây kín lấy cụ, khẳng định đây là Cụ Hồ cải trang để vi hành. Cụ Nguyễn Sinh Khiêm đã đính chính: "Thưa bà con, tôi là một người dân xứ Nghệ, ra thăm Thủ đô, không phải Cụ Hồ". Nhưng đồng bào không tin, mỗi lúc kéo đến một đông. Lúc này, một chiến sĩ công an phát hiện thấy tình hình lạ đã gọi điện báo cáo lãnh đạo Nha Công an Trung ương. Nội dung báo cáo nêu rõ: "Có một cụ già nói giọng Nghệ Tĩnh, có râu, khuôn mặt rất giống Bác Hồ, nhân dân tin là Bác Hồ nên vây kín chưa đi được. Nhiều khả năng đây là người anh ruột của Bác'.

Lúc ấy, đồng chí Lê Giản - Tổng Giám đốc Nha Công an Trung ương nghe báo cáo liền cử người và xe ra ga Hàng Cỏ để đón người khách. Có lẽ vì muốn tránh đám đông nên cụ Nguyễn Sinh Khiêm đã đồng ý lên xe. Khi đồng chí Lê Giản mạnh dạn thưa chuyện: "Thưa bác, bác ra thăm Hồ Chủ tịch mà không thông báo trước để chúng cháu cho xe đón đỡ vất vả", cụ Nguyễn Sinh Khiêm trả lời ngay: "Ông làm chức trách Nhà nước mà ăn nói buồn cười. Lẽ đời thì em thăm anh, chứ anh nào thấy em làm to lại ra thăm. Tôi ra đây là thăm Thủ đô nước Việt Nam mới xem thế nào, chứ không phải thăm em làm Chủ tịch nước.".

Khi biết người anh Nguyễn Sinh Khiêm ra Hà Nội, Bác Hồ lặng đi, xúc động. Vì hoàn cảnh lúc đó Bác Hồ chưa thể gặp anh mình ngày, đã nhờ người tiếp anh trai và mua rượu. Đến đêm, trời mưa, Bác Hồ hóa trang mặc áo the, đội ô đi cùng hai đồng chí đến phòng làm việc của đồng chí Lê Giản ở phố Trần Hưng Đạo có cửa ra vào phía phố Dã Tượng, bác Hồ cởi áo thera, vào gặp anh trai. Vừa thấy anh trai, Bác Hồ chạy đến ôm lấy anh khẽ kêu lên: "Anh Cả!". Cụ Nguyễn Sinh Khiêm cũng ôm lấy Bác Hồ rồi nghẹn ngào thốt lên: "Chú râu đã dài thế này à?". Rồi hai anh em ôm nhau khóc. Người thư kí nhẹ nhàng khép cửa lại rồi nhè nhẹ lui ra...

Kể lại một sự việc có thật liên quan đến nhân vật lịch sử mẫu 5 - Anh Kim Đồng

Đất nước có được nền hòa bình ngày hôm nay, không biết bao cha anh đã ngã xuống, không tiếc máu xương để bảo vệ độc lập, tự do cho dân tộc. Anh Kim Đồng là một tấm gương sáng trong số những người anh hùng như vậy.

Anh Kim Đồng là người dân tộc Tày. Cha mất sớm, anh sống cùng mẹ - một người phụ nữ đảm đang nhưng ốm yếu. Sống trong cảnh đất nước bị xâm lược nên từ nhỏ, Kim Đồng đã dũng cảm, quyết đoán, mạnh mẽ, có tinh thần yêu nước, căm thù giặc. Tuy tuổi còn nhỏ nhưng anh rất hăng hái làm nhiệm vụ giao liên, đưa đón Việt Minh và chuyển thư từ. Anh được bầu làm đại đội trưởng đầu tiên của Đội Nhi đồng cứu quốc. Anh không ngại khó khăn, thử thách, nguy hiểm luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong một lần làm nhiệm vụ, anh bị giặc Pháp bắn và hi sinh. Khi ấy, anh mới chỉ 14 tuổi. Đã có rất nhiều bài thơ, bài hát được sáng tác để ghi nhớ công ơn của anh.


Hình ảnh anh Kim Đồng sẽ luôn sáng mãi, là tấm gương cho thanh thiếu niên Việt Nam về tinh thần yêu nước sâu sắc, sự thông minh, gan dạ, lòng dũng cảm, trung kiên với Tổ quốc.

2. Bài văn mẫu kể lại sự việc có thật liên quan đến một sự kiện lịch sử 

Kể lại sự việc liên quan đến một sự kiện lịch sử mẫu 1 - Sự ra đời của bài hát Tiến quân ca

Quốc ca thể hiện khí thế , tinh thần của một dân tộc, một đất nước. Mỗi người dân Việt Nam đều tự hào hát vang Quốc ca trong mỗi sự kiện quan trọng, qua đó thấy được niềm tự hào dân tộc. Hôm nay, tôi sẽ kể cho mọi người nghe về sự ra đời của bài hát Tiến quân ca hay chính là Quốc ca của nước Việt Nam ta.

Tuổi thanh niên là tuổi của ước mơ, của hoài bão khát vọng. Ấy vậy mà tôi lúc ấy không còn khát vọng, ước mơ của tuổi thanh niên, buồn chán và thất vọng bủa vây cuộc đời tôi. Đúng lúc tuyệt vọng nhất tôi gặp được Vũ Quý thông qua người bạn thân Ph.D. Khi gặp Vũ Quý tôi mong muốn được tham gia chiến khu cùng các anh em cầm súng giết giặc. Nhưng có lẽ Vũ Quý theo dõi sự nghiệp sáng tác nghệ thuật của tôi nên giao cho tôi sáng tác nghệ thuật để cổ vũ tinh thần cho quân đội cách mạng.

Khi bắt tay viết bài hát Tiến quân ca, tôi chưa được cầm một khẩu súng, chưa được gia nhập đội vũ trang nào; tôi chưa được ra chiến khu, và cũng chưa từng gặp chiến sĩ cách mạng trong khóa quân chính ấy. Nhưng tại căn gác nhỏ ở phố Nguyễn Thượng Hiền, tôi lại hình dung đó là chiến khu, là khu rừng nào đó trên Việt Bắc, và cứ thế lời ca ra đời, con chữ tự nhiên hiện ra dưới ngòi bút. Tại căn gác nhỏ đó Ph.D đã chứng kiến sự ra đời của Tiến quân ca, và Vũ Quý là người đầu tiên biết đến bài hát này.

Bài hát Tiến quân ca ra đời được chào đón rất nồng nhiệt. Bài hát được công bố lần đầu trong ngày 17-8-1945, khi diễn ra cuộc mít tinh của công chức Hà Nội. Tại đây bài hát Tiến quân ca được hàng ngàn người hoà nhịp cất cao tiếng hát trước Quảng trường Nhà hát Lớn. Tại buổi hôm đó bài hát đã nổ ra như một trái bom. Nước mắt tôi trào ra. Xung quanh tôi hang ngàn giọng hát cất vang theo những đoạn sôi nổi. Trong một lúc những tờ truyền đơn in Tiến quân ca được phát cho từng người trong hàng ngũ các công chức dự mít tinh. Lúc này anh bạn Ph.D của tôi đã buông lá cờ đỏ sao vàng trên kia xuống và cướp loa phóng thanh hát vang Tiến quân ca. Con người trầm lặng ấy đã có sức hát hấp dẫn hang vạn quần chúng ngày hôm đó, cũng là người hát trước quần chúng lần đầu tiên và cũng là một lần duy nhất. Lần thứ hai bài hát Tiến quân ca của tôi xuất hiện là trong cuộc mít tinh vào ngày 19-8, hàng ngàn người và các em thiếu nhi cùng cất lời ca, thét lên tiếng căm thù vào mặt bọn đế quốc với sự hào hùng chiến thắng của cách mạng.

Bài hát Tiến quân ca của tôi đã ra đời như thế đấy. Sau đó, bài hát được chọn làm Quốc ca Việt Nam cho đến ngày nay. Bài hát là niềm tự hào không phải của riêng tôi mà là của cả dân tộc Việt Nam.

Kể lại sự việc liên quan đến một sự kiện lịch sử mẫu 2 - Lễ hội đền hùng

Có một câu nói mà con người của muôn thời đại đều cần phải khắc ghi, đó là nếu đánh mất và bỏ mặc quá khứ, bạn không bao giờ có hiện tại và tương lai. Hay một cách ngắn gọn, nó đằm mình trong câu tục ngữ truyền thống bao đời của dân tộc ta “Uống nước nhớ nguồn”. Chính vì thế, hàng năm, vẫn có những lễ hội truyền thống để nhắc nhở con cháu đời đời về nguồn cội vĩnh hằng của cha ông, lễ hội đền hùng chính là mang ý nghĩa thiêng liêng ấy.

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba

Khắp miền truyền mãi câu ca

Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”

Giỗ Tổ mùng 10 tháng 3 trở thành ngày lễ trọng đại của dân tộc. Tôi cũng đã có dịp may mắn một lần được hành hương về đất Tổ, phong cảnh, những câu chuyện lịch sử về các vị vua Hùng – những người đã dựng xây đất nước đã in sâu trong tâm trí tôi.

Lễ hội đền Hùng là dịp những đứa con ở khắp nơi trên tổ quốc cùng trở về Phú Thọ quê tổ để cùng thể hiện lòng thờ kính thiêng liêng dành cho nguồn cội lịch sử của dân tộc ta, để tri ân các vị vua Hùng đã có công dựng nước để con cháu sau này đời đời được sống trên mảnh đất giàu truyền thống và mang những nét đẹp tâm hồn riêng. Hàng năm, cứ vào dịp này, những người con đất Việt từ khắp nơi trên tổ quốc, thậm chí cả kiều bào ta sinh sống công tác ở nước ngoài cũng luôn lắng lòng để tưởng nhớ về lễ hội truyền thống của dân tộc.Chính vì mang trong nó không chỉ tính nghi lễ mà còn bao chứa cả lớp trầm tích văn hóa lịch sử ngàn đời cùng đạo lí dân tộc sâu sắc, mà ngày lễ giỗ tổ Hùng Vương được xem là ngày quốc lễ của dân tộc ta.

Giỗ Tổ bao gồm có 2 phần riêng biệt đó là phần lễ và phần hội. Lễ Rước Kiệu với các đền, chùa trên núi, các vị lãnh đạo của đất nước dâng hương lên vua Hùng tổ chức tại đền Thượng. Các nghi thức tổ chức, dâng hương sẽ được tổ chức long trọng, thành kính và sẽ được báo chí, phát thanh truyền hình đưa tin. Đồng bào trong cả nước được dâng lễ trong các đền, chùa, với sự thành kính và cầu mong yên bình, làm ăn thành công.

Bên cạnh đó phải nhắc đến lễ Dâng Hương các đền, chùa trên núi. Lễ hội còn giúp người dân tham gia sinh hoạt văn hoá cổ xưa. Người dân sẽ được xem các trò chơi như đấu vật, chọi gà, rước kiệu, đánh cờ người…. Còn có sân khấu riêng của các đoàn nghệ thuật: chèo, kịch nói, hát quan họ,… Các nghệ sĩ, nghệ nhân từ nhiều nơi về đây để trình diễn những làn điệu hát xoan mượt mà, đặc sắc mang đến cho cho lễ hội đền Hùng đặc trưng riêng của Đất Tổ.

Những người đến đây không chỉ là xem lễ hội mà còn thể hiện sự tâm linh, thành kính với quê hương đất Tổ, ai cũng biết đây là nơi gốc gác linh thiêng,cội nguồn của dân tộc. Hàng năm, cứ đến mùng 10 tháng 3, người dân và du khách tham gia trẩy hội đền Hùng, đây là nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam. Lễ hội rất linh thiêng và thể hiện sự biết ơn công lao dựng nước và giữ nước của các vua Hùng.

............................

Ngoài văn mẫu lớp 7 Viết bài văn kể lại sự việc liên quan đến một nhân vật hoặc sự kiện lịch sử mà em yêu thích, mời các bạn tham khảo thêm các tài liệu học tập lớp 7 khác như Soạn văn 7, văn mẫu lớp 7... trên VnDoc để có những tài liệu hay, hữu ích giúp các em ôn tập và làm bài hiệu quả.

Đánh giá bài viết
102 35.223
5 Bình luận
Sắp xếp theo
  • Bảo Bình
    Bảo Bình

    Cảm ơn nhiều, đúng bài mình cần

    Thích Phản hồi 11/08/22
  • Bé Bông
    Bé Bông

    hay lắm

    Thích Phản hồi 05/11/22
  • Bé Heo
    Bé Heo

    hữu ích

    Thích Phản hồi 05/11/22
  • Nguyên Tôn
    Nguyên Tôn

    very hay 

    ờ mây dình gút chóp ad

    Thích Phản hồi 10/11/22
  • Thái 7C Nguyễn Duy
    Thái 7C Nguyễn Duy

    quá là hay luôn🤗

    Thích Phản hồi 20/03/23

Văn mẫu lớp 7 Cánh diều

Xem thêm