Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Soạn Văn 9 bài Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới VNEN

VnDoc xin giới thiệu tới các bạn bài Soạn văn 9 VNEN bài 20: Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới để tham khảo chuẩn bị tốt cho bài giảng, theo kịp tiến độ của thầy cô trên lớp giúp bạn học tốt môn Văn hơn. Mời các bạn tải và tham khảo

A. Hoạt động khởi động

1. Em hiểu “hành trang” là gì?

Bài làm:

"Hành trang" theo nghĩa đen nghĩa là đồ dùng mang theo và các thứ trang bị khi đi xa.

Trong một số trường hợp, từ "hành trang" còn mang ý nghĩa là hành trang tinh thần như tri thức, kỹ năng, thói quen… Nghĩa này được sử dụng theo phương thức ẩn dụ.

2. Theo em, học sinh lớp 9 cần chuẩn bị những hành trang gì để bước vào trường trung học phổ thông?

Bài làm:

Hành trang về kiến thức: học sinh lớp 9 cần nắm vững kiến thức của chương trình trung học cơ sở để có một nền tảng chắc chắn cho việc tiếp thu những kiến thức nâng cao hơn ở chương trình trung học phổ thông sau này.

Trang bị những phương pháp học tập phù hợp với chương trình học có cường độ cao và kiến thức nặng hơn so với những năm học cơ sở.

Hành trang về tâm lí: Chuẩn bị tâm lí sẵn sàng thích nghi với môi trường mới, với những người bạn mới, thầy cô mới và phương pháp học tập mới,…

B. Hoạt động hình thành kiến thức

1. Đọc văn bản "Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới"

2. Tìm hiểu văn bản

a) Hãy chỉ ra hệ thống luận điểm và trình tự lập luận của tác giả?

Bài làm:

Bài viết nêu ra 3 luận điểm lớn, mỗi luận điểm này lại được cụ thể hoá bằng một hệ thống luận cứ, dẫn chứng sinh động, cụ thể theo một trình tự lập luận rất hợp lí và chặt chẽ:

Luận điểm 1: Trong hành trang vào thế kỉ mới, sự chuẩn bị bản thân con người là quan trọng nhất.

  • Từ cổ chí kim bao giờ con người cũng là động lực phát triển của lịch sử;
  • Trong thời kì kinh tế tri thức phát triển thì vai trò của con người lại càng nổi trội.

Luận điểm 2: Bối cảnh của thế giới hiện nay và những mục tiêu, nhiệm vụ nặng nề của đất nước.

  • Bối cảnh hiện nay là một thế giới mà khoa học công nghệ phát triển như huyền thoại, sự giao thoa, hội nhập ngày càng sâu rộng giữa các nền kinh tế;
  • Nước ta phải đồng thời giải quyết ba nhiệm vụ: thoát khỏi tình trạng nghìn năm lạc hậu của nền kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời phải tiếp cận ngay với nền kinh tế tri thức.

Luận điểm 3: Những cái mạnh, cái yếu của người Việt Nam cần được nhận thức rõ trong quá trình xây dựng nền kinh tế mới.

b) Trong bài viết, tác giả cho rằng: "Trong những hành trang ấy, có lẽ sự chuẩn bị bản thân con người là quan trọng nhất". Điều đó đúng không, vì sao?

Bài làm:

Quan điểm của tác giả là hoàn toàn đúng đắn vì:

  • Từ xưa đến nay, con người bao giờ cũng là động lực phát triển của lịch sử. Con người chính là nguồn nhân lực cốt yếu, là nguồn động lực lớn lao để phát triển kinh tế, xã hội của một đất nước.
  • Trong thời kì hiện đại hóa hiện nay, con người càng đóng vai trò chủ đạo, bởi con người chính là chủ nhân của mọi hoạt động lao động sản xuất.

c) Chỉ ra những điểm mạnh, điểm yếu của con người Việt Nam được tác giả nêu và phân tích trong bài viết. Những điểm mạnh có ý nghĩa gì trong hành trang của con người Việt Nam và những điểm yếu gây cản trở gì cho chúng ta khi bước vào thế kỉ mới?

Bài làm:

Những điểm mạnh, điểm yếu của con người Việt Nam được tác giả nêu và phân tích trong bài viết:

  • Con người Việt Nam thông minh, nhạy bén dễ nắm bắt cái mới nhưng lại thiếu đi những kiến thức cơ bản cũng như hạn chế về khả năng thực hành.
  • Cần cù sáng tạo nhưng thiếu đức tính tỉ mỉ, không coi trọng nghiêm ngặt quy trình công nghệ, chưa quen với cường độ khẩn trương.
  • Con người Việt Nam có truyền thông lâu đời đùm bọc đoàn kết thương yêu nhau trong công cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm, thế nhưng trong sản xuất làm ăn lại có tính đố kị làm giảm đi sức mạnh và tính liên kết trong sản xuất.
  • Bản tính thích ứng nhanh, nhưng lại có nhiều hạn chế trong thói quen, nếp nghĩ, quen bao cấp, rất sùng ngoại nhưng có khi lại bài ngoại đến mức cực đoan, khôn vặt, ít giữ chữ "tín".

Những điểm mạnh này sẽ giúp chúng ta thích nghi và đáp ứng được những đòi hỏi ngày càng cao của thời đại. Tuy nhiên, những điểm yếu còn tồn tại sẽ kìm hãm bước đi đó và khiến cho sự đổi mới, tiến bộ không được triệt để và toàn diện.

d) Tác giả có thái độ như thế nào đối với con người và dân tộc mình trước yêu cầu của thời đại?

Bài làm:

Thái độ của tác giả đối với con người và dân tộc mình trước yêu cầu của thời đại:

Tác giả không chỉ có ca ngợi, cũng không chỉ toàn phê phán một cách cực đoan mà đã nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, tôn trọng sự thực, đối chiếu và đánh giá những điểm mạnh cũng như những điểm yếu của người Việt Nam trong quan hệ với công việc, trong yêu cầu của sự phát triển xã hội. Đó là sự đánh giá rất khách quan và khoa học, không bị rơi vào sự tự cao quá mức hay tự ti, miệt thị dân tộc, xuất phát từ thiện chí của tác giả muốn để chúng ta nhìn nhận về mình một cách đúng đắn, chân thực, ý thức được những mặt tốt cũng như mặt chưa tốt của mình để phát huy hoặc sửa đổi.

3. Tìm hiểu về các thành phần biệt lập (tiếp theo)

a) Đọc các câu sau đây (trích từ truyện ngắn Làng của Kim Lân) và trả lời câu hỏi.

(1) – Này, bác có biết mấy hôm nay súng nó bắn ở đâu mà nghe rát thế không?

(2) – Các ông, các bà ở đâu ta lên đấy ạ?

Ông Hai đặt bát nước xuống chõng hỏi. Một người đàn bà mau miệng trả lời:

- Thưa ông, chúng cháu ở Gia Lâm lên đấy ạ.

- Trong các từ ngữ in trên, từ ngữ nào được dùng để gọi, từ ngữ nào được dùng để đáp?

- Những từ ngữ dùng để gọi người khác hay đáp lời người khác có tham gia diễn đạt nghĩa sự việc của câu hay không?

- Trong những từ ngữ in đậm trên, từ ngữ nào được dùng để tạo lập cuộc thoại, từ ngữ nào được dùng để duy trì cuộc thoại đang diễn ra?

Bài làm:

- Trong các từ ngữ in trên, từ Này dùng để gọi, cụm từ Thưa ông dùng để đáp.

- Những từ ngữ dùng để gọi người khác hay đáp lời người khác không tham gia diễn đạt nghĩa sự việc của câu.

- Trong những từ ngữ in đậm trên, từ "Này" được dùng để tạo lập cuộc thoại, cụm từ "Thưa ông" được dùng để duy trì cuộc thoại đang diễn ra.

b) Đọc các câu sau đây và trả lời câu hỏi.

(1) Lúc đi, đứa con gái đầu lòng của anh – và cũng là đứa con duy nhất của anh, chưa đầy một tuổi.

(Nguyễn Quang Sáng, Chiếc lược ngà)

(2) Lão không hiểu tôi, tôi nghĩ vậy, và tôi càng buồn lắm.

(Nam Cao, Lão Hạc)

- Nếu được lược bỏ các từ ngữ in đậm, nghĩa sự việc của mỗi câu trên có thay đổi không? Vì sao?

- Ở câu (1) các từ in đậm dược thêm vào để chú thích cho cụm từ nào?

- Trong câu (2), cụm chủ vị in đậm chú thích điều gì?

Bài làm:

- Nếu được lược bỏ các từ ngữ in đậm, nghĩa của sự việc của mỗi câu trên không thay đổi. Vì đây là thành phần phụ chú của câu chỉ đóng vai trò bổ sung ý nghĩa cho thành phần chính. Nội dung chính của câu không nằm trong thành phần này.

- Ở câu (1), cụm từ “và cũng là đứa con duy nhất của anh” được thêm vào để chú thích cho" đứa con gái đầu lòng của anh".

- Cụm chủ – vị “tôi nghĩ vậy” có tác dụng báo cho độc giả biết rằng nhận định “Lão không hiểu tôi” diễn ra trong suy nghĩ của riêng “tôi”, là suy đoán chủ quan của “tôi”, chứ chưa hẳn đã đúng.

c) Hoàn chỉnh bảng sau bằng cách điền từ ngữ thích hợp vào chỗ trống trong ngoặc đơn để thấy được công dụng của thành phần gọi – đáp và thành phần phụ chú:

(1) Thành phần gọi đáp được dùng để (…) giao tiếp.

(2) Thành phần phụ chú được dùng để (…) cho nội dung chính của câu.

Bài làm:

Thành phần gọi đáp được dùng để tạo lập hoặc duy trì quan hệ giao tiếp.

Thành phần phụ chú được dùng để bổ sung một số chi tiết cho nội dung chính của câu.

4. Tìm hiểu nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lí

Đọc văn bản và trả lời câu hỏi

TRI THỨC LÀ SỨC MẠNH

Nhà khoa học người Anh Phơ-răng-xít Bê-cơn (thế kỉ XVI – XVII) đã nói một câu nổi tiếng: “Tri thức là sức mạnh”. Sau này Lê-nin, một người thầy của cách mạng vô sản thế giới, lại nói cụ thể hơn: “Ai có tri thức thì người ấy có được sức mạnh”. Đó là một tư tưởng rất sâu sắc. Tuy vậy, không phải ai cũng hiểu được tư tưởng ấy.

Tri thức đúng là sức mạnh. Người ta kể rằng, có một máy phát điện cỡ lớn của công ti Pho bị hỏng. Một hội đồng gồm nhiều kĩ sư họp 3 tháng liền tìm không ra nguyên nhân. Người ta phải mời đến chuyên gia Xten-mét-xơ. Ông xem xét và làm cho máy hoạt động trở lại. Công ti phải trả cho ông 10 000 đô la. Nhiều người cho Xten-mét-xơ là tham, bắt bí để lấy tiền. Nhưng trong giấy biên nhận, Xten-mét-xơ ghi: “Tiền vạch một đường thẳng là 1 đô la. Tiền tìm ra chỗ để vạch đúng đường ấy giá: 9 999 đô la.”. Rõ ràng người có tri thức thâm hậu có thể làm được những việc mà nhiều người khác không làm nổi. Thử hỏi, nếu không biết cách chữa thì cỗ máy kia có thể thoát khỏi số phận trở thành đống phế liệu được không!?

Tri thức cũng là sức mạnh của cách mạng. Bác Hồ của chúng ta sau chuyến đi Pháp năm 1946 trở về đã thu hút được nhiều nhà tri thức Việt Nam danh tiếng đi theo kháng chiến như kĩ sư Trần Đại Nghĩa, tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên, các bác sĩ Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ, nhà toán học Tạ Quang Bửu,… Các nhà trí thức ấy đã đem tri thức của mình mà xây dựng các ngành quân giới, giáo dục, y tế,… góp phần to lớn đưa cuộc kháng chiến đến thành công. Trong cuộc kháng chiến chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mĩ, các giáo sư Đàm Trung Đồn, Vũ Đình Cự đã huy động tri thức góp phần phá huỷ lôi nổ chậm của địch, khai thông bến cảng. Và ngày nay, các nhà khoa học nông nghiệp như Bùi Huy Đáp, Vũ Tuyên Hoàng,… đã lai tạo giống lúa mới, góp phần tăng sản lượng nông nghiệp, làm cho nước ta không chỉ có đủ lương thực mà còn trở thành một trong những nước đứng hàng đầu về xuất khẩu gạo thế giới.

Tri thức có sức mạnh to lớn như thế nhưng đáng tiếc là còn không ít người chưa biết quý trọng tri thức. Họ coi mục đích của việc học chỉ là để có mảnh bằng mong sau này tìm việc kiếm ăn hoặc thăng quan tiến chức. Họ không biết rằng, muốn biến nước ta thành một quốc gia giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh, sánh vai cùng các nước trong khu vực và thế giới cần phải có biết bao nhiêu nhà trí thức tài năng trên mọi lĩnh vực!

(Hương Tâm)

a) Văn bản trên bàn về vấn đề gì?

b) Văn bản có thể chia làm mấy phần? Chỉ ra nội dung của mỗi phần và mối quan hệ của chúng với nhau.

Bài làm:
Văn bản Tri thức là sức mạnh có thể chia thành 3 phần:
  • Phần mở bài (đoạn mở đầu): nêu vấn đề “tri thức là sức mạnh”;
  • Phần thân bài (hai đoạn tiếp): Đưa ra các dẫn chứng, chứng minh tri thức là sức mạnh trong lĩnh vực kĩ thuật trong cuộc cách mạng ở Việt Nam.
  • Phần kết bài (đoạn còn lại): Phê phán những người chưa biết quý trọng tri thức và sử dụng tri thức không đúng mục đích.

Quan hệ của chúng đó là tạo nên kết câu 3 phần: mở bài, thân bài và kết bài cho văn bản.

c) Đánh dấu các câu mang luận điểm chính trong bài. Các luận điểm ấy đã diễn đạt được rõ ràng, dứt khoát ý kiến của người viết chưa?

Bài làm:

Các câu mang luận điểm chính trong bài:

  • “Tri thức đúng là sức mạnh.” (Bê- cơn); “Ai có tri thức thì người ấy có được sức mạnh” (Lê-nin).
  • "Tri thức đúng là sức mạnh"
  • “Tri thức cũng là sức mạnh của cách mạng.”;
  • “Tri thức có sức mạnh to lớn như thế nhưng đáng tiếc là còn không ít người chưa biết quý trọng tri thức.”
Các luận điểm ấy đã diễn đạt rõ ràng, dứt khoác ý kiến của người viết.

d) Văn bản đã sử dụng phép lập luận nào là chính? Cách lập luận có thuyết phục hay không?

Bài làm:

d) Văn bản sử dụng phép lập luận chứng minh là chủ yếu.

Từ những dẫn chứng cụ thể, người viết khẳng định sự đúng đắn của tư tưởng “Tri thức là sức mạnh” và “Ai có tri thức thì người ấy có được sức mạnh”, qua đó phê phán những người không biết quý trọng tri thức, sử dụng tri thức sai mục đích và đề cao vai trò của tri thức đối với sự phát triển của đất nước. Cách lập luận này tạo nên sức thuyết phục cao cho văn bản.

e) Bài nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lí khác với bài nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống như thế nào?

Bài làm:

Sự khác nhau giữa bài nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lí với bài nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống:

  • Bài nghị luận về một sự việc, hiện tượng cuộc sống: Từ một sự việc, hiện tượng xuất phát từ thực tế trong đời sống, người viết nêu ra vấn đề mang ý nghĩa tư tưởng, đạo lí.
  • Bài nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lí: Bằng cách giải thích, chứng minh, so sánh, đối chiếu, phân tích… làm sáng tỏ, một vấn đề tư tưởng, đạo lí, chỉ ra chỗ đúng (hay chỗ sai) của nó; qua đó khẳng định tư tưởng của người viết.

C. Hoạt động luyện tập

1. Luyện tập đọc hiểu văn bản Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới.

Em hãy nêu những dẫn chứng trong thực tế đời sống để làm rõ một số điểm mạnh và điểm yếu của con người Việt Nam mà tác giả đã chỉ ra trong văn bản Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới.

Bài làm:

Một số dẫn chứng về các điểm mạnh của con người Việt Nam:

Thông minh:

  • Đạt rất nhiều giải thưởng cao trong những cuộc thi quốc tế (tính đến năm 2017, sau 41 lần tham dự Olympic Toán học Quốc tế, nếu tính về thứ hạng, đoàn Việt Nam đạt thành tích tốt nhất tại IMO 1999, 2007 và 2017 (đều đứng thứ 3 toàn đoàn với 3 huy chương vàng, 3 huy chương bạc).
  • Trong kỳ thi Toán và Khoa học quốc tế (IMSO) 2017 tại Singapore, Việt Nam đã giành được 12 huy chương (3 huy chương vàng, 8 huy chương bạc và một giải đồng)

Cần cù, sáng tao:

  • Ông Đỗ Đức Cường phát minh ra máy ATM làm nên cuộc cách mạng trong hệ thống ngân hàng thế giới.
  • Ông Nguyễn Quốc Hào cần mẫn tự nghiên cứu chế tạo thành công tàu ngầm mini.
  • Bác Vũ Đình Phúc (đường Nguyễn Siêu, Xóm Mới, phường 7, TP Đà Lạt) đã giành 2 năm mày mò nghiên cứu để sản xuất ra máy xay phế phẩm nông nghiệp làm phân hữu cơ, tận dụng phế phẩm nông nghiệp, giảm rác thải đồng thời phục vụ sản xuất.

Một số dẫn chứng về các điểm yếu của con người Việt Nam:

  • Không có tinh thần kỉ luật: làm việc không theo kế hoạch, nước đến chân mới nhảy, không tuân thủ giờ giấc,…
  • Thói quen “khôn vặt”, “bóc ngắn cắt dài”, không coi trọng chữ “tín”: các cửa hàng bán rượu trên phố Hàng Buồm, Tạ Hiện, Phan Bội Châu, chợ Hàng Da ở Hà Nội sử dụng những chai rượu lâu được vận chuyển từ các cửa khẩu, dán tem thành rượu hợp pháp và bán cho người dân.

2. Luyện tập về các thành phần biệt lập (tiếp theo)

a) Tìm thành phần gọi - đáp trong đoạn trích sau đây và cho biết từ nào được dùng để gọi, từ nào được dùng để đáp. Quan hệ giữa người gọi với người đáp là quan hệ gì (trên – dưới hay ngang hàng, thân hay sơ)?

(1) - Này, bảo bác ấy có trốn đi đâu thì trốn. Chứ cứ nằm đấy, chốc nữa họ vào thúc sưu, không có, họ lại đánh trói thì khổ. Người ốm rề rề như thế, nếu lại phải một trận đòn, nuôi mấy tháng cho hoàn hồn.
(2) - Vâng, cháu cũng đã nghĩ như cụ. Nhưng để cháo nguội, cháu cho nhà cháu ăn lấy vài húp cái đã. Nhịn suông từ sáng hôm qua tới giờ còn gì?
(Ngô Tất Tố, Tắt đèn)
Bài làm:

Thành phần gọi - đáp trong đoạn trích: Các từ Này, Vâng

Trong đó, từ Này dùng để gọi, từ Vâng dùng để đáp.

Quan hệ giữa người gọi với người đáp là quan hệ trên – dưới.

b) Tìm thành phần phụ chú trong các trường hợp sau và cho biết chúng bổ sung điều gì. Thành phần phụ chú trong mỗi câu liên quan đến những từ ngữ nào trước đó?

(1) Chúng tôi, mọi người – kể cả anh, đều tưởng con bé sẽ đứng yên đó thôi.

(Nguyễn Quang Sáng, Chiếc lược ngà)

(2) Giáo dục tức là giải phóng. Nó mở ra cánh cửa dẫn đến hoà bình, công bằng và công lí. Những người nắm giữ chìa khoá của cánh cửa này – các thầy, cô giáo, các bậc cha mẹ, đặc biệt là những người mẹ – gánh một trách nhiệm vô cùng quan trọng, bởi vì cái thế giới mà chúng ta để lại cho các thế hệ mai sau sẽ tuỳ thuộc vào những trẻ em mà chúng ta để lại cho thế giới ấy.

(Phê-đê-ri-cô May-o, Giáo dục – chìa khoá của tương lai)

(3) Bước vào thế kỉ mới, muốn “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” thì chúng ta sẽ phải lấy đầy hành trang bằng những điểm mạnh, vứt bỏ những điểm yếu. Muốn vậy thì khâu đầu tiên, có ý nghĩa quyết định là hãy làm cho lớp trẻ – những người chủ thực sự của đất nước trong thế kỉ tới – nhận ra điều đó, quen dần với những thói quen tốt đẹp ngay từ những việc nhỏ nhất.

(Vũ Khoan, Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới)

(4) Cô bé nhà bên có ai ngờ

Cũng vào du kích

Hôm gặp tôi vẫn cười khúc khích

Mắt đen tròn (thương thương quá đi thôi).

(Giang Nam, Quê hương)

Bài làm:

Thành phần phụ chú trong các câu:

(1) kể cả anh (chú thích phạm vi bao quát của cụm từ này, bổ sung cho chúng tôi, mọi người).

(2) các thầy, cô giáo, các bậc cha mẹ, đặc biệt là những người mẹ (giải thích cho những người nắm giữ chìa khóa của cánh cửa này bao gồm những ai và ai có vai trò quan trọng nhất).

(3) những người chủ thực sự của đất nước trong thế kỉ tới (chú thích cho cụm từ lớp trẻ, mở rộng đồng thời nhấn mạnh ý nghĩa về vai trò của lớp trẻ đối với tương lai của đất nước).

(4) có ai ngờ (cho thấy thái độ, ngạc nhiên của người nói - nhân vật “tôi"); thương thương quá đi thôi (cho thấy tình cảm mến thương của người nói - nhân vật “tôi").

3. Luyện tập nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lí

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi.

THỜI GIAN LÀ VÀNG

Ngạn ngữ có câu: Thời gian là vàng. Nhưng vàng thì mua được mà thời gian không mua được. Thế mới biết vàng có giá trị mà thời gian là vô giá.

Thật vậy, thời gian là sự sống. Bạn vào bệnh viện mà xem, người bệnh nặng, nếu kịp thời chạy chữa thì sống, để chậm là chết.

Thời gian là thắng lợi. Bạn hỏi các anh bộ đội mà xem, trong chiến đấu, biết nắm thời cơ, đánh địch đúng lúc là thắng lợi, để mất thời cơ là thất bại.

Thời gian là tiền. Trong kinh doanh, sản xuất hàng hoá đúng lúc là lãi, không đúng lúc là lỗ.

Thời gian là tri thức. Phải thường xuyên học tập thì mới giỏi. Học ngoại ngữ mà bữa đực, bữa cái, thiếu kiên trì, thì học mấy cũng không giỏi được.

Thế mới biết, nếu biết tận dụng thời gian thì làm được bao nhiêu điều cho bản thân và cho xã hội. Bỏ phí thời gian thì có hại và về sau hối tiếc cũng không kịp.

(Phương Liên)

a) Văn bản trên thuộc loại nghị luận nào?

b) Văn bản nghị luận vấn đề gì? Chỉ ra luận điểm chính của văn bản.

c) Phép lập luận chủ yếu trong bài này là gì? Cách lập luận trong bài có sức thuyết phục như thế nào?

Bài làm:

Văn bản trên thuộc loại nghị luận về một tư tưởng, đạo lí.

Văn bản nghị luận về giá trị của thời gian.

Các luận điểm chính của văn bản:

  • Thời gian là sự sống
  • Thời gian là thắng lợi
  • Thời gian là tiền
  • Thời gian là tri thức

Trong văn bản, người viết chủ yếu sử dụng phép lập luận phân tích và chứng minh.

Các luận điểm này lại được chứng minh bằng những dẫn chứng từ thực tiễn. Mạch triển khai lập luận của bài văn đơn giản nhưng cô đọng, sáng rõ và chặt chẽ.

4. Viết bài tập làm văn số 5 – Nghị luận xã hội

Đề 1: Hãy viết một bài văn trình bày suy nghĩ của em về lòng yêu thương con người trong xã hội hiện nay.

Bài làm:

Đề 1: Hãy viết một bài văn trình bày suy nghĩ của em về lòng yêu thương con người trong xã hội hiện nay.

Bài làm

Với câu hỏi, điều gì là quan trọng nhất trong cuộc sống, có lẽ mỗi người sẽ có một câu trả lời khác nhau cho riêng mình. Là không khí? Thức ăn? Nước uống? Tất cả chúng đều đúng cả, chúng đều rất cần thiết cho sự sống con người. Nhưng nếu thiếu những thứ trên, con người ta chỉ chết đi về mặt sinh học. Còn nếu cuộc sống thiếu đi lòng yêu thương, khi ấy con người ta mới thực sự chết. Chết đi về cả thể xác lẫn tinh thần.

Lòng yêu thương là một trong những phẩm chất cao đẹp của con người, là sự đồng cảm, chia sẻ, gắn bó, thấu hiểu… giữa người với người. Yêu thương con người là phong cách sống đẹp, là nhân cách làm người, là cuộc cách mạng tinh thần, là đời sống thật và đẹp nhất của con người.

Trong cuộc sống của chúng ta, lòng yêu thương có một ý nghĩa vô cũng quan trọng. Nó làm cho mối quan hệ giữa người với người trở nên tốt đẹp hơn. Lòng yêu thương giúp con người ta cảm thấy hạnh phúc, đem lại sự hòa bình, bình yên tuyệt diệu cho mỗi cá nhân chúng ta. Nó giúp người đang yêu đời càng thêm hạnh phúc, giúp người đang khổ đau vơi đi nỗi muộn phiền, buồn khổ. Lòng yêu thương con người khiến cho ngày bão giông, u ám nhất cũng trở nên tươi sáng và những khó khăn nặng nề nhất cũng trở nên nhẹ nhàng hơn. Vì thế, ta có thể hiểu rằng lòng yêu thương chính là một liều thuốc tinh thần vô giá đối với con người. Lòng yêu thương con người là một trong những tố chất làm nên ý nghĩa cuộc sống của mỗi chúng ta.

Lòng yêu thương con người có thể được nhìn thấy ở khắp mọi nơi, ngay cả trong những biểu hiện nhỏ nhất của đời sống. Đó là tình mẹ thương con, tình cha cao cả, tình yêu thương với bạn bè, thầy cô, hàng xóm, láng giềng,…và với cả những người xa lạ đối với ta. Đó là sự chia sẻ vật chất khi khó khăn, hoạn nạn; là sự cảm thông, thấu hiểu, động viên, khích lệ với những con người đau khổ. Lòng yêu thương không phân biệt màu da, ngôn ngữ, khoảng cách giàu nghèo sẽ tạo điều kiện làm cho mọi người xích lại gần nhau hơn.

Trong xã hội ngày nay, lòng yêu thương con người vẫn luôn hiện hữu và được thể hiện trong những hành động khác nhau. Một người qua đường thấy người ăn mày, ngừng lại, hỏi han, an ủi, giúp đỡ. Mỗi mùa hè đến, những sinh viên với màu áo xanh tình nguyện lại lặn lội, không quản ngại khó khăn đến các vùng núi xa xôi để giúp đỡ bà con dân tộc thiểu số. Những hoạt động vì tình thương luôn nhận được nhiều sự đồng tình và ủng hộ như Chương trình vì người nghèo, Ngôi nhà mơ ước, Lục lạc vàng… Lòng yêu thương là một chất xúc tác, một nguồn động lực giúp cuộc sống của chúng ta trở nên tốt đẹp và đáng sống hơn.

Nếu không tồn tại lòng yêu thương, cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên khô cằn và tăm tối biết nhường nào. Tuy nhiên, nếu lòng yêu thương mà không được đặt đúng lúc đúng chỗ sẽ không thể tạo ta hạnh phúc cho con người. Một người mẹ thì lúc nào cũng yêu thương con nhưng tình yêu thương đó bị lầm tưởng thành sự cưng chiều, bênh vực quá mức bất chấp phải trái thì sớm muộn đứa con ấy sẽ trở nên hư hỏng. Bên cạnh đó, trong cuộc sống, đôi khi ta vẫn thường bắt gặp những con người thờ ơ, thậm chí chế giễu lên nỗi đau của người khác. Lối sống ích kỉ ấy là một hiện tượng cần lên án, vì nó đi ngược lại với truyền thống trọng tình, quý nghĩa của cha ông ta. Ngày nay, sống trong xã hội văn minh hơn, thì tình thương càng phải được đề cao hơn.

Vậy nên chúng ta đừng ngại ngần khi trao cho nhau tình yêu, lòng yêu thương giữ người với người. Lòng yêu thương khi được trao đi không chỉ là món quà bạn dành tặng cho người khác mà còn là một điều tốt đẹp bạn làm cho chính mình. Hãy biết sống sẻ chia, cảm thông, thấu hiểu và hướng về cộng đồng, để hoàn thiện nhân cách mình và trở thành những công dân có ích.

Đề 2: Trình bày quan điểm của em về trò chơi điện tử.

Bài làm:

Đi qua những cuộc cách mạng công nghiệp vĩ đại, thế giới ngày càng phát triển với những phát minh hiện đại và tiên tiến hơn. Cuộc sống của con người theo đó cũng ngày càng được nâng cao về mọi mặt. Trò chơi điện tử chính là một sáng tạo thông minh của nhân loại, ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống giải trí của con người.

Trò chơi điện tử là một tiện ích công nghệ ra đời cùng sự phát triển của tin học, phục vụ nhu cầu giải trí của con người. Nó bao gồm hệ thống những trò chơi được thiết lập bởi các phần mềm thông minh, có nhân vật, âm thanh và hệ thống hình ảnh hấp dẫn, có nhiều yếu tố chân thực.

Là một trong những phát minh mang tính sáng tạo cao của con người, trò chơi điện tử trước hết là một trò chơi hấp dẫn và có nhiều điều thú vị. Trong những năm gần đây, trò chơi điện tử đã trở thành một thú tiêu khiển mới mẻ, hấp dẫn, phù hợp với cuộc sống hiện đại, thu hút đông đảo thanh thiếu niên tham gia.

Chúng ta không thể phủ nhận những yếu tố tích cực của trò chơi điện tử. Nó dễ thao tác, dễ tiếp cận khi mọi người, ở mọi lứa tuổi khác nhau đều dễ dàng tiếp cận được qua hệ thống mạng Internet hoặc những trung tâm thương mại có kết nối tự động. Với hình ảnh âm thanh mới lạ, nhiều thể loại phong phú và tính tái hiện chân thực, trò chơi điện tử có tác dụng giải trí cao, có khả năng giảm bớt áp lực, căng thẳng trong cuộc sống. Rất nhiều trò chơi điện tử được sáng tạo theo nội dung tư duy trí tuệ góp phần rèn luyện tư duy và trí thông minh như trò chơi ghép chữ, cờ vua, đố vui…Đặc biệt, nó khá phù hợp với lứa tuổi mới lớn, thúc đẩy đam mê khám phá của các em. Không ít thiên tài công nghệ thông tin trên thế giới, nhờ đam mê trò chơi điện tử mà sáng chế ra những công trình kiến trúc vĩ đại.

Tuy nhiên, song song cùng những tác động tích cực, trò chơi điện tử cũng giống như con dao hai lưỡi, tiềm tàng nhiều tác động tiêu cực. Những người sáng tạo ra trò chơi điện tử, lựa chọn rất nhiều nội dung khác nhau. Ngoài những trò chơi giải trí lành mạnh, có rất nhiều trò chơi mang xu hướng bạo lựa, ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển nhân cách của người chơi, đặc biệt là các em nhỏ. Những năm gần đây, cả xã hội đã từng ngỡ ngàng trước tình trạng trẻ em trở nên tăng động do tiếp xúc với những trò chơi bạo lực.

Trò chơi điện tử được vận hành qua thiết bị điện tử. Những thiết bị điện tử sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của người chơi, gây ra tình trạng suy nhược, mệt mỏi, nặng hơn có thể dẫn đến đột quỵ khi nghiện. Nhiều thanh thiếu niên vì quá say mê trò chơi điện tử mà bỏ bê học hành, sức khỏe dần giảm sút. Có trường hợp vì nghiện trò chơi điện tử mà quên ăn uống, nghỉ ngơi dẫn đến tử vong. Chưa kể đến, nghiện trò chơi điện tử có thể biến một học sinh ngoan hiền trở thành kẻ trộm cắp tài sản, giết người cướp của để thỏa mãn nhu cầu của mình. Đã từng có câu chuyện, người cháu vì nghiện chơi điện tử mà giết hại chính người bà của mình khi bị ngăn cấm.

Những tác động trái chiều của trò chơi điện tử từ lâu đã không còn xa lạ trong xã hội hiện đại. Song không phải ai cũng nhận thức được và tỉnh táo tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực của nó. Có người biết dừng lại đúng lúc, coi trò chơi điện tử chỉ là một hình thức giải trí. Cũng có người không làm chủ được bản thân, sa vào say mê quá độ dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc.

Gia đình, nhà trường và xã hội cần chung tay nâng cao nhận thức cho con em mình và mọi người về trò chơi điện tử. Trò chơi điện tử vốn là thú vui giải trí hấp dẫn nhưng không biết hạn chế, nó sẽ trở thành mối nguy hại cho cả xã hội. Hãy tỉnh táo trước những cám dỗ của trò chơi điện tử, đừng để phát kiến thông minh của nhân loại trở thành công cụ phá hủy cuộc sống.

Soạn văn bài: Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới - Sách VNEN ngữ văn lớp 9 trang 19. Trên đây VnDoc đã hướng dẫn trả lời và giải đáp các câu hỏi trong bài học. Cách soạn bài Văn 9 chi tiết, dễ hiểu, Hi vọng các bạn học sinh nắm tốt kiến thức bài học

.......................................................................

Ngoài Soạn Văn 9 bài Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới VNEN. Mời các bạn học sinh còn có thể tham khảo thêm Soạn văn 9, soạn bài 9 hoặc đề thi học học kì 1 lớp 9, đề thi học học kì 2 lớp 9 các môn Toán, Văn, Anh, Hóa, Lý, Địa, Sinh mà chúng tôi đã sưu tầm và chọn lọc. Với đề thi học kì 2 lớp 9 này giúp các bạn rèn luyện thêm kỹ năng giải đề và làm bài tốt hơn. Chúc các bạn học tốt

Chia sẻ, đánh giá bài viết
3
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Soạn Ngữ văn 9 VNEN

    Xem thêm