Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Tóm tắt, bố cục, nội dung chính văn bản Ông đồ

VnDoc xin giới thiệu bài Tóm tắt, bố cục, nội dung chính văn bản Ông đồ hay, chính xác nhất sách Cánh diều giúp học sinh nắm được trọng tâm văn bản từ đó học tốt môn Ngữ văn 7.

A. Bố cục Ông đồ

Chia làm 3 phần:

- Phần 1 (hai khổ thơ đầu): Hình ảnh ông đồ thời Nho học còn thịnh hành, thịnh thế

- Phần 2 (hai khổ tiếp theo): Hình ảnh ông đồ khi Nho học suy vi (lụi tàn)

- Phần 3: Tâm tư thầm kín, niềm tiếc thương tác giả gửi gắm

B. Nội dung chính Ông đồ

Bài thơ thể hiện tình cảnh thất thế, tàn tạ đáng thương của ông đồ. Qua đó, thể hiện niềm thương cảm của tác giả trước một lớp người đang tàn tạ và nỗi nhớ tiếc cảnh cũ người xưa.

C. Tóm tắt tác phẩm Ông đồ

Tóm tắt tác phẩm Ông đồ (mẫu 1)

Bài thơ thể hiện sâu sắc tình cảnh đáng thương của ông đồ và niềm cảm thương, nuối tiếc của tác giả đối với một lớp người, một nét sinh hoạt văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Tóm tắt tác phẩm Ông đồ (mẫu 2)

Bài thơ Ông đồ là một trong những bài thơ hay nhất, nổi tiếng nhất của Vũ Đình Liên và cũng là của phong trào Thơ mới. Tác giả đã miêu tả ông đồ ngồi viết chữ thuê trên phố ngày Tết, từ lúc ông còn đắc chí đến lúc hình ảnh ông mờ dần rồi xa khuất giữa bức tranh xuân.

Hình ảnh ông đồ cho chữ ngày Tết trong hai khổ thơ đầu là hình ảnh đẹp mang ý nghĩa biểu trưng của những giá trị truyền thống. Ông đồ đẹp có tài và có tâm. Ông mang lại niềm vui cho mọi người bằng tấm lòng và tài năng của mình. Tiếp nối là hình ảnh ông đồ lạc thời, cô đơn trong khổ thơ 3 và 4. Ông đồ mờ nhạt dần theo thời gian, không được mọi người chú ý nữa.

Hình ảnh trái ngược của khổ 1, 2 với khổ 3, 4 là sự đối lập về cảnh và tâm trạng, gợi cho người đọc những suy ngẫm, xót thương cho ông đồ. Ông đồ dần bị đưa vào quên lãng khi không ai còn nhận ra giá trị từ những điều ông tạo ra. Tác giả bộc lộ trực tiếp tâm trạng, sự xót thương của mình ở khổ thơ cuối. Ông đồ ban đầu là trung tâm của sự chú ý dần dần bị quên lãng. Tâm trạng xót xa, buồn đau của ông đồ trước sự vô tình, ơ hờ của mọi người.

Bài thơ thể hiện sâu sắc tình cảnh đáng thương của ông đồ và niềm cảm thương, nuối tiếc của tác giả đối với một lớp người, một nét sinh hoạt văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

D. Tác giả, tác phẩm Ông đồ

I. Tác giả

- Tên: Vũ Đình Liên (1913 - 1996), là một nhà thơ, nhà dịch thuật, nhà giáo.

- Quê quán: quê ở Châu Khê, Bình Giang, Hải Dương.

- Cuộc đời:

+ Nhiều năm ông làm nghề dạy học.

+ Từng là Chủ nhiệm khoa tiếng Pháp, Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ, là thành viên nhóm văn học Lê Quý Đôn (gồm: Lê Thước, Trương Chính, Lê Trí Viễn...).

+ Thơ ông thường mang nặng lòng thương người và niềm hoài cổ.

- Nhà thơ Vũ Đình Liên đã xuất bản: Đôi mắt (thơ, 1957); Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam (nghiên cứu, 1957); Nguyễn Đình Chiểu (nghiên cứu, 1957); Thơ Bô-đơ-le (dịch thuật, 1995).

- Tập thơ Bô-đơ-le công trình 40 năm lao động dịch thuật say mê và nghiên cứu của ông đã được tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam (1996).

II. Tác phẩm Ông đồ

1. Thể loại: Thể thơ 5 chữ

2. Xuất xứ

Từ đầu thế kỉ XX, nền văn Hán học và chữ Nho ngày càng suy vì trong đời sống văn hóa Việt Nam, khi mà Tây học du nhập vào Việt Nam, có lẽ vì đó mà hình ảnh những ông đồ đã bị xã hội bỏ quên và dần vắng bóng. Vũ Đình Liên đã viết bài thơ Ông đồ thể hiện niềm ngậm ngùi, day dứt về cảnh cũ, người xưa.

3. Phương thức biểu đạt: Biểu cảm +Tự sự

4. Tóm tắt tác phẩm Ông đồ

Bài thơ thể hiện tình cảnh thất thế, tàn tạ đáng thương của ông đồ. Qua đó, thể hiện niềm thương cảm của tác giả trước một lớp người đang tàn tạ và nỗi nhớ tiếc cảnh cũ người xưa.

5. Bố cục tác phẩm Ông đồ

Bài thơ được chia làm 3 phần

- Phần 1: Khổ 1, 2: Hình ảnh ông đồ xưa.

- Phần 2: Khổ 3, 4: Hình ảnh ông đồ thời suy tàn.

- Phần 3: Khổ 5: Nỗi niềm của tác giả.

6. Giá trị nội dung tác phẩm Ông đồ

- Cảm nhận được tình cảnh tàn tạ của nhân vật ông đồ, qua đó thấy được niềm cảm thương và nỗi nhớ tiếc của tác giả đối với cảnh cũ người xưa gắn liền với một nét đẹp văn hóa cổ truyền.

7. Giá trị nghệ thuật tác phẩm Ông đồ

- Thể thơ ngũ ngôn vừa phù hợp với lối kể chuyện, vừa thích hợp để diễn tả tâm tình.

- Kết cấu đầu cuối tương ứng chặt chẽ của bài thơ đã làm nổi bật chủ đề tác phẩm: quá trình tàn tạ, suy sụp của nền nho học.

- Ngôn ngữ, hình ảnh trong sáng, bình dị nhưng hàm súc, đầy ám ảnh, giàu sức gợi.

E. Đọc tác phẩm Ông đồ

Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực Tàu, giấy đỏ
Bên phố đông người qua

Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài:
“Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa, rồng bay”

Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu…

Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay

Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?

F. Ý nghĩa nhan đề tác phẩm Ông đồ

Nhan đề bài thơ là Ông đồ, ông đồ ở đây nghĩa là người theo học chữ nho nhưng không đỗ đạt, sống bằng nghề dạy học chữ nho, ngày tết thường viết chữ viết câu đối thuê. Tuy nhiên hình ảnh ông đồ trong bài thơ giờ đây đã không còn được nhiều người thuê viết chữ nữa.

=> Thông qua đó, tác giả đã thể hiện nỗi tiếc nuối cho những giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc đang bị tàn phai.

>>> Bài tiếp theo: Tóm tắt, bố cục, nội dung chính văn bản Tiếng gà trưa

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
3 Bình luận
Sắp xếp theo
  • Haraku Mio
    Haraku Mio

    🤩🤩🤩🤩🤩🤩🤩🤩🤩

    Thích Phản hồi 08:33 07/11
    • Soái ca
      Soái ca

      😘😘😘😘😘😘😘😘😘

      Thích Phản hồi 08:33 07/11
      • Người Nhện
        Người Nhện

        😉😉😉😉😉😉😉😉

        Thích Phản hồi 08:33 07/11
        🖼️

        Gợi ý cho bạn

        Xem thêm
        🖼️

        Ngữ văn 7 tập 1 CD

        Xem thêm