Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Phân tích Dọc đường xứ Nghệ

Phân tích văn bản Dọc đường xứ Nghệ gồm dàn ý và các bài văn mẫu lớp 7 cho các em tham khảo, có thêm nhiều ý tưởng hoàn thành bài văn của mình. Mời các em học sinh tham khảo chi tiết sau đây.

1. Dàn ý phân tích dọc đường xứ Nghệ 

Mở bài:

- Giới thiệu qua về tác phẩm Búp sen xanh của nhà văn Sơn Tùng và đoạn trích Dọc đường xứ Nghệ

Thân bài:

- Địa danh đầu tiên cụ Sắc giải thích cho các con là đền thờ vua Thục Phán với câu chuyện Mị Châu -Trọng Thủy=> Qua đó là nhận xét sâu sắc của cậu bé Khiêm về các nhân vật trong chuyện

- Cụ Sắc tiếp tục giải thích về vùng Ba Hòn với câu chuyện về vị Tướng quân không đầu => Trí tưởng tượng phong phú của nhân dân qua đó ca ngợi tinh thần bất khuất, kiên cường của dân ta

- Câu chuyện thứ ba liên quan tới đền Quả Sơn, thờ vị quan Lý Nhật Quang, người có công mở rộng bờ cõi, đánh giặc và dạy nghề cho dân.

- Địa danh cuối cùng cụ Sắc đưa hai con tới là nhà thờ họ Nguyễn Tiên Điền và mộ đại thi hào Nguyễn Du => Côn lại thắc mắc sao Nguyễn Du không được lập đền thờ mà thằng ăn trộm bị đánh chết lại được thờ.

=> Qua những câu chuyện dọc đường xứ Nghệ đã thể hiện cụ Sắc là người có vốn hiểu biết sâu rộng, có trí có tài, giáo dục các con đúng đắn và vô cùng yêu quê hương, đất nước.

=> Khiêm và Côn đều ngoan ngoãn, ham học hỏi. Cậu bé Côn có cái nhìn sâu sắc, nhìn nhận mọi việc đúng đắn.

Kết bài:

- Khái quát lại đoạn trích Dọc đường xứ Nghệ và bài học cho thế hệ hiện nay về tình yêu quê hương, đất nước, phát huy truyền thống dân tộc

2. Bài văn mẫu Phân tích Dọc đường xứ Nghệ

Bác Hồ là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, vậy nên đối với nền văn học nước ta, cuộc đời và con người của Bác luôn là nguồn cảm hứng sáng tác bất tận. Trong số đó, không thể không nhắc đến tiểu thuyết “Búp sen xanh” của nhà văn Sơn Tùng được viết từ năm 1948 đến năm 1980. Búp sen xanh không đi xây dựng một thần tượng trong lòng nhân dân mà mang tới những câu chuyện khắc họa đời sống thường ngày giản dị và chân thật về Hồ Chí Minh “cao mà không xa, mới mà không lạ, to lớn mà không làm ra vĩ đại, sáng chói mà không gây choáng ngợp, gặp lần đầu mà như thân thuộc từ lâu". Đoạn trích “Dọc đường xứ Nghệ” nằm ở chương đầu có tên Thời thơ ấu của tiểu thuyết Búp sen xanh, theo chân cậu bé Côn thuở nhỏ (chính là Bác Hồ). Đoạn trích kể lại chuyến đi về xứ Nghệ của ba cha con cụ Phó bảng là cụ Nguyễn Sinh Sắc, hai cậu bé Côn (Bác Hồ) và Khiêm (anh trai Bác Hồ). Dọc đường đi đến đâu, ông Phó bảng cũng kể cho hai con nghe về những địa danh lịch sử và những câu chuyện gắn với địa danh đó. Qua lời kể của cha, hai cậu bé thể hiện sự ham học hỏi và đặc biệt là Côn với những lời nhận xét, đánh giá sâu sắc về đất nước, con người nước Nam.

Ngay từ đầu đoạn trích, theo chân ba cha con cụ Phó bảng về Nghệ An, người đọc đã được chiêm ngưỡng khung cảnh yên bình, đẹp đến vô thực của nước ta, nơi “sông núi mây trời đẹp như bức gấm thêu”. Cha con Côn đi hết dãy núi Cấm, đến Diễn Châu, Côn nhìn thấy một ngôi đền cổ kính sát đường Thiên Lí cùng với những ngọn núi nhiều hình thù theo trí tưởng tượng của cậu. Với sự tò mò không thể kìm nén, Côn đã xin cụ Phó bảng kể về sự tích của ngôi đền và những hòn núi đó. Đây chính là địa danh lịch sử đầu tiên trên con đường về xứ Nghệ mà cụ Sắc giải thích cho các con. Ngôi đền đó gắn với chuyện tình của Mị Châu – Trọng Thủy, vậy là khi ngồi nghỉ ăn cơm nắm, cụ Phó bảng đã kể lại toàn bộ câu chuyện đó cho hai con. Sau khi nghe xong, hai cậu bé đều thích thú và có những cách nhìn nhận khác nhau về câu chuyện. Anh Khiêm có cái nhìn rất thực tế khi đã cảm nhận chuyện là do bịa, vì Mị Châu kiếm đâu được lông ngỗng để trải khắp đường như thế. Còn em Côn lại tiếp tục tò mò hỏi cha thành Cổ Loa ở đâu? Nhưng cụ Sắc cũng chưa đi, cụ chỉ biết nó ở “xa...xa lắm, con ạ”.

Chưa dừng lại ở đó, tuy còn là một cậu bé nhưng Côn lại có cái nhìn rất sâu sắc về câu chuyện Mị Châu – Trọng Thủy, khiến người đọc không khỏi ngạc nhiên. Cậu bé nhìn ra được sự nham hiểm của vua Triệu, Trọng Thủy thì ngoan ngoãn nghe lời cha, khen vua Thục nước ta biết giữ chữ tin nhưng không biết đề phòng vua Triệu, Mị Châu thì ruột để ngoài da. Và câu chốt lại của Côn là “Nhưng câu chuyện lại cho thấy điều đáng trọng, không khinh được của vua Thục là: Người đã phải tự chém con gái mình và tự xử án mình bằng hành động nhảy xuống biển về tội để mất nước chứ không cam chịu nộp mình cho giặc.” Một đứa trẻ nhỏ tuổi lại có thể có được tầm nhìn xa, trông rộng, biết nhìn ra điểm mạnh, điểm yếu của người khác như vậy thật đáng khâm phục. Sau khi nghe những lời của Côn, cụ Sắc cũng sững người nhìn ngôi đền thờ vua Thục mà dạy hai con “Nước có lúc thịnh, lúc suy. Đó là điều thường thấy trong trời đất. Nhưng con người ta lại phải biết giữ trọn khí tiết. Vua Thục Phán thuộc loại đó”. Rồi cụ Sắc lại tiếp tục giải thích cho hai con về hình hài kì lạ của những hòn núi, gồm ngọn núi giống người cụt đầu gọi là hòn “Hai Vai” hoặc núi “Tướng Quân rơi đầu”, hòn “Trống Thủng”, núi “Cờ Rách”, núi “Mã Phục”. Trước tiên là câu chuyện về vùng Ba Hòn có hòn “Hai Vai”, hòn “Trống Thủng” và núi “Cờ rách”. Chuyện kể rằng khi giặc phương Bắc tràn xuống xâm lược nước ta có một vị Tướng quân ở vùng Nghệ Tĩnh đã mang quân ra Bắc đánh thắng nhiều trận, nhưng trong một trận không may bị giặc chém rơi mất đầu, vị tướng quân đó nhặt đầu lên lắp vào, tiếp tục phi ngựa “mở đường máu” trở về. Trên đường vị Tướng gặp một ông lão ở cuối sông Mã và hỏi ông lão có tin người bị mất đầu mà chắp lên cổ vẫn sống được không, ông lão bảo tin, tướng quân đi tiếp. Về đến Diễn Châu, gặp một bà lão ở phía Nam sông Bùng, tướng quân hỏi câu tương tự thì bà lão không tin “Loài quỷ, loài yêu tinh thì mới có thể bị chặt đầu này mọc ra đầu khác, còn loài người thì nếu bị chặt đầu là chết”. Đến đây, đầu tướng quân rơi xuống, người ông hóa thành hòn Hai Vai, ngựa của ông hóa thành hòn Mã Phục, trống và cờ trong trận chiến hóa thành hòn Trống Thủng và Cờ Rách. Trước khi nghe câu chuyện cha kể, Khiêm đã nói “Ai tưởng tượng ra đầu tiên hình dáng các hòn núi nớ hẳn là mắt tiên”, nhưng khi nghe xong, cậu lại “đăm chiêu nghĩ ngợi”, còn Côn lại cảm nhận thấy ước vọng của người xưa thật đẹp và trí tượng tượng thì thật tuyệt. Đúng như vậy, tuy câu chuyện về các hòn núi rất hư cấu, nhưng nó lại mang theo đó là những giá trị nhân văn cao đẹp, bởi nó thể hiện tinh thần bất khuất, kiên cường của nhân dân ta.

Ba cha con cụ Phó Bảng tiếp tục cuộc hành trình thì đi qua đền Quả Sơn, ngôi đền này nhìn còn uy nghi hơn cả đền Vua Thục Phán trước đó ba cha con gặp. Tại đây, cụ Sắc lại tiếp tục kể cho Khiêm và Côn nghe về vị vua Lý Nhật Quang, người đã mở rộng bờ cõi, dẹp tan giặc xâm lược và dạy cả nghề cho nhân dân. Đất nước ta thật nhiều con người bình thường nhưng lại phi thường qua từng địa danh và câu chuyện cụ Sắc kể cho các con nghe với vốn hiểu biết phong phú của cụ. Cuối cùng, cụ Phó Bảng đưa hai con đến thăm nhà thợ họ Nguyễn Tiên Điền và mộ của Đại thi hào Nguyễn Du, người vô cùng tài năng và để lại nhiều tác phẩm có giá trị cho nền văn học nước ta, nhưng không được lập đền thờ. Côn lại thắc mắc với cha “Sao con lại thấy có ngôi đền thờ thằng ăn trộm bị đánh chết, hả cha?”, câu hỏi này có lẽ vì cậu bé còn quá nhỏ, chưa thể hiểu hết sự đời con người nên cụ Sắc chỉ biết cười trừ. Nhưng điều Côn thắc mắc lại thể hiện cậu bé không chỉ ham học hỏi mà cái nhìn của cậu cũng vô cùng sâu sắc, đúng là đáng buồn thay khi trong xã hội xưa người đem lại nhiều công lao lớn cho nền văn học đất nước như Nguyễn Du lại không được lập đền thờ mà có thằng ăn trộm bị đánh chết lại được lập đền thờ vì “đạo tặc tối linh tôn thần”. Qua những câu chuyện cụ Phó bảng kể cho hai con trên đường dọc xứ Nghệ đã thể hiện cụ là người có vốn hiểu biết vô cùng sâu rộng, là người có cả trí và tài, hơn cả là có tình yêu quê hương đất nước. Và cụ cũng có cách giáo dục con cái rất đúng đắn, lan tỏa tình yêu thương đất nước cho các con thông qua những câu chuyện lịch sử của những con người đi trước đã làm nên Tổ quốc. Cả hai anh em Khiêm và Côn đều ngoan ngoãn và có tinh thần hiếu học. Cậu bé Côn tuy nhỏ tuổi nhưng có cái nhìn sâu sắc trong việc nhìn nhận, đánh giá con người, sự việc.

Với cách kể truyện giản dị và chân thật, nhà văn Sơn Tùng đã tái hiện thành công phẩm chất của Bác Hồ khi còn nhỏ qua cậu bé Côn. Đoạn trích Dọc đường xứ Nghệ với những địa danh và câu chuyện lịch sử qua lời kể củ cụ Nguyễn Sinh Sắc đã giáo dục cậu bé Khiêm và Côn những bài học về cách làm người và tình yêu quê hương, đất nước. Cũng qua đó, nhắc nhở mỗi chúng ta, đặc biệt là học sinh, tương lai của đất nước phải luôn nhớ ơn cha ông đi trước và cố gắng tu dưỡng bản thân để xứng đáng với lịch sử nước nhà, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Văn mẫu lớp 7 Cánh diều

    Xem thêm