Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Tình huống sư phạm trong công tác chủ nhiệm lớp ở tiểu học

Tổng hợp tình huống sư phạm trong công tác chủ nhiệm

VnDoc.com xin gửi tới bạn đọc bài viết tổng hợp tình huống sư phạm trong công tác chủ nhiệm để bạn đọc cùng tham khảo và có thêm kinh nghiệm giải quyết các tình huống xảy ra trên lớp học. Mời bạn đọc cùng tham khảo chi tiết tại đây.

GỢI Ý XỬ LÝ CÁC TÌNH HUỐNG SƯ PHẠM TRONG CÔNG TÁC CHỦ NHIỆM LỚP Ở TIỂU HỌC

Tình huống số 01

Lớp 5/2 có em Huyền Trang được bầu làm Liên đội trưởng, nhưng trong một cuộc họp cha mẹ học sinh của lớp, bố của em Huyền Trang một mực nhờ giáo viên chủ nhiệm đề nghị với nhà trường cho con mình thôi giữ chức vụ Liên đội trưởng vì lí do, làm chỉ huy Liên đội ảnh hưởng nhiều đến việc học tập các môn văn hóa. Thầy (cô) sẽ giải quyết tình huống trên như thế nào?

Gợi ý trả lời:

Khen ngợi, chúc mừng phụ huynh có một đứa con ngoan, học giỏi, đặc biệt có tố chất lãnh đạo và có nhiều năng khiếu hoạt động xã hội. Nếu được bồi dưỡng sớm thì sẽ rất phát triển.

Phân tích cho phụ huynh biết: Công tác Đội nói riêng, hoạt động ngoài giờ lên lớp nói chung là một hoạt động quan trong nhằm giáo dục và hình thành kỹ năng sống cho học sinh. Đây là một trong những mục tiêu quan trong của giáo dục tiểu học.

-> Góp phần tích cực vào việc giáo dục toàn diện,... (phải xác định đây là cơ hội vàng để tuyên truyền, khích lệ phụ huynh học sinh trong việc ủng hộ chủ trương tăng cường giáo dục toàn diện học sinh).

Tham gia hoạt động Đội là một hoạt động học tập rèn luyện, có tác dụng bổ trợ cho các việc học văn hóa. Đề nghị với nhà trường sắp xếp lịch sinh hoạt hợp lý cho Ban chi huy Liên đội để hoạt động và học tập phù hợp.

Tình huống số 02

Trong một cuộc họp cha mẹ học sinh đầu năm, có một số người chưa đồng tình chủ trương tổ chức ăn bán trú cho học sinh của nhà trường. Lý do phải đóng thêm tiền tốn kém, điều kiện chăm sóc con ở nhà tốt hơn. Thầy (cô) hãy trình bày cách giải quyết của mình để thực hiện được chủ trương bán trú của nhà trường?

Gợi ý trả lời:

Phân tích tác dụng của việc tổ chức bán trú tại trường (có lợi cả về sức khỏe, tiết kiệm thời gian, kinh phí, an toàn,...)

Đặc biệt tổ chức bán trú sẽ là điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng dạy học buổi 2.

Giới thiệu cho phụ huynh biết một số mô hình bán trú có chất lượng trong và ngoài huyện, đồng thời thuyết phụ phụ huynh ủng hộ chủ trương lớn của ngành.

Tình huống số 03

Lớp Thầy (cô) chủ nhiệm có một học sinh vi phạm nội quy của nhà trường sắp bị đưa ra để xét ở Hội đồng kỷ luật. Phụ huynh của học sinh đó là bạn thân của bạn đến đề nghị bạn với tư cách là giáo viên chủ nhiệm xin với Hội đồng kỷ luật chiếu cố và “cho qua”. Trong trường hợp này, Thầy (cô) ứng xử thế nào với phụ huynh đó?

Gợi ý trả lời:

Trước hết, giải thích cho phụ huynh đó hiểu được mức độ vi phạm kỷ luật trầm trọng của con họ và biện pháp xử lý kỷ luật là cần thiết để giáo dục em.

Phải nói thế nào để phụ huynh đó hiểu rằng việc đưa trường hợp của em ra xét ở Hội đồng kỷ luật nhà trường không có gì khác là nhằm giúp đỡ em tiến bộ, chỉ cho em thấy hậu quả của việc vi phạm kỷ luật, để em nhận lỗi và chịu trách nhiệm về những việc làm sai trái của mình. Có như thế lần sau em mới không tái phạm.

Cần nói để phụ huynh của em hiểu rằng chiếu cố cho em lúc này không phải là giúp đỡ em mà trái lại, chỉ làm hại em, và rất có thể lần sau em vẫn tiếp tục phạm lỗi. Để phụ huynh của em “yên tâm”, chúng ta cũng có thể nói với họ rằng việc đưa ra Hội đồng kỷ luật trường không phải là điều gì ghê gớm cả và bạn sẽ hết sức giúp đỡ trong khả năng có thể để nâng đỡ em nếu như em biết ăn năn và quyết tâm sửa chữa sai lầm.

Và cũng cần phải nói cho phụ huynh biết rằng để xảy ra hiện tượng học sinh vi phạm kỷ luật lỗi một phần cũng do phía gia đình và nhà trường chưa nghiêm khắc trong việc giáo dục em. Chính vì thế đây là cơ hội để bạn đưa ra lời đề nghị và giải pháp để thắt chặt hơn mối quan hệ này. Nếu khéo léo bạn có thể chuyển hướng mục đích của buổi gặp gỡ này từ “nhờ vả” sang sự phối hợp để tìm hiểu nguyên nhân mắc lỗi của em học sinh và bàn biện pháp giúp đỡ. Bằng một thái độ nghiêm túc, bằng tinh thần trách nhiệm bạn hãy biến nó thành một cuộc trao đổi cởi mở và thẳng thắn.

Tuy nhiên, cũng phải chuẩn bị tinh thần để đối phó với tình huống phụ huynh đó sau khi bị bạn từ chối sẽ tức giận với bạn. Điều đó hoàn toàn có thể xảy ra. Nhưng dù thế nào bạn cũng phải giữ vững nguyên tắc không thỏa hiệp chiếu cố cho những vi phạm kỷ luật nghiêm trọng. Có thể bạn sẽ gặp phải một vài rắc rối nào đó, nhưng lương tâm bạn thanh thản vì đã làm tròn trách nhiệm của một giáo viên chủ nhiệm. và chắc chắn rằng sau đó mọi người (kể cả phụ huynh đã bị từ chối ấy) cũng không thể nhìn bạn với ánh mắt coi thường.

Tình huống số 04

Trong lớp của Thầy (cô) chủ nhiệm, hầu hết các em học sinh đều ngoan, chăm chỉ học tập và lễ phép. Tuy nhiên, cũng có một số các em nam nghịch ngợm, lười học hay bị cô giáo phê bình. Chính vì lí do này mà nhiều lần, khi gặp những em học sinh này trong sân trường, Thầy (cô) nhận thấy học sinh của mình thường lảng tránh, giả vờ nhìn đi chỗ khác để không phải chào. Thầy (cô) sẽ làm như thế nào để khắc phuc tình trạng này?

Gợi ý trả lời:

Về thái độ: xem đây là một việc bình thường, do đặc điểm tâm lý của hầu hết học sinh khi phạm lỗi. Tuyệt đối không được dùng các biện pháp tiêu cực, có thể làm cho các em ngày càng xa lánh mình hơn.

Nhân dịp nào đó trong buổi học, khéo léo kể một câu chuyện tương tự để nhắc nhở, giáo dục chung cả lớp. Hãy nhắc cho các em hiểu đó là một việc nên làm, một việc thể hiện văn hoá, đạo đức của con người các em, và cũng là biểu hiện tình cảm của các em với thầy cô giáo. Bạn cũng nên nói với học sinh:

“Nếu cô gặp học sinh của mình ngoài đường mà các em không chào cô thì cô sẽ buồn lắm vì cô nghĩ điều đó là do mình đáng ghét và dữ dằn nên học sinh mới sợ và lẩn tránh không muốn gặp mình”. Câu nói đùa mà thật như vậy sẽ có thể nhắc nhở học sinh chú ý, quan tâm hơn đến thầy cô giáo.

Những học sinh nghịch ngợm, hay bị mắng thường lảng tránh không chào giáo viên cũng có thể do ngượng ngùng, xấu hổ, mặc cảm hoặc sợ hãi. Chúng ta cũng nên gần gũi hơn với những em này, nhẹ nhàng khuyên bảo các em chứ không nên quá gay gắt mỗi khi phê bình hay trách phạt. Khi đã yêu quý thầy cô giáo, có lẽ không có học sinh nào lại phải giả vờ như không trông thấy hoặc lảng tránh thầy cô giáo chỉ bởi vì... ngại phải chào.

Tình huống số 05

Khi tổ chức đội bóng của lớp tham gia một giải bóng đá trong khuôn khổ giữa các khối lớp của trường, là giáo viên chủ nhiệm, bạn cần quan tâm đến những vấn đề gì? Tại sao?

Gợi ý trả lời:

An toàn cho học sinh là vấn đề quan tâm hàng đầu;

Tổ chức tập luyện; cổ động viên,...

Các điều kiện đảm bảo cho các học sinh thi đấu (kinh phí, sân bãi).

Tình huống số 06

Một lần vì có việc bận đặc biệt nên bạn đã đến lớp muộn 15 phút. Khi vừa bước đến cửa lớp bạn nghe rõ tiếng học sinh trong lớp đang reo hò vì tưởng cô giáo không đến dạy. Gặp tình huống này Thầy (cô) xử lý thế nào?

Gợi ý trả lời:

Trong tình huống này, dù có tự ái hay không vừa lòng trước hành động đó của học sinh, bạn vẫn nên vào lớp như bình thường. Thay vì “lên lớp” học sinh, bạn thành thật xin lỗi vì việc đột xuất nên đã đến muộn. Đồng thời bạn cũng nên nhẹ nhàng, khéo léo nhắc nhở học sinh về hành động bột phát khi thấy giáo viên đến muộn, khuyên các em lần sau không nên làm như thế.

Và bạn cũng không nên để mất quá nhiều thời gian vào những chuyện “ngoài rìa” này bằng cách nhanh chóng bắt đầu bài giảng của mình với tâm lý thoải mái để buổi học được thành công.

Tình huống số 07

Phụ huynh đến gặp xin cho con mình được nghỉ tập văn nghệ vì lí do tập văn nghệ ảnh hưởng nhiều đến việc học tập các môn văn hóa. Theo Thầy (cô) nên trả lời phụ huynh đó thế nào?

Gợi ý trả lời:

Khen ngợi, chúc mừng phụ huynh có một đứa con ngoan, học giỏi, đặc biệt có năng khiếu văn nghệ rất tốt, có nhiều tố chất hoạt động xã hội rất được thầy cô và ban bè mến mộ. Nếu được bồi dưỡng sớm thì sẽ rất phát triển.

Phân tích cho phụ huynh biết: Năng khiếu văn nghệ của trẻ em là hết sức quan trọng, nhất là trong xã hội ngày nay, năng khiếu văn nghệ, ca hát rất dễ tạo cơ hội cho con người thành đạt về mọi mặt.

Tham gia hoạt động văn nghệ trong trường học thực chất là một hoạt động học tập rèn luyện, có tác dụng bổ trợ cho các việc học văn hóa. Nhà trường sẽ sắp xếp lịch sinh hoạt hợp lý cho đội văn nghệ nhà trường.

Tình huống số 08

Nếu ở lớp Thầy (cô) có một học sinh bị di chứng chất độc da cam. Thầy (cô) sẽ làm gì để cho học sinh đó được học hòa nhập?

Gợi ý trả lời:

Để giúp trẻ khuyết tật, di chứng chất độc da cam hoà nhập cộng đồng, cần có sự tham gia của rất nhiều đối tượng, trước tiên là đối tác tiếp xúc trực tiếp hàng ngày với trẻ gồm giáo viên và học sinh không có khuyết tật khác trong trường và ở lớp.

Cần xoá bỏ mặc cảm, ý nghĩ tiêu cực đối với việc hoà nhập trẻ khuyết tật của giáo viên, các em học sinh không khuyết tật và ngay cả phụ huynh của những em này. Cần giúp các em phát triển một cách tự nhiên, không cảm thấy sự khác biệt hay sự thương hại nào.

Giáo dục các em học sinh thái độ tích cực với trẻ khuyết tật; giáo viên phải có phương pháp giảng dạy riêng cho các cháu bị khuyết tật; Có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và phụ huynh để giáo dục cho các học sinh khuyết tật, giúp các trẻ này tự tin, hoà nhập vào cuộc sống.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO/PROPLUS tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Biểu mẫu Giáo dục - Đào tạo

    Xem thêm