Phân tích những đặc điểm kinh tế chủ yếu của chủ nghĩa tư bản độc quyền
VnDoc xin giới thiệu bài Phân tích những đặc điểm kinh tế chủ yếu của chủ nghĩa tư bản độc quyền được chúng tôi sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức môn học một cách tốt hơn để có thể học và hoàn thành bài thi môn học một cách hiệu quả.
Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.
Bài: Phân tích những đặc điểm kinh tế chủ yếu của chủ nghĩa tư bản độc quyền
Phân tích những hiện tượng mới trong nền kinh tế của các nước tư bản chủ nghĩa phát triển cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, có thể khái quát năm đặc điểm kinh tế cơ bản của chủ nghĩa tư bản độc quyền như sau:
Tập trung sản xuất và các tổ chức độc quyền
+ Tích tụ và tập trung sản xuất cao dẫn đến hình thành các tổ chức độc quyền là đặc điểm kinh tế cơ bản của chủ nghĩa đế quốc,
+ Tổ chức độc quyền là tổ chức liên minh giữa các nhà tư bản lớn để tập trung vào trong tay phần lớn việc sản xuất và tiêu thụ một số loại hàng hóa nào đó nhằm mục đích thu được lợi nhuận độc quyền cao.
+ Khi mới bắt đầu quá trình độc quyền hóa, các liên minh độc quyền hình thành theo liên kết ngang, nghĩa là mới chỉ liên kết những doanh nghiệp trong cùng một ngành, nhưng về sau theo mối liên hệ dây chuyền, các tổ chức độc quyền đã phát triển theo liên kết dọc, mở rộng ra nhiều ngành khác nhau. Những hình thức độc quyền cơ bản là: cácten, xanhđica, tơrớt, côngxoócxiom, consơn cônglômêrát.
Cácten là hình thức tổ chức độc quyền giữa các nhà tư bản ký hiệp nghị thỏa thuận với nhau về giá cả, quy mô sản lượng, thị trường tiêu thụ, kỳ hạn thanh toán, v.v.. Các nhà tư bản tham gia cácten vẫn độc lập về sản xuất và thương nghiệp. Họ chỉ cam kết làm đúng hiệp nghị, nếu làm sai sẽ bị phạt tiền theo quy định của hiệp nghị. Vì vậy, cácten là liên minh độc quyền không vững chắc. Trong nhiều trường hợp, những thành viên thấy ở vào vị trí bất lợi đã rút ra khỏi cácten, làm cho cácten thường tan vỡ trước kỳ hạn
Xanhđica là hình thức tổ chức độc quyền cao hơn, ổn định hơn cácten. Các xí nghiệp tham gia xanhđica vẫn giữ độc lập về sản xuất, chỉ mất độc lập về lưu thông: mọi việc mua – bán do một ban quản trị chung của xanhđica đảm nhận. Mục đích của xanhđica là thống nhất đầu mối mua và bán để mua nguyên liệu với giá rẻ, bán hàng hóa với giá đắt nhằm thu lợi nhuận độc quyền cao.
Tờrớt là một hình thức độc quyền cao hơn cácten và xanhđica, nhằm thống nhất cả việc sản xuất, tiêu thụ, tài vụ đều do một ban quản trị quản lý. Các nhà tư bản tham gia tờrớt trở thành những cổ đông thu lợi nhuận theo số lượng cổ phần.
Côngxoócxiom là hình thức tổ chức độc quyền có trình độ và quy mô lớn hơn các hình thức độc quyền trên. Tham gia côngxoócxiom không chỉ có các nhà tư bản lớn mà còn cả các xanhđica, tờrớt, thuộc các ngành khác nhau nhưng liên quan với nhau về kinh tế, kỹ thuật. Với kiểu liên kết dọc như vậy, một côngxoócxiom có thể có hàng trăm xí nghiệp liên kết trên cơ sở hoàn toàn phụ thuộc về tài chính vào một nhóm tư bản kếch sù.
Consơn là hình thức tổ chức tập đoàn phổ biến nhất hiện nay. Consơn không có tư cách pháp nhân, các thành viên trong consơn vẫn giữ nguyên tính độc lập về mặt pháp lý. Mối quan hệ giữa các công ty thành viên trong consơn dựa trên cơ sở những thỏa thuận về lợi ích chung. Đó là những thỏa thuận về phát minh sáng chế nghiên cứu khoa học – công nghệ, hợp tác sản xuất kinh doanh chặt chẽ và có hệ thống: tài chính chung. Mục tiêu thành lập consơn là tạo thế mạnh để phát triển kinh doanh nhằm hạn chế rủi ro, đồng thời hỗ trợ mạnh mẽ trong nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới, phương pháp quản lý hiện đại. Trong consơn thường thành lập các công ty đóng vai trò là “công ty mẹ” điều hành hoạt động của consơn. Các công ty thành viên thường hoạt động ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau và chúng có mối quan hệ gần gũi với nhau về công nghệ sản xuất.
Cônglômêrát là loại tập đoàn đa ngành, đa lĩnh vực. Các công ty thành viên ít có mối quan hệ công nghệ sản xuất gần gũi với nhau, thậm chí không có mối quan hệ nào về mặt công nghệ sản xuất. Loại hình này hình thành bằng cách thu hút cổ phần của những doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất, đặc biệt là các doanh nghiệp đang có tốc độ phát triển cao, nhưng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau về mặt tài chính. Trong cônglômêrát không có ngành nghề nào là chủ chốt, chúng được hình thành bằng cách thu hút cổ phần của những công ty đang ở vào giai đoạn phát triển cao. Thông qua hoạt động mua bán chứng khoán trên thị trường, cơ cấu sản xuất của cônglômêrát thường chuyển hướng tập trung vào những ngành nghề có lợi nhuận cao. Việc thôn tính dần các công ty có lãi suất cao làm cho cơ cấu ngành nghề của tập đoàn thay đổi nhanh chóng. Đặc điểm cơ bản của hình thức tập đoàn kinh tế này là huy động vốn thông qua phát hành chứng khoán và hoạt động của nó chủ yếu nhằm mở rộng phạm vi kiểm soát tài chính. Do đó, cônglômêrát có mối liên hệ rất chặt chẽ với ngân hàng.
– Tư bản tài chính và bọn đầu sỏ tài chính
+ Cùng với quá trình tích tụ và tập trung sản xuất trong công nghiệp cũng diễn ra quá trình tích tụ, tập trung tư bản trong ngân hàng, dẫn đến hình thành các tổ chức độc quyền trong ngân hàng.
Quy luật tích tụ, tập trung tư bản trong ngân hàng cũng giống như trong công nghiệp
* Do quá trình cạnh tranh, các ngân hàng vừa và nhỏ bị thôn tính, dẫn đến hình thành những ngân hàng lớn.
* Khi sản xuất trong ngành công nghiệp tích tụ ở mức độ cao, thì các ngân hàng nhỏ không đủ tiềm lực và uy tín phục vụ cho công việc kinh doanh của các xí nghiệp công nghiệp lớn. Các tổ chức độc quyền này tìm kiếm các ngân hàng lớn hơn, thích hợp với các điều kiện tài chính và tín dụng của mình. Trong điều kiện đó, các ngân hàng nhỏ phải tự sáp nhập vào các ngân hàng mạnh hơn, hoặc phải chấm dứt sự tồn tại của mình trước quy luật khốc liệt của cạnh tranh.
+ Sự xuất hiện, phát triển của các tổ chức độc quyền trong ngân hàng đã làm thay đổi quan hệ giữa tư bản ngân hàng và tư bản công nghiệp, làm cho ngân hàng bắt đầu có vai trò mới. Ngân hàng từ chỗ chỉ là trung gian trong việc thanh toán và tín dụng, nay đã nắm được hầu hết tư bản tiền tệ của xã hội nên có quyền lực vạn năng, khống chế mọi hoạt động của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa.
* Dựa trên địa vị người chủ cho vay, độc quyền ngân hàng cử đại diện của mình vào các cơ quan quản lý của độc quyền công nghiệp để theo dõi việc sử dụng tiền vay hoặc trực tiếp đầu tư vào công nghiệp.
* Trước sự khống chế và chi phối ngày càng siết chặt của ngân hàng, một quá trình xâm nhập tương ứng trở lại của các độc quyền công nghiệp vào ngân hàng cũng diễn ra. Các tổ chức độc quyền công nghiệp cũng tham gia vào công việc của ngân hàng bằng cách mua cổ phần của ngân hàng lớn để chi phối hoạt động của ngân hàng, hoặc lập ngân hàng riêng phục vụ cho mình.
Quá trình độc quyền hóa trong công nghiệp và trong ngân hàng xoắn xuýt với nhau và thúc đẩy lẫn nhau làm nảy sinh một thứ tư bản mới, gọi là tư bản tài chính.
+ Tư bản tài chính là kết quả của sự hợp nhất giữa tư bản ngân hàng của một số ít ngân hàng độc quyền lớn nhất; với tư bản của những liên minh độc quyền các nhà tư bản công nghiệp.
Sự phát triển của tư bản tài chính dẫn đến sự hình thành một nhóm nhỏ độc quyền, chi phối toàn bộ đời sống kinh tế và chính trị của toàn xã hội tư bản gọi là bọn đầu sỏ tài chính. Bọn đầu sỏ tài chính thiết lập sự thống trị của mình thông qua chế độ tham dự. Thực chất của chế độ tham dự là một nhà tài chính lớn, hoặc một tập đoàn tài chính nhờ có số cổ phiếu khống chế mà nắm được một công ty lớn nhất với tư cách là công ty gốc (hay là “công ty mẹ”); công ty này lại mua được cổ phiếu khống chế, thống trị được công ty khác, gọi là “công ty con”; “công ty con” đến lượt nó lại chi phối các “công ty cháu” cũng bằng cách như thế… Nhờ có chế độ tham dự và phương pháp tổ chức tập đoàn theo kiểu móc xích như vậy, bằng một lượng tư bản đầu tư nhỏ, các nhà tư bản độc quyền tài chính có thể khống chế và điều tiết được một lượng tư bản lớn gấp nhiều lần.
Thống trị về kinh tế là cơ sở để bọn đầu sỏ tài chính thống trị về chính trị và các mặt khác, về mặt chính trị, bọn đầu sỏ tài chính chi phối mọi hoạt động của các cơ quan nhà nước, biến nhà nước tư sản thành công cụ phục vụ lợi ích cho chúng. Sự thống trị của bọn tài phiệt đã làm nảy sinh chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa quân phiệt và nhiều thứ chủ nghĩa phản động khác, cùng chạy đua vũ trang gây chiến tranh xâm lược để áp bức, bóc lột các nước đang phát triển và chậm phát triển.
– Xuất khẩu tư bản
+ Xuất khẩu tư bản là xuất khẩu giá trị ra nước ngoài (đầu tư tư bản ra nước ngoài) nhằm mục đích chiếm đoạt giá trị thặng dư và các nguồn lợi nhuận khác ở các nước nhập khẩu tư bản.
+ Động cơ của xuất khẩu tư bản
* Một số ít nước phát triển đã tích lũy được một khối lượng tư bản lớn và có một số “tư bản thừa” tương đối cần tìm nơi đầu tư có nhiều lợi nhuận so với đầu tư ở trong nước.
* Nhiều nước lạc hậu về kinh tế bị lôi cuốn vào sự giao lưu kinh tế thế giới nhưng lại rất thiếu tư bản, giá ruộng đất tương đối hạ, tiền lương thấp, nguyên liệu rẻ, nên sản xuất lợi nhuận cao, rất hấp dẫn đầu tư tư bản.
+ Xuất khẩu tư bản được thực hiện dưới hai hình thức chủ yếu: xuất khẩu tư bản hoạt động (đầu tư trực tiếp) và xuất khẩu tư bản cho vay (đầu tư gián tiếp).
Xuất khẩu tư bản hoạt động (đầu tư trực tiếp) hình thức xuất khẩu tư bản để xây dựng những xí nghiệp mới hoặc mua lại những xí nghiệp đang hoạt động ở nước nhận đầu tư, biến nó thành một chi nhánh của công ty mẹ chính quốc. Các xí nghiệp mới hình thành thường tồn tại dưới dạng hỗn hợp song phương hoặc đa phương, nhưng cũng có những xí nghiệp toàn bộ vốn là của công ty nước ngoài.
Xuất khẩu tư bản cho vay (đầu tư gián tiếp) là hình thức xuất khẩu tư bản được thực hiện dưới hình thức cho chính phủ, thành phố, hay một ngân hàng ở nước ngoài vay tư bản tiền tệ có thu lãi.
+ Thực hiện các hình thức xuất khẩu tư bản trên, xét về chủ sở hữu tư bản, có thể phân tích thành xuất khẩu tư bản tư nhân và xuất khẩu tư bản nhà nước.
* Xuất khẩu tư bản nhà nước là nhà nước tư bản độc quyền dùng nguồn vốn từ ngân quỹ của mình để đầu tư vào nước nhập khẩu tư bản; hoặc viện trợ có hoàn lại hay không hoàn lại, để thực hiện những mục tiêu về kinh tế, chính trị và quân sự.
Về kinh tế, xuất khẩu tư bản nhà nước thường hướng vào các ngành thuộc kết cấu hạ tầng để tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư của tư bản tư nhân. Nhà nước tư bản viện trợ không hoàn lại cho nước nhập khẩu tư bản để ký được những hiệp định thương mại và đầu tư có lợi…
Về chính trị, viện trợ của nhà nước tư sản thường nhằm duy trì và bảo vệ chế độ chính trị “thân cận” đã bị lung lay ở các nước nhập khẩu tư bản, tăng cường sự phụ thuộc của các nước đó vào các nước đế quốc, thực hiện chủ nghĩa thực dân mới, tạo điều kiện cho tư nhân xuất khẩu tư bản.
Về quân sự, viện trợ của tư bản nhà nước nhằm lôi kéo các nước phụ thuộc vào khối quân sự hoặc buộc các nhận viện trợ phải cho các nước xuất khẩu lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình…
* Xuất khẩu tư bản tư nhân là hình thức xuất khẩu tư bản do tư nhân thực hiện. Hình thức này có đặc điểm cơ bản là nó thường được đầu tư vào những ngành kinh tế có vòng quay tư bản ngắn và thu được lợi nhuận độc quyền cao, dưới hình thức các hoạt động cắm nhánh của các công ty xuyên quốc gia.
Việc xuất khẩu tư bản là sự mở rộng quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa ra nước ngoài, là công cụ chủ yếu để bành trướng sự thống trị, bóc lột, nô dịch của tư bản tài chính trên phạm vi toàn thế giới.
– Sự phân chia thế giới về kinh tế giữa các tổ chức độc quyền
+ Quá trình tích tụ và tập trung tư bản phát triển, việc xuất khẩu tư bản tăng lên cả về quy mô và phạm vi tất yếu dẫn tới sự phân chia thế giới về mặt kinh tế giữa các tập đoàn tư bản độc quyền và hình thành các tổ chức độc quyền quốc tế.
+ Trong giai đoạn chủ nghĩa tư bản độc quyền, thị trường ngoài nước có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với các nước đế quốc. Một mặt, do lực lượng sản xuất phát triển cao đòi hỏi ngày càng phải có nhiều nguồn nguyên liệu và nơi tiêu thụ: mặt khác, do thèm khát lợi nhuận siêu ngạch thúc đẩy tư bản độc quyền tăng cường bành trướng ra nước ngoài, cần có thị trường ổn định thường xuyên.
+ Do cạnh tranh khốc liệt nhằm mở rộng thị trường ngoài nước giữa các tổ chức độc quyền lớn của các quốc gia, tất yếu dẫn đến sự thỏa hiệp và hình thành các tổ chức độc quyền quốc tế dưới dạng cácten, xanhđica, tơrớt quốc tế…
– Sự phân chia thế giới về lãnh thổ giữa các cường quốc đế quốc V.I. Lênin đã chỉ ra rằng: Chủ nghĩa tư bản phát triển càng cao, nguyên liệu càng thiếu thốn, sự cạnh tranh càng gay gắt và việc tìm kiếm các nguồn nguyên liệu trên toàn thế giới càng ráo riết, thì cuộc đấu tranh để chiếm thuộc địa càng quyết liệt hơn.
Các cường quốc đế quốc ra sức xâm chiếm thuộc địa, bởi vì thuộc địa là nơi bảo đảm nguồn nguyên liệu và thị trường thường xuyên: là nơi tương đối an toàn trong cạnh tranh, bảo đảm thực hiện đồng thời những mục đích về kinh tế, quân sự và chính trị.
Sự phân chia lãnh thổ và phát triển không đều của chủ nghĩa tư bản tất yếu dẫn đến cuộc đấu tranh đòi chia lại thế giới. Đó là nguyên nhân chính dẫn đến hai cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 – 1918) và Chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945).
Năm đặc điểm kinh tế cơ bản của chủ nghĩa đế quốc có liên quan chặt chẽ với nhau, nói lên bản chất của chủ nghĩa đế quốc về mặt kinh tế là sự thống trị của chủ nghĩa tư bản độc quyền, về mặt chính trị là hiếu chiến, xâm lược.
-----------------------
Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Phân tích những đặc điểm kinh tế chủ yếu của chủ nghĩa tư bản độc quyền về đặc điểm kinh tế của chủ nghĩa tư bản độc quyền...
Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn Phân tích những đặc điểm kinh tế chủ yếu của chủ nghĩa tư bản độc quyền. Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm nhiều tài liệu Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học khác để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.