Viết bài văn bày tỏ cảm xúc của em về một người mà em yêu quý lớp 7
Viết bài văn bày tỏ cảm xúc của em về một người mà em yêu quý lớp 7 với các đoạn văn mẫu hay và đa dạng sẽ giúp các em có thêm tài liệu tham khảo, để học tập tốt môn Ngữ văn 7.
Cảm nghĩ về người thân lớp 7
Cách viết bài văn cảm nghĩ về người thân
Bước 1: Tìm hiểu đề
- HS xác định được yêu cầu chính của đề là “cảm nghĩ”: nghĩa là tập trung biểu đạt những tình cảm, cảm xúc - biểu cảm về đối tượng muốn nêu cảm nghĩ. Trong đó, có kết hợp miêu tả, trần thuật, tuy nhiên yếu tố biểu cảm là quan trọng nhất. Tránh sa vào miêu tả hay kể quá nhiều.
- HS xác định được đối tượng biểu cảm là “người thân”: đó có thể là bố mẹ, thầy cô, bạn bè, ông bà… → HS lựa chọn người thân mà mình yêu quý, có nhiều tình cảm, kỉ niệm để biểu cảm, từ đó sẽ dễ biểu đạt cảm xúc trong quá trình viết.
Bước 2: Quan sát và tìm ý
- Sau khi xác định được đối tượng biểu cảm, HS cần tìm kiếm những thông tin, hình ảnh, sự kiện, kỉ niệm… về đối tượng biểu cảm để sử dụng cho bài văn.
- Những thông tin, hình ảnh, sự kiện, kỉ niệm… đó có thể ở quá khứ hoặc hiện tại, nhưng nhất định phải do chính HS đã từng tiếp xúc và cảm nhận để tạo tính chân thực, truyền cảm cho bài văn.
- Những thông tin, hình ảnh, sự kiện, kỉ niệm… xoay quanh người thân cần dùng để biểu cảm có thể gồm các tiêu chí sau:
- Những đặc điểm về ngoại hình, tính cách, mối quan hệ với mọi người…
- Những tình cảm, hành động thể hiện tình cảm của người thân đối với em
- Những kỉ niệm gắn bó, cảm động giữa người thân với em
- Tình cảm, suy nghĩ của em dành cho người thân
Bước 3: Sắp xếp và lập dàn ý
- Sau khi sàng lọc được hệ thống các chi tiết, hình ảnh, sự kiện… ở bước 2, HS sẽ xếp nó vào một dàn ý chính thức.
- Việc tạo dựng dàn ý tùy theo cách kể của mỗi HS để sắp xếp sao cho hợp lý nhất. Có thể đi theo các trình tự như sau:
- Cách 1: Kể về ngoại hình, tính cách... rồi đến những kỉ niệm, tình cảm của HS dành cho người thân mà mình biểu cảm.
- Cách 2: Vừa kể về những kỉ niệm, tình cảm của HS dành cho người thân vừa đan xen các chi tiết kể về ngoại hình, tính cách...
→ HS nên xây dựng một dàn ý chi tiết và logic theo mạch cảm xúc, tư duy của bản thân để có một bài viết tốt và riêng biệt.
Bước 4: Viết bài
- Dựa trên dàn ý đã lập ở bước 3, HS viết thành một bài văn hoàn chỉnh.
- Chú ý:
- Mỗi luận điểm viết thành một đoạn văn riêng để bài văn trở nên rõ ràng và mạch lạc hơn.
- Kết hợp khéo léo các chi tiết miêu tả và biểu cảm, bộc lộ cảm xúc trong quá trình kể.
- Sử dụng đan cài các biện pháp tu từ để tăng tính nghệ thuật cho bài văn như so sánh, ẩn dụ, nhân hóa, điệp từ…
- Sử dụng linh hoạt các từ đồng nghĩa để thay thế nhau trong bài văn, để tránh hiện tượng một từ có tần suất xuất hiện quá nhiều lần trong bài văn.
- Kiểm soát chặt chẽ mạch viết, tránh luận điểm này viết quá chi tiết, trong khi luận điểm khác triển khai sơ sài.
- Khuyến khích kết hợp thêm những câu hát, câu thơ, câu ca dao tục ngữ… về người thân vào bài văn.
Bước 5: Kiểm tra lại bài văn
- Đây là bước cuối cùng để đảm bảo rằng bài viết sẽ hạn chế được tối đa những lỗi có thể phạm phải. Cụ thể:
- Kiểm tra lại các lỗi chính tả, tẩy xóa, gạch bỏ trong bài viết - để đảm bảo không bị thiếu, sai hay thừa một chữ nào.
- Dò lại bài viết song hành với dàn ý, để chắc chắn không bỏ sót một nội dung nào đã được vạch ra từ trước.
→ Bước này sẽ giúp bài viết được chỉn chu và hoàn thiện tối đa trước khi nộp bài.
Dàn ý Cảm nghĩ về người thân
a. Mở bài: Giới thiệu về người thân của em.
Mẫu 1: Ông cha ta vẫn thường nói:
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Quả thật vậy, công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ là bao la, vĩ đại nhất. Bởi vậy, em luôn dành những tình cảm yêu thương, chân thành nhất cho bố mẹ của mình.
Mẫu 2: Tuổi thơ của em là những ngày tháng hồn nhiên và vô tư. Lúc ấy, em lúc nào cũng vui vẻ, thoải mái rong chơi khắp các con ngõ, trên bờ đê. Để em có một tuổi thơ êm đềm như thế, người mà em biết ơn nhất chính là bà ngoại của em.
b. Thân bài
- Miêu tả chung về người thân của em:
- Tuổi tác, nghề nghiệp
- Đặc điểm ngoại hình tiêu biểu (cao, gầy, mập, ốm…)
- Thói quen, công việc thường làm hằng ngày
- Những kỉ niệm giữa em và người thân:
- Em đã cùng người thân làm những gì? (đi chợ, làm việc nhà, nấu cơm, đi ra đồng…)
- Em đã tâm sự những gì với người thân của mình? (những chuyện xảy ra ở trường, ước mơ về tương lai, điều mình thích thú…)
- Em đã nhận được những gì từ người thân của mình? (tình yêu thương, sự quan tâm chăm sóc, sự chỉ dạy, những món quà nhỏ…)
- Em đã làm được gì cho người thân của mình? (yêu thương, ngoan ngoãn, chăm chỉ, làm việc nhà…)
c. Kết bài: Tình cảm của em dành cho người thân.
Mẫu 1: Em yêu quý bà ngoại lắm. Em mong bà luôn mạnh khỏe và sống thật lâu cùng với em. Để em được chăm sóc, quan tâm bà như bà vẫn luôn yêu thương em bao lâu nay.
Mẫu 2: Mỗi ngày, em lại càng thêm yêu thương và biết ơn bố mẹ. Em cố gắng học tập, rèn luyện thật tốt để trở thành một đứa con ngoan mà bố mẹ có thể tự hào.
Các bài văn mẫu Cảm nghĩ về người thân
Cảm nghĩ về mẹ
Ai trong mỗi người đều có một thần tượng của riêng mình. Trong tôi cũng có một thần tượng, nhưng thần tượng của tôi không phải là diễn viên, ngôi sao hay ca sĩ nổi tiếng mà đó chính là mẹ tôi, người đã khắc lên trong tôi hình ảnh khó phai nhòa và đó là người sống mãi trong lòng tôi, người đã sinh ra tôi và nuôi dạy tôi nên người.
Ở mẹ chắc ai cũng có ấn tượng sâu sắc đối với mình, ở tôi cũng vậy, không chỉ ấn tượng sâu sắc mà tôi còn rất ngưỡng mộ mẹ mình, người đã hy sinh cuộc đời để nuôi tôi lớn. Hồi nhỏ nhà tôi rất nghèo, cha lại mất sớm, gia đình chỉ có tôi mẹ và ngoại tôi, ngoại tôi thì đã già không còn sức để đi làm lại còn mỗi khi trời trở gió thì ngoại lai bệnh do vết thương từ thời chiến tranh, còn tôi thì còn rất nhỏ chẳng thể làm được gì để giúp mẹ, một mình mẹ phải đi làm thuê để kiếm tiền nuôi gia đình, nhiều lần mẹ phải dở khóc dở cười vì phải vừa lo tiền học vừa lo tiền thuốc men cho ngoại tôi, tôi rất buồn rất muốn nghỉ học nhưng mẹ tôi không muốn tôi lâm vào con đường giống mẹ phải đi làm thuê, làm mướn để lo cho gia đình, vì vậy tôi đã rất cố gắng học nhưng khi tôi chậm chững bước vào tuổi mười lăm thì tôi không thể cưỡng lại sự cám dỗ của xã hội và tôi đã bước vào con đường hư đốn, nhiều lần mẹ phải khóc vì tôi nhưng tôi không nghe va tôi đã nghỉ học và sau một thời gian ăn chơi thì tôi cũng đã chán và tôi cũng đã tự suy nghĩ về mình những việc mình đã làm cho gia đình, lúc này đây tôi hối hận lắm! tôi rất muốn tự hành hạ mình về những việc mình đã làm cho mẹ đau lòng, nhưng tôi không làm thế vì tôi biết nếu làm như vậy mẹ sẽ không vui mà còn đau lòng hơn nữa vì những suy nghĩ dại dột của đứa con hư đốn như mình và tôi đã thay đổi mình bằng cách vừa học vừa làm, ban ngày đi làm còn tối đi học. Và Hôm nay, cô giáo đã cho tôi một cơ hội nữa để biểu lộ tình cảm của tôi đối với mẹ, gia đình mà lâu nay tôi chưa thể nói ra. Hằng đêm tôi thấy mẹ khóc mà lòng tôi như thắt lại. Có lần tôi nhớ ngoại kể cho tôi nghe về cuộc đời của mẹ, có một người đàn ông cũng yêu thương mẹ tôi như cha tôi vậy.
Sau khi cha tôi mất có đôi lần người đàn ông ấy thường lui tới thăm. Mà nhà ông ấy cũng khá giả và đã nhiều lần ngỏ ý nhưng mẹ tôi không chịu vì sợ sau này ông ấy sẽ không yêu thương tôi như là con ruột của mình. Cứ như thế mọi chuyện cứ lặp đi lặp lại cuối cùng người đàn ông đó đã bỏ cuộc và không còn lui tới nữa, ngoại nói tới đây tôi rất có lỗi vì mình đã không đáp lại sự hi sinh to lớn một cách không xứng đáng, làm mẹ buồn, mẹ đau và mẹ khóc….
Nói tới đây tôi càng thương mẹ nhiều hơn, con rất muốn nói với mẹ rằng “con đã sai rồi mẹ ơi!” nhưng con không đủ can đảm để đứng trước mặt mẹ để nói những lời đó. Mong mẹ tha lỗi cho con! Con yêu mẹ nhiều lắm.
>> Tham khảo thêm các bài văn mẫu Cảm nghĩ về mẹ tại đây.
Cảm nghĩ về bố
Trong đời sống tinh thần đa dạng và phong phú của con người thì tình cha con là tình cảm máu thịt thiêng liêng, sâu đậm nhất. Công lao to lớn của người cha được nhắc đến rất nhiều trong ca dao, dân ca: Công cha như núi Thái Sơn,.., Con có cha như nhà có nóc, Phụ tử tình thâm…
Người cha đóng vai trò trụ cột trong gia đình, là chỗ dựa đáng tin cậy cho vợ con. Mọi việc lớn như làm nhà, tậu ruộng, tậu trâu, dựng vợ gả chồng cho con cái… thường là do người cha quyết định. Trách nhiệm của người cha rất nặng nề. Con cái ngoan hay hư, chủ yếu là tùy thuộc vào sự bảo ban dạy dỗ của người cha. Bên cạnh người mẹ dịu dàng là người cha nghiêm khắc. Dẫu cách thức biểu hiện tình thương yêu có khác nhau nhưng bậc cha mẹ nào cũng mong muốn nuôi dạy con cái trưởng thành về mọi mặt, đúng như dân gian đã nói: Con hơn cha là nhà có phúc. Trong lúc mẹ hằng ngày chẳng quản vất vả nhọc nhằn, lo lắng cho các con từ bát cơm, tấm áo thì người cha, ngoài những thứ đó ra còn phải nghĩ đến việc dạy dỗ, truyền kinh nghiệm sống mà mình đã đánh đổi bằng mồ hôi nước mắt, để các con học được những bài học thiết thực khi bước vào đời. Thật hạnh phúc cho những đứa con được sống trong vòng tay yêu thương của cha mẹ!
Có biết bao người cha chấp nhận thiệt thòi về mình, dành tất cả thuận lợi cho con cái. Em đọc trên báo và xem truyền hình thấy những người cha lam lũ, quần quật làm những việc như: Quét rác, đội than, đội trấu, đạp xích lô… không từ nan bất cứ chuyện gì, miễn là lương thiện đế kiếm tiền nuôi đàn con ăn học đến nơi đến chốn. Gần nhà em có một bác người Quảng Ngãi, tuổi hơn năm chục, làm nghề mài dao kéo. Ngày ngày, bác rong ruổi khắp nơi trên chiếc xe đạp cà tàng với vài hòn đá mài và thùng nước nhỏ. Bác vào thành phố đã hơn ba năm, kể từ khi anh con trai lớn thi đậu đại học Bách khoa. Mỗi lúc kể về những đứa con ngoan, bác cười rất mãn nguyện, đôi mắt ánh lên vẻ tự hào: – Nhà bác nghèo lắm! Được mấy đứa con, đứa nào cũng ham học và học giỏi. Năm nay, cô con gái thứ hai cũng đậu Đại học Sư phạm. Bác ráng làm kiếm ngày vài chục ngàn, cha con đùm túm nuôi nhau. Mình chẳng có chi cho các con thì cho chúng cái chữ, cái nghề!
Em thấy ở bác có những nét rất giống cha em, một người thợ cơ khí bình thường, quanh năm làm việc với máy móc, dầu mỡ. Đôi bàn tay cha chai sần, thô ráp, mạnh mẽ nhưng ấm áp lạ thường. Có thể nói rằng trong gia đình em, cha làm nhiều nhất và hưởng thụ ít nhất; Cha giống mẹ ở chỗ nhường nhịn hết cho đàn con những miếng ngon miếng lành, còn mình chỉ cơm dưa cơm mắm qua ngày.
Đức tính nổi bật của cha em là cần cù chịu khó, hết lòng vì vợ con. Tuy công việc thường xuyên bận bịu, cha vẫn cố dành thời gian quan tâm săn sóc đến việc học hành của các con. Cha em ít lời, chỉ nói những câu nào đáng nói như nhắc nhở, uốn nắn khuyết điểm hay động viên, khen ngợi khi các con làm được điều tốt, điều hay. Cha dạy chúng em lòng tự trọng và tính tự lập. Có lần cha bảo: – Đã là người thì phải có ý chí, không được ngại khó ngại khổ. Càng khó càng phải làm bằng được.
Em quý nhất cha em ở thái độ tôn trọng mọi người, tôn trọng vợ con. Có việc gì không vừa ý, cha bình tĩnh phân tích chứ không la lối, chửi bới. Bởi thế nên dù tính cha nghiêm khắc mà vẫn dễ gần, từ vợ con đến hàng xóm láng giềng đều nể phục. Cứ nghe những lời cha nói, nhìn những việc cha làm, em học được rất nhiều điều hay, điều tốt. Cha thường bảo con cái lấy bố mẹ làm gương nên cha rất giữ gìn ý tứ. Chúng em yêu kính cha, cố gắng chăm học, chăm làm để cha mẹ vui lòng. Đó cũng là cách đáp đền chữ hiếu cụ thể và thiết thực nhất. Cảm ơn nhạc sĩ Phạm Trọng cầu đã nói giúp tuổi thơ chúng em những suy nghĩ tốt đẹp về cha mẹ: Cha sẽ là cánh chim, đưa con đi thật xa. Mẹ sẽ là cành hoa, cho con cài lên ngực. Cha mẹ là lá chắn, che chở suốt đời con… Ngày mai con khôn lớn, bay đi khắp mọi miền. Con đừng quên con nhé, ba mẹ là quê hương!
>> Tham khảo thêm các bài văn mẫu Cảm nghĩ về bố tại đây.
Cảm nghĩ về bạn bè
Con người, đặt bản thân là trung tâm, luôn có rất nhiều mối quan hệ xoay quanh. Có những người, những mỗi quan hệ chỉ thoáng qua nhưng cũng có những người hay những mối quan hệ bằng một cách nào đó luôn gắn bó với ta, đi theo ta trong suốt cuộc đời. Tình bạn là một mối quan hệ như vậy.
Trong cuộc đời mình, ai cũng có ít nhất là một vài người bạn. Tình bạn không đến từ một người, nó là sự sẻ chia, thông cảm, là sự thấu hiểu về nhau giữa hai người. Một tình bạn đẹp phải xuất phát từ sự chân thành, trong sáng, vô tư và tin tưởng. Những điều này tưởng như đơn giản nhưng đó lại là điều kiện tiên quyết để khởi đầu một tình bạn đẹp. Con người luôn sợ cô đơn, luôn muốn có người đáng tin tưởng để có thể sẻ chia, tâm sự nhưng cũng luôn dè chừng, cảnh giác với những người muốn chạm vào cảm xúc của họ. Cũng phải thôi, thật tồi tệ nếu một người bạn coi là bạn, lắng nghe những điều họ sẻ chia biết đâu sau đó lại đem những câu chuyện của bạn ra làm trò đùa. Tình bạn cũng không thể bền vững nếu không trong sáng, có mục đích hay để lợi dụng lẫn nhau. Chúng ta không thể gọi một người là bạn mà luôn phải đề phòng họ.
Để hai người khác nhau trở thành bạn của nhau cần rất lớn sự thấu hiểu. Bởi mỗi người sẽ có một tính cách khác nhau. Dẫu có thể có nét tương đồng nhưng điểm khác nhau sẽ vẫn rất lớn. Sự thấu hiểu đối với nhau không dễ dàng có được, nó cần phải có thời gian để vun đắp, có khó khăn hoạn nạn để thử thách và trưởng thành. Phải có sự sẻ chia, thông cảm và giúp đỡ lẫn nhau giữa hai người bạn mới có thể khiến họ hiểu nhau hơn. Mặt khác, con người không hoàn hảo, luôn có những thói quen xấu bên cạnh những cái tốt. Muốn tình bạn được bền lâu, ta không được bao che dung túng trước những thói quen xấu này.
Rất khó để có được một tình bạn nhưng một tình bạn đẹp sẽ khiến cuộc sống của ta thi vị hơn rất nhiều. Thật bình yên khi gặp khó khăn mà luôn có người sẵn sàng đưa tay giúp đỡ hay khi có tâm sự có người yên lặng ngồi bên lắng nghe. Cũng thật hạnh phúc khi có tin tưởng chia sẻ với ta những điều giản dị. Và thật ấm áp khi có người luôn nhớ những thói quen nhỏ nhặt của ta để khi ta đi đâu, làm gì họ sẽ lại quan tâm, nhắc nhở. Nếu tìm được một người bạn như thế bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc và đầy đủ vì bạn sẽ không phải lo âu hay đối mặt với những nỗi cô đơn hay sợ hãi trước cuộc sống tẻ nhạt.
Tình bạn là một món quà thiêng liêng và cao quý mà chúng ta cần trân trọng. Phải có tình bạn thì cuộc sống của chúng ta mới thật sự có ý nghĩa. Coi trọng tình bạn, nó sẽ đơm hoa kết trái và nảy nở mãi mãi không tàn lụi, là một liều thuốc tinh thần giúp ta luôn vững vàng trong cuộc sống hay khi đối mặt với khó khăn thử thách.
Cảm nghĩ về người thầy
Ngày xửa ngày xưa, trái đất tưới thắm hót ca chào mừng một cô giáo tương lai ra đời…Thiên sứ đã giao nhiệm vụ cho cô giáo ấy phải đưa những cô, cậu bé lần lượt lên đò sang bờ bên kia củ kiến thức và đỉnh cao của thành đạt…. Đều đặn hằng năm cô giáo ấy lại đón rồi đưa, lại chắp thêm đôi cánh cho mấy đứa nhóc tẹo vừa ngoan vừa dễ thương và hãy còn ngây ngô khờ khạo bay vào trời xanh… (trích lưu bút)
Thế đấy các bạn ạ…Thầy cô của chúng ta hàng năm đều thầm lặng đưa đò, đưa chúng ta đến đỉnh cao của thành đạt…nhưng có bao giờ khi thành đạt xong chúng ta đã quay lại thăm hỏi thầy cô chưa? Phần lưu bút ở trên là của cô giáo lớp 5 viết cho mình…bạn sẽ không biết được niềm vui của những người thầy, người cô khi thấy học trò mình thành đạt…và bạn sẽ càng không thể biết được cảm giác hạnh phúc của thầy cô khi thấy những chuyến đò đã qua sông rồi nhưng vẫn luôn nhớ đến chuyến đò năm cũ…
Nhiều khi những cử chỉ nhỏ bé của bạn thôi nhưng cũng đủ kết thành vòng hoa tô thắm cho cái nghề cái nghiệp của thầy cô…
20/11 lại sắp đến rồi…năm nay tôi không thể về thăm trường được nhưng vẫn muốn gửi một chút tấm lòng theo gió, theo mây vượt ngàn dặm để gửi đến thầy cô những lời biết ơn chân tình nhất …..
Vượt gió, vượt mây
Vượt ngàn đại dương
Con đến bên Người……những chuyến đò thầm lặng….
“Nhất tự vi sư.. bán tự vi sư..”
Quay tới quay lui, lại một mùa 20/11 nữa về.
Từ giảng đường thênh thang bâng khuâng nhìn lại mái trường xưa… Cuộc đời em là mười hai mùa 20/11, 12 mùa mưa nắng, 12 mùa buồn vui.. còn thầy chỉ là cả đời đưa đò.. thầm lặng..
Em biết khóc, biết cười trước những cảnh đời.. biết đứng lên khi té ngã.. biết nhặt lấy cây gai trên đường để bảo vệ bàn chân những người đi sau.
Em biết thế nào là hy sinh, thế nào là cuộc sống.. biết yêu gia đình và yêu quê hương..
Thầy dạy em biết quý thời gian, trọng chữ tín, biết giữ lòng trong sạch.. để ngẩng cao đầu với bạn bè..
Cuộc đời thầy đưa biết bao nguời qua dòng sông tri thức..
Dòng sông vẫn cứ êm trôi.. tóc thầy bạc đi, mắt thầy nheo lại nhưng vẫn luôn vững tay chèo và hết lòng vì thế hệ trẻ.. bao nhiêu người khách đã sang sông? bao nhiêu khát vọng đã vào bờ? bao nhiêu ước mơ thành sự thực..? Có mấy ai sang bờ biết ngoái đầu nhìn lại thầy ơi..
Xin dành riêng nơi đây để chúng em nhìn lại dòng sông xưa, nhìn lại thầy, nhìn lại chính bản thân mình. Và gởi tới thầy cô lời biết ơn trân trọng nhất.
>> Tham khảo thêm các bài văn mẫu Cảm nghĩ về thầy, cô tại đây.
Cảm nghĩ về thầy cô
Có lẽ trong cuộc đời mỗi con người đều có những thầy cô giáo mà đi suốt cả cuộc đời có lẽ ta không bao giờ tìm thấy những người như họ. Họ là những người tận tâm tận tụy với nghề lúc nào cũng chỉ nghĩ đến những học sinh yêu quý của mình. Tôi cũng có một giáo viên chủ nhiệm như thế và có lẽ trong suốt cuộc đời tôi sẽ không thể nào quên được cô.
Đó là cô An, một cô giáo còn rất trẻ, cô dậy môn văn. Ngày đầu tiên khi cô vào dậy lớp tôi cô mặc một chiếc áo dài màu trắng, trông cô thật trẻ trung và năng động. Cô dành một tiết đầu tiên để làm quen với lớp và tự giới thiệu về bản thân mình. Ngay từ những tiết học đầu tiên, cô đã cho tôi một quan niệm hoàn toàn khác về môn văn. Môn văn đối với tôi từ trước cho đến nay là một môn cực kì khó nhưng mỗi lời cô giảng giải khiến tôi như được bước vào một thế giới khác, một thế giới mà tôi có thể thỏa sức tưởng tượng và cho tôi biết thêm về tình yêu thương về tình cảm về mọi mặt trong xã hội. Cô không hắt hủi hay chê bai những đứa học kém như tôi mà thậm chí cô còn luôn quan tâm chỉ bảo một cách tận tình.
Trước đây sinh hoạt có lẽ là giờ mà bọn tôi sợ nhất nhưng kể từ khi có cô thì nó không còn đáng sợ như vậy nữa, nó là giờ mà chúng tôi lại tiếp tục được giao lưu bên cạnh đó thì cô cũng khuyên những bạn còn học kém phải phấn đấu hơn. Nhiều lúc tôi đã từng nghĩ nếu như suốt đời học sinh của tôi được học văn cô được cô làm chủ nhiệm thì hay đến mấy và có lẽ đó cũng là hy vọng của tất cả đám học trò chúng tôi. Có lẽ điều làm tôi không thể nào quên được ở cô còn là một kỉ niệm khiến tôi nhớ mãi. Đó là một lần thi cuối kì môn văn tôi được một con hai tròn trĩnh và cô yêu cầu tất cả lớp phải mang về cho bố mẹ kí vào. Điều này đối với tôi như một tiếng sét ngang tai bởi vì tôi đã hứa với ba mẹ là lần này điểm thi sẽ trên trung bình. Không thể để cho bố mẹ biết điều này được và trong đầu của một đứa trẻ non nót như tôi nảy lên một suy nghĩ sai trái.
Tôi quyết định đi lục lọi lại những quyển sổ mà bố tôi đã kí và học theo nét đó rồi kí lại. Tuy không được giống cho lắm nhưng tôi vẫn mạnh tay kí bừa ra sao thì ra. Hôm sau tôi vẫn nộp như bình thường và không thấy cô nói gì nên trong lòng tôi cảm thấy lâng lâng vui sướng. Tan trường tôi đang rảo bước thì bỗng nghe tiếng ai đó hỏi đằng sau “Khánh ơi đợi cô với”. Quay lại đằng sau thì ra đó là cô An. Thì ra cô đã biết đó không phải là chữ kí của ba tôi. Tôi không nói gì mà chỉ biết khóc òa lên vì sợ hãi. Cô ôm tôi vào lòng không một lời trách phạt. Cô nói sẽ không để chuyện này cho bố mẹ tôi biết với một điều kiện là trong kì thi cuối kì tôi phải đạt được điểm khá. Điều này đối với tôi thật khó nhưng vì sợ ba nên tôi đành gật gù đồng ý.
Chẳng mấy chốc kì thi cuối kì đã gần tới tôi đang không biết xoay xở thế nào thì chiều hôm đó cô đến với một số tài liệu trên tay và cô nói sẽ kèm tôi học. Kì thi cuối kì đã tới và một tuần sau cô An thông báo điểm, tôi đã thực sự rất bất ngờ và không tin nổi vào mắt mình là một điểm chín đỏ chói. Tôi cảm ơn cô rất nhiều và từ đó trở đi tôi môn văn trở thành một môn mà tôi rất thích. Cô chính là người mẹ thứ hai của tôi và nếu không nói quá thì cô chính là người mang đến cho tôi một cuộc sống mới hoàn toàn khác. Cô không phải là người sang trọng hay quý phái gì mà cô rất gần gũi, giản dị như chính những đứa học sinh mà cô đang dậy vậy và chính điều đó đã khiến cho những đứa học sinh nghèo như chúng tôi cảm thấy yêu thương cô đến kì lạ. Cô cũng có một cuộc sống không mấy khấm khá gì khi còn phải nuôi một người em đang học đại học nhưng mỗi khi chúng tôi nghỉ phép cô luôn đến thăm động viên an ủi và luôn đem theo khi là hộp bánh khi là hộp sữa. Cô giáo tôi là như thế đấy chân thành và mộc mạc đến lạ thường.
Những bài học lời dăn dạy của cô tôi sẽ không bao giờ quên được. Hình ảnh cô và những lời nói ân cần cô chỉ bảo chúng tôi sẽ luôn khắc ghi trong tâm trí tôi.
Tham khảo thêm các bài văn mẫu Cảm nghĩ về thầy, cô tại đây.
Cảm nghĩ về ông
Thế mà đã hai năm kể từ ngày ông ra đi, nhanh thật. Thời gian không thể xóa đi kỉ niệm về ông, về tình yêu ông dành cho cháu, những ngày tháng tươi đẹp khi mà cháu chưa mất ông nhưng nó cũng đã xóa đi phần nào nỗi đau, nỗi nhớ và lòng xót xa của cháu. Ông đã ra đi thật nhẹ nhàng và thanh thản, tưởng như chỉ là một giấc mơ, nhưng nào có phải và nỗi đau lại quặn thắt trong lòng.
Nhưng thôi, khi nhắc về ông, không nên nói đến những nỗi buồn, bởi nhắc đến ông là nhắc đến một tấm gương sáng ngời về nghị lực, ý chí vượt lên trên khó khăn và thêm vào đó là một tài năng và những phẩm chất tuyệt vời.
Cuộc đời ông luôn gặp nhiều khó khăn, bất trắc, nhiều trở ngại to lớn nhưng không gì có thể ngăn cản ông vượt lên. Lên bốn tuổi, cái tuổi mà con người ta mới bập bẹ nói, lững chững tập đi, ông đã không còn bố nữa. Vài năm sau, mẹ ông cũng ra đi và nằm lại nơi nào ông cũng không biết. Người ta nói:
“Mồ côi cha ăn cơm với cá
Mồ côi má lót lá mà nằm”
Thế mà chỉ mười năm đầu đời, ông đã không còn cả cha lẫn mẹ. Đau khổ là thế, nhưng đến năm 20 tuổi ông vẫn là một trong những học sinh xuất sắc của thành phố Huế. Hoạt động cách mạng, bị giặc bắt, tra tấn dã man, hành hạ đánh đập tàn bạo để đến mấy chục năm sau ông vẫn chịu di chứng: đó là căn bệnh suyễn. Và chắc chắn rằng nếu ông có những trận đòn ác liệt ấy thì đến hôm nay, lúc cháu đang viết những dòng này, có thể ông vẫn ngồi bên và mỉm cười với cháu, một nụ cười chất phác, hiền hậu mà cháu đã mất… Giữ vững những phẩm chất của một Đảng viên Cách mạng, ông được ra tù, thế nhưng không được đền đáp mà ông còn bị nghi ngờ, bị coi là lí lịch không rõ ràng. Bất công đến như thế nhưng ông vẫn sống, sống cho đời, làm việc cho đất nước và đã khẳng định được mình, ông làm nghề nhà giáo, trở thành Hiệu trường của trường Đại học sư phạm Huế và những học trò của ông hiện nay không thiếu những người thành đạt, trở thành hiệu trưởng của trường này, thứ trường kia. Ông không chỉ là tình yêu, là người ông mà còn là niềm tự hào lớn lao của cháu, còn nhứ khi cháu mới bốn, năm tuổi gặp bạn bè cháu khoe rằng: “Tao không biết ba tao làm nghề gì, nhưng ông tao là một nhà khoa học”. Đối với cháu lúc áy, ông là to lớn nhất, giỏi giang nhất, vì đại nhất, ông là “một nhà khoa học” cơ đấy. Rồi thì lớn lên, hiểu rõ về ông hơn, cháu lại càng tự hào hơn khi cháu học lớp bảy, lớp của cháu có sử dụng cuốn sách mà ông viết. Cháu vẫn không sao quên được niềm sung sướng khi chỉ tay vào cuốn sách và hỏi: “Chúng mày có biết cuốn sách này của ai viết không? Ông tao đấy, ông tao chính là người viết cuốn sách này”. Và nhìn những đứa bạn trố mắt, trầm trồ đọc ba chữ “Lê Đình Phi” cháu cảm thấy lòng mình lâng lâng. Ôi thật tự hào và hạnh phúc biết bao! Nay, ông không còn nữa, những niềm tự hào ấy vẫn sẽ theo cháu suốt cuộc đời.
Nhưng có tự hào bao nhiêu cháu vẫn ước gì mình được như xưa, được có ông bên cạnh, chỉ bảo ân cần. Nhớ sao những ngày xưa ấy, ông dắt tay cháu đi bộ trên đài Nam giao, chỉ cho cháu xem những ông Phật đứng, Phật nằm, kể cho cháu nghe những câu chuyện thật hấp dẫn. Hay chỉ cách đây vài năm, ông vẫn ngồi trên ghế nhựa, phe phẩy chiếc quạt, hỏi han, trò chuyện cùng cháu, cười với cháu và đố cháu những bài toán nho nhỏ. Ở nơi ông cháu luôn tìm thấy chốn yên bình nhất, thanh thản nhất. Ba mẹ có đôi khi giận dữ la mắng, đánh đập khi cháu hư. Những lúc ấy, cháu lại chạy đến với ông, lại ngồi cạnh ông, cười với ông, gần ông cháu lại thấy quên đi tất cả nỗi buồn.
Nhưng nay! Cháu đã mất ông rồi! Hụt hẫng làm sao, đau đớn làm sao! Cháu không còn chỗ dựa tinh thần vững chắc nhất. Lấy ai an ủi cháu và để cháu tâm sự? Buồn quá! Biết làm sao đây.
Ông ơi! Ở trên ấy ông có nghe những lời cháu không ông? Chắc chắn ông sẽ nghe được rằng cháu thật lòng yêu ông! Yêu ông nhiều lắm!
Cảm nghĩ về bà
"Ngó lên nuột lạc mái nhà
Bao nhiêu nuột lạc nhớ ông bà bấy nhiêu!"
Một mái nhà hạnh phúc luôn là mong muốn của nhiều người, và thật sung sướng biết bao khi tôi đang lớn lên trong tình yêu thương của người thân. Tôi yêu ba, yêu mẹ, yêu anh, yêu em, nhưng yêu nhất là người bà đã khuất của tôi- người luôn yêu thương và quan tâm tôi từ ngày còn bé.
Bà hiện lên trong kí ức tôi với gương mặt hiền từ và đôi mắt sâu lõm bên dưới vầng trán cao đã có nếp nhăn hằng lên trên đấy, lộ rõ sự khắc khổ qua năm tháng. Mái tóc bạc trắng được bà búi lên trông thật gọn gàng. Bà tôi rất hay cười. Nụ cười của bà làm sáng lên vẻ phúc hậu và nét đẹp lão cho khuôn mặt dù tuổi đã ngoài tám mươi. Làn da nhăn nheo với những đốm đồi mồi vì tuổi tác. Tay chân bà không còn khỏe như trước nữa. Ôi! Sao mà thấy thương bà thế!
Tôi vẫn nhớ như in cái ngày còn nhỏ, cùng bà đi trên con đường làng vắng vẻ. Ánh nắng ban mai ôm ấp lấy hai bà cháu, bóng tre xanh bên đường như đang mở lối, còn những chú chim thì ngân nga đâu đó khúc hát chào ông mặt trời. Tôi vui vẻ trong vòng tay yêu thương của bà, cùng bà cất những bước chân đến ngôi trường mẫu giáo ở cuối xóm. Thích lắm những khi được bà trao cho cái kẹo, cái bánh. Bà là vậy đấy! Luôn dành những thứ ngọt ngào nhất cho tôi! Và hạnh phúc nhất là vào những đêm trăng sáng! Bà hay dẫn tôi ra trước thềm nhà, đặt tôi tựa đầu trong vòng tay bà rồi kể tôi nghe những câu chuyện cổ tích dưới ánh trăng sáng mờ và bóng hàng dừa trước nhà. Lời bà ấm áp, nhẹ nhàng đưa tôi vào giấc ngủ ngon nhất giữa cảnh trăng và tiếng gió thổi vi vu trên những tàu dừa cao chót vót giữa sự tĩnh lặng của mọi vật. Bàn tay bà nhẹ nhàng vuốt lên tóc tôi thật trìu mến. Tôi thấy sao mà ấm áp quá! Bà yêu tôi, luôn quan tâm tôi từ ngày còn bé như thế đấy! Bà chẳng khi nào giận dữ với tôi cả. Khi tôi vui hay làm điều gì tốt thì bà luôn cười và động viên tôi tiếp tục cố gắng. Còn khi tôi làm sai việc gì thì bà nhẹ nhàng nhắc nhở, rồi cũng cười với tôi- nụ cười của bà đầy khích lệ và niềm tin vào tôi.
Tôi nghĩ đến bà trong cuộc sống. Cứ mỗi lần vấp ngã hay thất vọng, tôi lại nhìn về nụ cười của bà trong ảnh là lại có thêm nghị lực để vươn lên và vượt qua tất cả. Ánh mắt bà nhìn tôi như ẩn chứa điều gì đấy. làm cho tôi lại chợt nhớ đến những lời động viên, khích lệ của bà ngày trước để tiếp tục cố gắng và hình ảnh của bà luôn bên tôi như ngày còn bé. Tôi đã gặp bà trong mơ, bà nhìn tôi và vẫn nở nụ cười như ngày trước.
Mai này lớn lên, tôi vẫn sẽ không quên những kỉ niệm bên bà. Dù thời gian có trôi xa đến đâu, dù mọi vật có đổi thay như thế nào thì tôi vẫn yêu bà, tình cảm đó là vĩnh cửu và sẽ không mờ nhạt. Hình ảnh của bà và nụ cười mà bà dành cho tôi sẽ mãi trở thành động lực để tôi vươn lên trong những khó khăn vô vàng của cuộc sống, vẫn là hình ảnh mà tôi yêu nhất. Mong sao ở thế giới bên kia bà sẽ luôn vui vẻ dù không có tôi ở cạnh.
Bà bây giờ đã ở thế giới rất xa, đã không còn bên tôi như ngày trước nữa. Với tôi, bà như bà tiên trong truyện cổ tích. Bà đã đem đến cho tôi những điều kì diệu và những phút giây tuyệt vời trong suốt một thời tuổi thơ. Trong cuộc sống, có lẽ khi người mà ta yêu quí nhất ra đi thì người ta rất dễ gục ngã! Nhưng tôi thì không! Tôi tin rằng bà ở trên thiên đàng đang nhìn theo tôi, dõi theo bước tôi trên cuộc đời. Tôi sẽ luôn học thật giỏi để bà được vui lòng nơi phương.
>> Tham khảo thêm các bài văn mẫu Cảm nghĩ về bà tại đây.
-----------------------------------------------------------------------------------------
Ngoài ra, chúng tôi còn hướng dẫn viết các Bài văn mẫu lớp 7 CTST khác, cùng các bài Soạn văn chi tiết và Ngắn gọn môn Ngữ văn lớp 7 Chân trời sáng tạo Tập 2 . Mời các bạn tham khảo.