Chứng minh tính đúng đắn của câu tục ngữ Có công mài sắt có ngày nên kim
Chứng minh tính đúng đắn của câu tục ngữ Có công mài sắt có ngày nên kim gồm dàn ý chi tiết và các bài văn mẫu hay, đa dạng về cách trình bày do VnDoc biên soạn và sưu tầm. Nhằm giúp các em tham khảo để biết cách làm bài cũng như nâng cao kỹ năng viết văn và học tốt môn Ngữ văn 7 hơn.
Chứng minh tính đúng đắn của câu tục ngữ Có công mài sắt có ngày nên kim
- Dàn ý Chứng minh tính đúng đắn của câu tục ngữ Có công mài sắt có ngày nên kim
- Chứng minh Có công mài sắt có ngày nên kim ngắn gọn
- Chứng minh Có công mài sắt có ngày nên kim mẫu 1
- Chứng minh tính đúng đắn của câu tục ngữ Có công mài sắt có ngày nên kim mẫu 2
- Chứng minh câu tục ngữ Có công mài sắt có ngày nên kim mẫu 3
- Chứng minh tính đúng đắn của câu tục ngữ Có công mài sắt có ngày nên kim mẫu 4
Dàn ý Chứng minh tính đúng đắn của câu tục ngữ Có công mài sắt có ngày nên kim
1. Mở bài
- Tục ngữ là kho tàng tri thức khổng lồ, phong phú của dân tộc ta.
- Trong đó, có một câu tục ngữ mang tính khuyên răn vô cùng đúng đắn về đức tính cần có của con người là ‘’Có công mài sắt có ngày nên kim’’.
2. Thân bài
a. Giải thích ý nghĩa
- Nghĩa đen:
- Thanh sắt và cây kim là hai hình ảnh đối lập nhau, một cái có kích thước lớn và một
cây kim nhỏ, mỏng. - Nếu bỏ công mài dũa thì một thanh sắt lớn cũng thành một cây kim.
- Nghĩa bóng:
- Thanh sắt là những khó khăn ta cần bỏ công để chinh phục.
- Cây kim là thành quả ta mong ước.
- Nếu ta kiên trì cố gắng thì sẽ có đạt được ước muốn.
b. Ý nghĩa
- Răn dạy con người ta phải biết kiên nhẫn, kiên trì trong cuộc sống.
- Nếu có lòng kiên nhẫn, kiên trì sẽ đạt được thành công.
c. Bàn luận
- Câu tục ngữ nói lên điều đúng đắn, cần thiết trong cuộc sống.
- Nếu không có đức tính đó thì sẽ thất bại
- Phê phán những kẻ không có lòng kiên nhẫn.
- Dẫn chứng người có lòng kiên nhẫn như Thomas Edison….
3. Kết bài
- Khẳng định tính đúng đắn của câu tục ngữ
- Bài học của bản thân
Chứng minh Có công mài sắt có ngày nên kim ngắn gọn
Ông bà ta thường nói “Có công mài sắt, có ngày nên kim”. Đó là một bài học ý nghĩa về đức tính kiên trì, nhẫn nại trong cuộc sống.
Một thanh sắt to và cứng như vậy, nhưng nếu chịu khó, kiên trì mài nó không ngừng nghỉ thì ắt sẽ có ngày thanh sắt bị mài thành cây kim. Qua câu chuyện ấy, câu tục ngữ muốn nhắn nhủ với ta rằng, dù mục tiêu có khó khăn, to lớn đến thế nào, thì chỉ cần kiên trì, nhẫn nại, quyết tâm vượt qua những khó khăn, thử thách, ắt sẽ chạm đến thành công.
Điều đó đã được chứng minh qua biết bao nhiêu sự kiện trong cuộc sống. Giống như một vận động viên, để trở thành người vô địch thì đã phải kiên trì rèn luyện trong một thời gian dài, bất kể sớm hôm, đau nhức, mệt mỏi. Hay như một bạn học sinh, để có thành tích tốt, thì cần phải học tập chăm chỉ, cố gắng mỗi ngày, bất kể mưa gió, nóng lạnh đều đến lớp và làm bài đầy đủ. Đó chính là giá trị của lòng kiên trí, quyết tâm.
Dù vậy, hiện nay, vẫn có một bộ phận không nhỏ giới trẻ lại khuyết thiếu đi phẩm chất này. Các bạn ấy lười biếng, sẵn sàng thỏa hiệp, dễ nản lòng thoái chí khi gặp khó khăn, trở ngại. Chính vì cách sống ấy, mà nhiều bạn đã phí hoài những cơ hội quan trọng của bản thân. Thật đáng tiếc làm sao.
Để khắc phục điều đó, chúng ta cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục và rèn luyện phẩm chất kiên trì, quyết tâm cho các bạn trẻ. Đó có thể là qua các tấm gương trong đời sống, hoặc qua các câu chuyện trong bộ phim, bài hát. Nhưng quan trọng nhất, vẫn là ở ý thức của bản thân các bạn ấy. Bởi đức tính kiên trì chỉ thực sự phát huy giá trị, khi chính chúng ta thực hiện nó.
Chứng minh Có công mài sắt có ngày nên kim mẫu 1
Để dạy con cháu về tầm quan trọng của đức tính kiên trì, ông cha ta vẫn thường nhắn nhủ rằng “Có công mài sắt có ngày nên kim”.
Câu tục ngữ đã sử dụng hình ảnh nói quá - một biện pháp nghệ thuật dân gian vô cùng quen thuộc để gói ghém một bài học vô cùng ý nghĩa. Một que sắt to và dài, cứng cáp, nếu kiên trì mài dũa mỗi ngày một chút, quyết không bỏ cuộc dù chặng đường vừa xa lại lắm vất vả, gian truân. Thì chắc chắn sẽ có một ngày mài nhẵn thành cây kim bé nhỏ. Điều đó thực hiện được là nhờ vào đức tính kiên trì và chịu khó.
Phẩm chất kiên trì ấy là một phẩm chất vô cùng đáng quý và quan trọng trong cuộc sống. Bởi vì bất kì việc gì, dù lớn hay nhỏ đều sẽ có những khó khăn, thử thách nhất định. Và việc chúng ta cần làm để chinh phục thành công là vượt qua nó. Tất nhiên, để đạt được ước mơ, chúng ta cần rất nhiều yếu tố. Nhưng nếu như bạn có trí tuệ, có sức khỏe, có thời gian, nhưng bạn lại thiếu tính kiên trì, thấy khó là bỏ thấy lâu là nản. Thì tất cả cũng chỉ là công cốc mà thôi. Giống như trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta. Đó là một cuộc kháng chiến trường kì với bao gian nan, vất vả và cả hi sinh, mất mát. Nhưng nhân dân ta đã cùng nhau kiên trì đến cùng, quyết không bỏ cuộc dù có thế nào đi chăng nữa. Nhờ vậy, mà ta đã giành được chiến thắng, đạt được độc lập tự do. Trái ngọt quý giá ấy chính là món quà cho tấm lòng kiên trì tuyệt đối.
Từ đó, qua câu tục ngữ, cha ông ta đã nhắn nhủ tới con cháu rằng hãy dựng xây cho mình một trái tim kiên định với lòng kiên trì và nhẫn nại. Tuyệt không được chùn bước trước các khó khăn thử thách. Vì ngọc phải mài thì mới sáng rọi được. Đồng thời, câu tục ngữ cũng là một lời phê phán ý nhị dành cho những người dễ chán nản, bỏ cuộc khi thấy khó khăn. Đây là một tính xấu, rất có hại cho bản thân người đó. Vì thói quen này sẽ khiến họ không thể nào vươn tới thành công. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần biết sử dụng tính kiên trì đúng lúc, đúng chỗ, đúng mục tiêu. Vì nhiều trường hợp, khi mục tiêu đặt ra chưa phù hợp với năng lực, hoàn cảnh thì việc cứ kiên trì với điều đó sẽ bị biến đổi trở thành cố chấp, cứng đầu. Và thành công đương nhiên cũng mãi là điều xa tầm với.
Như vậy, bài học về sự kiên trì, nhẫn nại là vô cùng ý nghĩa. Chính vì vậy, câu tục ngữ Có công mài sắt có ngày nên kim đã, đang và sẽ là kim chỉ nam trong cuộc sống của mọi người.
Chứng minh tính đúng đắn của câu tục ngữ Có công mài sắt có ngày nên kim mẫu 2
Cần cù và kiên trì là đức tính tốt đẹp luôn được ông cha ta coi trọng. Điều đó được thể hiện qua lời khuyên mà câu tục ngữ “Có công mài sắt, có ngày nên kim” muốn răn dạy con người.
Bài học mà câu tục ngữ muốn nhắc nhở mỗi chúng ta đó là về sự nỗ lực không ngại khó khăn, sự kiên trì trước những thử thách. Nếu làm được như vậy, con người chắc chắn sẽ bước đến thành công.
Trên thế giới, có ai không biết đến cái tên Thomas Edison - nhà phát minh vĩ đại của nhân loại. Câu nói nổi tiếng của ông: “Thiên tài là một phần trăm cảm hứng và 99 phần trăm đổ mồ hôi” cũng để khẳng định thêm bài học về sự cố gắng, kiên trì. Ông đã phải trải qua vô số lần thất bại mới có thể tìm ra nguyên liệu phù hợp cho sợi dây tóc bóng đèn của mình. Để rồi chiếc bóng đèn đầu tiên của nhân loại đã ra đời, mở ra một kỷ nguyên mới cho nhân loại. Ở Việt Nam, chắc chắn sẽ không một ai quên được những ngày mùa đông của năm 2018 vừa qua. Không chỉ là người hâm mộ thể thao mà còn là cả những con người vốn không yêu thích thể thao sẽ cảm thấy vô cùng tự hào khi những chàng trai của đội tuyển U23 Việt Nam đã giành được ngôi vị á quân tại giải U23 châu Á. Chúng ta không chỉ ngưỡng mộ về tài năng của những cầu thủ trẻ. Mà còn khâm phục bởi lòng kiên trì không chịu từ bỏ của họ. Nhiều trận đấu, đội tuyển U23 Việt Nam đã bị dẫn bàn trước, nhưng những chàng trai ấy vẫn không hoảng sợ mà vẫn giữ vững tinh thần để chiến đấu và chiến thắng. Còn rất nhiều những tấm gương khác ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Họ đều là minh chứng cho tính đúng đắn của lời khuyên mà câu tục ngữ “Có công mài sắt, có ngày nên kim” răn dạy con người.
Như vậy, bài học mà câu tục ngữ trên mang lại thật sâu sắc và ý nghĩa. Từ đó, bản thân một học sinh như tôi sẽ ghi nhớ để vượt qua mọi khó khăn trên con đường tìm đến thành công.
Chứng minh câu tục ngữ Có công mài sắt có ngày nên kim mẫu 3
Tục ngữ là kho tàng quý báu của dân tộc Việt Nam, nơi lưu giữa những kinh nghiệm sống , những bài học bổ ích của cha ông được truyền lại từ ngàn đời. Để khuyên con người phải kiên trì, sống phải có ý chí và nghị lực để vượt qua khó khăn , thử thách và vươn đến thành công , nhân dân ta có câu : "Có công mài sắt có ngày nên kim. "
Câu tục ngữ nêu lên hai vế. Vế đầu là điều kiện: Có công mài sắt. Vế sau là kết quả đạt được: Có ngày nên kim. Hai vế đều có bốn tiếng, trong đó hai tiếng một tương ứng với nhau: có công / có ngày, mài sắt / nên kim. Trong hoàn cảnh xã hội thời xưa, muốn biến sắt thành kim, không có phép màu nào cả ngoài công sức lao động cần cù của con người.
Ai cũng biết cây kim thật bé nhỏ nhưng cũng thật hoàn hảo. Thân kim tròn và nhỏ. Đầu kim nhọn, phần cuối có một lỗ bé xíu để luồn chỉ qua. Cây kim là một vật có ích được làm bằng sắt. Từ sắt nên kim là một quá trình tôi luyện, mài dũa công phu. Ai có công mài sắt sẽ có ngày nên kim. Đức kiên nhẫn, bền bỉ chính là yếu tố quan trọng dẫn đến thành công.
Thực tế cuộc sống cho ta thấy lời khẳng định trên là hoàn toàn có cơ sở. Trong lịch sử chống ngoại xâm, dân tộc ta thường phải thực hiện chiến lược trường kì kháng chiến. Từ cuộc kháng chiến chống quân Minh của vua tôi nhà Lê cách đây mấy thế kỉ cho đến cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ của nhân dân ta trong suốt mấy chục năm qua, tất cả đều thể hiện ý chí, nghị lực kiên cường, bất khuất của toàn dân tộc. Cuối cùng, chúng ta đã thắng lợi vẻ vang, giữ vững chủ quyền độc lập, tự do thiêng liêng của đất nước.
Trong đời sống lao động sản xuất, nhân dân ta cũng đã thể hiện đức tính kiên nhẫn, bền bỉ đáng khâm phục. Nhìn con đê sừng sững ven sông Hồng chúng ta mới hiểu được tổ tiên ta đã kiên trì, nhẫn nại tới mức nào để tạo ra bức tường thành ngăn dòng nước lũ, bảo vệ mùa màng.
Trong học tập, đức kiên trì lại càng cần thiết để giúp ta thành công. Từ một em bé sáu tuổi vào học lớp Một, bắt đầu cầm phấn tập viết chữ O đầu tiên cho đến khi biết đọc, biết viết, biết làm toán rồi lần lượt mỗi năm một lớp, phải mất 12 năm mới tiếp thu xong những kiến thức phổ thông. Trong quá trình lâu dài ấy, nếu không kiên trì luyện tập, cố gắng học hành, làm sao có thể đạt được kết quả tốt.
Người bình thường đã vậy, với những người tật nguyền như Nguyễn Ngọc Kí, ý chí phấn đấu càng phải cao hơn gấp bội để vượt mọi khó khăn. Vốn bị liệt hai tay từ nhỏ, anh đã luyện viết và làm mọi việc bằng chân. Đức kiên trì đã giúp anh chiến thắng số phận. Anh học xong phổ thông, đại học và trở thành thầy giáo, một nhà giáo ưu tú.
Từ những kinh nghiệm đúc kết trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác Hồ đã khuyên thanh niên:
Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền.
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên.
Việc tu dưỡng, rèn luyện của mỗi con người phải được tiến hành thường xuyên, liên tục. Kinh nghiệm của thế hệ trước sẽ là bài học quý báu, là lời cổ vũ động viên thanh thiếu niên không ngừng phấn đấu trong cuộc sống.
Câu tục ngữ ngắn gọn, súc tích nhưng bao hàm ý tứ sâu xa. Ông cha ta đã đúc kết kinh nghiệm từ cuộc sống chiến đấu và lao động, nhằm khuyên nhủ mọi người phải kiên trì, nhẫn nại để có thể vượt qua những khó khăn, thử thách, đi tới thành công.
Trong hoàn cảnh hiện nay, ngoài đức tính kiên trì nhẫn nại, theo em còn cần phải vận dụng óc thông minh, sáng tạo để đạt được hiệu quả cao nhất trong học tập, lao động; góp phần vào sự nghiệp xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.
>> Tham khảo thêm: Chứng minh câu tục ngữ Có công mài sắt có ngày nên kim
Chứng minh tính đúng đắn của câu tục ngữ Có công mài sắt có ngày nên kim mẫu 4
Thành công không phải là một chặng đường trải đầy hoa hồng, muốn đạt được đến thành công chúng ta đã phải trải qua biết bao nhiêu lần thất bại, gục ngã, điều quan trọng là ta học được gì sau những lần thất bại đó và ta phải biết kiên trì không dễ dàng bỏ cuộc thì thành công sẽ ở ngay trước mắt, vì thế ông cha ta đã có lời dạy rất hay đó là: “Có công mài sắt, có ngày nên kim”.
Thật vậy, để tạo ra được những cây kim nhỏ xíu để thêu thùa may vá, các bác thợ rèn đã phải rất cẩn thận tỉ mỉ mài từ những miếng sắt to, để tạo nên được một cây kim hoàn hảo thì ngoài sự tỉ mỉ ra, các bác thợ rèn còn cần phải có sự khéo léo và lòng kiên trì nữa. Vì thế câu tục ngữ “có công mài sắt, có ngày nên kim” là một lời khuyên, lời dạy về sự kiên trì của con người, chỉ cần kiên trì thì dù có khó khăn đến đâu cũng có thể vượt qua được.
Đã có rất nhiều tấm gương về sự kiên trì trên tất cả mọi lĩnh vực. Thời xưa thì có Mạc Đĩnh Chi, ông là một học trò nghèo, hàng ngày phải đến trường học để học lỏm, tối về vì không có tiền để mua dầu đốt đèn, vào những ngày có trăng thì ông ra bờ sông mượn ánh sáng để đọc sách, vào những ngày không có trăng ông phải đi bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng để chiếu sáng, ấy vậy mà ông lại thi đỗ trạng nguyên, bằng tài năng của mình ông khiến cho một nước cường mạnh như Trung Quốc phải khuất phục, và được phong làm lưỡng quốc trạng nguyên.
Ngày nay, tấm gương sáng trong học tập không thể không nhắc đến đó là thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, tuy bị tật ở tay, và không có một trường học nào nhận nhưng vì sự kiên trì và quyết tâm của mình, ngày ngày tập viết bằng chân, chăm chỉ đến lớp bất kể mưa nắng thầy đã trở thành một nhà giáo xuất sắc, một tấm gương tiêu biểu cho nhiều thế hệ học sinh.
Một minh chứng nữa cho câu tục ngữ “có công mài sắt, có ngày nên kim” là Thomas Edison, ông là một điển hình cho sự cố gắng không ngừng nghỉ, khi còn bé ông được thầy giáo đánh giá là một đứa bé thiểu năng, nhưng mẹ ông vẫn kiên trì dạy dỗ và đã tạo nên một nhà phát minh vĩ đại của cả nhân loại. Khi phát minh ra bóng đèn dây tóc ông đã từng thất bại đến 999 lần, nếu ông bỏ cuộc thì có lẽ rất lâu sau thế giới mới có bóng đèn điện để sử dụng.
Ông cha ta cũng thường có câu nói rất hay đó là “cần cù bù thông minh”, có nghĩa là khi chúng ta có tính kiên nhẫn thì sẽ hơn rất nhiều người mặc dù có tư chất tốt nhưng lại lười biếng dễ dàng bỏ cuộc. Cũng giống như câu chuyện ngụ ngôn rùa và thỏ mặc dù thỏ chạy nhanh hơn rùa rất nhiều nhưng bởi vì tính tự mãn mà lại thất bại đau đớn.
Tóm lại, câu nói “có công mà sắt, có ngày nên kim” là một lời khuyên, lời dạy đúng đắn mà chúng ta ai cũng nên học tập theo. Chúng ta phải có sự kiên trì, nhẫn nại, cố gắng học tập thì mới có thể dẫn đến thành công.
----------------------------------------------------------------
Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn tài liệu Chứng minh tính đúng đắn của câu tục ngữ: Có công mài sắt, có ngày nên kim. Hy vọng đây là tài liệu hữu ích giúp các em học sinh có thêm nhiều ý tưởng xây dựng cho mình bài viết hoàn chỉnh, đạt điểm cao trong các bài thi, bài kiểm tra định kì môn Ngữ văn 7.
Ngoài tài liệu trên, mời các bạn học sinh tham khảo các đề thi học kì 2 lớp 7 các môn Toán, Văn, Anh, Lý, Địa, Sinh mà chúng tôi đã sưu tầm và chọn lọc. Với đề thi học kì 2 lớp 7 này giúp các bạn rèn luyện thêm kỹ năng giải đề và làm bài tốt hơn. Chúc các bạn ôn thi tốt.
Để tiện trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về giảng dạy và học tập các môn học lớp 7, VnDoc mời các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh và các bạn học sinh truy cập nhóm riêng dành cho lớp 7 sau: Nhóm Tài liệu học tập lớp 7. Rất mong nhận được sự ủng hộ của các thầy cô và các bạn.