Em thích đọc sách gì, giải thích tại sao em lại thích đọc loại sách đó (6 mẫu)

Để bổ sung kiến thức về Ngữ văn và nâng cao kỹ năng viết văn cho các bạn học sinh VnDoc chia sẻ cho các bạn bài Em thích đọc sách gì, giải thích tại sao em lại thích đọc loại sách đó. Mời các bạn cùng tham khảo.

Dàn ý Em thích đọc sách gì, giải thích tại sao em thích đọc loại sách đó

1. Đặt vấn đề

  • Đề cập đến sách, giá trị và tầm quan trọng của sách.
  • Giới thiệu các loại sách mà em thích đọc. Loại sách thích nhất là loại gì?
  • Nêu ra những ý cơ bản và ngắn gọn nhất vì sao em thích
  • Ví dụ: sách văn học, truyện ngắn giúp em nâng cao cả năng lập luận, sử dụng từ ngữ v..v..

2. Giải quyết vấn đề

- Chia ra các luận điểm rõ ràng, giải thích vì sao em thích loại sách đó.

- Em có thể thích 2-3 loại sách khác nhau.

- Mỗi luận điểm của phần này, em tập trung nêu lên lý do vì sao em thích loại sách đó.

- Phần giải quyết vấn đề như vậy có 2-3 đoạn văn

- Ví dụ: em thích truyện cổ tích, sách khoa học vui, truyện tranh

  • Truyện cổ tích: những câu chuyện nhẹ nhàng, luôn có có những kết thúc có hậu, hình tượng nhân vật trong truyện luôn giúp em nhận ra được bài học cho bản thân mình...
  • Sách khoa học : giúp em có thêm kiến thức về nhiều lĩnh vực, nhiều hiện tượng thiên nhiên kỳ thú...
  • Truyện tranh: giúp em giải trí, thư giãn sau những giờ học căng thẳng...

3. Kết thúc vấn đề

  • Nhấn mạnh và khẳng định 1 lần nữa giá trị của sách đối với con người, và đặc biệt là các loại sách đối với em.
  • Tình cảm mà em dành cho những cuốn sách ra sao? Em sẽ làm gì để có thêm nhiều cuốn sách hay nữa cho bộ sưu tập sách truyện của mình?
  • Em sẽ cố gắng học tập, chăm chỉ, đạt nhiều điểm cao để bố mẹ sẽ thưởng cho em những cuốn sách, cuốn truyện hay.
  • Rút ra kinh nghiệm từ việc đọc sách, khuyên các bạn cùng lứa rèn luyện thói quen đọc sách.

Em thích đọc sách gì, giải thích tại sao em lại thích đọc loại sách đó - Mẫu 1

Từ nhỏ, em đã có niềm yêu thích đặc biệt với những câu chuyện cổ tích. Vì vậy khi lớn lên, em thường tìm đọc các cuốn sách truyện cổ tích của cả Việt Nam và các quốc gia khác trên thế giới.

Những câu chuyện cổ tích không có nhiều chi tiết hay cách kể mới lạ, nhưng nó vẫn có một sức hấp dẫn đặc biệt đối với em. Bởi em luôn rất thích thú với các chi tiết kì ảo, huyền bí trong thế giới cổ tích. Những ông Bụt, bà Tiên, những thần Sông, thần Núi với biết bao phép thuật kì lạ dù xuất hiện ở bao nhiêu câu chuyện trước đó, vẫn làm em trầm trồ khi đọc được.

Hơn cả những chi tiết đó, điều khiến em thực sự yêu mến ở các câu chuyện cổ tích, chính là những bài học ý nghĩa về đạo làm người, về cách ứng xử trong cuộc sống. Truyện cổ tích dạy cho chúng ta bài học về lòng trung thực, sự dũng cảm, tình yêu thương, chia sẻ và cả sự vị tha. Từ những chàng Thạch Sanh, cô Tấm, anh Sọ Dừa, cậu Khoai… đều gián tiếp gửi đến chúng ta bài học đó. Những bài học ấy là vô cùng quý giá đối với mỗi người, được truyền tải vừa sống động, lại tự nhiên chứ chẳng hề khuôn phép, sáo rỗng.

Một lý do quan trọng không hề kém dẫn đến việc em yêu mến thể loại cổ tích. Chính là bà ngoại của em. Bà là cả một kho tàng truyện cổ tích còn sống. Từ nhỏ, những câu chuyện cổ tích đã cùng em ngủ trưa, cùng em ngắm trăng, cùng em chờ bà nhai trầu. Vì vậy, bằng một cách tự nhiên như hơi thở, truyện cổ tích đã trở thành người bạn thân thiết của em.

Chính vì những lẽ đó, mà em rất yêu mến các cuốn sách truyện cổ tích. Em mong rằng, dù là trong cuộc sống hiện đại như hiện nay, thì truyện cổ tích sẽ không bị mai một và tiếp tục phát triển hơn nữa.

Em thích đọc sách gì, giải thích tại sao em lại thích đọc loại sách đó - Mẫu 2

Hiện nay, với sự phát triển của xã hội thì các thể loại sách ngày càng trở nên phong phú và đa dạng. Dù vậy, em vẫn đặc biệt yêu thích thể loại sách lịch sử.

Sách lịch sử là tên gọi chung của các tựa sách viết về những sự kiện, câu chuyện xảy ra trong quá khứ. Những câu chuyện ấy luôn có sức hút đặc biệt với em. Nhất là những câu chuyện dã sử, bên lề cuộc chiến tranh chính thống. Hoặc những mẩu chuyện thú vị về cách di chuyển, ăn mặc, sản xuất ở trong quá khứ. Đọc các quyển sách ấy, em cảm thấy vui vẻ và thư giãn hơn cả được xem phim hay nghe nhạc.

Nhờ thường đọc các tựa sách ấy, em trở thành một học sinh giỏi lịch sử. Đồng thời em cũng trở thành một người kể chuyện hay và hấp dẫn. Trong các giờ ra chơi, các bạn luôn say sưa và mong muốn được nghe em kể các câu chuyện lịch sử. Nhờ thế, mà em trở nên thân thiết với các bạn trong lớp hơn.

Hơn cả như vậy, những quyển sách ấy còn nuôi dưỡng trong em ước mơ được trở thành một nhà sử học trong tương lai. Ước mơ ấy càng thôi thúc em học tập chăm chỉ hơn nữa. Đó chính là ý nghĩa to lớn của việc đọc sách.

Em thích đọc sách gì, giải thích tại sao em lại thích đọc loại sách đó - Mẫu 3

Từ nhỏ, em đã đặc biệt thích đọc sách, đặc biệt là các tựa sách về thế giới động vật.

Những quyển sách ấy được gọi chung là sách Khoa học. Mà nội dung em thích nhất là viết về các loài động vật trong thế giới tự nhiên. Đó có thể là các loài vật trên cạn, dưới nước, trên không, dưới đầm lầy, trong tự nhiên, nuôi ở nhà, hay là cả các loài động vật đã bị tuyệt chủng. Đề tài này có một sức hút đặc biệt đối với em. Chỉ cần một quyển sách như thế, là em có thể ngồi say sưa cả một buổi chiều hay thậm chí là một ngày nghỉ dài. Em đọc một cách say sưa, thích thú đến không biết mệt nhọc là gì. Có những cuốn sách em đã đọc đến lần thứ hai, thứ ba mà vẫn thấy thú vị như đang đọc lần đầu tiên.

Nhờ đọc những cuốn sách như thế, mà vốn kiến thức về thế giới động vật của em vô cùng phong phú và đa dạng. Em có thể trả lời vanh vách những câu hỏi, đố vui về thế giới động vật xung quanh ta. Nhờ vậy, mà bạn bè lúc nào cũng ngưỡng mộ và thích ngồi nghe em kể chuyện.

Những cuốn sách về thế giới động vật không chỉ giúp em giải trí, có thêm nhiều kiến thức bổ ích. Mà nó còn thúc đẩy và nuôi dưỡng cho em một ước mơ to lớn, đó là trở thành một nhà nghiên cứu khoa học trong tương lai.

Em thích đọc sách gì, giải thích tại sao em lại thích đọc loại sách đó - Mẫu 4

Các bạn đã bao giờ dành cả ngày chỉ để ngồi nghiền ngẫm những cuốn sách? Hãy bỏ chiếc điện thoại xuống, hay thử chìm đắm vào thế giới của sách, bởi nơi đó có nhiều điều thú vị hơn bạn tưởng đấy. Đối với tôi, tình yêu dành cho sách chưa bao giờ vơi cạn, đặc biệt là các sách văn học, truyện ngắn của tác giả Nam Cao.

Chúng ta đã từng được chứng kiến sự thay da đổi thịt của thế giới suốt hàng ngàn hàng vạn năm nay. Nhưng suốt chặng đường phát triển ấy, sách vẫn là nguồn tư liệu vô giá, làm nền tảng cho mọi sự tiến bộ. Có những cuốn sách về lịch sử đưa ta trở về ngàn năm đất nước, những sách trinh thám cuốn ta vào lí trí và logic, trong khi đó sách về khoa học lại giúp ta chạm đến những địa cầu xa xôi. Nhưng đối với riêng tôi, sách về văn học vẫn chiếm một vị trí đặc biệt.

Sách văn học bao gồm các thể loại như tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, kịch. Văn chương là do người nghệ sĩ sáng tác bằng những xúc cảm chân thực của mình, nên nó không có sự khô cứng như các ngành khoa học. Các kiến thức trong văn chương bề bộn và phong phú, nó mang trong mình cả lịch sử, địa lí, tâm lí học... Một tác phẩm truyện ngắn thôi, nhưng ta có thể tìm trong đó cả vũ trụ. Một bài thơ "Lượm" của Tố Hữu, ta thấy hình ảnh một chú bé liên lạc nhanh nhẹn, hoạt bát mà trách nhiệm, nhưng ta còn thấy ở đó bộ mặt của cả dân tộc cùng đứng lên chống giặc cứu nước. Quan trọng hơn, văn chương thấm vào chúng ta qua trái tim chứ không phải khối óc, những điều ta học được trong văn còn sâu xa và ý nghĩa hơn rất nhiều lần.

Trong các cuốn sách văn học, tôi luôn dành thời gian để nghiền ngẫm tác phẩm của nhà văn Nam Cao. Có thể bạn chưa biết, nhưng ông là cây bút viết truyện nhắn xuất sắc nhất thời bấy giờ. Truyện của ông không màu mè về ngôn từ, nhưng lại có lớp nội dung sâu sắc. Đó thường là cuộc sống của người nông dân trong xã hội thực dân, phải chịu cảnh đói nghèo lạc hậu. Tôi nhớ nhất là hình ảnh của anh Chí Phèo, bị cả làng ghét bỏ, đến Thị Nở cũng không chấp nhận. Đọc các tác phẩm ấy, tôi thấy thương xót cho người nông dân nhiều hơn, thấy trân trọng cuộc sống mình đang có. Có sách của Nam Cao, tôi có trong tay cuộc sống mưu sinh của cả làng Vũ Đại thời bấy giờ, tôi cũng có những giọt nước mắt, những tiếng thở dài cho kiếp người đau thương. Tôi vẫn thấy lóng lánh ánh sáng của niềm tin và hi vọng. Đó là những điều mà tôi học được trong sách, cũng là lí do vi sao tôi yêu thích sách của Nam Cao.

Ngày nay, khi công nghệ phát triển, sách không còn được coi trọng như ngày trước, đặc biệt là những cuốn sách về văn học. Người ta thường tìm đến truyện tranh, tiểu thuyết ngôn tình để giải toả đầu óc, mà không biết rằng những cuốn sách ấy không hề đem lại giá trị gì. Cũng có những cuốn sách mang nội dung đồi trụy, làm thui chột cả một nền văn học dân tộc, đưa con người ta trở về mụ mị tăm tối. Hãy tránh xa những cuốn sách ấy, tìm đến với những tác phẩm ngàn đời để cảm nhận. Tôi mong rằng, các bạn cũng sẽ trân trọng và yêu quý sách, các bạn sẽ tìm thấy ở đó niềm vui cho cuộc sống mình.

Tôi tin rằng, dù thời gian có tuần hoàn đổi thay, vẫn sẽ có những cuốn sách mãi ở lại với cuộc đời. Những giá trị trong đó là bất diệt, vĩnh cửu, là ngọn hải đăng soi sáng trí tuệ con người.

Em thích đọc sách gì, giải thích tại sao em lại thích đọc loại sách đó - Mẫu 5

Sống nội tâm và hay khép mình, tôi thường thích đọc tản văn. Những câu chữ như dòng chảy cảm xúc rất thành thật mà giản dị, tưởng như tôi có thể bắt mình vào mạch chảy ấy mà ngẫm nghĩ và quay trở về lòng mình để hiểu hồn mình. Chúng cho tôi cảm giác bình yên thay vì dữ dội, kịch tính.

Tản văn là một trong các thể loại văn học. Theo sự phát triển của văn học, ý nghĩa và phạm vi của tản văn ngày càng biến đổi không ngừng. Tản văn hiện đại ngoài các tác phẩm thể loại văn học như thơ, ca, kịch, tiểu thuyết... còn bao gồm các thể loại khác như tạp văn, tiểu phẩm, tùy bút, truyền kí, du (lịch) kí, những chuyện kể tai nghe mắt thấy, hồi ký, báo cáo văn học. Gọi là "tản văn" vì thể loại này có hình thức đa dạng, đề tài rộng rãi, phong phú, không bị sự hạn chế của thời gian và không gian. Cách viết không câu nệ, có thể trần thuật lại diễn biến sự việc, cũng có thể miêu tả hình tượng nhân vật, có thể mượn vật gửi gắm tình cảm, phát biểu quan điểm; hơn nữa tác giả còn có thể dựa vào nội dung cần viết mà tự do điều chỉnh, biến hóa tùy ý. Mang ý nghĩa sâu sắc thâm thúy, giàu tính trữ tình, cảm xúc chân thành... Ngôn từ đẹp đẽ, lời lẽ cô đọng, súc tích... Thể hiện cảm nhận của tác giả về cuộc sống xung quanh.

Không giống như những truyện trinh thám, tiểu thuyết trường, tản văn cho tôi cảm giác nhẹ nhàng mà thanh thản trong tâm hồn. Cảm giác tôi như chìm đắm vào thế giới cảm xúc của tác giả, mà lắng hồn mình lại để nghe nhìn và thấu cảm về cuộc đời. Tản văn như những dòng suối mát trôi chảy qua tâm hồn tôi, giúp tôi như điềm nhiên và an tĩnh, bơ đi mà sống giữa cuộc đời phức tạp, bề bộn này. Sống nội tâm, vậy nên tôi thích những câu chuyện tản mạn. Nó rất sâu sắc mà không quá nhức đầu, nó xôn xao mà không ồn ào xáo rỗng, nó tự nhiên như nhịp chảy của người viết. Có đôi lúc đọc xong, tôi bỗng dưng rỏ một giọt nước mắt xuống trang giấy trầm mình suy tư. Tôi thấy mình trong từng câu chữ và cũng ấm lòng như được chia sẻ. Cảm giác như tôi được ôm ấp, vỗ về, được ngủ yên mà không phải gặp những cơn ác mộng.

Em thích đọc sách gì, giải thích tại sao em lại thích đọc loại sách đó

Tản văn được ví như đồ ăn nhanh, nó không quá dài dòng rườm rà và mất nhiều thời gian để đọc. Đó cũng là một lí do mà tôi thích nó. Tản văn cũng có loại hay dở. Tản văn hay phải có giọng văn độc đáo, khiến độc giả nhớ mãi, dù nội dung thông tin có thể quên. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cũng cho rằng: khác với tiểu thuyết rất chặt chẽ về cấu trúc, tản văn có kết cấu tự do, được xây dựng bất chấp mọi quy tắc, logic, chỉ phụ thuộc vào liên tưởng, đề tài cụ thể, cách dẫn dắt đề tài đậm nét chủ quan... Chính vì vậy, nó thách thức người viết, dễ viết nhưng viết hay thì không dễ. Nhà văn Đỗ Phấn từng nhận xét: tản văn không tốn nhiều chữ, nhưng mỗi chữ phải được dùng thật đắt để hữu ý, hữu tình, nó phải truyền tải đến người đọc một thông điệp, một ý tứ nào đấy, tuyệt đối không thể dùng bừa. Vì vậy chỉ những cây bút tài năng mới có sức sống trong lòng bạn đọc.

Đặc biệt tôi rất thích cuốn “Nếu biết trăm năm là hữu hạn” của Phạm Lữ Ân. Nó như bông hồng nhỏ, mà nhà văn đã đúc kết tù bao nhiêu phấn hương của đời, của lòng mình mà thổi vào trang viết. Nó đem đến niềm vui và cái đẹp cho tâm hồn, những đoạn văn chân thực, tinh tế và xúc động như chạm tới thẳm sâu lòng người. Nó cho tôi một bài học thấm thía về sự trông nhìn và thưởng thức, từ những triết lí tâm sự tình yêu, nỗi cô đơn hay hạnh phúc...tất cả đều rất sống động và nồng nàn. Tản văn không hề dễ viết, nếu không chắc tay sa vào ồn ào, sáo rỗng, dài dòng lôi thôi vì cảm xúc rườm rà.

Mỗi người có một cách cảm nhận riêng về sách. Tuy nhiên bạn cũng nên tâm đắc với một loại sách loại nhất định để hiểu sâu sắc và trải nghiệm bản thân về nó, cho tâm hồn thêm sâu và thêm tinh nhé.

Em thích đọc sách gì, giải thích tại sao em lại thích đọc loại sách đó - Mẫu 6

Từ nhỏ tôi đã rất thích đọc sách bởi tôi nhận ra sách là một người bạn vô cùng hữu ích mà chỉ cần có người bạn ấy bên cạnh, không lúc nào tôi cảm thấy sự cô đơn. Loại sách mà tôi hay đọc và đã gắn bó với tôi từ những ngày đầu tiên tôi đến với sách đó là sách văn học.

Ngày còn bé, tôi được mẹ cho đi siêu thị sách ở gần nhà và được mẹ mua cho cuốn sách đầu tiên là: “Dế Mèn phưu lưu kí” của Tô Hoài- một cuốn sách thuộc thể loại văn học. Tôi bị ấn tượng ngay bởi sự sinh động của những nhân vật đặc biệt trong truyện, rồi đến những cuộc phưu lưu mạo hiểm mà kịch tính, những bài học vô cùng giản dị, dễ hiểu mà ý nghĩa. Tôi yêu ngay cái cảm giác được đắm mình trong thế giới của nhân vật, được cùng vui, cùng khóc, cùng sống với nhân vật. Từng sự việc trong truyện, tình huống kịch tính đều trở nên vô cùng hấp dẫn đối với tôi. Từ đó tôi mê sách văn học!

Sau đó tôi bắt đầu đọc tiểu thuyết văn học bởi trong đó chứa đựng tất cả những bộn bề của cuộc sống mọi thời đại. Lúc còn nhỏ, tôi hay tìm văn học Việt Nam để đọc cho gần gũi, nhờ đó mà tôi hiểu được rất nhiều điều về bối cảnh lịch sử, con người, đất nước mình vào nhiều thời gian lịch sử khác nhau. Lớn hơn một chút, tôi tìm đến những tiểu thuyết kinh điển của nước ngoài. Tôi có thể hình dung ra những con người ở những xứ sở khác nhau trong cùng một biến chuyển lịch sử họ có sự khác nhau như thế nào thông qua những cuốn tiểu thuyết ấy. Và điều đặc biệt mà tôi thích nhất ở những cuốn tiểu thuyết ấy ở nó chứa đựng gần như một thế giới nhỏ mà lại vô cùng nhiều những thông điệp về cuộc sống nhân văn. Những nhân vật hiện lên đều mang trong mình những thông điệp nhất định tác động vào người đọc khiến cho họ có những suy nghĩ tích cực và tốt hơn về cuộc sống.

Ngoài tiểu thuyết, đôi khi tôi cũng có đọc một số tản văn hay sách kĩ năng nhưng chúng không cho tôi nhiều cảm xúc như tiểu thuyết. Tản văn cho tôi những cảm xúc man mác, dễ chịu về những suy nghĩ của một tâm hồn nhạy cảm, như làn gió thoảng qua thanh lọc tâm hồn mình, sách kĩ năng cổ vũ tinh thần tôi, giúp tôi suy nghĩ logic và tích cực hơn về bản thân và về cuộc sống nhưng tiểu thuyết không chỉ cho tôi những cảm xúc, sự thú vị mà còn cho tôi những suy nghĩ về nhiều mặt trong đời sống xã hội; về xấu- tốt, tình cảm giữa con người với con người, những triết lí nhân sinh mà nhà văn đặt ra cho đứa con tinh thần của mình. Một tác phẩm tiểu thuyết thực sự có sức sống không phải một thời gian mà là qua thời gian trở thành viên ngọc càng mài càng sáng bởi nó chứa đựng nhiều những chiều sâu triết lí mà vẫn còn nguyên giá trị qua bao nhiêu thời đại, những vấn đề mang ý nghĩa nhân loại mà con người ta không bao giờ phủ nhận. Hơn nữa, tôi tin rằng giá trị của mỗi cuốn tiểu thuyết đều chưa được khai phá hết và cần đến bạn đọc cùng thời gian tiếp tục đi tìm những bí ấn đằng sau câu chữ và hình thức nghệ thuật mà nhà văn xếp đặt. Đọc tiểu thuyết không chỉ là cách mà ta có thể tìm hiểu về cuộc sống rộng lớn mà còn là cách mà ta tìm hiểu về chính con người. Chính sự hiểu đó sẽ là hành trang cho con đường rèn luyện bản thân của ta sau này. Tuy vậy, cũng cần hiểu rằng đọc tiểu thuyết không phải để giải trí nên cần chọn để đọc đồng thời học khó suy nghĩ và giải nghĩa những hàm ý trong tác phẩm.

Sách là một phần của cuộc sống tôi, nếu không có sách, tôi tin cuộc đời mình sẽ trở nên vô vị, tẻ nhạt thậm chí tầm hiểu biết sẽ trở nên nông cạn. Và tôi tin rằng tiểu thuyết sẽ là loại sách mà tôi tin tưởng theo đọc cho dù là trong thời điểm nào của cuộc đời.

-------------------------------------------------------------------

Ngoài ra, mời các bạn tham khảo thêm các tài liệu Soạn Văn 9 hay và Tóm tắt Ngữ văn 9 Ngắn gọn , cùng hệ thống các bài Viết bài văn lớp 9 , Nghị luận xã hội lớp 9 Các bài văn mẫu phân tích tác phẩm văn học lớp 9 . Chúc các em học tập tốt.

Đánh giá bài viết
126 82.077
Sắp xếp theo

    Văn mẫu lớp 9

    Xem thêm