Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Soạn bài Chuyện người con gái Nam Xương VNEN

Soạn văn 9 VNEN bài 4: Chuyện người con gái Nam Xương được VnDoc sưu tầm và giới thiệu tới các bạn, giúp các bạn học sinh tham khảo, học tập tốt môn Ngữ Văn lớp 9. Mời các bạn tham khảo tài liệu dưới đây.

A. Hoạt động khởi động

1. Nêu những nhận xét của em về Vũ Nương qua lời thoại sau của nhân vật

Kẻ bạc mệnh này duyên phận hẩm hiu, chồng con rẫy bỏ, điều đâu bay buộc, tiếng chịu nhuốc nhơ, thần sông có linh, xin ngài chứng giám. Thiếp nếu đoan trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng, vào nước xin làm ngọc Mị Nương, xuống đất xin làm cỏ Ngu Mỹ. Nhược bằng lòng chim dạ cá, lừa chồng dối con, dưới xin làm mồi cho cá tôm, trên xin làm cơm cho diều quạ và xin chịu khắp mọi người phỉ nhổ.

Bài làm:

Những lời thoại trước khi tự vẫn này của Vũ Nương đã thể hiện nàng là con người rất coi trọng danh dự của bản thân. Khi bị dồn đến đường cùng, phải mang tiếng xấu, chịu nỗi nhục nhuốc nhơ, nàng chỉ còn cách tìm đến cái chết. Những lời than ấy như một lời nguyền, cầu xin thần sông chứng giám nỗi oan khuất và tiết hạnh trong sạch của nàng. Lời thoại đã thể hiện nỗi thất vọng đến tột cùng, nỗi đau cùng cực của người phụ nữ phẩm giá nhưng bị nghi oan nên tự đẩy đến chỗ tận cùng là cái chết.

B. Hoạt động hình thành kiến thức

1. Đọc văn bản

2. Tìm hiểu văn bản

a) Tìm bố cục của truyện bằng cách hoàn thành sơ đồ sau (ghi vào vở)

Nghĩa tình son sắt của Vũ Nương dành cho gia đình nhà chồng

Phần 1

(từ …đến…)

Phần 2

(từ … đến…)

Phần 3

(từ … đến ….)

Bài làm:

Nghĩa tình son sắt của Vũ Nương dành cho gia đình nhà chồng

Phần 1

(từ đầu đến “lo liệu như đối với cha mẹ đẻ mình.”)

Nỗi oan khuất và cái chết của Vũ Nương

Phần 2

(từ “Qua năm sau, giặc ngoan cố” đến “nhưng việc trót đã qua rồi!”)

Vũ Nương được giải oan

Phần 3

(từ “Cùng làng với nàng” đến hết)

b) Nhận xét về những phẩm chất của Vũ Nương được thể hiện ở từng phần của câu chuyện .

Bài làm:

Những phẩm chất đẹp đẽ của Vũ Nương được khắc họa qua nhiều hoàn cảnh khác nhau của câu chuyện:

Phần 1: Nghĩa tình son sắt của Vũ Nương dành cho gia đình nhà chồng

- Mở đầu tác phẩm, tác giả đã có lời giới thiệu bao quát về Vũ Nương “Tính đã thuỳ mị nết na lại thêm tư dung tốt đẹp” tạo ấn tượng về một chân dung phụ nữ hoàn hảo.

- Trong cuộc sống vợ chồng hằng ngày, biết “Trương Sinh có tính đa nghi, dối với vợ phòng ngừa quá sức”. Vì thế, Vũ Nương luôn “giữ gìn khuôn phép”, cư xử khéo léo, “không từng lúc nào vợ chồng phải đến thất hòa”.

- Trong hoàn cảnh chia li, khi tiễn chồng ra chiến trận, Vũ Nương đã bày tỏ tình cảm thắm thiết với chồng bằng những lời tình nghĩa: “Chàng đi chuyến này, thiếp chẳng dám … thế là đủ rồi”. Nàng không ham vinh hoa phú quý, chỉ mong muốn có một gia đình hạnh phúc, ấm êm. Nàng cảm thông trước những nỗi vất vả gian lao mà chồng sẽ phải chịu đựng nơi chiến trận: “Chỉ e việc quân khó liệu, thế giặc … lo lắng.” Những lời ấy của Vũ Nương thể hiện nàng là một người vợ hết mực thùy mị, dịu dàng, yêu chồng và coi trọng hạnh phúc gia đình.

- Trong những ngày xa chồng, nơi quê nhà, nàng hết lòng chăm sóc mẹ già, nuôi dạy con nhỏ. Nàng là một nàng dâu hiếu thảo, đảm đang, một người mẹ yêu con. Vũ Nương còn là một người vợ thủy chung, yêu chồng tha thiết “tô son điểm phấn từng đã nguôi lòng, ngõ liêu tường hoa chưa hề bén gót”.

Phần 2: Nỗi oan và cái chết của Vũ Nương.

- Tình huống Vũ Nương bị vu oan: Những lời thoại của Vũ Nương trước khi tự vẫn cho thấy những đức hạn tốt đẹp của nàng:

+ Lời 1: Khi hạnh phúc gia đình có nguy cơ tan vỡ, Vũ Nương ra sức cứu vãn, hàn gắn. Khi người chồng trút cơn ghen tuông mù quáng, Vũ Nương đã ra sức thanh minh, phân trần. Nàng đã viện đến cả thân phận và tấm lòng của mình để thuyết phục chồng.

+ Lời 2: Vũ Nương đau đớn, thất vọng khi hạnh phúc gia đình, “thú vui nghi gia nghi thất”, niềm khao khát của cả đời nàng đã tan vỡ.

+ Lời 3: Lời than như một lời nguyền, xin thần sông chứng giám nỗi oan khuất và tấm lòng trong sạch của nàng.

- Cuối cùng, hành động nhảy sông tự vẫn của nàng là một hành động quyết liệt cuối cùng để bảo toàn danh tự cho bản thân. Việc tìm đến cái chết không phải là một hành động bộc phát mà đó là sự lựa chọn để chứng minh sự trong sạch của mình. Qua đó cho thấy Vũ Nương là người rất coi tọng danh dự và tiết hạnh.

Phần 3: Vũ Nương được giải oan

- Lời thoại của Vũ Nương khi gặp lại Trương Sinh: “Thiếp cảm ơn đức của Linh Phi, đã thề sống chết cũng không bỏ”. Câu nói này tô đậm phẩm chất trọng tình trọng nghĩa, ân nghĩa thủy chung của nàng.

- Nàng còn thể hiện sự cảm kích trước tấm lòng của Trương Sinh mà không một lời oán trách. Cho thấy, Vũ nương có tấm lòng vị tha cao cả.

c) Nguyên nhân dẫn đến nỗi oan khuất của Vũ Nương là gì? Theo em, nguyên nhân nào là quan trọng nhất? Vì sao?

Bài làm:

- Nguyên nhân trực tiếp:

+ Lời nói ngây thơ của bé Đản đã vô tình gây nên mối hiểu lầm của Trương Sinh.

+ Nguyên nhân đáng trách nhất để dẫn đến cái chết oan khuất của Vũ Nương đó là tính cách đa nghi, ít học của Trương Sinh. Khi nghe lời nói ngây thơ của con trẻ, chàng chẳng thèm suy xét đúng sai hay lắng nghe những lời phân trần mà vội vàng kết tội vợ mình. Chính sự hồ đồ, độc đoán, tệ bạc này của Trương Sinh là nguyên nhân quan trọng nhất đẩy Vũ Nương đến đường cùng không lối thoát. Nếu Trương Sinh là một người tỉnh táo và biết lắng nghe, suy xét, có lẽ bi kịch này sẽ không xảy ra.

- Nguyên nhân gián tiếp:

+ Do chế độ nam quyền độc đoán, một xã hội mà nam nữ không bình đẳng, hôn nhân không có tình yêu và tự do.

+ Do chiến tranh phong kiến phi nghĩa.

d) Từ bi kịch của Vũ Nương, hãy nêu lên những cảm nhận của em về thân phận của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến.

Bài làm:

Bi kịch số phận của Vũ Nương bắt nguồn từ một cái bóng, và thân phận của nàng cũng giống như chính cái bóng trên tường: nhỏ nhoi, mong manh, leo lét. Cũng như Vũ Nương, người phụ nữ nói chung sống dưới chế độ phong kiến hoàn toàn không được làm chủ cuộc đời của mình. Họ luôn phải phụ thuộc vào những người đàn ông, bị coi rẻ danh dự và nhân phẩm. Bi kịch của Vũ Nương là tiếng nói thương cảm cho số phận bất hạnh của người phụ nữ và cực lực lên án xã hội phong kiến đương thời bất công, phi lí chà đạp, rẻ rúng con người.

e) Nhận xét về cách dẫn dắt câu chuyện, tác dụng của những lời đối thoại và tự bạch của nhân vật, những yếu tố kì ảo hoang đường trong truyện.

Bài làm:

- Cách dẫn dắt câu chuyện: Tác giả dẫn dắt câu chuyện có diễn biến, cao trào, thắt nút, mở nút, kết thúc rất khéo léo, kịch tính.

- Những lời đối thoại, tự bạch sinh động và có tác dụng thể hiện tính cách, diễn biến tâm lí của nhân vật và tạo kịch tính cho truyện.

- Những chi tiết kì ảo, hoang đường trong truyện:

+ Tăng sức hấp dẫn, cuốn hút cho chuyện.

+ Hoàn chỉnh thêm những nét đẹp vốn có của Vũ Nương, một người dù đã ở thế giới khác, vẫn quan tâm đến chồng con, nhà cửa, phần mộ tổ tiên, khao khát được phục hồi danh dự.

+ Tạo nên một kết thúc phần nào có hậu, thể hiện ước mơ ngàn đời của nhân dân ta về sự công bằng: người tốt dù có phải trải qua bao oan khuất, cuối cùng sẽ được minh oan.

3. Tìm hiểu về sự phát triển của từ vựng

Đọc các ví dụ và trả lời câu hỏi.

(1) Mùa xuân đã đến trên quê hương tôi.

(2) Tuổi xuân của cô tôi đã trôi qua.

(3) Bạn ấy ngã xe nên bị đau tay.

(4) Anh ấy là tay văn nghệ có tiếng trong trường.

(5) Mấy ngày nay, nước nóng lên tới 40 độ C.

(6) Cả hội trường nóng lên khi người ca sĩ cất tiếng hát.

(7) Chúng tôi lau bàn ghế khi trực nhật.

(8) Cuộc bầu cử nhằm chọn ra 30 ghế trong Hạ viện.

1. Hãy nêu nghĩa của các từ được in đậm trong những ví dụ trên.

Bài làm:

(1) Xuân: chỉ mùa xuân, mùa khởi đầu trong một năm.

(2) Xuân: chỉ tuổi trẻ

(3) Tay: bộ phận phía trên của cơ thể, từ vai đến ngón, dùng để cầm, nắm

(4) Tay: người chuyên hoạt động hay giỏi về một môn, một nghề nào đó

(5) Nóng: Chỉ nhiệt độ cao

(6) Nóng: không khí sôi động

(7) Ghế: một đồ vật dùng để ngồi

(8) Ghế: một vị trí trong một cơ quan, tổ chức

1. Theo em, từ nào được dùng theo nghĩa gốc, từ nào được dùng theo nghĩa chuyển?

Bài làm:

Những từ (1), (3), (5), (7) được dùng theo nghĩa gốc

Những từ (2), (4), (6), (8) được dùng theo nghĩa chuyển

1. Nghĩa chuyển của những từ nào được hình thành theo phương thức ẩn dụ, từ nào theo phương thức hoán dụ?

Bài làm:

Nghĩa chuyển của từ (2), (6) được hình thành theo phương thức ẩn dụ.

Nghĩa chuyển của từ (6), (8) được hình thành theo phương thức hoán dụ.

d. Những nội dung sau nói về sự phát triển của từ vựng. Chọn các phương án đúng (ghi vào vở).

1.

Từ vựng của ngôn ngữ luôn phát triển.

2.

Một trong những cách phát triển của từ vựng là phát triển nghĩa của từ dựa trên nghĩa gốc.

3.

Một trong những cách phát triển từ vựng là phát triển nghĩa của từ dựa trên nghĩa chuyển.

4.

Hai phương thức chủ yếu phát triển nghĩa của từ ngữ là ẩn dụ và hoán dụ.

Bài làm:

1.

Từ vựng của ngôn ngữ luôn phát triển.

Đ

2.

Một trong những cách phát triển của từ vựng là phát triển nghĩa của từ dựa trên nghĩa gốc.

Đ

3.

Một trong những cách phát triển từ vựng là phát triển nghĩa của từ dựa trên nghĩa chuyển.

S

4.

Hai phương thức chủ yếu phát triển nghĩa của từ ngữ là ẩn dụ và hoán dụ.

Đ

4. Tìm hiểu về cách dẫn trực tiếp và cách dẫn gián tiếp

Đọc đoạn trích và trả lời câu hỏi

Không phải ngẫu nhiên mà Nam Cao viết Lão Hạc sau Chí Phèo, Trẻ con không được ăn thịt chó, Tư cách mõ, Một bữa no. Nhân vật trong các truyện đó từng ngã quỵ trước bản năng, miếng ăn, cái đói .Đói khiếp thật! Miếng ăn quý thật nhưng vì nó mà đánh đổi tất cả thì quả đáng buồn. Suốt cuộc đời ngắn ngủi của Nam Cao, cái đói luôn ám ảnh. Ông từng chua chát nói: “Trọn đời tôi, tôi chỉ lo chết đói. Như thế bảo còn nghĩ đến cái to tát sao được”. Thế mà ông nghĩ đấy, ông nghĩ đói khổ là nguy cơ hủy diệt nhân cách và tinh thần con người. Miếng ăn thành thử thách, Nam Cao đã trộn lẫn hai cuộc đời thực từ làng Đại Hoàng quê ông để sáng tạo nên Lão Hạc, trao cho lão vũ khí tinh thần và không muốn lãng thua cuộc. Lão đã lớn từ trang sách cách, trở thành biểu tượng của nhân cách.

(Theo Hoàng Thị Thương, Tiếng nói tri âm)

a) Những phần được in đậm là trích dẫn lời nói hay ý nghĩ? Nó được ngăn cách với bộ phận đứng trước bởi dấu gì?

Bài làm:

Phần in đậm đầu tiên là trích dẫn lời nói, được ngăn các với bộ phận đứng trước bằng dấu hai chấm và dấu ngoặc kép.

Phần in đậm thứ hai là trích dẫn ý nghĩ, không được ngăn cách với bộ phận đứng trước.

b) Chỉ ra sự giống nhau và khác nhau về nội dung và hình thức của hai cách dẫn trên.

Bài làm:

Giống: đều là thuật lại lời nói, ý nghĩ của một người.

Khác:

- Về nội dung:

  • Cách thứ nhất: lời nói được nhắc lại nguyên văn
  • Cách thứ 2: ý nghĩ được thuật lại

- Về hình thức:

  • Cách dẫn thứ nhất: Nằm trong dấu ngoặc kép và nằm sau dấu 2 chấm.
  • Cách dẫn thứ 2: Không đặt trong dấu ngoặc kép.

c) Cách dẫn thứ nhất được gọi là dẫn trực tiếp. Cách dẫn thứ 2 được gọi là dẫn gián tiếp. Hãy hoàn thiện (vào vở) những thông tin còn thiếu để có được những khái niệm đúng.

Dẫn gián tiếp: là thuật lại lời nói hay ý nghĩ của người hoặc nhân vật, có sự điều chỉnh nhất định, phần dẫn (…)

Dẫn trực tiếp: là nhắc lại lời nói hay ý nghĩ của người hoặc nhân vật, (…) phần dẫn được đặt trong dấu ngoặc kép.

Bài làm:

Dẫn gián tiếp: là thuật lại lời nói hay ý nghĩ của người hoặc nhân vật, có sự điều chỉnh nhất định, phần dẫn không đặt trong dấu ngoặc kép.

Dẫn trực tiếp: là nhắc lại lời nói hay ý nghĩ của người hoặc nhân vật một cách nguyên văn, phần dẫn được đặt trong dấu ngoặc kép.

C. Hoạt động luyện tập

1. Luyện tập đọc hiểu văn bản Chuyện người con gái Nam Xương

a) Kể tóm tắt văn bản Chuyện người con gái Nam Xương

Bài làm:

Vũ Nương tên thật là Vũ Thị Thiết quê ở Nam Xương là người con gái thùy mị nết na tư dung tốt đẹp nên Trương Sinh đem lòng yêu mến bảo mẹ đem trăm lạng vàng cưới nàng làm vợ. Biết chồng có tính đa nghi Vũ Nương luôn giữ gìn khuôn phép ăn ở đúng mực. Gả cho Trương Sinh chưa được bao lâu thì phải tiễn chồng đi lính. Vũ Nương ở nhà chăm sóc mẹ già con trẻ. Bà mẹ vì quá nhớ con buồn rầu mà chết. Nàng ma chay tế lễ chu đáo. Vũ Nương hàng đêm thường chỉ bóng mình trên vách bảo với con đấy là cha Đản. Khi giặc tan Trương Sinh trở về đứa trẻ không nhận là cha mình. Trương Sinh tình cờ biết con còn có một người khác mà đêm đêm vẫn đến, nghi ngờ vợ mình thất tiết, về đến nhà chàng mắng chửi thậm tệ và ruồng bỏ đuổi Vũ Nương ra khỏi nhà mặc cho hàng xóm và nàng đã hết sức thanh minh. Vũ Nương uất ức tự tử ở bến Hoàng Giang được Linh Phi - vợ vua Nam Hải cứu sống và đưa về ở trong động rùa. Ở nhà, đêm tối bóng Trương Sinh in trên vách thấy con gọi cha Trương Sinh mới vỡ lẽ ra nỗi oan của vợ thì quá muộn. Ở dưới thủy cung, Vũ Nương luôn hướng về gia đinh nhờ sự giúp đỡ của Linh Phi và Phan Lang (người cùng làng) Vũ Nương được Trương Sinh lập đàn giải oan ở bến Hoàng Giang. Sự trở về của nàng vô cùng lộng lẫy lúc ẩn lúc hiện rồi biến mất.

b) Viết đoạn văn trình bày cảm nhận của em về một trong hai nhân vật: mẹ Trương Sinh, Trương Sinh.

Bài làm:

Qua truyện ngắn Người con gái Nam Xương, chân dung tính cách Trương Sinh hiện lên với thói gia trưởng, độc đoán, đa nghi và hay ghen tuông vô cớ. Trong thiên truyện, Trương Sinh đóng vai trò là người tạo dựng nên thảm kịch đối với người vợ Vũ Nương. Từ lời nói hồn nhiên của con trai, Trương Sinh đã thiếu suy nghĩ nên tự mình hình dung Vũ Nương đã không giữ gìn khí tiết, gian díu với người ngoài trong thời gian anh đi lính. Anh ta đinh ninh là vợ hư: "mối nghi ngờ ngày càng sâu, không có gì gỡ ra được". Trương Sinh đã xử sự hồ đồ, độc đoán, la mắng, đánh đuổi vợ, không bình tĩnh phán đoán, phân tích sự việc, cũng không tin hàng xóm bênh vực Vũ Nương và những lời phân trần của nàng. Chính sự ích kỉ, tàn nhẫn, mù quáng của Trương Sinh đã đẩy Vũ Nương đến chỗ nàng phải tự vẫn để chứng tỏ tấm lòng trong sạch của mình. Sự vô lí, mê muội của Trương Sinh phản ánh bộ mặt xã hội phong kiến nam giới chuyên quyền, trọng nam khinh nữ, người phụ nữ hoàn toàn không có tiếng nói trong gia đình. Trong câu chuyện, dù nhân vật Trương Sinh không được tác giả chú trọng xây dựng nhưng lại có sức biểu đạt sâu sắc. Đó cũng là dụng ý của ông, nhằm muốn nói xã hội phong kiến mục ruỗng cùng với những quy định khắc khe của nó ấy dù không nổi bật nhưng lại có sức ảnh hưởng âm thầm ghê gớm. Nó giống như một sợi dây vô hình siết chặt và quyết định vận mệnh con người.

2. Luyện tập về sự phát triển của từ vựng

a) Nghĩa gốc của từ mũi là: bộ phận nhô lên ở giữa mặt người và động vật có xương sống dùng để thở, ngửi.

Trong những câu sau, từ mũi được dùng với nghĩa gốc hay nghĩa chuyển:

(1) Chúng tôi vừa đi thăm mũi đất Cà Mau.

(2) Du lịch đã trở thành ngành mũi nhọn của địa phương.

(3) Họ thích đứng ở mũi tàu ngắm nhìn sông nước,

(4) Viêm mũi dị ứng là bệnh khá phổ biến ở trẻ nhỏ.

Bài làm:

Câu (1), (2), (3) từ "mũi" được dùng theo nghĩa chuyển

Câu (4), từ “mũi” dùng theo nghĩa gốc.

b) Từchân trong các câu sau là từ nhiều nghĩa. Hãy xác định:

- Ở câu nào, từ chân dùng với nghĩa gốc?

- Ở câu nào từ chân dùng với nghĩa chuyển theo phương thức ẩn dụ?

- Ở câu nào từ chân dùng với nghĩa chuyển theo phương thức hoán dụ?

(1) Đề huề từng túi gió trăng

Sau chân, theo một vài thằng con con.

(Nguyễn Du, Truyện Kiều)

(2) Năm em học sinh lớp 9A có chân trong đội tuyển của trường đi dự “Hội khỏe Phù Đổng”.

(3) Dù ai nói ngả nói nghiêng

Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân.

(Ca dao)

(4) Buồn trông nội cỏ rầu rầu

Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.

(Nguyễn Du, Truyện Kiều)

Bài làm:

- Câu (1), từ “chân” được dùng với nghĩa gốc

- Câu (3), (4), từ “chân” được dùng với nghĩa chuyển theo phương thức ẩn dụ.

- Câu (2), từ chân dùng với nghĩa chuyển theo phương thức hoán dụ.

c) Vì sao nói các từ: ngân hàng, sốt, vua là những từ có nghĩa chuyển. Cho ví dụ để chứng minh điều đó.

Bài làm:

Ngân hàng:

- Nghĩa gốc là “tổ chức kinh tế hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh và quản lý các nghiệp vụ tiền tệ, tín dụng”.

Ví dụ: “Tôi làm thẻ ATM ở ngân hàng BIDV”.

- Nghĩa chuyển là:

Nơi lưu trữ, bảo quản những thành phần, bộ phận cơ thế (ngân hàng máu, ngân hàng gen,...) hoặc dữ liệu

Ví dụ: Ngân hàng đề thi lên tới hàng trăm nghìn câu hỏi để phục vụ kì thi năm nay.

Sốt:

- Nghĩa gốc là “tăng nhiệt độ cơ thể lên quá mức bình thường do bị bệnh”.

Ví dụ: Anh ấy bị sốt đến 40 độ C

- Nghĩa chuyển: Tình trạng tăng nhu cầu đột ngột làm cho hàng hoá trở nên khan hiếm: cơn sốt đất, cơn sốt vàng, cơn sốt hàng hóa,...

Ví dụ: Cơn sốt vàng năm nay đã đẩy giá vàng lên rất cao.

Vua:

- Nghĩa gốc là “người đứng đầu của nhà nước quân chủ”.

Ví dụ: “Lê Chiêu Thống là một ông vua cõng rắn cắn gà nhà”.

- Nghĩa chuyển là “người đàn ông được coi là nhất trong một lĩnh vực nhất định, thường là sản xuất, kinh doanh, thể thao, nghệ thuật”.

Ví dụ: Pele được mệnh danh là ông vua bóng đá.

d) Trong hai câu thơ:

Ngày ngày mặt tời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.

(Viễn Phương, Viếng lăng Bác)

Từ mặt trời ở câu thứ hai được dùng theo phép tu từ nào? Mang ý nghĩa gì? Có thể coi đây là hiện tượng phát triển nghĩa từ nghĩa gốc của từ mặt trời được hay không? Vì sao?

Bài làm:

- Từ mặt trời trong câu thơ thứ hai được sử dụng theo phép tu từ ẩn dụ. Mang ý nghĩa ngợi ca sự vĩ đại, lớn lao của Bác Hồ.

- Đây không phải là hiện tượng phát triển nghĩa của từ, bởi vì sự chuyển nghĩa của từ mặt trời trong câu thơ có tính chất lâm thời, nó không làm cho từ có thêm nghĩa mới.

3. Luyện tập về cách dẫn trưc tiếp và cách dẫn gián tiếp

a) Tìm lời dẫn trong những đoạn trích sau (trích từ truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao). Em hãy cho biết đó là lời nói hay ý nghĩ và được dẫn theo cách nào?

(1) Lão tìm lời lẽ giảng giải cho con trai hiểu. Lão khuyên nó hãy dằn lòng bỏ đám này, để dùi giẳng lại ít lâu, xem có đám nào khá mà nhẹ tiền hơn sẽ liệu; chẳng lấy đứa này thì lấy đứa khác; làng này đã chết con gái đâu mà sợ.

(2) Nó cứ làm in như nó trách tôi; nó kêu ư ử; nhìn tôi như muốn bảo tôi rằng; “A! Lão già tệ lắm! Tôi ăn ở với lão như thế mà lão xử với tôi như thế này à?”

(3) Sau khi thằng con đi, lão tự bảo rằng: “Cái vườn là của con ta. Hồi còn mồ ma mẹ nó, mẹ nó cố thắt lưng buộc bụng, dè sẻn mãi, mới để ra được 50 đồng bạc tâu. Hồi ấy, mọi thứ còn rẻ cả…”

Bài làm:

(1) Lời dẫn hãy dằn lòng bỏ đám này, để dùi giẳng lại ít lâu, xem có đám nào khá mà nhẹ tiền hơn sẽ liệu; chẳng lấy đứa này thì lấy đứa khác; làng này đã chết con gái đâu mà sợ.

Dẫn lời nói – cách dẫn gián tiếp

(2) Lời dẫn “A! Lão già tệ lắm! Tôi ăn ở với lão như thế mà lão xử với tôi như thế này à?”

Dẫn ý nghĩa – cách dẫn trực tiếp

(3) “Cái vườn là của con ta. Hồi còn mồ ma mẹ nó, mẹ nó cố thắt lưng buộc bụng, dè sẻn mãi, mới để ra được 50 đồng bạc tâu. Hồi ấy, mọi thứ còn rẻ cả…”

Dẫn ý nghĩ – cách dẫn trực tiếp

D. Hoạt động vận dụng

2. Trong khi viết, lúc nào chúng ta nên dùng cách dẫn trực tiếp, lúc nào chúng ta nên dùng cách dẫn gián tiếp? Vì sao?

Bài làm:

Trong khi viết, lúc nào chúng ta nên dùng

  • Dẫn trực tiếp khi ta nhắc lại nguyên văn lời nói hay ý nghĩ của người hoặc nhân vật, lời nói trực tiếp được đặt trong dấu ngoặc kép.
  • Dẫn gián tiếp khi ta thuật lại lời nói hay ý nghĩ của hoặc nhân vật, có điều chỉnh cho thích hợp, lời dẫn gián tiếp không đặt trong dấu ngoặc kép.

Bởi vì:

  • Cách dẫn trực tiếp: nhắc lại nguyên văn và được đạt trong đấu ngoặc kép.
  • Cách dẫn gián tiếp : thuật lại nhưng có điều chỉnh cho thích hợp và không đặt trong dấu ngoặc kép

.......................................................................

Ngoài Soạn văn 9 bài Chuyện người con gái Nam Xương VNEN, các bạn còn có thể tham khảo thêm Soạn văn 9, soạn bài 9 hoặc đề thi học học kì 1 lớp 9, mà chúng tôi đã sưu tầm và chọn lọc. Với đề thi học kì 2 lớp 9 này giúp các bạn rèn luyện thêm kỹ năng giải đề và làm bài tốt hơn. Chúc các bạn học tốt.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
8
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Soạn Ngữ văn 9 VNEN

    Xem thêm