Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Soạn Văn 9 bài Bến quê VNEN

Soạn văn 9 VNEN bài 27: Bến quê do Nguyễn Minh Châu sáng tác dưới đây được VnDoc sưu tầm và giới thiệu với các bạn để tham khảo giúp học tập tốt môn Ngữ Văn lớp 9 chuẩn bị cho bài giảng sắp tới đây của mình. Mời các bạn cùng tham khảo

A. Hoạt động khởi động

1. Đọc đoạn trích và nêu cảm nghĩ của em

Em tôi học đến kiệt sức để có một suất du học. Thư đầu gửi về, em viết: “Ở đây, đường phố sạch đẹp, văn minh, bỏ xa lắc nước mình …” Cuối năm viết: “Mùa đông bên này tĩnh lặng, tinh khiết như tranh, thích lắm …” Mùa đông sau viết: “Em thèm một chút nắng ấm quê nhà, muốn được đi giữa phố xá bụi bặm, ồn ào, nhớ bến chợ xôn xao, lầy lội … Biết bao lần trên phố, em đuổi theo một người châu Á, để hỏi coi đó có phải là người Việt không …”.

(Theo Internet)

Bài làm:

Qua câu chuyện nhỏ này ta có thể thấy được tình cảm sâu nặng đối với quê hương trong mỗi con người, đặc biệt là khi tình cảm ấy được đặt trong sự thử thách. Cảm giác choáng ngợp, thú vị ban đầu trước vẻ đẹp hào nhoáng và văn minh của nước bạn qua thời gian cũng không thể khiến ta không nhớ về quê hương của mình. Tình yêu quê hương xứ sở không tỉ lệ thuận với những giá trị văn minh vật chất mà nó tỉ lệ thuận với những gì gắn bó thân thuộc đã trở thành kí ức, kỉ niệm nằm sâu trong trái tim của mỗi con người. Từ nhận thức của người con xa xứ, câu chuyện cũng ngầm cho ta thấy con người, nhất là trong thời hiện đại, thường nơi nhận và mải mê về sự hào nhoáng, đẹp đẽ, hạnh phúc ở rất xa xôi mà quên đi những giá trị bền vững, vĩnh cửu ở trong những cái thân thuộc ngay bên cạnh mình.

B. Hoạt động hình thành kiến thức

1. Đọc văn bản Bến quê

2. Tìm hiểu văn bản

a) Nhân vật Nhĩ trong truyện ở vào hoàn cảnh như thế nào? Xây dựng tình huống ấy, tác giả nhằm thể hiện điều gì?

Bài làm:

Tác giả đặt nhân vật Nhĩ – nhân vật chính của truyện vào một chuỗi những tình huống nghịch lí:

  • Anh bị liệt toàn thân, không thể tự mình di chuyển được. Cả đời anh đã từng đi khắp nơi nhưng đến cuối đời thì chỉ muốn nhích đến gần ô cửa sổ mà với anh khó khăn như đi nửa vòng Trái Đất.
  • Khi Nhĩ phát hiện ra vùng đất bên kia sông, nơi bến quê thân thuộc, một vẻ đẹp bình dị mà quyến rũ thì anh cũng nhận ra một cách cay đắng rằng anh sẽ không bao giờ có thể đặt chân lên mảnh đất đó dù nó ở rất gần anh.
  • Nhĩ nhờ cậu con trai thực hiện hộ mình điều mong ước ấy. Nhưng nó không hiểu nổi khát vọng kì cục mà lớn lao của anh nên đã sa vào một đám chơi cờ thế bên hè phố và bỏ lỡ chuyến đò ngang duy nhất trong ngày.
  • Ngay cả người vợ tảo tần, giàu tình yêu và đức hi sinh thì phải đến lúc này, khi sắp giã biệt cuộc đời, Nhĩ mới cảm nhận và thấm thía được.

Đặt nhân vật vào trong tình huống nghịch lý ấy, tác giả muốn dẫn bạn đọc đến những trải nghiệm về cuộc đời: cuộc sống và số phận con người chứa đầy những điều bất thường, những nghịch lý, ngẫu nhiên, vượt ra ngoài những dự định và ước muốn, cả những hiểu biết và toan tính của con người.

Qua nhân vật Nhĩ, câu chuyện cũng muốn nhắn gửi tới người đọc một nhận thức: “con người ta trên đường đời thật khó tránh khỏi những điều vòng vèo hoặc chùng chình", thường hướng đến những đến những điều cao xa mà vô tình không biết đến những vẻ đẹp gần gũi, bình dĩ ngay bên cạnh mình.

b) Trong những ngày cuối, Nhĩ đã khao khát điều gì khi nhìn qua khung cửa sổ? Vì sao Nhĩ lại có niềm khao khát ấy và điều đó có ý nghĩa gì?

Bài làm:

Trong những ngày cuối đời, khi nằm trên giường bệnh, nhìn qua khung cửa sổ, Nhĩ đã nhìn thấy được vẻ đẹp thiên nhiên nơi bến quê, những vẻ đẹp mà trước đây, dù có điều kiện đi khắp thế giới, anh đã không thể nhận thấy được:

Khung cảnh buổi sáng đầu thu qua cái nhìn của Nhĩ hiện lên rất tinh tế. Những bông bằng lăng cuối mùa đậm sắc hơn. Con sông Hồng một màu đỏ nhạt, mặt sông như rộng thêm ra. Vòm trời cũng như cao hơn. Vòm trời cũng như cao hơn. Đặc biệt là vẻ đẹp trù phú, tràn đầy sức sống của bãi bồi bên kia sông Hồng với màu vàng thau xen lẫn xanh non. Những cảnh sắc đó vốn quen thuộc gần gũi, nhưng giờ đây lại như rất mới mẻ với Nhĩ, như thể lần đẩu tiên anh mới được gặp.

Khi nhận ra vẻ đẹp của bãi bồi bên kia sống, ở Nhĩ bùng lên một khao khát được đặt chân lên mảnh đất đó. Đó là một khao khát vô vọng vì lúc này đây anh sắp phải giã biệt cuộc đời.

Khát vọng ấy bình dị mà vô vọng đối với Nhĩ. Khát vọng ấy ở anh cũng chính là sự tỉnh thức về những giá trị vững bền bình thường và sâu xa của cuộc sống. Những giá trị thường bị người ta bỏ qua hay lãng quên khi những ham muốn xa vời đang lôi cuốn, đang lấn át. Trong hoàn cảnh của Nhĩ, đó là sự thức tỉnh xen lẫn với niềm ân hận và nỗi xót xa.

c. Phân tích nghệ thuật miêu tả nhân vật Nhĩ.

Bài làm:

Nghệ thuật miêu tả nhân vật Nhĩ của tác giả Nguyễn Minh Châu được thể hiện qua nghệ thuật miêu tả tâm lí và nghệ thuật miêu tả chân dung, hành động:

- Nghệ thuật miêu tả tâm lí của tác giả rất tinh tế và thấm đẫm tinh thần nhân đạo. Nhân vật Nhĩ trong truyện này, tuy là một nhân vật tư tưởng, nhưng dưới ngòi bút của nhà văn, anh đã hiện lên thật cụ thể, chân thực và sinh động. Nhĩ không bị biến thành cái loa phát ngôn cho tác giả. Trái lại, đời sống nội tâm của anh, diễn biến tâm trạng của anh dưới sự tác động của hoàn cảnh ngặt nghèo được nhà văn miêu tả thật tinh tẽ và hợp lí. Những suy nghĩ của nhân vật Nhĩ về lẽ sống, về cuộc đời, về những con người hết sức cụ thể như người vợ, đứa con và về chính cuộc đời mình đã mang đến cho người đọc những chiêm nghiệm sâu sắc.

- Nghệ thuật miêu tả chân dung, hành động cũng góp phần khắc họa rõ nét nhân vật và tư tưởng, chủ đề của tác phẩm. Ở đoạn kết truyện, tác giả đã tập trung miêu tả chân dung và cử chỉ của nhân vật với vẻ rất khác thường: "Anh cố thu nhặt hết mọi chút sức lực cuối cùng còn sót lại để đu mình nhô người ra ngoài, giơ một cánh tay gầy guộc ra phía ngoài cửa sổ khoát khoát - y như đang khẩn thiết ra hiệu cho một người nào đó". Hành động giơ tay “khoát khoát - y như đang khẩn thiết ra hiệu cho một người nào đó" của Nhĩ là một hành động mang ý nghĩa biểu tượng. Nó như muốn thức tỉnh con người ta sớm nhận ra và dứt ra khỏi “những điều chùng chình” để hướng tới giá trị đích thực của cuộc sống.

C. Hoạt động luyện tập

1. Luyện tập đọc hiểu văn bản Bến quê

a) Trình bày ý kiến của em về ý nghĩa biểu tượng của các hình ảnh và chi tiết trong truyện: hình ảnh bãi bồi bên kia sông, bờ đất sụt lở dốc đứng bên này sông, chi tiết đứa con trai Nhĩ sa vào đám chơi phá cờ thế trên hè phố.

Bài làm:

Những hình ảnh trên đều là những hình ảnh đa nghĩa và giàu tính biểu tượng:

  • Hình ảnh “bãi bồi bên kia sông” là hình ảnh thể hiện vẻ đẹp trù phú mà bình dị, gần gũi của quê hương. Nó đánh thức trong Nhĩ khao khát được khám phá.
  • Hình ảnh “bờ đất sụt lở dốc đứng bên này sông” thể hiện quy luật của tự nhiên “dòng sông bên lở, bên bồi”. Và nó cũng mang ý nghĩa thể hiện cho quy luật của đời người: có sinh, có tử và những suy nghĩ của Nhĩ về cái chết đang cận kề.
  • Chi tiết đứa con trai Nhĩ sa vào đám chơi phá cờ thế trên hè phố là biểu tượng cho điều mà Nhĩ gọi là “vòng vèo và chùng chình” trên đường đời người ta khó tránh khỏi.

b) Qua truyện Bến quê, em rút ra được bài học gì cho bản thân?

Bài làm:

Truyện ngắn Bến quê gợi cho ta nhiều suy nghĩ về con người và cuộc đời thông qua những tình huống đầy nghịch lí:

  • Ta hiểu rằng cuộc đời và số phận con người có những điều ngẫu nhiên vượt ra khỏi những dự tính, ước muốn và tính toán của con người.
  • Có những điều đẹp đẽ, giản dị ở gần bên ta song không dễ để nhận ra.
  • Cuộc sống thật đẹp, cái đẹp bình dị mà gần gũi.

Từ đò, câu chuyện thức tỉnh chúng ta đừng sa vào những điều “vòng vèo”, “chùng chình” để hướng tới những giá trị đích thực vốn giản dị mà bền vững của cuộc sống.

2. Ôn tập phần Tiếng Việt

a) Tìm thành phần khởi ngữ trong câu sau:

Làm khí tượng, ở được cao như thế mới là lí tưởng chứ.

(Nguyễn Thành long, Lặng lẽ Sa Pa)

b) Mỗi từ in đậm trong những câu dưới đây là thành phần gì của câu?

(1) Ngoài cửa sổ bấy giờ những bông hoa bằng lăng đã thưa thớt – cái giống hoa ngay khi mới nở, màu sắc đã nhợt nhạt.

(Nguyễn Minh Châu, Bến quê)

(2) – Thưa ông, chúng cháu ở Gia Lâm lên đấy ạ. Đi bốn năm hôm rồi mới lên đến đây, vất vả quá!

(Kim Lân, Làng)

(3) Kiếp con chó là kiếp khổ thì ta hóa kiếp cho nó để nó làm người, may ra có sung sướng hơn một chút…kiếp người như kiếp tôi chẳng hạn!

(Nam Cao, Lão Hạc)

c) Chỉ ra các phép liên kết trong những câu sau đây:

(1) – Tôi cắt thêm mấy cành nữa. Rồi cô muốn lấy bao nhiêu nữa, tùy ý.

(Nguyễn Thành long, Lặng lẽ Sa Pa)

(2) Ở rừng mùa này thường như thế. Mưa. Nhưng mưa đá. Lúc đầu tôi không biết. Nhưng rồi có tiếng lanh canh gõ trên nóc hang. Cái gì vô cùng sắc xé không khí ra từng mảnh vụn. Gió. Và tôi thấy đau, ướt cả má.

(Lê Minh Khuê, Những ngôi sao xa xôi)

(3) Từ phòng bên kia, một cô bé rất xinh mặc chiếc áo may ô con trai và vẫn còn cầm thu thu một đoạn dây sau lưng chạy sang. Cô bé bên nhà hàng xóm đã quen với công việc này. Nó lễ phép hỏi Nhĩ: Bác cần nằm xuống phải không ạ?

(Nguyễn Minh Châu, Bến quê)

d) Tìm hàm ý của câu in đậm trong truyện sau:

Chiếm hết chỗ

Một người ăn mày hom hem, rách rưới, đến cửa nhà giàu xin ăn. Người nhà giàu không cho lại còn mắng:

- Bước ngay! Rõ trông như người ở dưới địa ngục mới lên ấy!

Người ăn mày nghe nói, vội trả lời:

- Phải, tôi ở dưới địa ngục mới lên đấy!

Người nhà giàu nói:

- Đã xuống địa ngục, sao không ở hẳn dưới ấy, còn lên đây làm gì cho bẩn mắt?

Người ăn mày đáp:

- Thế không ở được nên mới phải lên. Ở dưới ấy các nhà giàu chiếm hết chỗ rồi!

(Theo Chương Chính – Phong Châu, Truyện cười dân gian Việt Nam)

Bài làm:

a) Thành phần khởi ngữ trong câu: “Làm khí tượng”

b) (1) Ngoài cửa sổ bấy giờ những bông hoa bằng lăng đã thưa thớt – cái giống hoa ngay khi mới nở, màu sắc đã nhợt nhạt.

Thành phần phụ chú

(2) – Thưa ông, chúng cháu ở Gia Lâm lên đấy ạ. Đi bốn năm hôm rồi mới lên đến đây, vất vả quá!

– Thưa ông: Thành phần gọi đáp

– vất vả quá!: Thành phần cảm thán

(3) Kiếp con chó là kiếp khổ thì ta hóa kiếp cho nó để nó làm người, may ra có sung sướng hơn một chút…kiếp người như kiếp tôi chẳng hạn!

Thành phần tình thái.

c)

(1) – Tôi cắt thêm mấy cành nữa. Rồi cô muốn lấy bao nhiêu nữa, tùy ý.

  • Phép nối: rồi

(2) Ở rừng mùa này thường như thế. Mưa. Nhưng mưa đá. Lúc đầu tôi không biết. Nhưng rồi có tiếng lanh canh gõ trên nóc hang. Cái gì vô cùng sắc xé không khí ra từng mảnh vụn. Gió. Và tôi thấy đau, ướt cả má.

  • Phép liên tưởng: Mưa, mưa đá, lanh canh, ướt, gió,…
  • Phép nối: Nhưng, nhưng rồi, và
  • Phép lặp: mưa, tôi

(3) Từ phòng bên kia, một cô bé rất xinh mặc chiếc áo may ô con trai và vẫn còn cầm thu thu một đoạn dây sau lưng chạy sang. Cô bé bên nhà hàng xóm đã quen với công việc này. Nó lễ phép hỏi Nhĩ: Bác cần nằm xuống phải không ạ?

  • Phép lặp: cô bé
  • Phép thế: Nó

c) Hàm ý của câu nói Ở dưới ấy các nhà giàu chiếm hết chỗ rồi!: Địa ngục mới chính là nơi dành cho các ông – những người nhà giàu.

3. Luyện nói: Nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ

Đọc đề bài và thực hiện yêu cầu:

Đề bài: Cảm nhận của em về hai khổ thơ trong bài Sang thu của Hữu Thỉnh:

Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về

Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu.

a) Dựa vào gợi ý sau, hãy lập dàn ý cho đề văn trên.

- Vấn đề nghị luận trong đề bài trên là gì?

- Trong khổ thơ thứ nhất, nhà thơ đã dùng những giác quan nào để cảm nhận tín hiệu thu về? Cảm xúc của nhà thơ như thế nào?

- Trong khổ thơ thứ hai, nhà thơ đã thể hiện sự chuyển biến của đất trời lúc sang thu bằng những biện pháp tu từ nào?

Bài làm:

- Vấn đề nghị luận trong đề bài trên: Cái hay và cái đẹp trong hai khổ thơ đầu bài Sang thu.

- Trong khổ thơ thứ nhất, nhà thơ đã dùng những giác quan để cảm nhận tín hiệu thu về:

  • Khứu giác cảm nhận “hương ổi”.
  • Xúc giác cảm nhận “gió se”.
  • Thị giác nhận thấy “sương chùng chình”

Khi nhận ra sự hiện diện của mùa thu, nhà thơ thảng thốt, bất ngờ và dè dặt nhận định “Hình như thu đã về”. Trong cảm xúc của nhà thơ có một chút nghi hoặc, một chút bâng khuâng. Cái cảm giác mơ hồ, mong manh rất tinh tế và đầy xao xuyến.

- Trong khổ thơ thứ hai, nhà thơ đã thể hiện sự chuyển biến của đất trời lúc sang thu bằng những biện pháp tu từ:

  • Phép tu từ nhân hóa qua từ “dềnh dàng” khiến dòng sông hiện lên rất có tình. Nó như đang chậm lại, như trễ nải, như ngẫm ngợi, nghĩ suy về những trải nghiệm trong cuộc đời.
  • Phép tu từ nhân hóa qua từ “vội vã” khiến đàn chim cũng trở nên rất có hồn. Những chú chim cũng như con người, biết vội vã chuẩn bị cho một mùa đông sắp đến.
  • Nhân hóa đám mây qua động từ “vắt” được dùng hết sức tinh tế và đắt giá để gợi ra hình ảnh đám mây như đang mải mê lấn sang màu thu nhưng vẫn còn chút gì đó vấn vương mùa hạ. Cái cách “vắt nửa mình” thật thi vị. Hình ảnh “đám mây” vắt ngang trên bầu trời tựa như một cây cầu bắc ngang hai bến hạ - thu.

D. Hoạt động vận dụng

1. Trong số những bài thơ đã học, em yêu thích đoạn thơ/ bài thơ nào nhất? Trao đổi với bạn bè, người thân rồi viết lại những cảm nhận của em về đoạn thơ/ bài thơ đó.

Bài làm:

Ví dụ: Cảm nhận về đoạn thơ trong bài thơ Con cò của Chế Lan Viên:

Dù ở gần con,

Dù ở xa con,

Lên rừng xuống bể,

Cò sẽ tìm con,

Cò mãi yêu con.

Con dù lớn vẫn là con của mẹ,

Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con.

Bài làm:

Đoạn thơ thể hiện những suy ngẫm, triết lí sâu sắc về ý nghĩa của lời ru và tình mẹ trong cuộc đời mỗi con người. Nhịp thơ dồn dập, vỗ về “dù ở gần con/ dù ở xa con/ cò sẽ tìm con/ cò mãi yêu con” dường như gợi tả nhịp thổn thức của trái tim người mẹ. Dù có bao khó khăn, vất vả, chông gai, thử thách, dù “lên rừng xuống bể” thì cũng không thể ngăn được bước chân của người mẹ tìm đến con, ngăn được lòng mẹ đi theo con. Ở đây, hình ảnh “con cò” lại mang ý nghĩa biểu tượng cho tình mẹ, lúc nào cũng đến với con trong suốt cả cuộc đời. Từ sự thấu hiểu tấm lòng người mẹ, nhà thơ đã khái quát thành một quy luật của tình cảm có ý nghĩa bền vững, rộng lớn và sâu sắc: “Con dù lớn vẫn là con của mẹ/ Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con”. Lời thơ đã từ cảm xúc mở ra những suy tưởng rồi khái quát thành triết lí. Một triết lí của trái tim con người: Đối với mẹ thì bao giờ con cũng bé bỏng, mẹ vẫn phải dõi theo từng bước con đi, sẵn sàng hi sinh cả cuộc đời cho con. Còn con, dù con đi tới nơi đâu và đứng ở vị trí nào, thành công hay thất bại, cao sang hay thấp hèn thì con vẫn mãi cần vòng tay mẹ nâng đỡ, yêu thương và che chở. Chân lí ấy muôn đời vẫn sẽ vĩnh hằng và bất biến.

E. Hoạt động tìm tòi mở rộng

1. Sưu tầm hai truyện cười dân gian có sử dụng hàm ý.

Bài làm:

Nhưng nó phải bằng hai mày!

Làng kia có một tên lí trưởng nổi tiếng xử kiện giỏi.

Một hôm nọ, Cải với Ngô đánh nhau, rồi mang nhau đi kiện. Cải sợ kém thế, lót trước cho thầy lí năm đồng. Ngô biện chè lá những mười đồng. Khi xử kiện, thầy lí nói:

- Thằng Cải đánh thằng Ngô đau hơn, phạt một chục roi.

Cải vội xoè năm ngon tay, ngẩng mặt nhìn thầy lí khẽ bẩm:

- Xin xét lại, lẽ phải về con mà!

Thầy lí cũng xoè năm ngón tay trái úp lên năm ngón tay mặt, nói:

- Tao biết mày phải... nhưng nó lại phải... bằng hai mày!

Trả ơn cho lợn

Có hai anh kết nghĩa đèn sách. Một anh gặp may thi đỗ, ra làm quan, liền trở mặt. Bạn đến thăm nhiều lần, lần nào cũng cho lính ra bảo, khi thì ngài giấc, ngài ngơi, khi thì ngài bận việc công không tiếp. Năm bảy phen như thế, anh này giận lắm.

Một hôm, anh ta mua một con lợn, quay vàng, để lên mâm bưng tới. Lính lê vào bẩm, một lát trở ra, niềm nở mời vào.

Vào đến nơi, quan chào hỏi vồn vã rồi sai lính lệ mang trầu ra mời. Anh ta cầm lấy miếng trầu, đút vào miệng con lợn, vái nó mấy vái mà rằng.

- Tao giả ơn mày! Nhờ mày tao mới lại lọt vào đến cửa quan để nhìn lại mặt bạn cũ!

Soạn văn bài: Bến quê - Sách hướng dẫn học Ngữ Văn 9 tập 2 trang 67. Sách này nằm trong bộ VNEN của chương trình mới. Trên đây VnDoc đã hướng dẫn trả lời và giải đáp các câu hỏi trong SGK, giúp các bạn rút ngắn thời gian soạn bài, củng cố thêm kiến thức Ngữ văn lớp 9. Mời các bạn tham khảo

.......................................................................

Ngoài Soạn Văn 9 bài Bến quê VNEN. Mời các bạn học sinh còn có thể tham khảo thêm Soạn văn 9, soạn bài 9 hoặc đề thi học học kì 1 lớp 9, đề thi học học kì 2 lớp 9 các môn Toán, Văn, Anh, Hóa, Lý, Địa, Sinh mà chúng tôi đã sưu tầm và chọn lọc. Với đề thi học kì 2 lớp 9 này giúp các bạn rèn luyện thêm kỹ năng giải đề và làm bài tốt hơn. Chúc các bạn học tốt

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Soạn Ngữ văn 9 VNEN

    Xem thêm