Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Tóm tắt, bố cục, nội dung chính văn bản Người ngồi đợi trước hiên nhà

Chúng tôi xin giới thiệu bài Tóm tắt, bố cục, nội dung chính văn bản Người ngồi đợi trước hiên nhà hay, chính xác nhất sách Cánh diều giúp học sinh nắm được trọng tâm văn bản từ đó học tốt môn Ngữ văn 7.

A. Bố cục Người ngồi đợi trước hiên nhà

Chia văn bản làm 3 đoạn:

- Đoạn 1: Từ đầu đến “đôi người đôi ngả”: Tình cảnh ly tán “kẻ Bắc người Nam” của những gia đình có người tập kết ra Bắc.

- Đoạn 2: Tiếp theo đến “tìm mộ phần của dượng”: Tình cảnh đáng thương của dì Bảy khi dượng Bảy ra chiến trận.

- Đoạn 3: còn lại: Tấm lòng thủy chung, son sắt của Dì

B. Nội dung chính Người ngồi đợi trước hiên nhà

Bài tản văn kể về số phận bất hạnh của dì Bảy có chồng đi tập kết ra Bắc. Vợ chồng dì bảy mới lấy nhau vỏn vẹn có một tháng. Dì kiên nhẫn chờ chồng mình suốt 20 năm trời đến ngay cả khi dì biết chồng mình đã bỏ mạng ở chiến trường dì vẫn một lòng chung thủy không hề rung động trước bất kì ai.

C. Tóm tắt tác phẩm Người ngồi đợi trước hiên nhà

Tình cảnh chia li đáng thương của vợ chồng dì Bảy. Dì dượng mới lấy nhau được một tháng thì dương Bảy đã phải tập kết ra Bắc. Hai người rơi vào cảnh chia li, kẻ Bắc người Nam. Thế rồi không lâu sau dì nhận được tin dượng Bảy đã bỏ lại mạng nơi chiến trường cách ngày độc lập chỉ vài ngày. Mặc dù tình cảnh đáng thương, cô đơn như vậy nhưng dì Bảy vẫn luôn thủy chung, son sắt với dượng quyết không đi bước nữa mà chỉ ở vậy. Qua đó thấy được trái tim và đức hi sinh cao thượng của dì Bảy dì đã hi sinh hạnh phúc cá nhân của mình, đóng góp một phần không nhỏ vào sự nghiệp giải phóng đất nước.

D. Tác giả, tác phẩm Người ngồi đợi trước hiên nhà

I. Tác giả

- Huỳnh Như Phương sinh năm 1955, quê quán ở Quảng Ngãi

- GS Huỳnh Như Phương là nhà giáo chuyên giảng dạy lý thuyết văn học ở Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG TP.HCM, đồng thời là nhà nghiên cứu, phê bình văn học trước năm 1975.

- Lúc chưa tới tuổi 20, Huỳnh Như Phương đã có bài đăng trên các tạp chí có khuynh hướng thiên tả lúc đó như Trình Bầy, Đối Diện.

II. Tác phẩm Người ngồi đợi trước hiên nhà

1. Thể loại: Tản văn

2. Phương thức biểu đạt: Tự sự + Biểu cảm

3. Tóm tắt tác phẩm Người ngồi đợi trước hiên nhà

Nhân vật chính trong văn bản là dì Bảy, người phụ nữ với số phận bất hạnh khi có chồng đi tập kết ra Bắc. Vợ chồng dì bảy mới lấy nhau vỏn vẹn có một tháng. Dì kiên nhẫn chờ chồng mình suốt 20 năm trời đến ngay cả khi dì biết chồng mình đã bỏ mạng ở chiến trường dì vẫn một lòng chung thủy không hề rung động trước bất kì ai. Dì Bảy là đại diện cho vẻ đẹp của những người phụ nữ tần tảo, hi sinh hạnh phúc cá nhân của mình cho độc lập và tự do của dân tộc.

4. Bố cục tác phẩm Người ngồi đợi trước hiên nhà

Chia văn bản làm 3 đoạn:

- Đoạn 1: Từ đầu đến “đôi người đôi ngả”: Tình cảnh ly tán “kẻ Bắc người Nam” của những gia đình có người tập kết ra Bắc.

- Đoạn 2: Tiếp theo đến “tìm mộ phần của dượng”: Tình cảnh đáng thương của dì Bảy khi dượng Bảy ra chiến trận.

- Đoạn 3: còn lại: Tấm lòng thủy chung, son sắt của Dì

5. Giá trị nội dung tác phẩm Người ngồi đợi trước hiên nhà

- Phơi bày hiện thực tàn khốc của chiến tranh đẩy những gia đình vào cảnh chia ly, tan tác.

- Ca ngợi những người phụ nữ tần tảo, thủy chung, son sắt họ chính là những người hi sinh âm thầm lặng lẽ, góp công lớn cho công cuộc giải phóng đất nước.

6. Giá trị nghệ thuật tác phẩm Người ngồi đợi trước hiên nhà

- Ngôn ngữ giàu chất thơ, lắng đọng cảm xúc.

- Cách miêu tả nhân vật chân thật, sinh động.

E. Đọc tác phẩm Người ngồi đợi trước hiên nhà

Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ (Geneva) được kí kết, cuối năm 1954 – đầu năm 1955, ở quê tôi gần một nửa gia đình có người thân đi tập kết ra miền Bắc. Không khí làng quê chùng xuống vì tình cảnh kẻ Bắc người Nam. Những người đàn bà tiễn chồng, tiễn con ra đi, mắt đẫm lệ, hẹn hai năm trở về mà lòng còn nghi ngại. Chính quyền “quốc gia” tiếp thu từ vĩ tuyến 17 trỏ vào và những người con đất Quảng từng hiến tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến chống Pháp đành phải lìa bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, theo đơn vị vào Quy Nhơn, xuống những chiếc tàu Ba Lan đang đợi sẵn. Nhiều người ra đi khi vừa lập gia đình, để lại những người vợ trẻ, có người mang bào thai trong bụng.

Nhà ngoại tôi năm người ra đi trên những chuyến tàu năm ấy: ông ngoại, hai người con trai và hai người con rể. Mới một tháng trước đó, nhà tôi rộn rã với đám cưới của dì Bảy. Dượng Bảy người Tam Kỳ (Quảng Nam), mồ côi cả cha mẹ, đi bộ đội, đóng quân ở làng tôi, thầm yêu dì, rồi đơn vị đứng ra làm lễ cưới. Chỉ một tháng sau là đơn vị chuyển đi, đôi người đôi ngả.

Ra miền Bắc rồi vào lại miền Nam chiến đấu, dượng tôi vẫn tìm cách liên lạc với gia đình. Thỉnh thoảng một lá thu gói trong bọc ni lông bé tí chuyển đến nhà tôi giữa đêm khuya mang theo tin tức của dượng như một niềm hi vọng đáp lại nỗi trông chờ mòn mỏi của dì. Năm dượng đi, dì tròn hai mươi tuổi. Suốt hai mươi năm sau đó, có những người ngỏ ý, dạm hỏi, dì vẫn không lung lạc, với niềm tin sẽ có ngày dượng trở về. Gần cuối cuộc chiến tranh, tin nhắn của dượng về nhà thường xuyên hơn. Hình như lời cầu nguyện của dì linh ứng để dượng tránh hòn tên mũi đạn nơi chiến trường.

Nhà tôi gần đường số 1 . Mỗi ngày, sau khi đi làm đồng trở về, dì tôi thường ngồi trên bộ phản gỗ ngoài hiên nhìn ra con ngõ, nơi ngày xưa dượng cùng những người đồng đội lần đầu đến nhà tôi xin chỗ trú quân. Tháng Tư năm 1975, những đoàn xe Mô-lô-tô-va (Molotova) nối tiếp nhau chạy ngang trước nhà tôi để chuyển quân vào mặt trận phía Nam. Dượng tôi ở trên một trong những chuyến xe đó. Hai mươi năm, dượng không quên người xưa nhưng đã quên cảnh cũ. Khi đến địa phận huyện Mộ Đức, dượng đảo mắt tìm xóm nhà quê vợ nhưng không nhận ra vì cảnh vật đổi thay. Đến khi dừng lại hỏi nhà, thì xe đã chạy vượt qua gần năm cây số. Trên đường tiến quân, đâu thể quay xe trở lại, dượng chỉ kịp nhờ một người đi đường báo tin cho gia đình.

Những ngày sau đó, gia đình tôi náo nức trong niềm vui chờ đợi. Ông ngoại tôi mất sớm trên miền Bắc, ba tôi hi sinh trên chiến trường đã tám năm, nỗi đau dần nguôi ngoai. Nhà có năm người ra đi, ba người trở về, cũng còn là may mắn. Dì Bảy tôi lại ngồi trước hiên nhà mỏi mắt nhìn ra đường cái. Nhưng hai cậu tôi lần lượt trở về mà dượng Bảy vẫn không tin tức. Những chiếc xe chở bộ đội hồi hương chạy qua không dừng lại. Gia đình dò hỏi các nơi, mãi đến cuối năm 1975 mới nhận giấy báo tử: dượng ngã xuống trong trận đánh ở Xuân Lộc, cửa ngõ phía đông bắc Sài Gòn, chỉ mươi ngày trước khi chiến tranh ngưng tiếng súng. Như trong một câu chuyện cổ, người kị sĩ ra đi trên lưng chiến mã nhưng ngày chiến thắng chỉ có chiến mã trở về mà không bóng dáng người trên lưng ngựa. Dì tôi nén nỗi đau vào bên trong. Nhà tôi lập bàn thờ cho dượng. Tôi đã nhờ người về tận xã Tam Thanh, huyện Tam Kỳ (nay là thành phố Tam Kỳ), tỉnh Quảng Nam tìm gia đình dượng nhưng không ai còn nhớ tên người lính cũ Nguyễn Ngọc Linh. Gần đây, dò tìm danh sách liệt sĩ trên mạng, cũng không có thông tin gì để tìm mộ phần của dượng.

Ngày hòa bình, dì tôi đã qua tuổi bốn mươi. Vẫn có người đàn ông để ý đến dì nhưng lòng dì đã không còn rung động. Bà ngoại tôi ngày một già yếu. Những người con trai của bà về thăm ít ngày rồi lại đi ra thành phố. Những người con gái theo chồng, theo con. Chỉ còn mình dì Bảy ở lại chăm sóc bà, trông coi nhà thờ giữa khu vườn ít bàn tay vun xới.

Bà ngoại mất, mấy năm trước dì vào Sài Gòn sống với em nhưng được ít lâu, nhớ quê, lại về sống một mình trong ngôi nhà cũ. Dì lại tiếp tục những bữa cơm vắng lặng như mấy mươi năm trước. Và mỗi buổi chiều muộn lại ra ngồi trước hiên nhà, nhìn con đường kéo dài như nỗi chờ mong trong vô vọng. Đêm đêm, ngọn đèn điện trên gian thờ lập loè theo tiếng kêu của thạch sùng, có cảm giác như thời gian ngưng đọng đã từ lâu lắm. Mỗi lần về thăm, ngồi bên mâm cơm đạm bạc với dì, tôi chợt nghĩ nếu ngày đó dì đi bước nữa thì liệu bây giờ dì có được hưởng hạnh phúc không. Hay là hồi trẻ dì “tự túc” một đứa con, theo lời khuyên trong một lá thư đẫm tình thương yêu của dượng, hẳn nay có chỗ trông nhờ và nguồn an ủi.

Mùa lụt năm ngoái, sau những trận mưa dữ dội là những con xả lũ ác nhơn, vùng quê tôi nước tràn trắng trời trắng đất. Nhà ngoại tôi nước ngập đến lưng cửa sổ, gần bằng trận lụt năm Giáp Thìn (1964). Nhớ hồi đó, tôi còn nhỏ, nhà tôi đông người, thôn xóm cho ghe đến tận nhà chuyển người và gia súc lên vùng đồi cao. Lần này, chỉ có dì Bảy với người cháu gái, nửa đêm nước dâng vào nhà bất thần, may có vài người bà con ở gần đến giúp đỡ kê bàn ghế để có chỗ nằm cao hơn mặt nước, chờ đất trời thu nước xuống.

Mùa lũ dữ rồi cũng qua, vườn rau xanh trở lại. Những ngày này, dì tôi, bà Lê Thị Thoả, một trong bao người phụ nữ bình dị đã đi qua chiến tranh, năm nay tròn tám mươi tuổi, đang ngồi một mình đợi Tết ở ngôi nhà gần cầu Vĩnh Phú thuộc thị trấn Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Nguyện cầu hồn thiêng những người đã ngã xuống độ trì cho dì bình an, trường thọ.

F. Ý nghĩa nhan đề tác phẩm Người ngồi đợi trước hiên nhà

Thông qua nhan đề, ta cũng thấy được phần nào số phận bất hạnh của dì Bảy có chồng đi tập kết ra Bắc. Dì kiên nhẫn chờ chồng mình suốt 20 năm trời đến ngay cả khi dì biết chồng mình đã bỏ mạng ở chiến trường dì vẫn một lòng chung thủy không hề rung động trước bất kì ai.

>>> Bài tiếp theo: Tóm tắt, bố cục, nội dung chính văn bản Trưa tha hương

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO/PROPLUS tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
3 Bình luận
Sắp xếp theo
  • Gà Bông
    Gà Bông

    😍😍😍😍😍😍😍

    Thích Phản hồi 19:01 08/11
    • Bi
      Bi

      🤟🤟🤟🤟🤟🤟🤟

      Thích Phản hồi 19:01 08/11
      • Phúc Huy
        Phúc Huy

        💯💯💯💯💯💯💯💯

        Thích Phản hồi 19:02 08/11
        🖼️

        Gợi ý cho bạn

        Xem thêm
        🖼️

        Ngữ văn 7 tập 2 CD

        Xem thêm