Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Giải thích Thương người như thể thương thân (14 mẫu)

Tài liệu văn mẫu lớp 7: Giải thích câu tục ngữ Thương người như thể thương thân bao gồm 3 mẫu dàn ý và 14 bài văn mẫu lớp 7 hay được VnDoc chọn lọc và gửi tới các bạn học sinh tham khảo. Đây là tài liệu hay giúp các em nắm bắt được những ý chính cần có, đồng thời có thêm nhiều ý tưởng để xây dựng bài viết hoàn chỉnh.

Thương người như thể thương thân

Lập dàn ý giải thích Thương người như thể thương thân

Dàn ý Giải thích Thương người như thể thương thân mẫu 1

1. Mở bài:

- Dẫn dắt vấn đề: Tình yêu thương con người la một tình cảm cao đẹp, thiêng liêng và là yếu tố quan trọng giúp xây dựng một xã hội đoàn kết, văn minh.

- Nêu vấn đề và khái quát ý nghĩa câu tục ngữ Câu tục ngữ “Thương người như thể thương thân” đã khuyên nhủ chúng ta về lối sống yêu thương lẫn nhau giữa người với người.

2. Thân bài:

- Luận điểm 1: Giải thích

  • Thương người như thể thương thân: Yêu thương những người xung quanh như thương chính bản thân mình.
  • Câu tục ngữ khuyên chúng ta cần phải có lòng thương người, yêu thương đồng loại như yêu thương chính bản thân mình và người thân của mình.

- Luận điểm 2: Tại sao lại nói như vậy

  • Trong cuộc sống, mỗi người không sống cô lập một mình mà sống trong một tập thể, một cộng đồng, vì vậy, sự yêu thương, đùm bọc lẫn nhau là một điều vô cùng cần thiết cho sự phát triển chung của xã hội.
  • Những người trong gia đình là những người có chung dòng máu, chung gốc gác, tổ tiên, cha mẹ, vì vậy yêu thương nhau là một lẽ đương nhiên bởi “máu chảy ruột mềm”.
  • Đến những người bạn bè, hàng xóm “tối lửa tắt đèn có nhau” là những người tuy không cùng máu mủ, huyết thống, nhưng lại là những người vui cùng ta lúc ta vui, đồng cảm, giúp đỡ ta khi ta gặp khó khăn, đôi khi tình cảm giữa những người tưởng chừng như xa lạ đó lại cũng vô cùng sâu nặng, thân thiết.
  • Xa hơn, đến những con người không biết mặt, biết tên, khác miền khác dân tộc, nhưng tất cả lại cùng chung dòng máu Lạc Việt, cùng là con cháu Rồng Tiên, cũng được gọi với 2 tiếng thân thương: “đồng bào”. (Lấy ví dụ cả nước chung tay hướng về giúp đỡ đồng bào miền Trung khỏi thiên tai bão lũ)
  • Lòng thương người không chỉ là yêu thương người thân ruột thịt, bạn bè làng xóm, đồng bào quê hương, mà rộng ra là yêu thương toàn nhân loại trên thế giới.
  • Lòng thương người, tương thân tương ai chính là gốc rễ của tình thân ái, của lòng nhân nghĩa – truyền thống quý báu của dân tộc ta.

- Luận điểm 3: Bài học rút ra

  • Tình thân ái, lòng yêu thương con người chính là sợi dây bền chặt kết nối những con người xa lạ lại với nhau, kể cả những người con xa quê, lưu lạc nơi đất khách quê người, cũng luôn hướng về đồng bào tổ quốc. Điều này tạo ra sự gắn kết chặt chẽ, tạo ra sức mạnh dân tộc to lớn, giúp ta đánh thắng mọi kẻ thù tàn bạo để có được hòa bình độc lập ngày hôm nay.
  • Lòng nhân ái, thương người được thể hiện không chỉ bằng lời nói mà còn phải bằng hành động cụ thể, bằng những nghĩa cử cao đẹp:
    • Sẵn sàng giúp đỡ, đồng cảm với những người gặp khó khăn, thiếu thốn.
    • Dù ở nơi nào vẫn luôn hướng về tổ quốc, chung tay bảo vệ đồng bào, kêu gọi ủng hộ, giúp đỡ những người gặp khó khăn…

- Luận điểm 4: Mở rộng vấn đề

  • Vẫn còn những trường hợp vô tâm, ích kỉ, “khác máu tanh lòng”, bán nước hại dân,…
  • Những người lợi dụng lòng thương của mọi người để trục lợi…

3. Kết bài:

  • Khẳng định lại giá trị câu tục ngữ Tình yêu thương con người chính là bài học quý giá mà ông cha ta răn dạy con cháu đời sau.
  • Liên hệ bản thân: Chúng ta cần xây dựng và phát huy tình cảm tốt đẹp này bởi nó chính là kim chỉ nam quan trọng giúp hình thành những tình cảm, lối sống cao đẹp khác.

Dàn ý Giải thích câu tục ngữ Thương người như thể thương thân mẫu 2

1. Mở bài

  • Nhân ái là truyền thống của con người Việt Nam.
  • Tục ngữ có câu: "Thương người như thể thương thân".

2. Thân bài

a. Ý nghĩa câu tục ngữ:

  • "Thương người" có nghĩa là gì?
  • Thế nào là thương người khác như thương thân mình?
  • Tóm lại, câu tục ngữ đề cao vấn đề gí?

b. Biểu hiện của tình thương người như thương thân:

  • Cảm thông với khổ đau, bất hạnh.
  • Đề cao giá trị, phẩm chất của con người.
  • Mong những điều tốt đẹp mà mình muốn cũng đến với người khác.
  • Giúp đỡ, đùm bọc để con người vượt qua gian khổ.

c. Vì sao phải yêu thương người khác như bản thân mình:

  • Đây là tình cảm tạo nên giá trị cao cả của con người..
  • "Thương người" tạo nên sự gắn bó giữa người và người.
  • Là gốc rễ để tạo nên những điều tốt đẹp trong cuộc sống, như sự cao thượng, sự sẻ chia...

d. Bài học rút ra:

  • Thương yêu con người phải từ trái tim chân thành.
  • Thể hiện bằng hành động cụ thể, hữu ích.
  • Lan tỏa yêu thương khắp mọi nơi.

3. Kết bài

  • Câu tục ngữ là bài học quý giá mà cha ông để lại.
  • Thế hệ trẻ phải luôn mở rộng tấm lòng yêu thương con người.

Lập dàn ý Giải thích câu tục ngữ Thương người như thể thương thân mẫu 3

1. Mở bài: Dẫn dắt để giới thiệu nội dung vấn đề và trích dẫn câu tục ngữ.

2. Thân bài

- Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ:

  • Thương thân: Yêu thương, chăm sóc, giữ gìn, quý trọng... bản thân mình.
  • Thương người: Yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ...những người xung quanh.

→ Lời nhắn nhủ: Yêu thương, trân trọng người khác như yêu thương, trân trọng chính bản thân mình.

- Phải "Thương người như thể thương thân" bởi:

  • Không ai có thể sống đơn độc, lẻ loi mà cần phải có sự hòa nhập cộng đồng.
  • Nhiều người có hoàn cảnh đáng thương cần sự chung tay giúp đỡ của người khác, của cộng đồng để có thêm sức mạnh vươn lên trong cuộc sống.
  • Mọi người cùng tiến bộ, phát triển thì xã hội, đất nước cũng sẽ phát triển tốt đẹp hơn.
  • Giúp đỡ người khác là niềm hạnh phúc, nó sẽ khiến ta thấy thanh thản hơn.
  • Đây là nét đẹp truyền thống đạo đức của dân tộc ta.

- Tinh thần "thương người như thể thương thân" được thể hiện:

  • Xem việc quan tâm giúp đỡ người khác là lẽ sống và phải xuất phát từ tình cảm chân thành, tự nguyện, tự giác.
  • Giúp đỡ người khác bằng những việc làm thiết thực phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mình.
  • Cần lên án, phê phán những người có lối sống ích kỉ, hẹp hòi...
  • Những việc đã, đang và sẽ làm của bản thân

 (Nêu dẫn chứng về tinh thần tương thân tương ái của dân tộc ta trong chiến tranh; phong trào từ thiện hiện nay, đặc biệt là phong trào từ thiện của học sinh... để làm sáng tỏ những điều đã giải thích) 

3. Kết bài

  • Câu tục ngữ thể hiện một đạo lí đúng đắn.
  • Lời khuyên

Giải thích Thương người như thế thương thân lớp 7

Hãy giải thích câu tục ngữ Thương người như thể thương thân mẫu 1

Từ xưa, dân tộc ta đã luôn giữ gìn truyền thống tương thân tương ái. Ai cũng được học vỡ lòng về bài học yêu thương con người. Bài học ấy được thế hệ cha ông ta gửi gắm qua câu ca dao “Thương người như thể thương thân”.

Hai hình ảnh tương đồng được đặt lên bàn cân ở đây chính là “thương người” và “thương thân”. Hành động chính ở đây là sự yêu thương, quan tâm, đối xử với nhau. Và đối tượng là bản thân chính chúng ta và những người xung quanh. Từ đó, tác giả dân gian khẳng định rằng, hãy đối xử với người khác bằng sự yêu thương, chân thành như đối xử với chính bản thân mình.

Đây là cách mà biết bao thế hệ dân tộc ta được dạy, được nhắn nhủ để đối xử với người xung quanh ta. Hiểu một cách trực tiếp, thì câu tục ngữ muốn khuyên chúng ta nên biết yêu thương, quan tâm, giúp đỡ, thân thiện với những người xung quanh. Hay mở rộng hơn, chính là muốn nhắn nhủ chúng ta không nên làm gì gây hại hay khiến người khác phải khó chịu, buồn phiền. Điều gì chúng ta không muốn phải gặp hay nhận lấy, thì đừng làm với người khác.

Từ đó, sẽ giúp cho mỗi người trong cộng đồng đều được đối xử tốt, được sống trong sự thân thương, chan hòa của mọi người. Nó còn giúp cho bản thân chúng ta nhận được sự yêu thương, trân trọng, quý mến của những người xung quanh. Đồng thời, giúp gắn kết mọi người lại với nhau hơn, tạo nên những khối đoàn kết bền vững.

Tuy nhiên, không phải ai trong chúng ta cũng thấm nhuần bài học này. Bởi vẫn tồn tại những người sẵn sàng làm tổn thương người khác để thỏa mãn cảm xúc hay lợi ích của bản thân. Họ thậm chí còn làm tổn thương cả những người thân yêu nhất của mình. Dù tình huống ấy có là vô tình hay cố ý thì vết thương mà nó gây ra trong lòng người khác cũng sẽ còn đó và khiến họ đau buồn.

Chính vì vậy, chúng ta phải học được cách kiểm soát lời nói, hoạt động, cảm xúc của bản thân. Phải suy nghĩ, cân nhắc thật kĩ trước khi nói hoặc làm bất cứ điều gì với những người xung quah. Và phải biết đặt mình vào vị trí của người khác để hành động. Có như vậy, ta mới có thể lam tỏa được tình yêu thương của mình đến với mọi người.

Qua đó, chúng ta hiểu được giá trị và ý nghĩa to lớn mà cha ông ta gửi gắm qua câu tục ngữ Thương người như thể thương thân.

Giải thích Thương người như thể thương thân mẫu 2

Từ khi còn nhỏ, chúng ta đã được lớn lên trong những bài học giản dị nhưng giàu giá trị nhân văn của ông bà, bố mẹ. Đó là những bài học được ẩn chứa trong các câu ca dao, tục ngữ. Trong đó, em nhớ nhất là bài học đầu tiên của mình “Thương người như thể thương thân”.

Câu tục ngữ xuất hiện hai lần từ “thương” trên tổng số sáu từ ít ỏi. Qua đó nhấn mạnh với người nghe, người đọc về cốt lõi của câu nói: tình yêu thương. Từ đó, câu tục ngữ nhắn nhủ với chúng ta rằng, hãy yêu thương những người xung quanh mình giống như đang yêu thương chính bản thân mình vậy.

Vì sao ư? Chính bởi vì trong cuộc sống này, ai cũng sẽ có lúc yếu lòng, sẽ có lúc gặp khó khăn, bất hạnh. Những trắc trở ấy không chỉ là bệnh tật, kinh tế, mà còn là những thiếu thốn về tình cảm, về hoài bão. Những lúc ấy, sự yêu thương, quan tâm, trợ giúp từ người khác thật vô cùng đáng quý. Đó có thể là những thứ vật chất to lớn, quý giá, nhưng đôi khi chỉ là một lời động viên, một cái ôm, một ánh mắt tin tưởng là đã tuyệt vời lắm rồi. Và đơn giản hơn nữa, thì chỉ cần chúng ta không làm hại ai, không làm gì xấu gây ảnh hưởng đến người khác thì cũng là một điều tốt rồi. Đôi khi, chúng ta không nên suy nghĩ quá phức tạp về cách thể hiện tình yêu thương với người khác. Mà chỉ cần nhìn vào chính mình thôi. Cái gì ta không muốn gặp phải, không muốn bị đổi xử như thế thì không làm với người khác và ngược lại.

Chính nhờ đó, mà những con người trong phút yếu đuối sẽ có thêm động lực, sẽ được tiếp thêm niềm tin để vượt qua khó khăn. Không chỉ như thế, tình yêu thương ấy, sự sẻ chia ấy còn gắn kết con người ta lại gần với nhau hơn. Để không ai phải lạc lõng, không ai bị bỏ lại phía sau. Từ đó, tạo nên một khối đại đoàn kết, tạo nên sức mạnh to lớn của dân tộc.

Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện nay, dần xuất hiện một nhóm người sống thiếu đi tình thương, học sống độc ác và vô cảm. Họ mặc nhiên trước nỗi đâu khổ của đồng bào, bất chấp tất cả chỉ vì lợi lộc của cá nhân mình. Thậm chí còn lợi dụng nỗi đau ấy để trục lợi, làm giàu. Cùng với đó, là những người sống chỉ biết bo bo giữ lấy mình, thấy người gặp khó khăn, dù có thể giúp đỡ nhưng vẫn lạnh lùng bỏ đi. Thật đáng lên án thay.

Dù vậy, đo cũng chỉ là con số ít. Đồng bào ta vẫn sống tràn đầy tình yêu thương, vẫn luôn đoàn kết và trân trọng nhau. Đó chính là sức mạnh của bài học “Thương người như thể thương thân” mà cha ông ta vẫn luôn nhắn nhủ con cháu.

Giải thích câu tục ngữ Thương người như thể thương thân mẫu 3

Dân tộc ta từ xưa đến nay luôn giữ gìn và phát huy truyền thống tương thân tương ái. Ngay từ tấm bé, chúng ta đã được ông bà, bố mẹ khuyên dạy về bài học “Thương người như thể thương thân”.

“Thân” ở đây là từ chỉ bản thân chúng ta. Còn “người” là những người xung quanh ta mà ta gặp được. Tác giả đã dùng hình ảnh so sánh “như” - hình ảnh so sánh ngang hàng, tương xứng giữa người và ta, đã trực tiếp truyền đạt bài học mà cha ông muốn nhắn gửi: hãy yêu thương mọi người như ta yêu thương chính bản thân mình.

Tình yêu thương ấy là cách nói chung của tình cảm, suy nghĩ và cách hành xử của chúng ta đối với những người xung quanh. Điều gì ta cho là tốt đẹp, mong muốn được nhận từ người khác thì hẵng làm với những người xung quanh. Ngược lại, cái gì ta cho là xấu xa, muốn tránh khỏi thì đừng gây với người khác. Giống như em không thích bị người ta nói xấu về những khuyết điểm của mình, thì cũng không nên bàn tán về ngoại hình của bạn. Hay như em luôn muốn được bạn bè yêu quý, giúp đỡ khi gặp khó khăn thì hãy yêu thương và chủ động giúp đỡ bạn bè nếu có thể.

Việc luôn yêu thương và giúp đỡ mọi người là hành động của từng cá nhân. Nhưng nó lại có một sức mạnh vô cùng to lớn. Đầu tiên, nó giúp những cá nhân ấy được vượt qua cô đơn, khó khăn. Giúp chúng ta cảm thấy bình yên, hạnh phúc. Sau đó, tình yêu thương ấy được lan tỏa hơn, giúp truyền cảm hứng yêu thương đến mọi người. Từ đó, tạo sự gắn kết trong cộng đồng, tạo nên một tập thể đoàn kết, biết yêu thương và quan tâm đến nhau.

Câu tục ngữ đã gián tiếp lên án, phê phán những kẻ ích kỉ, chỉ biết cho bản thân mình. Lúc nào cũng muốn nhận phần hơn, phần tốt đẹp về cho mình, còn cái xấu, cái khó khăn thì đùn đẩy cho người khác. Đó còn là những kẻ không có tình yêu thương, thấy người khác gặp khó khăn, hoạn nạn, dù có khả năng giúp đỡ nhưng vẫn bàn quan, mặc kệ. Thật đáng căm ghét và xấu hổ thay.

Hiện nay, xã hội đã có nhiều biến đổi, nhưng ý nghĩa của bài học về tình yêu thương giữa con người với con người trong câu tục ngữ Thương người như thể thương thân thì vẫn còn vẹn nguyên như thuở ban đầu.

Giải thích câu tục ngữ Thương người như thể thương thân mẫu 4

Việt Nam vốn có những truyền thống tốt đẹp. Một trong số đó là tương thân tương ái được ông cha ta răn dạy qua câu tục ngữ: “Thương người như thể thương thân”.

Đầu tiên, “thương người” là sự yêu thương, quan tâm giúp đỡ những người xung quanh. Còn “thương thân” chính là tự yêu thương lấy chính bản thân mình. Cách nói so sánh của câu tục ngữ giống như một lời khuyên nhủ dành cho con người, cần phải biết đồng cảm, chia sẻ, kính trọng và yêu quý những người xung quanh như yêu chính mình vậy.

Lời răn dạy ấy tuy đã ra đời cách đây hàng nghìn năm nhưng nó vẫn giữ nguyên giá trị và ý nghĩa. Điều này là hoàn toàn đúng đắn bởi trước hết là đây là truyền thống quý báu tốt đẹp của cha ông ta đã lưu giữ hàng ngàn đời nay. Là thế hệ tiếp bước chúng ta phải có trách nhiệm giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp đó. Không chỉ vậy, trong cuộc sống chúng ta không tránh khỏi những lúc khó khăn, vấp ngã cần sự giúp đỡ, tương trợ từ những người xung quanh. Bởi vậy, cho đi hôm nay chính là nhận lại cho mai sau. Nếu bạn biết yêu thương và giúp đỡ mọi người xung quanh, tự bản thân sẽ cảm thấy hạnh phúc, tâm hồn sẽ trở nên thư thái, thanh thản.

Có rất nhiều cách để thể hiện tình yêu thương. Đó có thể những hành động vĩ đại thể hiện tấm lòng yêu thương rộng lớn của chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì tình yêu thương đồng bào, dân tộc mà đã không quản thân mình ra đi tìm đường cứu nước. Suốt ba mươi năm bôn ba người ngoài để tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc. Đó cũng có thể là hành động của những người chiến sĩ dũng cảm ngã xuống giành lại tự do cho tổ quốc: “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”. Nhưng đôi khi tình yêu thương lại thật giản dị, nhỏ bé, là lời nói con yêu mẹ, con cảm ơn ông bà; là sự giúp đỡ cha mẹ những công việc trong gia đình; là giúp đỡ những người bị nạn, những đứa trẻ bị lạc đường…

Tình yêu thương có tầm quan trọng là vậy, nhưng trong cuộc sống chúng ta vẫn bắt gặp không ít những kẻ sống vô cảm. Họ lặng lẽ đi qua những người bị thương nặng, họ dừng chân nhưng lại rút điện thoại để quay phim chụp hình, hoặc họ lượm nhặt đồ của người bị thương rồi bỏ đi trong lòng đầy đắc ý… Thậm chí có người còn còn thờ ơ với chính tương lai của mình, không trau dồi, không học tập, cứ vậy để mặc cho dòng đời xô đẩy. Những con người như vậy sẽ chỉ sống trong một thế giới lạnh lẽo không có hơi ấm tình người.

Đối với một học sinh, tấm lòng tương thân tương ái có thể xuất phát từ những điều vô cùng nhỏ bé. Những hành động như giúp đỡ bạn bè có hoàn cảnh khó khăn, quan tâm và kính trọng ông bà cha mẹ thầy cô…

Mỗi người hãy ghi nhớ câu tục ngữ “Thương người như thể thương thân” giống như một bài học quý giá. Bởi “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng…” (Để gió cuốn đi, Trịnh Công Sơn).

Giải thích câu tục ngữ Thương người như thể thương thân mẫu 5

Lòng nhân ái và lối sống vị tha là những chuẩn mực đạo đức được dùng để đánh giá phẩm chất của con người. Từ ngàn năm nay ông cha ta vẫn luôn dạy dỗ con cháu những bài học làm người mà tới hiện tại vẫn còn lưu truyền dưới dạng là ca dao tục ngữ. Đó là cả kho tàng lớn lao chứa đựng nhiều bài học quí hơn vàng. Trong đó có câu “Thương người như thể thương thân” nói về tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của nhân dân ta.

Đầu tiên “thương thân” là ta tự biết cách yêu thương, chăm sóc, quan tâm bản thân mình. Tự quý trọng và gìn giữ thân thể và tinh thần. Biết rèn giũa bản thân ngày càng tốt hơn và hoàn thiện về nhiều mặt. Còn “thương người” chính là yêu thương, giúp đỡ những người xung quanh chúng ta. Đó là sự thấu hiểu, sẻ chia. Hai cụm từ có sự liên kết do so sánh ngang bằng “như thể”. Chúng ta thường tự biết yêu thương bản thân, tự động viên, an ủi khi chán nản thất vọng. Vậy nên, cũng cần biết yêu thương, quan tâm tới người khác như chính với bản thân mình. Cũng chính vì vậy trong kho tàng ca dao tục ngữ không ít câu về lòng bác ái, tương trợ lẫn nhau như “Bầu ơi thương lấy bí cùng / Tuy rằng khác giống như chung một giàn”, “Anh em như thể chân tay”... Và còn ti tỉ hàng nghìn câu nói khác. Nhưng đều cùng là mục đích là yêu thương, chăm sóc thông cảm, sẻ chia, quan tâm buồn vui với người khác như đối với chính bản thân mình.

Không ai có thể sống cô độc, lẻ loi, tự cung tự cấp cho bản thân mình mà không hợp thành một tập thể hay một cộng đồng. Có rất nhiều cách để thể hiện tình yêu thương. Có thể lớn lao như cách mà Bác Hồ đã ra đi tìm đường cứu nước, các anh hùng đã từng hy sinh vì chiến đấu bảo vệ dân tộc tổ quốc hay sự hỗ trợ của đồng bào đối với nhân dân miền Trung gặp lũ lụt. Nhưng cũng lại thật đơn giản như cách mà ta giúp đỡ cha mẹ, trò chuyện cùng ông bà, quan tâm chia sẻ buồn vui cùng bạn bè. Đôi khi sự yêu thương ấy chỉ gói gọn trong vài từ ngữ, hành động nhỏ.

Do đâu mà ông bà ta mong muốn tinh thần yêu thương, đoàn kết được phát huy? Chính là trong xã hội này đủ loại người. Không khó để thấy rằng một số người ích kỷ chỉ biết đến bản thân của họ. Họ đặt bản thân lên hàng đầu, là sự ưu tiên. Điều đó đúng không hề sai nhưng cách suy nghĩ và cách làm của học đã sai hoàn toàn. Họ yêu bản thân tới mức ích kỷ một cách ngu ngốc và tàn nhẫn. Chăm chăm vào quyền lợi cá nhân mà vô tình làm bao nhiêu người khốn khổ lao đao. Những kẻ ích kỷ vụ lợi chỉ có thể sống cô độc một mình, và không bao giờ có được sự đồng cảm từ người khác. Do đó “Thương người như thể thương thân” là một hồi chuông cảnh tỉnh bản ngã sai lầm, thức tỉnh lương tri của con người.

Trong quá khứ chúng ta đã rất nhiều lần đoàn kết để chống giặc. Cũng như tương thân tương ái, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Phải kể đến đó chính là nạn đói năm 1945 vị chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào “một nắm khi đói bằng một gói khi no” và được nhân dân hưởng ứng một cách nhanh chóng và nhiệt liệt bằng cách gửi các hũ gạo đến các vùng có “giặc đói”. Đến tận ngày nay tinh thần đó vẫn được phát huy theo nhiều qui mô đa dạng nhất là trên các chương trình truyền hình hay các nhà hảo tâm tự phát. Và việc mà được chứng kiến rõ nhất là trong năm vừa rồi đạn dịch Covid 19 bùng phát mạnh mẽ và tinh thần đoàn kết ấy càng thêm phát huy. Dù là người trong nước hay xuất ngoại đều mang một tinh thần tương thân tương ái. Và những y bác sĩ người đã xông lên tuyến đầu chống dịch, họ không ngại khó khăn gian khổ, nguy cơ nhiễm bệnh... Đó chính là “thương người như thể thương thân”.

Tình yêu thương là tình cảm thiêng liêng tốt đẹp nhất của con người. Nó mang đậm chất nhân văn và truyền thống của những con người Việt Nam sinh ra và lớn lên trong mảnh đất hình chữ S. Cùng một dòng máu đỏ da vàng đã mang chúng ta trở nên gắn bó và yêu thương lẫn nhau. Giúp người cũng chính là cách để bản thân mình sống trọn vẹn và ý nghĩa hơn bởi ở trong tâm hồn của mỗi người đều cảm thấy thanh thản và hạnh phúc khi làm việc tốt.

Tình yêu thương, sự chia sẻ giúp đỡ người khác phải xuất phát từ tấm lòng bác ái, chân thành, vị tha và tự nguyện. Cho đi nhưng không phải bố thí, hàm ơn hay đòi hỏi được nhận lại. Của cho không bằng cách cho. "Thương người" đúng cách và đúng như ý nghĩa ban đầu của nó đừng biến nó thành một cái danh nghĩa. Đừng để sự cho đi của bản thân trở thành một vụ lợi đầy toan tính. Không chỉ thế, hãy yêu thương theo cách của bản thân mình đừng biến nó thành một bảng xếp hạng "các nhà hảo tâm". Dựa trên khả năng của bản thân để thể hiện lòng nhân ái cũng không vì người khác mà ảnh hưởng đến quyền lợi cá nhân.

Như vậy “Thương người như thể thương thân” đã đúc kết ra một bài học đúng đắn về lối sống của mỗi con người chúng ta. Tinh thần đoàn kết và tấm lòng nhân ái vẫn còn giá trị to lớn trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Câu tục ngữ đã giúp chúng ta phát triển nhân cách và tâm hồn. Không chỉ vậy mà nó đã trở thành truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta cần được phát huy, gìn giữ và lưu truyền.

Giải thích câu tục ngữ Thương người như thể thương thân mẫu 6

Dân tộc ta có những truyền thống, nét đẹp trong văn hóa ứng xử đã được lưu giữ hàng ngàn đời nay. Và được đúc kết thành những câu ca dao tục ngữ ngắn gọn để làm bài học nhắc nhở thế hệ sau. Trong số đó ta không thể không nhắc đến truyền thống yêu thương, giúp đỡ nhau với câu: Thương người như thể thương thân

Thương người là gì? Thương thân là gì? Thương người ở đây ý chỉ yêu thương, quan tâm giúp đỡ những người xung quanh. Còn thương thân là yêu thương chính bản thân mình. Dùng lối nói so sánh, câu tục ngữ đã răn dạy mỗi chúng ta rằng: phải biết yêu thương, chăm sóc giúp đỡ người khác như yêu thương, chăm lo cho chính bản thân mình.

Thương người như thể thương thân

Lời răn dạy ấy tuy đã ra đời cách đây hàng nghìn năm nhưng nó vẫn giữ nguyên giá trị và ý nghĩa của mình. Vậy tại sao chúng ta phải biết yêu thương những người khác. Trước hết là bởi đây là truyền thống quý báu tốt đẹp của cha ông ta đã lưu giữ hàng ngàn đời nay:

Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn

Hay Lá lành đùm lá rách

Tuy được biểu hiển ở những dạng hình ảnh, câu chữ khác nhau, nhưng ông cha ta đều muốn nhắn nhủ đến thế hệ sau một điều đó là phải yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau. Là thế hệ tiếp bước chúng ta phải giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp đó. Không chỉ vậy, trong cuộc sống chúng ta không tránh khỏi những lúc khó khăn, vấp ngã cần sự giúp đỡ, tương trợ từ những người xung quanh. Bởi vậy, cho đi hôm nay chính là nhận lại cho mai sau. Và cuối cùng khi bạn yêu thương và giúp đỡ mọi người sẽ đem đến cảm giác hạnh phúc, tâm hồn sẽ trở nên thư thái, thanh thản Như vậy, yêu thương giúp đỡ người khác chẳng phải cũng chính là liều thuốc tinh thần đang giúp đỡ chính mình đó sao.

Có rất nhiều cách để thể hiện tình yêu thương. Có thể là những việc to lớn, vĩ đại, như chủ tịch Hồ Chí Minh, vì tình yêu thương đồng bào, dân tộc mà đã không quản thân mình rời bến Nhà Rồng, bao năm bôn ba hải ngoại để tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc. Là những người chiến sĩ dũng cảm ngã xuống giành lại tự do cho tổ quốc. Nhưng đôi khi tình yêu thương lại thật giản dị, nhỏ bé, là lời nói con yêu mẹ, con cảm ơn ông bà; là sự giúp đỡ cha mẹ những công việc trong gia đình; là giúp đỡ những người bị nạn, những đứa trẻ bị lạc đường,… Nhỏ bé và dung dị như vậy, nhưng đó chính là tình yêu chân thành và thiết thực nhất giữa con người với con người.

Tình yêu thương có tầm quan trọng là vậy, nhưng trong cuộc sống chúng ta vẫn bắt gặp không ít những kẻ sống thờ ơ vô cảm. Họ lặng lẽ đi qua những người bị thương nặng, họ dừng chân nhưng lại rút điện thoại để quay phim chụp hình, hoặc họ lượm nhặt đồ của người bị thương rồi bỏ đi trong lòng đầy đắc ý,… Và họ còn thờ ơ với chính tương lai của mình, không trau dồi, không học tập, cứ vậy để mặc cho dòng đời xô đẩy. Tuy chỉ là số ít, nhưng hiện tương vô cảm ấy cũng khiến ta không khỏi đau lòng và lo lắng. Nếu sự vô cảm phát triển thành đại dịch, cuộc sống của con người sẽ ra sao?

Trong cuộc sống khoa học kĩ thuật hiện đại, con người lao vào tìm kiếm tiền bạc và danh lợi, quên di những giá trị tinh thần tốt đẹp, đặc biệt là tình yêu thương. Để xã hội này không biến thành xã hội vô cảm, mỗi chúng tan gay từ gia đình – tế bào của xã hội phải biết yêu thương giúp đỡ và đùm bọc lẫn nhau. Đó chính là cơ sở cho tình yêu thương con người ngoài xã hội.

Giải thích câu tục ngữ Thương người như thể thương thân mẫu 7

Nhân dân ta có truyền thống tương thân tương ái, truyền thống đạo lí tốt đẹp của cha ông ta để lại và được xây dựng phát triển dựa vào nền tảng tư tưởng nhân đạo. Để răn dạy con cháu ông bà ta có câu nói Thương người như thể thương thân.

Thế nào là “Thương người như thể thương thân”? “thương người” chính là quan tâm, lo lắng, đùm bọc những người xung quanh mình, “thương thân” là yêu thương, chăm sóc cho chính bản thân mình. Vậy cụm từ trên có nghĩa là hãy yêu thương, chăm sóc người khác cũng như chính bản thân mình. Ngoài ra còn có một số câu nói tương tự như “Lá lành đùm lá rách” hay “Bầu ơi thương lấy bí cùng Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.

Vì sao câu tục ngữ lại khuyên ta phải giúp đỡ, thương yêu người khác? Trong cuộc đời, không ai có thể sống lẻ loi, đơn độc. Gia đình thì có cha con, vợ chồng, anh em… nhưng bước ra ngoài xã hội còn có nhiều mảnh đời bất hạnh chính vì vậy mà cần phải giúp đỡ, quan tâm người khác.

Thực tế nhân dân ta đã sống theo quan điểm “Thương người như thể thương thân” từ lâu đời. Mỗi khi có người gặp hoạn nạn, thiên tai là có nhiều tấm lòng hướng về động viên, giúp đỡ cả tinh thần và vật chất. Người người, nhà nhà làm việc thiện. Từ những vị lãnh đạo, các nhà doanh nghiệp đến bộ đội, cán bộ, công nhân, nông dân, học sinh, sinh viên… đều sẵn sàng đóng góp để xây dựng những ngôi nhà tình nghĩa, nhà tình thương, mái ấm cho trẻ mồ côi, trại dưỡng lão cho người già….tất cả đều đang thể hiện tình thương đúng với nghĩa cử thương người như thể thương thân.

Hàng năm nhiều tổ chức, trường học phát độn chiến dịch mùa hè xanh mang kiến thức và khoa học đến cho đồng bào miền núi, vùng sâu vùng xa. Chiến dịch xóa cầu khỉ ở đồng bằng Nam Bộ tạo đà phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho nhiều người dân. Chiến dịch đem lại ánh sáng cho người mù, mang lại niềm vui cho những trẻ em tật nguyền, mồ côi… Điều đó cho thấy lòng nhân ái, tình yêu thương con người luôn cố mọi lúc mọi nơi.

Câu tục ngữ Thương người như thể thương thân chính là bài học về đạo lí làm người rất quan trọng và quý báu mà cha ông ta đã để lại. Lời dạy ấy mãi ghi khắc và nhắc nhở ta sống phải có lòng nhân ái, biết thương yêu mọi người như thương yêu chính bản thân mình. Phát huy được truyền thống tốt đẹp của ông cha để lại sẽ giúp đẩy lùi cái ác, trái đất mãi một màu xanh hòa bình và hạnh phúc muôn nơi.

Giải thích câu tục ngữ Thương người như thể thương thân mẫu 8

Tình yêu thương luôn là một truyền thống quý báu và tốt đẹp của dân tộc ta. Cuộc sống sẽ vô cùng lạnh giá và cô độc nếu thiếu đi tình thương. Tình yêu thương chính là sợi dây vô hình kết nối sức mạnh tinh thần vô cùng quý giá giữa đời sống. Bởi vậy, ông cha ta từ xưa đã răn dạy con cháu bài học về tình thương qua câu tục ngữ: "Thương người như thể thương thân".

Trước hết, ta cần hiểu về ý nghĩa của câu tục ngữ. "Thương thân" ở đây chính là thương bản thân, bản thể của mình. Bản thân rất yêu thương và quý trọng chính mình, biết tự chăm sóc khi ốm đau, biết trau dồi kiến thức, biết rèn luyện sức khỏe cho bản thân, biết lo lắng, sợ hãi, xót xa khi bản thân gặp thất bại hãy nản lòng. Ở đời, ai cũng muốn bản thân mình được hoàn thiện, được tốt đẹp, được vui khỏe mỗi ngày. "Thương người" chính là lòng thương cảm đối với người khác chứ không phải là cho riêng mình nữa, dân gian đặt hai vế "thương người" và "thương thân" ở vị trí ngang bằng nhau nhằm khuyên mọi người hãy yêu thương người khác như chính bản thân mình. Bản thân mình muốn được chăm sóc, quan tâm như thế nào thì hãy quan tâm người khác như thế ấy, tức là bằng tình cảm của chính mình để mà thấu hiểu, đồng cảm với những mất mát, nỗi đau của người khác. Đó là một cái tôi không chỉ sống và hoàn thiện mình mà còn biết sống vì người khác, sống hoà nhập và trân trọng bản thể mỗi người. Biết đặt bản thân mình vào vị trí của người khác để thấu hiểu và cảm thông với họ, để yêu thương người khác như chính cách mình yêu thương bản thân.

Trong văn học, ta bắt gặp những hình ảnh đầy tính nhân văn như thế. Đó là một anh cu Tràng - truyện Vợ nhặt (Kim Lân) cưu mang người vợ "nhặt" được giữa cơn đói nghèo của nạn đói năm 1945 dù trong cảnh gia đình còn túng thiếu. Cả tác phẩm là sự ngập tràn tình yêu thương giữa con người dành cho nhau. Trong "Cuộc chia tay của những con búp bê" là tình cảm anh em thắm thiết, bền chặt, biết hi sinh và quan tâm đến nhau của Thành và Thủy trong cảnh chia đôi của ba mẹ. Trong câu chuyện Sọ Dừa, là tình thương yêu của cô em út dành cho Sọ Dừa với sự đồng cảm và chân thành sâu sắc với sự khiếm khuyết của chàng.

Bước ra đời sống, tinh thần "Thương người như thể thương thân" ấy lại càng được thể hiện muôn màu muôn sắc, rất đỗi đẹp đẽ và cao thượng. Trong chiến tranh, khi miền Nam đang trong cảnh giặc Mỹ bắn phá, thì nhân dân miền Bắc vẫn một lòng hướng về miền Nam thân yêu, kẻ góp gạo, người góp của, là hậu phương vững chắc chắn tiền tuyến. Khi đất nước hoà bình, tinh thần ấy lại càng sáng chói. Thiệt hại thiên tai gây hậu quả vô cùng to lớn cho đồng bào miền Trung. Nhân dân cả nước ủng hộ, quyên góp sẻ chia khắc phục thiệt hại. Là những người thành niên trẻ mang màu áo xanh tình nguyện đến những vùng sâu vùng xa dạy học, giúp đỡ người dân tộc nghèo khó. Là những em học sinh thân yêu gom góp những đồ dùng học tập cũ, những cuốn sách giáo khoa, tập vở được xếp sạch đẹp gửi đến ủng hộ các bạn vùng khó khăn. Là những cuộc thiện nguyện của những nhà hảo tâm đến các trại trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật trên khắp mọi nơi. Hãy đơn giản hơn, đó là vị khách đặc biệt cho chị bán hàng rong đang ngồi ngóng người mua hàng giữa cơn mưa tầm tã của thành phố. Là cái nắm tay thật chặt cùng chiếc bánh bao nóng hổi trong đêm mưa lạnh cho cậu bé ăn xin giữa đêm mưa lạnh dưới chân cầu. Là giọt nước mắt mặn chát khi nhìn hình ảnh cô giáo nghèo bị mắc bệnh ung thư, đơn thân nuôi hai đứa con nhỏ tật nguyền tội nghiệp. Là tấm lòng bao dung, cưu mang nhận nuôi em bé bị bỏ rơi giữa lòng thành phố... Và vô vàn những điều tốt đẹp, những nghĩa cử lớn lao khác nữa mà con người đã dành trọn vẹn cho nhau. Tất cả đều thật đáng trân trọng, rất đỗi đáng quý đáng yêu.

Có thể thấy, tinh thần "Thương người như thể thương thân" đang ngày càng được giữ gìn và phát huy, lan rộng khắp mọi nơi. Nó thực sự mang ý nghĩa lớn lao trong việc giúp đỡ, tạo động lực cho mỗi người. Xây dựng một xã hội văn minh, giàu đẹp và tiến bộ trên phương diện vật chất và văn hoá đời sống con người. Tuy nhiên, đâu đó, vẫn còn những kẻ ích kỉ, hẹp hòi, chỉ quan tâm đến chính mình mà không để tâm đến người khác, thậm chí là vô cảm lạnh lùng, cười nhạo trên nỗi đau của đồng loại. Đó là những biểu hiện về thái độ và hành vi cần được lên án để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.

Là những học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta càng cố gắng hơn nữa để phát huy tình nhân ái dành cho nhau. Cùng nhau quan tâm, giúp đỡ đến những bạn bè có hoàn cảnh khó khăn hơn mình, cùng giúp đỡ nhau học tập rèn luyện. Thương yêu gia đình, chăm sóc, bảo ban các em nhỏ. Tham gia các hoạt động xã hội về tình nguyện, từ thiện do nhà trường, xã hội tổ chức, viết thư thăm hỏi, động viên những bạn bè gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Phát huy tinh thần nhân ái, lá lành đùm lá rách để xây dựng một đời sống ngày một văn minh hơn xứng đáng với lời dạy của cha ông.

Giải thích Thương người như thể thương thân mẫu 9

Cùng sinh ra trong bọc trăm trứng, cùng chảy chung trong mình dòng máu đỏ, cùng trải qua những năm tháng lịch sử đau thương mà hào hùng của dân tộc, cùng có chung một mạch nguồn văn hóa cho nên đã từ lâu con người trên dải đất hình chữ S này đã biệt yêu thương, chờ che, đùm bọc lẫn nhau. Nó trở thành nét đẹp văn hóa, truyền thống lâu đời của dân tộc Việt Nam. Từ xa xưa, truyền thống ấy đã được cha ông ta đúc kết rất nhiều trong kho tàng ca dao tục ngữ. “Thương người như thể thương thân” là một trong những bài học như thế.

“Thương người như thể thương thân” là câu nói ngắn gọn, tự nhiên nhưng chất chứa hàm ý sâu xa. “Thương người” nghĩa là biết yêu thương chăm sóc, quan tâm sẻ chia với những người xung quanh, với cộng đồng, xã hội. Còn “thương thân” là giữ gìn chăm sóc quý trọng bản thân mình. Hai vế được được trong quan hệ so sánh với nhau nhằm mục đích khuyên nhủ chúng ta rằng phải biết yêu thương người khác như yêu chính bản thân mình, biết tôn trọng, đồng cảm bao dung giúp đỡ những người xung quanh khi ta có thể.

Tình yêu thương con người là tình cảm thiêng liêng tốt đẹp đậm chất nhân văn của con người Việt Nam. Cùng sinh ra trên mảnh đất hình chữ S thiêng liêng, tuy không cùng huyết thống nhưng mỗi chúng ta đều có chung một tiếng nói một dòng màu một màu da. Tất cả điều ấy đã khiến con người trở nên gắn bó để yêu thương đùm bọc chở che cho nhau. Hơn thế mỗi người sinh ra đều thuộc về một tập thể nhất định không ai có thể tồn tại đơn độc lẻ loi một mình. Chính vì vậy, khi chúng ta biết quan tâm yêu thương lẫn nhau, cùng nhau đoàn kết tiến bộ thì xã hội mới có thể phát triển lớn mạnh. Một xã hội sẽ trở nên đóng băng, cô độc và nhanh chóng tan rã nếu như không có hơi ấm của tình yêu thương Đặc biệt cuộc sống với bao bộn bề lo toan khi bình yên khi sóng gió ta luôn luôn cần đến sự quan tâm giúp đỡ của những người xung quanh. Cho nên khi ta biết cho đi tình yêu thì mới mong nhận được lại sự chia sẻ yêu thương từ người khác. Những kẻ ích kỉ vụ lợi chỉ biết sống vì mình thì mãi mãi sẽ sống cô độc và không bao giờ có được sự đồng cảm giúp đỡ khi gặp khó khăn trở ngại. Cuộc sống quanh ta còn biết bao mảnh đời bất hạnh đang cần những cánh tay yêu thương che chở từ đồng loại vì thế mỗi chúng ta luôn cần mang trong mình tấm lòng vị tha cao cả.. Giúp người cũng chính là cách để giúp mình được sống trọn vẹn và ý nghĩa hơn với cuộc đời bởi mỗi khi làm được việc tốt chắc chắn tâm hồn của mình sẽ thanh thản và hạnh phúc hơn.

Tình yêu thương con người, tấm lòng tương thân tương ái được thể hiện ở nhiều khía cạnh cụ thể, sinh động. Trong chiến tranh, tinh thần đồng chí đồng đội gắn bó đầy yêu thương của những người bộ đội cụ Hồ chia nhau củ sắn, bát cơm, thậm chí có thể vì nhau mà sống chết là những câu chuyện cảm động cho con cháu thế hệ ngày nay. Những phong trào nhường cơm sẻ áo, hũ gạo cứu đói ở hậu phương cũng là biểu hiện sâu sắc tinh thần tương thân tương ái của dân tộc. Đến thời đại ngày nay, truyền thống “thương người như thể thương thân” của dân tộc vẫn được duy trì và phát huy. Gần gũi nhất là trong gia đình con cái biết yêu thương, tôn trọng, phụng dưỡng cha mẹ, anh em đoàn kết, biết đùm bọc thương yêu lẫn nhau, vợ chồng cùng nhau chia sẻ những tâm sự những niềm vui nỗi buồn của cuộc sống, san sẻ gánh nặng công việc cho nhau. Tình yêu thương đôi khi xuất phát từ những điều gần gũi giản đơn mà ấm áp sâu sắc vô cùng. Hằng năm, những cuộc vận động ủng hộ vì người nghèo, ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt liên tục được phát động, những ngôi nhà tình thương làng trẻ mồ côi được quan tâm xây dựng cũng đều xuất phát từ tấm lòng nhân ái “thương người như thể thương thân” của người Việt Nam. Đặc biệt tấm lòng tương thân tương ái được giáo dục sâu rộng trong nhà trường với những bài học đạo đức về lẽ sống yêu thương dành cho thế hệ mầm non tương lai của đất nước. Cùng với đó, mỗi chúng ta cũng cần phải biết lên tiếng phê phán trừng phạt đối với những kẻ vô lương tâm thờ ơ, lạnh lùng trước sự thống khổ, bất hạnh của người khác.

Tình yêu thương, sự quan tâm chia sẻ giúp đỡ người khác phải xuất phát từ tấm lòng chân thành, vô tư, tự nguyện. Sự cho đi không phải là sự bố thí hàm ơn và đòi hỏi được nhận lại. Của cho không bằng cách cho, hãy “thương người” theo đúng cách và đúng ý nghĩa của nó. Những hành động mang danh giúp đỡ người khác nhưng xuất phát từ lợi ích cá nhân, có sự toan tính vụ lợi thật đáng bị lên án. Ngoài ra, tấm lòng nhân ái, yêu thương giúp đỡ người khác dựa trên khả năng của bản thân, không vì người khác mà ảnh hưởng đến quyền lợi đáng có của mình.

Câu tục ngữ “thương người như thể thương thân” là lời nhắc nhở chân thành mà sâu sắc cho mỗi người về đạo lí tương thân tương ái yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau của dân tộc Việt Nam. Truyền thống tốt đẹp này sẽ mãi được lưu truyền cho hôm nay và cả mai sau.

Giải thích câu tục ngữ Thương người như thể thương thân mẫu 10

Trong kho tàng ca dao, tục ngữ Việt Nam có rất nhiều câu phản ánh tình yêu thương, sự quan tâm, sẻ chia, giúp đỡ – một truyền thống quý báu của dân tộc. Một trong những số đó là câu tục ngữ "thương người như thể thương thân".

Trước hết ta phải hiểu thế nào là "Thương người như thể thương thân"? "thương người" là thương yêu, quan tâm, đùm bọc những người xung quanh, "thương thân" nghĩa là yêu thương, chăm sóc chính bản thân mình. Hai cụm từ trên liên kết với nhau bởi sự so sánh ngang bằng: Như thể. Chúng ta thường yêu thương, động viên, chăm sóc bản thân mình khi bị ốm đau, khi gặp khó khăn hay bất lực trong cuộc sống. Và ta cũng nên yêu thương, quan tâm tới người khác như chính với bản thân mình. Dân gian còn có nhiều câu tục ngữ hay ca dao mang nội dung tương tự để nhấn mạnh và tăng sức thuyết phục với bài học mà họ gửi gắm. Một trong số chúng là:

"Lá lành đùm lá rách"

hay "Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn"

Vậy tại sao con người phải yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau. Thứ nhất, là người ai cũng mong muốn cuộc sống của mình được hạnh phúc, ấm no, đầy đủ, không cực khổ, nhưng không phải ai cũng đạt được như vậy. Có những người dù đã vô cùng cố gắng nhưng họ vẫn gặp phải hết khó khăn này đến khó khăn khác, ít khi được điều mà mình mong muốn. Những lúc khó khăn mệt mỏi như vậy mà nhận được tình yêu thương, sự sẻ chia, giúp đỡ chân tình thì họ sẽ vơi đi bao nỗi ưu tư, phiền muộn và được tiếp thêm niềm tin và nghị lực để tiếp tục tiến về phía trước. Ngoài ra, khi ta giúp đỡ, cho đi tình yêu thương ta sẽ nhận được niềm vui, sự thanh thản, niềm tự hào với bản thân vì mình đã làm được những việc tốt, những điều có ích. Những việc làm nhân đạo như vậy góp phần xây dựng một cuộc sống văn minh, tiến bộ và tươi đẹp, giàu tình nhân ái, thêm nữa sự yêu thương, sẻ chia, giúp đỡ cùng góp phần xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người, nếu chẳng may ta gặp khó khăn, những người trước kia được ta giúp đỡ sẽ quay lại đùm bọc, giúp đỡ ta cùng ta vượt lên số phận. Nói như vậy không có nghĩa là cứ cho đi là phải nhận lại mà tình yêu thương chỉ góp phần xây dựng các mối quan hệ mà thôi. Quan trọng nhất, chúng ta cùng sống trên dải đất hình như S thiêng liêng, nói cùng tiếng mẹ đẻ, chung một tổ tiên, đều là con Lạc cháu Hồng, có cùng trang lịch sử đau thương nhưng rất đỗi hào hùng... Ta đều tự hào bởi 2 tiếng Việt Nam, đều máu đỏ da vàng, mang trong mình dòng máu nồng nàn yêu nước... Tất cả những điểm chung đó đều là những minh chứng xác đáng giải thích cho việc tại sao chúng ta phải yêu thương nhau bởi ta là những người anh em thân thiết tuy không cùng huyết thống hay họ hàng gì. Cuối cùng, một xã hội nếu thiếu đi tình yêu thương thì sẽ vô cùng nghèo nàn, nhạt nhẽo, chỉ là một thế giới con người ích kỷ, ngày ngày chỉ đi qua nhau như những người xa lạ, chỉ biết khoanh tay trước sự đau khổ của người khác. Một xã hội không có trái tim, chỉ có sự lạnh lẽo, cô độc, chẳng khác nào một xã hội chết.

Vậy thì chúng ta cần làm gì để phát huy truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc? Trước tiên, trong gia đình ta phải biết yêu thương, quan tâm giúp đỡ ông bà cha mẹ, đặc biệt là anh chị em, ta nên giúp đỡ gia đình từ những việc nhỏ nhất như nấu cơm, quét nhà... đến những việc lớn hơn. Đi học về phải chào mọi người, ăn cơm phải biết mời người lớn dùng bữa trước, khi ăn xong phải rót nước cho cả nhà, lúc ông bà, cha mẹ không khỏe thì hỏi thăm, em nhỏ nghịch dại nên khuyên bảo... Sau nữa ở trường lớp, cùng là bạn bè, học chung dưới một mái trường thì nên giúp đỡ, sẻ chia với những người bạn có hoàn cảnh khó khăn để cùng chung tay xây dựng, vun đắp ước mơ đến trường của các bạn. Hay trong một lớp, bạn học giỏi thì giúp đỡ những bạn học kém hơn mình để cùng nhau vươn lên trong học tập. Chúng ta cũng nên thường xuyên tham gia các quỹ nhân đạo, ủng hộ chữ thập đỏ do nhà trường tổ chức. Ngoài ra, ở ngoài xã hội, tương thân tương ái cũng có thể rèn luyện dễ dàng. Nhà nước ta có biết bao chính sách xây dựng những mái ấm tình thương, làng trẻ em SOS... để cưu mang những trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, ta cũng dễ dàng tìm thấy những chương trình hay quỹ từ thiện trên ti vi, báo đài như vì bạn xứng đáng, lục lạc vàng, điều ước thứ bảy, trái tim cho em...tham gia những hoạt động từ thiện ấy là một cách hữu hiệu để phát huy truyền thống tương thân tương ái của cha ông.

Tóm lại, câu tục ngữ "thương người như thể thương thân" đã đúc rút một bài học đúng đắn và vẫn còn giá trị to lớn trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Mỗi chúng ta cần giữ gìn và phát huy truyền thống "lá lành đùm lá rách" của dân tộc để xây dựng một cuộc sống tươi đẹp, văn minh. Câu tục ngữ cũng giúp ta hoàn thiện nhân cách, phát triển tâm hồn.

Giải thích Thương người như thể thương thân mẫu 11

Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống đạo lí vô cùng tốt đẹp được xây dựng và phát triển trên nền tảng của tư tưởng nhân đạo. Một trong những tiêu chuẩn đánh giá phẩm chất đạo đức của con người chính là lòng nhân ái và lối sống vị tha. Từ xưa, ông cha ta đã quan tâm dạy dỗ con cháu những bài học làm người qua ca dao, tục ngữ mà câu: Thương người như thể thương thân là một ví dụ điển hình.

Muốn hiểu biết thấu đáo câu tục ngữ này, ta phải hiểu ý nghĩa của vế sau (thương thân) trước rồi từ đó hiểu nghĩa của vế trước (thương người). Đặt hai vế trong mối tương quan so sánh, ta sẽ thấy những nét nghĩa tương đồng, do vậy mà hiểu được ý nghĩa trọn vẹn của câu tục ngữ.

Thế nào là thương thân? Thương thân là thương mình, xót xa cho mình khi lâm vào cảnh đói không cơm, rét không áo, ốm không thuốc và lúc hoạn nạn không ai giúp đỡ.

Lẽ tự nhiên, ai cũng yêu thương bản thân mình hơn cả, nhưng yêu thương bản thân một cách thái quá sẽ dẫn đến những biểu hiện lệch lạc như thái độ vị kỉ (chỉ biết mình), không quan tâm đến vui buồn, sướng khổ, sống chết của bất cứ ai. Tệ hơn nữa là thói xấu ích kỉ thường đi đôi với hại nhân (lợi mình, hại người) rất đáng bị lên án.

Thế nào là thương người? Người ở đây là mọi người sống quanh ta; là anh em, cha mẹ, xóm giềng cùng chung quê hương, đất nước. Thương người như thể thương thân có nghĩa là ta yêu quý bản thân ta thế nào thì hãy chia sẻ, cảm thông, thương yêu người khác như thế. Nếu ta đã từng trải qua đớn đau, bệnh hoạn, ngặt nghèo thì khi thấy người khác lâm vào cảnh ngộ tương tự, ta hãy thương xót, cảm thông, giúp đỡ, quan tâm đến họ như đối với chính ta vậy.

Nhưng để có được một lối sống nhân ái cao cả quả không phải là chuyện dễ dàng. Phải có một tấm lòng trong sáng, một trái tim nhân hậu và giàu đức hi sinh mà tất cả những điều ấy là kết quả của một quá trình tu tâm, dưỡng tính lâu dài.

Vì sao câu tục ngữ lại khuyên ta phải giúp đỡ người khác? Thật đơn giản vì trong cuộc đời, không ai có thể sống lẻ loi, đơn độc. Gia đình có cha con, vợ chồng, anh em... Đó là mối quan hệ máu thịt thiêng liêng sống chết có nhau. Nhận thức rõ điều ấy nên ông bà ta đã dạy dỗ con cháu từ thuở còn trứng nước bằng những lời ru êm dịu bên nôi: "Khôn ngoan đối đáp người ngoài, Gà cùng, một mẹ chớ hoài đá nhau". "Anh em như thể tay chân, Rách lành đùm bọc, khó khăn đỡ đần". "Chị ngã, em nâng". "Tay đứt ruột xót"...

Con cái phải hiếu thảo với cha mẹ: "Phụ tử tình thâm", "Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/Một lòng thờ mẹ kính cha/Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con"... Những điều nhân nghĩa ấy như dòng sữa ngọt ngào, dần dần thấm vào máu thịt, vun đắp, bồi dưỡng tâm hồn của mỗi chúng ta.

Rộng hơn nữa là tình đồng hương, tình giai cấp, tình dân tộc. Người miền Bắc, người miền Trung, người miền Nam, người Kinh, người Thượng... đều là dân tộc Việt Nam bởi cùng chung một bọc do mẹ Âu Cơ sinh ra (đồng bào).

Lịch sử hơn bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước đã chứng minh truyền thống đoàn kết chung sức, chung lòng đánh giặc ngoại xâm và xây dựng đất nước của dân tộc Việt Nam là truyền thống vô cùng tốt đẹp.

Tại sao chúng ta nên sống theo tinh thần của câu tục ngữ Thương người như thể thương thân?

Để có thể sống một cuộc sống đầy đủ ý nghĩa, mỗi cá nhân phải hòa nhập cộng đồng, cùng chia sẻ vui buồn, sướng khổ với mọi người. Tục ngữ có câu: Không ai nắm tay suốt ngày tới tối; hay: Sông có khúc, người có lúc là ý nói trong cuộc đời, khó ai có thể thuận lợi, vuông tròn mọi lẽ. Cho nên trước hết mình phải sống tốt với mọi người thì mọi người mới đối xử tốt lại với mình.

Thực tế cho thấy nhân dân ta đã sống theo quan điểm ấy tự lâu đời. Ở đâu có người gặp hoạn nạn, thiên tai là lập tức có hàng triệu tấm lòng hướng về an ủi, động viên, giúp đỡ cả tinh thần và vật chất. Phong trào người người, nhà nhà làm việc thiện hiện nay đã lan rộng trên khắp đất nước. Từ những vị lãnh đạo, các nhà doanh nghiệp đến bộ đội, cán bộ, công nhân, nông dân, học sinh, sinh viên... đều sẵn sàng đóng góp để xây dựng những ngôi nhà tình nghĩa, nhà tình thương, những mái ấm cho trẻ mồ côi bất hạnh, những trại dưỡng lão cho người già cô đơn...

Trong những năm gần đây, chiến dịch mùa hè xanh của sinh viên các trường đại học mang kiến thức và khoa học kĩ thuật đến cho đồng bào miền núi, vùng sâu vùng xa đã có những kết quả tốt. Chiến dịch xóa cầu khỉ ở đồng bằng Nam Bộ tạo đà phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho người nông dân.

Chiến dịch đem lại ánh sáng cho người mù nghèo, đem lại niềm vui cho những trẻ em tật nguyền, bất hạnh... Tất cả các dẫn chứng sinh động trên đã chứng minh cho sức mạnh của tình yêu thương con người.

Câu tục ngữ Thương người như thể thương thân đã đúc kết lại một trong những phẩm chất đáng quý của dân tộc Việt Nam; đồng thời là lời khuyên chí lí đối với mọi người, nhất là lứa tuổi thanh thiếu niên học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường.

Trong thời đại mới, trong xu thế hoà nhập với toàn cầu thì tình giai cấp, tình dân tộc đã mở rộng thành tình yêu thương nhân loại. Tin rằng trong tương lai không xa, lòng nhân ái sẽ xoá bỏ hận thù, đẩy lùi cái ác, để trái đất này mãi mãi một màu xanh hi vọng, hòa bình và hạnh phúc.

Giải thích câu tục ngữ Thương người như thể thương thân mẫu 12

Tục ngữ Việt Nam là kho kinh nghiệm ngàn đời, đúc kết từ trí tuệ người xưa. Cũng có câu tục ngữ được thốt ra từ trái tim nồng nàn của tiền nhân. Đó là câu: Thương người như thể thương thân.

Câu tục ngữ như một lời nói hết sức bình dị hàng ngày. Nó là một câu so sánh với hai vế: a và b. Thương người như thể thương thân. Vậy muốn hiểu thương người phải hiểu thương thân là gì? Thân tức là thân thể hay thân xác; là phần vật chất sống của mỗi người, được cha mẹ ban cho mà có. Thương thân là từ hết sức hàm súc, nó diễn tả tâm trạng của người tự lập, cô đơn phải biết thương lấy mình, tự mình chăm sóc, giữ gìn và chia sẻ vui buồn với chính mình. Cũng chính vì thế thương thân thể hiện một tình thương dồi dào nhất, một sự chăm sóc tích cực nhất, vì "vị kỉ" và "ích kỉ" là bản tính của con người. Nhất là khi con người ta cô đơn. Tóm lại, thương thân là tình thương đậm đà nhất, sự giữ gìn, chăm sóc tích cực và cảm thông sâu xa nhất của mỗi người với chính mình. Thương người như thể thương thân chứa đựng một lời khuyên: Hãy thương yêu, chăm sóc thông cảm và chia sẻ vui buồn, hoạn nạn với người khác như chính mình vậy.

Sở dĩ ông bà ta có lời khuyên này vì nhiều người trong xã hội có thói ích kỉ, ích kỉ đến độ tàn nhẫn và ngu ngốc. Cháy nhà hàng xóm bình chân như vại, sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi là những câu thành ngữ, tục ngữ miêu tả loại người ấy. Do đó, câu tục ngữ thương người như thể thương thân như một hồi chuông đánh thức lương tri, lay động tâm hồn của con người.

Thật vậy, trong xã hội không ai sống lẻ loi, đơn độc mà tập hợp thành đoàn thể, cộng đồng. Trong gia đình, ta có mối quan hệ anh em, những người cùng huyết thống, cùng có những kỷ niệm vui buồn bên nhau. Họ chẳng khác nào như chân với tay trong cùng một cơ thể: Do đó khi gặp khó khăn, hoạn nạn ta làm sao có thể quay lưng làm ngơ cho được, bởi máu chảy ruột mềm.

Anh em như thể chân tay.
Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần.

Rộng hơn tình anh em bè bạn, bà con hàng xóm, những người đã cùng chúng ta tối lửa tắt đèn có nhau, tuy không cùng máu mủ nhưng họ lại là người có tình có nghĩa sâu nặng với ta. Những lúc trái gió trở trời, những khi cùng đường bí lối, họ đến với ta bằng những tấm lòng chân thành để chia ngọt sẻ bùi. Tình nghĩa ấy thật sâu đậm nào khác gì anh em một nhà. Vì vậy, khi họ không may rơi vào hoàn cảnh khó khăn, lẽ nào ta ngoảnh mặt thờ ơ cho đành. Lúc này, thái độ nhường cơm sẻ áo, chị ngã em nâng là một việc làm mà ta phải thực hiện tốt. Ngay đến cộng đồng xã hội mà ta sống, những người dù ở miền ngược hay miền xuôi, dù ở nơi rừng núi hay đồng bằng cũng đều là anh em, bởi lẽ họ với ta cùng một dân tộc, có chung một mẹ Âu Cơ. Chính mối quan hệ gắn bó này tạo nên tình cảm tương thân tương ái giữa con người với con người trong xã hội. Tình cảm ấy đã bao đời nay trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Trải qua những năm tháng kháng chiến gian khổ, cả nước đều chung lòng đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau để đi đến thắng lợi vẻ vang. Cũng đã biết bao lần toàn dân ta đã hưởng ứng tích cực lời kêu gọi một miếng khi đói bằng một gói khi no những khi lũ lụt, hoả hoạn. Những lúc ấy, có người đã dũng cảm quên đói, quên lạnh, cứu sống bao nhiêu mạng người để lại gương sáng cho đời sau.

Câu tục ngữ thương người như thể thương thân là một bài học sâu sắc về đạo lí làm người. Hãy thương yêu người khác như yêu thương chính bản thân mình. Điều đó mãi mãi nhắc nhở ta về lòng nhân ái, về tình người mà ta cần thực hiện tốt. Để phát huy truyền thống tốt đẹp ấy của ông cha, em hứa sẽ luôn giúp đỡ những người hoạn nạn trong cuộc đời.

Thương người như thể thương thân mẫu 13

Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống yêu thương đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau. Tình cảm yêu thương con người ấy đã trở thành máu thịt trong mỗi chúng ta. Từ đó hình thành nên lòng nhân ái, tình người bao la. Ông bà ta xưa có dạy: "Thương người như thể thương thân".

Đây là một lời khuyên chí tình, chí nghĩa nhằm nhắc nhở con cháu phải biết yêu thương giúp đỡ người khác như yêu thương chính bản thân mình. Lời nói tự nhiên chân thành ngắn gọn, mà lại chứa chan bao điều giáo huấn. Câu tục ngữ được tách thành hai vế: Một bên là người "nhân loại", một bên là bản thân bởi cách so sánh "như thể''. Lời dạy trên muốn nhấn mạnh: Nếu ta thương thân ta như thế nào thì phải thương người xung quanh ta như thế ấy. Thân thể của ta thì ta phải quý trọng, phải chăm sóc. Chỉ một vết trầy xước nhỏ, một chứng đau nhẹ cũng khiến cho ta phải quan tâm lo sợ... cho tấm thân ta. Thấm được cái đau khi mình mắc phải sẽ giúp ta thông cảm với nỗi đau của người khác. Nếu như người chung quanh ta không may gặp khó khăn, hoạn nạn thì ta nên giúp đỡ, quan tâm, chăm sóc họ như yêu thương chăm sóc chính bản thân mình.

Chúng ta ai cũng hiểu rằng: Là người sống trong xã hội, không ai sống lẻ loi, đơn độc được mà phải tập hợp thành đoàn thể, cộng đồng. Trong gia đình ta có mối quan hệ anh em, những người cùng huyết thống, cùng có những kỉ niệm vui buồn bên nhau. Họ chẳng khác nào như chân với tay trong cùng một cơ thể. Do đó khi có ai gặp hoạn nạn khó khăn, mọi người đâu nỡ quay mặt làm ngơ cho được, bởi "máu chảy ruột mềm"

Xa hơn nữa là bạn bè, bà con hàng xóm, những người đã cùng ta "tối lửa tắt đèn" có nhau. Tuy không cùng máu mủ nhưng họ lại là người có tình có nghĩa sâu nặng với ta. Những lúc "trái gió trở trời", những khi "cùng đường bí lối", họ đến với ta bằng những tấm lòng chân thành để "chia ngọt sẻ bùi". Tình nghĩa ấy sâu đậm chẳng khác nào anh em một nhà. Vì vậy khi họ không may rơi vào hoàn cảnh khó khăn, lẽ nào ta lại ngoảnh mặt làm ngơ cho đành. Lúc này thái độ "nhường cơm sẻ áo", "chị ngã em nâng" là một việc mà ta phải thực hiện tốt. Ngay đến cộng đồng xã hội mà ta đang sống, những người dù ở miền ngược hay miền xuôi, dù nơi rừng núi hay đồng hằng cũng đều là anh em, bởi lẽ họ với ta cùng một dân tộc, có chung một mẹ Âu Cơ... Chính mối quan hệ gắn bó này tạo nên tình cảm tương thân tương ái giữa con người với con người trong xã hội. Tình cảm ấy đã bao đời nay trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Trải qua những năm tháng kháng chiến gian khổ, gay go cả nước đều chung lòng đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau để đi đến thắng lợi vẻ vang. Và cũng đã biết bao lần toàn dân ta đã hưởng ứng tích cực lời kêu gọi "một miếng khi đói bằng một gói khi no" của Đảng và Nhà nước ta đã quyên góp từ tiền bạc đến thuốc men vật dụng cần thiết chia sẻ nỗi đau với các nạn nhân bị thiên tai lũ lụt. Những việc làm ấy đã thể hiện rất rõ tấm lòng "thương người như thể thương thân" mà ông cha ta đã truyền dạy. Tình cảm cao đẹp ấy là một đạo lí, là một nét đẹp của con người, là nền tảng để xây dựng một xã hội văn minh, hạnh phúc.

Tóm lại, câu tục ngữ đã cho ta một bài học về đạo lí làm người. Lời dạy ấy mãi vang bên tai ta nhắc nhở ta phải có lòng nhân ái, phải biết thương yêu mọi người xung quanh như thương yêu chính bản thân mình. Phát huy được truyền thống tốt đẹp của ông cha là chúng ta vừa thể hiện nhân cách làm người vừa góp phần xây dựng một đất nước văn minh tiến bộ.

Giải thích câu tục ngữ Thương người như thể thương thân mẫu 14

Trong kho tàng văn học Việt Nam tồn tại từ xưa đến nay, mỗi câu chuyện, mỗi câu ca dao, tục ngữ, mỗi bài thơ luôn đề cập đến một truyền thống quý báu của dân tộc. Đó là truyền thống “Thương người như thể thương thân”, ca ngợi lòng thương người và phê phán những kẻ thờ ơ với người khác.

Là một câu tục ngữ đầy ý nghĩa, “thương người như thể thương thân” đề cao việc yêu thương mọi người xung quanh như chính bản thân mình. Ta quí trọng, yêu thương bản thân bao nhiêu thì càng phải quí trọng, yêu thương những đồng bào quanh ta bấy nhiêu. Truyền thống “thương người như thể thương thân” của dân tộc ta đã được truyền lại qua nhiều thế hệ bằng các câu ca dao tục ngữ hay qua các câu chuyện, bài thơ. Đây là một nghĩa cử đẹp, thể hiện nhân cách của con người. Các câu ca dao như:

"Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn"

đã thể hiện rất rõ tình thương yêu đối với các đồng bào, dân tộc anh em cùng chung sống trên lãnh thổ Việt Nam. Hay như câu “Chị ngã em nâng”,

"Anh em như thể tay chân
Rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần”

Cũng thể hiện tình yêu thương gắn bó của các anh chị em trong cùng một gia đình. Truyền thuyết “Con rồng cháu tiên” là một bằng chứng cho thấy các dân tộc.. mọi người trong cùng một nước đều là anh em. Vì vậy, chúng ta cần thương yêu đùm bọc nhau như câu:

"Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng"

Thế nhưng vẫn có những kẻ thờ ơ, dửng dưng trước khó khăn, hoạn nạn của người khác. Đoạn trích “Trong lòng mẹ”, trích “Những ngày thơ ấu” của nhà văn Nguyên Hồng đã bộc lộ rõ sự độc ác, cay nghiệt của bà cô đối với chú bé Hồng đó là cháu của bà. Bài văn phê phán nghiêm khắc việc bà cô gieo rắc những hoài nghi về mẹ của Hồng làm chú bé rất mực đau khổ. Ngoài xã hội cùng còn rất những kẻ như vậy:

"Con cò chết rũ trên cây
Cò con mở lịch định ngày làm ma
Cà cuống uống rượu la đà
Chim ri ríu rít bò ra lấy phần ”

Bài ca dao trên đã mượn hình ảnh các con vật để phê phán những kẻ thờ ơ dửng dưng trước sự mất mát của người khác, lợi dụng để uống rượu ăn chơi. Những câu ca dao tục ngữ, những câu chuyện cổ được người xưa viết ra để giáo dục thế hệ trẻ phải biết yêu thương lẫn nhau, ca ngợi những người biết “thương người như thể thương thân” vì những người đó sẽ được xã hội kính nể, quí trọng. Ngược lại, đối với những kẻ chỉ biết lợi dụng, thờ ơ, dửng dưng khi người khác gặp nạn sẽ bị phê phán nghiêm khắc, sau này khi những kẻ đó gặp nạn sẽ không được ai giúp đỡ.

Văn học Việt Nam rất sâu sắc, nhất là đối với truyền thống “thương người như thể thương thân”, khuyên mọi người phải giữ gìn thật kĩ truyền thống này. về phần mình, em sẽ luôn yêu thương mọi người xung quanh, giúp đỡ mọi người để góp phần xây dựng đất nước, giữ gìn và phát triển kho tàng văn học Việt Nam.

--------------------------------------------------------------------

Trên đây VnDoc đã giới thiệu tới các em dàn ý và 14 bài văn mẫu cho đề bài Giải thích câu tục ngữ Thương người như thể thương thân. Chắc hẳn thông qua tài liệu này, các bạn cũng đã nắm được những ý chính cần có trong bài, đồng thời có thêm nhiều lí lẽ dẫn chứng giúp các em xây dựng cho mình bài viết hoàn chỉnh, đạt điểm cao trong các bài thi, bài kiểm tra định kì môn Ngữ văn 7. Chúc các em học tốt. 

Ngoài tài liệu trên, mời các bạn tham khảo thêm các chuyên mục: Soạn bài lớp, Soạn Văn Lớp 7 (ngắn nhất), Giải Vở bài tập Ngữ Văn 7... được cập nhật liên tục trên VnDoc để học tốt Văn 7 hơn. 

Để tiện trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về giảng dạy và học tập các môn học lớp 7, VnDoc mời các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh và các bạn học sinh truy cập nhóm riêng dành cho lớp 7 sau: Nhóm Tài liệu học tập lớp 7. Rất mong nhận được sự ủng hộ của các thầy cô và các bạn.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1.183
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
3 Bình luận
Sắp xếp theo
  • hoa hà
    hoa hà

    dài thế😆

    Thích Phản hồi 27/04/21
    • Phạm Thị Ngọc Anh
      Phạm Thị Ngọc Anh

      Hay quá!!!

      Thích Phản hồi 10/05/22
      • Bé Bông
        Bé Bông

        Nhiều mẫu ghê, chép khỏi sợ trùng rồi 🤣

        Thích Phản hồi 10/05/22
        🖼️

        Gợi ý cho bạn

        Xem thêm
        🖼️

        Văn mẫu lớp 7 Cánh diều

        Xem thêm