Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Soạn văn 9 bài Truyện Kiều - Chị em Thúy Kiều VNEN

Soạn văn 9 VNEN Bài 6: Truyện Kiều - Chị em Thúy Kiều do Nguyễn Du sáng tác để thấy được nét nổi bật của người phụ nữ Việt Nam trong thời kì phong kiến đồng thời làm nổi bật sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành của chị em Thúy Kiều, mời các bạn tải và tham khảo bài soạn văn dưới đây

A. Hoạt động khởi động

Đọc đoạn giới thiệu Thúy Kiều và Thúy Vân trong Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân sau đây và nhận xét về chân dung của chị em Thúy Kiều.

“…Con gái trưởng là Thúy Kiều, gái thứ là Thúy Vân, hai cô đều có nhan sắc diễm lệ, tính nết nhu mì, và giỏi thơ phú. Riêng phần Thúy Kiều lại có thái độ phong lưu, tính thích hào hoa và lại tinh về âm luật, sở trường nhất là món Hồ cầm.

Thúy Vân thì trời phú cho cái tính điềm đạm, nên thấy chị quá say mê Hồ cầm, thường can gián chị rằng: Món âm nhạc đâu phải là công việc của bọn khuê phòng, sợ khi tai tiếng ra ngoài thì cũng bất nhã. v. v…

Kể ra Vân nói cũng có lí đấy. Nhưng với tính tình của Kiều thì không cho là đúng, lại còn sáng tác ra khúc “Bạc mệnh oán” để phả vào đàn, mỗi khi dạo lên nghe rất não nuột, khiến người nghe bên cạnh ứa lệ rơi châu.

(Phạm Đan Quế - Truyện Kiều đối chiếu)

Hướng dẫn trả lời:

Qua đoạn trích, ta hình dung hai chị em Tháy Kiều, Thúy Vân là hai cô gái "có nhan sắc diễm lệ, tính nết nhu mì, và giỏi thơ phú”.

Bên cạnh đó, cô chị Thúy Kiều "có thái độ phong lưu, tính thích hào hoa và lại tinh về âm luật, sở trường nhất là món Hồ cầm", còn cô em Thúy Vân có "tính điềm đạm".

Những câu văn gợi lên bức chân dung khái quát nhất về hai nhân vật.

B. Hoạt động hình thành kiến thức

1. Đọc văn bản

2. Tìm hiểu văn bản

a) Nêu những nét chính về thời đại, gia đình, cuộc đời của Nguyễn Du đã có ảnh hưởng đến việc sáng tác Truyện Kiều bằng cách hoàn thiện sơ đồ sau:

Nguyễn Du

Thời đại

Gia đình

Cuộc đời

b) Kể tóm tắt nội dung Truyện Kiều và nêu những giá trị nổi bật của tác phẩm.

c) Hãy tìm hiểu kết cấu của đoạn thơ và cho biết kết cấu ấy có liên quan như thế nào với trình tự miêu tả nhân vật của tác giả.

d) Khi gợi tả vẻ đẹp của Thúy Vân tác giả đã sử dụng những biện pháp nghệ thuật nào? Nhận xét về nhan sắc và tính cách của Thúy Vân.

e) Khi gợi tả vẻ đẹp của Thúy Kiều, tác giả đã sử dụng những biện pháp nghệ thuật nào? Có điểm gì giống và khác nhau trong cách miêu tả Thuý Vân và Thúy Kiều?

g) Giá trị nhân đạo của đoạn thơ được thể hiện ở những khía cạnh nào?

h) Chỉ ra những giá trị nghệ thuật nổi bật của đoạn thơ

Hướng dẫn trả lời:

a) Những nét chính về thời đại, gia đình, cuộc đời của Nguyễn Du đã có ảnh hưởng đến việc sáng tác Truyện Kiều:

Nguyễn Du

Thời đại

Nguyễn Du sống vào nửa cuối TK XVIII – nửa đầu TK XIX trong hoàn cảnh xã hội có nhiều biến động dữ dội:

- Chế độ phong kiến Việt Nam khủng hoảng trầm trọng, các tập đoàn phong kiến tranh giành quyền lực, chém giết lẫn nhau, đời sống nhân dân vô cùng cực khổ, xã hội loạn lạc, tăm tối.

- Bão táp phong trào nông dân khởi nghĩa nổi lên khắp nơi, đỉnh cao là khởi nghĩa Tây Sơn đánh đổ các tập đoàn phong kiến thống trị, quét sạch hai mươi vạn quân Thanh xâm lược.

→ Những biến cố lớn lao của thời đại in dấu ấn trong sáng tác của Nguyễn Du, như chính trong Truyện Kiều ông viết: Trải qua một cuộc bể dâu - Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.

Gia đình

Xuất thân trong một gia đình đại qúy tộc, nhiều đời làm quan to dưới triều vua Lê, chúa Trịnh và có truyền thống về văn học:

- Cha ông là Nguyễn Nghiễm, từng ở ngôi Tể tướng mười lăm năm.

- Mẹ ông là Trần Thị Tần, vợ thứ, người Bắc Ninh, có tài hát xướng.

- Anh cùng cha khác mẹ là Nguyễn Khản, làm chức Tham tụng (ngang Thừa tướng) trong phủ chúa Trịnh.

- Ông sớm mồ côi cha mẹ (mồ côi cha từ năm 9 tuổi, mồ côi mẹ từ năm 12 tuổi).

→ Hoàn cảnh gia đình cũng có tác động đến sáng tác của Nguyễn Du.

Cuộc đời

- Cuộc đời phiêu bạt: sống phiêu bạt nhiều nơi trên đất Bắc, ở ẩn ở Hà Tĩnh, làm quan dưới triều Nguyễn, đi sứ Trung Quốc…

- Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, cuộc đời Nguyễn Du phải trải qua những năm tháng gian truân, trôi dạt, vất vả, long đong ( Trải qua “mười năm gió bụi” Nguyễn Du lang thang hết ở quê vợ, rồi quê mẹ, quê cha trong nghèo túng, hết sức khổ cực và tủi nhục).

- Nguyễn Du có ra làm quan cho triều Nguyễn Gia Long, ông giữ nhiều chức vụ khác nhau: Tham tri bộ Lễ, Cai bạ Quảng Bình, Chánh sứ bộ…Nhưng đó là những năm tháng làm quan bất đắc chí.

- Ông mất tại Huế năm 1820, thọ năm mươi lăm tuổi.

b) Tóm tắt nội dung Truyện Kiều:

Thúy Kiều, nhân vật chính trong Truyện Kiều, một cô gái tài sắc vẹn toàn, có tâm hồn cao thượng. Nhận dịp du xuân, nàng gặp Kim Trọng, một thanh niên hào hoa phong nhã. Hai người yêu nhau và cùng nhau thề nguyền thủy chung. Nhưng tai họa bất ngờ ập đến với Kiều. Gia đình bị nạn. Kiều tự nguyện bán mình chuộc cha. Bị bọn Mã Giám Sinh và Tú Bà đưa vào lầu xanh. Kiều định tự tử để thoát khỏi cảnh ô nhục nhưng không được. Sau lần mắc mưu Sở Khanh đi trốn bị bắt lại, bị đánh đập tàn nhẫn, nàng đành chịu tiếp khách. Ít lâu sau, Kiều được Thúc Sinh - một kẻ giàu có say mê nàng, chuộc nàng về làm vợ lẽ. Nhưng chưa được một năm Kiều lại bị Hoạn Thư, vợ cả của Thúc Sinh, bày mưu bắt về hành hạ. Nàng bị bắt làm con ở hầu rượu gãy đàn mua vui cho vợ chồng ả. Khổ nhục quá, Kiều bỏ trốn khỏi nhà Hoạn Thư nhưng lại lọt vào một lầu xanh khác. Ở đây, nàng gặp Từ Hải và trở thành vợ người anh hùng này. Phất cờ khởi nghĩa, hùng cứ một phương, Từ Hải giúp Kiều báo ân báo oán. Nhưng cũng chẳng bao lâu, Kiều bị mắc lừa Hồ Tôn Hiến, nàng khuyên Từ Hải ra hàng phục triều đình, Từ Hải bị phản bội và chết đứng. Kiều bị làm nhục và bị ép gả cho một viên thổ quan. Đau xót và tủi nhục, nàng đã tự tử ở sông Tiền Đường nhưng lại được sư Giác Duyên cứu sống. Kim Trọng và gia đình Thúy Kiều đi tìm. Sau mười lăm năm trời lưu lạc, Kiều trở lại sum họp với gia đình. Nàng từ chối không chắp nối mối duyên xưa cùng Kim Trọng mà họ trở thành bạn bè để giữ tình cảm cho được trong sáng và đẹp đẽ.

>> Xem thêm các bản tóm tắt Truyện Kiều khác tại đây: Tóm tắt Truyện Kiều của Nguyễn Du

Những giá trị nổi bật của Truyện Kiều

Những giá trị giá trị nổi bật của tác phẩm Truyện Kiều là:

- Về nội dung:

Giá trị hiện thựcGiá trị nhân đạo

- Phơi bày hiện thực xã hội phong kiến bất công.

- Phản ánh nỗi khổ đau, bất hạnh của con người, đặc biệt là người phụ nữ.

- “Truyện Kiều” là tiếng nói đề cao tình yêu tự do, khát vọng công lí và ngợi ca vẻ đẹp phẩm chất của con người

- “Truyện Kiều” còn là tiếng nói lên án các thế lực tàn bạo, chà đạp lên quyền sống con người.

→ Cụ thể: Giá trị chính của “Truyện Kiều” là giá trị nhân đạo. Giá trị này được thể hiện ở hai phương diện sau:

  • “Truyện Kiều” là tiếng nói đề cao tình yêu tự do, khát vọng công lí và ngợi ca vẻ đẹp phẩm chất của con người:
    • Thể hiện ước mơ đẹp đẽ của mình về một tình yêu tự do, trong sáng, chung thủy trong xã hội mà quan niệm hôn nhân phong kiến còn hết sức khắc nghiệt. Mối tình Kim – Kiều được xem như là bài ca tuyệt đẹp về tình yêu lứa đôi trong văn học dân tộc.
    • Thể hiện khát vọng công lí tự do, dân chủ giữa một xã hội bất công, tù túng đầy ức chế, tàn bạo. Nguyễn Du đã xây dựng nhân vật Từ Hải – người anh hùng hảo hán, một mình dám chống lại cả cái xã hội bạo tàn ấy. Từ Hải là khát vọng của công lí, là biểu tượng cho tự do dân chủ.
    • Ngợi ca vẻ đẹp phẩm chất của con người: vẻ đẹp tài sắc, trí tuệ thông minh,lòng hiếu thảo, trái tim nhân hậu, ý thức vị tha, đức thủy chung. Thúy Kiều, Từ Hải là hiện thân cho những vẻ đẹp đó!
  • “Truyện Kiều” còn là tiếng nói lên án các thế lực tàn bạo, chà đạp lên quyền sống con người. Thế lực tàn bạo đó, khi là bộ mặt bọn quan lại tham lam, đê tiện, bỉ ổi – đầu mối của mọi xấu xa trong xã hội (Hồ Tôn Hiến, Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Tú Bà…), có khi lại là sự tàn phá, hủy diệt hung hiểm của đồng tiền trong xã hội phong kiến lúc bấy giờ, trong tay bọn người bất lương tàn bạo đã phát huy tất cả sức mạnh của nó, đổi trắng thay đen, biến con người thành thứ hàng hóa để mua bán.

- Về nghệ thuật:

- Tác phẩm là sự kết tinh thành tựu nghệ thuật văn học dân tộc trên các phương diện ngôn ngữ, thể loại.

- Với “Truyện Kiều”, ngôn ngữ văn học dân tộc và thể thơ lục bát đã đạt tới đỉnh cao rực rỡ.

- Với “Truyện Kiều”,nghệ thuật tự sự đã có bước phát triển vượt bậc, từ nghệ thuật dẫn chuyện đến nghệ thuật miêu tả thiên nhiên, khắc họa tính cách và miêu tả tâm lí con người

c) Trả lời:

- Kết cấu của đoạn trích:

  • Bốn câu thơ đầu: giới thiệu về khái quát về hai chị em Thuý Kiều;
  • Bốn câu thơ tiếp: vẻ đẹp của Thuý Vân;
  • Mười hai câu tiếp: gợi tả vẻ đẹp Thúy Kiều
  • Bốn câu cuối: khái quát chung về cuộc sống hai chị em Thúy Kiều.

→ Nhận xét: Kết cấu của đoạn trích cho thấy trình tự miêu tả nhân vật của tác giả: Đầu tiên, giới thiệu khái quát, sau đó giới thiệu từng người. Trước khi giới thiệu Thuý Kiều, Nguyễn Du đã giới thiệu Vương Quan và Thuý Vân. Nhân vật Thuý Kiều là nhân vật trung tâm và quan trọng nên tác giả đã dành nhiều câu thơ để miêu tả (12 câu). Tác giả miêu tả vẻ đẹp của Thuý Vân như là một cách so sánh, làm nền để miêu tả Thuý Kiều. Một kết cấu như trên vừa chặt chẽ, hợp lí, vừa góp phần làm nổi bật vẻ đẹp chung và nhất là vẻ đẹp riêng của hai chị em Thúy Kiều.

d) Khi gợi tả vẻ đẹp của Thúy Vân tác giả đã sử dụng những biện pháp nghệ thuật sau:

- Câu thơ mở đầu: “Vân xem trang trọng khác vời” đã giới thiệu khái quát vẻ đẹp của Thúy Vân: một vẻ đẹp cao sang, qúy phái.

- Khi gợi tả vẻ đẹp của Thúy Vân tác giả đã sử dụng những biện pháp nghệ thuật: Bút pháp ước lệ tượng trưng, phép ẩn dụ, nhân hoá: “khuôn trăng”, “nét ngài”, “hoa cười ngọc thốt, “Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da”

=> Vẻ đẹp của Thúy Vân là vẻ đẹp đầy đặn, phúc hậu; tính cách thì đoan trang, thùy mị: khuôn mặt đầy đặn, tươi sáng như trăng đêm rằm;lông mày sắc nét như mày ngài; miệng cười tươi thắm như hoa; giọng nói trong trẻo thốt ra từ hàm răng ngọc ngà là những lời đoan trang, thùy mị. Mái tóc của nàng đen mượt hơn mây, da trắng mịn màng hơn tuyết. Vẻ đẹp của Thúy Vân hài hòa với thiên nhiên – một vẻ đẹp tạo sự hòa hợp, êm đềm với xung quanh. Dự báo về một cuộc đời bình lặng, suôn sẻ.

e) Khi gợi tả vẻ đẹp của Thúy Kiều, tác giả đã sử dụng những biện pháp nghệ thuật sau:

- Khi gợi tả nhan sắc của Thúy Kiều, tác giả Nguyễn Du tiếp tục sử dụng những hình ảnh mang tính chất nước lệ: “Làn thu thủy, nét xuân sơn - Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”. Mặc dù tác giả không tả nhan sắc Kiều cụ thể, chi tiết như khi tả Thúy Vân. Nhưng tác giả đã dành riêng tả một nét đẹp chỉ có ở Kiều đó là đôi mắt. Hình ảnh ước lệ “làn thu thủy, nét xuân sơn” gợi lên một đôi mắt trong sáng, long lanh như làn nước mùa thu, hàng lông mày thanh tú như dáng núi mùa xuân. Vẻ đẹp của đôi mắt ấy không chỉ thể hiện nhan sắc quyến rũ hơn người của Kiều và còn thể hiện cái phần tinh anh, sắc sảo trong tâm hồn và trí tuệ.

- Vẻ đẹp của Kiều khiến “hoa ghen”, “liễu hờn”, nước phải nghiêng, thành phải đổ. Thi nhân không tả trực tiếp vẻ đẹp mà tả sự đố kị, ghen ghét với vẻ đẹp ấy; tả sự ngưỡng mộ, mê say trước vẻ đẹp ấy. “Nghiêng nước nghiêng thành” là cách nói sáng tạo điển cố để cực tả giai nhân. Rõ ràng, cái đẹp của Kiều có chiều sâu, có sức quyến rũ làm mê mẩn lòng người. Vẻ đẹp ấy như tiềm ẩn phẩm chất bên trong cao quý – tài và tình rất đặc biệt của nàng. Và đồng thời, dường như nó cũng dự báo cho một số phận nhiều sóng gió, gian truân.

g) Giá trị nhân đạo của đoạn thơ được thể hiện ở những khía cạnh sau:

- Ngợi ca vẻ đẹp của chị em Thúy Kiều, Nguyễn Du đã trân trọng, đề cao giá trị, phẩm giá của con người như nhan sắc, tài hoa, phẩm hạnh; qua đó, dự cảm về kiếp người tài hoa bạc mệnh.

- Sự ngưỡng mộ, ngợi ca người phụ nữ trong xã hội “trọng nam khinh nữ” chính là biểu hiện sâu sắc của cảm hứng nhân văn trong ngòi bút Nguyễn Du.

h) Những giá trị nghệ thuật nổi bật của đoạn thơ:

- Về thể thơ, tác giả sử dụng thể thơ lục bát – thể thơ truyền thống của Việt Nam, với 3254 câu, điều đó tạo nên một tác phẩm gần gũi với đời sống người dân.

- Về ngôn ngữ: là ngôn ngữ văn học hết sức giàu và đẹp, đạt đến đỉnh cao ngôn ngữ nghệ thuật. Mỗi câu từ, mỗi sự kiện chêm vào đều có chủ đích của chính tác giả và được cân nhắc cẩn trọng. Ngôn ngữ kể chuyện có 3 hình thức: trực tiếp (lời nhân vật), gián tiếp (lời tác giả), nửa trực tiếp (lời tác giả mang suy nghĩ, giọng điệu nhân vật). Nhân vật trong truyện xuất hiện với cả con người hành động và con người cảm nghĩ, có biểu hiện bên ngoài và thế giới bên trong sâu thẳm.

- Về nghệ thuật xây dựng nhân vật: Khắc hoạ nhân vật qua phương thức tự sự, miêu tả chỉ bằng vài nét chấm phá, mỗi nhân vật trong Truyện Kiều hiện lên như một chân dung sống động. Cách xây dựng nhân vật chính diện (Thúy Kiều, Từ Hải...) thường được xây dựng theo lối lý tưởng hoá, được miêu tả bằng những biện pháp ước lệ, nhưng rất sinh động. Nhân vật phản diện của Nguyễn Du chủ yếu được khắc hoạ theo lối hiện thực hoá, bằng bút pháp tả thực, cụ thể và rất hiện thực (miêu tả qua ngoại hình, ngôn ngữ, hành động… của nhân vật).

- Nghệ thuật miêu tả thiên nhiên đa dạng, bên cạnh bức tranh thiên nhiên chân thực sinh động (Cảnh ngày xuân), có những bức tranh tả cảnh ngụ tình đặc sắc (Kiều ở lầu Ngưng Bích).

3. Tìm hiểu về thuật ngữ

a) Đọc các ví dụ và trả lời câu hỏi:

Ví dụ 1:

  • Nước là chất lỏng không màu không mùi có trong hồ, sông, biển…
  • Muối là tinh thể trắng, vị mặn, thường được tách trong nước biển, dùng để ăn.

Ví dụ 2:

  • Nước là hợp chất của các nguyên tố Hidro và Oxi, có công thức là H20.
  • Muối là hợp chất mà phân tử gồm có một hay nhiều nguyên tử kim loại liên kết với một hay nhiều gốc axit.

(1) Mỗi cách giải thích trên đây chú ý tới những đặc điểm nào của nước và muối?

b) Đọc các định nghĩa và trả lời câu hỏi

  1. Thạch nhũ là sản phẩm hình thành trong các hang động do sự nhỏ giọt của dung dịch đá vôi hòa tan trong nước có chứa a – xít – các – bô – níc.
  2. Ba - dơ là hợp chất mà phân tử gồm một nguyên tử kim loại liên kết với một hay nhiều nhóm hi – đrô – xít.
  3. Ẩn dụ là gọi tên sự vật hiện tượng này bằng tên sự vật hiện tượng khác có một mét tương đồng với nó.
  4. Phân số thập phân là phân số mà mẫu là lũy thừa của 10.

(1) Em đã gặp những định nghĩa này ở các môn học nào?

(2) Những từ ngữ được định nghĩa (in đậm) chủ yếu được dùng trong văn bản nào?

(3) Những từ ngữ này còn có nghĩa nào khác không? Chúng có tính biểu cảm không?

c) Hoàn thiện khái niệm thuật ngữ (vào vở) bằng cách đánh dấu X vào những ý đúng trong bảng sau:

1. Thuật ngữ là những từ biểu thị khái niệm khoa học, công nghệ.
2. Thuật ngữ thường được dùng trong các văn bản khoa học, công nghệ.
3. Thuật ngữ thường dùng trong mọi văn bản khác nhau.
4. Về nguyên tắc, mỗi thuật ngữ chỉ biểu thị một khái niệm.
5. Một thuật ngữ có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau.
6. Thuật ngữ trung hòa về sắc thái biểu cảm.

Hướng dẫn trả lời:

a) Mỗi cách giải thích chú ý tới những đặc điểm như sau:

- Cách giải thích 1: Chú trọng đặc tính bên ngoài của sự vật, hình thành trên cở sở kinh nghiệm, cảm tính.

- Cách giải thích 2: Chú trọng đặc tính bên trong của sự vật, qua nghiên cứu bằng lí thuyết và phương pháp khoa học.

b) 

(1) Thường gặp các định nghĩa này trong những môn học:

  1. Thạch nhũ là sản phẩm hình thành trong các hang động do sự nhỏ giọt của dung dịch đá vôi hòa tan trong nước có chứa a – xít – các – bô – níc. => Môn Địa lý
  2. Ba - dơ là hợp chất mà phân tử gồm một nguyên tử kim loại liên kết với một hay nhiều nhóm hi – đrô – xít. => Môn hóa
  3. Ẩn dụ là gọi tên sự vật hiện tượng này bằng tên sự vật hiện tượng khác có một mét tương đồng với nó. => Môn Văn
  4. Phân số thập phân là phân số mà mẫu là lũy thừa của 10. => Môn Toán

(2) Những từ ngữ đó chủ yếu được sử dụng trong văn bản khoa học, công nghệ

(3) Những từ ngữ này không còn nghĩa khác và không có tính biểu cảm

c) Hoàn thiện khái niệm thuật ngữ (vào vở) bằng cách đánh dấu X vào những ý đúng như sau:

1. Thuật ngữ là những từ biểu thị khái niệm khoa học, công nghệ.x
2. Thuật ngữ thường được dùng trong các văn bản khoa học, công nghệ.x
3. Thuật ngữ thường dùng trong mọi văn bản khác nhau.
4. Về nguyên tắc, mỗi thuật ngữ chỉ biểu thị một khái niệm.x
5. Một thuật ngữ có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau.
6. Thuật ngữ trung hòa về sắc thái biểu cảm.x

4. Tìm hiểu về miêu tả trong văn bản tự sự

a) Đọc đoạn trích và trả lời câu hỏi:

Vua Quang Trung lại truyền lấy sáu chục tấm ván, cứ ghép liền 3 tấm làm một bức, bên ngoài lấy rơm dấp nước phủ kín, tất cả là hai mươi bức. Đoạn kén hạng lính khỏe mạnh, cứ mười người khênh một bức, lưng dắt dao ngắn, hai mươi người khác đều cầm binh khí theo sau, dàn thành trận chữ "nhất", vua Quang Trung cưỡi voi đi đốc thúc, mờ sáng ngày mùng 5 tiến sát đồn Ngọc Hồi. Quân Thanh nổ súng bắn ra, chẳng trúng người nào cả. Nhân có gió bắc, quân Thanh bèn dùng ống phun khói lửa ra, khói toả mù trời, cách gang tấc không thấy gì hòng làm cho quân Nam rối loạn. Không ngờ trong chốc lát trời bỗng trở gió nam, thành ra quân Thanh lại tự hại mình.

Vua Quang Trung liền gấp rút sai đội khiêng ván vừa che, vừa xông thẳng lên trước. Khi gươm giáo hai bên đã chạm nhau thì quăng ván xuống đất, ai nấy đều cầm dao chém bừa, những người cầm binh khí theo sau cũng nhất tề xông tới mà đánh.

Quân Thanh chống không nổi bỏ chạy tán loạn, giày xéo lên nhau mà chết. Tên Thái thú Điền Châu là Sầm Nghi Đống tự thắt cổ chết. Quân Tây Sơn thừa thế chém giết lung tung, thây nằm đầy đồng máu chảy thành suối, quân Thanh đại bại.

(Ngô gia văn phái, Hoàng Lê nhất thống chí)

(1) Đoạn trích trên sử dụng phương thức biểu đạt chính nào? Nội dung của đoạn trích.

(2) Chỉ ra các yếu tố miêu tả có trong đoạn trích. Các yếu tố này nhằm thể hiện những nội dung gì?

(3) Hãy nêu nhận xét của em về đoạn trích nếu chúng ta được bỏ những yếu tố miêu tả đó.

b) Từ kết quả bài tập trên, hãy hoàn thiện thông tin ở bảng sau (vào vở) để hiểu được tác dụng của yếu tố miêu tả trong văn bản tự sự.

Trong văn bản tự sự, các yếu tố miêu tả cụ thể, chi tiết về cảnh vật, nhân vật và sự việc có tác dụng làm cho câu chuyện trở nên (…)

Hướng dẫn trả lời:

a)

(1) Đoạn trích trên sử dụng phương thức biểu đạt chính là tự sự.

Nội dung đoạn trích: Đoạn trích kể về trận đánh đồn Ngọc Hồi của quân Tây Sơn. Trận đánh đó, vua Quang Trung là người chỉ huy trực liếp. Nhà vua đã ra lệnh ghép ván có phủ rơm dấp nước để chống đạn và súng phun lửa. Những người khoe mạnh khiêng ván đi trước, hai chục người cầm binh khí theo sau để đánh giáp lá cà. Bản thân nhà vua thì cười voi di đốc thúc.

(2) Các chi tiết miêu lả trong đoạn trích:

- Ghép liền ba tấm làm một bức, bên ngoài lấy rơm dấp nước vào phủ kín.

- Dàn thành trận chữ “nhất” tiến lên.

- Khói toả mù trời, cách gang tấc không thấy gì.

- Đội khiêng ván vừa che vừa xông thẳng lên trước.

- Khi gươm giáo của hai bên đã chạm nhau thì quăng ván xuống đất, ai nấy cầm dao ngắn chém bừa, những người cầm binh khí theo sau cũng nhất tề xông tới mà đánh.

- Quân Thanh bỏ chạy tán loạn, giày xéo lên nhau mà chết.

- Quân Tây Sơn chém giết lung tung, thây nằm đầy đồng, máu chảy thành suối.

=> Các chi tiết miêu tả nhằm thể hiện rõ hơn hình ảnh quân Tây Sơn và quân Thanh.

(3) Nếu chỉ kể lại sự việc diễn ra như thế thì nhân vật vua Quang Trung không nổi bật. Trận đánh cũng không sinh động. Bởi vì không có các chi tiết cụ thể để làm rõ các đối tượng tham gia trận đánh, diễn biến của trận đánh. Rõ ràng, yếu tố miêu tả có vai trò rất quan trọng trong văn bản tự sự. Nếu không có nó, văn bản chỉ gồm các sự việc trần trụi, khô khan ghép lại vơi nhau.

b) Hoàn thiện thông tin ở bảng như sau:

Trong văn bản tự sự, các yếu tố miêu tả cụ thể, chi tiết về cảnh vật, nhân vật và sự việc có tác dụng làm cho câu chuyện trở nên hấp dẫn, gợi cảm và sinh động.

C. Hoạt động luyện tập

1. Luyện tập đọc hiểu văn bản Truyện Kiều và đoạn trích Chị em Thúy Kiều

a) Vẽ sơ đồ thể hiện những giá trị nổi bật về nội dung và nghệ thuật của Truyện Kiều.

b) Điều gì làm nên thành công của chân dung Thúy Kiều và Thúy Vân trong đoạn trích Chị em Thúy Kiều. Mỗi bức chân dung ấy dự báo điều gì về số phận hai nhân vật?

Hướng dẫn trả lời:

a) Sơ đồ:

Soạn văn 9 bài Truyện Kiều – Chị em Thúy Kiều VNEN

Soạn văn 9 bài Truyện Kiều – Chị em Thúy Kiều VNEN

b) Điều làm nên thành công của chân dung Thúy Kiều và Thúy Vân trong đoạn trích Chị em Thúy Kiều là:

Điều làm nên thành công của bức chân dung Thúy Kiều và Thúy Vân trong đoạn trích Chị em Thúy Kiều đó là những hình ảnh ước lệ đặc sắc, giàu tính gợi hình và rất gợi cảm.

Khi miêu tả bức chân dung của Thúy Vân, tác giả đã sử dụng hình ảnh "Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da". Những hình ảnh này không chỉ gợi tả vẻ đẹp mái tóc mềm mại như làn mây, làn da trắng tựa tuyết mà nó còn ẩn chứa những dự báo về cuộc đời của nàng. Động từ "thua", "nhường" có sắc thái biểu đạt nhẹ nhàng, diễn tả sự chấp nhận, nhường nhịn của thiên nhiên. Vẻ đẹp của Thúy Vân là vẻ đẹp dễ chiếm được cảm tình nên được thiên nhiên ưu ái, nhường nhịn, dự báo về một cuộc đời êm đềm, phẳng lặng.

Khi tả sang bức chân dung của Thúy Kiều, tác giả lại sử dụng hình ảnh: "Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh". Động từ "ghen", "hờn" biểu lộ thái độ ghen ghét, giận dữ, tức tối của thiên nhiên. Có thể thấy, vẻ đẹp của Kiều quá sức quyến rũ và lộng lẫy, vẻ đẹp ấy đã vượt ra khỏi ngưỡng đo, khuôn khổ của thiên nhiên, khiến cho ngay cả thiên nhiên cũng phải ghen tức, đố kị. Điều này như dự báo trước về một cuộc đời đầy sóng gió và gian truân.

2. Luyện tập về thuật ngữ

a) Vận dụng kiến thức đã học ở các môn Ngữ Văn, Lịch sử, Địa lý, toán học, vật lý, hóa học, sinh học để tìm thuật ngữ phù hợp với mỗi nội dung được giải thích sau. Cho biết mỗi thuật ngữ đó thuộc lĩnh vực khoa học nào (ghi vào vở)

Thuật ngữ

Nội dung giải thích

Lĩnh vực

1. Ví dụ: Lực

là tác dụng đẩy, kéo của vật này lên vật khác.

Ví dụ: vật lí

2….

là hiện tượng làm hủy hoại dần lớp đất đá phủ trên mặt đất do các tác nhân: gió, băng hà, nước chảy

là hiện tượng trong đó có sinh ra chất mới.

là tập hợp những từ có ít nhất một nét chung về nghĩa

là nơi có dấu vết cư trú và sinh sống của người xưa

là hiện tượng hạt phấn tiếp xúc với đầy nhụy

là lượng nước chảy qua mặt cắt ngang dòng sông ở một điểm nào đó trong một giây đồng hồ. Đơn vị đo: m3/s

là lực hút của trái đất

là sức ép của khí quyển lên bề mặt trái đất

là những chất do một nguyên tố hóa học cấu tạo nên

là thị tộc theo dòng họ của người cha, trong đó nam có quyền hơn nữ

là đường thẳng vuông góc với một đoạn thẳng tại điểm giữa của đoạn ấy

b) Điểm tựa là một thuật ngữ trong lĩnh vực Vật lý có nghĩa là điểm cố định của một đòn bẩy, thông qua đó lực tác động được chuyển tới lực cản. Trong đoạn trích sau, từ điểm tựa có dùng với nghĩa như vậy không? Nếu không, ý nghĩa của nó là gì?

Nếu được làm hạt giống để mùa sau
Nếu lịch sử chọn ta làm điểm tựa
Vui gì hơn làm người lính đi đầu
Trong đêm tối tim ta là ngọn lửa.

(Tố Hữu, Chào xuân 67)

c) Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi

Ánh sáng mặt trời có màu trắng, nhưng thực chất đó là sự hỗn hợp của nhiều màu. Một số màu xuyên qua khí quyển dễ dàng, một số màu xuyên qua khí quyển khó hơn. Do đó không khí sẽ được nhuộm màu nào xuyên qua khí quyển dễ nhất.

Khi không khí trong sạch thì màu xanh là màu xuyên qua dễ xuyên qua nhất. Do đó, từ mặt đất, ta thấy bầu khí quyển có màu xanh.

Nếu không khí chứa nhiều bụi hay nhiều hơi nước thì màu đỏ được thấy dễ nhất. Vì vậy khi mặt trời mọc hoặc mặt trời lặn, các bạn thấy bầu trời hoặc ửng hồng hoặc đỏ ối ở chân trời.

(1) Chỉ ra 3 thuật ngữ trong lĩnh vực địa lý được dùng trong đoạn trích trên.

(2) Trao đổi với bạn để hiểu ý nghĩa của những thuật ngữ đó.

(3) Viết lại nghĩa của những thuật ngữ đó vào vở.

Hướng dẫn trả lời:

a) Điền vào bảng như sau:

Thuật ngữ

Nội dung giải thích

Lĩnh vực

1. Ví dụ: Lực

là tác dụng đẩy, kéo của vật này lên vật khác.

Ví dụ: vật lí

2. Xâm thực

là hiện tượng làm hủy hoại dần lớp đất đá phủ trên mặt đất do các tác nhân: gió, băng hà, nước chảy

Địa lí

3. Hiện tượng hóa học

là hiện tượng trong đó có sinh ra chất mới.

Hóa học

4. Trường từ vựng

là tập hợp những từ có ít nhất một nét chung về nghĩa

Ngữ văn

5. Di chỉ

là nơi có dấu vết cư trú và sinh sống của người xưa

Lịch sử

6. Thụ phấn

là hiện tượng hạt phấn tiếp xúc với đầy nhụy

Sinh học

7. Lưu lượng

là lượng nước chảy qua mặt cắt ngang dòng sông ở một điểm nào đó trong một giây đồng hồ. Đơn vị đo: m3/s

Địa lí

8. Trọng lực

là lực hút của trái đất

Vật lí

9. Khí áp

là sức ép của khí quyển lên bề mặt trái đất

Địa lí

10. Đơn chất

là những chất do một nguyên tố hóa học cấu tạo nên

Hóa học

11. Thị tộc phụ hệ

là thị tộc theo dòng họ của người cha, trong đó nam có quyền hơn nữ

Lịch sử

12. Đường trung trực

là đường thẳng vuông góc với một đoạn thẳng tại điểm giữa của đoạn ấy

Toán

b) Bài làm:

Mặc dù có nét nghĩa nào đó giống với thuật ngữ điểm tựa trong Vật lí (trong vật lí, điểm tựa là điểm cố định của một đòn bẩy, thông qua đó lực tác động được truyền tới lực cản; ở đoạn thơ này, điểm tựa có nghĩa một chỗ dựa tin tưởng, gánh trọng trách) nhưng từ điểm tựa ở đây không được dùng với tư cách là một thuật ngữ Vật lí mà nó được dùng với tư cách là ngôn ngữ nghệ thuật.

c) Trả lời câu hỏi như sau:

3 thuật ngữ trong lĩnh vực địa lý được dùng trong đoạn trích:

- Khí quyển: là lớp khí bao quanh Trái Đất và được giữ lại bởi lực hấp dẫn của Trái Đất. Nó bao gồm những chất khí như nitơ (chiếm 78,1% thể tích), là oxi khoảng 20,9%, ngoài ra nó còn là các chất khí khác như agon, cácbon điôxít, là hơi nước…

- Mặt trời: là ngôi sao ở trung tâm Hệ Mặt Trời, chiếm khoảng 99,86% khối lượng của Hệ Mặt Trời. Trái Đất và các thiên thể khác như các hành tinh, tiểu hành tinh, thiên thạch, sao chổi, và bụi quay quanh Mặt Trời.

- Ánh sáng mặt trời: Ánh sáng do Mặt Trời tạo ra còn được gọi là ánh nắng (hay còn gọi là ánh sáng trắng bao gồm nhiều ánh sáng đơn sắc biến thiên liên tục từ đỏ đến tím)

3. Luyện tập về miêu tả trong văn tự sự

a) Liệt kê những yếu tố miêu tả có trong đoạn trích Chị em Thúy Kiều. Chỉ ra tác dụng của những yếu tố miêu tả này trong việc khắc họa chân dung mỗi nhân vật.

b) Em hãy viết một đoạn văn giới thiệu về chị em Thúy Kiều, trong đó có sử dụng các yếu tố miêu tả đã xác định.

Hướng dẫn trả lời:

a) Những yếu tố miêu tả có trong đoạn trích Chị em Thúy Kiều:

- Miêu tả sắc đẹp của Thúy Vân: Tả cụ thể: “Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang” (nghĩa là gương mặt phúc hậu, mắt phượng mày ngài. Nụ cười tươi như hoa, tiếng nói trong như ta trắng như tuyết, tóc đen như mây).

- Miêu tả sắc đẹp của Thúy Kiều: tả vẻ đẹp của đôi mắt: “làn thu thủy, nét xuân sơn” (mắt long lanh như nước hồ thu, lông mày thanh tú như dáng núi mùa xuân).

→ Những yếu tố miêu tả này giúp cho bức chân dung của hai chị em Thúy kiều, Thúy Vân hiện lên đầy ấn tượng, sinh động và gợi cảm.

b) Đoạn văn mẫu tham khảo: Phân tích vẻ đẹp của chị em Thúy Kiều (6 mẫu)

Mẫu 1:

Hai cô con gái của nhà họ Vương là Thúy Kiều và Thúy Vân vô cùng xinh đẹp. Mỗi người mang một vẻ đẹp khác nhau. Người em Thúy Vân có vẻ đẹp phúc hậu với khuôn mặt tròn phúc hậu như mặt trăng ngày rằm. Đôi lông mày nở nang, mái tóc đen mượt mà, nước da trắng hồng. Vân có tác phong đoan trang, dịu dàng, được nhiều người yêu mến. So với cô, chị gái Thúy Kiều lại càng thêm phần sắc sảo, kiêu kì. Vẻ đẹp diễm lệ ấy của nàng khiến cho thiên nhiên tạo tác cũng phải ghen tị, căm hờn. Chính nhan sắc ấy đã phần nào dự báo trước tương lai chông chênh, sóng gió của Kiều.

Mẫu 2:

Trong gia đình nhà họ Vương có hai cô con gái đến tuổi cập kê, cô nào cũng xinh đẹp bội phần. Thúy Vân là em gái, có vẻ đẹp thật phúc hậu: khuôn mặt đầy đặn như vầng trăng đêm rằm, lông mày nở nang cân đối như đôi râu ngài, lời nói đoan trang, miệng cười tươi như hoa, giọng nói trong trẻo như ngọc ngà, mái tóc dầy mượt mà như làn mây, nước da trắng ngần như tuyết. Vẻ đẹp của nàng đầy khả ái, phúc hậu, khiến thiên nhiên cảm mến và nhường nhịn cho nàng.

So với em gái, Thúy Kiều về cả tài cả sắc có lẽ đều là phần hơn. Nàng có đôi mắt diễm lệ, long lanh, trong trẻo như làn nước mùa thu. Đôi lông mày thanh tú, yểu điệu như dáng núi mùi xuân. Ở nàng toát lên vẻ đẹp đầy quyến rũ và sắc sảo, rực rỡ và đầy cuốn hút, vượt ra khỏi mọi khuôn mẫu của thiên nhiên, khiến cho thiên nhiên cũng đố kị, tức tối mà "hờn", mà "ghen" với nàng. Về tài năng, Kiều đều thông thạo. Nàng thông minh bẩm sinh, có tài làm thơ vẽ “pha nghề ca hát đủ mùi”, tài đàn “ăn đứt”, âm luật giỏi đến mức “làu bậc”, còn sáng tác nhạc “một thiên bạc mệnh”- chính là sự ghi lại tiếng lòng của một trái tim đa sắc đa cảm. Vẻ đẹp của Kiều là sự kết hợp giữa sắc tài và tình. Đó quả là người con gái tuyệt sắc giai nhân và có tài năng thiên bẩm đáng trân trọng.

VnDoc đã hướng dẫn các bạn học sinh Soạn văn bài: Truyện Kiều – Chị em Thúy Kiều - Sách hướng dẫn học Ngữ Văn 9 tập 1 trang 48. Sách này nằm trong bộ VNEN của chương trình mới. Hy vọng với tài liệu này các bạn sẽ nắm chắc kiến thức, chuẩn bị tốt cho bài giảng sắp tới

.......................................................................

Ngoài Soạn văn 9 bài Truyện Kiều – Chị em Thúy Kiều VNEN. Mời các bạn học sinh còn có thể tham khảo thêm Soạn văn 9, soạn bài 9 hoặc đề thi học học kì 1 lớp 9, đề thi học học kì 2 lớp 9 các môn Toán, Văn, Anh, Hóa, Lý, Địa, Sinh mà chúng tôi đã sưu tầm và chọn lọc. Với đề thi học kì 2 lớp 9 này giúp các bạn rèn luyện thêm kỹ năng giải đề và làm bài tốt hơn. Chúc các bạn học tốt

Chia sẻ, đánh giá bài viết
9
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Soạn Ngữ văn 9 VNEN

    Xem thêm