Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Tổng kết lịch sử thế giới từ sau năm 1945 đến nay

Lý thuyết Lịch sử lớp 9: Tổng kết lịch sử thế giới từ sau năm 1945 đến nay được VnDoc sưu tầm và đăng tải, tổng hợp các câu hỏi lí thuyết trong chương trình giảng dạy môn Lịch sử lớp 9. Hi vọng rằng đây sẽ là những tài liệu hữu ích trong công tác giảng dạy và học tập của quý thầy cô và các bạn học sinh. Mời quý thầy cô cùng các bạn tham khảo tài liệu dưới đây.

Lý thuyết bài: Tổng kết lịch sử thế giới từ sau năm 1945 đến nay

I. Những nội dung chính của lịch sử thế giới từ sau năm 1945 đến nay.

1. Chủ nghĩa xã hội từ phạm vi một nước đã trở thành một hệ thống thế giới, do sai lầm và sự chống phá của các thế lực đế quốc phản động nên hệ thống Xã hội chủ nghĩa đã sụp đổ ở Liên Xô và Đông Âu.

2. Phong trào giải phóng dân tộc ở Á, Phi, Mỹ La Tinh đã giành thắng lợi lớn đó là sự sụp đổ của hệ thống thuộc địa và chế độ A-pác-thai.Các nước đạt thành tựu về kinh tế như Trung Quốc, Ấn Độ, các nước ASEAN .

3. Các nước tư bản chủ nghĩa phát triển nhanh chóng về kinh tế như Nhật Bản, Cộng Hòa Liên Bang Đức.

- Mỹ là nước tư bản giàu mạnh nhất, ráo riết theo đuổi mưu đồ làm bá chủ thế giới, nhưng thất bại ở Việt Nam.

- Liên kết kinh tế khu vực: EEC - EU; ASEAN.

- Mỹ, Nhật Bản và EU là 3 trung tâm kinh tế thế giới.

4. Quan hệ quốc tế:

- Sau 1945 trật tự thế giới hai cực (Trật tự 2 cực Ianta) do Xô- Mỹ đứng đầu, thế giới chia thành hai phe, đối đầu căng thẳng - “Chiến tranh lạnh”.

- Hai siêu cường tuyên bố chấm dứt “chiến tranh lạnh” 1989.

- Thế giới chuyển sang xu thế hòa hoãn và đối thoại.

5. Cách mạng khoa học -kỹ thuật tiến bộ phi thường, đạt nhiều thành tựu kỳ diệu - tăng trưởng kinh tế.

II. Các xu thế phát triển của thế giới ngày nay.

* Từ 1945 đến nửa đầu những năm 70 của thế kỷ XX:

- Chủ nghĩa xã hội thu những thành tựu to lớn về mọi mặt …có tác dụng to lớn vào sự phát triển của cục diện thế giới.

- Thắng lợi của phong trào giải phóng dân tộc làm thay đổi bộ mặt thế giới.

- Chủ nghĩa tư bản có sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, Khoa học- kỹ thuật và mang những đặc điểm mới...

- Cuộc đấu tranh giai cấp, dân tộc, “hai cực” diễn ra gay gắt.

* Từ nửa sau những năm 70 của thế kỷ XX đến 1991:

- Sự khủng hoảng và sụp đổ của mô hình CNXH chưa đúng đắn ở Liên Xô và Đông Âu.

- Chiến tranh lạnh chấm dứt, xu thế đối thoại xuất hiện.

* Từ 1991 đến nay, sau chiến tranh lạnh:

- Sự hình thành trật tự thế giới mới (đa cực nhiều trung tâm)

- Xu thế hòa hoãn, thỏa hiệp giữa các nước lớn.

- Các nước điều chỉnh chiến lược trong đó lấy việc phát triển kinh tế làm trọng điểm .

III. Đặc trưng bao trùm của thế giới từ 1945- 1991:

- Thế giới chia thành hai phe: Tư bản chủ nghĩa và Xã hội chủ nghĩa do 2 siêu cường Mỹ và Liên Xô đứng đầu, hai siêu cường này đối đầu nhau, căng thẳng và quyết liệt.

- Xu thế ngày nay là:"Hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển" là thời cơ vì mở ra quan hệ hợp tác hữu nghị giữa các dân tộc, nhanh chóng đưa đất nước tiến lên kịp với thời đại.

- Tại Việt Nam với đường lối đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhiệm vụ chủ yếu nhất của chúng ta hiện nay là dốc sức vào sản xuất, làm ra nhiều của cải để chiến thắng đói nghèo và lạc hậu, đem lại tự do hạnh phúc cho nhân dân.

* Chủ trương của Đảng:

- Thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc.

- Giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc.

- Tăng cường quốc phòng, an ninh.

- Đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa .

- Đối ngoại hòa bình, hữu nghị hợp tác.

Câu hỏi thực hành và đáp án bài: Tổng kết lịch sử thế giới từ sau năm 1945 đến nay

1/ Đặc điểm chủ yếu của giai đoạn lịch sử thế giới từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến năm 1991 là gì?

Trả lời:

Đặc điểm chủ yếu hầu như bao trùm cả giai đoạn lịch sử thế giới từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến năm 1991 đó là:

Thế giới chia thành hai phe: tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa do hai siêu cường quốc Mĩ và Liên Xô đứng đầu mỗi phe. Quan hệ giữa hai siêu cường luôn trong tình trạng đối đầu, "Chiến tranh lạnh" căng thẳng quyết liệt. Trong giai đoạn này, mục tiêu đấu tranh của các lực lượng xã hội chủ nghĩa và các lực lượng cách mạng, dân chủ tiến bộ là hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội.

2/ Nêu những nội dung chủ yếu của giai đoạn lịch sử thế giới từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay?

Trả lời:

- Chủ nghĩa xã hội từ phạm vi một nước đã trở thành một hệ thống thế giới và trong nhiều thập niên của nửa sau thế kỉ XX đã trở thành một lực lượng hùng mạnh về chính trị, quân sự và kinh tế, có ảnh hưởng to lớn tới tiến trình phát triển của thế giới. Nhưng vì phạm phải một sai lầm, cùng với sự chống phá của các thế lực đế quốc và phản động, chế độ xã hội chủ nghĩa đã sụp đổ ở Liên Xô và các nước Đông Âu.

- Phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở châu Á, châu Phi và Mĩ La - tinh đã làm sụp đổ hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc cùng với chế độ phân biệt chủng tộc (Apacthai) và hơn 100 quốc gia độc lập đã ra đời. Ngày nay, các nước Á-Phi-Mĩ La tinh ngày càng tích cực tham gia và có vai trò quan trọng trong đời sống chính trị thế giới. Sau khi giành độc lập, nhiều nước Á-Phi-Mĩ La tinh đã đạt được những thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội như Trung Quốc, Ấn Độ và các nước ASEAN..........

- Các nước tư bản chủ nghĩa đã có sự phát triển nhanh chóng về kinh tế, đặc biệt là Mĩ đã vươn lên trở thành nước tư bản giàu mạnh nhất với mưu đồ làm bá chủ thế giới. Các nước tư bản ngày càng có xu hướng liên kết kinh tế khu vực, tiêu biểu là khối Cộng đồng kinh tế châu Âu ( EEC), nay là Liên minh châu Âu (EU). Mĩ, EU và Nhật Bản đã trở thành trung tâm kinh tế lớn của thế giới.

- Trật tự thế giới hai cực được hình thành do hai siêu cường Liên Xô và Mĩ đứng đầu. Thế giới chia thành hai phe và trong tình trạng đối đầu căng thẳng với đỉnh cao là "Chiến tranh lạnh". Năm 1989, "chiến tranh lạnh" chấm dứt và thế giới chuyển dần sang xu thế hòa hoãn và đối thoại.

- Cuộc cách mạng khoa học - kĩ thuật đã đạt được những thành tựu kì diệu, trở thành nhân tố có ý nghĩa quyết định đối với sự tăng trưởng kinh tế, nâng cao không ngừng mức sống và chất lượng sống của con người.

3/ Hãy cho biết các xu thế phát triển của thế giới ngày nay?

Trả lời:

Xu thế phát triển của thế giới ngày nay:

- Một trật tự thế giới đang trong quá trình hình thành theo chiều hướng đa cực với nhiều trung tâm.

- Quan hệ giữa các cường quốc phát triển theo chiều hướng hòa hoãn, thỏa hiệp.

- Do tác động của cách mạng khoa học - kĩ thuật, các quốc gia đang ra sức điều chỉnh chiến lược phát triển lấy kinh tế làm trọng điểm và tích cực mở rộng các quan hệ quốc tế để cùng hợp tác phát triển.

- Tuy xu hướng chung của thế giới là hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển, nhưng ở nhiều khu vực vẫn đang diễn ra xung đột quân sự, nội chiến kéo dài do những mâu thuẫn về sắc tộc, dân tộc, tôn giáo và tranh chấp lãnh thổ. Ở nhiều nước, tình hình càng nghiêm trọng với những nguy cơ của chủ nghĩa khủng bố li khai.

4/ Tại sao nói:"Hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển" vừa là thời cơ, vừa là thách thức đối với các dân tộc?

Trả lời

"Hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển" vừa là thời cơ, vừa là thách thức đối với các dân tộc vì:

- Từ sau "chiến tranh lạnh", xu hướng chung của thế giới là hòa bình, ổn định nên các nước có cơ hội thuận lợi trong việc xây dựng và phát triển đất nước, tăng cường hợp tác và tham gia các liên minh kinh tế khu vực. Các nước đang phát triển có điều kiện tiếp thu những tiến bộ khoa học - kĩ thuật thế giới, khai thác các nguồn vốn đầu tư, kĩ thuật công nghệ và kinh nghiệm quản lí từ bên ngoài để rút ngắn thời gian xây dựng và phát triển đất nước.

- Tuy nhiên đây cũng là thách thức đối với các dân tộc vì hầu hết các nước đang phát triển đều từ điểm xuất phát thấp về kinh tế, trình độ dân trí thấp, nguồn nhân lực đào tạo có chất lượng còn nhiều hạn chế, sự cạnh tranh quyết liệt của thị trường thế giới và các quan hệ kinh tế quốc tế còn nhiều bất bình đẳng, việc sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay nợ, việc giữ gìn, bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc và sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố truyền thống và hiện đại... đòi hỏi các nước đang phát triển phải có những bước đi thích hợp, kịp thời để hạn chế tới mức thấp nhất những rủi ro, bất lợi và cả sai lầm.

5/ Đảng và Nhà nước ta đã có những chính sách và biện pháp gì để xây dựng và phát triển đất nước trong xu thế chung hiện nay?

Trả lời:

Trong xu thế chung hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đã có những chính sách và biện pháp để xây dựng và phát triển đất nước phù hợp với xu thế chung:

- Tập chung sức phát triển kinh tế với đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

- Tích cực mở cửa, hội nhập thế giới. Nước ta đã có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhiều nước nhất là với hầu hết các cường quốc như Mĩ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Đức, Ấn Độ, Nhật Bản,....

- Tham gia các tổ chức, các liên minh chính trị, kinh tế khu vực và quốc tế như Liên hợp quốc, Quỹ tiền tệ quốc tế, Tổ chức ASEAN, WTO...

- Hết sức coi trọng hòa bình và ổn định của đất nước cũng như cộng đồng thế giới, lên án chủ nghĩa li khai, chủ nghĩa khủng bố quốc tế cũng như mọi hành động đe dọa, xâm phạm độc lập chủ quyền của các quốc gia.

Trên đây là bài Tổng kết lịch sử thế giới từ sau năm 1945 đến nay được chúng tôi sưu tầm và giới thiệu. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Giải bài tập Lịch sử 9 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Lịch sử lớp 9 và một số bài Giải bài tập Lịch Sử 9 ngắn nhất, Giải Vở BT Lịch Sử 9. Đồng thời các dạng đề thi học kì 1 lớp 9, đề thi học kì 2 lớp 9 mới nhất cũng sẽ được chúng tôi cập nhật. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Lý thuyết Lịch sử 9

    Xem thêm