Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Giải thích câu tục ngữ Lá lành đùm lá rách (14 mẫu)

Giải thích câu tục ngữ Lá lành đùm lá rách là đề Văn hay lớp 7. Để giúp các em học sinh hiểu về câu tục ngữ này, VnDoc giới thiệu Dàn ý và 14 bài văn mẫu hay lớp 7 cho các em tham khảo. Đây là tài liệu hữu ích giúp các em hiểu ý nghĩa câu tục ngữ muốn khuyên dạy, đồng thời có thêm nhiều ý tưởng để xây dựng bài viết hoàn chỉnh và đạt điểm cao. Chúc các em học tốt.

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.

Dàn ý Giải thích câu tục ngữ Lá lành đùm lá rách

1. Mở bài: giới thiệu câu tục ngữ "Lá lành đùm lá rách”.

Kho tàng ca dao tục ngữ Việt Nam ta vô cùng phong phú. Những câu ca dao tục ngữ là lời ông bà ta dạy bảo, khuyên răn được lưu truyền qua câu tục ngữ. những câu tục ngữ luôn là lời dạy của ông bà, và cách dạy về nhân cách của con người,dạy con người biết yêu thương những người xung quanh. Những điều đó được thể hiện qua câu "Lá lành đùm lá rách”.

2. Thân bài: giải thích câu tự ngữ "Lá lành đùm lá rách”

- Giải thích câu tục ngữ "Lá lành đùm lá rách”

  • Nghĩa đen: khi dùng chiếc lá này rách, ta có thể dùng lá lành hơn đùm lá rách lại.
  • Nghĩa bóng: "lá lành” là người có cuộc sống giàu có, thuận lợi và yên ổn, còn "lá rách” là người có cuộc sống nghèo khó, khổ cực và khó khăn.

→ Câu tục ngữ muốn khuyên ta nên yêu thương con người, đùm bọc họ khi họ khó khăn, gian khổ.

- Đánh giá về câu tục ngữ "Lá lành đùm lá rách”

  • Nhắc nhở chúng ta không nên chê bai, ghẻ lạnh đối với những người khó khăn, mà chúng ta nên yêu thương, giúp đỡ học khi học gặp khó khăn, đó mới là điều tốt đẹp.
  • Trong cuộc sống luôn tồn tại nhiều hoàn cảnh khó khăn, chính vì thế mà chúng ta nên giúp đỡ họ
  • Lòng thương người, nhân ái của mỗi con người đều có, vậy mà ta hãy nên giúp đỡ mọi người xung quanh gặp khó khăn
  • "Lá lành đùm lá rách” là một hình động rất cần thiết trong xã hội hiện nay.

- Bình luận về câu tục ngữ "Lá lành đùm lá rách”

  • Đây là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta
  • Khi chúng ta giúp đỡ người khác thì tâm hồn ta sẽ trở nên thanh thản và yêu đời hơn

3. Kết bài: nêu cảm nghĩ của em về câu tục ngữ "Lá lành đùm lá rách”

  • Câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách” hoàn toàn đúng
  • Chúng ta nên phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông để lại.

>> Tham khảo thêm các mẫu dàn ý khác tại đây: Dàn ý giải thích ý nghĩa câu tục ngữ Lá lành đùm lá rách

Giải thích câu tục ngữ Lá lành đùm lá rách ngắn gọn

Ông cha ta vẫn thường nhắn nhủ con cháu về bài học đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau qua câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách”.

Câu tục ngữ mượn hình ảnh chiếc lá lành lặn, che cho chiếc lá rách nát không còn nguyên vẹn nữa. Để chỉ sự yêu thương, đùm bọc giữa con người với nhau. Người khỏe mạnh giúp đỡ người yếu hơn, người giàu có giúp đỡ người nghèo khổ, người vui tươi giúp đỡ người buồn đau.

Đây từ xưa đã vốn là truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta. Bất kì ai trong chúng ta cũng có thể gặp khó khăn, cũng có thể yếu lòng, cũng có thể ốm đau bệnh tật. Những lúc ấy, nhận được sự sẻ chia, giúp đỡ là vô cùng đáng quý. Nó không chỉ giúp người đó vượt qua khó khăn, mà còn gắn kết mọi người lại với nhau hơn. Từ đó tạo nên một cộng đồng giàu tình yêu thương.

Qua đó, câu tục ngữ phê phán những người sống vô cảm, lạnh lùng, thiếu tình yêu thương. Không biết quan tâm, giúp đỡ người khác lúc nguy nan. Đặc biệt là những kẻ bất chấp tình đồng bào, vì tư lợi mà đang tâm hãm hại người khác. Thật đáng trách thay.

Tuy nhiên, đó cũng chỉ là thiểu số. Cả dân tộc ta vẫn đã, đang và sẽ thực hiện bài học mà cha ông nhắn nhủ “Lá lành đùm lá rách”.

Giải thích Lá lành đùm lá rách mẫu 1

Nhân dân ta không chỉ có lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết mà hơn thế nữa còn có lòng nhân ái, yêu thương con người. Truyền thống đạo lí tốt đẹp đó đã được phát huy, giữ gìn biết bao năm qua và được ông cha ta đúc kết qua câu tục ngữ: “Lá lành đùm lá rách”.

Để có thể hiểu tường tận những điều ông cha ta gửi gắm chúng ta cần tìm hiểu nội hàm ý nghĩa của câu tục ngữ trên. “Lá lành” tức là những chiếc lá còn nguyên vẹn, còn mới; “lá rách” là những chiếc lá không còn nguyên vẹn, bị thương, bị thủng. Lá lành phải đùm lấy lá rách, yêu thương và bảo vệ nhau. Nhưng ý nghĩa sâu xa mà tác giả muốn gửi gắm trong câu tục ngữ này chính là lớp nghĩa bóng. “Lá lành” ở đây là ẩn dụ cho những người có cuộc sống viên mãn, hạnh phúc đủ đầy, còn “lá rách” là ẩn dụ cho những người có số phận bất hạnh, cuộc sống nhiều khó khăn. Như vậy, câu tục ngữ muốn gửi gắm đến chúng ta một thông điệp đó chính là những người có điều kiện sống tốt hơn, may mắn hơn hãy mở rộng vòng tay, mở rộng tấm lòng để giúp đỡ những con người nghèo khó, có số phận bất hạnh, để cuộc sống của chúng ta ngày càng tốt đẹp.

Vậy, vì sao chúng ta phải lá lành đùm lá rách, phải yêu thương lẫn nhau. Trước hết yêu thương quan tâm giúp đỡ lẫn nhau là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta đã trải qua hàng ngàn đời. Là thế hệ sau chúng ta cần tiếp nối truyền thống tốt đẹp đó. Thứ hai, trong cuộc sống không phải lúc nào chúng ta cũng gặp điều may mắn, hạnh phúc mà cũng đôi khi cũng gặp những khó khăn, bất hạnh. Bởi vậy trao đi yêu thương lúc này, chính là cách chúng ta có thể nhận lại tình yêu thương về sau. Cho đi cũng chính là nhận lại. Sống có tình yêu thương, luôn giúp đỡ những người xung quanh sẽ được mọi người tôn trọng, quý mến.

Trong cuộc sống đầy rẫy những bon chen này chúng ta vẫn thấy tình người ấm áp, tỏa rạng khắp nơi. Đợt bão vừa qua đã phá hủy biết bao ngôi nhà ở khu vực miền núi phía Bắc. Rất nhiều nhà hảo tâm, các mạnh thường quân đã ra tay giúp đỡ để cuộc sống bà con dần đi vào ổn định. Sự yêu thương lẫn nhau không phải là điều gì quá to tát, đôi khi chỉ là những hành động rất đỗi nhỏ bé như nói những lời yêu thương, động viên, quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau.

Bên cạnh những người có tấm lòng lương thiên, luôn biết quan tâm giúp đỡ mọi người lại có những kẻ sống thờ ơ, vô tâm. Không có trách nhiệm với xã hội và chính bản thân mình. Khi gặp những người bất hạnh không ra tay giúp đỡ. Gặp một người bị móc túi, thay vì lên tiếng lại sợ hãi đứng nhìn. Gặp một người bị nạn, thay vì gọi cấp cứu lại lấy điện thoại ra quay. Đây là thái độ sống lệch lạc, hành động đáng lên án và loại bỏ.

Là một học sinh, chúng ta cần phải yêu thương, giúp đỡ ông bà, cha mẹ những công việc vừa sức với mình. Luôn rộng lòng yêu thương và tha thứ cho những lỗi lầm của những người xung quanh. Sống như vậy không chỉ đem đến cho bản thân sự thanh thản, bình yên mà còn đem đến niềm vui, sự hạnh phúc cho những người xung quanh ta.

“Lá lành đùm lá rách” là đạo lí sống tốt đẹp của cha ông ta. Trong xã hội hiện đại nhiều giá trị đạo đức bị phai nhạt, bào mòn nên chúng ta cần phải có ý thức giữ gìn và phát huy hơn nữa giá trị đạo đức tốt đẹp này của dân tộc. Tình yêu thương, lòng nhân ái là cái cốt lõi để có được xã hội yên ổn, phát triển.

Giải thích câu tục ngữ Lá lành đùm lá rách mẫu 2

Tình yêu thương luôn là thứ quý giá và ấm áp mà con người ta hướng đến. Nó được thể hiện qua những lời nói và hành động thiết thực trong cuộc sống hằng ngày. Mà sáng rọi nhất, chính là điều hiện diện qua câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách”.

Câu tục ngữ mượn hình ảnh những chiếc lá để ẩn dụ về những số phận khác nhau trong cuộc sống. Chiếc lá lành ý chỉ những con người có cuộc sống êm ấm, hạnh phúc và đủ đầy. Đối lập với đó là những chiếc lá rách, chỉ những người có số phận kém may mắn hơn, phải chịu những thiệt thòi và thiếu thốn. Tác giả gắn kết hai số phận ấy với nhau bằng động từ “đùm”. Đây là hành động gói ghém, che chở một đồ vật khác vào bên trong, nhằm giúp bảo vệ đồ vật ấy. Từ đó, câu tục ngữ muốn nhắn nhủ chúng ta phải biết yêu thương, quan tâm và giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, vất vả hơn mình.

Sự quan tâm, chia sẻ và giúp đỡ ấy được xuất phát từ trái tim với tình yêu thương và đồng cảm. Khi thấy một người cần giúp đỡ, cần được chia sẻ, thì chúng ta nên hành động. Sự giúp đỡ, đùm bọc ấy không chỉ là tiền bạc, vật chất. Mà nó còn là sự sẻ chia về tình thần, là cái ôm ấm áp, là lời quan tâm chân thành. Chỉ cần ta có lòng muốn đùm bọc cho những số phận bất hạnh ấy thì nghĩa là ta đã trao đi cho họ một thứ gì đó rất quý giá rồi.

Điều đó vẫn đã, đang và sẽ hiện diện ở quanh chúng ta, từng ngày, từng giờ. Đó là các bạn học sinh giúp bạn bị mệt trực nhật. Là chú công an giao thông cõng người bị ngã xe đến bệnh viện. Là người lái xe chở hàng tiếp tế cho người ở vùng cách li mà không lấy tiền công. Là những đợt quyên góp tiền của, áo quần cho đồng bào vùng lũ lụt. Thật cảm động biết bao nhiêu.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn tồn tại những người mang trong mình một trái tim vô cảm. Họ sống mà thiếu tình yêu thương, bàn quan trước những số phận bất hạnh hay các hoàn cảnh khó khăn mà mình gặp. Dù có thể giúp đỡ được, có thể nói ra những lời chia sẻ, động viên nhưng họ vẫn lựa chọn bỏ qua tất cả. Hành động thiếu tình người ấy vừa đáng buồn lại vừa đáng trách.

Từ các trường hợp ấy, chúng ta nhận ra rằng cùng với tình yêu thương xuất phát từ bản tâm của mỗi người, chúng ta cũng cần phải chú trọng hơn đến vấn đề tuyên truyền và giáo dục về tình thương người. Ta cần đẩy mạnh hơn nữa những bài học về sự chia sẻ và đùm bọc lẫn nhau qua các bài đọc, các bộ phim và bài hát. Như vậy, truyền thống tốt đẹp này của dân tộc ta mới có thể ngày càng lan tỏa và hiện hữu khắp nơi.

Giải thích câu tục ngữ lá lành đùm lá rách lớp 7 mẫu 3

Từ lâu, tinh thần tương thân tương ái đã trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Bởi vậy mà ông cha ta mới có câu “Lá lành đùm lá rách” như một lời khuyên nhắc nhở con cháu phải giữ gìn truyền thống này.

Câu tục ngữ đã sử dụng hình ảnh quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày của người dân Việt Nam. Chúng ta thường sử dụng lá để gói bánh hay các loại đồ ăn khác. Nhưng chúng khá mỏng nên thường phải dùng nhiều lớp lá để không bị rách, giữ cho đồ ăn ở bên trong còn nguyên vẹn. Nếu xét theo nghĩa bóng, “lá lành” chỉ người có cuộc sống khá giả, “lá rách” chỉ người có cuộc sống khó khăn. Với hình ảnh “Lá lành đùm lá rách”, ông cha ta muốn nhắn nhủ con người phải biết chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau.

Mỗi người sinh ra đều có một hoàn cảnh riêng. Có người sống sung sướng, hạnh phúc. Cũng có người phải chịu khó khăn, khổ cực. Và trong một xã hội, chúng ta cần phải biết sẻ chia với nhau. Bởi con người không thể sống một mình, mà cần có sự chia sẻ với những người xung quanh. Bởi vậy mà dân tộc Việt Nam vẫn luôn phát huy tinh thần tương thân tương ái. Những chính sách của Đảng và Nhà nước hỗ trợ người nghèo, nạn nhân chất độc màu da cam hay người khuyết tật vẫn luôn được thực hiện. Các chương trình ý nghĩa như “Trái tim cho em”, “Cặp lá yêu thương”... đã giúp đỡ được rất nhiều mảnh đời bất hạnh. Nhưng đôi khi, tinh thần đó được thể hiện trong cuộc sống hàng ngày, từ những hành động rất nhỏ như sự chia về vật chất (cơm ăn, áo mặc, tiền bạc…) hay sẻ chia về tinh thân (những lời nói động viên, ánh mắt an ủi…).

Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn rất nhiều người có lối sống vô cảm. Họ thờ ơ với cuộc sống khó khăn của người khác. Họ chỉ biết nghĩa đến lợi ích cá nhân của bản thân mình, thậm chí có những hành động gây hại đến cuộc sống của những người xung quanh. Những người như vậy sẽ chỉ sống trong sự cô đơn, không có được tình yêu thương của những người xung quanh. Chắc chắn khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn, họ cũng sẽ không nhận được sự giúp đỡ của người khác.

Đối với một học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, nhờ có sự dạy dỗ của cha mẹ và thầy cô mà tôi luôn giữ cho mình một trái tim biết sẻ chia, yêu thương. Trao đi yêu thương để lan tỏa yêu thương rộng hơn.

Câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách” chính là một lời khuyên quý giá cho mỗi người chúng ta. Thế giới sẽ ngày một tốt đẹp hơn nếu con người biết sẻ chia, yêu thương.

Giải thích câu tục ngữ Lá lành đùm lá rách lớp 7 mẫu 4

Từ bao đời nay, nhân dân ta luôn yêu thương, đùm bọc, quan tâm nhau, là một khối đại đoàn kết. Đúng như những gì cha ông ta đã dặn dò “Lá lành đùm lá rách”.

Khi một chiếc lá bị rách, bị hở thì dùng một chiếc lá lành lặn hơn để che lại giúp chiếc lá rách. Điều này thật vô cùng quen thuộc đến hiển nhiên trong cách sống và sinh hoạt của mọi người. Đó cũng là hình ảnh dùng để ẩn dụ trong câu tục ngữ của cha ông. Qua hình ảnh chiếc lá lành và chiếc lá rách, cha ông muốn nhắn nhủ đến chúng ta về sự đùm bọc, sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau. Rằng, người có cuộc sống đủ đầy, thì san sẻ cho người thiếu thốn. Người có cuộc sống thoải mái, thì giúp đỡ người đang gặp khó khăn, bất hạnh. Đó chính là tình người.

Trong cuộc sống, có muôn ngàn con người, muôn ngàn số phận, muôn ngàn mảnh đời. Mỗi mảnh ghép ấy lại có những trải nghiệm khác nhau. Có người sinh ra đủ đầy về vật chất nhưng thiếu thốn về tình cảm; có người đủ đầy về tình cảm thì lại thiếu thốn về vật chất. Có người sinh ra toàn vẹn, có người khuyết thiếu một số bộ phận. Và trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, thật chẳng hiếm gì những khó khăn, trắc trở. Vậy nên, sự giúp đỡ, san sẻ từ người khác thực sự rất quý trọng và cần thiết. Khi nhìn thấy người khác gặp khó khăn, nếu có thể giúp thì chúng ta hãy giúp, đừng băn khoăn hay tiếc nuối một điều gì cả. Bởi giúp người khác cũng chính là đang giúp chính mình. Đôi khi chỉ một hành động nhỏ của chúng ta cũng có thể đem đến những điều tốt đẹp cho người khác.

Khi mọi người biết yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, thì ai cũng sẽ được hạnh phúc. Cơ hội vượt qua những khó khăn thiếu thốn sẽ nhiều hơn cho các mảnh đời bất hạnh. Giống như khi bạn vấp ngã, được một người đỡ dậy và nhặt giúp những món đồ bị rơi vỡ. Hay như vào giờ kiểm tra, bút của bạn hết mực và được một bạn khác cho mượn bút viết để kịp hoàn thành bài thi. Lớn lao hơn nữa, là những hành động quyên góp giúp đồng bào vùng lũ khắc phục các hậu quả nặng nề. Hay như các chương trình quyên góp ủng hộ hội khuyến học, hội chữ thập đỏ giúp các em nhỏ được đến trường. Tất cả những việc làm ấy đều xuất phát từ tình yêu thương chân thành, từ truyền thống lá lành đùm lá rách.

Tuy nhiên hiện nay, xuất hiện một nhóm người có trái tim vô cảm. Họ chỉ biết giữ cho mình mà không biết chia sẻ hay giúp đỡ người khác. Thậm chí họ còn từ chối những lời nhờ giúp đỡ một cách dứt khoát dù có thể làm được. Thật là đáng buồn. Hay có một bộ phận thường xuyên giả vờ có khó khăn, để lợi dụng sự giúp đỡ của người khác. Những hiện tượng ấy tuy là thiểu số những vẫn khiến cho xã hội chúng ta có những mảnh tối. Để thay đổi được hiện trạng đáng buồn này, chúng ta cần phải có những chương trình tuyên truyền và giáo dục cụ thể. Đặc biệt là trong các chương trình học, để mọi người đều hiểu rằng hạnh phúc là cho đi. Để ai cũng thấm nhuần được bài học “lá lành đùm lá rách” mà cha ông ta đã để lại.

Là một học sinh, em luôn cố gắng học tập và rèn luyện tốt. Em luôn cố gắng quan tâm giúp đỡ mọi người xung quanh trong khả năng của mình. Em giúp bạn trực nhật khi bạn bị ốm, giúp cô giáo ôm chồng sách về phòng giáo vụ khi cô có quá nhiều đồ, giúp bác lao công quét lá ở trên sân sau giờ học… Điều đó không chỉ giúp đỡ được cho người khác mà còn khiến em cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc nữa.

Em mong rằng, rồi mọi người ai cũng sẽ thấm nhuần bài học Lá lành đùm lá rách mà cha ông vẫn gửi gắm, để ai cũng được giúp đỡ khi cần, hỗ trợ khi thiếu thốn. Như vậy, xã hội sẽ bình yên và hạnh phúc.

Giải thích câu tục ngữ lá lành đùm lá rách lớp 7 mẫu 5

Từ xa xưa đến nay, dân tộc ta vẫn giữ vẹn nguyên truyền thống tương thân tương ái. Truyền thống tốt đẹp ấy, đi vào từng thế hệ, từng lớp người thông qua câu tục ngữ ngắn gọn nhưng mang ý nghĩa lớn lao: Lá lành đùm lá rách.

Lá lành ở đây dùng để chỉ những con người, những hoàn cảnh có điều kiện, cuộc sống đầy đủ, khỏe mạnh. Ngược lại, những số phận kém may mắn hơn, gặp khó khăn, bất hạnh, thiếu thốn chính là những chiếc lá rách. Như vậy, qua hai hình ảnh ẩn dụ đó, ông cha muốn gửi gắm tới chúng ta rằng, hãy yêu thương, đùm bọc, chia sẻ với những số phận, cuộc đời kém may mắn hơn mình. Giống như những chiếc lá lành đùm lại bên ngoài cho những chiếc lá rách.

Vậy, vì sao trong cuộc sống, ta lại cần phải giúp đỡ, sẻ chia với người khác? Điều đấy tưởng như khó hiểu, nhưng lại thật dễ hiểu. Bởi, mỗi chúng ta, đều sống với tình yêu thương và nhân ái. Ngay từ khi sinh ra đến khi lớn lên, ta được sống trong tình người, được dạy phải quan tâm đến người khác. Điều đó tạo thành nét truyền thống, tạo thành thói quen, lối sống. Hành động đùm bọc, san sẻ cho nhau trong cộng đồng dần trở nên bình thường như một lẽ tất yếu. Sâu xa hơn nữa, sự giúp đỡ, san sẻ lại diễn ra thường xuyên và quan trọng đến thế, chính bởi vì chúng ta là con người. Nghĩa là chúng ta không phải là thần thánh, nên sẽ có lúc gặp khó khăn, thiếu thốn, sai lầm và yếu đuối. Ai rồi cũng sẽ có lúc cần được sẻ chia, được giúp đỡ. Như một chàng trai khỏe mạnh, cũng sẽ có lúc bị ốm, cần người chăm sóc. Như một tiến sĩ tài ba, cũng có lúc gặp khó khăn với một vấn đề cần nhiều người cùng chung sức. Hay như một cậu bé, có ngoan cường, mạnh mẽ đến đâu cũng cần cha mẹ, người thân thương yêu, chăm sóc.

Sự đùm bọc, sẻ chia ấy giúp cho mỗi người trong chúng ta bình tâm hơn, yên lòng hơn trong từng giây phút. Khi ta biết được rằng, nếu gặp khó khăn, đau buồn, thất bại, thì vẫn sẽ có một chỗ dựa nào đấy, vẫn sẽ có một bờ vai nào đó cho ta dựa vào, che chở cho ta. Thật ấm áp và hạnh phúc biết bao. Khi cả cộng đồng này luôn sẵn lòng chở che và giúp đỡ nhau.

Tuy ý nghĩa của sự đùm bọc vô cùng to lớn, nhưng để làm nên nó thì lại chẳng khó khăn chút nào. Thật sai lầm khi cho rằng chỉ có những người giàu có, thành công, mới có thể đùm bọc, chở che cho số phận khác. Vì chỉ cần là một cánh tay đưa ra đã là sự giúp đỡ rồi. Đơn cử, chính là những ngày tháng mười vừa qua, khi khúc ruột miền Trung oằn mình trong mưa lũ. Hàng trăm con người thoi thóp cầu cứu. Cả nước ta đã cùng nhau chung sức giúp đồng bào ra khỏi khổ ải. Ai có gì giúp nấy. Người có sức giúp sức, người có của giúp của, người có thời gian giúp thời gian. Điều đó thể hiện rõ qua những chuyến xe vận chuyển đồ tiếp tế không lấy tiền. Những người ngư dân đem thuyền của mình ra làm phương tiện di chuyển vùng ngập lụt. Những người dân ngày đêm nấu cơm tiếp tế cho người dân và người cứu hộ. Những bài báo, những bài đăng kêu gọi toàn dân hướng về miền Trung yêu dấu. Và cả những người dân ra sức ủng hộ tiền, đồ vật, cùng cả những suất cơm nóng hổi tự mình nấu. Không chỉ lá lành đùm lá rách. Trong những ngày ấy, dân ta còn sống theo tôn chỉ lá rách ít đùm lá rách nhiều. Những ngôi nhà hai tầng, cao hơn, khang trang hơn thì sẵn sàng là nơi nương tựa của những hộ gia đình ở nơi thấp trũng, cùng nhau san sẻ khó khăn. Thật ấm áp xiết bao.

Tuy nhiên, cùng với đó, vẫn có những con người sống mà thiếu đi tình thương, thiếu đi sự quan tâm, chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh. Họ sống lạnh lùng và vô cảm. Như những người nhìn thấy tai nạn, có người bị thương vẫn dửng dưng bỏ đi. Hay có người từ chối mọi lời nhờ giúp đỡ của người khác dù nó chẳng là gì với bản thân mình. Tuy nhiên, bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phê phán những người luôn cho rằng sự giúp đỡ, đùm bọc của người khác là hiển nhiên, là tất yếu, mà không biết cảm ơn và tự phấn đấu về sau. Luôn chực chờ sự giúp đỡ từ bên ngoài mà chẳng chịu nỗ lực vươn lên. Đó là những trường hợp thật đáng chê trách và cần thay đổi ngay.

Là một học sinh, từ nhỏ, em đã được bố mẹ, thầy cô và người thân nhắn nhủ về tình yêu thương, đùm bọc những số phận khác. Tuy tuổi nhỏ, nhưng em đã luôn nỗ lực hết mình. Em giúp bạn cùng lớp chép bài khi bạn ấy bị ốm, em chở em nhỏ hàng xóm đi học khi mẹ em ấy bận, em giúp cụ già xách đồ… Và bản thân em, cũng đã nhiều lần nhận được sự giúp đỡ của người khác. Như những phần quà ý nghĩa vào đầu năm học, những lần được cô chú hàng xóm đón về nhà, những lần bị ốm được mọi người chăm sóc, yêu thương… Thật là ấm áp và hạnh phúc.

Em mong rằng, dù thế giới có nhiều đổi thay, xoay vần, thì người dân ta vẫn sẽ mãi cùng nhau chung sống trong bầu yêu thương, san sẻ và đùm bọc lẫn nhau như thế này. Giống như là ông cha ta đã dạy:

Lá lành đùm lá rách
Lá rách ít đùm lá rách nhiều.

Giải thích câu tục ngữ lá lành đùm lá rách lớp 7 mẫu 6

Những ngày lễ Tết, hội hè ở nước ta, bao nhiêu phụ nữ khéo tay đã gói ghém, làm ra những chiếc bánh ngon, đẹp. Trong vườn, bên ao, họ truyền cho nhau một kinh nghiệm giản dị: Lá lành đùm lá rách. Ta hãy cùng giải thích câu tục ngữ này nhé.

Trước hết, đây là một câu nói rất gợi hình. Lá lành là những chiếc lá còn tươi tốt, nguyên vẹn, chưa bị gió lay hay giập rách. Ngược lại, lá rách là những chiếc lá tả tơi vì gió hoặc các vật cứng va chạm vào. Lá lành đùm lá rách gợi ta liên tưởng đến hành động gói bánh. Trong lúc thiếu lá, nhân dân ta thường đặt lá rách, lá nhỏ vào giữa, trong cùng. Còn bên ngoài chiếc bánh là những chiếc lá tươi xanh, nguyên vẹn.

Câu "Lá lành đùm lá rách" còn gợi ý nghĩa sâu xa hơn. Lá lành tượng trưng cho hình ảnh những người có cuộc sống yên lành: có tiền của, no ấm hoặc mạnh khỏe. Ngược lại, lá rách ví với những người nghèo khổ, đói rét, đau ốm hoặc hoạn nạn. Như vậy, cả câu "Lá lành đùm lá rách" là một lời khuyên nhủ của người xưa với chúng ta: những người may mắn, mạnh khỏe, no ấm hãy biết cưu mang, giúp đỡ người ốm đau, hoạn nạn, thiếu thốn...

Xã hội hôm nay đã phát triển. Nhưng đâu phải bây giờ đã hết kẻ đói nghèo, khốn khổ, hoạn nạn, do vậy, rất cần sự tương thân, tương ái. Đây là đạo lí làm người và lòng nhân ái cao cả đã trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.

Trong xã hội, không ai có thể sống tách biệt một mình mà tồn tại được. Dẫu một người có đầy đủ sức khỏe, tiền bạc nhưng cũng có khi gặp hoạn nạn, sống giữa thiên nhiên lại càng rủi ro hơn vì những thiên tai nghiệt ngã. Dù giàu hay nghèo, lành hay rách, trước một quả bom của giặc ngoại xâm hay một trận thiên tai, thì máu nào cũng đỏ, xương nào cũng trắng. Không ai có thể làm ngơ trước những vết thương và tiếng khóc. Lòng thương yêu, đùm bọc lẫn nhau lúc khó khăn hoạn nạn chính là cơ sở tạo tình đoàn kết, thân ái, ràng buộc chặt chẽ các thành viên trong xã hội. Đó là sức mạnh vô song giúp con người sống qua những ngáy ác liệt nhất trong đời:

Hàng xóm bốn bên trở về lầm lụi
Đỡ đần bà dựng lại túp lều tranh
Vẫn vững vàng bà dặn cháu đinh ninh
Bố ở chiến khu bố còn việc bố
Mày chớ viết thư kể này, kề nọ...

                                            (Bếp lửa - Bằng Việt)

Suy rộng hơn nữa, câu tục ngữ "Lá lành đùm lá rách" không chỉ là lời khuyên "hãy giúp người" mà thực ra, giúp người chính là giúp mình. Vì sao vậy? Nếu muốn toàn xã hội như một cái bánh thơm ngon thì một chiếc lá lành không làm được gì cả. Chiếc lá lành phải đùm lá rách mới làm cho chiếc bánh chắc và thơm ngon. Vậy khi chiếc lá rách an toàn thì chiếc lá lành cũng bình yên. Hơn nữa, khi ta đem lại hạnh phúc, niềm vui cho người khác cũng chính là lúc lòng ta dâng lên một niềm hạnh phúc như câu danh ngôn nổi tiếng: "Niềm hạnh phúc của một người là đem lại niềm vui cho nhiều người". Thật vậy, qua những lần bão lụt ở miền Trung hoặc lũ lụt ở đồng bằng sông Cửu Long, nhiều người đã dành nhiều thời gian, công sức, tiền của để cứu trợ đồng bào gặp nạn. Họ xem đó là niềm vui vì được chia sẻ nỗi đau cùng đồng bào. Tinh thần tự nguyện ấy thật đáng quý.

Câu tục ngữ "Lá lành đùm lá rách" giản dị mà sâu xa, đơn sơ mà có giá trị lâu bền. Đó là một trong những nền tảng đạo đức của dân tộc Việt Nam, chứa đựng tinh thần nhân ái, nhân bản cao cả. Em sẽ luôn luôn ghi nhớ câu tục ngữ này và thực hiện thật tốt trong mọi hoàn cảnh.

Giải thích câu tục ngữ lá lành đùm lá rách lớp 7 mẫu 7

Từ bao đời nay dân tộc Việt Nam ta luôn tự hào về truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Truyền thông tương thân tương ái, bao bọc lấy nhau đúng như câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách”.

Vậy trước tiên ta phải hiểu thế nào là’’ Lá lành đùm lá rách’’. Lá lành là những người có cuộc sống đầy đủ còn lá rách là những con người nghèo khổ có hoàn cảnh kém may mắn hơn những người khác. Từ đó ông cha ta đã nói về tình thương giữa con người, đưa ra một hình ảnh tự nhiên để nhắn nhủ chúng ta phải biết che chở, nhường cơm sẻ áo với những người có hoàn cảnh khó khăn.

Trong cuộc sống ai cũng muốn có một cuộc sống đầy đủ, no ấm nhưng không phải ai trong số họ cũng đều có được cuộc sống như vậy. Họ phải chật vật kiếm từng bữa cơm qua ngày, họ lo lắng phải chống chọi với nắng, mưa, bão bùng, lo lắng cho cả cuộc sống tương lai của họ, hay cũng có những người ngày ngày lo lắng về căn bệnh luôn rình rập bản thân mình, giành giật giữa sự sống và cái chết, chính vì vậy mà chúng ta phải biết giúp đỡ, giúp họ vượt qua khó khăn mà họ đang phải gánh chịu.

Nói về tinh thần đoàn kết, tấm lòng tương sinh tương ái ông cha ta đã có câu:

"Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”

Hay:

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng.”

Tất cả đều nói lên truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Để phát huy truyền thống đó rất nhiều chương trình được tổ chức với ước muốn có thể giúp đỡ, chia sẻ với người nghèo, những người có hoàn cảnh khó khăn như chương trình “Lục Lạc Vàng”, tặng trâu cho những gia đình hộ nghèo, tuy là hành động nhỏ nhưng cũng phần nào sẻ chia phần nào về nỗi lo cơm áo. Các chương trình tổ chức quyên góp ủng hộ đồng bào lũ lụt miền Trung để chia sẻ những mất mát mà bà con phải gánh chịu, đặc biệt các chương trình hỗ trợ học bổng cho các bạn nhỏ không có cơ hội đến trường như bao bạn cùng trang lứa, đó cũng là trao cho các em cơ hội đến trường, cơ hội để bước đến những thành công. “Của ít mà lòng nhiều” đó là tất cả để nói về những người biết nhường cơm sẻ áo, biết lấy cái có của mình để san sẻ cho những người cần nó. Với những người có tấm lòng như vậy là cơ sở để xây dựng một xã hội tốt đẹp, là cơ sở tạo dựng nên sức mạnh đoàn kết dân tộc đẩy lùi được bao cuộc tấn công xâm lược của kẻ thù.

Tuy nhiên cũng có những người vì lợi ích của bản thân mới giúp đỡ người khác hoặc thậm chí còn có những kẻ lợi dụng sự thương cảm của người khác để kiếm lợi cho bản thân mình, luôn ỷ lại, không chịu vươn lên trước những khó khăn. Mỗi việc làm nhỏ, mỗi lời động viên thăm hỏi đều sẽ trở thành những động lực để họ cố gắng, mỗi lần trao đi yêu thương là giúp họ bước gần đến một cuộc sống tốt đẹp.

Giải thích câu tục ngữ lá lành đùm lá rách lớp 7 mẫu 8

Một trái tim còn đập là trái tim biết yêu thương. Yêu thương con người chính là biểu hiện của chữ "tình" trong cuộc sống. "Tình người là đáng quý". Mọi người sống với nhau là trọng cái "tình", cái "nghĩa". Đó là bản sắc của con người Việt Nam mà ai ai cũng phải thừa nhận. Ngay từ khi còn nhỏ, ta đã được giáo dục về cái lẽ sống ấy. Biết yêu thương con người, biết đồng cảm với những người có hoàn cảnh éo le, bất hạnh, thiếu thốn hơn mình, biết giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh khi có thể dù chỉ nhỏ thôi cũng đủ để họ có một hi vọng lớn vào tương lai. Quả là thật đúng với tinh thần của câu nói: "Lá lành đùm lá rách" của thế hệ đi trước để lại.

Đặc điểm chung của dòng văn học dân gian Việt Nam đó là hình ảnh được sử dụng để miêu tả hết sức bình dị, gần gũi với người dân. Trong câu nói này, người dân, những người lao động đã sử dụng hình ảnh "chiếc lá" để ví von, ẩn dụ cho cái ý nghĩa sâu thẳm bên trong. Thực sự rất thâm thúy! Hình ảnh chiếc " lá lành" và "lá rách" thực sự rất dễ để người nghe liên tưởng, tưởng tượng và thấu hiểu. Lá ở trên cành có cái lành cái rách giống như con người trong xã hội có kẻ giàu người nghèo, có những mảnh đời cơ cực bất hạnh. Lá rách là chiếc lá dễ bị tổn thương nhất trên cây. Chỉ cần một chút gió mạnh mưa giông, chiếc lá ấy cũng có thể rớt xuống lìa cành. Cũng giống như những mảnh đời éo le trong xã hội là những thành phần dễ bị tổn thương nhất. Họ không đủ sức để chống chọi với những sóng gió của cuộc đời. Một chiếc lá ngay từ khi mới mọc chồi đâu muốn trở thành chiếc lá rách yếu ớt. Con người ngay từ khi sinh ra cũng đâu muốn mình trở thành kẻ yếu thế. Nhưng những nhân tố khách quan đã đẩy họ đến bước đường đó. Có thể là họ đã gặp rất nhiều những sóng gió trước đây và không còn đủ sức để chống chọi thêm được nữa. Có thể là ngay từ đầu cuộc sống của họ đã khó khăn nhưng ngày càng khó khăn thêm mà không có lối thoát. Câu nói "lá lành đùm lá rách" được lấy từ hình ảnh những chiếc lá cứ đan xen vào nhau, không tách rời. Cứ tầng tầng lớp lớp lá đan vào nhau che phủ cả một khoảng nắng trên sân. Ít ai có thể thấy được những chiếc lá rách. Từ "đùm" có nghĩa là đùm bọc, chở che, bảo vệ. Câu nói này ngụ ý, hãy biết cảm thông, giúp đỡ khi có thể với những người có hoàn cảnh éo le hơn mình. Bởi cuộc sống là cho đi đâu chỉ nhận về. Người với người sống với nhau là để yêu thương. Hơn ai hết, những người bất hạnh cũng muốn mình có một tương lai tốt đẹp. Không ai muốn mình cứ đắm chìm mãi trong bất hạnh, mệt mỏi, chán trường. Nên nếu có thể hay dang rộng vòng tay giúp đỡ họ. Dù chỉ nhỏ thôi như một lời động viên an ủi cũng có thể làm họ cảm thấy vững tin, hi vọng vào tương lai tươi sáng. Ở Việt Nam chúng ta, có rất nhiều hoạt động được thực hiện trên tinh thần đó. Nhỏ nhất có thể nói đến như hoạt động phát cơm tại các bệnh viện của đội sinh viên tình nguyện. Lớn hơn có thể nói đến những mạnh thường quân chung sức ủng hộ cho những mảnh đời cơ cực, éo le, bị bệnh cần một khoản tiền lớn để chữa trị. Tron khuôn khổ nhà trường có thể kể đến các hoạt động nhỏ như mua tăm ủng hộ, quyên góp áo ấm… Những câu truyện cổ tích ngày xưa mẹ thường hay kể đã rất nhiều lần đề cập đến câu nói này. Chắc hẳn không ai có thể quên những hình ảnh bà tiên giả làm người đi đường nghèo khổ để thử lòng con người và cái kết là người đã giúp đỡ bà sẽ được hạnh phúc trong cuộc sống. Một cốt truyện quen thuộc nhưng ở trong đó là cả một triết lý sâu xa. Đó là cho đi sẽ được nhận về xứng đáng. Có cho thì mới có nhận. Hãy biết yêu thương con người, đồng cảm với mọi người. Bởi lẽ có như vậy thì tâm hồn bạn mới được thanh thản.

Câu tục ngữ "Lá lành đùm lá rách" đã được hình thành và truyền đi truyền lại biết bao đời nay. Nhưng nó vẫn chưa từng mất đi giá trị cũng như ý nghĩa của nó. Câu nói giáo dục con người biết cách san sẻ, sẻ chia khó khăn trong cuộc sống. Ngày nay, với nhịp độ phát triển kinh tế, dường như họ đã quên mất câu nói này. Bên cạnh những tấm gương, những hành động cũng như nghĩa cử đẹp thì lại là những mảng tối trong cách cư xử của con người. Một số bộ phận người trong xã hội bị chai lỳ cảm xúc và trở nên vô cảm. Thấy những người rơi vào hoàn cảnh éo le thì họ lại cười chê khinh miệt. Không những thế còn có thái độ không tốt với người giúp đỡ họ. Những người như vậy thực sự rất đáng phê phán.

Trong cuộc sống này, luôn có kẻ mạnh người yếu. Những người yếu thế trong xã hội là những người cần được bảo vệ, chở che và cần sự giúp đỡ, cảm thông của mọi người. Hơn ai hết, bạn hãy có một cái nhìn đồng cảm với những mảnh đời kém may mắn trong xã hội này. Và đừng bao giờ dễ dàng thốt ra những lời than vãn về cuộc sống của mình. Bởi lẽ còn rất nhiều người mong muốn có một cuộc sống như bạn. Nên hãy tập vươn lên đừng chùn bước và giúp đỡ mọi người xung quanh nếu có thể nhé.

Giải thích câu tục ngữ lá lành đùm lá rách lớp 7 mẫu 9

Những câu tục ngữ được xem là "túi khôn" của nhân loại. Sau những câu văn ngắn gọn, có vần điệu, có lớp nghĩa hiển ngôn hiển hiện rõ ràng là lớp nghĩa hàm ẩn sâu xa. Ở đó, nhân dân ta đã thể hiện kinh nghiệm, tư tưởng, quan điểm, hay đơn giản hơn là những điều quan sát được trong thiên nhiên và sự liên tưởng qua việc quan sát đó. Sự kiện ấy đã xuất hiện trong nhiều câu tục ngữ và nổi bật là câu: "Lá lành đùm lá rách".

Với những hình ảnh gần gũi, giản dị, câu tục ngữ này dễ dàng tạo nên một ấn tượng riêng trong lòng người đọc. Ngắn gọn thế nhưng câu tục ngữ lại chứa đựng những ba nghĩa chính. Xét về nghĩa đen có người bảo "Lá lành đùm lá rách" là để chỉ một hiện tượng tự nhiên. Trên cây, những chiếc lá lành lặn, mạnh mẽ bao giờ cũng vươn lên và cũng luôn ở phía trên những chiếc lá có đôi chút rách nát, yếu ớt như để che chở, bao học. Tuy đó chỉ là một cái nhìn chủ quan của dân gian xưa về một hiện tượng tự nhiên nhưng nó cũng đã thể hiện tình cảm của họ thời đó. Còn có một cách giải thích khác được lưu truyền. Cách giải thích ấy cho rằng "Lá lành đùm lá rách" là để chỉ những lớp lá khi gói luôn là những chiếc lá không mấy lành lặn rồi mới đốn những chiếc lá lành lặn, đẹp đẽ. Cái cách gói ấy đã có từ muôn đời, đến nay đã thành cái lệ, cái tập tục, cái thói quen của những người làm bánh.

Nhưng dù lớp nghĩa đen nay có là gì đi nữa thì ẩn sâu trong nó vẫn là một lớp nghĩa bóng đẹp đẽ, sâu xa. Câu tục ngữ "Lá lành đùm lá rách" đã thể hiện tinh thần tương thân tương ái, bao bọc, che chở những con người khó khăn hơn, và cả những chiếc lá rách nát, xấu xí để cuộc sống sẽ như một cái cây tươi tốt, đâm chồi nảy lộc. Những ý nghĩ sâu sắc ấy đã dạy cho chúng tôi một bài học về cách làm người, về cách ứng xử trong xã hội, trong cuộc sống này. Qua đó mỗi người cũng đã tự thấy được bổn phận, trách nhiệm của mình là phải bao bọc, chở che cho những con người bất hạnh hơn. Nói đúng ra là phải biết thương yêu, chia sẻ, đùm bọc lẫn nhau để cuộc sống bớt khổ đau, đói nghèo và bất hạnh. Có vậy, mối quan hệ giữa con người trong xã hội mới đúng nghĩa "đồng bào" mà cha ông xưa đã răn dạy.

Những câu tục ngữ luôn như vậy, ngắn gọn mà chứa đựng một bài học sâu sắc. Hi vọng rồi đây, vốn kiến thức của em sẽ ngày một dày hơn lên, có thêm nhiều những câu ca dao, tục ngữ hay như vậy. Chắc chắn em sẽ cố gắng hết mình để nghe lời và thực hiện tốt những gì đã được đúc kết từ mỗi lời dạy đó.

Giải thích câu tục ngữ lá lành đùm lá rách lớp 7 mẫu 10

Dân tộc Việt Nam với lịch sử bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước, trong suốt chiều dài lịch sử ấy có những truyền thống tốt đẹp được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Một trong số đó là truyền thống yêu thương con người tinh thần tương thân tương ái được thể hiện qua câu tục ngữ: "Lá lành đùm lá rách".

Như đã nói ở trên, truyền thống yêu thương con người, tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau lúc khó khăn là một trong những truyền thống lâu đời nhất của dân tộc ta.

Về câu tục ngữ, câu này có hai lớp nghĩa, xét về lớp nghĩa đen là lớp nghĩa mà ta có thể thấy nó hiện ngay trong từng chữ mà chúng ta không cần phải suy luận gì. Lớp nghĩa này có thể hiểu là trong một cây, những chiếc lá lành có thể "che chở" cho những chiếc lá rách nát không lành lặn để cùng nhau vượt qua một trận mưa bão mà chiếc lá rách kia không bị rụng xuống. Từ lớp nghĩa đen này, ta có thể suy ra lớp nghĩa bóng của câu tục ngữ – là lớp nghĩa không hiển thị trực tiếp và người đọc phải tự suy luận ra dựa trên lớp nghĩa đen. Với câu tục ngữ này ta có thể hiểu nghĩa bóng của nó là nói về tình yêu thương, tinh thần tương thân tương ái giúp đỡ nhau lúc gặp khó khăn, hoạn nạn. Những người giàu thì giúp đỡ người nghèo, người đầy đủ thì giúp đỡ người túng thiếu. Cũng có rất nhiều câu ca dao, tục ngữ nói về tinh thần này như câu: "Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn", hay "Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng".

Câu tục ngữ đã trở thành một lối sống cao đẹp của nhân dân ta từ xưa đến nay và luôn được gìn giữ, phát huy qua từng thế hệ. Điều này được thể hiện qua những hành động thiết thực và ý nghĩa như chương trình "Vì người nghèo", "Lục lạc vàng", "Vượt lên chính mình" với nội dung đều là giúp đỡ những người nghèo vượt qua khó khăn, thử thách.

Trường em cũng có rất nhiều hoạt động với nội dung này như là quyên góp quần áo, sách vở ủng hộ những bạn có hoàn cảnh khó khăn ở những vùng dân tộc khó khăn hay vùng sâu vùng xa. Mỗi dịp Tết đến xuân về thì học sinh trong trường và các thầy cô góp tiền để mua quà Tết cho những bạn thuộc diện khó khăn của trường. Đây đều là những hành động nhỏ nhưng rất thiết thực, giúp đỡ một phần nào khích lệ động viên tinh thần giúp họ vững tin hơn trong cuộc sống.

Câu tục ngữ có ý nghĩa rất sâu sắc, đó là tinh thần tương trợ giúp đỡ lẫn nhau khi gặp khó khăn hoạn nạn, đây là một truyền thống tốt đẹp cần được gìn giữ và phát huy.

Giải thích câu tục ngữ Lá lành đùm lá rách

Giải thích câu tục ngữ lá lành đùm lá rách lớp 7 mẫu 11

Trong cuộc sống có rất nhiều những số phận bất hạnh và cần sự giúp đỡ của người khác, lòng tương thân tương ái sẽ luôn luôn được mọi người đánh giá cao, con người với con người cần phải yêu thương và đùm bọc lẫn nhau. Dân tộc ta đã có rất nhiều những truyền thống tốt đẹp để thể hiện được điều đó như lá lành đùm lá rách hay bầu ơi thương lấy bí cùng.

Trong câu tục ngữ này nghĩa đen đơn thuần của nó là nói về chiếc lá lành đùm chiếc lá rách, những chiếc lá to đùm bọc chiếc lá nhỏ, nghĩa đen mang ý nghĩa hiện lên trên bề mặt ngôn từ nhưng ý nghĩa ẩn chứa của nó bên trong câu nói này lại mang những ý nghĩa sâu sắc và sự giáo dục con người một cách mạnh mẽ. Từ xưa đến nay truyền thống này đã được phát huy và ngày càng được củng cố trong đời sống xã hội. Lòng tương thân tương ái giúp đỡ những con người có số phận khó khăn bất hạnh là tấm lòng cao cả và đáng được khen ngợi nhất. Mỗi người chúng ta đã và đang hiểu những điều đó qua cuộc sống và đời sống của mỗi người. Những con người luôn luôn biết yêu thương và chia sẻ đồng cảm với tất cả con người.

Truyền thống tốt đẹp của dân tộc từ xưa đến nay đã được dân tộc ta phát huy và giữ gìn nó trở thành những hình ảnh đẹp và vô cùng cao quý, những hình ảnh mang đậm nét giá trị và những ý nghĩa xã hội sâu sắc. Lòng thương người của con người phải ngày càng được giữ gìn và cần phải có tấm lòng nhân hậu thân ái, giúp đỡ người khác. Mỗi người đều cần phải thể hiện được điều đó qua hành động của mình, lòng thương người và sự đối đãi hợp tình hợp lý giữa con người với nhau, mỗi người cần phải làm được điều đó và nó mới mang một ý nghĩa lý tưởng và giúp đỡ tất cả mọi người.

Mỗi chúng ta khi làm được những điều có ích cho xã hội và giúp đỡ được người khác thì tấm lòng của mình sẽ ngày càng được mở ra và nó cải thiện mạnh mẽ mối quan hệ của mình với tất cả mọi người. Câu tục ngữ trên đã được trải nghiệm từ xưa đến nay và nó hoàn toàn đúng, sự giúp đỡ và đùm bọc giữa con người và con người sẽ được làm nên những giá trị ý nghĩa và tốt đẹp nhất. Trong đó sự yêu thương giúp đỡ giữa con người với nhau sẽ ngày càng được phát triển mạnh mẽ, và ý nghĩa của nó để lại rất nhiều biểu tượng và tượng trưng cho những lý tưởng và ý nghĩa chung cho tất cả mọi người. Những việc làm có giá trị như việc giúp đỡ người khác, từ những hành động nhỏ nhất như việc đưa người già qua đường, hay dành những đồ dùng của mình quyên góp cho những người có hoàn cảnh khó khăn hơn, một cử chỉ và nghĩa cử cao đẹp tạo nên một ý nghĩa lớn lao cho cả một xã hội.

Một việc làm tuy nhỏ nhưng ý nghĩa của nó để lại lại vô cùng to lớn, mỗi người nên dành tình yêu thương của mình cho những người có hoàn cảnh khó khăn, những người có số phận bất hạnh hơn mình, biết yêu thương đùm bọc con người họ sẽ trở thành những con người cao thượng và làm được những điều có giá trị rất lớn lao và để lại cho con người những tình cảm yêu mến nhất. Hạnh phúc của mỗi con người là làm được nhiều ý nghĩa và việc làm có ích cho xã hội chính vì vậy mỗi chúng ta nên làm những điều có ý nghĩa và giá trị cho cuộc sống của mình. Với lòng nhân ái, sự yêu thương của con người với con người tạo nên những tình cảm chân thành và vô cùng đáng quý, mỗi người chúng ta cần tạo nên những điều đó để cuộc sống của mình có nhiều ý nghĩa hơn, cuộc sống sẽ thực sự nở hoa và tràn đầy nhựa sống cho mỗi người.

Lá lành đùm lá rách đã để lại bài học quý giá cho mỗi con người, nó không chỉ để lại những giá trị to lớn cho cuộc sống mà còn lại những tình cảm chân thành và đáng chân trọng nhất. Trong cuộc sống chúng ta gặp rất nhiều những con người có trái tim nhân hậu, lòng nhân hậu đó luôn luôn được thể hiện qua sự thể hiện sự đồng cảm, cảm thông sâu sắc đến mọi người. Trong xã hội của chúng ta nếu xuất hiện những con người như vậy xã hội này sẽ ngập tràn tình yêu thương và lòng nhân ái, sự trìu mến, đoàn kết vì một xã hội giàu tình yêu thương của con người, sự đoàn kết của một dân tộc giàu truyền thống.

Mỗi người chúng ta nên học hỏi và phát huy được truyền thống quý báu của dân tộc để từ đó phát huy mạnh mẽ được giá trị và truyền thống của dân tộc ta, những truyền thống cao cả và cần thiết trong một xã hội hiện đại ngày nay, câu tục ngữ này đã để lại những bài học vô cùng quý giá và cần thiết ở mỗi con người.

Giải thích câu tục ngữ lá lành đùm lá rách lớp 7 mẫu 12

Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống đạo lý vô cùng tốt đẹp.Trong đó, lòng nhân ái luôn được đặt lên hàng đầu. Ông cha ta đã đúc kết nên câu tục ngữ: “Lá lành đùm lá rách” nhằm khuyên bảo con cháu về lòng thương người, lối sống vị tha.

Thật vậy, câu tục ngữ là một chân lí lớn lao về truyền thống đoàn kết của đồng bào ta. Để có thể kế tục truyền thống của ông cha, việc đầu tiên ta phải hiểu được ý nghĩa của câu tục ngữ. Vậy, thế nào là “lá lành”, “lá rách”? "Lá lành” là những chiếc lá còn nguyên vẹn, lành lặn. Ý ở đấy muốn nói đến những người có cuộc sống đầy đủ, ấm no. "Lá rách” là những chiếc lá không còn nguyên vẹn, lành lặn, đã bị sâu nát. Ý chỉ những người có hoàn cảnh khó khăn, vất vả. “Lá lành đùm lá rách” có nghĩa là chúng ta phải biết yêu thương, chia sẻ, đùm bọc những người có hoàn cảnh éo le , cuộc sống đau khổ, bệnh hoạn,… Vậy thì tại sao câu tục ngữ lại khuyên chúng ta phải “lá lành đùm lá rách”? Vì để có thể sống một cuộc sống đầy đủ, ý nghĩa, mỗi cá nhân phải hòa nhập với cộng đồng, cùng chia sẻ với mọi người . “Sông có khúc, người có lúc”, trong cuộc sống, khó ai có thể thuận lợi, vuông tròn về mọi mặt. Vì vậy, để muốn mọi người đối xử tốt với mình thì mình phải đối xử tốt với mọi người trước đã. Ca dao Việt Nam có câu:

“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”

Câu ca dao nói về bầu và bí nhưng xét về ý nghĩa thì chẳng khác gì “lá lành đùm lá rách”. Trong xã hội, mỗi người có một hoàn cảnh, điều kiện sống riêng. Tuy vậy, những mối quan hệ giữa người với người đã tạo ra sự ràng buộc, gắn bó, là cơ sở của sự gần gũi, cảm thông. Bạn bè đồng tuổi cùng chung trường, chung lớp. Hàng xóm láng giềng cùng chung đường đi, lối lại. Dân tộc Kinh, Tày, Mường, Nùng….cùng sinh ra từ bọc trứng của mẹ Âu Cơ…Vì vậy không ai có thể sống riêng lẻ, tách biệt với mọi người. Tình thương yêu, sự chia sẻ ngọt bùi sẽ làm cho con người gắn bó với nhau hơn, cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn. Ngày này có rất nhiều hoạt động thể hiện tinh thần tương thần tương thân, tương ái. Trong năm nay, chi đội em đã thực hiện rất tích cực phong trào góp quần áo, sách vở ủng hộ nhân dân bị thiên tai: mua tăm ủng hộ người mù. Và gần đây nhất là phong trào “Góp bút cùng bạn đến trường”. Ở khắp các trường tiểu học, THCS, THPT, đại học, các trường cao đẳng… những quy học bổng đã được mở nhằm khích lệ học sinh nghèo vượt khó. Trên khắp đất nước, đâu đâu cũng có những quỹ từ thiện giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Đúng đắn hơn cả là chính sách của nhà nước dành cho con thương binh, liệt sĩ, đồng bào vùng núi, vùng sâu, vùng xa để phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. “Chúng ta là con một cha, nhà một nóc/ Thịt với xương, tim óc dính liền”. Thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau trong lúc yên vui cũng như hoạn nạn, đó là đạo lí làm người, là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt nam.

Trong thời đại mới, dù đất nước có phát triển thế nào, con người có thay đổi ra sao thì câu tục ngữ vẫn giữ nguyên giá trị nhân sinh của nó. Nhiệm vụ của chúng ta là phải kế thừa và phát huy tinh thần tương thần tương thân tương ái của dân tộc.

Giải thích câu tục ngữ lá lành đùm lá rách lớp 7 mẫu 13

Dân tộc Việt Nam ta từ bao đời nay vẫn nổi tiếng với nhiều truyền thống và phong tục tập quán tốt đẹp thể hiện nền văn hiến ngàn đời bền vững của nhân dân ta. Không chỉ đơn thuần thể hiện trong nền nếp sinh hoạt của người dân Việt mà các truyền thống, tinh hoa tốt đẹp còn được đúc kết trong các câu tục ngữ, thành ngữ, trong các tác phẩm văn học dân gian như một món ăn tinh thần, với ý nghĩa lưu giữ và răn dạy các thế hệ đi sau phải biết kế thừa và phát huy. Một trong những truyền thống tốt đẹp và đáng quý của dân tộc ta phải kể đến truyền thống đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau khi hoạn nạn, được thể hiện rất rõ trong câu tục ngữ "Lá lành đùm lá rách".

Nói về hình tượng "Lá lành đùm lá rách" có lẽ xuất phát từ câu chuyện gói bánh của dân tộc ta, khi người ta gói bánh chưng thường bằng bốn lớp lá, lớp này chồng lớp khác, có đôi khi trong một phút sơ sẩy người gói bánh vô tình làm rách lá, thì họ sẽ lót tấm lá ấy ở trong cùng rồi mới bọc các lớp lá lành khác ở bên ngoài. Sở dĩ làm vậy là để chiếc bánh có hình thù đẹp đẽ, đồng thời khi luộc bánh không bị vỡ, nứt. Khi áp dụng vào đời sống, thì dễ mường tượng rằng “là lành” tức là những con người có cuộc sống ấm êm, hoàn chỉnh, có của cải, cơm no áo ấm, Còn trái lại “lá rách” là tượng trưng cho những kiếp người tạm bợ, nghèo khó, thiếu thốn điều kiện vật chất, tinh thần, đôi lúc là ở trạng thái, rách nát tàn tạ, vô cùng khó khăn, khốn khổ. Như vậy tổng thể kết hợp giữa hai lớp nghĩa trên ta có thể hiểu rằng câu tục ngữ muốn khuyên răn con người phải có tinh thần đoàn kết, biết đưa tay giúp đỡ những người xung quanh khi họ gặp khó khăn, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, đáng thương. Xuất phát từ tấm lòng nhân ái, yêu thương con người, đồng thời cũng là sự kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam ta từ bao đời nay.

Trong cuộc sống hiện đại, đời sống con người đã vơi dần đi những khó khăn, vất vả, thế nhưng không phải kiếp nhân sinh nào cũng được may mắn, được sinh ra với cuộc sống đầy đủ vật chất, được lớn lên với một thân thể khỏe mạnh, được hưởng nền giáo dục một cách đầy đủ. Trái lại có những đứa trẻ mới năm, sáu tuổi đời đã phải lang thang kiếm sống bên những tờ vé số, những thanh kẹo năm mười ngàn, những tờ báo, và cả những hộp xi đánh giày. Những đứa trẻ bất hạnh ấy đã có một tuổi thơ cơ cực, vất vả không được hưởng tuổi thơ ngây thơ hồn nhiên như những đứa trẻ khác và có lẽ với những những bộ quần áo sặc sỡ, xinh xắn, những ngày cắp sách tới trường chỉ mãi mãi là giấc mơ không thành hiện thực. Rồi cũng có những cụ già đã lớn tuổi, ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, đáng lý phải được quây quần bên con cháu, thì trái lại họ vẫn phải lăn lộn vất vả bên mảnh vườn chật hẹp, bên mấy mớ rau, cải quả của vườn nhà để bòn mót từng đồng tiền nuôi thân, nuôi cả con cháu. Hoặc cũng có những phận đời bước ra đi từ những miền quê nghèo đất cày lên sỏi đá, bươn chải nơi thành phố trong những căn trọ chật hẹp, ẩm thấp, mục nát, làm những công việc vôi vữa nặng nhọc, làm công nhân để chắt chiu dành dụm gửi về cho gia đình. Hoặc đó cũng có thể là những người dân hằng năm phải gánh chịu thiên tai bão lũ, họ không chỉ mất mát về tài sản, vật chất và đau đớn hơn họ còn có thể mất đi cả những người thân yêu nhất trong gia đình... Điểm chung ở tất cả những kiếp người ấy là sự tàn tạ, đáng thương và khốn khổ vô cùng, họ cũng muốn tìm cho mình một lối thoát cuộc đời cứ mãi mịt mù như vậy. Chúng ta là những con người may mắn có cuộc đời hạnh phúc, dù rằng chưa đến mức giàu có, đại gia gì nhưng mỗi người sống ở trên đời cần có tấm lòng bao dung, nhân hậu, yêu thương và sẵn lòng giúp đỡ những phận đời cơ cực ấy bằng những khả năng mà chúng ta có. Tránh đi những thái độ, dè bỉu coi khinh, xa lánh những người mang phận "lá rách", thay vào đó chúng ta phải biết thấu hiểu, thông cảm và sẻ chia đấy mới là hành động đẹp, mang tính nhân văn, góp phần làm cho xã hội ngày một tươi sáng hơn, khiến cho những con người cùng khổ có thêm niềm tin, động lực để phấn đấu trong cuộc sống. Có câu nói rằng "Bàn tay tặng hoa hồng bao giờ cũng phảng phất hương thơm", có thể hiểu rằng khi chúng ta sẻ chia và cho đi một thứ gì mà không cần nhận lại, nhưng chính bản thân chúng ta cũng đã nhận lại được "hương thơm", ấy là niềm vui, sự thanh thản trong tâm hồn, khiến cho trái tim chúng ta trở nên tươi sáng và yêu đời hơn hẳn. Hơn thế nữa, việc giúp đỡ một ai đó khi học gặp khó khăn chưa bao giờ là việc khó khăn cả. Nếu một người buồn bã bạn chỉ cần ở bên an ủi và lắng nghe họ, với một đứa bé bán vé số bạn chỉ cần mua giúp nó một vài tờ vé số để đứa bé ấy có thể về nhà sớm hơn. Nếu gặp một bà cụ lang thang bán kẹo, bạn hãy mua giúp bà một thanh kẹo ngọt, hoặc nếu gặp một người ăn xin khốn khổ, thì chỉ một vài ngàn lẻ của bạn có khi cũng đã đủ khiến họ hạnh phúc rồi. Hoặc đối với những nạn nhân của thiên tai bạn có thể đóng góp quần áo cũ, sách vở, lương thực hoặc đơn giản nhất là bạn chỉ cần tiết kiệm năm, mười ngàn tiền một bữa sáng bỏ vào thùng quyên góp. Như vậy là bạn đã chia sẻ được một phần nào khó khăn của họ rồi. Bạn thấy đấy việc chia sẻ và giúp đỡ người khác chưa bao giờ là khó khăn, vấn đề nằm ở chỗ bạn có thực sự muốn thực hiện nó bằng tấm lòng bao dung của mình hay không thôi.

Tóm lại "Lá lành đùm lá rách" là một truyền thống văn hóa vô cùng tốt đẹp của dân tộc ta, giáo dục cho con người lòng yêu thương con người, tinh thần đoàn kết dân tộc, biết sẻ chia giúp đỡ những người gặp khó khăn bất hạnh. Mà mỗi thế hệ chúng ta cần phải biết kế thừa và phát huy thật tốt truyền thống cha ông để lại, để làm giàu đẹp tâm hồn, để ít đi những cuộc đời khốn khổ, để thế giới này thêm phần ấm áp hơn.

..........................

Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn dàn ý và 14 bài văn mẫu lớp 7: Giải thích câu tục ngữ "Lá lành đùm lá rách". Hy vọng tài liệu giúp các em hiểu được ý nghĩa câu tục ngữ muốn gửi gắm, biết cách triển khai đề văn theo yêu cầu đề bài cũng như có nhiều ý tưởng để xây dựng bài viết hoàn chỉnh. Chúc các em đạt điểm cao trong bài thi Văn 7 sắp tới.

Ngoài tài liệu trên, mời các bạn tham khảo thêm các bài văn mẫu lớp 7 khác trên VnDoc để học tốt môn Ngữ văn lớp hơn. Chúc các em học tốt.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1.551
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
3 Bình luận
Sắp xếp theo
  • Phạm Thị Ngọc Anh
    Phạm Thị Ngọc Anh

    Hay

    Thích Phản hồi 10/05/22
    • Biết Tuốt
      Biết Tuốt

      Được của ló đó

      Thích Phản hồi 10/05/22
      • Gấu Đi Bộ
        Gấu Đi Bộ

        Chép mẫu dài nhất cho cô lác mắt chơi

        Thích Phản hồi 10/05/22
        🖼️

        Gợi ý cho bạn

        Xem thêm
        🖼️

        Văn mẫu lớp 7 Cánh diều

        Xem thêm