Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Soạn Văn 9 bài Rô – Bin – Xơn ngoài đảo hoang VNEN

Soạn văn 9 VNEN bài 29: Rô – Bin – Xơn ngoài đảo hoang hướng dẫn soạn bài gợi ý cách trả lời các câu hỏi cụ thể giúp các bạn có cái nhìn khái quát về văn bản Rô–bin–xơn. Trong quá trình chuẩn bị bài, củng cố và nắm vững hơn kiến thức trọng tâm của bài học. Mời các bạn cùng tham khảo

A. Hoạt động khởi động

1. Nhân vật Mai An Tiêm trong Sự tích dưa hấy đã rơi vào hoàn cảnh khó khăn như thế nào khi làm vua cha tức giận? Trong hoàn cảnh đó, Mai An Tiêm đã thể hiện ý chí của mình ra sao?

Bài làm:

Trong Sự tích dưa hấu, khi làm vua cha tức giận, Mai An Tiêm và gia đình của mình đã bị đày ra một hòn đảo hoang giữa biển khơi. Nhân vật Mai An Tiêm đã phải đối mặt với hoàn cảnh rất khó khăn:

- Sống trên một hòn đảo hoang không có người, cách biệt giữa biển khơi mênh mông.

- Chỉ có một chiếc gươm cùn để hộ thân.

- Không có nhà cửa.

- Dự trữ lương thực chỉ đủ cho 5 ngày đầu.

Trong hoàn cảnh ngặt nghèo ấy, Mai An Tiêm đã dũng cảm đối mặt và khắc phục những khó khăn. Trên đảo hoang, Mai An Tiêm cùng gia đình đã vật lộn với thiên nhiên để sinh tồn:

- Dùng hang đá làm nơi che mưa, che nắng.

- Khi hết lương thực thì đi hái quả rừng, ăn rau dại, mò cua, bắt hến.

- Dùng đá tạo lửa, lấy cành cây nhọn đào đất tìm nước uống.

- Khi thấy chim làm rơi hạt cây xuống bãi cát, Mai An Tiêm nghĩ rằng chim ăn được thì người cũng ăn được, Mai An Tiêm đem hạt cây trồng thử. Nhiều tháng chăm sóc, cây đã cho trái ngọt là loại quả tròn to, vỏ xanh ruột đỏ có mùi vị thơm ngon. Loại quả đó sau này người ta gọi là dưa hấu. Nhờ trồng trọt loại quả này mà gia đình Mai An Tiêm đã có cuộc sống đầy đủ trên đảo hoang và sau đó được trở về đất liền.

Những việc làm khi bị đày lên đảo hoang của Mai An Tiêm đã thể hiện một ý chí tự lực tự cường rất đáng khâm phục.

B. Hoạt động hình thành kiến thức

1. Đọc văn bản Rô - bin - xơn ngoài đảo hoang

2. Tìm hiểu văn bản

a) Hoàn thiện bảng sau vào vở để nắm được bố cục và nội dung chính của văn bản Rô – bin – xơn ngoài đảo hoang.

Bố cục

Nội dung chính

Phần 1: Từ đầu đến “như dưới đây”

Phần 2: Từ “tôi đội một chiếc mũ” đến “áo quần của tôi”

Phần 3: Từ “quanh người tôi” đến “bên khẩu súng của tôi”

Phần 4: Đoạn còn lại

Bài làm:

Bố cục

Nội dung chính

Phần 1: Từ đầu đến “như dưới đây”

Lời giới thiệu của Rô – bin – xơn

Phần 2: Từ “tôi đội một chiếc mũ” đến “áo quần của tôi”

Trang phục kì quái của Rô – bin – xơn trên đảo hoang

Phần 3: Từ “quanh người tôi” đến “bên khẩu súng của tôi”

Những trang bị và vũ khí của Rô – bin - xơn

Phần 4: Đoạn còn lại

Diện mạo tự họa của Rô – bin – xơn

b) Phân tích bức chân dung tự họa của Rô – bin – xơn (Gợi ý: phân tích trang phục, trang bị, diện mạo của Rô – bin – xơn).

Bài làm:

Bức chân dung tự họa của Rô – bin – xơn :

- Trang phục:

  • Chiếc mũ "to tướng, cao lêu đêu chẳng ra hình thù gì"
  • Chiếc áo có vạt "dài tới khoảng lưng chừng hai bắp đùi"
  • Cái quần "loe đến đầu gối” và một đôi “chẳng biết gọi là gì, giống đôi ủng, bao quanh bắp chân và buộc dây hai bên”

Tất cả chúng – những trang phục mà Rô – bin – xơn đang mang trên người đều được làm bằng da dê. Điều đó trước hết cho thấy một sự thực: Rô-bin-xơn đã không còn lấy một mảnh vải mà may áo quần. Anh phải chế tạo, tận dụng từ những gì mình có trên đảo hoang một cách phù hợp để thay thế một cách tốt nhất cho quần áo thông thường.

- Trang bị:

  • Hai bên thắt lưng bằng da dê là cưa nhỏ, rìu con, hai cái túi đựng thuốc súng và đạn ghém, sau lưng đeo một chiếc gùi.

Những vật dụng, trang bị sơ sài này chính là phương tiện để Rô – bin – xơn sinh tồn trên đảo hoang. Cái cưa, cái rìu đã giúp ông chặt cây, cưa gỗ dựng lều, rào giậu chỗ ở để phòng thú dữ và sau này còn rào chỗ nuôi dê.

- Diện mạo:

  • So với phần tả trang phục và trang bị thì phần miêu tả diện mạo chỉ chiếm một dung lượng ít ỏi. Rô – bin – xơn chỉ nói thoáng qua về nước da và đặc tả bộ ria mép của mình. Điều này là rất hợp lí vì Rô-bin-xơn tự miêu tả về mình, do đó chàng chỉ có thể miêu tả chi tiết được những gì chàng trông thấy mà thôi.

=> Những chi tiết miêu tả trang phục, trang bị và diện mạo ấy của Rô – bin – xơn, ta có thể thấy được một cuộc sống đầy vất vả, khó khăn, khắc nghiệt như thế nào. Đồng thời qua đó cũng cho ta thấy một nghị lực phi thường, một ý chí sắt đá, một bản lĩnh sống không gì khuất phục nổi.

c) Tinh thần lạc quan của Rô – bin – xơn được thể hiện như thế nào trong văn bản Rô – bin – xơn ngoài đảo hoang?

Bài làm:

Tinh thần lạc quan, bất chấp khó khăn, gian khổ của Rô – bin – xơn được thể hiện qua giọng điệu hài hước và vui vẻ của nhân vật. Thay vì than vãn, Rô – bin – xơn tự họa về mình bằng cách nói đầy hài hước.

d) Qua hình ảnh Rô – bin – xơn, nhà văn muốn gửi tới bạn đọc thông điệp gì về cuộc sống?

Bài làm:

Qua hình ảnh Rô – bin – xơn, nhà văn muốn gửi tới bạn đọc thông điệp:

Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta sẽ rơi vào những hoàn cảnh hết sức éo le, ngặt nghèo và khó khăn. Để vượt qua nó, chúng ta cần phải có một ý chí nghị lực phi thường, phát huy sức mạnh và trí tuệ để cải tạo, thay đổi hoàn cảnh, sống lạc quan trước khó khăn thử thách. Điều quan trọng là không bao giờ được khuất phục trước cuộc sống.

3. Tìm hiểu về hợp đồng

a) Đọc hợp đồng và trả lời các câu hỏi:

(Đọc hợp đồng trong sách giáo khoa)

(1) Mục đích của việc lập hợp đồng là gì?

(2) Xác định bố cục của hợp đồng.

(3) Lời văn trong hợp đồng phải đảm bảo yêu cầu gì?

b) Dựa vào phần trả lời ở câu a), trao đổi và hoàn thiện bảng ghi nhớ về bố cục và nội dung của hợp đồng:

Bố cục

Nội dung

Phần mở đầu

Ghi lại nội dung của hợp đồng theo từng điều khoản đã được thống nhất

Chức vụ, chữ kí, họ tên của đại diện các bên tham gia kí kết hợp đồng và xác nhận bằng dấu của cơ quan hai bên (nếu có).

Bài làm:

(1) Mục đích của việc lập hợp đồng: Ghi lại nội dung thoả thuận về trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của hai bên tham gia giao dịch nhằm đảm bảo thực hiện đúng thoả thuận đã cam kết.

(2) Bố cục của hợp đồng:

- Phần mở đầu:

Quốc hiệu và tiêu ngữ

Tên hợp đồng

Thời gian, địa điểm

Họ tên, chức vụ, địa chỉ của các bên kí hợp đồng.

- Phần nội dung:

Ghi lại nội dung của hợp đồng theo từng điều khoản đã được thống nhất giữa các bên.

- Phần kết thúc: Ghi chức vụ, chữ kí, họ tên của đại diện các bên tham gia kí kết trong hợp đồng và xác nhận dâu của cơ quan (nếu có).

(3) Lời văn trong hợp đồng phải đảm bảo yêu cầu: cụ thể, rõ ràng, chặt chẽ, chính xác.

b)

Bố cục

Nội dung

Phần mở đầu

Quốc hiệu và tiêu ngữ

Tên hợp đồng

Thời gian, địa điểm

Họ tên, chức vụ, địa chỉ của các bên kí hợp đồng.

Phần nội dung

Ghi lại nội dung của hợp đồng theo từng điều khoản đã được thống nhất

Phần kết

Chức vụ, chữ kí, họ tên của đại diện các bên tham gia kí kết hợp đồng và xác nhận bằng dấu của cơ quan hai bên (nếu có).

C. Hoạt động luyện tập

1. Luyện tập đọc hiểu văn bản Rô – bin – xơn ngoài đảo hoang.

a) Cho câu mở đoạn: Qua việc nhân vật Rô – bin – xơn tự họa chân dung của mình, nhà văn muốn gửi tới bạn đọc thông điệp: “Con người không thể để thiên nhiên chinh phục mà phải chinh phục thiên nhiên.” Hãy viết tiếp từ 7 – 10 câu để tạo thành đoạn văn viết theo phương pháp diễn dịch.

Bài làm:

Qua việc nhân vật Rô – bin – xơn tự họa chân dung của mình, nhà văn muốn gửi tới bạn đọc thông điệp: “Con người không thể để thiên nhiên chinh phục mà phải chinh phục thiên nhiên.” Dù thiên nhiên đảo hoang vô cùng khắc nghiệt, nghèo nàn, hoang vu, thiếu thốn. Thế nhưng Rô – bin – xơn đã không sợ hãi, không khuất phục, anh không để thiên nhiên quật ngã mình. Rô – bin – xơn kiên cường sống và chiến đấu với thiên nhiên khắc nghiệt, làm việc một cách không mệt mỏi. Anh sử dụng trí tuệ, đôi bàn và ý chí của mình để cải tạo, thay đổi thiên nhiên và bắt thiên nhiên phục vụ mình. Tất cả trang phục của anh, dù chúng đều trông rất kì quái, đều là những thứ anh sáng tạo ra từ những vật liệu nghèo nàn trên đảo hoang. Từ thân phận lạc loài, yếu thế nơi đảo hoang, Rô - bin - xơn đã trở thành vị chúa đảo.

b. Vị trí và độ dài phần Rô-bin-xơn kể về diện mạo của chàng có gì đáng chú ý so với các phần khác? Thử giải thích vì sao lại như vậy nếu xem xét từ góc độ nhân vật xưng "tôi", tự kể chuyện mình.

Bài làm:

- Về vị trí, phần Rô-bin-xơn kể về diện mạo của chàng được đặt sau phần kể về trang phục vè trang bị của mình.

- Về độ dài, phần miêu tả diện mạo chỉ chiếm một dung lượng ít ỏi (khoảng 10 dòng), ngắn hơn khá nhiều so với hai phần tả trang phục và trang bị.

Nếu xem xét từ góc độ nhân vật xưng "tôi", tự kể chuyện mình thì thứ tự miêu tả và độ dài của phần Rô-bin-xơn kể về diện mạo như vậy là hết sức hợp lí, logic. Rô – bin – xơn một mình ở đảo hoang, trang phục, trang bị là những thứ anh tự tạo và có thể quan sát được. Vì thế, những thứ dễ dàng quan sát anh tả trước và tả kĩ. Còn về diện mạo của mình, anh không thể quan sát được nên miêu tả ít hơn. Thứ anh cảm nhận rõ nhất trên khuôn mặt là bộ ria mép nên anh đã đặc tả nó.

2. Tổng kết về ngữ pháp

a) Trao đổi theo nhóm về các khái niệm sau và trình bày trước lớp: danh từ, động từ, tính từ, đại từ, lượng từ, chỉ từ, phó từ, trợ từ, tình thái từ, thán từ, số từ, quan hệ từ.

Bài làm:
  • Danh từ: Là những từ chỉ người, vật, hiện tượng, khái niệm,...
  • Động từ: là những từ dùng để chỉ hành động, trạng thái của sự vật.
  • Tính từ: là những từ chỉ đặc điểm, tính chất của sự vật, hoạt động, trạng thái.
  • Đại từ: là một từ dùng để xưng hô hoặc thay thế cho một danh từ (hoặc một đại từ khác).
  • Lượng từ: là những từ chỉ lượng nhiều hay ít của sự vật.
  • Chỉ từ: là những từ dùng để trỏ vào sự vật, nhằm xác định vị trí của sự vật trong không gian hay thời gian
  • Chỉ từ thường làm phụ ngữ trong cụm danh từ. Ngoài ra còn có thể làm chủ ngữ hoặc trạng ngữ trong câu.
  • Phó từ: là những từ chuyên đi kèm trạng từ, động từ, tính từ để bổ sung ý nghĩa cho trạng từ, động từ và tính từ.
  • Trợ từ: là những từ chuyên đi kèm với một từ ngữ trong câu để nhấn mạnh hoặc biểu thị thái độ đánh giá sự vật, sự việc được nói đến ở từ ngữ đó.
  • Tình thái từ: là những từ được thêm vào câu để cấu tạo câu nghi vấn, câu cầu khiến, câu cảm thán và để biểu thị các sắc thái tình cảm của người nói.
  • Thán từ: là những từ dùng để bộc lộ cảm xúc, tình cảm của người nói hoặc dùng để gọi đáp.
  • Số từ: là những từ chỉ số lượng và thứ tự.
  • Quan hệ từ: là những từ dùng để biểu thị các ý nghĩa quan hệ giữa các bộ phận của câu hay giữa câu trong đoạn văn.

b) Đọc các câu văn sau và thực hiện yêu cầu:

- Tìm danh từ, động từ, tính từ trong các câu văn và điền vào vở theo bảng mẫu ở dưới:

(1) Một bài thơ hay ta không bao giờ đọc qua một lần mà bỏ xuống được.

(Nguyễn Đình Thi, Tiếng nói của văn nghệ)

(2) Mà ông, thì ông không thích nghĩ ngợi như thế một tí nào.

(Kim Lân, Làng)

(3) Xây cái lăng ấy cả làng phục dịch, cả làng gánh gạch, đập đá, làm phu hồ cho nó.

(Kim Lân, Làng)

(4) Đối với cháu, thật là đột ngột […].

(Nguyễn Thành Long, Lặng lẽ Sa Pa)

(5) - Vâng! Ông giáo dạy phải! Đối với chúng mình thì thế là sung sướng.

(Nam Cao, Lão Hạc)

Danh từ

Động từ

Tính từ

- Những từ sau có thể thêm vào trước những từ nào trong bảng từ loại mà em vừa hoàn thành?

+ rất, quá, lắm, cực kỳ

+ đang, sẽ, vừa, cũng, vẫn

+ những, các, một

- Những từ sau đây có thể thêm vào sau những từ nào trong bảng từ loại mà em đã hoàn thành?

+ quá, lắm, cực kì

+ này, nọ, kia, ấy

+ được, ngay

- Hoàn thiện bảng tổng kết về khả năng kết hợp của danh từ, động từ và tính từ

Ý nghĩa khái quát của từ loại

Khả năng kết hợp

Kết hợp phía trước

Từ loại

Kết hợp phía sau

Chỉ sự vật (người, vật, hiện tượng, khái niệm)

Danh từ

Chỉ hoạt động, trạng thái của sự vật

Động từ

Chỉ đặc điểm, tính chất của sự vật, hoạt động, trạng thái

Tính từ

Bài làm:

Danh từ

Động từ

Tính từ

lần, lăng, làng

đọc, nghĩ ngợi, phục dịch, đập

hay, đột ngột, phải, sung sướng

- Những từ sau có thể thêm vào trước những trong bảng từ loại

+ rất, quá, lắm, cực kì thêm vào trước hay, đột ngột, phải, sung sướng

+ đang, sẽ, vừa, cũng, vẫn thêm vào trước đọc, nghĩ ngợi, phục dịch, đập

+ những, các, một thêm vào trước lần, lăng, làng.

- Những từ sau đây có thể thêm vào sau:

+ quá, lắm, cực kì thêm vào sau hay, đột ngột, phải, sung sướng

+ này, nọ, kia, ấy thêm vào sau lần, lăng, làng

+ được, ngay thêm vào sau đọc, nghĩ ngợi, phục dịch, đập

Ý nghĩa khái quát của từ loại

Khả năng kết hợp

Kết hợp phía trước

Từ loại

Kết hợp phía sau

Chỉ sự vật (người, vật, hiện tượng, khái niệm)

những, các, một, nhiều,...

Danh từ

này, nọ, kia, ấy...

Chỉ hoạt động, trạng thái của sự vật

hãy, đã, vừa, đang, sẽ, cũng, vẫn…

Động từ

được, ngay

Chỉ đặc điểm, tính chất của sự vật, hoạt động, trạng thái

rất, hơi, quá, lắm, cực kì, …

Tính từ

quá, lắm, cực kì...

c) Tìm phần trung tâm của các cụm từ in đậm trong những câu sau đây và chỉ ra dấu hiệu nhận biết đó là cụm danh từ, cụm động từ hay cụm tính từ.

(1) Ông khoe những ngày khởi nghĩa dồn dập ở làng.

(Kim Lân, Làng)

(2) Vừa lúc ấy, tôi đã đến gần anh. Với lòng mong nhớ của anh, chắc anh nghĩ rằng, con anh sẽ chạy xô vào lòng anh, sẽ ôm chặt lấy cổ anh.

(Chiếc lược ngà, Nguyễn Quang Sáng)

(3) Không, lời gửi của một Nguyễn Du, một Tôn – xtôi cho nhân loại phức tạp hơn, cũng phong phú hơn và sâu sắc hơn.

(Nguyễn Đình Thi, Tiếng nói của văn nghệ)

Bài làm:

(1) Ông khoe những ngày khởi nghĩa dồn dập ở làng.

Phần trung tâm của cụm từ in đậm là danh từ ngày.

Dấu hiệu để nhận biết cụm danh từ là lượng từ những đứng trước danh từ ngày.

(2) Vừa lúc ấy, tôi đã đến gần anh. Với lòng mong nhớ của anh, chắc anh nghĩ rằng, con anh sẽ chạy xô vào lòng anh, sẽ ôm chặt lấy cổ anh.

Phần trung tâm của cụm từ in đậm là các động từ đến, chạy, ôm.

Dấu hiệu để nhận biết cụm động từ là trước nó có phó từ chỉ thời gian: đã, sẽ

(3) Không, lời gửi của một Nguyễn Du, một Tôn – xtôi cho nhân loại phức tạp hơn, cũng phong phú hơn và sâu sắc hơn.

Phần trung tâm của cụm từ in đậm là các tính từ phức tạp, phong phú, sâu sắc

Dấu hiệu để nhận biết cụm tính từ là đứng sau nó là từ hơn.

d) Các từ in đậm trong đoạn trích dưới đây vốn thuộc từ loại nào và ở đây chúng được dùng như từ thuộc từ loại nào?

(1) Nghe gọi, con bé giật mình, tròn mắt nhìn. Nó ngơ ngác, lạ lùng. Còn anh, anh không ghìm nổi xúc động.

(Nguyễn Quang Sáng, Chiếc lược ngà)

(2) Làm khí tượng, ở được cao thế mới là lí tưởng chứ.

(Nguyễn Thành Long, Lặng lẽ Sa Pa)

(3) Những băn khoăn ấy làm cho nhà hội hoạ không nhận xét được gì ở cô con gái ngồi trước mặt đằng kia.

(Nguyễn Thành Long, Lặng lẽ Sa Pa)

Bài làm:
(1): tròn vốn là tính từ, ở trong câu được dùng như động từ.
(2): lí tưởng vốn là danh từ, ở trong câu được dùng như tính từ.
(3): băn khoăn vốn là tính từ, ở trong câu được dùng như danh từ

3. Luyện tập về viết biên bản

a) Trình bày những yêu cầu chính đối với việc viết biên bản.

Bài làm:

Những yêu cầu chính đối với việc viết biên bản:

  • Số liệu, sự kiện phải chính xác, cụ thể.
  • Ghi chép trung thực, đầy đủ không suy diễn chủ quan
  • Nội dung phải có trọng tâm, trọng điểm.
  • Thủ tục chặt chẽ, thông tin có độ tin cậy cao (nếu có tang vật, chứng cứ, các phụ lục diễn giải phải giữ kèm biên bản). Những người có trách nhiệm ký chứng nhận biên bản, biên bản phải được đọc cho mọi người có mặt cùng nghe, sửa chữa lại cho khách quan (nếu có) và ký vào biên bản để cùng chịu trách nhiệm.

b) Ghi lại biên bản sinh hoạt chi đoàn của lớp em về việc đánh giá đoàn viên

Bài làm:

ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH

BCH CHI ĐOÀN 9A

HỌP PHÂN TÍCH CHẤT LƯỢNG ĐOÀN VIÊN CHI ĐOÀN 9A

NĂM .2018..............

Vào lúc .............13h............................... tại ............lớp 9A..........................................

Căn cứ hướng dẫn của Đoàn cấp trên về việc phân tích chất lượng đoàn viên và phân loại chi đoàn.

Chi đoàn ..........9A....................... đã tiến hành họp phân tích chất lượng đoàn viên và phân loại chi đoàn với nội dung và kết quả như sau:

1. Thành phần tham dự:

- Chủ tọa: Đ/c .........Nguyễn Ngọc Anh................................;Thư ký: Đ/c .........Phạm Thị Vân......................

- Đoàn viên tham dự: ....20........... đồng chí/tổng số đoàn viên chi đoàn.

2. Phân tích chất lượng đoàn viên:

- Đ/c .....Hà Thị Hạnh.................................. đọc tự kiểm và tự phong loại

Góp ý của chi đoàn:

+ Mạnh: ........................................................................................................

+ Hạn chế: ....................................................................................................

Biểu quyết phân loại của chi đoàn: ..............................................................

- Đ/c ....................................... đọc tự kiểm và tự phong loại

Góp ý của chi đoàn:

+ Mạnh: .......................................................................................................

+ Hạn chế: ...................................................................................................

Biểu quyết phân loại của chi đoàn: .............................................................

3. Phân loại chi đoàn:

- Ban chấp hành chi đoàn đọc bản tự nhận xét mạnh, hạn chế đánh giá theo tiêu chuẩn xếp loại chi đoàn, đề xuất xếp loại.

- Đoàn viên chi đoàn đóng góp bản nhận xét, biểu quyết xếp loại: ............

Kết quả phân tích chất lượng đoàn viên:

+ ..................... đồng chí đạt xuất sắc - tỷ lệ: ............%

+ ..................... đồng chí đạt khá - tỷ lệ: ............%

+ ..................... đồng chí đạt trung bình - tỷ lệ: ............%

+ ..................... đồng chí đạt yếu - tỷ lệ: ............%

- Chi đoàn:

Biên bản kết thúc vào lúc .................. ngày ................

CHỦ TỌA

.............................................

THƯ KÝ

...........................................

4. Luyện tập về hợp đồng

a) Tình huống nào sau đây cần phải làm hợp đồng?

(1) Giáo viên chủ nhiệm của lớp em chuyển trường và bàn giao công việc cho giáo viên chủ nhiệm mới.

(2) Hai bên thỏa thuận với nhau về việc thuê nhà.

(3) Trường em đề nghị cơ quan có thẩm quyền cho sửa chữa, hiện đại hóa phòng học.

b) Sau đây là dự kiến về các điều khoản trong hợp đồng thuê nhà. Hãy sửa chữa và bổ sung (nếu thấy cần thiết).

Điều 1: Đối tượng của hợp đồng

Điều 2: Gía cho thuê nhà và phương thức thanh toán.

Điều 3: Thời gian thuê và thời điểm giao nhận nhà

Điều 4: Quyền và nghĩa vụ của bên cho thuê nhà.

Điều 5: Quyền tiếp tục thuê nhà ở

Điều 6: Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng

Điều 7: Các thỏa thuận khác

Điều 8: Cam kết của bên thuê nhà.

Điều 9: Điều khoản cuối cùng.

Bài làm:

a) Tình huống nào cần phải làm hợp đồng: (2) Hai bên thỏa thuận với nhau về việc thuê nhà.

b) Bổ sung thêm một điều khoản sau điều khoản 4 là: Quyền và nghĩa vụ của bên thuê nhà.

Sửa chữa Điều 8 thành: Cam kết của các bên.

D. Hoạt động vận dụng

1. Viết đoạn văn trình bày suy nghĩ của em về bài học mà mình rút ra được sau khi học văn bản Rô – bin – xơn ngoài đảo hoang. Trong đoạn văn có sử dụng cụm danh từ, cụm động từ hoặc cụm tính từ.

Bài làm:

Sau khi học văn bản Rô – bin – xơn ngoài đảo hoang, em đã tự rút ra cho mình một bài học ý nghĩa và sâu sắc: Không bao giờ được phép khuất phục trước khó khăn và thử thách của cuộc sống. Dù thiên nhiên đảo hoang vô cùng khắc nghiệt, nghèo nàn, hoang vu, thiếu thốn. Thế nhưng Rô – bin – xơn đã không sợ hãi, không khuất phục, anh không để thiên nhiên quật ngã mình. Rô – bin – xơn kiên cường sống và chiến đấu với thiên nhiên khắc nghiệt, làm việc một cách không mệt mỏi. Anh sử dụng trí tuệ, đôi bàn và ý chí của mình để cải tạo, thay đổi thiên nhiên và bắt thiên nhiên phục vụ mình. Tất cả trang phục của anh, dù chúng đều trông rất kì quái, đều là những thứ anh sáng tạo ra từ những vật liệu nghèo nàn trên đảo hoang. Từ thân phận lạc loài, yếu thế nơi đảo hoang, Rô - bin - xơn đã trở thành vị chúa đảo. Con đối với chúng ta, trong cuộc sống, đôi khi ta sẽ rơi vào những hoàn cảnh hết sức éo le, ngặt nghèo và khó khăn. Để vượt qua nó, chúng ta cần phải có một ý chí nghị lực phi thường, phát huy sức mạnh và trí tuệ để cải tạo, thay đổi hoàn cảnh, sống lạc quan trước khó khăn thử thách. Điều quan trọng là không bao giờ được khuất phục trước cuộc sống.

VD về cụm danh từ trong đoạn văn: một bài học ý nghĩa và sâu sắc; những hoàn cảnh hết sức éo le,…

2. Gia đình em đang cải tạo hệ thống nước để chuyển sang dùng nước sạch sông Đà, em hãy soạn thảo hợp đồng với nhà máy nước giúp bố mẹ.

Bài làm:

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

HỢP ĐỒNG DỊCH VỤ CẤP NƯỚC

Căn cứ Bộ luật Dân sự số 33/2005/QH11 của Quốc Hội nước CHXHCN Việt Nam;

Căn cứ Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch.

Căn cứ Thông tư số...... /2008/TT-BXD ngày.....tháng....năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch.

Căn cứ Quyết định số....../......ngày......tháng......năm...... của UBND...... (cấp tỉnh) ban hành Quy định (quy chế ) về hoạt động sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch trên địa bàn tỉnh.
Căn cứ......

Hôm nay, ngày..05...tháng...01....năm. 2019................................. Tại:........................

Chúng tôi gồm:

I. Bên cung cấp dịch vụ (gọi tắt là Bên A)

Tên đơn vị cấp nước..... Công ty cổ phần Đầu tư Nước sạch Sông Đà..........ĐT: ..............................................

Đại diện là ông........Nguyễn Văn A...........................................................................

Chức vụ..............................................................................................................................

Theo giấy uỷ quyền số.............../...............ngày......tháng......năm.....................................

của .....................................................................................................................................

Trụ sở.................................................................................................................................

Tài khoản.............................................................tại...........................................................

Mã số thuế..........................................................................................................................

II. Khách hàng sử dụng nước (gọi tắt là Bên B)

Chủ hộ (hoặc tên cơ quan)..............Đặng Văn B................................................................

Hoặc người được uỷ quyền................................................................................................

Số CMND (theo giấy uỷ quyền số)...................cấp ngày......../........./...............tại..............

Nơi thường trú (Trụ sở cơ quan)........................................................................................

............................................................................................................................................

Địa chỉ mua nước................................................................................................................

............................................................................................................................................

Tài khoản...................................Tại.....................................................................................

Mã số thuế........................................................... Điện thoại..............................................

Cùng nhau thoả thuận ký kết hợp đồng dịch vụ cấp nước với các nội dung sau:

Điều 1. Đối tượng của hợp đồng

Quy định đối tượng của hợp đồng: mua bán nước sạch bảo đảm điều kiện chất lượng dịch vụ cam kết.

Điều 2. Điều kiện chất lượng dịch vụ

Quy định chất lượng dịch vụ tại điểm đấu nối bao gồm chất lượng nước sạch, áp lực, lưu lượng, tính liên tục của dịch vụ phù hợp với tiêu chuẩn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và thỏa thuận thực hiện dịch vụ cấp nước mà đơn vị cấp nước đã ký.

Điều 3. Giá nước sạch

Quy định giá nước sạch cho các đối tượng và mục đích sử dụng nước khác nhau, phù hợp với biểu giá do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ban hành và phương án giá tiêu thụ nước sạch đã được phê duyệt; nguyên tắc áp dụng giá nước mới khi có quyết định điều chỉnh của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.

Điều 4. Khối lượng nước sạch thanh toán tối thiểu

Áp dụng cho khách hàng sử dụng nước là hộ gia đình; quy định khối lượng nước sạch tối thiểu phải thanh toán theo quy định của Nghị định và quyết định của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.

Điều 5. Phương thức thanh toán

Quy định kỳ ghi hóa đơn, thông báo thanh toán, địa điểm thanh toán, hình thức thanh toán.

Điều 6. Quyền và nghĩa vụ của Bên A

Quy định các quyền và nghĩa vụ của Bên A đã được quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan.

Điều 7. Quyền và nghĩa vụ của Bên B

Quy định các quyền và nghĩa vụ của Bên B đã được quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan.

Điều 8. Sửa đổi hợp đồng

Quy định các trường hợp sửa đổi hợp đồng theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.

Điều 9. Chấm dứt hợp đồng

Quy định các trường hợp chấm dứt hợp đồng, giải quyết những vướng mắc của hai bên khi chấm dứt hợp đồng.

Điều 10. Giải quyết tranh chấp và vi phạm hợp đồng

Quy định giải quyết tranh chấp và vi phạm hợp đồng theo các quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.

Điều 11. Các thoả thuận khác (nếu có)

Điều 12. Điều khoản chung

Quy định hiệu lực của hợp đồng và các phụ lục hợp đồng. Các cam kết thực hiện hợp đồng.

Bên cung cấp dịch vụ
(Ký và đóng dấu)

Khách hàng sử dụng nước
(Ký và đóng dấu)

E. Hoạt động tìm tòi mở rộng

1. Tìm đọc toàn văn truyện Rô – bin – xơn Cru – xô và tóm tắt bằng văn bản

Bài làm:

Tóm tắt truyện Rô – bin – xơn Cru – xô:

Rô-bin-xơn là một thanh niên cường tráng, dũng cảm ưa mạo hiểm. Anh có đam mê vượt trùng dương để khám phá những vùng đất mới lạ. Chàng đi xuống tàu tại thương cảng Hơn, theo bạn đi Luân Đôn. Tàu bị đắm tại Yác-mao. Chẳng nhụt chí trước tai họa, chẳng mềm lòng trước lời kêu khóc của mẹ cha, Rô-bin-xơn làm quen với một thuyền trưởng tàu buôn đi sang Ghi-nê. Chuyến đầu tốt đẹp, chuyến thứ hai gặp cướp biển, bị bắt làm nô lộ ở Xa-lê. Hai năm sau trốn thoát, lưu lạc sang Bra-xin lập đồn điền. Có một tí vốn, 4 năm sau lại dùng bạn xuống tàu buôn đi Ghi-nê. Tầu gặp bão, bị đắm. Hầu hết đều chết, chỉ còn Rô-bin-xơn may mắn sống sót. Tàu đắm dạt vào một nơi gần đảo hoang. Chàng tìm cách lên đảo, làm lán trại, chuyên chở mọi thứ còn lại trên tàu đắm, từ khẩu súng, viên đạn đến lương thực lên đảo. Chàng săn bắn, kiếm ăn, trồng trọt, nuôi dê, làm đủ nghề như đan lát, nặn gốm v.v... để duy trì cuộc sống đơn độc trên đảo hoang.

Đến năm thứ 25, Rô-bin-xơn do tình cờ cứu được một tù binh da đen bị thổ dân đưa lên đảo loan hành hình. Chàng đặt tên cho nạn nhân là Thứ Sáu. Ít lâu sau, chàng lại cứu được 2 tù binh, một người Tây Ban Nha và một da đen chính là người cha của Thứ Sáu, khi bọn thổ dân sắp hành hình. Hoang đảo đã có 4 người, cuộc sống đỡ cô đơn.

Một hôm có một chiếc tàu ghé đến đậu ở cái vịnh nhỏ gần đảo hoang. Bọn thủy thủ nổi loạn trói thuyền trưởng thuyền phó giải lên bờ định cho chết trên đảo. Chàng cứu giúp vị thuyền trưởng thu hồi được tàu. Chàng trở về Tổ quốc có Thứ Sáu cùng đi. Tính ra đã 28 năm, hai tháng, 19 ngày Rô-bin-xơn đã sống trên hoang đảo.

Soạn văn bài: Rô – Bin – Xơn ngoài đảo hoang - Sách hướng dẫn học Ngữ Văn 9 tập 2 trang 85. Sách này nằm trong bộ VNEN của chương trình mới. Trên đây VnDoc đã hướng dẫn trả lời và giải đáp các câu hỏi trong SGK, giúp các bạn rút ngắn thời gian soạn bài, củng cố thêm kiến thức Ngữ văn lớp 9. Mời các bạn tham khảo

.......................................................................

Ngoài Soạn Văn 9 bài Rô – Bin – Xơn ngoài đảo hoang VNEN. Mời các bạn học sinh còn có thể tham khảo thêm Soạn văn 9, soạn bài 9 hoặc đề thi học học kì 1 lớp 9, đề thi học học kì 2 lớp 9 các môn Toán, Văn, Anh, Hóa, Lý, Địa, Sinh mà chúng tôi đã sưu tầm và chọn lọc. Với đề thi học kì 2 lớp 9 này giúp các bạn rèn luyện thêm kỹ năng giải đề và làm bài tốt hơn. Chúc các bạn học tốt

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Soạn Ngữ văn 9 VNEN

    Xem thêm