Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Nghị luận xã hội: Bàn về tính nóng nảy

Văn mẫu lớp 9: Nghị luận xã hội: Bàn về tính nóng nảy bao gồm dàn ý và các bài văn mẫu hay cho các em học sinh tham khảo, có thêm nhiều ý tưởng xây dựng bài viết hay, hoàn chỉnh, đạt điểm cao trong các bài kiểm tra Văn 9 sắp tới.

Dàn ý Nghị luận xã hội bàn về tính nóng nảy

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: tính nóng nảy. (Một trong những tính xấu gây ảnh hưởng, cản trở rất nhiều đến sự phát triển của con người chính là tính nóng nảy).

Lưu ý: Học sinh lựa chọn cách viết mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp tùy theo năng lực của bản thân.

2. Thân bài

a. Giải thích

Tính nóng nảy: là sự phản ứng mạnh mẽ, có phần thái quá, không kiểm soát được hành động của con người gây ra những sự tiêu cực, sai lầm đứng trước sự việc mà họ cho là sai trái và ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân.

b. Phân tích

Tính nóng nảy xuất phát từ bản chất của con người: những người nóng nảy thường hiếu thắng, muốn dành phần thắng về mình. Đôi lúc, tính nóng nảy xuất phát từ việc người đó phải chịu quá nhiều áp bức dẫn đến cảnh “tức nước vỡ bờ”.

Tính nóng nảy gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc: rạn nứt mối quan hệ, bị người khác xa lánh, né tránh, gây cho người khác sự sợ hãi,…

Để kiềm chế tính nóng nảy, mỗi khi rơi vào hoàn cảnh éo le hoặc trong mỗi cuộc tranh luận chúng ta nên chọn cách im lặng, rời đi nơi khác. Sau khi đã bình tĩnh, nghĩ ra cách giải quyết mới quay lại.

c. Chứng minh

Học sinh tự lấy dẫn chứng để minh họa cho bài làm văn của mình.

Lưu ý: dẫn chứng phải xác thực, tiêu biểu, được nhiều người biết đến.

d. Phản biện

Trong xã hội cũng có nhiều người luôn bình tĩnh, suy nghĩ thấu đáo và biết kiềm chế bản thân, những người này thường tự giải quyết được vấn đề của họ êm đẹp và được mọi người yêu quý, kính trọng.

3. Kết bài

Khẳng định lại tác hại của tính nóng nảy đồng thời liên hệ bản thân, rút ra bài học.

Nghị luận xã hội bàn về tính nóng nảy mẫu 1

Trên chặng đường hoàn thiện bản thân mình, con người cần phải học hỏi và rèn luyện cho bản thân mình nhiều đức tính tốt đẹp khác nhau để trở thành người công dân tốt cho xã hội. Một trong những đức tính tốt đẹp mà ta cần rèn luyện là kiên nhẫn, điềm tĩnh để kiềm chế tính nóng nảy. Tính nóng nảy chính là sự phản ứng mạnh mẽ, có phần thái quá, không kiểm soát được hành động của con người trong lúc tức giận, từ đó gây ra những hậu quả tiêu cực, sai lầm cho chính bản thân mình và cho người khác. Nóng nảy là một tính xấu mà chúng ta cần bài trừ khỏi cuộc sống. Người xưa thường nói: “giận quá mất khôn”, con người khi nóng nảy sẽ không làm chủ, điều khiển được hành vi của mình, sẽ không đưa ra được những lựa chọn sáng suốt nhất, tốt đẹp nhất để xử lí tình huống, ngược lại còn gây ra những hậu quả tiêu cực vô cùng nặng nề. Người nóng nảy thường không để ý tới chân lí, lẽ phải mà coi thường tình người, gây ra ẩu đả, xung đột với những người xung quanh. Đa số các vụ ẩu đả, bạo lực đều xảy ra có nguyên nhân bắt nguồn từ sự nóng nảy của những người trong cuộc. Hậu quả của tính nóng nảy vô cùng nặng nề, nó làm cho mối quan hệ của con người rạn nứt, làm cho người khác bị tổn thương và làm cho chính bản thân người nóng nảy ấy luôn trong trạng thái khó chịu. Để hạn chế được tính nóng nảy cũng như bài trừ nó ra khỏi cuộc sống, trước hết mỗi người cần có ý thức rèn luyện cho bản thân mình những đức tính tốt đẹp, biết điềm tĩnh trước mọi hoàn cảnh, biết đặt mình vào vị trí của người khác để suy ngẫm cũng như biết lường trước những hậu quả có thể xảy ra nếu mình nóng nảy. Nói đi cũng phải nói lại, trong cuộc sống cũng có nhiều tấm gương điềm đạm, biết bình tĩnh trước nhiều tình huống, hoàn cảnh éo le để giữ cho bản thân mình trạng thái cân bằng cũng như không gây ra tổn thương cho người khác. Cuộc sống vốn dĩ ngắn ngủi, hãy hoàn thiện bản thân, cống hiến những điều tốt đẹp cho cuộc đời cũng như kiềm chế sự nóng nảy của chính mình.

Nghị luận xã hội bàn về tính nóng nảy mẫu 2

Mỗi con người khi sinh ra mang những đặc điểm và tính cách khác biệt. Khi chúng ta lớn, ta có thể rèn luyện cho bản thân mình những đức tính tốt đẹp để trở thành một công dân tốt, trong đó, ta cần tránh xa tính nóng nảy.

Tính nóng nảy là sự phản ứng mạnh mẽ, có phần thái quá, không kiểm soát được hành động của mình trong một hoàn cảnh, một tình huống nhất định gây ra những sự tiêu cực, sai lầm không đáng có mà ta cho là sai trái và ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân. Đây là một tính xấu gây ảnh hưởng đến con người và những mối quan hệ xung quanh mà ta nên tránh.

Tính nóng nảy xuất phát từ bản chất của con người: những người nóng nảy thường hiếu thắng, muốn dành phần thắng về mình. Đôi lúc, tính nóng nảy xuất phát từ việc người đó phải chịu quá nhiều áp bức dẫn đến cảnh “tức nước vỡ bờ”. Tính nóng nảy gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc cho chúng ta như: rạn nứt mối quan hệ, bị người khác xa lánh, né tránh, gây cho người khác sự sợ hãi,… Để kiềm chế tính nóng nảy, mỗi khi rơi vào hoàn cảnh éo le hoặc trong mỗi cuộc tranh luận chúng ta nên chọn cách im lặng, rời đi nơi khác. Sau khi đã bình tĩnh, nghĩ ra cách giải quyết mới quay lại.

Tuy nhiên, trong xã hội cũng có nhiều người luôn bình tĩnh, suy nghĩ thấu đáo và biết kiềm chế bản thân, những người này thường tự giải quyết được vấn đề của họ êm đẹp và được mọi người yêu quý, kính trọng. Đây là những tấm gương sáng mà mỗi chúng ta cần học tập và noi theo.

Không một ai là hoàn hảo, nhưng khi mỗi chúng ta hướng đến sự hoàn hảo và biết thay đổi bản thân mình theo chiều hướng tích cực, ta sẽ đạt được những gì mà bản thân mình mong muốn. Rèn luyện tính cách và nhân phẩm là việc chúng ta cần học mỗi ngày, chính vì vậy, ngay từ hôm nay, chúng ta hãy cố gắng trở thành một con người có ích.

Nghị luận xã hội bàn về tính nóng nảy mẫu 3

Bạn đã nhìn thấy kẻ nóng nảy một lần nào chưa? Bạn đã chứng kiến một sự việc, vụ việc do kẻ nóng nảy gây ra chưa? Nóng nảy là một tính xấu. Kẻ nóng nảy không được ai ưa, thậm chí bị mọi người ghét, không ai muốn tiếp xúc với kẻ nóng nảy.

Nóng nảy là thiếu bình tĩnh trong quan hệ đối xử, dễ nổi nóng, dễ bất bình, dễ có phản ứng dữ dội, gay gắt, thường gây ra nhiều chuyện đáng trách, đáng tiếc. Có câu ví mà nhiều người hay nhắc đến: “Nóng như Trương Phi”.

Kẻ nóng nảy do bản tính xấu. Lúc tranh luận thì mặt đỏ tía tai, thái độ hung hăng, dữ tợn, nói to, hay quát nạt, chân tay múa may. Kẻ nóng nảy rất hiếu thắng, cãi nhau tay đôi mà rơi vào thế bí thì dùng lí sự cùn, dùng lời lẽ thô lỗ, cục cằn, để áp chế, để đe nạt, đe dọa. Kẻ nóng nảy thường ăn nói tục tĩu, nếu có việc gì mà không bằng lòng, hài lòng thì hắn ta chửi mắng, và gây sự đánh nhau!

Kẻ nóng nảy không để ý tới chân lí, coi thường tình người, luôn gây ra ẩu đả, xung đột. Mọi chuyện bạo hành, bạo lực xảy ra trong gia đình, ngoài xã hội đều do kẻ nóng nảy gây ra.

Học sinh đánh bạn bị thương, đánh bạn bị chết, kéo bè kéo cánh chửi bới lẫn nhau, gây ra bao chuyện đau lòng cho cha mẹ, cho các thầy cô giáo mà báo chí và dư luận chê trách, lên án đều do học sinh hư, học sinh cá biệt gây ra. Có thể có nhiều nguyên nhân, nhưng một phần lớn do kẻ nóng nảy, kẻ “mất dạy” gây ra và cầm đầu.

Bố mẹ nóng giận mà chửi mắng, đánh đập con cái là điều không nên. Vợ chồng nóng giận, anh em bất hoà mà chửi bới nhau, đánh đập nhau, gây ra chuyện đau lòng là chuyện xấu. Có thầy cô giáo nóng giận đã bắt học trò quỳ, bắt đứng úp mặt vào tường, dùng lời lẽ gay gắt xúc phạm đến nhân cách học sinh là chuyện đáng chê. Những vụ ẩu đả, đâm chém xảy ra ở nơi này nơi nọ, đều do các băng đảng xã hội đen gây ra, kẻ cầm đầu thật ghê tởm, thật đáng sợ. Chúng còn hồ đồ, còn dữ tợn, còn nóng hơn lửa, nóng nảy hơn cả Trương Phi. Kẻ nóng nảy trở nên mất hết nhân tính!

Người khôn ngoan đừng kết bạn, đừng giao thiệp với kẻ nóng nảy. Không nên tranh luận, đừng nên bàn lời hơn lẽ thiệt với kẻ nóng nảy. Không nên tiếp xúc, không nên gần, đừng có gây ra sự hiểu lầm đối với kẻ nóng nảy.

Báo chí đã đưa tin nhiều chuyện đau lòng. Anh em nhà nọ đánh nhau, bác hàng xóm sang can ngăn liền bị thằng em đánh chết! Bọn du đãng ngồi uống rượu ở quán hàng cãi nhau, một ông khách vào can ngăn, bị chúng đánh chết, chém chết! Có “nghìn lẻ một” chuyện án mạng xảy ra do kẻ nóng nảy gây ra.

Tại sao “cổ động viên” bóng đá Hải Phòng đi đến sân bóng nào cũng bị ban tổ chức và khán giả của các tỉnh bạn e ngại? Tiếng lành đồn gần, tiếng dữ đồn xa là vậy!

Nóng nảy là một tính xấu. Rèn luyện, tu dưỡng sao, giáo dục sao để có thể làm nguội dịu kẻ có máu nóng, kẻ có cái đầu nóng như lửa? “Rượu vào lời ra"; kẻ nóng nảy lại có hơi men thì càng nóng nảy hơn. Gặp phải những kẻ như thế chúng ta nên tạm tránh, đừng phí lời phân bua. “Tránh voi chẳng xấu mặt nào”; Con voi điên lại phải tránh xa, thật xa. Lửa cháy còn có thể dùng nước để dập tắt; còn cái đầu nóng của kẻ hung hãn thì lấy cái gì để “hạ” nhiệt?

Biết nóng nảy là tính xấu. Do vậy, cần phải rèn luyện và tập cho mình biết “nhẫn”. Phải biết sống hòa nhã, khiêm nhường. Đó là những điều nên biết, cần biết khi bàn đến tính nóng nảy!

Người ta thường nói “chân lí là sức mạnh"; "chân lí mang tình người và lương tâm”. Kẻ nóng nảy chỉ biết sức mạnh, hắn không cần đến chân lí, không hề nghĩ đến lương tâm và tình người. Đó là những điều mà mỗi chúng ta cần hiểu một cách đầy đủ, sâu sắc trong ứng xử. Nhất là trong mọi quan hệ với kẻ nóng nảy!

---------------------------

Ngoài văn mẫu Nghị luận xã hội: Bàn về tính nóng nảy, mời các bạn tham khảo thêm Soạn Văn 9 trên VnDoc để biết cách soạn bài trong SGK Ngữ văn 9 tập 1 và tập 2, để có sự chuẩn bị bài kỹ lưỡng trước khi đến lớp nhé.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
5
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Văn mẫu lớp 9 Sách mới

    Xem thêm