Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Nghị luận về bài thơ Cảnh khuya của chủ tịch Hồ Chí Minh

Văn mẫu lớp 7: Nghị luận về bài thơ Cảnh khuya của chủ tịch Hồ Chí Minh dưới đây được VnDoc.com tổng hợp và sưu tầm gồm các bài văn mẫu lớp 7 hay cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra môn Ngữ văn 7 sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

Nghị luận tác phẩm Cảnh khuya mẫu 1

Hồ Chí Minh người cha già kính yêu của dân tộc ta, Bác không chỉ là vị lãnh tụ của đất nước Việt Nam mà còn là một danh nhân văn hóa thế giới, một nhà thơ lớn của nền văn học nước nhà. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác đã sáng tác bài “Cảnh khuya”, một bài thơ bức tranh thiên nhiên trong đêm khuya.

Bài thơ “Cảnh khuya” được Hồ Chí Minh sáng tác năm 1947, những năm thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đó là khoảng thời gian rất khó khăn và vất vả đối với cách mạng nước ta, Bác viết trong thời gian hoạt động cách mạng tại chiến khu Việt Bắc, qua đó cũng vẽ lên bức tranh thiên nhiên Pác Pó trong đêm khuya rất sống động và hữu tình:

Tiếng suối trong như tiếng hát xa

Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa

Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà

Hai câu thơ đầu tiên được Người miêu tả một khung cảnh thiên nhiên đầy sinh động, và cũng thật mơ mộng, một sự kết hợp hài hòa, giữa cảnh vật và ánh trăng.

Tiếng suối trong như tiếng hát xa

Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa

Trong không gian thanh tĩnh của đêm khuya, tiếng suối chảy róc rách được tác giả ví như tiếng hát rất trong trẻo và bình lặng, sử dụng nghệ thuật so sánh làm tăng thêm sự du dương của tiếng suối, cảnh vật vì thế mà cùng hòa nhịp đung đưa theo tiếng suối. Hình ảnh ánh trăng được xuất hiện trong bài hòa vào với những cây cổ thụ, với những bông hoa. Từ “lồng” biểu thị cho sự đan xen, hòa hợp với nhau, ánh trăng soi xuống những cây cổ thụ, bóng trăng lại hòa quyện cùng hoa tạo nên một khung cảnh thiên nhiên đầy thơ mộng. Đưa người đọc đến với những cảm xúc yên tĩnh, đầy ý thơ.

Khung cảnh như vậy làm sao mà tác giả có thể hờ hững được, trong đêm khuya khi Bác vẫn còn đang làm việc, thiên nhiên mộng ảo như vậy khiến Người tạm gác công việc sang một bên để bước ra ngắm cảnh khuya nhiều sức hút như vậy, khung cảnh được Hồ Chí Minh thu trọn trong tầm mắt, vẽ lên cảnh thiên nhiên thật đẹp như tranh vẽ.

Hình ảnh ánh trăng hiện lên kết hợp với cảnh vật cho thấy tâm hồn một tình yêu dành cho thiên nhiên của Bác Hồ, ánh trăng chính là người bạn tri kỉ của Người cứ như nó soi sáng cùng Bác trong đêm khuya, khiến cho cảnh vật dưới ánh trăng cũng có thêm nhịp sống.

Một sáng tác của Bác cũng nói lên được cảnh đẹp của đêm khuya nhưng Bác lại ngắm từ trong một không gian khác đó là bài ngắm trăng có đoạn:

Trong tù không rượu cũng không hoa

Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ…

Bên cạnh những phong cảnh thiên nhiên đó chính là một tấm lòng yêu nước sâu sắc của Bác Hồ.

Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà

Người miêu tả cảnh khuya như được vẽ ra, nó quá thơ mộng, thiên nhiên trước mắt thật kì diệu khiến Người phải thốt lên, sử dụng phép so sánh như vậy càng tăng thêm sự ma mị của bức tranh thiên nhiên, lúc đó người chưa ngủ được, không ngủ vì Bác còn phải làm việc, lo việc nước việc quân, lúc đó đang diễn ra kháng chiến, Bác là một vị lãnh đạo nhân dân ta đấu tranh đòi lại quyền tự do, độc lập. Mang trên vai một trọng trách rất lớn và nặng nề, vì vậy Người “chưa ngủ vì lo” lo cho anh em đồng chí đồng đội, lo cho nước nhà bao giờ mới hòa bình, Bác trằn trọc cả đêm làm sao ngủ được.

Trong cảnh đêm khuya cùng với ánh trăng và tiếng suối văng vẳng cùng tâm trạng đầy lo âu, phiền muội khiến. Tất cả mọi thứ kết hợp với nhau một cách rất tự nhiên và khăng khít. Thể hiện một tình cảm với thiên nhiên, một tâm hồn nhạy cảm và sâu lắng, lòng yêu nước sâu lặng, một tâm trạng mênh mông đều được tác giả khắc họa một cách rõ nét trong bài thơ.

Bài thơ viết theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt cực hay, có thể nói bài thơ “cảnh khuya” là một trong những bài thơ viết về ánh trăng cực hay trong cuộc đời sáng tác nghệ thuật của Bác.

Bằng sự kết hơp giữa cổ điển và hiện đại Hồ Chí Minh tạo nên một cảnh khuya rất sống động nhưng cũng đầy thơ mộng, đồng thời cũng thể hiện nỗi lòng của một người chiến sỹ, một vị lãnh đạo lo cho việc nước nhà, cảnh trăng đêm khuya thật đẹp và đầy sáng tạo trong hoạt động sáng tác của Người.

Nghị luận tác phẩm Cảnh khuya mẫu 2

Trong thơ văn xưa nay, hình ảnh ánh trăng vốn đã trở nên thân thuộc, thậm chí nó đã trở thành một nguồn cảm hứng lớn để các nhà văn, nhà thơ chắp bút, thổi hồn vào các tác phẩm nghệ thuật. Cũng viết về đề tài tưởng chừng đã quá quen thuộc đó nhưng ánh trăng trong thơ của Hồ Chí Minh lại hiện lên với một diện mạo, với một màu sắc và trạng thái hoàn toàn mới mẻ. Cũng có lẽ vì vậy mà Bác tạo ra sự khác biệt với các tác phẩm thơ văn đương thời và tạo cho tác phẩm của mình một sức hút độc đáo riêng. Bài thơ “Cảnh khuya” là một trong những bài thơ mà Hồ Chí Minh lấy cảm hứng từ ánh trăng, và ta cũng thấy được những sáng tạo, mới vẻ về hình ảnh ánh trăng qua bài thơ này.

Bài thơ Cảnh khuya sáng tác năm 1947, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang gặp rất nhiều những khó khăn. Do đó, bài thơ không chỉ đơn thuần là khắc họa lại khung cảnh đêm khuya mà Người đón nhận mà qua đó còn có những cảm xúc, những nỗi niềm sâu sắc của Bác, một vị lãnh tụ vĩ đại, hết lòng vì dân vì nước. Điều đặc biệt là cảm hứng lãng mạn được hòa quyện làm một với tình yêu nước, khiến cho bài thơ trở nên sinh động, hấp dẫn đối với độc giả. Qua hai câu thơ đầu tiên, khung cảnh đêm khuya ở núi rừng Việt Bắc hiện lên rực rỡ, sinh động đến từng chi tiết:

“Tiếng suối trong như tiếng hát xa

Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa”.

Khung cảnh mà Hồ Chí Minh gợi ra với đầy đủ cả màu sắc và âm thanh, kích thích đối với nhiều giác quan của con người. Trước hết đó chính là âm thanh tiếng suối róc rách chảy trong đêm “Tiếng suối trong như tiếng hát xa”. Nhưng qua câu thơ, người đọc có thể cảm nhận được âm thanh tiếng suối này thật đặc biệt, nó không ồn ào, huyên náo như những âm thanh tiếng suối thông thường, khi nước chảy róc rách qua những mỏm đá. Âm thanh tiếng suối trong bài thơ của Bác như gần mà lại như xa, có lúc cảm nhận được rõ rệt nhưng cũng có lúc xa dần tựa như một bản nhạc lúc trầm lúc bổng. Ở đây Bác ví tiếng suối đêm như tiếng “hát xa” trong trẻo, ngân vang bao trùm không gian núi rừng, làm cho không gian tĩnh lặng, tịch mịch của đêm khuya trở nên sinh động, làm cho lòng người trở nên xao xuyến.

cảnh khuya

Không chỉ có âm thanh đặc biệt của núi rừng, của dòng suối mà hình ảnh đêm khuya cũng thật thi vị, gợi cảm “Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa”. Hình ảnh hiện lên thật ấn tượng, đó là sự hòa quyện giữa hình ảnh ánh trăng của thiên nhiên, vũ trụ hòa hợp, giao thoa với hình ảnh cây cổ thụ, hình ảnh hoa của núi rừng Việt Bắc. Dưới ánh trăng đêm, cảnh vật được bao phủ bởi tầng ánh sáng mỏng manh mà thanh khiết, ánh sáng ấy bao trùm lên cây cổ thụ tạo ra những đốm sáng tối trên mặt đất. Và như vô tình hình ảnh ánh trăng, cổ thụ lại cùng nhau giao hòa, bao chứa hình ảnh bông hoa, sự hòa hợp tự nhiên đến tuyệt mĩ. Đó chính là sự giao giữa những hiện tượng sự vật ngỡ như không liên quan, nhưng khi hòa hợp lại thống nhất đến thú vị.

“Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”

Nếu như hai câu thơ đầu, Hồ Chí Minh mô tả lại không gian thiên nhiên núi rừng lúc đêm khuya, cũng là xuất phát từ tâm hồn của một thi sĩ nhiều rung động tinh tế, nhạy cảm trước cái đẹp. Thì hai câu thơ sau lại hiện lên chân dung của một người chiến sĩ cách mạng Hồ Chí Minh với nỗi suy tư, lo lắng về vận mệnh, tương lai của đất nước, của dân tộc. “Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ”, ở câu thơ này ta có thể thấy Người đã tự phác họa chân dung mình một cách trực tiếp. Không gian tuy đã về khuya nhưng Người vẫn chưa ngủ cũng là chưa thể ngủ, thao thức suốt đêm khuya bởi mang trong lòng những suy tư, sầu muộn. Và nguyên nhân của những lo lắng, suy tư này được Hồ Chí Minh lý giải ở ngay câu thơ cuối của bài thơ.

“Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”, vậy là ở đây Người hiện lên không phải tư cách của một thi sĩ mà hiện lên là một người chiến sĩ cách mạng thực sự. Đặt câu thơ vào cảnh thực tại của đất nước lúc bấy giờ, ta có thể thấy vận nước đang gặp rất nhiều khó khăn, khi thực dân Pháp ráo riết thực hiện mưu đồ xâm lược của mình. Trước vận nước đang ở tình thế hiểm nguy, cách mạng đứng trước muôn vàn khó khăn, Người không thể ngủ, Người luôn mang trong mình những trăn trở, băn khoăn về đường hướng, về con đường mà cách mạng sẽ đi. Qua câu thơ ta có thể cảm nhận được ý thức sâu sắc của Người trước vận nước, vì yêu nước, thương dân nên mọi bước đi đều được Bác suy xét nghiêm túc, cẩn trọng. Và cũng nhờ con người tuyệt vời đó mà Cách mạng Việt Nam đi hết từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Như vậy, bài thơ “Cảnh khuya” được bao trùm giữa hai nguồn cảm hứng chính, đó là cảm hứng lãng mạn và cảm hứng thế sự. Bài thơ vẽ ra khung cảnh thiên nhiên của núi rừng Việt Bắc lúc đêm khuya với vẻ hoang sơ, hùng vĩ mà rất đỗi thi vị, lãng mạn. Và đó cũng là bức chân dung chân thực nhất, đẹp đẽ nhất của người cha già dân tộc, suy tư, trăn trở về việc nước, vận nước, về tương lai của dân tộc. Một người chiến sĩ cách mạng điển hình, luôn dùng hết tình yêu, tâm lực, sức lực để dâng hiến cho dân tộc.

......................

Ngoài Nghị luận về bài thơ Cảnh khuya của chủ tịch Hồ Chí Minh, mời các bạn tham khảo thêm Soạn văn 7 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 7.

Các bài liên quan đến tác phẩm:

Chia sẻ, đánh giá bài viết
20
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Văn mẫu lớp 7 Cánh diều

    Xem thêm