Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ (5 mẫu)
Văn mẫu lớp 7: Giải thích câu tục ngữ “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” gồm dàn ý và nhiều bài văn mẫu hay giúp các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.
Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ
- Dàn ý giải thích câu tục ngữ Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ
- Giải thích câu tục ngữ Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ mẫu 1
- Giải thích câu tục ngữ Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ mẫu 2
- Giải thích câu tục ngữ Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ mẫu 3
- Giải thích câu tục ngữ Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ mẫu 4
- Giải thích câu tục ngữ Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ mẫu 5
Dàn ý giải thích câu tục ngữ Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ
1. Mở bài: Giới thiệu câu tục ngữ Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ.
Mẫu: Có rất nhiều câu ca dao, tục ngữ ca ngợi dân tộc ta luôn tự hào là một dân tộc đoàn kết, chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược. Tiêu biểu trong số các câu ca dao tục ngữ ấy là câu “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”.
2. Thân bài:
- Giải thích nghĩa của các vế trong câu tục ngữ: Một con ngựa” đại diện cho một cá nhân, mỗi một con người, “con ngựa đau” chính là biểu tượng cho hoàn cảnh của cá nhân con người đó khi phải đối mặt với những bất hạnh, khó khăn và thử thách trong cuộc sống
- Tình thương giữa con người với nhau và giữa tập thể với cá nhân: Trong một tập thể, có một cá nhân nào đó gặp hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh, những trở ngại khó có thể vượt qua thì luôn có những con người trong tập thể ấy sẵn sàng giúp đỡ, tương trợ để cả nhân vững vàng vượt qua khó khăn
- Tinh thần đoàn kết của dân tộc ta: Bên cạnh đó, câu tục ngữ còn thể hiện và khẳng định rõ tầm quan trọng của tinh thần đoàn kết giữa những con người với nhau. Khi một người gặp khó khăn thì mọi người xung quanh không được phép thờ ơ, hững hờ, mà hãy sẵn sàng quan tâm, sẻ chia và ra tay giúp đỡ.
- Những dẫn chứng chứng minh: Lịch sử đã chứng minh tinh thần đoàn kết của dân tộc ta qua bao cuộc chiến tranh chống quân xâm lược, nhờ có sự đồng lòng của cả dân tộc mà nhân dân ta giữ vững được chủ quyền độc lập dân tộc cho tới hiện tại
3. Kết bài: Khẳng định giá trị câu tục ngữ
Mẫu: Câu tục ngữ “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” đã thể hiện được một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam ta. Thế hệ trẻ chúng ta ngày nay cần gìn giữ và phát huy tốt hơn nữa truyền thống này.
Giải thích câu tục ngữ Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ mẫu 1
Để dạy cho con cháu về truyền thống đoàn kết đáng quý của dân tộc. Ông cha ta đã sáng tạo nên câu tục ngữ “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ.
“Một con ngựa” chỉ một cá nhân riêng biệt, và “cả tàu” chính là một tập thể to lớn. Khi một con ngựa bị ốm, không thể ăn uống, nghỉ ngơi bình thường, thì cả tàu cũng dừng lại, cùng buồn bã, đau khổ chung với chú ngựa kia. Hình ảnh đó ẩn dụ cho sự đoàn kết, cùng nhau gồng gánh, vượt qua khó khăn của mọi người trong một tập thể. Khi một người gặp chuyện khó khăn, mọi người sẽ cùng san sẻ để vượt qua.
Sự đoàn kết là vô cùng quan trọng trong cuộc sống này. Bởi khi chúng ta cùng chung sức với nhau thì sẽ tạo nên nguồn sức mạnh to lớn và vĩ đại hơn rất nhiều. Từ đó, mọi việc khó khăn rồi sẽ được giải quyết. Điều đó được thể hiện rõ qua cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Từ già trẻ lớn bé, ai cũng tham gia chống giặc. Người góp sức, người hiến của. Cả trăm triệu đồng bào cùng nhau chung tay đoàn kết. Nhờ vậy mà một dân tộc nhỏ bé như chúng ta có thể đánh bại hai đế quốc khổng lồ. Đó chính là giá trị to lớn của sự đoàn kết.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, chúng ta vẫn cần phải phát huy, rèn luyện bản thân. Tạo nên sức mạnh và giá trị riêng biệt. Chứ không phải lúc nào cũng chăm chăm vào sức mạnh tập thể, vào sự chia sẻ, hỗ trợ của người khác. Bởi khi mỗi người dân đều tài giỏi, khỏe mạnh, vui vẻ thì cộng đồng mới vững mạnh và phát triển bền chặt được.
Hiện nay, nhân dân ta vẫn phát huy vô cùng mạnh mẽ truyền thống đoàn kết mà cha ông vẫn răn dạy. Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận người dân chưa thực sự thấu hiểu nên nghe lời xúi dục của kẻ khác, lăm le phá vỡ khối đại đoàn kết của dân tộc ta. Thật là đáng xấu hổ.
Là một học sinh, em luôn thấm nhuần bài học đoàn kết. Bài học đó đi từ những câu chuyện, những trang sách ra đến đời thực. Em luôn hòa thuận, yêu thương, giúp đỡ bạn bè, cùng nhau tiến bộ. Đồng thời, em luôn cố gắng học tập, rèn luyện bản thân thật tốt, để có thể cống hiến thật nhiều cho khối đại đoàn kết của dân tộc ta.
Xã hội ngày càng phát triển, nhiều giá trị cũ đã bị thay thế. Tuy vậy, bài học quý giá trong câu tục ngữ Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ mà cha ông để lại, sẽ vẫn còn vẹn nguyên mãi.
Giải thích câu tục ngữ Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ mẫu 2
Kho tàng tục ngữ của nhân dân ta vô cùng phong phú và giàu ý nghĩa. Mỗi câu tục ngữ như một kinh nghiệm đúc kết của nhân dân ta. Chúng ta không thể nào quên những bài học được rút ra từ những câu tục ngữ ấy. Tiêu biểu là câu tục ngữ “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”. Câu tục ngữ ấy thật sự để lại những bài học kinh nghiệm cho ta.
Tác giả dân gian đã ví thật hay để nói lên ý nghĩa của câu nói ấy. Ở đây nói một con ngựa đau thì cả tàu sẽ bỏ cỏ theo. Những con ngựa ấy như cảm thấy thương con ngựa bị đau giống như mình đang bị đau vậy. Một con ngựa là số ít mà làm cho cả một tàu là số nhiều bỏ cỏ thì hẳn là có ý nghĩa. Nói như thế nhằm mục đích gì?. Có thể tạm hiểu ý nghĩa của câu tục ngữ trên là tình thương của những con người với nhau, là sự đoàn kết, quan tâm chăm sóc lẫn nhau. Coi nỗi đau của người khác giống như nỗi đau của chính mình thì mới có thể hiểu được những gì mà họ cần khi ấy. chính vì thế mà đoàn kết, nhân ái, quan tâm chính là ý nghĩa mà câu nó trên muốn nhắc đến. Và đó cũng là một lối sống đẹp của con người Việt Nam nước ta.
Trước hết nó thể hiện khi còn là một đứa nhỏ. Trong suy nghĩ của một đứa trẻ thì chúng như một tờ giấy trắng vậy chính vì thế muốn tô vẽ lên trang giấy trắng ấy như thế nào thì phụ thuộc rất lớn vào những người lớn. Chính vì thế mà khi được dậy dỗ hẳn hoi nó sẽ có một tinh thân quan tâm chăm sóc người khác. Ví dụ đơn giản như trong cuộc sống đứa trẻ ấy gặp thấy những hoàn cảnh khó khăn thì bỗng dưng nó cảm nhận được người đó rất cần được bảo vệ chăm sóc, quan tâm. Một cụ già đi trên đường đất trơn trượt như sắp ngã. Nó sẵn sàng bước đến nắm lấy tay bà mà dắt bà qua những con đường trơn trượt ấy. Quả thật là chỉ đơn giản như thế thôi đã làm cho lòng người ta ấm áp hẳn lên rồi.
Thế rồi khi lớn lên cũng thế, chúng ta không thể nào tách rời công việc cùng những tổ chức tập thể chính vì thế mà chúng ta cũng phải vì mọi người nữa. Khi ấy có biết bao nhiêu là vấn đề xảy ra những người trong cùng một tập thể bị xỉ nhục thì chính những người trong tập thể đó cũng cảm thấy đau, thấy chán không muốn làm gì, không thiết ăn uống nữa. Hay trong một gia đình. Nếu như có một người bị thương, bị đau hay tai nạn thì làm sao những người làm bố làm mẹ có thể yên tâm ngồi ở nhà nuốt cơm không lo được cơ chứ. Chưa cần biết như thế nào mà chỉ cần biết rằng khi ấy thật sự không còn bụng dạ nào mà ăn cơm hay làm bất cứ một việc gì cả. Tất cả suy nghĩ tâm hồn đều hướng đến người con bị đau ấy. Đó chẳng phải là “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”.
Hay khi người trong một nước cũng rất cần đức tính ấy thì mới có thể trải qua biết bao nhiêu khó khăn bom đạn để dành lại hòa bình độc lập được.
Qua đây ta thấy câu “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” thật sự rất có ý nghĩa và mang tính răn dạy cao. Như thế chúng ta hãy phát huy hết tinh thần đoàn kết, yêu thương chăm sóc quan tấm ấy. Nó không có phạm vi mà nó có không có giới hạn.
Giải thích câu tục ngữ Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ mẫu 3
“Lá lách đùm lá rách”, “Lá rách ít đùm lá rách nhiều”… Truyền thống tương thân tương ái giúp đỡ lẫn nhau những lúc khó khăn hoạn nạn của dân tộc ta xuất phát từ tình thương, niềm đồng cảm, biết lo lắng cho nhau giữa những người trong cùng một gia đình, một tập thể. Cha ông ta từng nói: “Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ” cũng mang hàm nghĩa ấy.
Trong câu tục ngữ “Một ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”, “tàu” chỉ máng đựng thức ăn trong chuồng ngựa, cũng dùng để gọi chuồng ngựa. Ngựa là một loài vật phải lao động nặng, có nhu cầu sử dụng lượng thực nhiều. Nhưng khi “một con ngựa đau” mà “cả tàu không ăn cỏ” điều đó cho thấy cả đàn ngựa cũng buồn bã, không thiết đến việc ăn uống, không để ý đến sức khỏe của chính bản thân mình.
Câu tục ngữ mang hàm ý rất sâu sắc: khi trong gia đình, trong tập thể có một người gặp chuyện không may thì những người còn lại cũng lo lắng không yên. Câu tục ngữ này đã phản ánh rất trung thực đời sống tinh thần tình cảm biết quan tâm, chia sẻ những buồn vui nỗi buồn của người Việt Nam. Điều đó được thể hiện rất rõ trong đời sống hàng ngày.
Trong gia đình mỗi chúng ta, khi có người bị ốm, những thành viên khác cũng rất lo lắng, bồn chồn. Bạn có nhớ lần bạn bị ốm, mẹ đã thức suốt đêm để chăm cho bạn ngủ, mẹ thay khăn chườm, mẹ đắp lại chăn… Bố cũng ăn cơm không ngon, người đi công tác mà liên tục gọi điện về hỏi thăm tình hình của bạn. Bạn cũng chẳng thể nào quên ngày bố đi công tác xa vào đúng đợt rét tăng cường. Mẹ nghe dự báo thời tiết mà đứng ngồi không yên vì bố chủ quan không mang áo rét. Bạn cũng vì thế mà bồn chồn đi lại…
Trong lớp học của chúng ta cũng vậy. Khi có một bạn bị ốm phải nghỉ học, các bạn khác chợt thấy thiếu vắng mà lòng nao nao buồn. Sau buổi học, ai cũng cố sắp xếp thời gian đi thăm bạn. Lại nữa, nếu trong lớp học có bạn có hoàn cảnh gia đình khó khăn thì lớp chắc chắn sẽ có một quỹ khuyến học để động viên, giúp đỡ bạn trong đời sống sinh hoạt.
Không chỉ vậy, tấm lòng đồng cảm sẻ chia với những người có hoàn cảnh bất hạnh không bó hẹp trong một gia đình, một lớp học mà lan rộng trong cộng đồng xã hội. Những em bé lang thang cơ nhỡ, những cụ già không nơi nương tựa, những trẻ em tật nguyền, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn… khiến trái tim của bao người rung lên thương cảm. Biểu hiện sinh động của những tấm lòng nhân ái là sự phát triển của những hoạt động từ thiện. Ta có thể kể đến quỹ “Vì người nghèo”, quỹ ủng hộ nạn nhân chất độc màu da cam, quỹ ủng hộ trẻ em nghèo hiếu học… Như vậy, không chỉ một nhóm, một tập thể mà cả cộng đồng xã hội đã quan tâm, chia sẻ với nỗi đau của những người bất hạnh.
Giải thích câu tục ngữ Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ mẫu 4
Tình thương giữa con người với nhau là tiền đề tạo nên sự gắn bó lâu dài và sâu sắc. Đây chính là nền tảng để duy trì và phát triển hơn nữa sự quan tâm, lắng nghe và chia sẻ. Cha ông ta vẫn thường bảo rằng tình yêu có thể làm xoa dịu nhiều nỗi đau, nỗi buồn. Câu tục ngữ “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” đã nói lên sự quan tâm, chia sẻ, cảm thông đối với người khác. Đây là truyền thống mà người đời đi trước vẫn khuyên răn con cháu đời sau nên nhớ về.
Câu tục ngữ “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” vừa nói lên tình nhân ái, tình yêu thương vừa nói đến sự đoàn kết trong một tập thể. Bởi tập thể được tạo nên, được gắn kết từ nhiều cá nhân. Và cá nhân chính là những mắt xích móc nối trở thành một tập thể vững mạnh.
Dân gian đã khéo kéo khi mượn hình ảnh con ngựa đau để nói đến mối quan hệ giữa con người với nhau trong xã hội hiện nhau. Khi một con ngựa bị “đau” do ốm, do ngã hay do lí do gì đó thì những con ngựa khác trong chuồng đó cũng “đau”, cũng “bỏ cỏ”. Đây là nghĩa tường minh của câu tục ngữ. Còn ý nghĩa hàm ý ẩn chứa sau từng câu, từng chữ. Không hẳn dân gian xưa chỉ nhắc đến con ngựa đơn thuần như thế. Cha ông ta còn muốn nói đến con người. Khi có một cá nhân trong tập thể gặp hoạn nạn, gặp tai ương, khó khăn hay đau ốm gì thì đều ảnh hưởng đến tâm lí của những người khác. Họ sẽ lo lắng, sẽ bất an, sẽ cùng động viên và chia sẻ với cá nhân đó để vượt qua hoàn cảnh và hướng về phía trước.
Như vậy câu tục ngữ trên nhằm nó đến tình yêu thương, tấm lòng nhân ái giữa những con người cùng chung sống trong một môi trường. Sự tương thân tương ái đó sẽ tạo nên sự vững chắc và bền vững giúp duy trì những mối quan hệ đó lâu dài hơn.
Thật vậy, trong cuộc sống của chúng ta không phải lúc nào cũng suôn sẻ, cũng theo dòng nước chảy trôi. Trước mặt sẽ còn gặp nhiều khó khăn và thử thách. Nhưng lúc đó nếu có những người khác sẵn sàng ở bên và giúp đỡ thì thật tốt biết bao. Đây cũng chính là một biểu hiện sâu sắc nhất của tình thương, lòng nhân ái.
Trong một lớp học, có một bạn bị ốm suốt một tuần liền không đi học được. Những bạn khác trong lớp đến tận nhà thăm hỏi, động viên; có bạn còn chép bài lại cho bạn, có bạn còn giúp bạn làm bài tập. Những biểu hiện này tuy rất nhỏ nhặt nhưng đã nói lên được tình yêu thương, chia sẻ và giúp đỡ nhau.
Xã hội đang cần lắm rất nhiều tấm lòng có tình yêu thương, sự chia sẻ, cảm thông sâu sắc. Bởi mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn khi được chia sẻ, được giãi bày và được giúp đỡ.
Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn có không ít người sống ít kỉ, chỉ biết nghĩ đến bản thân mình. Ví dụ như câu tục ngữ “Đèn nhà ai người ấy rạng”. Đây chính là lối sống chỉ biết mình rất đáng lên án, trái ngược với tinh thần đồng cam cộng khổ nói trên.
Câu tục ngữ “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” đã nhắc nhở chúng ta hãy sống có tình có nghĩa, tương thân tương ái giúp đỡ lần nhau cùng sống, cùng phát triển. Tình yêu thương sẽ làm tốt đẹp hơn rất nhiều mối quan hệ trong xã hội.
Giải thích câu tục ngữ Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ mẫu 5
Tinh thần yêu thương một tổ chức một cộng đồng hay nói rộng ra là toàn xã hội là một trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Bàn về vấn đề này có rất nhiều câu ca dao khuyên con người phải yêu thương giúp đỡ lẫn nhau để cùng vượt qua mọi khó khăn gian khổ. Vấn đề ấy được nhắc đến thường xuyên qua lời dạy dỗ của cha mẹ thầy cô từ khi chúng ta còn rất nhỏ qua câu tục ngữ “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”.
Trước hết chúng ta cần phải hiểu câu tục ngữ có ý nghĩa như thế nào. Con ngựa là một loài động vật có sức khỏe, là một loại động vật ăn rất nhiều. Còn “tàu” là cái máng lợn hoặc là chuồng ngựa. Ở đây tàu có nghĩa là một chuồng ngựa. Câu tục ngữ có nghĩa là khi một con ngựa trong đàn mà bị ốm không ăn được thì cả đàn ngựa đó cũng không muốn ăn gì cả mà chăm sóc con ngựa bị ốm để nó mau chóng khỏi bệnh khỏe để cùng chơi đùa với chúng. Dân gian đã mượn hình ảnh một con vật nuôi ở đây là con ngựa một con vật vốn thân thiết với con người để nói đến một vấn đề sâu sắc về con người “Một con ngựa đau” hàm ý chỉ sự hoạn nạn khó khăn của một cá thể còn “cả tàu bỏ cỏ” thể hiện sự sẻ chia của cả một đồng loại. Câu thành ngữ đã nói lên sự sẻ chia khi gặp khó khăn hoạn nạn tinh thần tương ái của cộng đồng luân quan tâm của một tập thể đến một cá thể trong xã hội.
Trong cuộc sống ai cũng có lúc gặp phải những khó khăn hoạn nạn trong cuộc sống. Trước hết đó là trong một tập thể, đó là sự quan tâm chăm sóc đến nhau của một tập thể đối với một cá nhân. Đó là mối quan tâm của cha mẹ của anh chị em đối với ta khi ta gặp khó khăn trong cuộc sống. Đó chỉ cần là những lời động viên an ủi thôi cũng khiến cho chúng ta ấm lòng cảm thấy tự tin hơn và dường như những nỗi khó khăn cũng được voi khi phần nào. Đó cũng là sự quan tâm của một tập thể lớp đối với một bạn trong lớp khi bạn ấy gặp khó khăn trong gia đình hay những chuyện trong cuộc sống
Trong kho tàng ca dao dân ca Việt Nam ta cũng bắt gặp không ít những câu tục ngữ, ca dao như thế. Đó là: “Lá lành đùm lá rách”, “Thương người như thể thương thân”.
Hay:
“Nhũ điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng”
Qua đó ta mở rộng vấn đề ra một vấn đề rộng lớn hơn. Đó chính là sự đoàn kết trong cả một cộng đồng một xã hội, ý thức đoàn kết cả một xã hội lại với nhau chứ không dừng lại ở một tập thể. Đó là truyền thống quý báu của dân tộc ta, người Việt Nam ta từ xưa đến nay đã biết rất rõ ý nghĩ của câu ca dao này. Nhưng với một lớp nghĩa rộng hơn thì đã là con người thì ai cũng cần có một cuộc sống hạnh phúc, tốt đẹp vì thế việc chia sẻ những gì mình có thật sự rất quan trọng trong cuộc sống để có thêm nhiều niềm vui hơn và để bớt đi những giọt nước mắt rơi xuống.
Con người cần phải yêu thương nhau bởi một dân tộc nếu không hòa nhập với cộng động với xã hội thì cũng như là người đó không tồn tại trong xã hội. Con người sống một mình luôn cô đơn không tìm được ý niệm của cuộc sống và thật tẻ nhạt khi ta không thể sẻ chia cùng ai đó một niềm vui to lớn của cuộc đời hay những nỗi buồn không biết san sẻ cùng ai. Khi đó cũng rất cần cố kết cộng đồng cùng nhau xây dựng xã hội. Tình cảm cộng đồng sẽ tạo nên một sức mạnh to lớn về cả vật chất và tinh thần khiến con người vượt qua bao khó khăn chiến thắng kẻ thù và hướng tới cuộc sống ấm no hạnh phúc. Những hành động nhỏ giúp đỡ mọi người khiến chúng ta cảm thấy ấm lòng hơn trong những ngày đông giá rét xua tan đi mọi lo lắng phiền muộn khiến ta yêu thương cuộc đời yêu thương con người hơn và điều đó thật đáng quý biết bao. Bên cạnh đó ta cũng cần phê phán thói dửng dưng trước những nỗi đau của người khác. Ta cũng thấy thật thất vọng khi gần đây đức tính đoàn kết yêu thương cộng đồng của nhân dân ta ngày càng xuống dốc. Đó là thái độ thờ ơ mỗi khi những người gặp tai nạn giữa đường. Họ không những không giúp đỡ như gọi một cú điện thoại cho xe cấp cứu mà còn túm năm tụm ba người chụp ảnh người quay phim người bàn tán. Đó là một bộ phận nhở những người dân hiện nay có tư tưởng “đèn nhà ai nhà nấy rạng” Tinh thần đoàn kết đã được đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhìn nhận một cách rất rõ nét “nhân dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay mỗi khi tổ quốc bị xâm lăng tinh thần ấy lại sôi nổi nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ to lớn nó lướt qua mọi nguy hiểm khó khăn nó nhấn chìm cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. Hưởng ứng phong trào đại đoàn kết dân tộc của Bác của đảng chúng ta hãy cùng nhau giúp đỡ những người xung quanh mình dù là những việc nhỏ nhất.
Câu tục ngữ “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” mãi là một lời dạy bảo triết lí đối với chúng ta. Câu tục ngữ khuyên chúng ta hãy luôn quan tâm yêu thương đối với những người xung quanh và cao hơn đó chính là ý thức đoàn kết cố kết lịa cộng đồng.
---------------------------------------------------
Trên đây VnDoc hướng dẫn các bạn dàn ý cùng 3 bài Văn mẫu lớp 7: Giải thích câu tục ngữ “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”. Hy vọng tài liệu sẽ giúp các em hiểu hơn về ý nghĩa câu tục ngữ này, và có thêm nhiều ý tưởng để xây dựng cho mình bài viết hay và hoàn chỉnh để đạt điểm cao trong các bài kiểm tra Ngữ văn sắp tới. Ngoài ra các bạn có thể soạn bài Ngữ văn 7 được VnDoc sưu tầm, chọn lọc để học tốt môn Ngữ văn 7.
Mời các bạn tham khảo thêm:
- Giải thích câu tục ngữ “Người ta là hoa đất”
- Chứng minh ý kiến của Hoài Thanh: Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có, luyện những tình cảm ta sẵn có
- Dàn ý giải thích ý nghĩa câu tục ngữ Lá lành đùm lá rách
- Đề cương ôn tập Ngữ văn 7 học kì 2 năm học 2019 - 2020
- Bộ đề thi học kì 2 lớp 7 môn Ngữ văn có đáp án năm học 2019 - 2020
- Đề kiểm tra cuối học kì 2 môn Ngữ văn 7 năm học 2019 - 2020
- Đề thi học kì 2 lớp 7 môn Văn trường THCS Phúc Chu, Thái Nguyên năm học 2019 - 2020
- Đề thi học kì 2 lớp 7 môn Ngữ văn Phòng GD&ĐT Vĩnh Bảo, Hải Phòng năm 2019 - 2020
Để tiện trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về giảng dạy và học tập các môn học lớp 7, VnDoc mời các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh và các bạn học sinh truy cập nhóm riêng dành cho lớp 7 sau: Nhóm Tài liệu học tập lớp 7. Rất mong nhận được sự ủng hộ của các thầy cô và các bạn.