Tổng quan về Ấn Độ cổ trung đại, những thành tựu chính của nền văn minh Ấn Độ
Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài Tổng quan về Ấn Độ cổ trung đại, những thành tựu chính của nền văn minh Ấn Độ được VnDoc sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức môn học một cách tốt hơn để có thể học và hoàn thành bài thi môn học một cách hiệu quả.
Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.
Bài: Tổng quan về Ấn Độ cổ trung đại, những thành tựu chính của nền văn minh Ấn Độ
1. Tổng quan về Ấn Độ cổ trung đại
1.1. Địa lí và cư dân
Ấn Độ là một bán đảo ở Nam Á, từ Đông Bắc đến Tây Bắc có núi chắn ngang, trong đó có dãy Himalaya nổi tiếng. Ấn Độ chia làm hai miền Nam, Bắc lấy dãy núi Vinđya làm ranh giới. Miền Bắc Ấn Độ có hai con sông lớn là sông Ấn (Indus) và sông Hằng (Gange). Sông Ấn chia làm 5 nhánh, nên đồng bằng lưu vực sông Ấn được gọi là vùng Pungiáp (vùng Năm sông). Tên nước Ấn Độ là gọi theo tên con sông này. Sông Hằng ở phía Đông được coi là một dòng sông thiêng. Từ xưa, nhân dân Ấn Độ thường đến khúc sông ở thành phố Varanadi (Bênarét) để cử hành lễ tắm mang tính chất tôn giáo, cả hai dòng sông đã bồi đắp thành hai đồng bằng màu mỡ ở miền Bắc Ấn Độ, vì vậy nơi đây đã trở thành cái nôi của nền văn minh của đất nước này.
Cư dân Ấn Độ, về thành phần chủng tộc, gồm hai loại chính: người Đraviđa chủ yếu cư trú ở miền Nam và người Arya chủ yếu cư trú ở miền Bắc. Ngoài ra còn có nhiều tộc khác như người Hi Lạp, người Hung Nô, người Arập... Họ dần dần đồng hóa với các thành phần cư dân khác, do đó vấn đề bộ tộc ở Ấn Độ là một vấn đề hết sức phức tạp.
Thời cổ trung đại, phạm vi địa lí của nước Ấn Độ bao gồm cả các nước Pakixtan, Bănglađét, Nêpan và Butan ngày nay.
1.2. Sơ lược lịch sử cổ trung đại Ấn Độ
Từ khi bước vào xã hội có nhà nước cho đến khi bị thực dân Anh chinh phục, lịch sử Ấn Độ có thể chia thành 4 thời kì lớn sau đây:
a. Thời kì văn minh lưu vực sông Ấn (từ đầu thiên kỉ III đến giữa thiên kỉ II TCN).
Từ khoảng đầu thiên kỉ III TCN, nhà nước Ấn Độ đã ra đời, nhưng cả giai đoạn từ đó cho đến khoảng giữa thiên kỉ II TCN, trước đây chưa được biết đến. Mãi đến năm 1920 và 1921, nhờ việc phát hiện ra hai thành phố Harappa và Môhenjô Đarô cùng rất nhiều hiện vật bị chôn vùi dưới đất ở vùng lưu vực sông Ấn, người ta mới biết được thời kì lịch sử này. Những hiện vật khảo cổ học chỉ giúp người ta biết được tình hình phát triển của các ngành kinh tế và văn hóa, qua đó có thể suy ra đây là thời kì đã có nhà nước, chứ chưa biết được lịch sử cụ thể. Vì vậy người ta gọi thời kì này là thời kì văn hóa Harappa hoặc thời kì văn minh lưu vực sông Ấn.
b. Thời kì Vêđa (từ giữa thiên kỉ II đến giữa thiên kỉ I TCN).
Thời kì này, lịch sử Ấn Độ được phản ánh trong các tập Vêđa nên gọi là thời Vêđa. Vêđa vốn là những tác phẩm văn học, gồm có 4 tập là: Rich Vêđa, Xama Vêđa, Atácva Vêđa và Yagiua Vêđa, trong đó Rich Vêđa được sáng tác vào khoảng giữa thiên kỉ II đến cuối thiên kỉ II TCN, còn 3 tập Vêđa khác thì được sáng tác vào khoảng đầu thiên kỉ I TCN.
Chủ nhân của thời kì Vêđa là người Arya (nghĩa là "Người cao quý") mới di cư từ Trung Á vào Ấn Độ. Địa bàn sinh sống của họ trong thời kì này chủ yếu là vùng lưu vực sông Hằng. Trong giai đoạn đầu của thời Vêđa, người Arya sống trong giai đoạn tan rã của xã hội nguyên thủy, đến khoảng cuối thiên kỉ II TCN, họ mới tiến vào xã hội có nhà nước. Chính trong thời kì này, ở Ấn Độ đã xuất hiện hai vấn đề có ảnh hưởng rất quan trọng và lâu dài trong xã hội nước này, đó là chế độ đẳng cấp (varna) và đạo Bàlamôn.
c. Ấn Độ từ thế kỉ VI TCN đến thế kỉ XII.
* Các quốc gia ở miền Bắc Ấn Độ và sự xâm lược của Alếchxăngđrơ Makêđônia.
Bắt đầu từ thế kỉ VI TCN, Ấn Độ mới có sử sách ghi chép về tình hình chính trị của đất nước mình. Lúc bấy giờ ở miền Bắc Ấn Độ có 16 nước, trong đó mạnh nhất là nước Magađa hạ lưu sông Hằng. Trong số các nước như ở Tây Bắc Ấn Độ, chỉ có nước Po là tương đối lớn. Năm 327 TCN, sau khi tiêu diệt Ba Tư, quân đội Makêđônia do Alếchxăngđrơ chỉ huy đã tấn công Ấn Độ. Quân đội của nước họ chiến đấu rất dũng cảm nhưng cuối cùng bị thất bại. Alếchxăngđrơ định tiến sang phía Đông tấn công nước Magađa nhưng quân sĩ đã quá mệt mỏi sau một cuộc trường chinh nhiều năm nên phải rút lui, chỉ để lại một lực lượng chiếm đóng ở hai cứ điểm đã chiếm được mà thôi.
* Vương triều Môrya (321-187 TCN).
Ngay sau khi Alêchxăngđrơ rút lui, ở Ấn Độ đã dấy lên phong trào đấu tranh giải phóng chống lại sự chiếm đóng của quân Makêđônia. Thủ lĩnh của phong trào này là Sanđragupta, biệt hiệu là Môrya (chim công). Quân Makêđônia bị đuổi khỏi Ấn Độ, Sanđragupta làm chủ được cả vùng Pungiáp. Tiếp đó, ông tiến quân về phía Đông giành được ngôi vua ở Magađa; lập nên triều đại mới gọi là vương triều Môrya, triều đại huy hoàng nhất trong lịch sử Ấn Độ cổ đại.
Đến thời Axôca (273-236 TCN), vương triều Môrya đạt đến giai đoạn cường thịnh nhất. Đạo Phật ra đời từ khoảng thế kỉ V TCN, đến thời kì này phát triển nhanh chóng và trở thành quốc giáo. Sau khi Axôca chết, vương triều Môrya suy sụp nhanh chóng, nước Magađa thống nhất dần dần tan rã, đến năm 28 TCN thì diệt vong.
* Nước Cusan.
Trong khi tình hình chia cắt ở Ấn Độ đang diễn ra trầm trọng thì vào thế kỉ I, tộc Cusan (cùng một huyết thống với người Tuốc) từ Trung Á tràn vào chiếm được miền Tây Bắc Ấn Độ lập thành một nước tương đối lớn. Vua nước Cusan lúc bấy giờ là Canixca (78-123) cũng là người rất tôn sùng đạo Phật nên thời kì này Phật giáo rất hưng thịnh. Sau khi Canixca chết, nước Cusan ngày càng suy yếu, lãnh thổ chỉ còn lại vùng Pungiáp và tồn tại đến thế kỉ V thì diệt vong.
* Vương triều Gupta và vương triều Hácsa.
Trong thế kỉ III, Ấn Độ lại bị chia cắt trầm trọng. Năm 320, vương triều Gupta được thành lập, miền Bắc và một phần miền Trung Ấn Độ tạm thời thống nhất trong một thời gian. Từ năm 500-528, phần lớn miền Bắc Ấn Độ bị người Eptalil xâm chiếm và thống trị, đến năm 535, triều Gupta diệt vong.
Năm 606, vua Hácsa lại dựng lên một vương triều tương đối hùng mạnh ở miền Bắc Ấn Độ. Chính trong thời kì này, nhà sư Huyền Trang của Trung Quốc đã sang Ấn Độ để tìm kinh Phật. Năm 648, Hácsa chết, quốc gia hùng mạnh do ông dựng lên cũng tan rã.
Từ đó cho đến thế kỉ XII, Ấn Độ bị chia cắt ngày càng trầm trọng và nhiều lần bị ngoại tộc xâm nhập. Đặc biệt từ đầu thế kỉ XI, Ấn Độ thường bị các vương triều Hồi giáo ở Ápganixtan tấn công và đến năm 1200, toàn bộ miền Bắc Ấn Độ bị sáp nhập vào Ápganixtan.
1.3. Ấn Độ từ thế kỉ XIII - XIX
* Thời kì Xuntan Đêli (1206-1526).
Năm 1206, viên Tổng đốc của Apganixtan ở miền Bắc Ấn Độ đã tách miền Bắc Ấn Độ thành một nước riêng, tự mình làm Xuntan (vua), đóng đô ở Đêli, gọi là nước Xuntan Đêli (vương quốc Hồi giáo Đêli). Từ đó đến năm 1526, ở miền Bắc Ấn Độ đã thay đổi đến 5 vương triều, nhưng đều do người ngoại tộc theo Hồi giáo thành lập, đồng thời đều đóng đô ở Đêli, nên thời kì này gọi là thời kì Xuntan Đêli.
* Thời kì Môgôn (1526-1857).
Nước Mông Cổ do Thành Cát Tư Hãn thành lập năm 1206. Sau khi Thành Cát Tư Hãn chết (1227), đế quốc Mông cổ chia thành nhiều nước. Dòng dõi của người Mông cổ ở Trung Á đều Tuốc hóa và đều theo đạo Hồi. Từ thế kỉ XIII, người Mông cổ ở Trung Á nhiều lần tấn công Ấn Độ. Năm 1526, họ chiếm được Đêli thành lập vương triều mới gọi là vương triều Môgôn (Mông cổ). Từ giữa thế kỉ XVIII, thực dân Anh bắt đầu chinh phục Ấn Độ, đến năm 1849, Ấn Độ hoàn toàn biên thành thuộc địa của Anh, vương triều Môgôn đến năm 1857 bị diệt vong.
2. Những thành tựu chính của văn minh Ấn Độ
2.1. Chữ viết
Chữ viết đầu tiên ở Ấn Độ được sáng tạo từ thời văn hóa Harappa. Tại các di chỉ thuộc nền văn minh lưu vực sông Ấn đã phát hiện được hơn 3.000 con dấu khắc chữ đồ họa. Suốt nửa thế kỉ từ khi phát hiện lần đầu tiên vào năm 1921, nhiều tác giả của nhiều nước đã nghiên cứu cách đọc loại chữ này nhưng chưa thành công. Mãi đến cách đây vài chục năm, một nhà khảo cổ học Ấn Độ là Tiến sĩ s. R. Rao đã khám phá được sự bí ẩn của loại chữ này.
Theo ông Rao, đây là một loại chữ dùng hình vẽ để ghi âm và ghi vần. Trong số hơn 3.000 con dấu ấy có 22 dấu cơ bản. Loại chữ này chủ yếu viết từ phải sang trái. Những con dấu đã phát hiện được là những con dấu dùng để đóng trên các kiện hàng để xác nhận hàng hóa và chỉ rõ xuất xứ của những hàng hóa đó.
Đến khoảng thế kỉ V TCN, ở Ấn Độ xuất hiện một loại chữ khác gọi là chữ Kharosthi. Đây là một loại chữ phỏng theo chữ viết của vùng Lưỡng Hà. Sau đó lại xuất hiện chữ Brami, một loại chữ được sử dụng rộng rãi. Các văn bia của Axôca đều viết bằng loại chữ này. Trên cơ sở chữ Brami, người Ấn Độ lại đặt ra chữ Đêvanagari có cách viết đơn giản thuận tiện hơn. Đó là thứ chữ mới để viết tiếng Xanxcrit. Đến nay ở Ấn Độ và Nêpan vẫn dùng loại chữ này.
2.2. Văn học
Ấn Độ là một nước có nền văn học rất phát triển. Thời cổ đại văn học Ấn Độ gôm hai bộ phận quan trọng là Vêđa và sử thi.
a. Vêđa
Vêđa vôn nghĩa là hiểu biết. Vêđa có 4 tập là Rích Vêđa, Xama Vêđa, Yagiua Vêđa và Atácva Vêđa.
Ba tập Vêđa trên gồm những bài ca và những bài cầu nguyện phản ánh tình hình người Arya tràn vào Ấn Độ, tình hình tan rã của chế độ thị tộc, tình hình cư dân đấu tranh với thiên nhiên như hạn hán, lũ lụt. Trong đó, Rích Vêđa với 1.028 bài thơ là tập quan trọng nhất.
Còn Atácva Vêđa chủ yếu bao gồm các bài chú, những nội dung mà tập Vêđa này đề cập đến gồm các mặt như chế độ đang cấp, việc hành quân, chữa bệnh, đánh bạc và cả tình yêu nữa.
Ca ngợi thần sét lnđra, Rích Vêđa viết:
Tôi muốn ca ngợi sự tích anh hùng của thần Inđra,
Những chiến công của vị thần Thiên Lôi ấy,
Ngài đã chém con ác long cho nước mưa tuôn chảy,
Và mở toang các hang động trên non cao.
Nói về uy quyền của đẳng cấp Bàlamôn khi họ làm cố vấn tôn giáo cho nhà vua, Atácva Vêđa viết:
Sắc hơn lưỡi búa,
Sáng hơn ngọn lửa,
Vang hơn tiếng sét của Inđra.
Cố vấn của người như thế chính là ta.
Trong Atácva Vêđa cũng có những bài thơ tỏ tình:
Như gió lay ngọn cỏ,
Anh lay chuyển lòng em
Rồi em sẽ yêu anh
Và không rời anh nữa.
Kế tiếp theo 4 tập Vêđa và có liên quan với Vêđa còn có các tác phẩm Bramana (Phạn thư), Araniaca (sách rừng rậm) Ypanisát (sách nghĩa sâu) v.v... Những sách này đều viết bằng văn xuôi, nội dung bao gồm những bài cầu nguyện, thần chú, những nghi thức cúng bái, những bài thuyết pháp, những lời giải thích triết lí trong kinh Vêđa chứ về văn học thì không có giá trị gì đáng kể.
b. Sử thi
Ấn Độ có hai bộ sử thi rất đồ sộ là Mahabharata và Ramayana.
Hai bộ sử thi này được truyền miệng từ nửa đầu thiên kỉ I TCN rồi được chép lại bằng khẩu ngữ, đến các thế kỉ đầu Công nguyên thì được dịch ra tiếng Xanxcrit.
Sử thi Mahabharata có 18 chương và 1 chương bổ sung tài liệu, gồm 220.000 câu. Đây là bộ sử thi dài nhất thế giới, so với cả hai bộ Iliat và Ôđixê của Hi Lạp cổ đại gộp lại còn dài hơn 8 lần. Tương truyền rằng người soạn lại bộ sử thi này là Viasa. Chủ đề của tác phẩm này là cuộc đấu tranh trong nội bộ một dòng họ để vương ở miền Bắc Ấn Độ. Bởi vậy tập thơ lấy tên là Mahabharata nghĩa là "Cuộc chiến tranh giữa con cháu Bharata".
Cốt truyện như sau: Ở thành phố Haxtinapua có một dòng họ vua chúa gọi là Curu vốn là con cháu của vua Bharata. Dòng họ này có hai anh em là Đritarattơra và Panđu. Vì người anh bị mù nên Panđu được làm vua. Đritarattơra có 100 con trai, gọi chung là anh em Curu, còn Panđu có 5 con trai, gọi chung là anh em Panđu.
Sau khi Panđu chết, anh em Curu và anh em Panđu chia đôi vương quốc. Nhưng vì muốn chiếm toàn bộ đất nước, anh em Curu đã thách anh em Panđu đánh bạc. Nhờ gian lận, anh em Curu thắng liên tiếp. Bị mất hết mọi của cải, anh em Panđu đặt phần đất nước của mình vào canh bạc nhưng cũng bị thua nốt. Theo lời giao hẹn, anh em Panđu bị trục xuất và phải trốn tránh trong 13 năm, không được để phía anh em Curu phát hiện.
Hết kì hạn, anh em Pandu trở về yêu cầu anh em Curu trả lại đất đai cho họ, nhưng bị từ chối, do đó một cuộc chiến tranh khốc liệt giữa hai bên bùng nổ. Sau 18 ngày đánh nhau dữ dội, hàng trăm triệu người bị tử trận, phe Curu chỉ có 3 người sống sót, cả 100 anh em Curu đều chết. Phe Panđu tuy thắng lợi nhưng cũng chỉ còn lại 6 người, trong đó có 5 anh em Panđu.
Xoáy vào cốt truyện ấy, bộ sử thi này đã miêu tả rất nhiều, cảnh khác nhau với những chi tiết li kì như cảnh ăn chơi xa hoa ở chốn cung đình, những cuộc tình duyên éo le nhưng chung thủy, những cảnh sinh hoạt trong xã hội lúc bấy giờ và đậm nét nhất là cảnh chiến đấu anh dũng nhưng vô cùng thảm khốc. Hơn nữa, cùng với thời gian, những câu chuyện như vậy không ngừng được bổ sung vào làm cho tác phẩm càng thêm phong phú.
Sử thi Ramayana có 7 chương, trong đó chương I và chương VII về sau mới thêm vào, gồm 48.000 câu. Tương truyền tác giả là Vanmiki. Chủ đề của tác phẩm này là câu chuyện tình duyên giữa hoàng tử Rama và người vợ chung thủy Sita.
Cốt truyện như sau: Trong thời Vêđa, vương quốc Côxala được sống trong cảnh thanh bình dưới sự trị vì của vua Đaxarađa. Người con trưởng của vua là Rama, một thanh niên thông minh dũng cảm và có đạo đức được vua chọn làm thái tử nối ngôi.
Gần đó, có một vương quốc khác là Viđêha, dân chúng cũng được an cư lạc nghiệp dưới quyền thống trị của vua Gianác. Bản thân vua cũng cầm cày cày ruộng. Một hôm nhà vua đang cày, bỗng thấy từ luống cày hiện lên một thiếu nữ xinh đẹp. Nhà vua đem về nuôi, đặt tên là Sita và coi như con. Khi Sita đến tuổi lấy chồng, nhà vua tổ chức một cuộc thi bắn cung để kén phò mã. Nhiều thanh niên tham dự cuộc thi, nhưng chỉ có Rama giương nổi cây cung của nhà vua. Rama được kết hôn với công chúa Sita.
Nhưng một ái phi của vua Đaxarađa vì ghen với hoàng hậu có con trai là Rama được làm thái tử nối ngôi nên yêu cầu vua đày Rama ra khỏi đất nước 14 năm.
Rama cùng Sita đến sống ở trong rừng. Một công chúa góa chồng một hôm dạo chơi trong rừng gặp Rama rồi đem lòng yêu chàng. Bị từ chối quyết liệt, nàng công chúa ấy tức giận nên bảo em trai mình là Ravan, vua nước Quỷ ở đảo Lanca bắt cóc Sita.
Nhờ sự giúp đỡ của vua nước Vượn là Xugriva, Rama tổ chức được một đội quân gồm toàn vượn và gấu. Theo lệnh của Rama, một cái cầu được xây dựng nối liền lục địa với đảo Lanca. Ngày nay, giữa Ấn Độ và Xri Lanca có những hòn đảo mà theo truyền thuyết của cư dân địa phương, đó chính là dấu vết của cái cầu ấy. Với đội quân vượn và gấu đó, Rama đánh bại vua nước Quỷ và cứu được Sita. Thời gian đi đày cũng hết, Rama trở về đất nước của mình và lên làm vua.
Chương cuối do người đời sau thêm vào kể tiếp rằng mặc dầu Sita đã thắng được cuộc thử lửa, Rama vẫn nghi ngờ nàng không giữ được trinh tiết với mình trong thời gian ở trong cung điện của Ravan, nên Rama đã đày vợ vào rừng. Tại đây, Sita sinh được 2 con trai và gặp Vanmiki người mà về sau trở thành tác giả của tập thơ. Lớn lên 2 người con ấy trở thành người đi hát rong và một hôm chúng đả hát cho Rama nghe bản trường ca Ramayana. Rama nhận ra con mình, sai sứ giả vào rừng đón Sita về cung. Sita được minh oan nhưng vẫn đau khổ vì đã bị chồng nghi ngờ nên biến vào lòng đất, người mẹ trước đây đã sinh ra nàng từ luống cày. Rama tiếp tục trị vi trong nhiều năm nữa, nhân dân được yên vui, nhưng bản thân ông phải sống trong cảnh buồn rầu cô độc.
Hai bộ sử thi Mahabharata và Ramayana là những công trình sáng tác của nhân dân Ấn Độ trong nhiều thế kỉ và là niềm tự hào của nhân dân Ấn Độ trong hai ngàn năm nay. Cho đến nay, các nhà văn, nghệ sĩ Ấn Độ thuộc các ngành thơ, kịch, họa, điêu khắc... vẫn tìm được ở trong hai tác phẩm vĩ đại ấy nhiều đề tài và cảm hứng để sáng tác.
Ngoài văn học tiếng Xanxcrit, còn có nhiều tác phẩm viết bằng các thứ ngôn ngữ khác, trong đó trước hết cần phải kể đến những tác phẩm viết bằng tiếng Pali về chủ đề Phật giáo.
c. Những tác phẩm của Caliđaxa
Caliđaxa là nhà thơ và nhà soạn kịch lớn nhất thời Gupta (thế kỉ V). Tác phẩm tiêu biểu nhất của ông là vở kịch Sơcuntla.
Vở kịch Sơcuntla phỏng theo một câu chuyện dân gian chép trong sử thi Mahabharata, nhưng đã được tác giả cải biên và thêm nhiều tình tiết. Nội dung của vở kịch miêu tả câu chuyện tình duyên giữa nàng Sơcuntla và vua Đusơnta, trải qua nhiều éo le trắc trở, cuối cùng hai người được đoàn tụ và hưởng hạnh phúc đời đời.
Tuy là nhà soạn kịch cung đình, lại chịu ảnh hưởng của đạo Bàlamôn, nhưng Caliđaxa đã thể hiện trong tác phẩm của mình tư tưởng tự do, chống lại lễ giáo khắt khe, lên án bản chất giả dối, lừa gạt, không chung thủy của giai cấp thống trị, và trên chừng mực nhất định đã chống quan niệm về đẳng cấp.
Sơcuntla và Caliđaxa là niềm tự hào của nhân dân Ấn Độ. Suốt 15 thế kỉ nay, Sơcuntla đã trở thành nguồn cảm hứng, nguồn đề tài của nhiều ngành nghệ thuật khác nhau của Ấn Độ như kịch, điện ảnh, họa, nhạc, vũ v.v... Không những ở Ấn Độ mà đối với thế giới, tác phẩm Sơcuntla cũng có một tiếng vang rất lớn.
Gớt nhà đại văn hào Đức đã không tiếc lời ca ngợi:
Nếu muốn có một tiếng ôm ấp được cả hoa mùa xuân và trái mùa thu,
Một tiếng làm đắm say nuôi dưỡng và thỏa mãn được tâm hồn
Nếu muốn có một tiếng bao gồm được cả trời đất,
Thì tôi gọi: Sơcuntla.
Tiếng đó nói lên tất cả.
Ngày nay Caliđaxa được xếp vào loại các nhà văn lớn của thế giới và năm 1957 ông đã được Hội đồng hòa bình thế giới tổ chức kỉ niệm.
d. Các tác phẩm văn học viết bằng các phương ngữ.
Từ cuối thế kỉ X về sau, ngoài văn học tiếng Xanxcrít đã xuất hiện nhiều tác phẩm văn học viết bằng các loại phương ngữ khác nhau.
Vào thế kỉ XIII, nhà thơ Tichcala đã dịch 15 chương trong bộ sử thi Mahabharata ra tiếng Têlugu, làm cho nền văn học cổ điển càng được phổ cập rộng rãi.
Đến thế kỉ XVI, XVII, dưới triều Môgôn, có một số nhà thơ đã sáng tác bằng tiếng Ba Tư. Tuy nhiên, phong phú nhất vẫn là nền văn học bằng tiếng Indi và các loại ngôn ngữ địa phương khác. Thiên trường ca Ramayana do Tunxi Đát viết bằng tiếng Indi là một tác phẩm nổi tiếng được nhân dân rất ưa thích.
Tập thơ Xuốc của nhà thơ mù Xuốc Đát viết bằng một loại phương ngữ khác trong tiếng Indi mà chủ để chính là chủ nghĩa anh hùng và tình yêu cũng là một tác phẩm có giá trị.
Những bài ca du dương, gợi cảm ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên Ấn Độ của ca sĩ kiêm nhà thơ Tanxen cũng rất nối tiếng. Ngoài ra, trong thời kì này còn có nhiều nhà thơ khác.
Đặc trưng chung của nền thi ca giai đoạn này là dùng ngôn ngữ dân gian chứ không dùng ngôn ngữ cung đình, sử dụng nhiều chất liệu trong văn học dân gian, phản ánh tâm tư nguyện vọng của quần chúng nên được nhân dân rất yêu thích.
-----------------------
Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Tổng quan về Ấn Độ cổ trung đại, những thành tựu chính của nền văn minh Ấn Độ về tổng quan về Ấn Độ cổ trung đại, những thành tựu chính của văn minh Ấn Độ...
Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn Tổng quan về Ấn Độ cổ trung đại, những thành tựu chính của nền văn minh Ấn Độ. Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm nhiều tài liệu Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học khác để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.